GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 09:07:39 13-10-2023 (GMT+7) Lượt xem:1637

CÂU HỎI KHẢO HẠCH GIỚI TỬ ĐẠI GIỚI ĐÀN MINH NGUYỆT

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

BAN TRỊ SỰ

ĐẠI GIỚI ĐÀN MINH NGUYỆT

 

CÂU HỎI KHẢO HẠCH GIỚI TỬ TỲ KHEO

I) PHẦN KINH:

  1. Tại sao phải tụng kinh?

Đáp: Tụng kinh để thấu hiểu nghĩa lý của Phật dạy (minh Phật chi lý) từ đó, ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày giúp tịnh hoá thân tâm, ngăn ngừa tội lỗi, gieo trồng các hạt giống từ bi, trí tuệ.

  1. Tại sao phải xưng tán và đảnh lễ Tam bảo?

Đáp: Xưng tán và đảnh lễ Tam bảo là để xác định niềm tin và lý tưởng, đồng thời nói lên rằng việc tu tập, tụng kinh của chúng ta không vì mục đích gì khác mà chỉ hướng đến Giác ngộ giải thoát.

  1. Tứ sanh (bốn loài) gồm những loài nào?

Đáp: Noãn sanh (loài sanh bằng trứng), thai sanh (loài sanh bằng bào thai), thấp sanh (loài sanh từ nơi ẩm thấp) và hóa sanh (loài sanh ra từ sự biến hóa).

  1. “Ngũ thể đầu địa lễ” là gì?

Đáp: “Ngũ thể đầu địa lễ” là lễ bái bằng cách gieo năm vóc sát đất. Khi lạy, năm chi phần gồm đầu, hai tay và hai gối sát tận đất để thể hiện sự cung kính đối với Tam bảo.

  1. Năng lễ, sở lễ là gì?

Đáp: Năng lễ là người lễ bái; sở lễ là đối tượng được lễ bái tức là chư Phật, Bồ-tát và Thánh hiền.

  1. Tổng trì là gì? Có mấy loại?

Đáp: Tổng trì là dịch nghĩa của từ Đà-la-ni, có nghĩa là nắm giữ, duy trì và ngăn ngừa. Có 4 loại tổng trì: Pháp tổng trì, nghĩa tổng trì, chú tổng trì và nhẫn tổng trì.

  1. Theo bài tựa chú Lăng Nghiêm, làm thế nào để báo ân đức của chư Phật?

Đáp: Để báo ân đức của chư Phật thì phải đem tâm thâm diệu (cầu Phật quả, độ chúng sanh) phụng sự khắp cả mười phương. (Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân).

  1. Trong bài tựa chú Lăng Nghiêm, Ngài A-nan phát nguyện điều gì?

Đáp: Ngài A-nan phát nguyện: Đời ác năm trược xin thề vào trước để cứu độ chúng sanh. Nếu như có người nào chưa thành Phật thì con nguyện chưa thành Chánh giác (Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, như nhất chúng sanh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê-hoàn).

  1. Hãy đọc đoạn đầu Đệ Tam hội của Chú Lăng Nghiêm

Đáp: Rɑ xà bà dạ, chủ rɑ bạt dạ, a kỳ ni bà dạ, ô đà cɑ bà dạ, tỳ xɑ bà dạ, xá tát đɑ rɑ bà dạ, bà rɑ chước yết rɑ bà dạ, đột sắc xoɑ bà dạ, a xá nể bà dạ, a cɑ rɑ mật rị trụ bà dạ, đà rɑ ni bộ di kiếm, bɑ già bɑ đà bà dạ, ô rɑ cɑ bà đɑ bà dạ, lặc xà đàn trà bà dạ, nɑ dà bà dạ, …

  1. Bài chú thứ năm trong Thập chú tên là gì? Hãy đọc một đoạn.

Đáp: Đó là bài “Thánh Vô Lượng Thọ quyết định quang minh vương đà-la-ni.”

Án, nại ma ba cát ngỏa đế, a ba ra mật đạp, a ưu rị a nạp, tô tất nể, thiệt chấp đạt, điệp tá ra tể dã, đát tháp cả đạt dã, a ra ha đế, tam dược tam bất đạt dã, đát nể dã tháp. Án, tát rị ba, tang tư cát rị, bót rị thuật đạp, đạt ra mã đế, cả cả nại, tang mã ngột cả đế, ta ba ngỏa, tỷ thuật đế, mã hắt nại dã, bát rị ngỏa rị tá hắt.

  1. Trong Bát-nhã m Kinh, Bồ-tát Quán Tự Tại làm gì để vượt qua mọi khổ ách?

Đáp: Bồ-tát Quán Tự Tại thực hành trí tuệ ba-la-mật một cách thâm sâu soi thấy rõ năm uẩn đều không, liền vượt qua mọi khổ.

  1. “Hòa-nam thánh chúng” có nghĩa gì?

Đáp: Hòa-nam có nghĩa là cung kính, lễ bái; Thánh chúng là các vị Phật, Bồ-tát, La-hán. Như vậy, “Hòa nam thánh chúng” có nghĩa là: Con xin cúi đầu đảnh lễ các bậc Thánh.

  1. Tam đồ là gì? Hãy kể ra?

Đáp: Tam đồ là ba đường khổ, gồm: Hỏa đồ (địa ngục), đao đồ (ngạ quỷ), huyết đồ (súc sanh).

  1. Vì sao cõi nước của đức Phật A-di-đà được gọi là Cực Lạc?

Đáp: Vì cõi nước đó không có các khổ, chỉ toàn hưởng thọ an vui.

  1. Theo kinh A-di-đà, tên đức Phật A-di-đà có nghĩa gì? Hãy giải thích.

Đáp: Tên đức Phật có nghĩa là Vô lượng thọ, Vô lượng quang.

– Vô lượng thọ nghĩa là thọ mạng của đức Phật A-di-đà lâu dài đến vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp.

– Vô lượng quang nghĩa là ánh sáng từ thân của đức Phật A-di-đà chiếu khắp mười phương cõi nước, không bị chướng ngại.

  1. Đức Phật A-di-đà thành Phật đến nay được bao nhiêu kiếp?

Đáp: Đức Phật A-di-đà thành Phật đến nay đã được mười kiếp.

  1. Theo kinh A-di-đà, điều kiện nào để được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc?

Đáp: Phải hội đủ ít nhất hai  điều kiện: 1. Phải gieo trồng đầy đủ thiện căn, phước đức và nhân duyên; 2. Phải niệm Phật đến nhất tâm bất loạn.

  1. Theo Hồng Danh Bảo Sám, thế nào là phát tâm chơn chánh?

Đáp: Là phát Bồ-đề tâm không vì mong cầu phước báo trời người, Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát quyền thừa, chỉ nương vào tối thượng thừa, nguyện cùng pháp giới chúng sanh đồng trong một lúc chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

  1. Mở đầu kinh Di Giáo, Đức Phật dạy chúng Tỳ-kheo nên làm gì sau khi Ngài diệt độ?

Đáp: Đức Phật dạy các Tỳ-kheo phải tôn trọng, trân kính Ba-la-đề-mộc-xoa (Biệt giải thoát).

  1. Trong Kinh Di Giáo, đức Phật dạy vị Tỳ-kheo phải có thái độ gì khi thọ dụng đồ ăn, thức uống?

Đáp: Đức Phật dạy Tỳ-kheo hãy coi việc thọ dụng đồ ăn, thức uống như uống thuốc: ngon không ham, dở không bỏ, vừa đủ duy trì cơ thể cho khỏi đói khát.

  1. Theo kinh Di Giáo, người ít ham muốn sẽ được lợi ích gì?

Đáp: Người ít ham muốn thì lòng bình thản, không lo sợ, gặp cảnh ngộ nào cũng thấy thừa thãi, không bao giờ có cảm giác thiếu thốn. Có ít ham muốn là có Niết-bàn.

  1. Theo kinh Di Giáo, chế ngự tâm được lợi ích gì?

Đáp: Chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành tựu (Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện).

  1. Theo kinh Thập Thiện, vì sao sắc thân các vị Bồ-tát được thắng diệu, trang nghiêm?

Đáp: Vì nhờ tu tập phước đức, thiện nghiệp.

  1. Mười nghiệác là gì?

Đáp: 1. Sát sanh, 2. Trộm cắp, 3. Tà dâm, 4. Nói dối, 5. Nói lời hai lưỡi, 6. Nói thêu dệt, 7. Nói ác độc, 8. Tham dục, 9. Sân hận, 10. Si mê.

  1. Hãy kể tên Bát chánh đạo (con đường giác ngộ có 8 nhánh).

Đáp: Bát chánh đạo gồm: 1. Chánh kiến, 2. Chánh tư duy, 3. Chánh ngữ, 4. Chánh nghiệp, 5. Chánh mạng, 6. Chánh tinh tấn, 7. Chánh niệm, 8. Chánh định.

 

II) PHẦN LUẬT:

  1. Sa-di nghĩa là gì?

Đáp: Sa-di là tiếng Phạn, dịch là “Tức từ”, nghĩa là dứt ác làm lành, dứt sự nhiễm ô của thế tục mà hành từ bi cứu độ chúng sanh. Cũng còn có nghĩa là “Cần sách” và “Cầu tịch”.

  1. Sa-di có mấy bậc (phẩm)?

Đáp: Có ba bậc, gồm: 1. Khu ô sa-di, từ 7 tuổi đến 13 tuổi; 2. Ứng pháp sa-di, từ 14 tuổi tới 19 tuổi; 3. Danh tự sa-di, từ 20 tuổi trở lên.

  1. Vì sao gọi là Ứng pháp sa-di?

Đáp: Vì tuổi này có thể thực hành được hai pháp tròn đầy, đó là: 1. Có thể hầu Thầy và chấp lao phục dịch, 2. Có khả năng tu tập thiền định.

  1. Phải đủ bao nhiêu tuổi mới được thọ giới Tỳ-kheo? Nếu đủ tuổi nhưng không thông hiểu luật lệ của Sa-di thì có được thọ giới Tỳ-kheo không?

Đáp: Tuổi phải đủ hai mươi (20 tuổi). Nhưng nếu không thông hiểu luật lệ của một vị Sa-di thì không được thọ giới Tỳ-kheo.

  1. Trong Sa-di Luật Nghi Yếu Lược, Đức Phật dạy người xuất gia cần phải làm gì?

Đáp: Phật dạy người xuất gia, 5 hạ về trước chuyên ròng giới luật, 5 hạ về sau mới nên thính giáo tham thiền.

  1. Hãy đọc bài kệ Tẩy thủ

Đáp: Dĩ thủy quán chưởng, đương nguyện chúng sanh, đắc thanh tịnh thủ, thọ trì Phật pháp. Án chủ ca ra da tá ha (3 lần)

  1. Hãy đọc bài kệ Đại Y

Đáp: Thiện tai giải thoát phục, vô thượng phước điền y, phụng trì Như Lai mạng, quảng độ chư chúng sanh. Án ma ha ca bà ba tra tất đế tá ha (3 lần).

  1. Sa-di cần có bao nhiêu đức? Hãy kể ra?

Đáp: Sa-di cần có 5 đức, đó là: 1. Phát tâm xuất gia, vì cảm bội Phật pháp; 2. Hủy bỏ hình đẹp, vì thích ứng pháp y; 3. Cát ái từ thân, vì không còn thân sơ; 4. Không kể thân mạng, vì tôn sùng Phật pháp; 5. Chí cầu đại thừa, vì hóa độ mọi người. (Nhất giả phát tâm xuất gia, hoài bội đạo cố; nhị giả hủy kỳ hình hảo, ứng pháp phục cố; tam giả cát ái từ thân, vô thích mạc cố; tứ giả hủy khí thân mạng, tôn sùng đạo cố; ngũ giả chí cầu đại thừa, vị độ nhân cố.)

  1. Khi nào gọi là ăn trộm?

Đáp: Khi mình lấy những đồ vật mà người ta không cho hoặc chưa cho (bất dữ nhi thủ) thì gọi là ăn trộm.

  1. Tại sao người xuất gia phải đoạn hẳn dâm dục?

Đáp: Tại vì dâm dục là cái nhân sanh tử luân hồi.

  1. Nối dối có mấy loại? Hãy kể ra?

Đáp: Nói dối có bốn loại. Đó là: 1. Nói dối (vọng ngôn), 2. Nói thêu dệt (ỷ ngữ), 3. Nói lời ác độc (ác khẩu) 4. Nói lời ly gián (lưỡng thiệt).

  1. Vì sao người xuất gia không được uống rượu?

Đáp: Vì rượu làm trợ duyên sinh ra các tội lỗi và mất giống trí tuệ.

  1. Trường hợp nào thấy bậc đại Sa-môn đi ngang qua mà không cần phải đứng dậy xá chào?

Đáp: Trường hợp đang đọc kinh, khi bị bệnh, khi đang cạo tóc, khi đang ăn cơm, khi làm việc Tăng chúng.

  1. Đứng hầu Thầy như thế nào mới phải lễ?

Đáp: Hầu thầy, không được đứng đối diện, không được đứng chỗ cao, không được đứng quá xa; phải đứng sao để thầy nói nhỏ mình nghe được, khỏi phí sức thầy.

  1. Phàm là đệ tử, nếu có phạm giới thì phải làm sao?

Đáp: Nếu có phạm giới thì không được che giấu mà phải mau đến trước Thầy cầu xin sám hối. Thầy chấp nhận thì tận tình phát lộ, chân thành hối cải để được thanh tịnh trở lại.

  1. Ở trong chúng, gặp việc lớn khó nhẫn thì phải làm sao?

Đáp: Nếu gặp việc lớn khó nhẫn thì cũng phải giữ tâm bình tĩnh ôn hòa, dùng lý lẽ mà nói chuyện; nói không được thì rời đi.

  1. Chắp tay như thế nào mới đúng?

Đáp: Khi chắp tay, không để mười ngón so le, không được rỗng ở giữa, không đưa ngón tay cắm vào lỗ mũi, phải để tay ngang ngực, cao thấp vừa chừng.

  1. Nếu muốn thưa hỏi Phật pháp với Thầy thì phải làm gì?

Đáp: Nếu muốn thưa hỏi Phật pháp thì phải chỉnh sửa y phục, lễ bái, rồi quỳ xuống chắp tay thưa hỏi. Thầy có lời chỉ dạy thì phải lắng nghe và ghi nhớ kỹ.

  1. Theo Quy Sơn Cảnh Sách, người xuất gia phi có lý tưởng như thế nào?

Đáp: Là người xuất gia thì phải cất bước tới phương trời cao rộng, tâm hình phải khác tục, làm hưng thịnh dòng Thánh, nhiếp phục ma quân để báo đáp án bốn ân và cứu giúp ba cõi. (Phù xuất gia giả, phát túc siêu phương tâm hình dị tục, thiệu long Thánh chủng, chn nhiếp ma quân, dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu.)

  1. Theo Qui Sơn Cảnh Sách, khi đi xa phi như thế nào?

Đáp: Đi xa phải nương bạn lành, luôn giữ mắt tai (sáu căn) thanh tịnh. (Viễn hành yếu giả lương bằng, sát sát thanh ư nhĩ mục).

  1. “Yết-ma” có nghĩa là gì?

Đáp: Yết-ma là phiên âm từ tiếng Phạn, dịch là “Tác pháp biện sự”, nghĩa là lập phương tiện để giải quyết một sự việc của chúng Tăng trong sự hòa hợp và thanh tịnh.

  1. Tam tụ tịnh gii là gì? Hãy kể ra? 

Đáp: Tam tụ tịnh giới là ba nhóm giới pháp của Đại thừa, gồm có: 1. Nhiếp luật nghi giới, 2. Nhiếp thiện pháp giới và 3. Nhiêu ích hữu tình giới.

  1. Đức Phật bắt đầu chế giới từ khi nào?

Đáp: Đức Phật chế giới vào năm thứ 13 sau khi Ngài thành đạo.

  1.  Vì sao gọi là Biệt giới? Có bao nhiêu loại?

Đáp: Biệt giới là những giới điều riêng biệt của hàng tại gia và xuất gia thuộc giới Thanh văn. Có bảy loại:

  1. Giới Tỳ-kheo
  2. Giới Tỳ-kheo Ni
  3. Giới Thức-xoa-ma-na
  4. Giới Sa-di
  5. Giới Sa-di Ni
  6. Bát quan trai giới
  7. Ngũ giới.

25. Thế nào là tánh giới, giá giới?

Đáp: Tánh giới là những giới mà bản chất của nó vốn là ác, dẫu xuất gia hay tại gia đều không chấp nhận nó, như sát, đạo, dâm, vọng. Giá giới là những giới mà bản chất không phải là ác nhưng đức Phật chế ngăn vì hai mục đích: a. Ngăn sự chê cười của thế gian; b. Ngăn sự phạm trọng giới.

 

III. PHẦN LUẬN:

Câu 1: Nhân duyên là gì? Hãy liệt kê 12 chi phần Nhân duyên.

Đáp: Nhân duyên là nguồn gốc của mọi sự vật, hiện tượng, được sinh ra trên thế giới. 12 chi phần Nhân duyên gồm: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão-tử.

Câu 2: Tam vô lậu học là gì?

Đáp: Tam vô lậu học là môn học thù thắng, giúp hành giả diệt trừ phiền não, gồm: Giới, Định và Tuệ.

Câu 3: Thế nào là bát nạn? Kể ra

Đáp: Là 8 thứ chướng nạn gồm có:

  • Nạn ở địa ngục
  • Nạn ở trong quỷ đói
  • Nạn súc sinh
  • Nạn sinh lên cõi trời sống lâu, cõi trời này sống lâu trăm kiếp
  • Nạn sinh ở xứ Bắc-câu-lô (còn gọi là Uất đơn việt), dịch là nơi sung sướng, tham đắm dục lạc
  • Nạn đui điếc câm ngọng
  • Nạn thế trí biện thông
  • Nạn sinh trước Phật và sau Phật.

Câu 4: A-la-hán có mấy nghĩa? Kể ra?

Đáp: A-la-hán có 3 nghĩa:

  • Sát tặc (giết giặc): A-la-hán có khả năng đoạn trừ các hoặc kiến, tư trong ba cõi. Cho nên gọi là giết giặc (phiền não).
  • Vô Sanh: A-la-hán chứng vào Niết-bàn, không còn phải chịu cái khổ của sự sinh tử trong ba cõi nữa, cho nên gọi là bất sinh.
  • Ứng Cúng: A-la-hán đã được lậu tận, dứt trừ tất cả các phiền não, xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của trời, người.

Câu 5. Tam tư lương của pháp môn Tịnh độ là gì?

Đáp: Tín, nguyện, hạnh.

Câu 6. Tỳ-kheo có mấy nghĩa, kể tên?

Đáp:  Có 3 nghĩa: Khất sĩ, phá ác, bố ma.

Câu 7: Thế nào là kiến hoặc

Đáp: là chỉ cho những phiền não được đoạn diệt khi tiến lên giai vị kiến đạo. Kiến hoặc bao gồm: Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm thủ.

Câu 8. Thế nào là tư hoặc?

Đáp: là những phiền não được đoạn diệt khi tiến lên giai vị tu đạo, thì gọi là Tu hoặc (hay Tư hoặc). Tư hoặc bao gồm: tham, sân, si, mạn và nghi.

Câu 9: Tứ quả thanh văn là gì? Gồm những quả vị nào?

Đáp: Chỉ cho 4 quả vị mà hàng Thanh văn thuộc tiểu thừa chứng được, gồm: Tu-đà-hoàn (Dự lưu, nhập lưu, thất lai), Tư-đà-hàm (Nhất lai), A-na-hàm (Bất lai) và A-la-hán (Vô sanh).

Câu 10: Bát chánh đạo là gì? Hãy kể ra?

Đáp: Là tám con đường chân chánh đạt tới Niết-bàn. Cũng gọi là Bát thánh đạo, Gồm có:

  • Chánh kiến
  • Chánh tư duy
  • Chánh ngữ
  • Chánh nghiệp
  • Chánh mạng
  • Chánh tinh tấn
  • Chánh niệm
  • Chánh định.

Câu 11. Lục hoà là gì? Hãy kể ra?

Đáp: Lục hòa là sáu phép hòa kính gồm:

  • Thân hòa cộng trụ
  • Khẩu hòa vô tránh
  • Ý hòa đồng sự
  • Giới hòa đồng tu
  • Kiến hòa đồng giải
  • Lợi hòa đồng quân.

Câu 12. Tứ sanh là gì? Hãy kể ra.

Đáp: Chỉ cho 4 loại chúng sanh khác nhau của chúng hữu tình trong 6 đường thuộc 3 cõi. Gồm có:

  • Noãn sanh: loại sanh ra từ trứng.
  • Thai sanh: loại sanh ra từ thai mẹ
  • Thấp sanh: loại sanh ra từ khí ẩm thấp tại những chỗ ướt át.
  • Hóa sanh: do nghiệp quá khứ mà hóa sanh, như hữu tình ở các cõi trời, địa ngục.

Câu 13. Tam thân là gì? Kể ra?

Đáp: Tam thân cũng gọi là tam thân Phật. Bao gồm: Pháp thân, báo thân và ứng thân.

Câu 14: Tứ tất đàn là gì? Kể tên?

Đáp: Tứ tất đàn là chỉ cho giáo pháp mà Đức Phật sử dụng để giáo hóa, dẫn dắt chúng sanh. Gồm có:

  • Thế giới tất đàn
  • Vị nhân tất đàn
  • Đối trị tất đàn
  • Đệ nhất nghĩa tất đàn

Câu 15. Ngũ nhãn là gì? Kể ra?

Đáp: Chỉ cho 5 loại mắt. Gồm:

  • Nhục nhãn:
  • Thiên nhãn:
  • Tuệ nhãn:
  • Pháp nhãn:
  • Phật nhãn:

Câu 16. Thế nào là lục độ? Kể ra.

Đáp: Lục Độ hay còn gọi là Lục Ba-la-mật, là sáu đại hạnh của Bồ-tát đưa đến cứu cánh viên mãn (tự độ và độ tha viên mãn hay tự giác giác tha giác hạnh viên mãn). Lục độ gồm có:

  • Bố thí.
  • Trì giới.
  • Nhẫn nhục.
  • Tinh tấn.
  • Thiền định.
  • Trí tuệ.

Câu 17. Bồ tát được dịch là gì? Giải thích ý nghĩa?

Đáp: Dịch là Giác hữu tình. Giác là giác ngộ, hữu tình tức là chúng sanh. Là bậc dùng Phật pháp để giúp chúng sanh tỏ ngộ, xa lìa biển khổ.

Câu 18. Thế nào là tam luân không tịch?

Đáp: Là pháp Bố thí mà không thấy người cho, không thấy người nhận và không thấy vật được cho hay được nhận.

Câu 19. Thất thánh tài là gì? Kể ra.

Đáp: Chỉ cho 7 Thánh pháp để thành tựu Phật đạo.

  • Tín: Tin nhận chánh pháp
  • Giới: Giữ gìn giới luật
  • Tàm: Tự hổ thẹn không dám làm các việc xấu ác
  • Quí: Tâm sinh hổ thẹn với chính mình khi làm điều bất thiện
  • Văn: Có khả năng nghe chánh pháp
  • Thí: Lìa bỏ tất cả không đắm trước
  • Tuệ: Trí tuệ chiếu soi rõ các pháp.

Câu 20. Tứ châu thiên hạ gồm những châu nào?

Đáp:

  • Đông-thắng-thần Châu
  • Tây-ngưu-hóa châu
  • Nam-thiệm-bộ châu
  • Bắc-Câu-lô châu

Câu 21. Thất giác chi là gì? Kể ra.

Đáp: Thuộc bảy hành pháp trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Gồm: Niệm giác chi, Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chi, Hỷ giác chi, Khinh an giác chi, Định giác chi và Xả giác chi.

Câu 22. Bát-nhã được dịch là gì? Có mấy loại.

Đáp: Dịch là Trí tuệ gồm 3 loại:

  • Văn tự Bát-nhã
  • Quán chiếu Bát-nhã
  • Thực tướng Bát-nhã

Câu 23. Ngũ uẩn là gì? Hãy kể ra?

Đáp: Năm nhóm tích tụ tất cả pháp hữu vi theo từng loại khác nhau, gồm: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn và Thức uẩn.

Câu 24. Tứ niệm xứ gồm những gì?

Đáp: Gồm: Thân, thọ, tâm, pháp.

Câu 25. Ngũ trược là gì? Hãy kể ra?

Đáp: Chỉ cho 5 thứ cặn đục nổi lên trong kiếp giảm gồm:

  • Kiếp trược
  • Kiến trược
  • Phiền não trược
  • Chúng sinh trược
  • Mạng trược

IV) PHẦN GIÁO SỬ:

Câu 1: Thái tử Tất-đạt-đa đản sanh vào thời gian nào, tại đâu?

Đáp: Thái tử Tất-đạt-đa đản sanh ngày rằm tháng 4 (Vesakha) năm 624 trước Công Nguyên, dưới cội cây Vô Ưu tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini), kinh thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) thuộc miền Trung Ấn Độ.

Câu 2. Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia vào thời gian nào?

Đáp: Thái tử rời thành Ca-tỳ-la-vệ xuất gia vào ngày rằm tháng 02 năm 605 trước CN (theo Bắc truyền), năm 595 trước CN (theo Nam truyền).

Câu 3: Hãy cho biết hai vị đạo sư nổi tiếng mà Thái tử Tất-đạt-đa đã tham học trong khi tầm đạo?

Đáp: Đó là ông A-đa-la Già-đà-na (Alara Kalama) chứng Vô sở hữu xứ định và Uất-đầu-lam-phất (Uddaka Ramaputta) chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Câu 4: Thái tử Tất-đạt-đa thành đạo vào thời gian nào? Tại đâu? Lúc đó Ngài bao nhiêu tuổi?

Đáp: Thái tử thành đạo vào ngày rằm tháng 12 năm 594 trước Công Nguyên (theo Bắc Truyền), năm 589 trước Công Nguyên (theo Nam Truyền). Ngài thành đạo tại cội Bồ-đề, bên dòng sông Ni-liên-thiền (Neranjara), xứ Ma-kiệt-đà (Magadha). Lúc đó, ngài 30 tuổi (theo Bắc truyền), 35 tuổi (theo Nam truyền).

Câu 5:  Hãy cho biết trong thời của đức Phật, ai là người cúng dường xây cất ngôi Tinh xá đầu tiên? Tên ngôi Tinh xá đầu tiên đó là gì?

Đáp: Trong thời Đức Phật, vua Tần-bà-sa-la hay gọi là Vua Bình Sa (Bimbisara) là người cúng dường ngôi Tinh xá đầu tiên cho Thế Tôn. Ngôi Tinh xá đó tên là Trúc Lâm Tinh xá.

Câu 6: Hãy cho biết tên những vị đệ tử xuất gia đầu tiên và vị đệ tử xuất gia cuối cùng của Đức Phật? Và xuất gia ở đâu?

Đáp: Những vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Đức Phật là năm anh em Kiều-trần-như xuất gia tại Vườn Lộc Uyển (vườn Nai) xứ Ba-la-nại. Tên của các vị đó là: A-nhã Kiều-trần-như, Át-bệ, Bạt-đề, Thập-lực-ca-diếp, và Na-ma-câu-lợi. Vị đệ tử cuối cùng là Tu-bạt-đà-la, đã 120 tuổi được Đức Thế Tôn cho thọ Tỳ-kheo trước khi Ngài nhập Niết-bàn tại thành Câu-thi-na.

Câu 7: Tam Bảo được hình thành từ lúc nào?

Đáp: Tam Bảo được hình thành từ khi đức Phật thuyết bài pháp Tứ Diệu Đế (bài pháp đầu tiên) tại vườn Lộc Uyển cho năm anh em Kiều-trần-như.

Câu 8: Đức Phật đã thuyết pháp độ sinh bao nhiêu năm?

Đáp: Đức Phật đã thuyết pháp độ sinh 49 năm (theo Bắc truyền), 45 năm (theo Nam truyền).

Câu 9: Đức Phật thuyết pháp độ mẫu thân ở đâu? Khi nào?

Đáp: Đức Phật thuyết pháp độ mẫu thân là hoàng hậu Ma-da (Maya) tại cung trời Đao Lợi vào mùa An cư kiết hạ lần thứ 7.

Câu 9: Bài kinh đầu tiên đức Phật thuyết tại vườn Nai độ năm anh em Kiều Trần Như là bài kinh gì? Nội dung bài kinh là gì?

Đáp: Bài kinh đầu tiên Đức Phật thuyết tại vườn Nai là bài Kinh Chuyển Pháp Luân. Nội dung của bài kinh này là thuyết về con đường Trung đạo, trái với hai cực đoan: Một là, khoái lạc say đắm ngũ dục; Hai là, khổ hạnh ép xác hành thân. Đây là pháp tu hành theo con đường của Bát chánh đạo để dẫn đến diệt khổ. Và nội dung trọng tâm của bài Kinh này là thuyết về Tứ diệu đế là chân lý cao thượng hay còn gọi là Tứ Thánh đế.

Câu 10: Địa phương nào đức Phật đã an cư kiết hạ nhiều lần nhất?

Đáp: Đức Phật đã trải qua hơn 20 mùa an cư kiết hạ tại thành Xá-vệ (Savathi) nước Kiều-tát-la (Kosala). Thành Xá-vệ là nơi đức Thế Tôn lưu trú nhiều nhất, nơi ấy có hai ngôi Tinh xá lớn là Kỳ Viên (Jetavana) và Đông Lâm (Pubbàràma).

Câu 11: Người dâng cúng bữa ăn và tọa cụ lên đức Thế Tôn (trước khi Ngài thành đạo) là ai? Ai là người cúng dường bữa ăn cuối cùng (trước khi Đức Thế Tôn nhập Niết Bàn)?

Đáp: Nữ tín chủ Tu-xà-đa (Sujata) dâng cúng bữa ăn (bát cháo sữa) trước khi Đức Thế Tôn thành đạo. Cậu bé Sa-va-ti-ka (Cậu bé chăn cừu ở làng này) rất mến mộ Ngài và phát tâm hàng ngày cắt loại cỏ nhuyễn và mịn trải làm tọa cụ cho Ngài ngồi. Và ông Thuần-đà đã cúng dường bữa ăn cuối cùng trước khi Đức Phật nhập Niết-bàn.

Câu 12: Đức Phật nhập Niết-bàn khi nào? Ở đâu?

Đáp: Đức Phật nhập Niết-bàn vào ngày rằm tháng 2 năm 544 trước Công Nguyên lúc Ngài 80 tuổi, tại rừng Sa-la Song Thọ của dòng họ Mạt-la, thành Câu-thi-na (Kusinagar).

Câu 13: Ai là người đứng ra phân chia Xá-lợi Phật? Và phân chia như thế nào?

Đáp: Theo Đức Phật lịch sử, (H.W. Shumann, Trần Phương Lan dịch, 2000), Bà-la-môn Dona nhằm xoa dịu sự tranh giành Xá-lợi của các bộ tộc cũng như quốc vương, đã đảm nhận nhiệm vụ phân chia. Ông chia Xá-lợi thành 8 phần như sau:

  1. Đại Vương A-xà-thế (Ajatasattu) nước Magadha (Ma-kiệt-đà)
  2. Bộ tộc Licchavì (dòng Sát-đế-lợi) ở Vesàli (Tỳ-xá-ly)
  3. Bộ tộc Sakiya (dòng họ Thích Ca) ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ)
  4. Bộ tộc Bulì (dòng Sát-đế-lợi) ở Allakappa
  5. Bộ tộc Koliya (dòng Sát-đế-lợi) ở Ràmagàma (quê hương Hoàng hậu Maya)
  6. Một Bà-la-môn ở Vethadìpa
  7. Bộ tộc Malla ở Pava
  8. Bô tộc Malla ở Kusinàrà (Câu-thi-na).

Khi Xá-lợi đã chia như vậy xong thì một sứ giả từ bộ tộc Moriya ở Pipphalivana đến đòi chia phần. Vị ấy, phải chịu nhận một ít tro tàn ở giàn hỏa. Còn Bà-la-môn Dona cũng giữ cho cái bình đất đựng Xá-lợi sau khi hỏa thiêu.

Câu 14: Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ nhất diễn ra lúc nào, ở đâu, ai chủ trì?

Đáp: Khoảng 03 tháng sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn, tại thành Vương-xá, nước Ma-kiệt-đà, Trưởng lão Ma-ha Ca-diếp chủ trì. Trong đó, Tôn giả Ưu-ba-ly kết tập Luật tạng và tôn giả A-nan kết tập Kinh tạng. Cuộc kết tập lần đầu tiên này vừa đúng 500 vị A-la-hán, không nhiều không ít nên được gọi là cuộc kết tập giáo pháp của 500 vị A-la-hán.

Câu 15: Kinh Phật được kết tập thành bao nhiêu thể loại? Gồm có những thể loại gì?

Đáp: Theo Phật Quang Đại Từ Điển, Kinh Phật được kết tập thành 12 thể loại, bao gồm:

  • Trường hàng
  • Trùng tụng
  • Cô khởi
  • Thí dụ
  • Nhân duyên
  • Tự thuyết
  • Bổn sanh
  • Bổn sự
  • Vị Tằng hữu
  • Luận nghị
  • Phương quảng
  • Kí biệt

Câu 16: Phật giáo được du nhập vào Việt Nam thời gian nào? Bằng cách nào?

Đáp: Phật giáo được du nhập từ Ấn Độ vào Việt Nam khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên, do sự viếng thăm của những Tăng sĩ Ấn Độ. Họ đi theo các thuyền buôn người Ấn và mang theo sinh hoạt Phật giáo đến xứ ta. Trung tâm Luy Lâu, thuộc thủ phủ Giao Chỉ đã trở thành trung tâm Phật giáo thời bấy giờ.

Câu 17: Ai là nhà Sư đầu tiên của Lịch sử Phật giáo Việt Nam? Và ngôi tự đầu tiên tên gì?

Với sự giảng đạo của Sư Khâu-đà-la (Kaundinya) khoảng năm 168-189, Phật giáo Việt Nam có hệ thống tín ngưỡng thờ Tứ Pháp, đây chính là nhà sư đầu tiên ở Việt Nam. Và chùa Dâu thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh được xây dựng năm 187 và hoàn thành năm 226 ở vùng Dâu, thành Luy Lâu là ngôi chùa đầu tiên tại Việt Nam.

Câu 18: Tư tưởng thiền học đầu tiên khi du nhập vào Việt Nam là gì, khi nào và do ai xiển dương?

Đáp: Tư tưởng Thiền học tại Việt Nam được khởi nguyên bằng Thiền đại thừa do Thiền sư Khương Tăng Hội xiển dương tại trung tâm Luy Lâu vào thế kỷ thứ III tây lịch. Với tư tưởng diệu tâm chân như là bản thể của giác ngộ. Ngài xem tâm như uyên nguyên và chân như của vạn pháp.

Câu 19: Phật giáo Việt Nam trải qua những giai đoạn nào? Giai đoạn nào Phật giáo được xem là Quốc giáo?

Đáp: Lịch sử Phật giáo Việt Nam trải qua bốn giai đoạn sau:

  • Từ đầu công nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộclà giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp.
  • Thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần là giai đoạn cực thịnh. Giai đoạn này Phật giáo được xem là quốc giáo.
  • Từ đời Hậu Lê đến cuối thế kỷ 19 là giai đoạn suy thoái.
  • Từ đầu thế kỷ 20 đến nay là giai đoạn chấn hưng.

Câu 20: Phái Thiền hoàn toàn của người Việt có tên là gì? Ai là sơ tổ? Hiện nay, ai là người xiển dương?

Đáp: Phái Thiền tông Việt Nam có tên là Trúc Lâm Yên Tử, do vua Trần Nhân Tông (Phật Hoàng Trần Nhân Tông) là sơ tổ. Ngài hòa hội các phái Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường đã truyền bá trên nước Việt Nam, lập thành phái thiền hoàn toàn Việt Nam. Hiện nay, Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Từ là người xiển dương tông phái này.

Câu 21: Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam có từ khi nào, do ai sáng lập?

Đáp: Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam là một tông phái nội sinh do Tổ sư Minh Đăng Quang (sinh 1923 tại làng Phú Hậu, Bình Phú, Tam Bình, Vĩnh Long), thành lập năm 1944. Ngài dung hợp tinh hoa giáo pháp của hai truyền thống chính là Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Nguyên thủy, với chí nguyện là Nối truyền Thích ca Chánh pháp”.

Câu 22: Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tiền thân của bao nhiêu tổ chức, kể tên?

Đáp: GHPGVN là tiền thân của 9 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước, đó là:

  • Hội Thống Nhất Phật Giáo Việt Nam
  • Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
  • Giáo Hội Phật Giáo Cổ Truyền Việt Nam.
  • Ban Liên Lạc Phật Giáo Yêu Nước TP. HCM.
  • Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam.
  • Giáo Hội Phật Giáo Thiên Thai Giáo Quán.
  • Giáo Hội Tăng Già Khất Sĩ Việt Nam.
  • Hội Sư Sãi Yêu Nước Miền Tây Nam Bộ.
  • Hội Phật Học Nam Việt.

Câu 23: Đại hội đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ nhất của GHPGVN diễn ra vào ngày, tháng, năm nào? Tại đâu?

Đáp: Đại hội đại biểu phật giáo toàn quốc lần thứ nhất của GHPGVN diễn ra vào ngày 04-07/11/1981, tại chùa Quán Sứ, Thủ đô Hà Nội.

Câu 24: Hiện nay, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam là ai?

Đáp: Hiện nay, Đức Pháp chủ GHPGVN là Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng (sinh năm 1940).

Câu 25: Cố Hòa thượng Thích Minh Nguyệt xuất gia với vị tổ nào? Ở đâu?

Đáp: Cố Hòa Thượng Thích Minh Nguyệt xuất gia với Thiền sư Thanh Kế – Huệ Đăng (1873-1953) tại Tổ đình Thiên Thai, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

 

CÂU HỎI KHẢO HẠCH GIỚI TỬ SA DI

I) PHẦN KINH:

  1. Chữ “Đạo” trong Phật giáo nghĩa là gì?

Đáp: Là bổn phận, là con đường, là bản thể, là lý tánh tuyệt đối.

  1. Chữ “Phật” nghĩa là gì?

Đáp: Bậc tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

  1. Giáo lý đạo Phật gồm những gì?

Đáp: Gồm ba tạng: Kinh, Luật và Luận.

  1. Danh hiệu Thích Ca Mâu Ni có nghĩa là gì?

Đáp: Bậc Năng nhơn Tịch mặc.

  1. Đức Phật đã chứng Tam minh, gồm những gì?

Đáp: Túc mệnh minh, thiên nhãn minh, lậu tận minh.

  1. Đồng thể “Phật bảo” là gì?

Đáp: Phật và chúng sanh có cùng thể tánh sáng suốt như nhau, đó là Phật tánh.

  1. Đồng thể “Pháp bảo” là gì?

Đáp: Chư Phật cùng chúng sanh đồng một pháp tánh từ bi, bình đẳng.

  1. Đồng thể “Tăng bảo” là gì?

Đáp: Chư Phật và chúng sanh đồng một thể tánh thanh tịnh hòa hợp.

  1. Mười danh hiệu của Phật là gì?

Đáp: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật Thế Tôn.

  1. Khi hành giả học Phật cần phải thực tập như thế nào?

Đáp: Nên ứng dụng lời dạy của đức Phật vào đời sống hằng ngày.

  1. Quy y Tam bảo có nghĩa là gì?

Đáp: Trở về nương tựa ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng.

  1. Sám hối nghĩa là gì?

Đáp: Ăn năn lỗi trước và chừa bỏ lỗi sau.

  1. Thế nào là tác pháp sám hối?

Đáp: Phải thiết tha, thỉnh chư Tăng thanh tịnh, thành khẩn bày tỏ lỗi lầm và nguyện về sau không tái phạm.

  1. Vì sao đức Phật dạy ăn chay?

Đáp: Vì nuôi dưỡng lòng từ bi, thương mạng sống, tránh quả báo xấu.

  1. Năm thứ hương cúng dường đức Phật về lý gồm những gì?

Đáp: Giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương.

  1. Nghiệp nào dẫn con người đi tái sanh và ảnh hưởng mạnh ở kiếp sau rất khó giải trừ?

Đáp: Cận tử nghiệp và cực trọng nghiệp.

  1. Bổn phận của thầy đối với học trò trong kinh Thiện Sanh là gì?

Đáp: Dạy dỗ có phương pháp, Dạy những điều chưa biết, Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi, Chỉ cho những bạn lành, Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.

  1. Theo kinh Thiện Sanh, học trò phải có bổn phận với thầy như thế nào?

Đáp: Hầu hạ cung cấp điều cần, Kính lễ cúng dường, Tôn trọng quý mến, Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch, Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên.

  1. Ý nghĩa sáu phương trong Kinh Thiện Sanh?

Đáp: Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích, phương Trên là các bậc Trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương Dưới là tôi tớ.

  1. Bổn phận của Đàn Việt đối với Sa-môn trong kinh Thiện Sanh là gì?

Một là làm lành với hành động thân. Hai là làm lành với hành động lời nói. Ba là làm lành với hành động ý. Bốn là phát tâm cúng dường, ủng hộ. Năm là nghênh tiếp, học hỏi, hành trì.

  1. Bổn phận của Sa-môn đối với Đàn việt trong kinh Thiện Sanh là gì?

Đáp: Một là khuyên ngăn, không để làm ác. Hai là hướng dẫn làm lành. Ba là dạy dỗ với thiện tâm. Bốn cho nghe những điều chưa nghe. Năm là giúp hiểu pháp sâu sắc hơn. Sáu là chỉ dạy con đường sinh thiên.

  1. Tại sao đức Phật chọn ngày rằm tháng bảy để thiết lễ Vu Lan?

Đáp: Vì đó là ngày chư Tăng Tự tứ. Vì đó là ngày chư Phật mười phương hoan hỷ.

  1. Bốn giai đoạn thay đổi của sự vật, mà Phật đã dạy là gì?

Đáp: Là Thành, trụ, hoại, không.

  1. Năm món dục người đời ham muốn là những gì?

Đáp: Tài, sắc, danh, thực, thùy.

  1. Hạnh “Thiểu dục tri túc” đối trị tâm gì?

Đáp: Tâm tham của chúng sanh.

II) PHẦN LUẬT:

Câu 1: Luật Tỳ-ni có bao nhiêu bài kệ và câu chú?

Đáp: 45 bài kệ, 38 câu chú.

Câu 2: Những bài kệ Tỳ-ni được trích từ phẩm nào, thứ mấy, trong kinh gì?

Đáp: Được trích từ phẩm Tịnh Hạnh thứ 11, trong kinh Hoa Nghiêm.

Câu 3: Hãy đọc bài kệ uống nước?

Đáp: Phật quán nhất bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng, nhược bất trì thử chú, như thực chúng sanh nhục. Án phạ tất ba ra ma ni tá ha.

Câu 4: “Án thất rị đa, thất rị đa, quân tra lợi, ta phạ ha” là câu chú của bài kệ Tỳ-ni nào?

Đáp: Bài kệ Khán bệnh.

Câu 5: Tỳ-ni có mấy nghĩa, kể tên?

Đáp: Tỳ-ni có 5 nghĩa: 1. Sám hối, 2. Tùy thuận, 3. Diệt, 4. Đoạn, 5. Xả.

Câu 6: Tỳ-ni tiếng Phạn là Vinaya, được dịch là gì?

Đáp: Tỳ-ni được dịch là Luật hay Luật nghi. Còn dịch là Thiện trị và Điều phục.

Câu 7: Tỳ-ni Nhựt Dụng Thiết Yếu do ai soạn, hãy đọc một bài kệ Tỳ-ni mà giới tử tâm đắc nhất?

Đáp: Do ngài Tỳ-kheo Độc Thể soạn. Đọc bài kệ.

Câu 8: Hãy đọc bài kệ Ngũ quán?

Đáp: Nhứt kế công đa thiểu lượng bỉ lai xứ, Nhị thổn kỷ đức hạnh toàn khuyết ứng cúng, Tam phòng tâm ly quá tham đẳng vi tông, Tứ chánh sự lương dược vị liệu hình khô, Ngũ vị thành đạo nghiệp ưng thọ thử thực.

Câu 9: Hãy đọc bài kệ đắp y mạn?

Đáp: Đại tai giải thoát phục, Vô tướng phước điền y, Phi phụng trì giới hạnh, Quảng độ chư chúng sanh.

Câu 10: Sa-di có mấy bậc, kể tên?

Đáp: Có 3 bậc: Khu ô Sa-di, Ứng pháp Sa-di, Danh tự Sa-di

Câu 11: Sa-di có mấy nghĩa, kể tên?

Đáp: Ba nghĩa: Tức từ, Cần sách và Cầu tịch.

Câu 12: Kinh Sa-di thập giới do ai nói?

Đáp: Phật dạy tôn giả Xá-lợi-phất nói cho Sa-di La-hầu-la.

Câu 13: Trong 10 giới Sa-di, những giới nào thuộc về tánh giới, giới nào thuộc vào già giới?

Đáp: 04 giới: Sát, đạo, dâm, vọng ngữ thuộc tánh giới, giới Uống rượu thuộc già giới

Câu 14: Người biên soạn tập sách “Sa-di Luật Nghi Yếu Lược” là ai?

Đáp: Sa-môn Châu Hoằng.

Câu 15: Đức Phật chế giới dâm của người tại gia (ngũ giới) và người xuất gia khác nhau ở điểm nào?

Đáp: Người tại gia Phật cấm tà dâm. Người xuất gia Phật cấm dâm dục.

Câu 16: Trong 10 giới Sa-di, có một giới nói đến Kinh Lăng Nghiêm. Vậy giới đó là giới gì, thứ  mấy, thuộc tánh giới hay già giới?

Đáp: Giới dâm, thứ 3, thuộc tánh giới.

Câu 17: Sát sanh có mấy loại, kể tên?

Đáp: Có 3 loại: Tự sát, Giáo tha sát và Kiến sát tùy hỷ.

Câu 18: Hàng Sa-di thập giới đã không được sát sanh rồi nhưng cần phải là gì để trưởng dưỡng tâm từ bi  như trong Luật Đức Phật đã dạy?

Đáp: Mùa đông sanh rận phải bắt bỏ vào ống tre, dùng bông tơ để giữ ấm, dùng mồ hôi để nuôi. Cho đến lược nước, che đèn, chẳng nuôi mèo, chồn (hoặc có thể đọc nguyên âm hán việt).

Câu 19: Tại sao hàng xuất gia Phật cấm dâm dục mà không cấm tà dâm?

Đáp: Vì người xuất gia mục đích cao cả là xuất tam giới, chấm dứt luân hồi sanh tử. Mà dâm dục là cái nhân của sinh tử luân hồi cho nên Phật vì lòng từ bi mà cấm hàng xuất gia không được dâm dục.

Câu 20: Trong thập giới Sa-di, giới thứ tư nói vọng ngữ có mấy loại? Kể tên?

Đáp: Có 4 loại, gồm: vọng ngôn (nói dối), ỷ ngữ (nói lời thêu dệt), ác khẩu (nói lời ác) và lưỡng thiệt (nói lưỡi đôi chiều).

Câu 21: Trong giới thứ 9, chẳng ăn phi thời có câu: “Ngạ quỷ văn uyển bát thinh, tắc yết trung hỏa khởi”, hãy dịch nghĩa câu trên?

Đáp: Loài ngạ quỷ nghe tiếng khua chén bát trong cổ phừng lửa.

Câu 22: Vì sao Phật chế giới sát sanh?

Đáp: Tôn trọng sự công bằng, tôn trọng Phật tánh bình đẳng, nuôi dưỡng lòng từ bi, tránh nhân quả báo ứng oán thù.

Câu 23: “Vọng ngữ” trong trường hợp nào không phạm tội?

Đáp: Vì lòng từ bi, thúc đẩy cứu người, cứu vật.

Câu 24: Nếu giới “Ẩm Tửu” không phải là tánh giới thì tại sao Đức Phật cấm không được uống rượu?

Đáp: Vì rượu làm cho người say, sanh ra các tội lỗi.

Câu 25: Trong giới thứ 8 “Bất tọa cao quảng đại sàng”, đức Phật dạy làm giường chẳng được cao đến mức nào?

Đáp: Chẳng được cao quá 8 ngón tay của Như Lai (Phật chế thằng sàng cao bất quá Như Lai bát chỉ).

III. PHẦN LUẬN:

  1. Theo kinh Nhân Quả nói “Nhân nào quả nấy”, sao có người ở hiền lại gặp dữ, kẻ ác lại gặp lành?

Đáp: Vì nhân quả không chỉ xảy ra trong đời hiện tại, mà còn liên hệ đến 03 đời (quá khứ, hiện tại và vị lai).

  1. Theo giáo lý đạo Phật, sau khi chết con người sẽ ra sao?

Đáp: Tùy nghiệp đã tạo mà tái sinh làm người hoặc sinh vào các cõi khác.

  1. Câu nói “Giang sơn dễ đổi bản tánh khó dời” để chỉ cho kiến chấp gì?

Đáp: Chấp thủ.

  1. Tứ nhiếp pháp gồm những gì?

Đáp: Bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.

  1. Câu nói “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” có phải nhân quả không?

Đáp: Không phải nhân quả vì ai làm nấy chịu, không thể chịu thay. Câu này chỉ mang tính nhắc nhở chứ không phải nhân quả.

  1. CâuChớ đợi đến già mới niệm Phật, mồ hoang nghĩa địa lắm kẻ thiếu niên”, muốn khuyên Phật tử nên làm gì?

Đáp: Nên biết vô thường, chuyên cần tỉnh giác tu tập.

  1. Cõi Tây phương Cực lạc được miêu tả như thế nào?

Đáp: Có hàng cây, mành lưới, lang can, toàn bằng trân bảo. Có cát bằng vàng  rồng, ao thất bảo, hoa sen báu. Có chim thuyết pháp, nước bát công đức, thanh tịnh trang nghiêm.

  1. Danh hiệu A-di-đà có ý nghĩa là gì?

Đáp: Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng Công đức.

  1. Theo kinh Vô Lượng Thọ, tiền thân của Đức Phật A-di-đà, khi xuất gia pháp danh là gì?

Đáp: Pháp Tạng.

  1. Đối tượng nào, Phật dạy không nên xem thường?

Đáp: Con rắn nhỏ, đốm lửa nhỏ, thái tử nhỏ, tu sỹ trẻ.

  1. Thuật ngữ “Tâm viên ý mã” chỉ cho gì?

Đáp: Vọng tâm luôn luôn biến động bất định.

  1. Luật Nhân quả do ai tạo nên?

Đáp: Nhân quả là định luật tự nhiên, Đức Phật là người chứng ngộ.

  1. Bát khổ trong khổ đế gồm những gì?

Đáp: Sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, cầu bất đắc khổ, oán  tắng hội khổ và ngũ ấm xí thạnh khổ.

  1. “Già nua là cảnh điêu tàn, cây già cây cỗi, người già người suy”, dùng để ví cho loại khổ nào?

Đáp: Lão khổ.

  1. “Thấy mặt kẻ thù như kim đâm vào mắt, ở chung với người nghịch như nếm mật nằm gai”, câu thơ trên ví cho loại khổ nào?

Đáp: Khổ do thù ghét nhau mà vẫn gặp nhau.

  1. “Nhất tinh chi hỏa, năng thiêu vạn khoảnh công đức chi lâm”, câu này nghĩa là gì?

Đáp: Một đốm lửa giận có thể đốt hết cả rừng công đức.

  1. Bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh có đặc tánh là gì?

Đáp: Là không bị chi phối bởi luật vô thường.

  1. Hãy cho biết “Tham, sân, si, mạn, nghi” thuộc về nhóm phiền não nào?

Đáp: Ngũ độn sử.

  1. Trong Tứ Niệm xứ, pháp quán nào có khả năng chuyển hóa ái dục?

Đáp: Quán thân bất tịnh

  1. Do đoạn trừ được phiền não, tâm trở nên an lạc nhẹ nhàng, thuộc về phần nào trong Thất Bồ-đề phần?

Đáp: Khinh an.

  1. Trạch pháp được hiểu như thế nào là đúng?

Đáp: Là phương pháp chọn pháp môn thích hợp để phát sanh trí tuệ.

  1. Trạng thái tâm ổn định vững chắc, không vọng động là thuộc về phần nào trong Thất Bồ-đề phần?

Đáp: Định.

  1. Hữu dư Niết-bàn là gì?

Đáp: Là Niết-bàn hoàn toàn giải thoát, còn lưu lại thân tướng độ sanh.

  1. A-la-hán trong Thanh văn thừa có mấy nghĩa?

Đáp: Có 3 nghĩa: Ứng cúng, phá ác, vô sanh.

  1. So sánh trí tuệ và tri thức thế gian?

Đáp: Tri thức thế gian là nhờ sự học tập hay kinh nghiệm cuộc sống mà có được, còn trí tuệ là thành quả có được nhờ vào công năng tu tập và thể nghiệm bản thân.
IV) PHẦN GIÁO SỬ:

Câu 1: Các cụm từ nào sử dụng khi Thái tử Tất-đạt-đa ra đời?

Đáp: Đản sanh, Thị hiện, Giáng sanh.

Câu 2: Cha mẹ của Thái tử Tất-đạt-đa là ai?

Đáp: Vua Tịnh-phạn và Hoàng hậu Ma-da.

Câu 3: Để ngăn cản sự xuất gia của Thái tử Tất-đạt-đa vua Tịnh-phạn đã làm những gì?

Đáp: Xây ba cung điện theo mùa khác nhau và cưới vợ cho Ngài.

Câu 4: Vợ và con của Thái tử Tất-đạt-đa tên là gì?

Đáp: Vợ là Da-du-đà-la và con là La-hầu-la.

Câu 5: Vì sao Thái tử Tất-đạt-đa xuất gia tìm đạo?

Đáp: Ngài thấy rõ sinh, lão, bệnh, tử là đau khổ và muốn tìm con đường thoát khổ cho mình và chúng sinh.

Câu 6: Thái tử Tất-đạt-đa trước khi thành đạo ngài đã tu tập với những ai?

Đáp: Các vị tiên ở rừng Bạt-già, đạo sĩ nổi tiếng như ông A-la-la, ông Uất-đầu-lam-phất và năm anh em Kiều-trần-như.

Câu 7: Sau khi thiền định 49 ngày Sa-môn Gô-ta-ma đã tuần tự chứng đắc những gì?

Đáp: Ngài đã chứng đắc Túc mạng Minh, Thiên nhãn minh, Lậu tận minh.

Câu 8: Hãy cho biết ngày thành đạo của Đức Phật?

Đáp: Ngày mồng 8 tháng 12.

Câu 9: Thái tử xuất gia vào ngày nào? Năm bao nhiêu tuổi? (theo Bắc truyền)

Đáp: Vào ngày mồng 8 tháng 2, năm 19 tuổi

Câu 10: Hãy cho biết bốn điều kiện mà Thái tử Tất-đạt-đa đưa ra cho Phụ vương để xin được xuất gia?

Đáp:  Làm sao cho con trẻ mãi không già

Làm sao cho con mạnh mãi không đau

Làm sao cho con sống hoài không chết

Làm sao cho mọi người được hết khổ.

Câu 11: Khi dạo qua bốn cửa thành, Thái tử đã chứng kiến những cảnh gì khiến cho Ngài nóng lòng xuất gia tu hành?

Đáp: Đông: gặp một người già tóc bạc lưng còng; Nam: gặp một người bệnh đau đớn khóc than; Tây: gặp một xác chết; Bắc: gặp một vị Sa-môn

Câu 12: Đệ tử xuất gia đầu tiên của Đức Phật là ai? Kể tên?

Đáp: 05 anh em Kiều-trần-như là: Kiều-trần-như, Ác-bệ, Thập-lực, Ma-ha-nam và Bạt-đề

Câu 13: Đệ tử xuất gia cuối cùng của Đức Phật là ai?

Đáp: Tôn giả Tu-bạt-đà-la

Câu 14: Hãy cho biết bài pháp đầu tiên tên gì và Đức Phật thuyết cho ai?

Đáp: Tứ Diệu Đế và Ngài thuyết cho 05 anh em tôn giả Kiều-trần-như.

Câu 15: Vị thí chủ nào đã xây dựng tịnh xá Trúc Lâm cho Đức Phật và Tăng đoàn?

Đáp: Vua Tần-bà-sa-la.

Câu 16: Ni đoàn được thành lập khi nào?

Đáp: Sau khi Đức Phật nhận bà Ma-ha Ba-xà-ba-đề, Da-du-đà-la cùng nhiều nữ giới họ Thích xuất gia.

Câu 17: Trong 49 năm thuyết pháp, Đức Phật đã hóa độ những ai?

Đáp: Không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, Ngài hóa độ tất cả các hạng người, từ vua quan, quý tộc cho đến ngoại đạo, nô lệ, kỹ nữ và giai cấp hạ tiện.

Câu 18: Đức Phật nhập Niết-bàn lúc bao nhiêu tuổi, ở đâu?

Đáp: Ngài nhập Niết-bàn lúc 80 tuổi tại thành Câu-thi-na.

Câu 19: Vị tôn giả nào được Đức Phật truyền lại y bát?

Đáp: Tôn giả Ma-ha Ca-diếp.

Câu 20: Hãy cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập từ năm nào?

Đáp: Năm 1981.

Câu 21: Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ VII được thông qua tại kỳ Đại hội nào?

Đáp: Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ (2022 – 2027).

Câu 22: Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay là ai?

Đáp: Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng.

Câu 23: Phương châm hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là gì?

Đáp: Đạo Pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội.

Câu 24: Đức Chủ tịch GHPGVN hiện nay là ai?

Đáp: Đức trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn

Câu 25: Hệ thống tổ chức của GHPGVN được quy định như thế nào?

Đáp: Phân làm 3 cấp: Cấp Trung ương; cấp Tỉnh, Thành phố; cấp Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

 

CÂU HỎI ĐẶC THÙ

KHẢO HẠCH GIỚI TỬ TỲ KHEO NI 

  1. Thức-xoa-ma-na nghĩa là gì?

Đáp: Thức-xoa-ma-na là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Học nữ. Nghĩa là trong 2 năm học đủ ba pháp. Một là  học 4 giới căn bản; hai là học pháp học và ba là học pháp hành, nghĩa là tập tất cả giới và oai nghi của bậc Đại ni.

  1. Bát kỉnh pháp là gì? Hãy kể đầy đủ?

Đáp: Bát kỉnh pháp là tám điều kiện để người nữ được phép xuất gia vào trong Tăng đoàn, gồm:

  1. Tỳ-kheo-ni dầu một trăm tuổi hạ khi thấy vị Tỳ-kheo mới thọ giới cụ túc cũng phải đứng dậy tiếp đón, đảnh lễ và thực hành tất cả những bổn phận thích nghi đối với vị Tỳ-kheo.
  2. Tỳ-kheo-ni không được chê bai, mắng nhiếc Tỳ-kheo
  3. Tỳ-kheo-ni không được cử tội, nói lỗi của Tỳ-kheo; ngược lại Tỳ-kheo được quyền nói lỗi của Tỳ-kheo-ni.
  4. Thức-xoa-ma-na muốn thọ cụ túc phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ-kheo-ni và Tỳ-kheo.
  5. Nếu Tỳ-kheo-ni phạm tội Tăng-tàn thì phải đến trước hai bộ Tăng thực hành pháp Ma-na-đỏa trong thời gian nửa tháng.
  6. Tỳ-kheo-ni mỗi nửa tháng phải đến Tỳ-kheo cầu thọ học.
  7. Tỳ-kheo-ni không được an cư kiết hạ nơi không có Tỳ-kheo.
  8. Tỳ-kheo-ni khi an cư kiết hạ xong, phải đến Tỳ-kheo cầu ba việc Tự tứ: thấy, nghe và nghi.
  9. Trong 292 hành pháp của Thức-xoa-ma-na, có bao nhiêu hành pháp thuộc về giới và bao nhiêu hành pháp thuộc về oai nghi?

Đáp: Trong 292 hành pháp của Thức-xoa-ma-na, có 193 hành pháp thuộc về giới và 99 hành pháp thuộc về oai nghi.

  1. Bốn giới căn bản của Thức-xoa-ma-na là gì?

Đáp: 1. Không được làm hạnh bất tịnh, làm việc dâm dục;

  1. Không được trộm cắp;
  2. Không được cố ý đoạn mạng chúng sanh;
  3. Không được nói dối, dầu chỉ giỡn chơi.
  4. Hãy kể 6 pháp học của Thức-xoa-ma-na?

Đáp: 1. Không được cùng người nam có tâm nhiễm ô, hai thân xúc chạm,

  1. Không được trộm vật đáng giá 5 tiền trở xuống,
  2. Không được cố ý đoạn mệnh súc sinh không thể biến hóa,
  3. Không được ở trong chúng cố ý vọng ngữ,
  4. Không được ăn phi thời,
  5. Không được uống rượu
  6. Thức-xoa học tất cả giới của bậc Đại Ni, trừ giới nào không học?

Đáp: Giới nhận đồ ăn và trao đồ ăn cho người.

  1. Theo luật Tăng-kỳ, vì sao Thức-xoa-ma-na theo Sa-di-ni mà thọ ăn?

Đáp: Vì Thức-xoa-ma-na chưa được đi khất thực nên chưa tập học loại giới này.

  1. Vị Tôn giả nào đã thỉnh cầu Đức Phật cho nữ giới được xuất gia?

Đáp: Tôn giả A-nan

  1. Vị Trưởng lão Ni nào được đức Thế Tôn giao trọng trách lãnh đạo Ni đoàn?

Đáp: Tôn giả Ma-ha Ba-xà-ba-đề Kiều-đàm-di (Maha Pajapati Gotami).

  1. Nếu Thức-xoa-ma-na phạm một trong bốn giới trọng thì như thế nào?

Đáp: Nếu Thức-xoa-ma-na phạm một trong bốn giới trọng liền bị diệt tẩn, sau không được thọ Tỳ-kheo-ni, cũng không được trở lại làm Thức-xoa-ma-na, Sa-di-ni hay Ưu-bà-di nữa. Dù có theo Thầy cưỡng thọ cũng không đắc giới, còn mắc tội nặng. Thọ của tín thí phạm tội ăn trộm.

 

CÂU HỎI KHẢO HẠCH THỨC XOA và SA DI NI

  1. Sa-di-ni nghĩa là gì?

Đáp: Tiếng Phạn là Sa-di-ni, Trung Hoa dịch là “Tức từ nữ”. Nghĩa là dứt việc ác, thực hành lòng từ bi. Còn gọi là Cần sách nữ, cũng gọi là Cầu tịch nữ.

  1. Trong văn Sa-di-ni giới quy định bao nhiêu tuổi được thọ giới Sa-di-ni?

Đáp: Trong văn Sa-di-ni giới Phật quy định 16 tuổi trở lên mới được thọ giới Sa di ni.

  1. Mười giới Sa-di-ni làm thềm thang căn bản cho những giới nào?

Đáp: Mười giới Sa-di-ni làm thềm thang cho giới Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo-ni và làm căn bản cho giới Bồ-tát.

  1. Oai nghi của Sa-di-ni có bao nhiêu thiên? Hãy kể tên.

Đáp: Oai nghi của Sa-di-ni có 22 thiên gồm: 1. Kính Tam bảo; 2. Kính Đại Sa môn; 3. Thờ thầy; 4. Theo thầy ra đi; 5. Nhập chúng; 6. Theo chúng thọ thực; 7. Lễ bái; 8. Tập học kinh điển; 9. Nghe pháp; 10. Vào tự viện; 11. Theo chúng vào thiền đường; 12. Làm công tác; 13. Vào nhà tắm; 14. Vào nhà xí; 15. Nằm ngủ; 16. Vây quanh bếp lò; 17. Ở trong phòng; 18. Đến nhà Đàn việt; 19. Khất thực; 20. Vào xóm làng; 21. Mua đồ; 22. Không được tự ý làm.

  1. 22 thiên oai nghi của Sa-di-ni được rút ra từ những kinh luật nào?

Đáp: 22 thiên oai nghi của Sa-di-ni được rút từ kinh Đại Ái Đạo, giới bổn của Tỳ-kheo-ni, Sa-di Luật nghi Yếu lược và giới Sa-di-ni.

  1. Kể tên 10 giới của Sa-di-ni? Giới nào thuộc về tánh, giới nào thuộc về tướng? Giới nào thuộc giới trọng, giới nào thuộc giới khinh?

Đáp: 10 giới của Sa-di-ni là: 1. Không sát sanh, 2. Không trộm cướp, 3. Không dâm dục, 4. Không nói dối, 5. Không uống rượu, 6. Không đeo vòng hoa hay xông ướp hương thơm, 7. Không nằm giường cao tốt, rộng lớn, 8. Không ca múa, hát xướng và tự đi xem nghe, 9. Không nên ăn phi thời, 10. Không nên nắm giữ vàng bạc, châu báu.

– Bốn giới đầu thuộc về tánh giới (giới trọng), 6 giới sau thuộc về tướng giới (giới khinh).

  1. Theo Sa-di-ni luật nghi yếu lược, Sa-di-ni sớm tối lạy Phật phát nguyện như thế nào?

Đáp: Theo Sa-di-ni Luật nghi Yếu lược, Sa-di-ni sớm tối lạy Phật phát nguyện: Nguyện sinh ra ở đâu cũng đủ tướng trượng phu, đồng chơn xuất gia, sớm được gần gũi Tam bảo cúng dường phụng sự.

  1. Theo Sa-di-ni Luật Nghi Yếu Lượcvì sao Phật chế giới luật cho Ni chúng nghiêm hơn đại Tăng?

Đáp: Phật chế giới luật cho Ni chúng nghiêm hơn đại Tăng là do vì việc Ni chúng xuất gia vào trong tăng đoàn có ảnh hưởng đến việc tăng giảm tuổi thọ của chánh pháp.

  1. Sa-di-ni mà không biết việc của Sa-di-ni thì về sau có được thọ giới Thức-xoa và Tỳ-kheo-ni không? Vì sao?

Đáp: Sa-di-ni mà không biết việc của Sa-di-ni nên làm thì về sau không được thọ giới Thức-xoa và Tỳ-kheo-ni. Vì pháp của Tỳ-kheo-ni còn khó thực hành hơn. Nếu cho thọ thì Sa-di-ni sẽ cho rằng Phật pháp dễ tu, việc Tỳ kheo ni dễ làm. Cho nên phải cung kính vâng học.

  1. Trong Luật Sa-di-ni nhắc đến thuật ngữ “Á tăng”, vậy Á tăng nghĩa là gì?

Đáp: Trong Luật Sa-di-ni nhắc đến thuật ngữ “Á tăng”, chữ Á nghĩa là thứ hai. Á tăng là chỉ cho Tỳ kheo ni. Vì trong chúng xuất gia, Tỳ-kheo đứng hàng thứ nhất gọi là Tăng, Tỳ-kheo-ni hàng thứ hai nên gọi là Á tăng.

Hội đồng Giám khảo Đại Giới Đàn Minh Nguyệt

phatgiaobariavungtau.org.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu