Phỏng vấn Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực HĐTS, Trưởng ban Tổ chức Đại hội VIII:
Hỏi: Kính bạch Hòa thượng, Đại hội VIII sẽ được tổ chức về quy mô, tính chất…như thế nào so với kỳ Đại hội trước?
Đáp: Với chủ đề: “Trí tuệ - Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức từ ngày 19 đến 22 tháng 11 năm 2017 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, thủ đô Hà Nội để tổng kết công tác phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017); thảo luận thông qua chương trình hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; suy tôn, bổ sung Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN; suy cử Hội đồng Trị sự GHPGVN; thông qua danh sách Tấn phong Giáo phẩm và một số công tác khác.
Dự Đại hội có 1111 Đại biểu chính thức từ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tham dự. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng mời Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước các Ban, Bộ ngành Trung ương; Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, Pháp, Zech, Hungary, Ucraina, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Singapore, Philippines, Malaysia, Brunei, Ấn Độ, Srilanka, Hàn Quốc, Myanmar, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc - Đài Loan (Trung Quốc) …; Đoàn Phật giáo Quốc tế: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan (Việt Tông), Nhật Bản, Myanmar …; Hội Phật tử nước ngoài: Pháp, Zech, Ba Lan, Hungary, Đức, Ucraina, Nga, Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc tham dự Đại hội với tư cách là Đại biểu khách quý.
|
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu |
Hỏi: Chủ đề của Đại hội lần này là “Trí tuệ - Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” có ý nghĩa như thế nào, kính bạch Hòa thượng?
Đáp: Tại Hội nghị kỳ 5 khóa VII, HĐTS GHPGVN đã thông qua đề án tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII: “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển”. Đây là chủ đề có tầm chiến lược phát triển bền vững của GHPGVN trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng.
Nhìn lại quá trình hình thành, ổn định và phát triển của GHPGVN trong suốt 7 Nhiệm kỳ qua, trên tinh thần hòa hợp, đoàn kết, vận dụng trí tuệ tập thể, chúng ta dễ dàng nhận thấy GHPGVN đã thực sự lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được nhiều kết quả khả quan trong các lĩnh vực. Có thể nói đây là kỳ Đại hội quan trọng, bởi Phật giáo nước nhà đang đứng trước yêu cầu phát triển bền vững với nhiều thách thức khó khăn, từ hoàn cảnh khách quan của thời hội nhập, cũng như những giới hạn do chủ quan mang tới.
Điều cốt lõi của vấn đề là GHPGVN cần phải có một chiến lược phát triển lâu dài, bền vững và nó phải được thực thi bởi một nguyên lý vận hành có cơ sở lý luận, có mục tiêu phấn đấu, luôn ở thế chủ động và mang tính khả thi, chứ không đơn thuần là đến cuối Nhiệm kỳ thì rút kinh nghiệm và đưa một số giải pháp khắc phục mang tính tượng trưng, nếu cứ tiếp tục phương hướng hoạt động theo đường mòn truyền thống bấy lâu nay và luôn ở trong thế thụ động, thì mục tiêu phát triển bền vững vẫn sẽ dễ mất phương hướng và là một khái niệm xa rời thực tế. Do vậy ở Nhiệm kỳ VIII, Giáo hội lấy thước đo hoạt động phật sự và những đóng góp trong công cuộc xây dựng và phát triển của các đơn vị Phật giáo trực thuộc làm tiêu chí đánh giá hiệu quả và hoạt động.
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 11/2017