GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 17:26:13 16-10-2017 (GMT+7) Lượt xem:2649

BÁO CÁO NỘI DUNG CÁC VĂN KIỆN TRÌNH BÀY TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC LẦN THỨ VIII, NK (2017 – 2022)



GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI VIII
---------------------------------------------------
 
 
 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------------------------------------------
 
Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2017
BÁO CÁO NỘI DUNG CÁC VĂN KIỆN
TRÌNH BÀY TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TOÀN QUỐC
LẦN THỨ VIII, NK (2017 – 2022)
-----------------------------------------------------------------------------
 
Nội dung các văn kiện trình bày tại Đại hội như sau:
-      Chủ đề Đại hội VIII: Trí tuệ - Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển
-      Diễn văn Khai mạc Đại hội VIII của Hòa thượng Chủ tịch HĐTS
-      Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VII (2012 - 2017) của GHPGVN, theo các phần như sau:
PHẦN THỨ NHẤT: THÀNH TỰU PHẬT SỰ NHIỆM KỲ VII (2012 – 2017)
          I. Đặc điểm tình hình
          II. Các thành tựu hoạt động Phật sự nổi bật của GHPGVN trong NK VII:

          1. Không ngừng hoàn thiện hệ thống tổ chức Giáo hội, xây dựng và củng cố các cấp Giáo hội địa phương: thành lập Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Tổ chức Giáo hội đã hoạt động tại 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; nhiều Ban Trị sự địa phương cấp huyện tại các tỉnh được thành lập tăng cường các hoạt động Phật sự.
          2. Phổ biến và hướng dẫn thi hành Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ V. Hoàn thành công tác khắc, đổi con dấu theo hệ thống chuẩn quy định của quản lý hành chính quốc gia cho các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố, và Ban Trị sự GHPGVN cấp địa phương quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường. Tăng cường công tác quản lý Tăng Ni, tự viện trong cả nước.
          3. Nâng cao hiệu quả hoạt động Phật sự, phát huy tính chủ động sáng tạo trong công tác Phật sự của các Ban, Viện Trung ương, nhất là các Ban mới thành lập trong nhiệm kỳ VII.
          4. Tổ chức thành công nhiều sự kiện, lễ hội Phật giáo trọng đại với nội dung hoằng pháp và hội thảo khoa học: Đại lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân, và Hội thảo khoa học: Năm mươi năm phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam (1963 - 2013); Đại lễ Tưởng niệm 705 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, khánh thành, an vị Thánh tượng Phật hoàng tại Non thiêng Yên Tử, và Hội thảo khoa học: Phật giáo Trúc lâm Yên Tử và công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Yên Tử hiện nay; Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: Phật giáo Châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc, tại Tp. Hạ Long tỉnh Quảng Ninh 11/2013.
5. Tổ chức thành công Đại lễ Vesak LHQ diễn ra từ ngày 7 - 11/5/2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình với chủ đề "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. Đại lễ Vesak LHQ do GHPGVN đăng cai tổ chức lần thứ hai đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp và vô cùng đặc biệt đối với Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, với sự tham dự của gần 1.500 đại biểu khách quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như chư tôn giáo phẩm HĐCM, HĐTS GHPGVN, Tăng Ni, cùng hàng vạn tín đồ Phật tử trong và ngoài nước, là cơ hội để giới thiệu về một đất nước Việt Nam hòa bình, hợp tác, hữu nghị và một GHPGVN đoàn kết, hòa hợp, phát triển và hội nhập. 
          6. Hoàn thành công trình xây dựng trụ sở Trung ương Giáo hội và nhiều công trình chùa có ý nghĩa: tại Trụ sở TWGH chùa Quán Sứ đã hoàn thành tòa nhà gồm: hội trường lớn, phòng họp Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Phân viện Nghiên cứu Phật học, Tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Phật học Việt Nam; tại Cơ sở Văn phòng 2 Trung ương GHPGVN đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hạng mục C dãy nhà Tây lang.
Khánh thành quần thể chùa tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa: các chùa ở đảo Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh. Tiếp tục cử chư Tăng ra trụ trì các chùa tại các đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn; Cử nhiều đoàn gồm Chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử ra thăm quân và dân ta ở quần đảo Trường Sa; Khánh thành chùa Phật tích Trúc Lâm Bản Giốc 2014, chùa Trúc Lâm Tà Lùng 2015, tỉnh Cao Bằng được coi như cột mốc tâm linh quốc gia.
Khánh thành công trình chùa Việt Nam Quốc tự và cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại Lê Minh Xuân; khánh thành giai đoạn 1 cơ sở mới Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế; đồng thời chính thức khởi công xây dựng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ là những công trình có ý nghĩa trong sự nghiệp phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
7. Tổ chức nhiều đoàn đi dự các hội nghị, hội thảo quốc tế. Các đoàn đi hoằng pháp phục vụ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Ngoài các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước châu Âu đã thành lập, trong nhiệm kỳ vừa qua tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam tại nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, tại các nước châu Phi như Angola, Mô Dăm Bích. Củng cố Hội Phật tử tại Lào và Campuchia tiến tới đề nghị nước sở tại công nhận. Đã kết nối và mời về thăm Việt Nam các chư Tăng của hệ phái Phật giáo Việt tông đang trụ trì 21 ngôi chùa Việt Nam tại Thái Lan.
          III. Thành tựu hoạt động Phật sự chuyên ngành:
1.    Tăng sự
2.    Giáo dục
3.    Hoằng pháp
4.    Hướng dẫn Phật tử
5.    Nghi lễ
6.    Văn hóa
7.    Kinh tế Tài chính
8.    Từ thiện Xã hội
9.    Phật giáo Quốc tế
10.           Thông tin, Truyền thông
11.           Pháp chế
12.           Kiểm soát
13.            Nghiên cứu Phật học.
III. Công tác tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.
IV. Nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm.
 
PHẦN THỨ HAI: CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU, PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ NHIỆM KỲ VIII (2017 – 2022)
  1. BỐI CẢNH CHUNG
  2. MỤC TIÊU: TRÍ TUỆ - KỶ CƯƠNG – HỘI NHẬP – PHÁT TRIỂN
  3. PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
1.      PHÁT HUY TRÍ TUỆ TẬP THỂ, GIỮ VỮNG KỶ CƯƠNG, GIỚI LUẬT VÀ NÊU CAO TINH THẦN ĐOÀN KẾT, HÒA HỢP TRONG XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI VỮNG MẠNH TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ, KIÊN ĐỊNH LÝ TƯỞNG: ĐẠO PHÁP, DÂN TỘC, CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.
  1. Nêu cao kỷ cương, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế, và pháp luật Nhà nước trong quản lý Tăng Ni, tự viện. Lấy nguyên tắc Lục hòa cộng trụ, Tứ nhiếp pháp trong điều hành, triển khai các hoạt động Phật sự ở tất cả các cấp Giáo hội.
  2. Tiếp tục xây dựng tổ chức Giáo hội vững mạnh ở tất cả các địa phương. Nâng cao hiệu quả điều hành, năng lực hoạt động Phật sự của các Ban Trị sự tỉnh, thành phố. Chú trọng việc thành lập các Ban Trị sự cấp huyện ở Giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh có vùng miền núi, hải đảo.
  3. Thực hiện giao ban cụm giữa Ban Thường trực Hội đồng Trị sự với các Ban Thường trực Ban Trị sự địa phương nhằm tạo mối quan hệ chặt chẽ, trao đổi thông tin Phật sự thường xuyên giữa Trung ương và các địa phương góp phần thúc đẩy các hoạt động Phật sự phát triển rộng khắp và có chất lượng đáp ứng nhu cầu của từng địa phương và của đồng bào Phật tử cả nước.
  4. Thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng hành chính Giáo hội, nghiệp vụ trụ trì; phổ biến sâu rộng và quán triệt việc thực hiện đúng theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Nội quy Ban, Viện Trung ương. Phổ biến Luật tín ngưỡng, tôn giáo và hướng dẫn thực hiện Nghị định thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo đến toàn thể Tăng Ni, các tự viện trong cả nước.
  5. Nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với các Ban, Bộ ngành trung ương. Vận động Tăng Ni, Phật tử phát huy tinh thần yêu nước, tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Hưởng ứng, tham gia các phong trào ích nước, lợi dân, ích đạo, lợi đời, cùng với đồng bào và nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2.      ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO TRONG SỰ NGHIỆP HOẰNG DƯƠNG CHÍNH PHÁP, TRONG PHƯƠNG THỨC HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ. ĐỊNH HƯỚNG PHÁP MÔN TU TẬP PHÙ HỢP VỚI XÃ HỘI HIỆN ĐẠI, VỚI MỌI TẦNG LỚP TRONG XÃ HỘI VÀ XIỂN DƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỌC PHẬT GIÁO GÓP PHẦN XÂY DỰNG VÀ LÀM ĐẸP NỀN ĐẠO ĐỨC XÃ HỘI.
  1. Lấy việc tu tập pháp hành của Tăng Ni, Phật tử là nhiệm vụ trọng tâm trong hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử đáp ứng nhu cầu thực tế đòi hỏi cấp bách hiện nay của các tầng lớp trong xã hội.
  2. Đổi mới phương thức truyền bá, chuyển tải giáo lý Phật giáo theo tinh thần tùy duyên, phương tiện, khế lý, khế cơ đến với từng nhóm đối tượng khác nhau trong xã hội.
  3. Sắp xếp lại tổ chức, nội dung đào tạo, bồi dưỡng hoằng pháp viên nhằm chủ động trong nguồn lực nhân sự Giảng sư đoàn từ Trung ương đến các địa phương. Chú trọng nhân sự Giảng sư đoàn đi hoằng pháp tại hải ngoại phục vụ cộng đồng bà con Việt Nam đang sinh sống tại nước ngoài.
  4. Tổ chức hội thảo, nghiên cứu thực tế, điền dã nhằm tìm ra hướng đi phù hợp, hiệu quả trong việc truyền bá Đạo Phật trong đồng bào Phật tử các dân tộc miền núi.
  5. Chú trọng đến việc hướng dẫn, đưa vào nề nếp sinh hoạt các Gia đình Phật tử theo Hiến chương và Nội quy đã được tu chỉnh. Mở các lớp bồi dưỡng, triển khai chương trình tu học và huấn luyện đã được tu chỉnh, nhằm thực hiện tốt việc tu học, sinh hoạt, và nâng cao trình độ, nghiệp vụ cho các Huynh trưởng và đoàn sinh đáp ứng yêu cầu đặt ra.
  6. Quản lý và mở rộng các hình thức sinh hoạt của giới trẻ Thanh, Thiếu niên Phật tử. Phát huy mô hình Câu lạc bộ Thanh niên, Thiếu niên Phật tử và Ban liên lạc Phật tử hải ngoại. Tổ chức những lớp giáo lý và sinh hoạt cho tuổi trẻ tại các chùa, tự viện thường xuyên và rộng khắp với nội dung phong phú.
  7. Thông qua các khóa tu khuyến khích giới trẻ, đồng bào Phật tử tinh thần từ bi, tương thân tương ái, quan tâm và phụng sự cộng đồng, sống và làm việc theo pháp luật, xa rời các tệ nạn xã hội góp phần xây dựng đời sống văn hóa, văn minh tại khu dân cư cùng nhau làm đẹp nền đạo đức xã hội. 
  8. Ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào phương pháp truyền bá, hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử.
3.      NÂNG CAO CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO, ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY VÀ TU HỌC TẠI CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO TĂNG NI CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM.
  1. Thống nhất quản lý chương trình giáo dục đào tạo Phật giáo trong toàn hệ thống các trường đào tạo của Giáo hội theo từng cấp học. Chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục Phật giáo. Đề cao quá trình tu tập trong quá trình đào tạo và coi trọng đạo hạnh, kỹ năng hoằng pháp, trụ trì là tiêu chuẩn chất lượng đào tạo.
  2. Đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học trong các Học viện Phật giáo Việt Nam và hệ thống giáo dục Phật giáo. Quản lý chất lượng, chủ động nguồn nhân lực đội ngũ giảng sư học viện. Quản lý chất lượng đầu ra nhằm đào tạo ra những thế hệ Tăng Ni có đạo hạnh mô phạm, vừa uyên thâm về giáo lý Phật giáo, giữ gìn tinh hoa, cốt lõi của giáo lý Phật giáo, vừa thâm nhập vào đời sống thực tiễn tu hành, và đủ khả năng để truyền tải giáo lý ứng dụng cho quảng đại quần chúng nhân dân và đồng bào Phật tử có trình độ nhận thức cao của xã hội hiện đại nhằm giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra trong đời sống đương đại.
  3. Hoàn thành bộ sách giáo khoa chương trình thống nhất trong tất cả các trường hệ Trung cấp Phật học trong cả nước. Đặt yêu cầu giáo trình, giáo án đối với các bộ môn tại các Học viện Phật giáo. Xây dựng khung chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ Phật học chung cho các Học viện.
  4. Nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tiễn, tiến hành sắp xếp tái cơ cấu, sáp nhập các trường Trung cấp Phật học theo vùng và theo khu vực địa lý.
  5. Củng cố và xây dựng cơ sở vật chất cả phần cứng và phần mềm (thư viện, trang thiết bị dạy và học…) các trường lớp đào tạo của hệ thống trường Trung cấp Phật học và các Học viện Phật giáo, đặc biệt quan tâm giúp đỡ Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ.
  6. Tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm về giáo dục Phật giáo. Tăng cường giao lưu quốc tế, đặc biệt trong mạng lưới các trường đại học Phật giáo trên thế giới.
4.      GIỮ GÌN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHẬT GIÁO VIỆT NAM ĐẢM BẢO CÓ SỰ TIẾP NỐI GIỮA TRUYỀN THỐNG VÀ HIỆN ĐẠI GÓP PHẦN XÂY DỰNG NỀN VĂN HÓA VIỆT NAM TIÊN TIẾN ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG THỜI ĐẠI HỘI NHẬP QUỐC TẾ.
  1. Hoàn thiện và nghiệm thu đưa vào ứng dụng kết quả 04 đề án: Pháp phục Phật giáo Việt Nam, Kiến trúc Phật giáo Việt Nam, Ngôn ngữ Phật giáo Việt Nam và Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam.
  2. Xây dựng đề án, tổ chức và có biện pháp thực hiện Việt hóa các nghi lễ Phật giáo. Thống nhất nghi thức, quy củ  thực hành các nghi lễ Phật giáo, đặc biệt là các Đại giới đàn, quy y, lễ hằng thuận cho Phật tử..., đồng thời chấn hưng tổ chức An cư kết hạ của Tăng Ni.
  3. Gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa Phật giáo truyền thống. Đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong đa dạng, đảm bảo các pháp môn tu hành đúng chính pháp của các sơn môn, hệ phái Phật giáo được tôn trọng và duy trì.
  4. Khuyến khích xây dựng các ngôi chùa thuần Việt với ngôn ngữ tiếng Việt, kiến trúc truyền thống, nhất là tại nơi biên giới, hải đảo, và tại hải ngoại.
5.      MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI ĐA PHƯƠNG THEO ĐỊNH HƯỚNG NGOẠI GIAO VĂN HÓA, NGOẠI GIAO NHÂN DÂN. CHỦ ĐỘNG, TÍCH CỰC TRONG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI VỚI CÁC TỔ CHỨC PHẬT GIÁO VÀ TỔ CHỨC TÔN GIÁO THẾ GIỚI. KẾT NỐI CHẶT CHẼ VỚI CÁC HỘI PHẬT TỬ VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI.
  1. Tăng cường và làm sâu sắc mối quan hệ hợp tác hữu nghị với cộng đồng Phật giáo thế giới, với Phật giáo các nước châu Á, cộng đồng Phật giáo các nước Asean. Chủ động tích cực tham gia với tư cách thành viên, thành viên sáng lập của các tổ chức Phật giáo quốc tế: Phật giáo châu Á vì hòa bình ABCP, Hội Phật giáo thế giới truyền bá chính pháp, Hội Liên hữu Phật giáo thế giới, Ủy ban tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, Liên minh Phật giáo toàn cầu… góp phần tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
  2. Thường xuyên trao đổi đoàn đi thăm các nước, tham gia hội thảo quốc tế, cũng như đón tiếp các phái đoàn quốc tế, các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới, các hệ phái, truyền thống và Giáo hội Phật giáo của các nước trên thế giới đến thăm Việt Nam theo đường lối ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân, và mong muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước.
  3. Quan tâm sâu sắc và đổi mới phương thức lãnh đạo, kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ cộng đồng bà con Việt kiều tại Hải ngoại.
  4. Tiếp tục thành lập các Hội Phật tử Việt Nam tại tất cả các nước có cộng đồng người Việt Nam sinh sống, lao động và học tập để gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc và hướng lòng yêu nước về Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
  5. Thông qua Bộ Ngoại giao, phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước trong việc gìn giữ di sản Phật giáo Việt Nam: Hệ phái Phật giáo Việt tông và các ngôi chùa Việt tại Thái Lan, tại Lào và Campuchia.
  6. Ra mắt tạp chí đối ngoại Phật giáo Việt Nam bằng tiếng Anh.
6.      ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HỌC THUẬT PHẬT GIÁO. TẬP TRUNG NGHIÊN CỨU CÓ ĐỊNH HƯỚNG, KHẲNG ĐỊNH VÀ LÀM NỔI BẬT TINH HOA, BẢN SẮC CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM.
  1. Đẩy mạnh công tác dịch thuật, phiên dịch, ấn hành kinh điển Phật giáo từ nguồn cổ ngữ: Hán tạng, Pali, Sanskrit, và các ấn phẩm nghiên cứu Phật học từ nguồn tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật tập trung vào lịch sử Phật giáo thế giới, Thiền tông, Tịnh độ tông, Mật tông.
  2. Tập trung nguồn lực phát triển trung tâm dịch thuật Hán Nôm. Đào tạo nguồn lực ngành dịch thuật Hán Nôm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng dịch thuật. Tiếp tục tổ chức phiên dịch Đại tạng kinh Hán tạng.
  3. Trung tâm nghiên cứu Phật giáo Việt nam tập trung phiên dịch, khảo cứu làm nổi bật giá trị các tác phẩm trước tác của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử. Tiếp tục công trình Đại tạng kinh Việt Nam.
  4. Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế và các hội thảo liên ngành về Phật giáoViệt Nam, Phật giáo vùng Đông Nam Á, và thế giới trong xã hội đương đại.
  5. Xây dựng thư viện điện tử và hợp tác kết nối với các trung tâm, viện nghiên cứu Phật giáo quốc tế.
7.      TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC GIÁM SÁT, KIỂM SOÁT CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ, QUẢN LÝ TỰ VIỆN, SINH HOẠT CỦA TĂNG NI THEO ĐÚNG HIẾN CHƯƠNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM VÀ PHÁP LUẬT NHÀ NƯỚC.
  1. Thường xuyên giám sát, kiểm soát, tăng cường quản lý, chấn chỉnh sinh hoạt của Tăng Ni, tự viện trong cả nước, nhất là đối với Tăng Ni trẻ trước những hoàn cảnh xã hội hiện đại.
  2. Quán triệt thực hiện điều hành, triển khai các hoạt động Phật sự của các Ban, Viện, Ban Trị sự địa phương đúng theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
  3. Tăng cường hiệu năng làm việc, tính chuyên nghiệp của các bộ máy trong công tác Kiểm soát, Pháp chế. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn, với các Ban Trị sự địa phương để kịp thời phát hiện, nắm bắt tình hình thực tiễn, từ đó nghiên cứu, đề xuất giải pháp hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành của Giáo hội.
8.      ĐẨY MẠNH TRUYỀN THÔNG PHẬT GIÁO NHƯ MỘT KÊNH HOẰNG PHÁP VÀ CHUYỂN TẢI CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI NHẰM NÊU CAO GIÁ TRỊ TỪ BI, TRÍ TUỆ CỦA ĐẠO PHẬT, HÌNH ẢNH TỐT ĐẸP CỦA TĂNG NI, PHẬT TỬ, CỦA TỔ CHỨC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM CÁC CẤP TRONG SỰ NGHIỆP PHỤNG ĐẠO, YÊU NƯỚC, XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XHCN.
  1. Kiện toàn hệ thống truyền thông Phật giáo từ Trung ương đến địa phương. Mở nhiều các lớp bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ chuyên môn mang tính chuyên nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông Phật giáo.
  2. Kịp thời thông tin truyền thông các tin tức Phật sự, các thành tựu Phật sự và các điển hình tiêu biểu trong công tác Phật sự đến với đông đảo đồng bào Phật tử và xã hội.
  3. Quản lý tốt và thúc đẩy hoạt động báo chí Phật giáo. Bao gồm cả báo in, tạp chí Phật giáo và báo mạng, các trang điện tử của Giáo hội từ Trung ương đến các Giáo hội địa phương.
  4. Xây dựng kế hoạch chi tiết và sự hợp tác cụ thể với kênh truyền hình An Viên để kênh An Viên thực sự là kênh truyền hình Phật giáo.
  5. Chủ động trong việc xử lý các khủng hoảng truyền thông liên quan đến Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.
9.      ĐỊNH HƯỚNG TỰ CHỦ TÀI CHÍNH TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ CỦA GIÁO HỘI QUA VIỆC XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH TẾ PHẬT GIÁO Ở NHỮNG LĨNH VỰC HỢP LÝ. KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TỰ TÚC CỦA CÁC CƠ SỞ TỰ VIỆN. KÊU GỌI TĂNG NI, PHẬT TỬ TÍCH CỰC THAM GIA CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI, HƯỞNG ỨNG PHONG TRÀO XÓA ĐÓI GIẢM NGHÈO, CHĂM LO CÔNG TÁC AN SINH XÃ HỘI CHO CỘNG ĐỒNG XÃ HỘI.
  1. Thành lập các doanh nghiệp chủ thể Phật giáo theo luật doanh nghiệp tham gia ở các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tri thức, du lịch tâm linh, văn hóa… Thực hiện liên kết liên doanh với các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp nhằm tạo nhằm tạo nguồn tự chủ tài chính cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội.
  2.  Khuyến khích Tăng Ni phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện, vận động gây quỹ cho các hoạt động của Trung ương Giáo hội và các cấp Giáo hội địa phương.
  3. Phát huy tinh thần từ bi, kêu gọi Tăng Ni, Phật tử tích cực trong công tác từ thiện xã hội. Bên cạnh việc cứu trợ đồng bào bị ảnh hưởng do thiên tai, nghèo đói, công tác từ thiện xã hội tập trung xây dựng các công trình phúc lợi, nhà tình nghĩa, bảo hiểm y tế xã hội… và tập trung vào lĩnh vực giáo dục, y tế xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở giáo dục mầm non.
 
-        Phần phương thức thực hiện:
-        Ngoài ra, các văn kiện Đại hội còn có: Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2012 – 2017 của 13 Ban, Viện Trung ương Giáo hội.
-        Tham luận của Ban, Viện, Phân ban, Phân Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các Tỉnh, Thành phố và chư Tôn đức Tăng Ni (đã nhận được 45 bài tham luận của các Ban Trị sự và chư tôn đức Tăng Ni các Ban, viện)
-        Toàn văn Dự thảo Tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần thứ VI (vẫn gồm 13 chương và 71 điều).
-        Thư của Đại hội VIII GHPGVN gửi Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
-        Thư gửi Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước.
-        Nghị quyết của Đại hội.
 
         
 
 
BAN NỘI DUNG ĐẠI HỘI VIII
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
GHPGVN

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu