GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 09:51:18 20-09-2021 (GMT+7) Lượt xem:3925

Vài nét về lịch sử và sự phát triển của Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Bà Rịa – Vũng Tàu trước đây là vùng rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt chỉ có vài người dân tộc Khmer cùng với dân tộc thiểu số như: Mạ, S'tiêng, Châu Ro sống canh tác rải rác. Vùng này được lịch sử nhắc đến với vai trò là nơi dừng chân đầu tiên của cộng đồng người Việt trong hành trình chinh phục mở mang bờ cõi về phương Nam. Dần dần các lớp người di dân vào nên dân số người Việt tăng lên và chiếm số đông, cùng với những tộc người bản địa trở thành chủ nhân của vùng văn hóa Mô Xoài – Bà Rịa.

 

Phật giáo là một tôn giáo lớn chứa đựng những triết lý nhân bản sâu sắc được truyền vào Việt Nam cách đây khoảng trên 2000 năm với nhiều tông phái khác nhau. Qua quá trình phát triển, Phật giáo Việt Nam đã chứng minh về một nền Phật giáo nhập thế, đồng hành cùng dân tộc, tiếp biến và hội nhập với văn hoá bản địa tạo ra nhiều giá trị làm đẹp thêm đời sống văn hóa, kinh tế xã hội cho người Việt Nam.

Phật giáo truyền vào phương Nam mà trước hết ở Mô Xoài (Bà Rịa – Vũng Tàu) theo nhiều hướng khác nhau. Hướng đầu tiên bằng đường biển là từ các nhà thuyền buôn và truyền giáo Ấn Độ. Ở thời Trần, Phật giáo được các cư dân miền Bắc và miền Trung mang theo khi di cư vào phía Nam. Họ xây dựng chùa chiền, gửi gắm vào đó những tâm tư, nguyện vọng về một cuộc sống ấm no, thành đạt lâu dài. Từ thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII số người Việt vào sinh sống ở Bà Rịa càng nhiều, người Việt vào khai hoang lập ấp đến đâu thì Phật giáo được loan truyền đến đó.

Dưới thời Lê (Hậu Lê), phái Thiền Trúc Lâm được các vua Trần lập nên trước đó không được ủng hộ, các thiền sư và một số hoàng tộc phải lẫn trốn qua Chiêm Thành, Chân Lạp và vào tận vùng Mô Xoài - Đồng Nai - Gia Định để ẩn tu, che giấu tên tuổi, tông tích. Vào năm 1630 khi nhà Thanh đánh bại nhà Minh chiếm Trung Hoa, một số người Hoa không thuần phục đã di cư xuống phương Nam, vào lập nghiệp ở Đàng Trong nước ta, trong đó có cả các nhà sư Phật giáo. Tại đây, các nhà sư được mời làm trụ trì các chùa, am được tạo dựng từ trước để tu hành.

Trong thời kỳ Nho giáo độc tôn, nhà Nguyễn thực thi chính sách hạn chế sự phát triển của Phật giáo (quy định ngặt nghèo nhằm giảm bớt việc xây chùa, tô tượng, đúc chuông và người theo đạo Phật). Bởi Phật giáo phát triển sẽ làm hại cho lễ giáo phong kiến, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giáo điều Nho giáo. Mặc dù vậy, hoạt động Phật giáo ở vùng Mô Xoài - Bà Rịa không những không bị hạn chế mà vẫn tiếp tục phát triển.  Đặc biệt là Phái Thiền Lâm Tế dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu và các hậu duệ.

Sự phát triển của Phật giáo là nhân tố thúc đẩy sự hình thành các cơ sở chùa chiền. Những ngôi chùa được xây dựng ở thời kỳ đầu tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như chùa Vân Sơn (Bà Rịa) và chùa Long Bàn (Long Điền) do Thiền sư Hải Chánh – Bảo Thanh lập (niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 năm 1845) và một số chùa khác cũng được xây dựng cùng thời như chùa Sắc Tứ Vạn An, chùa Bửu Long, Tổ Đình Linh Sơn Cổ Tự, chùa Đại Tùng Lâm, chùa Tây Phương, chùa núi Thị Vải… là minh chứng cho sự phát triển của Phật giáo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong những thế kỷ này. Nói chung, đạo Phật suốt từ đầu đến thế kỷ XIX chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng Việt, không ít chùa chiền đã được triều đình nhà Nguyễn phong sắc tứ. 

Đầu thế kỷ XX, Phật giáo Bà Rịa – Vũng Tàu bắt đầu phát triển mạnh. Ngoài dòng thiền Lâm tế thuộc Bắc tông, còn có Phật giáo Nam tông và khất sĩ cùng các hệ phái và loại hình Phật giáo khác như: Tịnh Xá, Tịnh Thất, Tu Viện, Thiền Viện, Niệm Phật Đường… Trong đó, hệ phái chiếm tỉ lệ đa số là Phật giáo Nam tông.

Trải qua quá trình phát triển, các cơ sở Phật giáo của tỉnh đã tham gia và có nhiều đóng góp vào sự công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Điển hình như chùa Thiên Thai – tổ đình của Thiên Thai Thiền giáo tông do tổ Huệ Đăng khai sáng. Đây là trụ sở nơi tập hợp nhiều tu sĩ thể hiện tinh thần nhập thế của Phật giáo. Thiên Thai Thiền giáo tông đã có nhiều đóng góp vào hai cuộc kháng chiến Pháp và Mỹ cứu nước của dân tộc. Nhiều tu sĩ nổi tiếng như hòa thượng Thích Minh Nguyệt làm chủ tịch Hội Phật giáo cứu quốc Nam Bộ, hòa thượng Thích Thiện Hào là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau ngày giải phóng làm Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi xuất phát hai trung tâm Thiền Phật giáo quan trọng, theo đường hướng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đó là Thiền viện Bát Nhã (dành cho ni), và Thiền viện Chơn Không (dành cho tăng), do hòa thượng Thích Thanh Từ sáng lập. Từ các trung tâm này, nhiều Thiền viện khác được dựng lên rải rác nhiều nơi ở trong tỉnh như Thường Chiếu, Viên Chiếu, Linh Chiếu, Phổ Chiếu,...

Đặc biệt, các ngôi chùa ni xuất phát từ tổ đình Huệ Lâm, do sư trưởng Như Thanh khai sáng đã dần dần được dựng lên theo triền núi như chùa Phổ Đà, Hải Vân, Quy Sơn. Chùa Huệ Lâm 2 tại thị xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành được tạo lập sau năm 1975, nay là nơi đặt tháp thờ cố sư trưởng Như Thanh. Chùa Hải Vân do sư trưởng Như Thanh lập trên sườn núi Nhỏ vào năm 1964, là một quần thể kiến trúc quy mô, nhất là từ sau lần trùng tu năm 1969-1970, đã có hàng tháp Bảo Tạng để trữ bộ Đại Tạng kinh. Nơi đây, mỗi tháng hai lần có hàng trăm cư sĩ đến tham dự lễ Thọ bát quan trai.

Theo kết quả điều tra dân số và tín đồ tôn giáo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tính đến cuối tháng 6 năm 2018, dân số toàn tỉnh khoảng 1.154.000 người. Trong đó tín đồ Phật giáo chiếm tỉ gần 1/3 dân số toàn tỉnh (hơn 300.000 tín đồ Phật giáo). Số lượng các ngôi chùa được xây mới và tôn tạo tăng nhanh trong 3 thế kỷ du nhập và phát triển. Theo con số thống kê mới nhất, toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có gần 500 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất và thiền viện với 3.893 tăng, ni, tu học. Trong đó, huyện Tân Thành là nơi có tập trung nhiều tịnh xá, tịnh thất và thiền viện nhất của tỉnh. Ngoài Ban trị sự cấp tỉnh, trực thuộc giáo hội Phật giáo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu còn có 8 Ban trị sự cấp huyện, thành phố, thị xã (Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ, Long Điền, Côn Đảo, Tân Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu). Bên cạnh đó, còn có các ban chức năng như: Tăng sự, Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử, Văn hóa, Giáo dục Tăng Ni, Kinh tế tài chính, Thông tin truyền thông, Nghi lễ, Phật giáo quốc tế, Từ thiện xã hội, Pháp chế, Giám sát và có một trường đào tạo tăng ni là Trường Cao trung Phật học Đại Tùng Lâm.

Trường Phật học Đại Tùng Lâm đặt bên chân núi Thị Vải, rộng khoảng 100 ha, nằm cách thành phố Hồ Chí Minh 80km, gồm có Trường Cơ bản Phật học, Trường Cao đẳng chuyên khoa Phật học, 01 Viện chuyên tu, Hai Thiền Viện, Hai Ni viện và một số Tịnh thất, Trai đường, Giáo thọ phòng...

Từng là cái nôi của Phật giáo xứ Đàng Trong dưới thời nhà Nguyễn, Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những cơ sở đầu tiên của Phật giáo miền Nam và khu vực Đông – Tây nam bộ. Dù chỉ mới hơn trên 300 năm phát triển nhưng những giá trị mà văn hóa Phật giáo mang lại cho người dân, địa phương Bà Rịa – Vũng Tàu khá lớn. Sự phát triển của hệ thống cơ sở thờ tự, sinh hoạt tôn giáo và số lượng tăng ni, phật tử là cơ sở để Phật giáo Bà Rịa - Vũng Tàu từng bước phát triển, gây ảnh hưởng và đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng như sự phát triển chung của đất nước.

Một số hình ảnh:

Tin bài: Quỳnh Lưu

https://bvu.edu.vn/web/phong-cong-tac-sinh-vien/-/vai-net-ve-lich-su-va-su-phat-trien-cua-phat-giao-tinh-ba-ria-vung-tau

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu