GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 15:19:40 04-12-2021 (GMT+7) Lượt xem:2725

NỘI QUY TU CHỈNH LẦN THỨ V BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TRUNG ƯƠNG

NỘI QUY TU CHỈNH LẦN THỨ V

BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TRUNG ƯƠNG
NHIỆM KỲ VIII (2017-2022)
(Kèm theo Tờ trình số 002/2018/TTr-BHDPT)

LỜI NÓI ĐẦU
Đối với hàng đệ tử Phật, Phật tử tại gia là bộ phận đông đảo trong “Tứ chúng đồng tu” của Phật giáo, đã có những cống hiến xứng đáng vào các Phật sự lợi đạo ích đời.
Do vậy, Hiến chương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam quy định trong Hội đồng Trị sự có Ban Hướng dẫn Phật tử để chuyên trách hướng dẫn sinh hoạt tu học của hàng Phật tử tại gia.
Ban Hướng dẫn Phật tử hoạt động trên cơ sở phụng hành giới luật Phật chế, hoằng dương giáo pháp, tuân thủ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
CHƯƠNG I
DANH XƯNG - MỤC ĐÍCH

  1. 1. Danh xưng: Ban Hướng dẫn Phật tử, viết tắt là BHDPT. 
  2. 2. Mục đích của Ban Hướng dẫn Phật tử là hướng dẫn hàng Phật tử tại gia và những người cảm tình với Phật giáo tu học Phật pháp, hộ trì Tam bảo, tu dưỡng đạo đức bản thân, góp phần xây dựng đất nước, kiến tạo cuộc sống hòa bình, an lạc cho xã hội.

CHƯƠNG II
HỆ THỐNG TỔ CHỨC

  1. 3. Hệ thống tổ chức của Ban Hướng dẫn Phật tử gồm bốn cấp:
  • Cấp trung ương có danh xưng là Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương (viết tắt là BHDPT TW).
  • Cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) có danh xưng là Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh.
  • Cấp quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) có danh xưng là Ban Hướng dẫn Phật tử huyện.
  • Cấp cơ sở của Ban Hướng dẫn Phật tử gồm các Đạo tràng cư sĩ Phật tử, Đạo tràng Phật tử dân tộc, Đơn vị Gia đình Phật tử, Câu lạc bộ thanh thiếu nhi Phật tử, Hội Phật tử Việt Nam hải ngoại sinh hoạt tại các tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.
  1. 4. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương
  1.  Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương trực thuộc sự lãnh đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  2.  Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có năm phân ban và năm tiểu ban chuyên trách trực thuộc:
  1. Năm phân ban

a) Phân ban Cư sĩ Phật tử (viết tắt là PB CSPT)
b) Phân ban Gia đình Phật tử (viết tắt là PB GĐPT)
c) Phân ban Phật tử dân tộc (viết tắt là PB PTDT)
d) Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử (viết tắt là PB TTNPT)
e) Phân ban Phật tử hải ngoại (viết tắt là PB PTHN)

  1. Năm tiểu ban

a) Tiểu ban Phật tử Khất sĩ
b) Tiểu ban Phật tử Nam tông Kinh
c) Tiểu ban Phật tử Nam tông Khmer
d) Tiểu ban Phật tử người Hoa
e) Tiểu ban Phật tử văn nghệ sĩ
CHƯƠNG III
THÀNH PHẦN NHÂN SỰ

  1. 5. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương
  1. Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương là thành viên Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Các thành viên còn lại do vị Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương mời với đầy đủ các thành phần:
  • Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN cấp Tỉnh.
  • Thành viên tiêu biểu của các hệ phái.
  • Cá nhân tiêu biểu là các Tăng Ni, cư sĩ có năng lực, uy tín và tâm huyết.
  1.  Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có số lượng không quá 97 thành viên được Ban thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y bằng một quyết định, thành phần nhân sự gồm có:
  • Một Trưởng ban
  • Ba Phó Trưởng ban thường trực
  • Các Phó Trưởng ban chuyên trách và tiêu biểu
  • Một Chánh Thư ký
  • Hai Phó Thư ký kiêm Chánh văn phòng (phía Bắc và phía Nam)
  • Hai Phó Thư ký kiêm Phó văn phòng (phía Bắc và phía Nam)
  • Hai Thủ quỹ (phía Bắc và phía Nam)
  • Hai Ủy viên tài chính (phía Bắc và phía Nam)
  • Ba Ủy viên kiểm soát
  • Các Ủy viên thường trực
  • Các Ủy viên
  1. Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương gồm có: Trưởng ban, ba Phó Trưởng ban thường trực, các Phó Trưởng ban (số lượng các Phó Trưởng ban không quá 15 vị kể cả ba Phó Trưởng ban thường trực), Chánh - Phó Thư ký, Thủ quỹ, Ủy viên tài chính, Ủy viên kiểm soát, các Ủy viên thường trực với số lượng thành viên không quá một phần ba số lượng thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
  2. Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có thể cử một số Ủy viên thường trực của Ban đảm nhiệm chức vụ Phó văn phòng nếu có yêu cầu.
  1. 6. Phân ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương
    1. Phân ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương hoạt động theo một Nội quy riêng có nội dung phù hợp với Hiến chương GHPGVN và Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương do Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ban hành.
    2.  Trưởng Phân ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương mời một Phó trưởng ban hoặc một Ủy viên thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử trung ương chuyên trách.
    3. Phân ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có số lượng không quá 37 thành viên (không tính vào số lượng thành viên chính thức của Ban) do Trưởng Phân ban mời và được Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chuẩn y bằng một quyết định, thành phần gồm có:
  • Một Trưởng ban
  • Một Phó Trưởng ban thường trực
  • Các Phó Trưởng ban
  • Một Chánh Thư ký
  • Hai Phó Thư ký
  • Một thủ quỹ
  • Một Ủy viên tài chính
  • Ủy viên kiểm soát
  • Các Ủy viên thường trực
  • Các Ủy viên
  1. 7. Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử trung ương
    1. Ngoài năm Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, tùy theo nhu cầu về công việc, vùng miền, lứa tuổi hay giới tính; mỗi phân ban cấp trung ương được thành lập các tiểu ban.
    2. Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương hoạt động theo một Nội quy riêng do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ban hành, có nội dung phù hợp với Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Nội quy của Phân ban liên quan.
    3. Trưởng Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương mời một Phó Trưởng ban hoặc một Ủy viên thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chuyên trách.
    4.  Trưởng Tiểu ban trực thuộc Phân ban Trung ương do Trưởng Phân ban Trung ương liên quan mời một Phó Trưởng ban hoặc một vị Ủy viên thường trực thuộc Phân ban Trung ương chuyên trách.
    5. Tiểu ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có số lượng không quá 27 thành viên do Trưởng Tiểu ban mời (không tính vào số lượng thành viên chính thức của Phân ban) được Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chuẩn y bằng một quyết định, thành phần gồm có:
  • Một Trưởng ban
  • Một Phó Trưởng ban thường trực
  • Các Phó Trưởng ban
  • Một Chánh Thư ký
  • Hai Phó Thư ký
  • Một thủ quỹ
  • Một Ủy viên tài chính
  • Ủy viên kiểm soát
  • Các Ủy viên thường trực
  • Các Ủy viên
  1. 8. Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh
  1. Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh trực thuộc sự lãnh đạo của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh sở tại, hoạt động theo Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Quy chế hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh.
  2. Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh là thành viên Ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh. Các thành viên còn lại do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh mời với đầy đủ các thành phần :

          - Các Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử huyện.
     - Thành viên tiêu biểu của các hệ phái.
     - Cá nhân tiêu biểu là các Tăng Ni, cư sĩ có năng lực, uy tín và tâm huyết.

  1. Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh có số lượng không quá 37 thành viên được Ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh chuẩn y bằng một quyết định, thành phần gồm có:
  • Một Trưởng ban
  • Một Phó Trưởng ban thường trực
  • Các Phó Trưởng ban chuyên trách
  • Các Phó Trưởng ban tiêu biểu
  • Một Chánh Thư ký
  • Một Phó Thư ký kiêm Chánh văn phòng
  • Hai Phó Thư ký
  • Một Thủ quỹ
  • Một Ủy viên tài chính
  • Một Ủy viên kiểm soát
  • Các Ủy viên thường trực
  • Các Ủy viên
  1. Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh gồm có: Trưởng ban, Phó Trưởng ban thường trực, các Phó Trưởng ban, Chánh - Phó thư ký, Thủ quỹ, Ủy viên tài chính, Ủy viên kiểm soát và các Ủy viên thường trực.
  2. Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh tùy theo nhu cầu, được thành lập các phân ban, tiểu ban tương ứng với các phân ban, tiểu ban của cấp trung ương. Trưởng Phân ban, tiểu ban cấp tỉnh do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh mời một Phó Trưởng ban hoặc một Ủy viên thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh chuyên trách.
  3. Phân ban, tiểu ban Phật tử cấp tỉnh có số lượng không quá 27 thành viên do Trưởng Phân ban, tiểu ban cấp tỉnh mời (không tính vào số lượng thành viên chính thức của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh) được Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh chuẩn y bằng một quyết định, thành phần gồm có:
  • Một Trưởng ban
  • Một Phó Trưởng ban thường trực
  • Các Phó Trưởng ban
  • Một Chánh Thư ký
  • Hai Phó Thư ký
  • Một Thủ quỹ
  • Một Ủy viên tài chính
  • Một Ủy viên kiểm soát
  • Các Ủy viên
  1. 9. Ban Hướng dẫn Phật tử Huyện
  1. Ban Hướng dẫn Phật tử huyện trực thuộc sự lãnh đạo của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện sở tại.
  2. Ban Hướng dẫn Phật tử huyện gồm có một Trưởng ban, một Phó Trưởng ban thường trực, các Phó Trưởng ban, một Chánh Thư ký, một Phó Thư ký, một Thủ quỹ, một Ủy viên tài chính, một Ủy viên kiểm soát và các Ủy viên.
  3. Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử huyện là ủy viên thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện, các thành viên còn lại do vị Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử huyện mời có số lượng không quá 25 thành viên được Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện chuẩn y bằng một quyết định.
  4. Ban Hướng dẫn Phật tử huyện tùy theo nhu cầu, được thành lập các phân ban, tiểu ban tương ứng với các phân ban, tiểu ban của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, có số lượng không quá 15 thành viên do một Phó Trưởng ban hoặc một Ủy viên thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử huyện làm Trưởng Phân ban, Tiểu ban. Các thành viên còn lại do Trưởng phân ban, tiểu ban cấp huyện mời và được Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện chuẩn y bằng một quyết định.
  1. 10. Đơn vị cơ sở
    1. Thành phần lãnh đạo các đơn vị cơ sở của Ban Hướng dẫn Phật tử là Ban điều hành đạo tràng Cư sĩ Phật tử, Ban điều hành đạo tràng Phật tử dân tộc, Ban huynh trưởng Gia đình Phật tử, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử, Ban điều hành Hội Phật tử Việt nam hải ngoại sinh hoạt tại các tự viện thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài.
    2. Ban Hướng dẫn Phật tử, các phân ban, tiểu ban các cấp được thành lập các đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử trực thuộc. Các đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử, các phân ban, tiểu ban cấp trung ương và cấp tỉnh do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử hoặc Trưởng phân ban cùng cấp phê chuẩn. Các đạo tràng, câu lạc bộ Phật tử trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử, các phân ban, tiểu ban cấp huyện do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng cấp phê chuẩn.
    3. Đối tượng hướng dẫn sinh hoạt, tu học và hành đạo của Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp là nam nữ cư sĩ Phật tử, nam nữ Phật tử dân tộc, thanh thiếu nhi Phật tử, huynh trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử, thiện nam, tín nữ sinh hoạt tại các cơ sở tự viện thuộc GHPGVN ở trong nước và ở nước ngoài.

CHƯƠNG IV
BAN BẢO TRỢ

  1. 11. Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp, các phân ban và các tiểu ban thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp và ban lãnh đạo các đơn vị Phật tử cơ sở được thành lập ban bảo trợ để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động Phật sự.

Ban bảo trợ cấp trung ương và cấp tỉnh do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử cùng cấp bổ nhiệm. Ban bảo trợ cấp huyện và cấp cơ sở do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện bổ nhiệm.
CHƯƠNG V
NHIỆM VỤ

  1. 12. Nhiệm vụ Ban Hướng dẫn cấp Trung ương
  1. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương có nhiệm vụ
  1. Trình Ban thường trực Hội đồng Trị sự xét duyệt chấp thuận trước khi thực hiện các chương trình:
  • Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ, hàng năm, hàng kỳ, tu chỉnh và bổ sung chương trình sinh hoạt của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh.
  • Chương trình tổ chức tọa đàm, hội thảo, hội nghị chuyên đề, mở các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo lý, nghiệp vụ chuyên môn.
  1. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự và các đề xuất mới cho Ban thường trực Hội đồng Trị sự thông qua 2 văn phòng Trung ương Giáo hội.
  2. Hằng năm thăm và làm việc với Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh để nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức hướng dẫn Phật tử của các Tỉnh.
  1. Phân ban, tiểu ban hướng dẫn Phật tử Trung ương có nhiệm vụ
  1. Soạn thảo chương trình sinh hoạt tu học của phân ban và các tiểu ban trực thuộc, đệ trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xét duyệt chấp thuận và chịu trách nhiệm đôn đốc triển khai thực hiện.
  2. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự và các đề xuất mới cho Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.

3. Tiểu ban thuộc Phân ban Trung ương có nhiệm vụ

  1. Soạn thảo chương trình hoạt động nhiệm kỳ, hàng năm và hàng quý của Tiểu ban đệ trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xét duyệt chấp thuận và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện.
  2. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự và các đề xuất mới cho Ban thường trực Phân Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương liên hệ.
  1. 13. Nhiệm vụ Ban Hướng dẫn cấp tỉnh

Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh; các Phân ban, tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh có nhiệm vụ:

  1. Thực hiện mọi Phật sự của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp tỉnh giao phó.
  2. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự và các đề xuất mới cho Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh.
  3. Lập các chương trình sinh hoạt, tu học như: mở khóa tu, lớp giáo lý, hội thi giáo lý cho các đạo tràng CSPT, đạo tràng PTDT, câu lạc bộ TTNPT, đơn vị GĐPT và các hội đoàn Phật tử để nâng cao trình độ giáo lý và kiến thức chuyên môn trình Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh thông qua trước khi thực hiện.
  4. Thăm và làm việc với các đạo tràng, câu lạc bộ, GĐPT và các hội đoàn Phật tử cơ sở tại các tự viện tiêu biểu để nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức Hướng dẫn Phật tử của từng địa phương.
  1. 14. Nhiệm vụ Ban Hướng dẫn cấp huyện:

Ban Hướng dẫn Phật tử huyện, các Phân ban, tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử huyện có nhiệm vụ:

  1. Thực hiện mọi chủ trương, kế hoạch của Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh.
  2. Thực hiện chương trình, kế hoạch của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện có liên quan đến ngành Hướng dẫn Phật tử.
  3. Thường xuyên theo dõi, thăm viếng, đôn đốc, nắm bắt tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, phản ánh những ý kiến của các đạo tràng CSPT và PTDT, câu lạc bộ TTNPT, đơn vị GĐPT và các hội đoàn Phật tử tại cơ sở, báo cáo và tham mưu định hướng hoạt động cho Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Huyện và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh.
  4. Báo cáo định kỳ sáu tháng một lần các hoạt động Phật sự, số liệu đạo tràng, khóa tu, lớp giáo lý, giảng đường của các đạo tràng CSPT, đạo tràng PTDT, câu lạc bộ TTNPT; sự sinh hoạt và số liệu huynh trưởng, đoàn sinh GĐPT tại các tự viện và các đề xuất mới về Ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh.
  5. Báo cáo đột xuất những Phật sự đặc biệt cần thiết và đề xuất hướng giải quyết về Ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp huyện và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh.
  1. 15. Nhiệm vụ của các thành viên

          Nhiệm vụ của các thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp được quy định tại Quy chế hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ban hành.

  1. 16. Những nhiệm vụ chung của Ban hướng dẫn các cấp
  1. Kiểm tra, đánh giá, mở khóa huấn luyện, bồi dưỡng kỹ năng chuyên môn, kiến thức tổng quát của các thành viên thuộc các bộ phận chuyên trách trực thuộc.
  2. Tổ chức khóa tu, mở lớp giáo lý, thành lập các đạo tràng CSPT, đạo tràng PTDT, câu lạc bộ TTNPT, đơn vị GĐPT, thành lập các đoàn hoằng pháp cư sĩ để truyền bá chánh pháp đến các vùng miền chưa có Phật tử.
  3. Hưởng ứng, tham gia các hoạt động an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, hội nhập cộng đồng, giao lưu văn hóa nghệ thuật với các Ban, Viện trung ương, Ban Trị sự các Giáo hội Phật giáo Việt Nam cấp Tỉnh và các đoàn thể xã hội.
  4. Hưởng ứng, tham gia các chương trình phối hợp hành động, chủ trương đại đoàn kết toàn dân tộc của Ủy ban Mặt trận các cấp đề ra.

CHƯƠNG VI
NHIỆM KỲ

  1. 17. Nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp
  1. Nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và các Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương là 05 năm, tương ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  2. Nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, huyện và các Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh, huyện là 05 năm, tương ứng với nhiệm kỳ của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, huyện sở tại.
  1. 18. Khuyết nhiệm giữa nhiệm kỳ
  1. Trong giữa nhiệm kỳ, nếu có thành viên nào trong Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương bị khuyết thì Trưởng ban sẽ đề cử một ủy viên chính thức khác của Ban thay thế tại kỳ họp sáu tháng đầu năm hoặc tại kỳ hội nghị tổng kết cuối năm gần nhất. Riêng ngôi vị Trưởng ban thì phải do Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thỉnh cử bổ khuyết.
  2. Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh, cấp huyện và Phân ban, Tiểu ban các cấp, việc cử bổ sung thay thế ủy viên khuyết nhiệm giữa nhiệm kỳ cũng được áp dụng tương tự như tại Khoản 1 Điều 18 Nội quy này.
  1. 19. Chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ
  1. Giữa hai nhiệm kỳ kế tiếp của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, vị nguyên Trưởng ban có nhiệm vụ bàn giao văn phòng và công tác cho vị tân Trưởng ban.
  2. Trong thời gian chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, vị tân Trưởng ban kết hợp với vị nguyên Trưởng ban và các thành viên tiếp tục điều hành Phật sự cho đến khi có quyết định bổ nhiệm tân Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
  3. Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh, cấp huyện và Phân ban, Tiểu ban các cấp, việc chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ cũng được áp dụng như tại Khoản 1 và 2 Điều 19 Nội quy này.

CHƯƠNG VII
HỘI HỌP – HỘI NGHỊ

  1. 20. Hội Họp
  1. Họp định kỳ: Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương họp định kỳ có thời gian họp tương ứng với kỳ hội nghị của Ban thường trực Hội đồng Trị sự để sơ kết công tác Phật sự của Ban. Thành phần dự họp gồm các thành viên Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
  2. Họp bất thường: Trường hợp cần thiết, Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được tổ chức cuộc họp bất thường, thành phần tham dự gồm Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và đại diện Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh hoặc những đại biểu có liên quan đến công việc cần giải quyết.
  3. Các cuộc họp trên đều do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương triệu tập, chủ trì. Nếu Trưởng ban vì duyên sự đặc biệt không thể triệu tập hoặc chủ trì thì phải ủy nhiệm cho một trong ba vị Phó Trưởng ban thường trực triệu tập, chủ trì.
  4. Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh, cấp huyện và Phân ban, Tiểu ban các cấp, việc hội họp cũng được áp dụng như tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 20 Nội quy này.
  1. 21. Hội nghị
  1. Hội nghị thường niên: Hội nghị thường niên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được tổ chức vào cuối mỗi năm trong nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương triệu tập và chủ trì, nếu Trưởng ban vì duyên sự đặc biệt không thể triệu tập hoặc chủ trì thì phải ủy nhiệm cho một trong ba vị Phó Trưởng ban thường trực triệu tập hoặc chủ trì, để tổng kết công tác Phật sự trong năm qua hoặc trong nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng hoạt động Phật sự cho năm tới hoặc nhiệm kỳ tới.
  2. Hội nghị bất thường: Trường hợp cần thiết, sau khi được Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương thống nhất, Hội nghị bất thường ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được tổ chức do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương triệu tập và chủ trì để giải quyết công việc.
  3. Thành phần đại biểu chính thức của Hội nghị (thường niên và bất thường) gồm có:

– Toàn thể thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
– Đại diện các phân ban, tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
– Đại diện các Ban bảo trợ thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
– Đại diện Ban Hướng dẫn Phật tử các tỉnh
– Đại diện các tổ chức và các cá nhân liên hệ.

  1. Thời gian hội nghị thường niên phải trước kỳ Hội nghị thường niên của Hội đồng Trị sự GHPGVN ít nhất là một tháng và trước kỳ họp chuẩn bị tổ chức Đại hội Đại biểu Phật Giáo toàn quốc của Hội đồng Trị sự ít nhất là hai tháng.
  2. Số lượng đại biểu hội nghị do Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương quy định. Số lượng đại biểu tham dự hội nghị phải đạt hai phần ba số lượng đại biểu được mời. Nghị quyết của hội nghị phải được ba phần tư số lượng đại biểu hiện diện tán thành thì kết quả hội nghị mới có giá trị.
  3. Đối với Ban Hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh, cấp huyện và Phân ban, Tiểu ban các cấp, việc tổ chức hội nghị thường niên và bất thường cũng được áp dụng tương tự như tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 21 Nội quy này.

CHƯƠNG VIII
TÀI CHÍNH

  1. 22. Tài chính của Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp gồm có:
  • Tài vật do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và ban viện các cấp tài trợ
  • Công đức phí do thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp đóng góp
  • Tài vật được hiến cúng hợp pháp
  • Tài vật do Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp tự tạo hợp pháp.
  • Sự đóng góp của Nam, nữ cư sĩ Phật tử và những người có thiện cảm với Phật giáo

CHƯƠNG IX
ĐỀ NGHỊ - KIẾN NGHỊ - KHIẾU NẠI - TỐ CÁO

  1. 23. Khái niệm về từ ngữ và đối tượng áp dụng

Trong khi thực hiện Phật sự chung, do chưa đoạn trừ hết tâm tưởng hữu lậu, có khi cũng gây ra những bức xúc, bất bình. Trong trường hợp đó, cá nhân Phật tử thuộc các đạo tràng, câu lạc bộ, GĐPT (sau đây gọi chung là cá nhân) hoặc tập thể Ban hộ tự, Ban điều hành đạo tràng CSPT, Ban điều hành đạo tràng PTDT, Ban huynh trưởng GĐPT, Câu lạc bộ TTNPT … (sau đây gọi chung là tập thể) đang sinh hoạt tại các cơ sở tự viện thuộc giáo hội (sau đây gọi tắt là chùa) được phép có đơn, thư đề nghị, kiến nghị, khiếu nại, khiếu tố (sau đây gọi chung là đơn kiến nghị) về những việc có liên hệ đến cá nhân tăng, ni, Phật tử hoặc liên hệ đến tập thể thuộc giáo hội.

  1. 24. Lộ trình gởi đơn kiến nghị

 Thể hiện tinh thần lục hòa cộng trụ và tinh thần tôn trọng tổ chức của các Phật tử thuộc GHPGVN, để tránh tình trạng nguyên đơn gởi đơn kiến nghị vượt cấp, đại trà, và gởi không đúng cơ quan hữu trách có thẩm quyền xử lý, giải quyết, gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của giáo hội; các cá nhân hay tập thể tại các chùa khi cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

  1. Nếu nguyên đơn là cá nhân hay tập thể mà bị đơn là cá nhân (tăng ni, cư sĩ) hoặc tập thể cùng sinh hoạt tại một chùa thì chỉ gởi cho vị Trụ trì của chùa đó. Nếu bị đơn là cá nhân hay tập thể thuộc một chùa khác thì đơn kiến nghị chỉ gởi cho vị Trụ trì của chùa bên bị đơn. Tuyệt đối không được gởi cho các cơ quan khác khi chưa có ý kiến của giáo hội cấp trên.
  2. Nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc tập thể đã gởi cho vị Trụ trì hữu trách trong thời hạn quá 45 ngày mà không được vị Trụ trì giải quyết thỏa đáng thì nguyên đơn có quyền gởi đơn kiến nghị sự việc ấy lên Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện sở tại. Tuyệt đối không được gởi cho các cơ quan khác khi chưa có ý kiến của giáo hội cấp trên.
  3. Nếu nguyên đơn là cá nhân hay tập thể mà bị đơn là vị Trụ trì của chùa sở tại thì nguyên đơn chỉ được gởi đơn đến văn phòng Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện sở tại. Tuyệt đối không được gởi cho các cơ quan khác khi chưa có ý kiến của giáo hội cấp trên.
  4. Cả hai trường hợp ở mục 2 và 3 nói trên, nếu quá 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn mà Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện sở tại không giải quyết thỏa đáng thì nguyên đơn có quyền gởi đơn kiến nghị sự việc ấy lên Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh để yêu cầu giải quyết.
  5. Đối với những sự kiện có phương hại đến tánh mạng, tài sản, quyền lợi, danh dự của các cá nhân hay tập thể trong giáo hội mà bị đơn là các cá nhân, tập thể hay tổ chức ngoài giáo hội thì nguyên đơn được phép gởi đơn kiến nghị đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xin can thiệp, bảo vệ, giải quyết và cần trình báo cho giáo hội cấp trên biết để được can thiệp, hổ trợ.
  1. 25. Thể thức giải quyết đơn kiến nghị
  1. Đối với vị Trụ trì khi giải quyết những đơn kiến nghị có nội dung liên hệ đến tư cách đạo đức của cá nhân tăng, ni thì phải xin ý kiến chỉ đạo của vị Trưởng ban Ban tăng sự cấp huyện trước; nếu đơn kiến nghị liên hệ tư cách đạo đức của cá nhân cư sĩ Phật tử thì phải xin ý kiến chỉ đạo của vị Trưởng ban Ban hướng dẫn Phật tử cấp huyện trước; nếu đơn kiến nghị liên hệ vai trò trách nhiệm trong công tác Phật sự của cá nhân hay tập thể thì phải xin ý kiến chỉ đạo của Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện sở tại trước.
  2. Đối với Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện khi giải quyết những đơn kiến nghị có nội dung liên hệ đến tư cách đạo đức của cá nhân tăng, ni thì phải xin ý kiến chỉ đạo của vị Trưởng ban Ban tăng sự cấp tỉnh trước; nếu đơn kiến nghị liên hệ tư cách đạo đức của cá nhân cư sĩ Phật tử thì phải xin ý kiến chỉ đạo của vị Trưởng ban Ban hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh trước; nếu đơn kiến nghị liên hệ vai trò trách nhiệm trong công tác Phật sự của cá nhân hay tập thể thì phải tham khảo ý kiến của vị Trưởng ban Ban hướng dẫn Phật tử và Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh trước.

          Trưởng ban Ban hướng dẫn Phật tử cấp tỉnh có quyền đề nghị Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh giải quyết những đơn kiến nghị của nguyên đơn là cá nhân hay tập thể Phật tử đã thực hiện đúng lộ trình gởi đơn và đã quá 60 ngày kể từ ngày nhận được đơn mà Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện không giải quyết thỏa đáng.
CHƯƠNG X
TUYÊN DƯƠNG CÔNG ĐỨC – KỶ LUẬT

  1. 26. Tuyên dương công đức
  1. Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp xét và đề xuất với cấp Giáo hội có thẩm quyền tặng Bằng tuyên dương công đức hoặc Bằng công đức cho các tập thể và cá nhân có thành tích sinh hoạt tu học tinh tấn xuất sắc, có công đức phục vụ cúng dường cho các hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp.
  2. Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương xét tặng Kỷ niệm chương, Bằng Tuyên dương công đức hoặc Bằng công đức cho tập thể và cá nhân có thành tích sinh hoạt tu học tinh tiến, xuất sắc; có công đức phục vụ, cúng dường cho các hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp, được Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp đề xuất.
  3. Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh xét tặng Bằng công đức cho tập thể và cá nhân có thành tích sinh hoạt tu học tinh tiến, xuất sắc hoặc có công đức phục vụ, cúng dường cho các hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử và các Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh và huyện được Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử và Phân ban, Tiểu ban trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp đề xuất.
  1. 27. Kỷ Luật
  1. Ban Hướng dẫn Phật tử các cấp xét và đề xuất với cấp Giáo hội có thẩm quyền khuyến cáo kiểm điểm, đình chỉ công tác, bãi miễn chức danh (tùy theo mức độ vi phạm) đối với các thành viên có những hoạt động vi phạm giới luật Phật chế, Hiến chương GHPGVN, Nội quy của Giáo hội và pháp luật nhà nước hiện hành trong phạm vi quản lý của cấp thực hiện.
  2. Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương khuyến cáo, kiểm điểm, đình chỉ công tác, bãi miễn chức danh (tùy theo mức độ vi phạm) đối với các thành viên do Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương bổ nhiệm có những hoạt động vi phạm giới luật Phật chế, Hiến chương GHPGVN, Nội quy, Quy chế hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử và pháp luật nhà nước hiện hành.

CHƯƠNG XI
SẮC PHỤC PHẬT TỬ

  1. 28. Sắc phục của hàng cư sĩ Phật tử vốn có sự khác nhau tùy theo vùng miền hay các quy định riêng của các đoàn, đạo tràng và cũng được thay đổi theo từng giai đoạn phát triển của Phật giáo Việt Nam; nay quy định thống nhất có ba hình thức: Lễ phục, Đoàn phục, Thường phục:
  1. Lễ phục: Lễ phục của cư sĩ Phật tử là áo tràng màu lam hoặc màu nâu tay rộng không quá 30 phân, chỉ dùng trong khi tham dự các khóa lễ. Khi hành lễ tại nhà riêng hoặc có tính cách cá nhân thì ngoài lễ phục còn có thể mặc quốc phục, âu phục hoặc đoàn phục.
  2. Đoàn phục: Đoàn phục là đồng phục theo quy định riêng của các đoàn thể CSPT như Gia đình Phật tử, Đạo tràng CSPT, Câu lạc bộ TTNPT, v.v… được dùng trong khi tham dự các khóa lễ, các buổi sinh hoạt, hoặc khi tham gia các Phật sự của đoàn thể tổ chức.
  3. Thường phục: Là y phục được dùng trong các sinh hoạt đời thường khi ở nhà riêng hay khi ra ngoài xã hội, nhưng là Phật tử chúng ta cần ăn mặc giản dị, trang nghiêm, lịch sự trong mọi trường hợp.
  1. 29. Cư sĩ Phật tử không được sử dụng lễ phục và giáo phục của Tăng, Ni đã được quy định tại Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN trong mọi trường hợp.

CHƯƠNG XII
HIỆU LỰC - TU CHỈNH

  1. 30. Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương là văn bản điều phối chung cho các hoạt động của Ban Hướng dẫn Phật tử, phân ban, tiểu ban các cấp và các đạo tràng Cư sĩ Phật tử, đạo tràng Phật tử dân tộc, câu lạc bộ Thanh thiếu nhi Phật tử, đơn vị Gia đình Phật tử, các hội đoàn Phật tử tại các tự viện thuộc GHPGVN ở trong nước và ở nước ngoài.
  2. 31. Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được tu chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới của Giáo hội chỉ khi nào có một trong ba trường hợp sau đây:
  1. Sự chỉ đạo của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  2. Sự đề xuất của Trưởng ban Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
  3. Sự nhất trí đề nghị của 2/3 thành viên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.
  1. 32. Việc tu chỉnh Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương được quy định như sau:
  1. Thành lập Tiểu ban soạn dự thảo nội quy tu chỉnh. Thành phần, nhiệm vụ của Tiểu ban soạn dự thảo nội quy tu chỉnh do Ban thường trực Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương quyết định.
  2. Dự thảo nội quy tu chỉnh phải được trình bày tại hội nghị Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương và phải được 2/3 đại biểu tán thành. Sau khi được 2/3 đại biểu tán thành phải trình Ban thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN chuẩn y bằng một quyết định mới có hiệu lực áp dụng.
  1. 33. Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tu chỉnh lần thứ V này được xây dựng trên cơ sở của Hiến chương GHPGVN tu chỉnh lần thứ VI được thông qua tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII (2017-2022) ngày 19-22/11/2017, của Nội quy Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương tu chỉnh lần thứ IV được Hội đồng Trị sự chuẩn y ngày 22/8/2008 và của Thông tư số 345/TT/HĐTS ngày 04/12/2017 của Hội đồng Trị sự hướng dẫn việc tu chỉnh Nội quy hoạt động của các Ban, Viện trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022).
  2. 34. Nội quy này gồm có lời nói đầu, 12 Chương, 34 Điều đã được Ban thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) thông qua và có hiệu lực áp dụng từ ngày Hội đồng Trị sự ký Quyết định ban hành.

BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ TRUNG ƯƠNG
          GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu