GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 04:42:26 27-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:3068

Kỳ 3:HT.Thích Hiển Pháp nói về Phật giáo sau giải phóng

GN - Trong căn phòng giản dị tại chùa Hưng Phước (Q.3, TP.HCM), HT.Thích Hiển Pháp, Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN, ngồi trầm ngâm trước ti-vi theo dõi thời sự. Năm nay 87 tuổi, Hòa thượng đã trải qua nhiều vị trí lãnh đạo Giáo hội cũng như xã hội. Nói về tình hình Phật giáo sau ngày thống nhất đất nước, Hòa thượng kể lại:

trang 3.jpg
HT.Thích Hiển Pháp

“Tôi nhớ vào năm 1976, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP.HCM được thành lập. Cùng thời gian này, Phật giáo hai miền Nam Bắc đã có dịp gặp gỡ nhau cũng tại thành phố này trong Hội nghị Hiệp thương nhằm thảo luận đi đến thống nhất Phật giáo VN. Đó là vì sau ngày 30-4-1975, nước nhà thống nhất, đây cũng là cơ hội lớn cho Phật giáo VN được thống nhất trong ‘ngôi nhà chung’. Cũng trong năm 1976 này, tôi được UBMTTQVN TP.HCM giới thiệu tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên sau giải phóng, khóa VI, nhiệm kỳ 1976-1981. Tôi trở thành tu sĩ Phật giáo đầu tiên ở phía Nam ngồi ghế nghị trường.

Năm 1979, Phật giáo thành phố tham gia hai phong trào yêu nước do UBMTTQVN TP.HCM phát động. Đó là phong trào “Xây dựng tuyến phòng thủ thành phố”, đối phó với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và phong trào “Vì tuyến đầu Tổ quốc”, hướng về các tỉnh phía Bắc đang bị quân Trung Quốc xâm lược. Phải nói hai phong trào này, Tăng Ni Phật tử thành phố tham gia rất sôi nổi. Riêng 11 ngày đêm ở hiện trường xây dựng tuyến phòng thủ thành phố, chư Tăng tham gia lao động khẩn trương, hình ảnh ấy thật khó quên.

Cho đến đầu Xuân Canh Thân 1980, Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN (Ban Vận động) được thành lập. Tôi tuy không tham gia thành phần trong Ban Vận động nhưng biết khá rõ, vì lúc đó tôi là Phó Chủ tịch Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước TP, HT.Thích Minh Nguyệt là Chủ tịch kiêm Phó ban Vận động.

Để thành lập được Ban Vận động, ngoài nỗ lực tự thân của quý tôn túc Hòa thượng, Thượng tọa, còn có sự thể hiện trách nhiệm chung của các vị lãnh đạo Đảng, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Sự phối hợp này đã tạo tiền đề cho những bước đi tích cực của Ban Vận động trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với các hệ phái, tổ chức Phật giáo sau này.

Ngoài HT.Thích Trí Thủ là Trưởng ban, bên cạnh các vị Hòa thượng là Phó ban còn có Ban Thư ký mà Chánh Thư ký là TT.Thích Minh Châu, 2 Phó Thư ký là TT.Thích Thanh Tứ và TT.Thích Từ Hạnh.

TT.Thích Từ Hạnh đã cùng với Ban Thư ký có nhiều công sức đóng góp lớn như soạn thảo, hoàn thành các văn bản ban đầu và khởi thảo văn kiện của Ban Vận động trong việc phổ biến các chủ trương mà Ban Vận động thực hiện.

Sự kiện thống nhất Phật giáo VN mà đỉnh cao là Hội nghị đại biểu Thống nhất Phật giáo VN ngày 4-11 đến 7-11-1981 tại Hà Nội được xem là sự kiện lớn lao nhất của Phật giáo nước nhà từ sau giải phóng, mở ra một chương mới cho GHPGVN trên lộ trình đi tới”.

HT.Thích Hiển Pháp
(Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN)

Trần Đức ghi

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu