GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 16:17:33 04-12-2021 (GMT+7) Lượt xem:2649

Nội quy Ban Thông tin Truyền thông

NỘI QUY

BAN THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG TRUNG ƯƠNG

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(Ban hành kèm theo Quyết định số 270/2013/QĐ.HĐTS ngày 29 tháng 7 năm 2013

của Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt nam)

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG VÀ CÁC CHỈ DẪN

Điều 1. Giới thiệu về bản Nội Quy

Bản Nội Quy này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, và những vấn đề có liên quan tới hoạt động của Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhằm đảm bảo hiệu quả trong hoạt động của Ban và cho hoạt động thông tin và truyền thông nói chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều 2. Nguyên tắc hoạt động

Ban Thông tin Truyền thông hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số và thống nhất hành động.

Điều 3. Vai trò

Ban Thông tin Truyền thông Trung ương là cơ quan giúp việc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Điều 4. Chức năng

Ban Thông tin Truyền thông có hai chức năng chính là thông tin và truyền thông.

Điều 5. Nhiệm vụ

Tùy theo yêu cầu hoạt động của Ban Thông tin Truyền thông trong từng thời kỳ, Ban thường trực Ban Thông tin Truyền thông sẽ quy định các nhiệm vụ cụ thể để áp dụng đối với các tổ chức và cá nhân thuộc Ban. Trong trường hợp cần thiết, Ban thường trực Ban Thông tin Truyền thông kiến nghị Ban thường trực Hội đồng Trị sự ban hành và giao nhiệm vụ cụ thể liên quan tới thông tin, truyền thông cho các Ban, Viện trung ương, các Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp địa phương (bao gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh/thành phố, cấp quận/huyện).

Phù hợp với yêu cầu và hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Thông tin Truyền thông sẽ thực hiện các nhiệm vụ cơ bản là:

  1. Các nhiệm vụ về thông tin

- Thu thập, tổng hợp các thông tin liên quan đến Giáo hội và thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam để phân tích, xử lý và báo cáo với Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự hoặc sử dụng trong công tác chuyên môn.

- Hộ trì Chính Pháp, bảo vệ Giáo hội. Kiểm soát và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, của chư Tăng Ni, Phật tử và làm sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật;

- Đảm bảo mọi thông tin của Giáo hội ra bên ngoài, trên phương tiện truyền thông là thống nhất và phản ánh đúng, đầy đủ, trung thực ý chí của Giáo hội theo nguyên tắc trong lời nói đầu của Hiến chương Giáo hội Phật giáo tu chính lần thứ V "Sự thống nhất của Phật Giáo Việt Nam xây dựng trên nguyên tắc: Thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp”;

- Tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, hệ thống cổng thông tin điện tử, báo chí của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Bảo đảm kỹ thuật và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, an ninh về thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên mạng máy tính và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thực hiện các biện pháp bảo vệ cần thiết, phù hợp với quy định của pháp luật trong trường hợp an toàn, an ninh về thông tin nói riêng và uy tín danh dự nói chung của thành viên hoặc của Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị đe dọa bởi bất cứ mối nguy hại nào từ bên trong hoặc bên ngoài Giáo hội.

  1. Các nhiệm vụ về truyền thông

- Thực hiện truyền bá Chính Pháp thông qua việc ca ngợi văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam nói chung và đạo Phật nói riêng, hướng Phật tử và đạo hữu cũng như toàn thể đồng bào cùng đến với chân, thiện, mỹ, góp phần tăng cường sự đoàn kết, gắn bó trong toàn xã hội.

- Thực hiện nhiệm vụ kết nối giữa Giáo hội và các cá nhân, tổ chức bên ngoài để tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa đạo và đời nhằm nâng cao vai trò của Phật giáo trong đời sống nhân dân, hộ trì hoằng dương Phật pháp, tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc, phục vụ dân tộc, góp phần xây dựng hoà bình, an lạc trên thế giới theo phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”.

- Phối hợp với các cơ quan các cấp có thẩm quyền của Nhà nước hoặc của Giáo hội để thông tin, tuyên truyền về Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoặc xử lý đối với các hành vi vi phạm gây hậu quả xấu hoặc làm ảnh hưởng tới Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điều 6. Trách nhiệm

  1. Ban Thông tin Truyền thông có trách nhiệm hoàn thành đúng và đầy đủ các nhiệm vụ về thông tin truyền thông do Giáo hội Phật giáo Việt Nam giao phó, phù hợp với Hiến chương, Quy chế hoạt động của Ban thường trực Hội đồng Trị sự, giáo luật của đạo Phật và luật pháp của Nhà nước.
  2. Thừa ủy quyền và phân cấp của Hội đồng Trị sự để thực hiện chế độ phát ngôn và cung cấp thông tin của Giáo hội ra bên ngoài Giáo hội (bao gồm cung cấp thông tin cho báo chí và cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân khác).
  3. Trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự định hướng hoạt động dài hạn và hàng năm của Ban. Hoạch định chiến lược và sách lược thông tin truyền thông cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam; củng cố, tăng cường, hỗ trợ cho hoạt động của Hội đồng Trị sự và các Ban, Viện Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công tác truyền thông nhằm giúp các Ban, Viện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình;

Điều 7. Quyền hạn

  1. Được quyền ban hành và điều chỉnh các quy định, quy trình, quy chế, các văn bản có liên quan khác về tổ chức bộ máy, như: phân công phân nhiệm cho các bộ phận chức năng, phân công phân nhiệm với nhân sự của Ban … để đảm bảo có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ.
  2. Được quyền thành lập thêm hoặc giải tán một hoặc một số đơn vị trực thuộc, bộ phận chức năng nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của Ban Thông tin Truyền thông trong từng thời kỳ.
  3. Xây dựng kế hoạch thu, chi hàng năm; kế hoạch thu chi trong các chương trình Phật sự đặc biệt để triển khai các nhiệm vụ.
  4. Chủ động trong quan hệ đối nội, đối ngoại để thực hiện các công việc trong lĩnh vực thông tin truyền thông. Trao đổi và liên hệ với các Trưởng Ban, Viện Trung ương khác của Giáo hội để giải quyết các vấn đề có thể đồng thời thuộc thẩm quyền của Ban Thông tin Truyền thông và của Ban, Viện đó. Được độc lập xử lý và chịu trách nhiệm về các vấn đề xử lý theo quyết định của mình và báo cáo Ban Thường trực Hội đồng Trị sự trong trường hợp có sự mâu thuẫn, không thống nhất với các Ban, Viện liên quan.
  5. Trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, kiến nghị các cơ quan Nhà nước hữu quan giải quyết các vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực mình quản lý.
  6. Chỉ đạo các thành viên Ban Thông tin Truyền thông Trung ương và các thành viên Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp địa phương (cấp tỉnh/thành phố, cấp quận/huyện) thu thập, xử lý thông tin liên quan đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại địa bàn, các thông tin khác có ảnh hưởng hoặc đe dọa ảnh hưởng (tiêu cực hoặc tích cực) đến hình ảnh của Giáo hội.
  7. Được thực hiện các quyền phù hợp với Hiến chương, với qui định của Hội đồng Trị sự hoặc các biện pháp mà Ban thấy cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động hình ảnh, uy tín của Giáo hội trong cộng đồng phật tử và trong xã hội.

Điều 8. Nhân sự và cơ cấu tổ chức

  1. Nhân sự:

- Ban Thông tin Truyền thông Trung ương gồm có 01 (Một) Trưởng Ban, 02 (Hai) Phó Ban thường trực và các Phó Ban khác, Chánh Văn phòng và các ủy viên. Ban Thông tin Truyền thông có thể có tổng số thành viên theo quy định tại Hiến chương. Số lượng thành viên cụ thể sẽ do Ban thường trực Ban Thông tin Truyền thông quyết định trong từng thời điểm và trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua.

- Trưởng Ban có thể quyết định việc tuyển chọn và sử dụng cộng tác viên để đảm trách các hoạt động của Ban. Số lượng cộng tác viên do Trưởng Ban quyết định phù hợp với yêu cầu công việc.

  1. Cơ cấu tổ chức
  2. Ban gồm có các bộ phận chức năng sau:

- Ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông: là cơ quan thường trực của Ban, có quyền quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban. Ban thường trực gồm Trưởng Ban, và một số thành viên thường trực của Ban.

- Hội đồng chuyên môn: Là cơ quan tham mưu và giúp việc trực tiếp cho Ban trong lĩnh vực chuyên môn về thông tin truyền thông.

- Hội đồng cố vấn: Là cơ quan hỗ trợ, tư vấn cho Ban Thường trực để thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Ban Thông tin Truyền thông.

- Văn phòng Ban: bao gồm các bộ phận Tài chính, Kế toán, Kiểm soát, Pháp lý, Công nghệ thông tin… là cơ quan giúp việc của Ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông, có trách nhiệm tổ chức, kiểm tra, theo dõi, đôn đốc các đơn vị trực thuộc (bao gồm cả các Ban Thông tin Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp địa phương), các thành viên của Ban Thông tin Truyền thông thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ban.

- Các Phân Ban của Ban Thông tin Truyền thông đảm trách từng công tác chuyên ngành về thông tin, truyền thông của Ban được thành lập theo quyết định của Ban thường trực Ban Thông tin Truyền thông.

  1. Ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông quy định cụ thể cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ phận chức năng và các nhân sự thuộc từng bộ phận chức năng.

 

CHƯƠNG II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VÀ CÁC CHỈ DẪN

Điều 9. Văn phòng

  1. Văn phòng làm việc của Ban Thông tin Truyền thông Trung ương được đặt tại số 15AV Hồ Xuân Hương, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Điện thoại: 043.9435555 - Fax: 043.9448749

  1. Ngoài ra, Ban Thông tin Truyền thông làm việc và/hoặc lưu giữ hồ sơ, tài liệu cần thiết phục vụ cho hoạt động của Giáo hội tại Văn phòng 1 (Chùa Quán Sứ) và Văn phòng 2 (Thiền viện Quảng Đức).

Điều 10. Tài chính và chi tiêu

Ban Thường trực Ban ra quy định chi tiết và các quyết định về các nguồn thu và chi tiêu của Ban Thông tin Truyền thông.

Điều 11. Khen thưởng, kỷ luật

1.Các phân ban, phòng, bộ phận thuộc Ban, thành viên Ban có thành tích, công đức cho công tác thông tin truyền thông sẽ được tuyên dương, khen thưởng.

2.Các phân ban, phòng, bộ phận thuộc Ban, thành viên Ban vi phạm các điều cấm, vi phạm kỷ luật, giới luật sẽ tùy theo mức độ bị xử lý kỷ luật.

3.Ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông ban hành quyết định quy định cụ thể vấn đề khen thưởng, kỷ luật của Ban.

Điều 12. Hội họp

Ban Thường trực Ban Thông tin Truyền thông quy định cụ thể về chế độ hội họp của Ban.

Điều 13. Báo cáo

Ban Thường trực quy định cụ thể về chế độ báo cáo của các bộ phận chức năng và thành viên Ban Thông tin Truyền thông.

Điều 14. Sửa đổi, bổ sung Nội Quy

Ban thường trực Ban Thông tin Truyền thông quyết định việc sửa đổi, bổ sung Nội Quy này và trình Ban thường trực Hội đồng Trị sự thông qua.

CHƯƠNG III

HIỆU LỰC THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành của Nội quy

Bản Nội quy này gồm có 03 Chương và 15 Điều do Ban Thông tin Truyền thông Trung ương soạn thảo; được Ban thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thông qua ngày 02 tháng 07 năm 2013 và có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 8 năm 2013.

BAN THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG TRUNG ƯƠNG

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu