GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 18:51:31 25-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:2967

Tiểu sử nhà Phật học Thiều Chửu (1902 - 1954)

Các trước tác và bản dịch kinh Phật của ông đã góp phần làm giàu thêm cho thư tịch nước nhà, cho đến nay nhiều sách của ông vẫn được các tăng ni dùng để học tập. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì ngoài loại sách phổ thông để nâng cao dân trí, như Cách trí phổ thông, Lịch sử phổ thông … ông đã dịch nhiều kinh Phật (19 kinh) nằm trong kinh căn bản như: Kinh A Di Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Tứ Thập Nhị Chương, Kim Cương Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Khóa Hư Lục, Khóa Tụng hàng ngày...

Đây là sơ lược về tiểu sử của cụ Thiều Chửu, tác giả sách Hán Việt Tự Điển (kết hợp từ tài liệu của hai học giả Trần Việt Quang và Nguyễn Hải Trần và những lời kể lại của các vị học trò còn sống của cụ, trong đó có Sư bà Đàm Ảnh, chùa Phụng Thánh, Hà Nội). 

 
Cư sĩ Thiều Chửu tên là Nguyễn Hữu Kha sinh năm Nhâm Dần (1902) tại làng Trung Tự – phường Đông Tác – Kim Liên – Hà Nội. Cư sĩ xuất thân từ nhà nghèo phải lao động vất vả từ nhỏ, nhờ bà nội là một người mộ đạo Phật và biết chữ Hán dạy dỗ, được bác ruột hiếm con kèm cặp, lại vốn sáng dạ và rất chăm học nên ông đã sớm có căn bản Hán văn. Với quyết tâm vừa làm vừa học, dần dần ông đã có một số kiến thức văn hóa lớn và hiểu ngày càng sâu về Tam học và thông thạo tiếng Anh, Pháp và Nhật.  
 
Năm 18 tuổi (1920), ông đi tham thiền vấn đạo một số danh tăng các nơi và từ đó ngày càng đi sâu hẳn về đạo Phật. Năm 26 tuổi ông bắt đầu dịch kinh Phật và năm 1932 – 1933 đã ấn hành bản dịch “Khóa Hư Lục” của Trần Thái Tông, thể hiện tinh thần sâu sắc trong nghiên cứu và hoằng dương Phật Ppáp. 
 
Năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ thành lập, ông ra giúp Hội quản lý trực tiếp báo Đuốc Tuệ, ông là “một cây bút vững chãi và sâu sắc” của báo này. Trong giai đoạn này ông đã dịch nhiều kinh sách và viết nhiều bài nghiên cứu khảo luận về Phật học. 
 
Năm 1936, ông đề nghị Hội xây dựng chùa Quán Sứ đã đổ nát. Hội tin tưởng giao cho ông trông coi việc thi công. Mặc dù bận nhiều việc, ông vẫn hoan hỷ nhận nhiệm vụ nặng nề đó và sau hơn ba năm, ngôi chùa nguy nga đã được xây dựng xong, nay là trụ sở của Giáo Hội Phật giáo Việt Nam. 
 
Cũng năm 1936, ông cùng cụ Hoàng Thị Uyển thành lập Hội Tế Sinh với Ban Trị sự gồm nhiều trí thức hăng hái mà ông làm Tổng thư ký. Do hoạt động có kết quả, uy tín của Hội ngày càng lớn. Đáng kể là Ban Trị sự đã lặn lội suốt 3 tháng để cứu tế cho đồng bào hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang bị lũ lụt do vỡ đê năm 1937. Và trước nạn đói khủng khiếp năm 1945, Hội đã cứu đói cho rất nhiều đồng bào. 
 
Năm 1938, ông cùng các ông Nguyễn Văn Tố, Phan Thanh … thành lập Hội truyền bá quốc ngữ và bản thân ông tích cực mở nhiều lớp dạy chữ cho đồng bào. 
 
Năm 1941, Hội Phật giáo Bắc Kỳ ủy quyền cho ông lập trường Phổ Quang để giáo dục tăng ni ở cạnh chùa Tế Độ thuộc quận Thanh Xuân - Hà Nội (ngày nay chùa đã bị phá do chiến tranh). Ông vừa dạy chữ Hán, vừa giảng kinh Phật, vừa chủ trì các khóa lễ. Nhiều người học trường Phổ Quang đã trở thành những vị chân tu có uy tín, tiêu biểu là Hòa thượng Thích Tâm Tịch đương kim Pháp chủ Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Ni sư Thích Đàm Ảnh trụ trì chùa Phụng Thánh – Hà Nội … 
 
Ông cũng mở một số trường vừa học vừa làm giúp cho các thanh thiếu niên nghèo có thể theo học. 
 
Để thực hiện có kết quả một khối lượng lớn công việc như thế, ông đã sắp xếp thời gian hàng ngày rất chặt chẽ và kiên quyết tuân thủ, ban đêm thức khuya đọc sách và dịch kinh. Bất cứ việc gì cần làm để chấn hưng Phật giáo và thực thi tư tưởng cứu nhân độ thế của đức Phật, nhất là việc nâng cao dân trí, ông cũng đều luôn luôn sẵn sàng làm. Còn bản thân ông thì sống giản dị, suốt đời nằm ngoài hiên, dịch sách ở gốc cây, có thể nói là kham khổ, quần áo mặc như một nông dân, ngày chỉ ăn một bữa đúng ngọ và ăn trường chay, ngủ trên một tấm ván đặt trên nền, không vợ con, bản tính khiêm nhường, ông không hề nói gì về các việc mình đã làm, không nhận bất cứ một cương vị nào có dính tới danh lợi. 
 
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ tháng 12/1946, ông cùng một số tăng ni đưa các trẻ em mồ côi của Hội Tế sinh đi theo kháng chiến. Qua biết bao gian nan, có lúc cả đoàn 40 người chỉ có 4 bơ gạo nấu với vài rổ khoai lang ông vẫn kiên trì theo kháng chiến. Cuối cùng đoàn đến ngụ cư và lĩnh canh tại đất ấp Đồng Tâm, xã Đồng Ao, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên để sinh sống. Trong mọi hoàn cảnh khó khăn, ông vẫn kiên trì mở lớp Phật học để giảng dạy cho tăng ni, đồng thời tổ chức các lớp bình dân học vụ góp phần xóa nạn mù chữ cho nhiều người dân địa phương. Với đạo hạnh chuẩn mực của mình, ông đã cảm hóa được mọi người, vượt qua khó khăn thử thách, duy trì được cuộc sống tập thể có nề nếp kỷ luật, nội bộ đoàn kết, luôn học tập và đẩy mạnh tăng gia sản xuất để tự nuôi sống tập thể. 
 
Từ Hà Nội tế độ về Bình Lục (Nam Hà) có 27 em (mỗi nơi năm ngày đến nửa tháng), rồi lại đến Yên Phong gần Phủ Lỗ, các em nam ở Cao Phong với sư tăng, các em nữ ở với sư ni ở Hưng Phong – ở đây khâu nón và xin đất làm ruộng để ăn, tiếp tục lên đến Phúc Yên chỉ còn 19 người (vì khổ quá họ bỏ hết), các sư còn 20 vị, ở đây cụ vẫn tổ chức lớp học, sau đó chạy lên Bắc Giang (không ai cho ở) phải vào rừng lấy cây dựng cột dựng lán để ở, lấy nứa làm giường chiếu, đong thóc xay nhờ bán lấy cái cám ăn. Vẫn khâu nón nhưng không bao giờ bỏ học. 

Sau đó đi qua Tam Đảo xuống Khúc Chìu – Lý Nhân – Thái Nguyên (thuộc huyện Đồng Hỷ) cũng phá đồi làm nhà, khâu nón bán (6 tháng ăn sắn không có một hột gạo ra bới đống rác lấy lá bí vàng... làm thức ăn. 
 
Mỗi nơi cụ đến đều thành lập lớp dạy học và thành lập Phật giáo cứu quốc. 
 
(Đoạn này do Sư bà Đàm Ảnh kể). 
 
Trong nhiều việc lớn kể trên, có một sự nghiệp đáng quý là việc hoằng dương Phật Pháp bằng các ấn phẩm, phần việc có thể lưu giữ được lâu dài. Trong sự nghiệp này, trước hết phải nói đến việc ông vừa viết bài vừa làm các công việc chung của tòa soạn báo Đuốc Tuệ, tờ báo đã góp phần làm sáng tỏ giáo lý đạo Phật, cổ súy phong trào Chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc nước ta trong nhiều năm. 
 
Các trước tác và bản dịch kinh Phật của ông đã góp phần làm giàu thêm cho thư tịch nước nhà, cho đến nay nhiều sách của ông vẫn được các tăng ni dùng để học tập. Theo nhiều nhà nghiên cứu, thì ngoài loại sách phổ thông để nâng cao dân trí, như Cách trí phổ thông, Lịch sử phổ thông … ông đã dịch nhiều kinh Phật (19 kinh) nằm trong kinh căn bản như: Kinh A Di Đà, Thủy Sám, Địa Tạng, Tứ Thập Nhị Chương, Kim Cương Bát Nhã, Viên Giác, Pháp Hoa, Khóa Hư Lục, Khóa Tụng hàng ngày...
 
Các bản dịch của Thiều Chửu thường kèm theo lời giảng của các thiền sư nổi tiếng hoặc kèm theo lời chú giải và bàn góp của ông đã giúp rất nhiều cho những người học Phật. Ngoài ra ông còn viết và dịch một số sách như Sự tích Phật Tổ diễn ca, Con đường học Phật ở thế kỷ 20, chú giải Quan Âm Thị Kính truyện, Vì sao tôi tin Phật (dịch), Phật học cương yếu (dịch), Tây Du Ký (dịch)…. 
 
Một thành tựu lớn của ông là biên soạn bộ Hán Việt Tự Điển, đã được nhiều người học Hán Văn và nghiên cứu Phật học hoan nghênh, cho đến nay đã tái bản nhiều lần. 
 
Năm 1954, cụ bị đem ra đấu tố và lên án là bóc lột các em và các sư (!), sự thật cái tội duy nhất của cụ là trung thành với lý tưởng của đạo Từ Bi. Đêm 15/6 Âm lịch (1954), cụ xuống thác Huống (chùa Huống), sau đó tự tử ở sông Huống, thây trôi về ấp Đồng Châu. Lúc cụ chết không có ai biết ở đâu để cầu lễ hay chôn cất, chỉ có vài em học sinh, nên chôn cụ không có quan tài (bó chiếu). Sau đó có vài người ra minh oan cho cụ. Bây giờ mộ cụ ở Thanh Tước – Sư bà Phụng Thánh cùng các cháu (của cụ Thiều Chửu) đứng ra xây mộ và thờ ở chùa Phụng Thánh. 
 
Cụ mất đi với 52 tuổi đời và hơn 30 năm phục vụ phật sự. Cuộc đời của cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha là cuộc đời của một Bồ tát không tên, đã im lặng đã phát huy cao độ lý tưởng hoằng pháp lợi sinh, toàn tâm toàn ý hiến trọn cuộc đời mình cho phật sự và nhân dân trong tinh thần hoàn toàn vô tướng. Cụ có công lớn trong việc chấn hưng Phật giáo mà tôn chỉ và giáo lý đã thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ nhiều thế kỷ nay 
 
Nhất Hạnh
(Bài viết năm 2004 nhân ngày giỗ 50 năm của cụ để nhớ sự ra đi im lặng của một người đã quyết định tìm cách chia sẻ sự oan ức của toàn dân trong thời đó, bằng cách ấy). 
Nguồn: phatgiao.org.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu