GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 14:56:19 09-01-2017 (GMT+7) Lượt xem:3802

HƯƠNG XUÂN MÙI TẾT

Tết đã gần kề. Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có cái chung nhưng cũng có những nét khác nhau tùy theophong tục tập quán của từng vùng, miền. Đối với mỗi người, Tết có đặc trưng riêng bởi những ấn tượng, tình cảm và sự gắn bó với quê hương hay một vùng đất nào đó mà mình đã từng sinh sông. Đối vời tôi, Tết ở Huế có những nét đặc biệt. Cái mà tôi gọi là “Mùi Tết” đã thực sự làm nên hương vị mùa xuân.

 

Hương Xuân Mùi Tết


>>Chào Đón Xuân Của Mọi Người
 

Huế là thành phố xanh. Núi xanh bao quanh. Sông xanh chảy ngang thành phố. Những khu nhà vườn ngời ngời sắc xanh của cây lá. Trong các cây người Huế thích trông, mai là số một. Không phải loại hồng diệp hoa có nhiều cánh, mà loại hoàng mai năm cánh. Mai hiện diện khắp nơi. Mai trong vườn chùa. Mai trong lăng tẩm. Mai trong phủ đệ của các quan lại. 

Mai trong nhà dân. Và cả mai trong công viên. Đó là một vườn mai lớn với những gốc lão mai trước mặt hoàng thành nhìn ra sông Hương. Muốn mai ra hoa đúng vào ngày mồng một Tết thì phải tùy thời tiết mà trẩy lá từ một đến hai tháng trước Tết. Những nhà giàu có cả một vườn mai lớn thì phải thuê người. Còn lại, trong nhà con cháu tự làm. Ông bà, cha mẹ đưng chỉ huy. Ai cũng hồ hởi vì cái Tết dường như lấp ló ở đâu đó. Đến mùa, mai nở đây.Đâu đâu cũng thoang thoảng hương thơm đặc biệt ấy. Mai cố thụ trong các vườn dễ đã mấy đời, cành xum xuê, hoa nở rộ, vàng rực, thơm ngát cả một vùng. Trong ngày Tết mà có một chậu mai kiểng đặt trước bàn thờ thì thật tuyệt. Mai kiểng đẹp thì không cao, chỉ chừng bốn tấc đến một mét. Ngọn mai phải vút cao, mai cụt đọt chẳng ai màng. Vỏ xù xì, nứt nẻ điểm những mảng rêu màu xám bạc, thân oằn dưới sức nặng của thời gian. Ấy vậy mà trên cội mai già lại cho ra những lộc non phơ phất, những nụ hoa múp míp, chúm chím he hé nở mấy cái hoa đầu tiên. Hoa mai đứng đầu trong tứ quý: mai, lan, cúc, trúc. Cốt cách thanh tao, tuyệt vời của nó làm đắm say hồn người. Chả trách nhà thơ Cao Bá Quát, một danh sĩ ngang tàng đến vậy, chẳng coi quyền lực của vua chúa, quan lại ra gì mà cũng phải một lòng cúi đầu bái phục trước vẻ đẹp của mai.hoa.
 

Huế là xứ sở tâm linh, nhiều chùa chiền trong đó có những ngôi cổ tự nổi tiêng, tuổi thọ đã mấy trăm năm. Huế còn có nhiều đình, miếu. Dưới những cội bồ đề hay những cây đa cổ thụ, nhiều chỗ là những nơi chốn thiêng liêng. Người dân Huế phần lớn là Phật tử. Chỗ trang trọng nhất của ngôi nhà thường dành cho bàn thờ. Bàn thờ Phật cao hơn ở trước. Bàn thờ ông bà phía sau. Bàn thờ ngày thường đã được chăm sóc, đến Tết càng được chăm chút kỹ lưỡng hơn. Những bát hương xanh lam màu men cổ sạch bóng. Chân đèn, lư hương bằng đồng sáng loáng. Ngày nay, có thể đem thuê đáng bằng máy chứ ngày xưa việc này giao cho con cháu trong nhà hỉ hục cả ngày bằngphương pháp thủ công. Tuy mệt nhưng mà vui.

Mọi cái đều bóng lộn, tinh tươm sẵn sàng chờ đón một năm mới. Đối với người Huế không gì quan trọng bằng bàn thờ. Và chính cái bàn thờ làm nên vẻ riêng của ngày Têt ở đây. Dù nghèo hay giàu, hương trầm phải chọn thứ thật thơm để bàn thờ càng thêm trang nghiêm. Chiều ba mươi, đêm giao thừa, sáng mồng một và cả ba ngày Tết, bàn thờ lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Cái thanh thoát của hương trầm hòa quyện với tiếng mõ, tiếng chuông làm hồn người lâng lâng như bay lên để giao hòa với thiên nhiên, đất trời, các đấng thiêng liêng, và tổ tiên ông bà về đây đoàn tụ cùng con cháu.
 

Có mùi Tết đã đi vào ký ức. Đó là mùi khói pháo. Đốt pháo để chào đón lễ, tết là tập tục lâu đời của người Việt Nam.

Thịt mỡ, dưa hành, câu đôi đỏ
Nêu cao, tràng pháo, bánh chưng xanh.

Hay ..

Pháo trúc nhà ai một tiếng đùng.

(Nguyễn Khuyến)
 

Ngày nay vì lý do an ninh và tiết kiệm, tập tục ấy không còn nữa. Cũng có cái lý do của nó nhưng nghĩ lại cũng mất một phần hương vị ngày xuân. Bánh pháo mua về phải hong khô thì khi đốt tiếng nổ mới giòn. Gần đến giao thừa, dây pháo dài được treo lên chính giữa hiên nhà. Khi tiếng trống đổ hồi, tiếng chuông gióng giả, tiếng đồng hồ điểmthời khắc giao thừa, gia chủ hay người con trai trịnh trọng châm pháo. Tất cả nhà hồi hộp đợi chờ…Tiếng pháo nổ ran, liên tục giòn giã. Xác pháo tung tóe nhuộm hồng một khoảng sân. Ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi tin vào một năm mới hanh thông, cát tường trên mọi việc. Pháo nhà này nổ gọi pháo nhà kia râm ran không dứt, có đến mười lăm phút mới thôi. Khói pháo nồng, hòa quyện với hương mai, hương trầm. Đó là hưng xuân, mời gọi chúa Xuân nhẹ bước trở về.
 

Có một mùi Tết lạ mà nói ra nghe cũng buồn cươi. Đó là mùi gừng luộc. Có nhiều loại bánh mứt trong ngày Tết. Bây giờ thì vô số, kể cả hàng ngoại đắt tiền. Nhưng người ta vẫn chuộng mứt gừng, thứ mứt dân dã mà tinh khiết. Nó là sản phẩm của đất. Mứt gừng đi với bánh tét, bánh chưng cùng với mâm ngũ quả là những phẩm vật dâng lên đất trời, tổ tiên, ông bà trong ba ngày Tết. Mứt gừng bây giờ mua đâu cũng có, thật tiện lợi cho những ai không có thời gian. Một số người nội trợ không thích thê. Họ cho rằng mứt hàng chợ không có cái cay cay đậm đà của gừng nguyên chất. Họ thích tự mình làm, vừa có không khí Tết, vừa là cơ hội để dạy cho cô con gái Huế hiện đại một món mứt truyền thống.
 

Hằng năm vào những ngày giáp Tết, những gánh gừng từ ngoại ô đổ vào thành phố. Những gánh gừng tươi mới, đọt hồng hồng, củ mơn mởn vàng nhạt, lúm chúm những nụ non tơ trông thích mắt. Chọn gừng non thì lát mứt mới trắng đẹp. Gừng mua về, lựa những củ có hình dáng thuôn, đẹp. Gọt sạch võ, sau đó dùng dao hay bào thái mỏng. Công đoạn thứ ba là luộc gừng với nước pha chanh để xả bớt chất cay trước khi rim. Những đêm cuối năm, tiết trờilành lạnh. Mưa xuân lất phất, thứ mưa không ướt đất..Ngồi quanh bếp lửa..Mùi gừng luộc phả vào không gian thơm nức… Phải nói tôi đâm ra ghiền cái mùi ấy. Thật tuyệt! Đối với tôi, mùi gừng luộc làm dậy lên không khí Tết. Thiếu nó, cái Tết sẽ mất đi một phần hương vị.
 

Ngày nay, do cuộc sống hiện đại chịu áp lực của thời gian, những tập tục rườm rà bị bỏ bớt đã đành. Đến những nét đẹp truyền thống trong ngày Tết nhiều lúc cũng bị lãng quên. Đáng tiếc! Nhiều khi nhắm mắt lại, tôi ước ao được nghe tiếng nhạc ngựa leng keng, tiếng xe thổ mộ lóc cóc trên đường…thèm đến thiết tha tiêng hò mênh mang sông nước… Ở đâu rồi áo the, guốc mộc của một thời quá vãng… Những liền anh, liền chị áo mớ ba, mớ bảy, đong đưa, tình tứ trong câu hát quan họ giao duyên… Tiếng phách, tiếng đàn hòa nhịp với giọng ca ngân nga, nhấn nhá của các đào nương trong các điệu ca trù đã một thời làm say lòng các tao nhân, mặc khách… Và cả những tập tục trong lễ Tết cổ truyền của người Việt. Đó là văn hóa. Văn hóa là những tinh hoa còn lại sau khi mọi cái khác đã mất đi. Đó là bản sắc của một dân tộc, nó cần được bảo tồn và phát huy. Rồi một ngày nào đó, trong vòng xoáy của xã hộihiện đại, những nét đẹp văn hóa ấy bị phôi pha, mai một… Chao ôi! Chỉ mới nghĩ đến điều đó thôi mà lòng đã thấy ngậm ngùi…

Lê Thị Chân Tú

Văn Hóa Phật Giáo 98-99

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu