GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 06:59:37 02-12-2017 (GMT+7) Lượt xem:7179

Ý Nghĩa Rằm Tháng 10

Mỗi năm có ba ngày rằm lớn: Rằm tháng Giêng còn gọi là rằm Thượng nguyên (Thượng ngươn); rằm tháng Bảy còn gọi là rằm Trung nguyên (Trung ngươn); và rằm tháng Mười còn gọi là rằm Hạ nguyên (Hạ ngươn), Tết lúa mới.

 

- Rằm tháng Giêng là ngày vua Nghiêu ban phước cho nhân sinh, nên còn được gọi là "Thượng Nguyên Tứ Phước Thiên Quân Ðại Ðế Thắng Hội" hay "Thượng Nguyên Thiên Quân Thánh Ðản "hay gọi tắt là: "Thiên Quan Tứ Phước”.

 

- Rằm tháng Bảy là ngày vua Thuấn xá tội cho các vong hồn nơi Ðịa phủ, nên còn gọi là "Trung Nguyên Xá Tội Ðịa Quan Ðại Ðế Thắng Hội" hay còn gọi là "Trung Nguyên Ðịa Quan Thánh Ðản", “Vu Lan Thắng Hội”.

 

- Rằm tháng Mười là ngày vua Hạ Vũ giải tai ách cho nhân sinh nên còn gọi là "Hạ Nguyên Giải Ách Thuỷ Quan Ðại Ðế Thắng Hội" hay còn gọi là "Hạ Nguyên Thuỷ Quan Thánh Ðản", “Tết lúa mới”…

 

Ca dao có câu:

Rằm tháng Giêng, ai có tiền thì quảy,

Rằm tháng Bảy, kẻ quảy người không,

Rằm tháng Mười, mười người mười quảy 

 

Như vậy, trong ba ngày rằm, rằm tháng Mười là ngày mọi người ai cũng đều cúng quảy. Tại sao vậy?

 

Bởi vì, rằm Hạ nguyên - rằm tháng Mười còn gọi là lễ mừng lúa mới, Tết cơm mới là lễ hội quan trọng nhất trong hệ thống các lễ hội cổ truyền của người Việt Nam ở vùng cao. Lễ mừng lúa mới đối với đồng bào dân tộc cũng quan trọng giống như dịp Tết của người Kinh. 

Vui Ngày hội Tết lúa mới của đồng bào Tây Nguyên

Sau khi vụ lúa tháng Tám vừa gặt hái xong, công việc đồng áng cả năm bắt đầu nhẹ nhàng, thư thả. Lúa đã đầy bồ, rơm rạ đã chất thành đống khô ráo, tươm tất. Đông tiết lạnh lẽo mà lại được mùa, có lúa mới, mọi người nghĩ ngay đến ơn nghĩa của trời đất mưa thuận gió hòa, trong năm không bị lụt lội làm hư hại mùa màng; cho nên đến ngày rằm tháng Mười đem những gì đã được thu hoạch, chế tạo thức ăn theo phong tục địa phương tự ngàn xưa như: Xôi, chè, bánh ít, bánh cúng, bánh bột lọc, bánh gạo… cùng với mâm cơm dâng cúng tổ tiên, ông bà, thổ thần, âm linh,… 

Ngày rằm tháng Mười được coi như là lễ tạ ơn. Lễ tạ ơn này là một trong tứ trọng ân của Phật giáo mà đức Phật đã dạy khi Ngài còn tại thế. Sau khi cúng tạ ơn, cả gia đình sum họp quanh bếp lửa hồng của mùa đông giá rét với một bữa cơm đoàn tụ, ấm cúng. Ngày Rằm tháng Mười ai ai cũng đều thu hoạch được thực phẩm trong vụ tháng Tám do đó mọi nhà đều cúng lễ tạ ơn cho nên mới có câu ca dao: “Rằm tháng Mười, mười người mười quảy”.

 

Còn nói về vua Hạ Vũ là một vị vua huyền thoại cổ đại nổi tiếng với về việc chống lũ, xác lập chế độ cha truyền con nối bằng cách thành lập nhà Hạ và nhân cách đạo đức ngay thẳng của mình. Tên khai sinh của ông là Tự Văn Mệnh thường được gọi là Đại Vũ. Rất ít hồ sơ ghi chép về sự trị vì của ông trong của lịch sử. Bởi vì điều này, phần lớn các thông tin về cuộc sống và triều đại của ông xuất phát từ các câu chuyện truyền miệng và những câu chuyện đó đến từ các vùng khác nhau. Vua Hạ Vũ sau khi băng hà được vinh danh với tên gọi "Đại". Đạo giáo tôn ông là Thủy Quan Đại Đế, thần đản là ngày Tết Hạ nguyên.

 

Ngày nay, ngày rằm tháng Mười, rằm Hạ nguyên đã trở thành ngày lễ hội mang nhiều giá trị tâm linh đối với người dân Việt. Nhất là đối với phật tử, rằm tháng Mười là dịp để mọi người con Phật hướng tâm tu tập, trên nhờ hồng ân chư Phật mười phương gia hộ, kế đến là tổ tiên ông bà che chở. Nhưng quan trọng hơn hết là mỗi người phải biết kết nối truyền thống gia đình trong ý nghĩa tri ân và báo ân.
 

Trong bài viết giá trị tâm linh của Lễ hội Rằm tháng Mười, HT.Thích Phước Đạt đã dạy bài Văn khấn Tổ tiên ngày Rằm tháng Mười như sau:

 

“Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)

 

Con kính lạy chín phương trời, mười phương Phật.

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu thổ chư vị tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ thổ địa, ngài Bản gia táo quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô dì, tỷ muội họ nội, họ ngoại.

 

Tín chủ chúng con là…ngụ tại...

 

Hôm nay là ngày Rằm tháng Mười là ngày Tết lúa mới, chúng con thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, nấu cơm gạo mới, trộm nghĩ:

 

Cây cao bóng mát

Quả tốt hương bay

Công tài bồi xưa những ai tạo

Của quý hóa nay con cháu hưởng

 

Ơn trời đất Phật Tiên, chư vị Tôn thần

Sau nhờ ơn tổ tiên gây dựng, kể công tân khổ biết là bao

Đến nay con cháu dồi dào, hưởng miếng trân cam

Nay nhân mùa gặt hái/Gánh nếp tẻ đầu mùa/Nghĩ đến ơn xưa

 

Cày bừa vun xới

Sửa nồi cơm mới

Kính cẩn dâng lên

Thường tiên nếm trước

 

Mong nhờ tổ phước

Hoà cốc phong đăng

Thóc lúa thêm tăng

Hoa màu tươi mới

 

Làm ăn tiến tới

Con cháu được nhờ

Lễ tuy đơn sơ

Tỏ lòng thành kính.

 

Chúng con kính mời Ngài Bản cảnh Thành hoàng, Chư vị Đại vương, ngài Bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

 

Chúng con mời các cụ Tổ khảo, Tổ tỷ, Chư vị hương linh tiên ngoại họ…, cúi xin thương xót con cháu, linh thiêng hiện về chứng giám, tâm thành thụ hưởng lễ vật. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ, cúi xin phù hộ độ trì.

 

Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)”. 

 

Trí Bửu

phatgiao.org.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu