GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 06:53:42 20-01-2017 (GMT+7) Lượt xem:2157

Ý nghĩa phước hay họa ngày Táo Quân

Nếu chúng ta là người phật tử thì ngày 23 tháng Chạp không nên theo tập tục văn hóa mê tín dị đoan mua cá chép vàng về để giết hại cúng Ông Táo, việc làm ấy sai trái đạo lý, tổn hại lòng từ bi, chẳng những không có phước còn mang tội, nghiệp báo kiếp sau sinh mạng sẽ tổn thọ.

 

Táo Quân (chữ Hán: 灶君); Táo Vương (灶王) hay Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam và Trung Hoa được xem là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà; Táo (灶) có nghĩa là bếp. Việt Nam và Trung Hoa có những truyền thuyết về Táo Quân khác nhau. [1]


Thờ cúng Ông Táo theo văn hóa Trung Quốc

Người Trung Quốc cho rằng trước kia mỗi tháng vua bếp lên trời một lần vào ngày tối (ngày cuối tháng âm lịch) để báo cáo về từng người trong mỗi gia đình nhưng sau này, mỗi năm vua chỉ lên trời một lần vào ngày 23 hoặc 24 tháng Chạp. Vào ngày đó, người Trung Quốc bày bàn thờ gần bếp, cúng vua bếp bằng thịt, cá, rượu nếp, bánh kẹo. Ngoài ra còn có nước và cỏ khô cho ngựa của vua bếp "ăn" để bay và chở vua lên trời. [2]

Thờ cúng Ông Táo theo văn hóa Việt Nam

Người Việt quan niệm ba vị Thần Táo định đoạt phước đức cho gia đình, phước đức này do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bàn thờ thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Công lên chầu trời nên có nơi gọi ngày này là "Tết Ông Công", lễ cúng có cá chép vì người Việt cho rằng, ông Táo cưỡi cá chép lên trời. [3]
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Người dân Việt Nam theo tập tục văn hóa thờ cúng Ông Táo để cầu phước, cầu tài, gia đình hưng thịnh. Rồi cứ mỗi dịp tết Âm lịch, người dân thôn Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) lại tất bật quăng chài, thả lưới thu hoạch cá chép đỏ để phục vụ nhu cầu của người dân trong ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời. Xem bài “Làng chuyên cung cấp "phương tiện" cho ông Táo”.

Họ phục vụ cho những người mê tín dị đoan mua cá làm phương tiện đưa Ông Táo về trời để cầu phước. Trong tín ngưỡng văn hóa nhân gian Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp đã giết chết biết bao nhiêu sinh mạng (cá chép vàng) để cúng Ông Táo.

Theo văn hóa Phật giáo: Phước hay họa cũng từ nơi tâm, người phật tử cần phải có chánh kiến thấy đúng như thật, không nên theo những văn hóa mê tín dị đoan, tiếp tay kẻ xấu hại sinh mạng thì tổn phước, tổn lòng từ bi, thì tai họa ắt sẽ đến.

Lòng từ bi của nhà Phật thể hiện ở văn hóa ăn chay, phóng sinh để tôn trọng sự sống, Đức Phật dạy: “Trong mỗi chúng sinh đều có Phật tính.” Mua cá chép vàng về cúng Ông Táo để cầu phước, nhưng việc làm đó hoàn toàn vô ích, chẳng những không có phước mà còn bị mất phước. 

Trong Kinh Phạm Võng đức Phật dạy: “Này phật tử! Nếu tự giết, dạy người giết, dùng phương kế giết, khen ngợi giết, thấy giết mà vui theo. Cho đến dùng thần chú để giết, nhân giết, duyên giết, phương pháp giết, nghề nghiệp giết. Cho đến tất cả các loài có mạng sống không được cố giết. Là Bồ tát nên thường khởi tâm từ bi, dùng phương tiện cứu giúp bảo hộ tất cả chúng sanh. Mà trở lại buông tâm khoái ý sát hại sanh mạng, Bồ tát này phạm Ba-la-di tội”. [4]

Trong Kinh Hoa Nghiêm đức Phật dạy: “Cái quý nhất của chúng sinh đó là thân mạng, cái yêu quý nhất của chư Phật là chúng sinh. Hay cứu thân mạng chúng sinh tức là hoàn thành tâm nguyện của chư Phật”. 

Trong Kinh Phân Biệt Thiện Ác Báo Ứng:

Hỏi: Làm việc gì thâu hoạch quả sống lâu?

Đáp: Có 10 điều. Những gì là 10:

1. Lìa lỗi tự mình giết hại.
2. Lìa lỗi khuyên bảo người khác giết hại.
3. Lìa lỗi sướng thích đối với việc giết hại.
4. Lìa lỗi thấy người giết mình phụ trợ theo.
5. Cứu khỏi tội chết trong hình ngục.
6. Phóng thích thân mạng (phóng sinh).
7. Ban cho mọi loài pháp không sợ hãi.
8. Chẩn cấp cho người bệnh.
9. Bố thí thức ăn đồ uống.
10. Cúng dường đèn đuốc, cờ phướn.
 
Như vậy là 10 việc làm thu hoạch phước báo trường thọ.

Nếu chúng ta là người phật tử thì ngày 23 tháng Chạp không nên theo tập tục văn hóa mê tín dị đoan mua cá chép vàng về để giết hại cúng Ông Táo, việc làm ấy sai trái đạo lý, tổn hại lòng từ bi, chẳng những không có phước còn mang tội, nghiệp báo kiếp sau sinh mạng sẽ tổn thọ.

Trong Luận Đại Trí Độ cũng có nói rằng: “Trong các việc ác, nghiệp sát lớn nhất. Giữa các việc lành, phóng sinh trên hết.” Vì vậy chúng ta là phật tử cần phải hành theo lời Phật dạy, không mua cá chép để cúng Ông Táo, không theo văn hóa mê tín dị đoan, tức là chúng ta không có tiếp tay cho những người kia lợi dụng nuôi cá để bán trong ngày 23 tháng Chạp.

Phước hay họa do tâm tạo

Phước hay họa, thiện hay ác cũng từ do tâm tạo, nếu tâm chúng ta hành thiện thì cuộc sống chúng ta sẽ an lạc. Trong Kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ta nói hay làm với tâm ô nhiễm thì khổ não sẽ theo sau như bánh xe lăn theo chân con vật kéo xe. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả. Nếu ta nói hay làm với tâm thanh tịnh thì hạnh phúc sẽ theo sau như bóng với hình.” [5]

Qua đó chúng ta thấy rằng họa hay phước do tâm tạo, muốn gia đình bình an, hạnh phúc, gia đạo hưng thịnh, không nên tin vào đấng thần linh nào cả, mà hãy cần thiết lập tâm chúng ta một cách bền vững, bằng niềm tin vào Chánh pháp và Trí tuệ để sống đúng đạo đức nhân bản bằng cách giữ gìn năm giới:

Mỗi người tự mình không sát sanh và khuyên người đừng sát sanh.
 
Mỗi người không trộm cắp và khuyên người đừng trộm cắp.
 
Mỗi người không tà hạnh và khuyên người đừng tà hạnh.
 
Mỗi người không nói dối và khuyên người đừng nói dối.
 
Mỗi người không uống rượu và khuyên người đừng uống rượu.

Năm giới là nền tảng xây dựng đời sống hạnh phúc an ổn cho gia đình và xã hội. Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta phải có niềm tin vững chắc, khi phước đến không mừng, họa đến không lo. Cứ tùy duyên mà vui sống. Như khi ta gặp hoạn nạn, bệnh hoạn đau yếu, đang sống cảnh cô độc, hoặc giả đang mang chứng bệnh nan y v.v… chẳng hạn, thì ta biết đó là do nghiệp quả của ta đã gây tạo, nên giờ đây ta phải trả. Nhờ ngày hôm nay chúng ta có tu, có phước báu để trả nợ kiếp trước, khi trả hết nợ không phải chúng ta chuyển họa thành phước sao?

Chúng ta cố gắng tu hành làm thiện, tụng kinh, niệm Phật, trì chú, hành thiền (phước vô lậu)… bố thí, cúng dường (phước hữu lậu)… thì cái chết có đến với chúng ta, cũng chẳng có gì phải lo sợ, vì chúng ta đã trả nghiệp nhân đời quá khứ, và ta biết rằng ai cũng phải bước vào cửa tử. Đây là con đường mòn mà tất cả mọi người già trẻ bé lớn gì cũng phải đi qua. Khi xả báo thân này thì phước báo tu hành trong kiếp này sẽ đưa chúng ta đến một cảnh giới an lành (Niết bàn) giải thoát khổ đau sinh tử. Như vậy, không phải là ta đã chuyển họa thành phước đó sao?

Ngược lại chúng ta cầu giàu sang, phước báu, con cái bình an, gia đạo hưng thịnh… không biết tu hành tạo phước, theo những tập tục văn hóa mê tín dị đoan cúng vái thần linh, sát sinh hại vật để cúng tế cầu khẩn thì không phải là phước trong họa sao?
 

Trong các tôn giáo đa thần hay nhất thần, họ tin tưởng vào đấng thần linh có quyền năng, ban ơn giáng họa, nên các tín đồ mới sát sinh hại vật để cúng tế thần linh, ban phước…

Khi đức Phật thị hiện xuống Ấn Độ, Ngài đã dẹp bỏ những tư tưởng ban phước giáng họa của thần linh dưới dạng mê tín dị đoan. Đức Phật dạy rằng: “Phước họa đều do nghiệp mình tạo, mọi việc trên cõi đời này đều được xét xử công bằng dựa trên luật nhân quả, nghiệp báo.” Nếu người làm ác phải gánh quả báo xấu, làm thiện được hưởng kết quả tốt đẹp, không tin vào đấng thần linh nào cả:

“Đừng tin tưởng một điều gì vì văn phong. Đừng tin tưởng điều gì vì vin vào một tập quán lưu truyền. Đừng tin tưởng điều gì vì cớ được nhiều người nhắc đi nhắc lại. Đừng tin tưởng điều gì dù là bút tích của Thánh nhân, đừng tin tưởng vào điều gì do ta tưởng tượng và lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Đừng tin tưởng một điều gì chỉ vin vào uy tín của các thầy dạy mình. Chỉ tin tưởng cái gì mà chính mình đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng, là có lợi cho mình và kẻ khác. Chỉ có cái đó mới là mục đích tối hậu, thăng hoa cho con người và cuộc đời, các người hãy lấy đó làm chỉ chuẩn".

Trong thời Phật còn tại thế, Xá Lợi Phất đã thưa với đức Phật rằng: “Xin Ngài chỉ dạy xem tại sao vị tỳ kheo đó rất thông minh, mà lại bị quả báo luôn luôn bị bỏ sót, nên phải ăn cơm của Xá Lợi Phất chia cho”.

Đức Phật nói rằng: “Vị thầy này không phải mới tu, mà tiền kiếp đã là một thượng tọa. Tuy có giới phẩm, nhưng vị này không bỏ lòng ích kỷ. Quý phật tử nên suy nghĩ điều này, tu lâu, tạo được nhiều phước, nhưng tính ích kỷ, ganh tỵ vẫn còn nguyên thì vẫn phải trả quả báo.”

Vì thế con người muốn có cuộc sống an lạc và hạnh phúc, cần phải tu nhân tạo phước, chứ không phải chỉ cầu nguyện, van xin khấn vái suông, vào những vị thần linh, Ông Táo, Thần Tài, Thổ Địa, hoặc tử vi tướng số….

Chỉ có phước báu mới có thể giúp đỡ con người được tai qua nạn khỏi, được bình yên may mắn. Phước báu có được do những việc làm phước thiện, tốt lành, lương thiện, chẳng hạn như: ăn chay, bố thí cúng dường, đi chùa lễ Phật, ấn tống kinh sách, cứu người giúp đời, tụng kinh niệm Phật, trì chú thiền quán, trì giới nhẫn nhịn. Phước báo không phải mua cá chép vàng, vàng mã… để cúng tế thần linh ban phước - một điều hết sức phi lý, trái chân lý. Vì vậy người phật tử của chúng ta không bao giờ theo những văn hóa mê tín dị đoan như thế.
Thích Trí Giải
(phatgiao.org.vn)
 
Chú thích:
[1] Tự điển Bách Khoa Toàn Thư
[2] Xem bài Người Trung Quốc ăn Tết ra sao?
[3] Nguồn gốc và ý nghĩa những từ ngữ Tết
[4] Kinh Phạm Võng, Bồ Tát Tâm Địa Phẩm lược sớ, Thích Nữ Trí Hải Việt dịch giới thứ nhất
[5] Kinh Pháp Cú số 1 phẩm song yếu;

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu