GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 08:36:33 14-11-2016 (GMT+7) Lượt xem:7080

Ý nghĩa cúng xuất sanh như thế nào? Và tại sao phải cúng như thế?

Hỏi: Kính thưa thầy, mỗi lần thọ trai ở quá đường, con thấy quý thầy gắp vài hạt cơm rồi thầm đọc kệ chú gì con không hiểu, sau đó có người bưng cái chung đó đem ra ngoài cúng cũng tụng đọc bài kệ và câu chú. Xin hỏi, việc làm nầy có ý nghĩa gì? Kính mong thầy hoan hỷ giải thích cho con hiểu. Kính cảm ơn thầy.

Đáp: Đây là nghi thức thọ trai cúng quá đường của chư Tăng, Ni. Theo nghi thức, thì sau khi tụng bài cúng dường đến phần "xuất sanh". Khi xuất sanh, thì thầy Duy na gắp bảy hạt cơm và tay bắt ấn cam lồ thầm đọc bài kệ và câu chú:
 
Pháp lực bất tư nghì
Từ bi vô chướng ngại
Thất liệp biến thập phương
Phổ thí châu sa giới
Quỷ tử mẫu khoáng dã
Thần kim sí điểu vương
Tất linh giai bảo mãn
Án độ lợi ích tóa ha (3 lần)
 
Tạm dịch:
 
Pháp lực không nghĩ bàn
Từ bi chẳng chướng ngại
Bảy hạt khắp mười phương
Cho khắp vô lượng cõi
Mẹ con quỷ đồng nội
Cánh vàng vua thần điểu
Hết thảy đều no đủ
Án độ lợi ích tóa ha (3 lần)
 
Ý nghĩa của bài kệ trọng tâm cũng chỉ nói lên cái tấm lòng từ bi vị tha của Phật, Bồ tát rộng lớn vô biên không có giới hạn. Khi gắp bảy hạt cơm, thì mình phải tập trung tâm ý, nghĩa là phải có chánh niệm để chú nguyện cho các loài đó. Mục đích là cho chúng được hưởng dụng ăn no đủ. Đó là pháp lực của Phật không thể nghĩ bàn. Vì có bảy hạt cơm mà bố thí châu biến pháp giới. Và tại sao phải là bảy hạt? Con số bảy nầy trong nhà Phật thường dùng lắm. Như cúng thất cũng cúng bảy ngày, Phật ra đời cũng đi bảy bước v.v... Tuy nhiên, với con số bảy nầy có nhiều thuyết luận giải khác nhau. Và người ta cho rằng không ai có thể giải thích tường tận ý nghĩa của nó được cả. Tùy theo quan niệm nhận thức hiểu biết của mỗi người mà người ta giải thích mỗi cách có khác nhau. Con số nầy không những trong nhà Phật hay thường đề cập đến mà ngay cả các lĩnh vực học thuyết khác cũng đều có đề cập đến. Bởi nó là một con số linh thiêng mầu nhiệm của vạn hữu vũ trụ. Trong nhà Phật có câu nói: "Pháp nhĩ như thị". Nó là thế ấy, xin đừng hỏi tại sao. Cũng như đừng hỏi tại sao lửa lại nóng và nước lại lạnh. Còn ấn cam lồ vì cam lồ là tượng trưng cho từ bi.
 
Một người tu hành, khi đã thể nhập sống trọn vẹn với bản tâm rồi, thì không thể dùng lời nói hay tâm lượng mà có thể suy nghĩ luận bàn đến được. Vì đó là cảnh giới ly ngôn, bặt hết mọi dấu vết. Sau khi chứng ngộ, thì sẽ phát sanh ra vô số diệu dụng làm lợi ích cho chúng sanh. Và những diệu dụng nầy cũng không thể suy lường được. Điều nầy với trình độ hiểu biết thô thiển hạ liệt như chúng ta thì không thể nào có thể thấu hiểu hết được?
 
Sau khi Thầy cả thầm đọc bài kệ và câu chú xuất sanh xong, bấy giờ chú thị giả (người hầu thầy) mới bưng cái chung (có chút nước và 7 hạt cơm) đến bàn nhỏ để cúng gọi là Tống thực. Chú thị giả tụng có âm điệu và lớn tiếng:
 
Đại bàng kim sí điểu
Khoáng dã quỷ thần chúng
La sát quỷ tử mẫu
Cam lồ tất sung mãn
Án mục đế tóa ha (3 lần)
 
Tạm dịch:
 
Chim đại bàng cánh vàng
Chúng quỷ thần hoang dã
Mẹ con quỷ La Sát
Cam lồ đều no đủ
Án mục đế tóa ha (3 lần)
 
Tôi xin giải thích đại khái qua từng câu của bài kệ đó để cho Phật tử hiểu rõ thêm.
 
Đại bàng kim sí điểu: Nghĩa là con chim đại bàng có cánh vàng. Kim là vàng, sí là cánh, điểu là chim. Con chim nầy, tiếng Phạn gọi là Ganruda, phiên âm Ca lâu la, còn gọi là diệu sí điểu, một loài chim thần to lớn, hung dữ có lông màu vàng. Loại chim nầy chúng hay đi kiếm loài rồng để ăn thịt. Đó là nghiệp báo của chúng. Có lần chim sí điểu đuổi bắt rồng, rồng hoảng sợ ẩn trốn dưới tòa sen của Đức Phật và nó xin Phật từ bi cứu mạng. Đức Phật dùng oai thần che chở rồng và đồng thời, Phật giảng một bài pháp cho kim sí điểu nghe, hầu để hóa giải oan gia nghiệp chướng truyền kiếp lâu đời của hai loài nầy. Sau khi nghe Phật giảng dạy thì kim sí điểu phát tâm quy y Tam bảo, trở thành một trong tám bộ chúng ủng hộ Phật pháp. Theo truyền thuyết, lúc Đức Phật thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa ở nói Linh Thứu thì có rất nhiều loài chim nầy đến dự nghe.
 
Khoáng dã quỷ thần chúng: Quỷ thần, tiếng Phạn gọi là Tavika, phiên âm A thác bạt câu, Hán dịch là "lâm nhân". Loại quỷ thần nầy chúng thường cư trú ở những nơi đồng không mông quạnh, rừng rú hoang vắng, ưa ăn thịt uống máu chúng sanh. Về sau được Đức Phật cảm hóa chúng nên chúng từ bỏ nghiệp ác và sống nhờ vào sự cúng thí thực phẩm cho chúng hưởng dụng. Cho nên Phật dạy, người xuất gia mỗi khi thọ trai phải nhớ cúng thí cho chúng. Nếu không, thì chúng phải chịu đói khát khổ sở.
 
La sát quỷ tử mẫu: La sát tiếng Phạn gọi là Raksha, Hán dịch là khả quý, tốc tật quỷ, hộ giả. Theo thần thoại Ấn Độ, la sát là loài ác quỷ. Nam la sát có hình thù đen thui xấu xí, tóc đỏ mắt xanh. Nữ La sát thì hình tướng xinh đẹp, quyến rũ. Loài nầy, chúng thích ăn thịt uống máu huyết tanh hôi. Chúng có thần thông thường phi hành trong hư không, đi nhanh trên mặt đất. La sát còn chỉ cho loài quỷ mang đầu trâu, ngựa coi việc trừng phạt ở địa ngục.
 
Quỷ tử mẫu, tiếng Phạn gọi là Hriti, Há lợi đế, Hán dịch là tử mẫu, quỷ mẹ của năm trăm quỷ con, là vợ của ác thần. Loài nầy do sân hận nên phát lời thề độc là chuyên đi tìm ăn thịt trẻ sơ sinh trong thành Vương xá, nên bị đọa thành Dược Xoa. Đức Phật vì muốn độ chúng nên dùng thần thong giấu mất đứa con mà chúng yêu quý nhất. Bấy giờ, quỷ mẹ thương nhớ con khóc la gào thét cầu khẩn van xin thảm thiết. Chúng khẩn cầu Đức Phật cứu giúp cho. Đức Phật dạy, Bà có đến 500 đứa con nay chỉ mất có một đứa, sao Bà lại đau buồn khổ lụy đến như thế? Như vậy, bà thử nghĩ những bà mẹ ở trong thành Vương xá nầy, khi mất con thì họ sẽ đau buồn khổ sở bi lụy đến như thế nào?! Quỷ mẹ nghe Phật dạy, liền tỉnh ngộ cầu xin Phật sám hối và nguyện từ nay trở đi bảo hộ những phụ nữ sanh sản và các đứa trẻ sơ sanh cho mọi người được an lành.
 
Cam lồ tất sung mãn: Cam lồ (lộ) tiếng Phạn là Amrta, nghĩa là sương ngọt, chỉ cho thức ăn quý báu của chư thiên. Khi ăn vào thì sẽ được trường sanh bất tử . Hai chữ cam lồ còn tượng trưng cho ý nghĩa từ bi. Dùng chất cam lồ ngọt mát để tưới tẩm xoa dịu những nỗi đau khổ cho chúng sanh. Tất sung mãn nghĩa là tràn đầy. Lòng từ bi của chư Phật, Bồ tát lúc nào cũng tràn đầy khắp cả.
 
Tóm lại, ý nghĩa của bài kệ trên là nói lên tấm lòng từ bi vô lượng vô biên của Đức Phật. Ngài đã dùng lòng từ bi (dụ như nước cam lồ) để hóa độ cho các loài hung dữ trở thành hiền hòa. Và những loài hung dữ nầy sau khi đã được Đức Phật hóa độ, chúng phát nguyện luôn ủng hộ Phật pháp, đồng thời còn bảo hộ cho những bà mẹ và các trẻ em sơ sanh, như mẹ La sát chẳng hạn. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, chỉ có từ bi mới có thể hóa giải xóa tan mọi tranh chấp hận thù. Đó là ý nghĩa của việc cúng "Xuất sanh" và "Tống thực" vậy.
Tạng Thư Phật Học

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu