GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 18:51:02 25-01-2017 (GMT+7) Lượt xem:3912

Mừng Xuân Di Lặc

Hằng năm, cứ mỗi độ xuân về, mọi người dân Việt ở bất cứ nơi đâu trên địa cầu này cũng đều nô nức, hân hoan chào đón mùa xuân nhân loại, hay còn gọi là Tết Nguyên Đán. Nguyên là khởi đầu, Đán là buổi sáng ban mai.


Tết Nguyên Đán là dịp lễ cung đón một ngày đầu năm mới, một niềm ước mơ mới, hy vọng mới với tất sự mới mẻ trong tâm hồn mình và thế giới bên ngoài. Xuân mới sẽ mang đến cho mọi người mọi nhà cùng muôn loài khác những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống.
Trên tinh thần này, dù có bận rộn đến đâu, tất cả mọi người dân Việt đều dành những thời gian nhất định để lo sơn phết nhà cửa, đánh bóng lại chân đèn lư hương, trần thiết lại bàn thờ tổ tiên, bàn thờ Phật sao cho đẹp đẻ nhất, trang nghiêm nhất để chuẩn bị đón xuân mới. Mỗi nhà đều cố gắng mua sắm các loại thực phẩm sử dụng cho ba ngày tết như bánh chưng, bánh tét, dưa hấu, bánh mức, hạt dưa, hoa quả… nhưng đối với người con Phật thì mùa xuân ấy, chính là mùa xuân Di Lặc.
Tại sao gọi là Xuân Di Lặc ? Lý do là ngày khánh đản của đức Phật Di Lặc đúng vào ngày mùng một Tết, ngài xuất hiện giữa mùa xuân của thế nhân với chân tướng:
"Bụng to, má núng đồng tiền
Vây quanh sáu trẻ ngửa nghiêng reo hò"
Đó là hóa thân của vị Giáo chủ tương lai của thế giới Ta bà, người kế thừa sự nghiệp độ sanh do Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật di chúc và thọ ký. Nhân dịp Xuân Tân Tỵ chúng ta thử tìm hiểu đôi nét về Đức Phật ở đời vị lai này:
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng nói rằng: ngày mùng một tháng giêng là ngày kỷ niệm vía đức Di Lặc Bồ Tát, và sau này ngài sẽ là người giáo hóa ở Hội Long Hoa.  Cho nên chúng ta thường nghe câu tán thán và đãnh lễ ngài trong những ngày đại lễ quan trọng này là?"Nam Mô Long Hoa Giáo Chủ, Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật".  Câu này xác định rằng: đức Di Lặc sẽ là vị Phật tương lai, được đức Phật Thích Ca  thọ ký cho ngài sau khi thành Phật ở thế giới Ta bà này để tiếp tục giáo hóa độ sinh.
Nói về tương lai của đức Di Lặc thì trong Kinh Di Lặc Hạ Sinh có chép rằng: " hiện nay đức Di Lặc là một trong bốn vị Bổn Xứ Bồ Tát đang ở nội viên cung trời đẩu xuất, đợi đến khi thế giới này hết kiếp giảm thứ chín, đến kiếp tăng thứ mười, lúc ấy ngài sẽ hóa thân xuống cõi trần này trong nhà của một vị Bà La Môn tên là Tu Phạm Na.  Thân mẫu của ngài tên là Phạm Na Bạt đề.  Khi sanh ra Ngài có nhiều tướng tốt, đức hạnh vẹn toàn, thông minh quán chúng, lớn lên ngài xuất gia tu hành, đến núi Kê Túc để nhận lãnh Y Bát của đức Phật Thánh Ca, do Tổ Ma Ha Ca Diếp trao lại.  Rồi Ngài đến ngồi dưới gốc cây Long Hoa dùng Kim Cang trí trừ sạch vô minh, chứng đắc Vô Thượng Bồ đề.  Rồi Ngài bắt đầu thuyết pháp tại Giảng đường Hoa Lâm dưới cây Long Hoa.  Hội thứ nhất độ được 96 ức người thành A la Hán. Hội thứ hai độ được 94 ức người thành A La Hán,  Hội thứ ba độ 92 ức người thành A La Hán.  Do vậy mà gọi là "Long Hoa Tam Hội".  Ngài thuyết pháp đến sáu vạn năm, hóa độ vô số chúng sanh tu hành thoát khổ ".
Trong thời gian đợi chờ đến hội Long Hoa, Đức Di Lặc đã phân thân, hóa thân ở nhiều quốc độ khác nhau để giáo hóa chúng sinh. Trong Kinh thường nói rằng:"Bồ Tát dĩ lợi sanh vi bổn hoài", nghĩa là Bồ Tát lấy sự làm lợi ích cho chúng sanh, làm bổn phận và trách nhiệm của mình.
Một trong những hóa thân của Ngài mà chúng ta thường nghe nhất đó Bố Đại Hòa Thượng trong Phật Giáo Trung Hoa, đó là một vị hòa thượng ở đất Minh Châu, huyện Phụng Hóa, Trung Hoa, ngài thường mang cái đãy bằng vải  đi khắp chợ búa xóm làng, ai cho gì cũng bỏ hết vào đãy mang đi.  Ngài thường giảng kinh cho người nghèo, làm nhiều điều mầu nhiệm, lạ thường.   Trong thiên hạ không ai hiểu được ngài là người như thế nào cả, chỉ cùng nhau gọi là vị Bố Đại Hòa Thượng ( vị Hòa thượng mang túi vãi lớn),  đến đời Lương, niên hiệu Trình Minh năm thứ ba, ngài nhóm chúng lại tại chùa Nhạc Lâm, ngài ngồi ngay thẳng nói bài kệ:
"Di Lặc Chơn Di Lặc, 
Hóa thân thiên bách ức, 
Thời thời thị thời nhơn, 
Thời nhơn giai bất thức ". 

Có nghĩa là: 
"Di Lặc thật Di Lặc, 
Biến hóa trăm ngàn ức thân,
Thường hiện trong cõi đời, 
Mà người đời chẳng ai tin biết ".
Nói xong bài kệ, ngài an nhiên thị tịch.
Vì căn cứ theo hóa thân này, nên Phật giáo Trung Hoa và Phật giáo VN, thường tạc tượng thờ ngài với vẻ mặt hiền từ hân hoan, miệng cười vui vẻ. Ngài tượng trưng cho nguồn vui uyên nguyên, linh động chiếu sáng cho nên tượng ngài được tạc theo hình ảnh một ông Phật to lớn, mập mạp, dáng ngồi rất tự tại, áo phanh ngực ra và miệng cười rạng rỡ. Trên người của Ngài còn có sáu đứa bé tinh nghịch, đứa móc tai, đứa sờ mũi, đứa kéo miệng.
Danh hiệu Di Lặc là chữ phiên âm từ tiếng Phạn (Sankrist) là Maitreya có nghĩa là Từ Thị (Thị: họ; Từ: từ bi), qua phương Tây người ta gọi Ngài là Future Buddha ( Đức Phật tương lai) hay là Smile Buddha ( Đức Phật hoan hỷ) , vì ngài tu tập hạnh Từ bi tam muội, tâm luôn toả chiếu ánh sáng của tình thương yêu trong lành, rộng lớn và phát nguyện cứu độ mọi người.  Khi lòng thương yêu tràn đầy thì sự hiểu biết chân thật chiếu sáng, cho nên tâm hồn luôn an vui tự tại trước mọi biến thiên, đổi thay trong cuộc đời.  
Sáu đứa bé ( lục tặc) ngồi trên người của Ngài là chỉ cho sáu căn - tai, mắt, mũi, lưỡi, thân và ý- của ta, chúng tiếp xúc, và chạm với lục cảnh bên ngoài là màu sắc, âm thanh, mùi hương, mùi vị, xúc cảm (hoạt động của giác quan, tâm lý) và hiện tượng sự vật, để rồi sanh ra những trạng thái tâm như vui, mừng, giận dữ , thương yêu, sợ hãi, sầu khổ, chán ghét….một khi sáu căn ở trong mà tiếp xúc với sáu cảnh bên ngoài, nếu ta không làm chủ được chính ta, chúng sẽ tác động, ảnh hưởng và hoành hành ta, làm cho ta bất an, thất vọng, khổ đau và sợ hãi… Tuy nhiên đối với người khi đã thâm nhập vào niềm vui kỳ diệu của bản tánh chân thật tự nhiên của mình, tức làm chủ được mình, thì mọi sự tác động hoành hành từ bên trong phát sinh hoặc bên ngoài vào, đều trở thành một sức mạnh kỳ diệu để duy trì niềm an lạc, linh động và toả sáng của tự tâm.  Từ đó sự an vui tự nhiên xuất hiện, nên ta thoải mái và tự tại trong cuộc thế biến thiên và cuồng nhiệt này. 
Vì vậy ngày mồng một Tết đến chùa lễ Phật và hái lộc xuân đầu năm, không phải là chỉ cầu xin để được giàu sang, phú quý mà chính là để chư Phật gia hộ cho tâm an vui, gia đạo bình yên, phát tâm rộng lớn tu hành để chóng thành Phật quả như Thiện Tài cầu đạo trong Kinh Hoa Nghiêm từng phát lời nguyện cầu: "Các bậc dũng mãnh vĩ đại đó, đã thành tựu vô số hạnh, An trụ nơi tháp này, Tôi chắp tay kính lễ, đức Di Lặc tôn quý, Là con trưởng chư Phật , Mong ngài đoái tưởng tôi ".

>>Ý NGHĨA ĐÓN XUÂN DI LẶC
Thích Nguyên Tạng

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu