GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 05:47:43 24-12-2016 (GMT+7) Lượt xem:4178

Phật giáo và đoàn kết dân tộc

Nhân sự kiện 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hòa trong niềm vui chung của cả nước, giới Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng rất phấn khởi sự kiện trọng đại này. 

 

Nhờ vậy, miền Bắc và miền Nam sum hợp một nhà, non sông nối liền một dãy. Phật giáo Việt Nam cũng đồng hành với sự kiện lịch sử thiêng liêng trên, nên năm 1981, các hệ phái Phật giáo đồng lòng thống nhất ý chí và hành động để thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tồn tại cho đến tận hôm nay.
40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã trôi qua, chiến tranh chìm vào trong quên lãng, người dân sống hòa bình; Đảng, Nhà nước luôn nỗ lực để phát huy hạ tầng cơ sở, nâng cao kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lớn mạnh, những sinh hoạt của Giáo hội diễn ra khá tốt, thống nhất từ trung ương đến địa phương, các cơ sở của Giáo hội xây dựng khá hoàng tráng, các nước trên thế giới đều biết tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta. Thành tựu này là nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
 
Nhân sự kiện trọng đại này, chúng tôi xin giới thiệu những lời Phật dạy có liên quan đến Tăng đoàn và xã hội.
 
Trong Trường Bộ Kinh, số 16, kinh Đại Bát Niết bàn; Tăng Chi bộ kinh, pháp 7 chi. Nội dung hai kinh này có kể lại sự kiện vua A Xà Thế cử đại thần Vassakara đến dò ý kiến đức Phật về mưu định của nhà vua muốn gây chiến với nước Cộng hòa Bạc Kỳ (Vajjian), thuở ấy rất trù phú. Nói về điều kiện thịnh suy của một quốc gia, đức Phật dạy:
 
“1) Ngày nào mà người dân Vajjian còn thường gặp gỡ và tụ họp đông đảo với nhau.


2) Ngày nào mà người dân Vajjian còn tụ họp trong tinh thần đoàn kết, còn vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết.


3) Ngày nào mà người dân Vajjian không ban hành những đạo luật mới mẻ chưa từng được ban hành, không hủy bỏ những đạo luật sẵn có, và sống thích hợp với những quy tắc cổ truyền;


4) Ngày nào mà người dân Vajjian còn hộ độ, tôn sùng, kính trọng và đảnh lễ các bậc trưởng thượng trong xứ, và còn nghe những lời dạy thích nghi của các vị này;


5) Ngày nào mà người dân Vajjian không còn một người đàn bà hay con gái nào bị quyến rũ hay cưỡng ép phải sống với kẻ ngoại nhân;


6) Ngày nào mà người dân Vajjian còn bảo trì, tôn trọng, kính nể và làm vẻ vang các tôn miếu của họ, dù ở trong hay ở ngoài tỉnh thành, và không sao lãng những nghi lễ cổ truyền;


7) Ngày nào mà người dân Vajjian còn bảo bọc, bênh vực, và nhiệt thành ủng hộ các vị A La Hán, khiến các vị nào chưa đến sẽ đến trong xứ và vị nào đã đến, được sống an lành.


Ngày nào mà bảy điều kiện trên còn được thực hiện, thì dân tộc Vajjian không thể suy đồi, trái lại còn cường thịnh hơn trước.”
 
Khi nghe chính đức Phật giảng dạy bảy điều kiện thịnh suy của người dân Vajjian, vị đại thần Vassakara nhận thức chắc chắn rằng vua xứ Ma Kiệt Đà (Magadha) không thể chiến thắng dân tộc Vajjian.”
 
Cuộc đối thoại này, đức Phật đã tròn 80 tuổi, sức khỏe suy yếu, như cỗ xe “quá cũ”. Nhưng nghị lực và trí tuệ phi thường, lòng từ bi bao la, từ vua quan đến thứ dân ngài đều giải đáp những thắc mắc của họ và Ngài luôn giảng thích cặn kẽ. Trong cuộc đối thoại nói trên, đức Phật không đứng về phía nào, cũng không hề lên tiếng ngăn cản Vua A-Xà-Thế tiến hành cuộc chiến tranh. Mà bằng sự phân tích khách quan, mà tự thân sự trình bày khách quan đã có sức thuyết phục, khiến đại thần Vassakara tự tìm thấy câu trả lời. Mẩu đối thoại trên, ngày nay vẫn còn được coi như là những tiêu chuẩn mẫu mực đánh giá sự cường thịnh của một quốc gia.
 

Để phân tích chi tiết 7 quan điểm của đức Phật về điều kiện thịnh suy, có lẽ phải cần đến nhiều công trình nghiên cứu.
 
Ở đây, chỉ xin đi sâu vào quan điểm đoàn kết dân tộc. Quan điểm mà Phật giáo đã có sự tương đồng về cơ bản với tư tưởng Hồ Chí Minh, được đúc kết trong câu nói nổi tiếng:
 
“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công”.
 
Trong 7 điểm quyết định việc thịnh suy của một quốc gia, đức Phật đã nhấn mạnh vai trò của đoàn kết quốc gia, ở hai điểm đầu tiên.
 
Nếu ở điểm 1, đức Phật nhấn mạnh đến những biểu hiện cụ thể của đoàn kết quốc gia: “Ngày nào mà người dân Vajjian còn thường gặp gỡ và tụ họp đông đảo với nhau”, thì ở điểm 2, đó là lời nhấn mạnh về đại đoàn kết, tầm mức cao của đoàn kết, về tinh thần và ý chí đoàn kết: “Ngày nào mà người dân Vajjian còn tụ họp trong tinh thần đoàn kết, còn vươn mình tiến triển trong tinh thần đoàn kết và làm tròn nhiệm vụ trong tinh thần đoàn kết”. Sự trùng hợp trí tuệ giữa Phật giáo chính là ở đây. Qua 2 điểm, đức Phật đã đi từ sự hành động đoàn kết cụ thể đến tư duy đại đoàn kết. Kinh văn cũng chính là sự phát biểu ý tưởng “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”.
 
Nhận thức về quan điểm của đức Phật về vai trò của yếu tố đoàn kết, đại đoàn kết trong sự hưng thịnh quốc gia, chính là chúng ta nhận thức về tính chất thời đại của đạo Phật, về tầm nhìn của đức Phật, về thuận lợi của người Phật tử, gồm cả tín đồ và tu sĩ, trong việc đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Phật tử đóng góp vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc chính là đóng góp cho chính sự hưng thịnh của quốc gia mình, của cộng đồng mình đang sống. Đó cũng là nêu cao tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì chân lý chính là chỗ gặp nhau của các vĩ nhân.
 
Trong kinh văn dẫn trên, đức Phật coi đoàn kết, với từ tinh thần đoàn kết được lặp lại 3 lần, là nền tảng của thành công của nước Bạc Kỳ, thì trong câu nói mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đoàn kết cũng được lặp lại 3 lần với ý chí tăng dần, và đoàn kết được lý giải là nguyên nhân thành công của nước Việt Nam. Khi chúng ta thực hiện lời dạy của đức Phật thì cũng chính là chúng ta vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong quan điểm về vai trò đoàn kết đối với sự hưng thịnh của quốc gia, giữa đạo Phật và tư tưởng Hồ Chí Minh không hề có sự khác biệt mảy may.
 
Rất mừng là trong 40 năm nay, về cơ bản, Phật giáo Việt Nam về căn bản đã tuân thủ, ủng hộ, hưởng ứng và thực thi chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, chính phủ, Quốc hội và Mặt trận. Trong việc ý thức sâu hơn về lời dạy của Đức Phật đối với tinh thần đoàn kết thì chính sách đoàn kết quốc gia luôn luôn tuyệt đối đúng đắn cả trong nhiệm vụ giữ nước lẫn nhiệm vụ dựng nước. Đây là sự đóng góp mà Phật giáo Việt Nam có thể tự hào trong quá khứ và phát triển ở tầm cao hơn nữa trong tương lai.
 
Tâm đoàn kết quốc gia của người Phật tử cần phải được đặt lên hàng đầu trong mọi trường hợp để hướng tới mục tiêu đất nước giàu mạnh. Trong đoạn kinh tiếp theo đây, chúng ta sẽ thấy Đức Phật chỉ ra vai trò của đoàn kết đối với sự hưng thịnh của đạo Phật. Ở đây, cần thấy theo Phật giáo, sự hưng thịnh của đất nước và sự hưng thịnh của đạo pháp có chung một nền tảng là tinh thần đoàn kết.
                                         
Khi đại thần của Vua A Xà Thế ra về, đức Phật bảo Đại đức Ananda triệu tập Chư tăng để ngài ban hành 7 điều thịnh suy của Giáo hội. Đức Phật dạy:
 
“1. Này các Tỳ khưu, khi nào chúng Tỳ khưu thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này các Tỳ khưu, chúng Tỳ khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. 

2.  Này các Tỳ khưu, khi nào chúng Tỳ khưu tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc Tăng sự trong niệm đoàn kết, thời này các Tỳ khưu, chúng Tỳ khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. 

3. Này các Tỳ khưu, khi nào chúng Tỳ khưu không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với những học giới được ban hành, thời này các Tỳ khưu, chúng Tỳ khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. 

4. Này các Tỳ khưu, khi nào chúng Tỳ khưu tôn sùng, kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Tỳ khưu thượng tọa những vị này là những vị giàu kinh nghiệm, niên cao lạp trưởng, bậc cha của chúng Tăng, bậc thầy của chúng Tăng và nghe theo lời dạy của những vị này, thời này các Tỳ khưu, chúng Tỳ khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. 

5.  Này các Tỳ khưu, khi nào chúng Tỳ khưu không bị chi phối bởi tham ái, tham ái này tác thành một đời sống khác, thời này các Tỳ khưu, chúng Tỳ khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. 

6.  Này các Tỳ khưu, khi nào chúng Tỳ khưu thích sống những chỗ nhàn tịnh, thời này các Tỳ khưu, chúng Tỳ khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. 

7.  Này các Tỳ khưu, khi nào chúng Tỳ khưu tự thân an trú chánh niệm, khiến các bạn đồng tu thiện chí chưa đến muốn đến ở, và các bạn đồng tu thiện chí đã đến ở, được sống an lạc, thời này các Tỳ khưu, chúng Tỳ khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. 

Này các Tỳ khưu, khi nào bảy pháp bất thối này được duy trì giữa các vị Tỳ khưu, khi nào các vị Tỳ khưu được dạy bảy pháp bất thối này, thời này các Tỳ khưu, chúng Tỳ khưu sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.”
 
Tóm lại, 40 năm thống nhất đất nước là một thành quả đáng trân trọng. Về mặt xã hội, nhìn đất nước mỗi ngày mỗi thay đổi ở nhiều lãnh vực, thật không hổ thẹn với những tiền nhân đã tạo dựng nên non sông tổ quốc này. Điều đáng mừng và hoan hỷ hơn, 7 điều thịnh suy của nước Bạc Kỳ- Vijji, Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc đã thực hiện đầy đủ, đó là thường xuyên hội họp, đoàn kết, ban những luật thích hợp, kính trọng nhưng bậc cao niên, tôn trọng nhưng nữ giới, tôn trọng và gìn nhưng lễ hội văn hóa truyền thống, kính trọng những bậc chân tu đạo đức. Điều đặc biệt cho thấy, Đảng, nhà nước ta vô cùng kính trọng và ban thưởng những Mẹ Việt Nam Anh hùng, những ngày lễ lớn đều đến thắp nhang tưởng niệm những Anh hùng liệt sĩ, những bậc chân tu đều mời tham gia trong Quốc hội và Mặt trận tổ quốc, phụ nữ cũng được đứng vai trò tối cao trong xã hội, đó là Phó chủ tịch nước, chủ tịch của phường, quận, chủ tịch Mặt trận tổ quốc Thành phố v.v…Với sự lãnh đạo anh minh như vậy, chắc chắn Việt Nam thân yêu của chúng ta mỗi ngày mỗi phát triển; Đảng, Nhà nước ta sẽ hưng thịnh, phát triển và đạt được thành tựu cao hơn nữa.
 
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội đã đang đồng hành cùng dân tộc. Dân tộc Việt Nam phát triển phồn thịnh thì Giáo hội cũng không kém. 7 điều Thịnh suy trong Giáo hội được đức Phật ban hành trong Trường Bộ Kinh, Giáo hội ta đã đang áp dụng khá tốt, nhờ vậy hơn 30 năm qua Giáo hội ta đã trưởng thành lớn mạnh trong nước cũng như trên thế giới. Theo tinh thần đó, Phật giáo Việt Nam hứa hẹn sẽ đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh.
Hòa thượng Thích Thiện Tâm

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu