GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 08:48:06 19-11-2017 (GMT+7) Lượt xem:3242

Tổ chức GĐPT và chủ trương Phật hoá gia đình của Ban HDPT TƯ

GĐPT là một mô hình Gia đình truyền thống của xã hội Việt Nam trong đó ngôi Tam Bảo chính là bậc cha mẹ, các thiện tín Phật tử là chú bác cô dì; các thành viên trong GĐPT là anh chị em trong đó huynh trưởng các cấp là anh chị lớn nhỏ, còn đoàn sinh chính là các em.

I. Dẫn nhập:
Phật giáo từ khi du nhập đã trở thành một bộ phận quan trọng và không thể tách rời trong đời sống xã hội và văn hóa Việt Nam tận cho đến khi người Pháp sang xâm lăng nước ta mang theo và áp đặt lên chúng ta những giá trị và chuẩn mực về xã hội, đạo đức, văn hóa, tinh thần và tôn giáo hoàn toàn khác với nền văn hóa dựa trên nền tảng nông nghiệp và hệ tư tưởng tam giáo cổ truyền.

Không phải tất cả những gì mới đều là xấu, vì thế dân tộc ta đã tiếp thu và sử dụng những cái hay, đẹp, những tiện ích mà sự xâm lược Tây phương mang đến chẳng hạn đã sử dụng chữ viết dựa trên mẫu tự La tinh do các nhà truyền giáo theo đoàn quân viễn chinh phát kiến với mục đích truyền đạo trở thành công cụ cho việc đấu tranh giải phóng dân tộc và sau đó là cho sự giao lưu phát triển cộng đồng.

Nhưng tư tưởng chủ đạo của chế độ thực dân vẫn là đánh giá thấp hoặc xuyên tạc nền văn hóa và tôn giáo truyền thống của đất nước bị chiếm làm thuộc địa để tiến đến thủ tiêu nền văn hóa bản xứ. Do vậy vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi đất nước còn đắm chìm trong nô lệ của thực dân, Phật giáo bị xem như là một hệ thống giáo lý bi quan yếm thế, tiêu cực, không thích hợp văn minh; chùa chiền chỉ là nơi dành cho phụ nữ, người già, người thất cơ lỡ vận … thì bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Hội trưởng An Nam Phật học Hội Trung Phần đã thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục nhằm mục đích nghiên cứu giáo lý, biên soạn tài liệu, phổ cập Phật pháp cho lớp trẻ để giúp cho mọi người có thể hiểu được đạo Phật cặn kẻ, khoa học và cũng để cho mọi người thấy một đạo Phật sinh động, phù hợp với tất cả mọi lứa tuổi, mọi thành phần nhất là thành phần thanh thiếu nhi. 

Thời gian trôi qua với 2 cuộc chiến tranh vệ quốc anh hùng, đất nước đã thanh bình; vai trò, vị trí và giá trị của Phật giáo Việt Nam được khẳng định và đánh giá cao, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được hình thành và đề xuất những biện pháp nhằm xây dựng lại một xã hội bị băng hoại bởi chiến tranh và một trong những mối quan tâm của chư vị tôn túc là tình trạng sa đọa tinh thần, đạo đức ở một bộ phận thanh thiếu đồng niên, sự đánh mất hay thiếu vắng những giá trị đạo đức cổ truyền trong một bộ phận gia đình Việt; đặc biệt khi đất nước chuyển mình thực hiện đổi mới để hội nhập thì đi cùng với sự tiến bộ của văn minh vật chất là những vấn nạn về đạo đức, tinh thần; đó là những tin tức đáng báo động về số lượng tội phạm tuổi thanh thiếu niên, những vụ bạo hành gia đình, những quan niệm làm giàu bằng mọi giá kể cả bất lương. Từ nhận thức về việc cần thiết phải xây dựng một đời sống văn hóa tinh thần trong quần chúng tín đồ Phật giáo mà chủ trương Phật hóa Gia đình được chư tôn túc quan tâm và Ban Hướng dẫn Phật tử nhận nhiệm vụ đầu tàu trong việc thực hiện chủ trương này.

II. Đặt vấn đề:
Thế nào là Phật hóa Gia đình và làm sao để Phật hóa Gia đình.
Phật hóa gia đình đơn giản là làm cho gia đình có niềm tin vào Phật pháp, học Phật pháp và sống đúng theo Phật pháp, đó là một gia đình thuần thành Phật giáo mà mọi thành viên trong gia đình đều học đạo, hiểu đạo, sống đạo và hộ đạo. Gia đình đó nói theo cuộc đời thì là một gia đình văn hóa mới, một gia đình đạo đức mẫu mực, tiêu biểu trong cộng đồng dân cư. 
Xây dựng được một gia đình như thế sẽ thật là hạnh phúc cho mọi người nhưng không như các tôn giáo khác, Phật giáo không phải là một hệ thống tín lý bắt buộc tín đồ phải tuân phục; Phật giáo chỉ trình bày một phương pháp mang đến an lạc hạnh phúc ngay trong thực tại và do vậy ai muốn có an lạc hạnh phúc thì cần phải tự mình hành trì thực hiện những điều mà đức Phật chỉ bày; đó là đạo của con người, vì con người; nó khác xa giáo lý của những tôn giáo thần quyền mang nặng tính cưỡng bức tinh thần và trói buộc con người vào những lời hứa hão huyền về thiên đường cũng như những đe dọa về địa ngục, Phật giáo thật sự khác xa thứ tôn giáo mà Karl Marx đã nhận định là thuốc phiện của nhân dân.
Chính vì đạo Phật không có tính cưỡng bức, đe dọa cho nên trong một gia đình được gọi là có tin Phật hiện nay thì việc vợ và con gái đi chùa còn chồng và con trai la cà quán nhậu không phải là việc hiếm và một gia đình như thế chắc chắn chưa thể gọi là một gia đình được Phật hóa; nói thế để thấy Phật hóa Gia đình là một chủ trương lớn và không dễ dàng cho nên Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cơ cấu nhiều tổ chức bên dưới để có thể tạo điều kiện hướng dẫn những đối tượng đã, đang là chồng, cha, vợ, mẹ hoặc sẽ là chồng, cha, vợ, mẹ của những gia đình tương lai; nhưng mọi tổ chức cơ cấu mới này đều không có tính bền vững, không có tính tổ chức và cũng không có một nền tảng tạm gọi là triết lý dẫn đường như tổ chức Gia đình Phật tử (GĐPT). Đây là một tổ chức được trui rèn qua thời gian trên 60 năm, được chứng minh thực tế phục vụ trong những giai đoạn khó khăn của Phật giáo nước nhà và có đủ điều kiện để hoàn thành chủ trương.

III. Vài nét về Gia đình Phật tử và lý tưởng Phật hóa Gia đình
Như đã nói ở trên, GĐPT là tên gọi của một tổ chức sinh hoạt trong lòng một Giáo hội hợp pháp có từ thập niên 30 của thế kỷ trước; là sáng kiến của một bác sĩ, cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, Hội trưởng An Nam Phật học Hội Trung phần; nhắm vào mục đích xây dựng một nền tảng Phật giáo cho Thanh Thiếu Đồng niên trước mưu đồ băng hoại văn hóa dân tộc của thế lực ngoại bang và những tôn giáo đi theo ngoại bang. Đến nay đã trên 60 năm, GĐPT vẫn trung kiên với lý tưởng đã chọn buổi ban đầu là giáo dục Thanh Thiếu Đồng niên trở nên người con hiếu trong gia đình, người trò ngoan nơi học đường, người công dân tốt ngoài xã hội, người cận sự tận tâm của Phật giáo, mà bao trùm lên tất cả những điều đó chính là bảo tồn những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc trước những chiêu bài nhân danh văn minh tây phương mà thực chất là truyền bá nền văn hóa cơ đốc, hủy diệt nền văn hóa bản địa mà chế độ thực dân mong muốn thực hiện.

Nói cách khác, GĐPT chính là biện pháp gìn giữ những nét đặc sắc của truyền thống Gia đình trong xã hội Việt Nam: từ tên gọi của tổ chức, từ những quy định về xưng hô của những thành viên tham gia cũng như về sự phân định các thứ bậc và trách nhiệm của mỗi thứ bậc.
GĐPT là một mô hình Gia đình truyền thống của xã hội Việt Nam trong đó ngôi Tam Bảo chính là bậc cha mẹ, các thiện tín Phật tử là chú bác cô dì; các thành viên trong GĐPT là anh chị em trong đó huynh trưởng các cấp là anh chị lớn nhỏ, còn đoàn sinh chính là các em.
Cũng như một gia đình truyền thống của xã hội Việt Nam, GĐPT lấy yêu thương làm chất liệu gắn kết, lấy nội quy được xây dựng trong tinh thần dân chủ, công khai làm gia quy và được mọi thành viên trân trọng tuân thủ giữ gìn. Do vậy trong GĐPT không có khái niệm mệnh lệnh, chỉ huy mà chỉ có khái niệm hướng dẫn, chỉ bày.
Nhưng trước khi là GĐPT sinh hoạt tại các chùa như hôm nay thì GĐPT đã có tên gọi là Gia đình Phật hóa Phổ, tên này do chính bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đặt cho và sinh hoạt tại nhà các đạo hữu Phật tử có lòng với sự phát triển Phật giáo: Gia đình Phật hóa Phổ đầu tiên sinh hoạt tại nhà bác Tâm Minh, gồm con cháu trong gia đình bác và con cháu hàng xóm láng giềng; các Gia đình Phật hóa phổ tiếp theo cũng đều như vậy cho đến năm 1951, một hội nghị được triệu tập và An Nam Phật học hội đổi tên cho là Gia đình Phật tử. Lý do của sự đổi tên này thì vẫn chưa được hiểu biết tường tận nhưng nếu liên kết những yếu tố thời đại, chính trị, xã hội lúc bấy giờ thì ta sẽ thấy việc đổi tên từ Gia đình Phật hóa phổ thành Gia đình Phật tử rõ ràng là có mục đích sâu sắc, trong đó chắc hẳn có nghĩ đến việc cần phải tránh bất lợi cho tổ chức, cho Phật giáo; chắc chắn các bậc tiền bối không muốn cho chính quyền thực dân và những kẻ tay sai nghi kỵ về một mục đích quá rõ ràng, đối kháng hoàn toàn với ý đồ của chính quyền thực dân và làm cản trở việc cải đạo của các nhà truyền giáo tây phương… đó cũng chính là lý do để sau này trong một số kỳ đại hội, có ý kiến muốn thay đổi danh hiệu Gia đình Phật tử thành Thanh Thiếu Niên Phật tử nhưng đã không được chấp thuận.
Cho nên GĐPT hiện tại chính là truyền thừa ý chí và ước mơ của chư vị tiền bối hữu công Phật giáo trong việc xây dựng một gia đình được Phật hóa và chỉ có GĐPT với một chương trình tu học từ thấp đến cao, phù hợp cho trẻ em từ 6 tuổi đến người trên 60 tuổi, một hệ thống giáo dục bài bản vận dụng 4 phương pháp giáo dục đặc biệt là huân tập, quán tưởng, lý giải và hoạt động mới chính là lực lượng chủ chốt cần được ưu tiên xây dựng, vun đắp, tô bồi, hướng dẫn để thực hiện chủ trương Phật hóa Gia đình của Ban Hướng dẫn Phật tử Giáo hội Phật giáo VN hiện nay.
Dĩ nhiên muốn thực hiện điều đó, GĐPT cần được quan tâm nhiều hơn nữa, cần gạt bỏ ý nghĩ ở một số đạo hữu Phật tử rằng GĐPT sinh hoạt chỉ ồn chùa, GĐPT đã lỗi thời mà cần đầu tư để hiểu biết sâu sắc về GĐPT có như thế mới thương cho GĐPT, thương cho hàng ngũ huynh trưởng là những người ăn cơm nhà vác là ngà hàng tổng bởi họ cả đời tận tụy chỉ mong cho con em mình và con cái người khác được học Phật pháp, được vui chơi trong tinh thần Phật pháp, được làm những việc Phật sự, được huân tập truyền thống Gia đình để sau này xã hội có thêm một con người lương thiện, một gia đình lương thiện.
Các huynh trưởng GĐPT hiện nay đều ý thức và đều đang sinh hoạt GĐPT vì lý tưởng và ước mơ như vậy mặc dù vẫn còn những ánh mắt nhìn thiếu thiện cảm cùng những áp đặt khập khiểng về vai trò trách nhiệm và trình độ của người huynh trưởng.
Nói như vậy để thấy rằng nếu GĐPT được hiểu như là một phương pháp tu tập đặc biệt dành cho lứa tuổi con trẻ lộn xộn, ồn ào, hiếu động; nếu nhìn GĐPT như là một phương pháp tiệm tiến nhưng bền vững trong chiến lược xây dựng con người để Phật hóa Gia đình thì sẽ thương GĐPT nhiều hơn, sẽ đồng cảm và sẳn sàng sẻ chia những khó khăn, nhọc nhằn của GĐPT với những người mang sứ mệnh huynh trưởng khi họ không những vừa phải lo cơm áo gạo tiền cho bản thân và gia đình mà còn phải gánh vác cái trọng trách duy trì và phát triển một đơn vị GĐPT.
Với sự yêu thương và đùm bọc của chư vị tôn túc, sự đồng cảm của quý đạo hữu Phật tử, người huynh trưởng sẽ tận tâm tận lực thông qua GĐPT mà cống hiến hơn nữa trong việc phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống dân tộc cũng như đóng góp sức mình cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam, đó là điều mà thời gian và những biến cố lịch sử liên quan đến Phật giáo nước nhà đã chứng minh.
IV. Những điều xin nói thêm
Gia đình Phật tử, ngoài việc là lực lượng chủ lực trong việc thực hiện chủ trương Phật hóa gia đình thì còn là lực lượng quan trọng trong những vấn đề dưới đây:
1. Hỗ trợ xã hội, học đường và gia đình phòng tránh các tệ nạn xã hội: Hiện nay cứ mỗi ngày lật ngẫu nhiên một tờ báo nào đó là ta có thể đọc thấy nhan nhãn những tin tức đáng buồn báo động sự xuống cấp đạo đức xã hội của một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên trong cộng đồng, nào là giết người chỉ vì một cái nhìn, chém người chỉ vì thấy ghét, chồng giết vợ chỉ vì một tin nhắn vu vơ v.v…và tội phạm ở độ tuổi vị thành niên không phải là ít. Đó là tiếng chuông báo động cho toàn xã hội, nhưng dù các cơ quan chức năng có nỗ lực tuyên truyền vận động việc xây dựng một đời sống văn hóa văn minh, vẫn tích cực trấn áp tội phạm … thì đó vẫn là cuộc chiến dai dẵng và khó phân định thắng bại giữa cái thiện và cái ác; do vậy sự hiện diện của GĐPT với nền tảng đạo đức căn cứ vào giáo lý đạo Phật và những giá trị truyền thống của dân tộc Việt, với sự tu dưỡng có thứ bậc vẫn xứng đáng được dành cho một vị trí trong việc góp phần hỗ trợ cho giáo dục của học đường thiên về lý trí, của giáo dục gia đình thiên về tình cảm nhằm giảm đi phần nào tệ nạn xã hội.
2. Bảo vệ truyền thống và văn hóa dân tộc: Như đã nói ở trên, xã hội Việt Nam tôn trọng truyền thống Gia đình, nhưng với việc xã hội càng ngày càng hiện đại, càng công nghiệp và càng đề cao vai trò cá nhân, đề cao cái tôi đã khiến cho một bộ phận thanh thiếu niên cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, cảm thấy lạc lõng, bơ vơ không định hướng hoặc bị định hướng bởi những kẻ thao túng các phương tiện truyền thông thì vai trò của GĐPT phải nói là thật sự cần thiết khi tuổi trẻ đến với GĐPT họ được học tinh thần vị tha, học đức hy sinh, học để hiểu cuộc sống và để sống có ích. 
3. Ngăn chận việc cải đạo tín đồ: Phải nói ngay rằng hiện nay Phật giáo chúng ta đang còn phải đối phó với mối họa cải đạo tín đồ từ những tôn giáo thừa tiền bạc, thời gian và phương tiện khác. Mặc dù giáo lý Phật giáo dạy từ bi, bình đẳng, dạy vạn pháp vô thường, dạy ai tạo nhân gì sẽ gặt quả đó thì chúng ta cũng không thể nào ngồi yên khoanh tay thụ động; tín đồ Phật giáo bị cải đạo đồng nghĩa với những giá trị cổ truyền dân tộc bị thay đổi, do đó biện pháp chống cải đạo đơn giản và hữu hiệu nhất vẫn là xây dựng GĐPT như một nơi tập họp có tổ chức cho thanh thiếu đồng niên với phương pháp giáo dục đặc thù, với kiến thức lũy tiến để cũng cố niềm tin, tránh sự huyễn dụ của tà thuyết. Đầu tư xây dựng GĐPT ở những vùng xa vùng sâu là một đầu tư có chiều sâu nhưng hiệu quả và lại ít tốn kém vì huynh trưởng GĐPT chính là những cán bộ không lương tiền, không phụ cấp, không bổng lộc nhưng lại là những con người trung kiên với Phật pháp và tận tụy với lý tưởng.
Để kết luận bài này, chúng tôi xin mượn lời của ông Bùi Hữu Dược, vụ trưởng vụ Phật giáo Ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu tại Lễ khai mạc trại Hội thảo Huynh trưởng GĐPT toàn quốc tổ chức tại Vạn Phật Quang Đại Tòng Lâm Tự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu vào tháng 7 năm 2015 vừa qua: “Hơn 60 năm GĐPT VN thành lập, một tổ chức trong GHPG đã được một học giả người Nhật ca ngợi “Khắp thế giới này duy nhất chỉ VN có GĐPT, một tổ chức biết giáo dục thanh thiếu niên từ nhỏ hướng Phật, học Phật và hành theo Phật”. Việc làm của GĐPTVN là tâm nguyện nhưng đồng thời cũng là sự sáng tạo của PGVN mà duy nhất trên thế giới này không có….vị học giả này khi nghiên cứu về văn hóa tôn giáo của Việt Nam đã ca ngợi 4 việc mà Phật giáo Việt Nam thế giới không có với 2 nhân vật đặc biệt: Đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông, một vị vua xuất gia đầu Phật và trở thành đại diện cho Phật giáo Việt Nam mà thế giới không có. Một bồ tát Thích Quảng Đức dám vị pháp thiêu thân, thắp lên ngọn lửa của trí tuệ, từ bi Phật giáo nhưng đồng thời là ngọn lửa kêu gọi hòa bình cho nhân loại; và 2 tổ chức: Một là tổ chức Giaó hội Phật giáo thì thưa quý vị không có nước nào trên thế giới có một tổ chức chung của các hệ phái, duy nhất ở VN có được, gần chúng ta như Campuchia, như Lào, như Thái Lan, như Trung quốc cũng không có và nhiều khi hiếm. Hai là như đã thưa có một tổ chức như Gia đình Phật tử, một tổ chức giáo dục và đào luyện thanh thiếu nhi từ nhỏ biết tới đạo đức Phật giáo, biết hành theo đạo đức Phật giáo để sống trong cuộc sống của con người có đạo đức, có trí tuệ và sự hiểu biết. Việc làm đó không phải là việc làm thuần túy của Phật giáo mà trong cách là việc làm của trí tuệ nhân loại, việc làm của tình yêu thương con người, là việc làm của những giá trị cao cả của đức Phật đã mong muốn từ lâu”
Nam Mô Thường Hoan Hỷ Bồ Tát Ma Ha Tát.
PGBRVT

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu