GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 14:31:53 05-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:6270

Ý Nghĩa "Hòa Nam - Thánh Chúng"

Trong thời khóa hằng ngày trong các tự viện, sau thời kinh lúc nào cũng xướng câu Hòa Nam Thánh Chúng.

Đối với nghi thức hành trì, trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam, khi cử hành Pháp hội, thời khóa, tụng niệm xong vị chủ lễ xướng hai chữ “Hòa nam” đại chúng đồng thanh hòa hai chữ “Thánh Chúng” nhằm để biểu hiện lòng quy kính.

     “Hòa Nam” tiếng Phạn là Vandana thuộc một trong những cách lễ bái. Vand nghĩa là tán thưởng, tôn sùng: Ana nghĩa là thành tựu, còn gọi là Màn Đa Mị, Bàn Đàm, Phiền Đàm, Bà Nam, Bạn Đề, Bàn Đàm, Bạn Đạn Nam. Dịch ý là con lễ, quy lễ, cung kính, độ con, cúi đầu. Đối với bậc Trưởng lão, khi ngõ lời thăm hỏi là biểu thị ý khể thủ, cung kính, xin cứu độ con.

     Bộ Xuất Yếu Nghi chép: “Hòa Nam nghĩa là cung kính vậy”.

     Thinh Luận chép: Tiếng Phạn là Bàn Đa Mị, Trung Hoa dịch là Lễ.

     “Thánh Chúng” là chỉ cho Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn.

     Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 45 nêu ra 5 bậc thánh chúng: “Tu đà hoàn, tư đà hàm, a na hàm, a la hán, Bích Chi Phật”, gọi là Thánh Chúng.

     Trong Tịnh Độ Tông nói: “Người tu pháp môn niệm Phật thì khi lâm chung, Phật A di Đà và các Thánh chúng từ cõi Tịnh Độ đến để tiếp dẫn về cõi nước Cực Lạc”.

     Chúng ta thường thấy có những bức tranh vẽ cảnh Thánh chúng đến tiếp rước người vãng sanh, đây gọi là “Thánh Chúng Lai Nghinh Đồ”.

     Như vậy, câu này nghĩa là; Con xin cúi đầu đảnh lễ các bậc Thánh Chúng.

     “Hành Sự Sao, Tăng Tượng Trí Kinh Thiên” chép: “Đến trước thượng tòa, tháo giầy dép, trịch áo bày vai phải, chắp tay bạch: Con cúi đầu mà lễ”.

     Trong quyển 27, Luât Ma Ha Tăng Kỳ chép: “Phật dạy, từ nay về sau nếu ngồi trước người thân khẩu ý phải thành kính:

     1. Thân: Là người trước khi ngồi hoặc đứng, đầu mặt lạy dưới chân, đó gọi là thân.

     2. Khẩu: Là nếu người trước ở xa thì chắp tay cuối đầu, nói lời lễ kính “Hòa Nam”, đó gọi là khẩu.

     3. Nếu đi sau lưng nên chắp tay làm khởi ý cung kính, đó gọi là tâm cung kính.

     Nếu thấy Thượng Tọa đến mà không đứng dậy cung kính lễ bái thì phạm tội Việt Tỳ Ni. Cũng chính là nói, đối với các bậc Trưởng lão, Thượng tọa phải biểu hiện lòng tôn kính, miệng nên xưng là Hòa Nam”.

     Quyển 39, Luật Thập Tụng chép: “Xưng gọi Hòa Nam nghĩa là lời nói, nếu thân khom xuống thì tâm thanh tịnh”.

     Bộ Pháp Tập Danh Số Kinh bằng Phạn Văn chép: Hòa Nam là một trong bảy loại lễ kính.

     Bảy pháp lễ kính trong nhà Phật là:

     1. Ngã mạn lễ: Thân tuy lễ bái nhưng không có lòng tôn kính, bên ngoài xem như là cung kính nhưng mà bên trong thì đầy lòng ngã mạn.

     2. Cầu danh lễ: Muốn được người khác khen ngợi mình tu hành siêng năng, nên dối hiện oai nghi thường thực hành lễ bái, miệng niệm niệm danh hiệu Phật mà tâm thật là rong ruỗi bên ngoài.

     3. Thân tâm lễ: Miệng niệm danh hiệu Phật, trong tâm quán tưởng tướng tốt Phật, thân nghiệp ân cần, cung kính cúng dường không có ý niệm nào khác.

     4. Trí tịnh lễ: Huệ tâm danh lợi, đạt đến cảnh giới Phật, trong ngoài thanh tịnh, không ngăn ngại như hư không.

     5. Biến nhập pháp tướng lễ: Thân tâm mình sáng như pháp giới, không lìa pháp giới xưa nay, chư Phật không lìa tâm mình, tâm mình không lìa chư Phật, tánh tướng bình đẳng, vốn không có thêm bớt, lễ một Phật tức là lễ tất cả chư Phật.

     6. Chánh quán tu hành lễ: Nhiếp tâm chánh niệm, đối trước Đức Phật thì cũng như tự lễ Đức Phật ở tự thân.

     7. Thật tướng bình đẳng lễ: Trong phép chánh quán trên, vẫn còn có lễ có quán, tự thân và Phật đều khác, nay thực hành một lễ nầy, không còn phân biệt tự thân và Phật, phàm Thánh như nhau, thể dụng không hai.

     Quyển 3, Nam Hải Ký Qui Nội Pháp Truyện, Quyển 4, Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương: Huyền Ứng Nhất Thiết Kinh chép: Tất cả những sách trên đều cho rằng Hòa Nam là âm đọc bị lệch, nên đọc là Bạn Đệ, Phiền đạm, Bàn Đàm…. tuy nhiên đây thuộc về ngôn ngữ văn tự.

     Đối người đệ tử Phật, nhằm th63 hiện lòng tôn kính đối với bậc phước huệ vẹn toàn, nên đem năm vóc đầu thành đảnh lễ.

Thích Thiện Phước

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu