Trách nhiệm xã hội của Phật giáo thời hiện đại có thể được nhìn nhận ở ba tầng bậc: Thứ nhất, nó kêu gọi mọi người thực hiện một cách gương mẫu mọi nghĩa vụ, bổn phận của một công dân trong xã hội; thứ hai, trách nhiệm xã hội của Phật giáo được thể hiện ở các công tác xã hội, như từ thiện, y tế, giáo dục, phục vụ người nghèo, người yếu thế, v.v.; thứ ba, trách nhiệm xã hội của Phật giáo còn là trách nhiệm đạo đức, dùng lý tưởng, giáo lý và sự hy sinh của mình để nâng cao nhân phẩm và đời sống tinh thần của con người.
1. Trách nhiệm xã hội
Trách nhiệm xã hội (Social Responsibility) là một lý thuyết hoặc một hệ tư tưởng đạo đức nhấn mạnh đến việc một cá nhân hoặc một tổ chức phải có nghĩa vụ hành động vì lợi ích của xã hội. Trách nhiệm xã hội là một vấn đề quan trọng của cả đạo đức cá nhân lẫn đạo đức xã hội. Xét từ góc độ cá nhân, ý thức về trách nhiệm xã hội không chỉ là một đức hạnh, một tiêu chuẩn của luân lý, mà còn là một yếu tố cấu thành nhân cách con người; thực hiện trách nhiệm xã hội là thể hiện hành vi đạo đức của con người. Xét từ góc độ xã hội, trách nhiệm xã hội là một trong những nền tảng để gắn kết các mối quan hệ xã hội, duy trì sự ổn định và phát triển của xã hội; là một giá trị để đảm bảo cho quyền sống của tất cả mọi người. Ý thức về người khác, quan niệm về bổn phận đối với đất nước, nghĩa vụ đối với xã hội, lòng tốt, tính vị tha, tinh thần bao dung,... là những biểu hiện cụ thể của trách nhiệm xã hội.(*)
Trong Khế ước xã hội, J.J.Rousseau đã phân biệt rõ “volonté générale” (ý chí chung) và “volonté du sous” (ý chí của tất cả mọi người). Theo Rousseau, có sự khác biệt giữa nhiệm vụ xã hội (social duty, the duty of a member of society) hay bổn phận công dân (the duty of a citizen)... và nghĩa vụxã hội (the duty of human kind). Cả hai đều thuộc phạm trù trách nhiệm. Bổn phận công dân dựa trên ý chí chung của một xã hội, một sắc tộc vào một giai đoạn lịch sử, mà Hêghen gọi là tinh thần dân tộc và tinh thần thời đại. Nghĩa vụ dựa trên ý chí của tất cả con người không phân biệt giai cấp, lịch sử, tôn giáo, ý thức hệ... và ở mọi thời, mọi nơi, mọi dân tộc. Trách nhiệm xã hội (social responsibility) theo ý của nghĩa vụ con người, dựa trên ý chí phổ quát của toàn nhân loại(1).
Một vấn đề hết sức cơ bản được I.Kant đặt lại là tiêu chuẩn của một hành vi đạo đức. Một hành vi đạo đức, theo Kant, không phải là hành vi được hành động theo động cơ lợi ích, hay theo sự dẫn dắt của lý trí, hay thậm chí là theo sự chỉ bảo của luân lý. Ông cho rằng, một hành vi thực sự có tính đạo đức phải là một hành vi thực hiện theo “mệnh lệnh tuyệt đối” (Categorical Imperative). Mệnh lệnh tuyệt đối là một yêu cầu đạo đức cao nhất, đúng cho mọi đối tượng, mọi không gian và thời gian, đạo đức liên quan mật thiết đến trách nhiệm và nghĩa vụ(2). Con người phải có trách nhiệm tuân thủ mệnh lệnh tuyệt đối này. Chính vì vậy, luân lý học của Kant là một nền luân lý học trách nhiệm, khác với luân lý học đức hạnh như của Arixtốt hay của Thomas Aquinas.
Emmanuel Levinas - một triết gia hiện đại có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu về trách nhiệm xã hội hoàn toàn không đồng ý với Heidegger khi Heidegger cho rằng siêu hình học mới là cái nền tảng. Levinas đặt vấn đề nhận thức lại về siêu hình học. Siêu hình học không phải là vật lý (physics), mà quan trọng hơn là cái siêu hình (meta). Theo Levinas, siêu hình ở đây chính là đạo đức. Ông coi đạo đức chính là siêu hình học, hay nói cách khác, đạo đức học của đạo đức học là triết học thứ nhất(3). Levinas nhấn mạnh vào điểm tương đồng và mối quan hệ tới tính toàn thể (Totality) trong bản thể luận của triết học phương Tây. Levinas phê bình bản thể luận của Heidegger, cho rằng loại bản thể luận này, hay loại triết học đầu tiên này chính là triết học của sức mạnh. Theo ông, tính toàn thể có mối quan hệ chặt chẽ với chủ nghĩa toàn trị (Totalitarianism). Ông phân tích: “Chủ nghĩa vị kỷ của bản thể luận chỉ chấm dứt khi triết học Socrat hoàn toàn lãng quên tồn tại/hữu thể cũng như sự phân tích khái niệm “chủ thể” và sức mạnh kỹ thuật. Heidegger đã nhận ra tư tưởng triết học tiền Socrat như sự phục tùng chân lý của tồn tại. Sự phục tùng này sẽ được hoàn thiện trong hiện thực giống như nhà thiết kế và chiếc máy cày, ảnh hưởng tới sự thống nhất của tất cả các mặt”(4). Trong quan điểm của Levinas, triết học này ra đời để bảo vệ tính toàn trị của nhà nước, trong đó cái gọi là chân lý hay tính phổ quát có thể khiến con người vô cảm hay vô nhân đạo. Đạo đức là nền tảng của tính liên chủ thể dựa trên mối quan hệ người, đạo đức có thể hồi đáp sự tồn tại của những người khác. Con người là con người trong mối quan hệ với người khác. Trách nhiệm là nền tảng của tất cả các quan hệ liên cá nhân, là nền tảng của đạo đức.
Tác phẩm Bên ngoài tồn tại hay bản chất siêu việt (Otherwise than Being or Beyond Essence) được viết dựa trên kinh nghiệm của chính Levinas về vụ thảm sát Holocaust của Đức Quốc xã(5). Những sự nghi ngờ và phản bác lại Heidegger khi ông xem tồn tại là nền tảng của bản thể luận đã xuất hiện trong bối cảnh đó(6). Trong khi tuyên bố bản thể luận Heidegger là vô nhân đạo, Levinas cho rằng đạo đức quan trọng hơn bản thể luận, các vấn đề đạo đức quan trọng hơn các vấn đề bản thể luận và trách nhiệm là đạo đức của tất cả mọi người.
Xét về mặt từ nguyên, trách nhiệm xuất phát từ từ “response” (đáp lại/ phản hồi lại) và Levinas hiểu rằng, triết học là sự hồi đáp về mặt đạo đức đối với người khác và là nền tảng để đảm bảo con người là tồn tại đạo đức. Điều này được chứng minh khi ông diễn giải khái niệm “gương mặt”. Đối với ông, con người không phải là một tồn tại vô cảm, mà là một tồn tại với những cảm xúc cụ thể được biểu hiện qua biểu cảm gương mặt. Levinas giải thích: “Một gương mặt là dấu hiệu của chính nó, biểu hiện trách nhiệm của tôi, nhưng với nó tôi khao khát và đầy khuyết điểm. Nó như thể là tôi chịu trách nhiệm cho sự sống chết của chính mình cũng như tội lỗi của sự tồn tại”(7). Với ông, tiếng nói/biểu hiện đầu tiên của gương mặt là biểu hiện cuộc sống, tiếng nói chối bỏ sự hung tàn/bạo ngược và cái chết, tiếng nói giống như “sẽ không giết”, “đừng giết tôi”(8). Một gương mặt được hiểu là gương mặt trần trụi không có bất kỳ sự che đậy nào: “Một khuôn mặt tiếp xúc với một làn da - một khuôn mặt với một làn da chảy xệ, thậm chí trong sự thay đổi, hơi thở khuôn mặt thay đổi, rơi vào quá khứ... một làn da được nâng niu tỉ mỉ không phải là lá chắn của một sinh vật, chỉ đơn giản là bề mặt của một thực thể, nó là sự phân tách giữa hữu hình và vô hình, gần như trong suốt, mỏng hơn mà vẫn có thể biện minh cho sự biểu hiện của những thứ vô hình mà nhìn thấy được”(9). Hơn nữa, trong cách hiểu này, gương mặt không chỉ là sự biểu hiện của danh tiếng và quyền lực, mà còn là biểu hiện những người dễ bị tổn thương trong xã hội: Trẻ mồ côi, góa phụ, những người khốn khổ... và trách nhiệm, đầu tiên là sự đáp lại tiếng nói của những gương mặt này, là sự sẵn sàng nói với người khác rằng “tôi ở đây”. Do đó, gương mặt cũng là gương mặt của những người khác. Theo Levinas, gương mặt của những người khác là nền tảng cho các mối quan hệ giữa người với người, nền tảng đạo đức cho người khác và nền tảng cho trách nhiệm. Đối với Levinas, trách nhiệm được thực thi thông qua sự theo đuổi những gương mặt khác, trong sự chia sẻ, đồng cảm và giúp đỡ người khác(10). Các gương mặt đối diện với nhau biểu thị kinh nghiệm cơ bản của nhân loại hướng tới trách nhiệm và sự độ lượng hay lòng hiếu khách đối với mọi người trong bản thân mỗi con người.
Khái niệm trách nhiệm xã hội hay “năng lực phản hồi” (response-ability) của Levinas cũng là sự thuyết minh vị kỷ, trong đó bản thân cá nhân “tôi” bắt buộc phải hồi đáp lại gương mặt của người khác, cái vô hạn, và sự hồi đáp của tôi dựa trên sự giao tiếp với người khác. Điều này nhằm đảm bảo mối quan hệ liên nhân loại (inter – human relationship) mà Levinas phát triển khái niệm mối quan hệ con người trong quá trình diễn giải lời nói và năng lực phản hồi (saying and response – ability). Để duy trì mối quan hệ liên nhân loại, khả năng phản hồi của tôi có ý nghĩa rõ ràng nhất về tính thụ động thay vì tính thay thế. Levinas gọi mối quan hệ này là “nhân đạo” hay là “tính chủ thể”(11). Trách nhiệm là năng lực hồi đáp, Levinas nhấn mạnh vào chủ thể chịu trách nhiệm đạo đức, cho người khác trước khi cho chính bản thân. Levinas nhấn mạnh đến ý nghĩa của sự tiếp nhận người khác trong trách nhiệm đạo đức cá nhân, cá nhân cho người khác trước khi cho chính bản thân mình. Trong phần cuối của chương 3, tác phẩm Bên ngoài tồn tại hay bản chất siêu việt, ông cho rằng “tâm hồn là người khác ở trong tôi”(12).
2. Trách nhiệm xã hội trong giáo lý nhà Phật
Trong kinh điển Phật giáo không có khái niệm “trách nhiệm xã hội”, song tinh thần trách nhiệm xã hội đã thấm đẫm trong tư tưởng của nhà Phật. Phật giáo có quan niệm tứ ân. Tứ ân là cha mẹ, chúng sinh, đất nước và tam bảo: Hiếu dưỡng cha mẹ, quảng độ chúng sinh, bảo vệ đất nước và cung kính tam bảo(13). Trong bốn điều cần phải nhớ ơn và thực hiện thì có 2 điều liên quan đến trách nhiệm xã hội là ơn chúng sinh và ơn đất nước. Ơn quốc gia là tinh thần yêu nước, ơn chúng sinh là phục vụ nhân dân. Tinh thần trách nhiệm xã hội của Phật giáo là tinh thần từ bi, hy sinh bản thân mình vì người khác, luôn quan tâm đến cuộc đời của con người. Kinh Hoa Nghiêm có câu: “Bất vi tự kỷ cầu an lạc, đãn nguyện chúng sinh đắc ly khổ” (Không cầu yên lành cho bản thân, mà chỉ nguyện để chúng sinh thoát khổ). Hay như tinh thần của Địa tạng vương Bồ tát: “Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật. Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề” (Địa ngục chưa hết người thì ta thề không thành Phật. Chỉ khi nào chúng sinh được độ hết thì ta mới chứng Bồ đề”(14).
Trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là trách nhiệm đạo đức. Nhiều giáo lý căn bản của nhà Phật cũng là các đức hạnh căn bản, và các đức hạnh đó cũng thể hiện trách nhiệm đối với người khác, đối với nhân sinh, đối với xã hội. Vì vậy, có thể hiểu trách nhiệm xã hội của Phật giáo chính là ngũ giới (giới sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và uống rượu), là tứ vô lượng (từ, bi, hỉ, xả), là lục độ(bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định, trí tuệ), là tứ nhiếp (bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự).
Kinh điển nhà Phật “Vô minh La Sát tập” có viết: “Năng thiện hài hòa, tạo tác nghiệp quả, chuyển luân sinh tử”, nghĩa là hoà hợp với người khác, làm những việc tạo ra sự hài hoà cũng là một công việc tạo thiện, tích đức, đồng thời cũng có tác dụng thoát ly sinh tử. Phật giáo luôn kêu gọi bình đẳng giữa người với người, thúc đẩy sự hòa hợp trong xã hội; đồng thời chống lại chế độ nô lệ, chủ trương chúng sinh bình đẳng, các nước hòa bình, kêu gọi từ bi tế thế. Có thể nói, tinh thần từ bi tế thế là sự thể hiện cao nhất trách nhiệm xã hội của Phật giáo.
Có thể đặt ra câu hỏi giữa sự xuất thế, thanh tịnh trong giáo lý nhà Phật với tinh thần trách nhiệm xã hội. Ví dụ như làm thế nào để dung hòa một thái độ sống tích cực, có trách nhiệm xã hội với một cuộc sống thiền định dựa trên sự thư giãn về thân thể, buông xả về tư duy và thanh tịnh về tâm hồn? Thiền định và trách nhiệm xã hội có mâu thuẫn với nhau không? Từ góc độ thực nghiệm, chúng ta có thể thấy thiền định có tác động tích cực đến khả năng thực hiện trách nhiệm xã hội của con người(15). Bên cạnh đó, cứu cánh của giáo lý nhà Phật là giải thoát sinh tử, đưa con người thoát khổ. Song, giải thoát sinh tử không phải là kêu gọi phật tử xuất thế, trốn tránh trách nhiệm đối với xã hội, mà trước hết phải là hoàn thành đầy đủ, thậm chí phải làm gương, phải tận tâm tận lực thực hiện mọi nghĩa vụ và bổn phận của một công dân trong xã hội. Chính vì vậy, chúng ta thường thấy hai mệnh đề “hoằng dương Phật pháp” và “lợi lạc quần sinh” gắn liền với nhau.
Phật giáo có tiền đề lịch sử thuận lợi để thích ứng với sự biến chuyển của xã hội, vì trong truyền thống Phật giáo có tinh thần nhập thế mãnh liệt. Điều này tương đối khác với sự “thế tục hoá” (secularization) ở phương Tây thời Cận đại. Thế tục hoá ở phương Tây biểu hiện dưới các phương thức tách rời thần quyền và thế quyền, chính trị không bị can thiệp bởi tôn giáo, tách rời giáo dục khỏi ảnh hưởng của giáo hội, đa dạng hoá các giáo phái, đa nguyên hoá tín ngưỡng dựa trên hiến pháp và chế độ pháp quyền. Với sự thế tục hoá thì tôn giáo là một bộ phận quan trọng của xã hội và văn hoá, chứ không phải xã hội và văn hoá bị khống chế bởi tôn giáo. Sự thay đổi kết cấu xã hội này đã dẫn đến sự thay đổi của đời sống văn hoá cũng như những quan niệm, tư tưởng của người đương thời. Từ các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, triết học,... chúng ta có thể thấy tôn giáo bị thu hẹp, suy yếu và cùng với nó là sự trỗi dậy ý thức chủ quan của con người. Nói cách khác, ngày càng có nhiều cá nhân có thế giới quan và nhân sinh quan không có màu sắc tôn giáo hay dựa vào sự giải thích của tôn giáo. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng thế tục hoá không phải là dấu hiệu cho sự suy tàn của tôn giáo, mà biểu thị cho việc tôn giáo dịch chuyển ra khỏi các lĩnh vực của đời sống xã hội hàng ngày. Có thể nói, quá trình thế tục hoá đã thu nhỏ phạm vi của tinh thần tôn giáo và đạo đức tôn giáo, song tôn giáo không mất đi mà bước vào một con đường phát triển mới.
Quan niệm về trách nhiệm xã hội của Phật giáo còn thể hiện qua tình cảm, sự quan hoài của Phật giáo đối với xã hội và nhân sinh, cụ thể là triết lý “vô duyên đại từ, đồng thể đại bi”. Tình cảm này được thể hiện qua hình tượng nhân từ và gần gũi nhất trong Phật giáo là Quan Thế Âm Bồ tát, với ý nghĩa là Quan Thế Âm Bồ tát phát nguyện cứu độ tất cả mọi người, kể cả những người không có duyên với Quan Thế Âm Bồ tát; vì vậy, mới gọi là “vô duyên đại từ”. Ý nguyện cứu độ những người không có duyên chính là thể hiện một tình cảm vô điều kiện, không vì bất cứ một lý do gì, cũng không phải vì thoả mãn cái tôi, mà thuần tuý là một hành động thiện tự nhiên. Có được động lực như vậy thì mới có thể “đồng thể đại bi”, nghĩa là coi người khác như chính bản thân mình, cảm thông, chia sẻ và giúp đỡ người khác trên cơ sở bình đẳng, ngang hàng, không vụ lợi.
Lòng từ bi là gì nếu không phải là sự thấu hiểu đau khổ của người khác cũng chính là đau khổ của bản thân mình để từ đó có khát vọng và hành động để mọi người thoát khổ? Và cùng với ý nghĩa này, theo chiều hướng diễn đạt ngược lại thì hỉ xả chính là hạnh phúc khi người khác hạnh phúc và lấy đó làm xuất phát điểm để giúp đỡ người khác, làm cho người khác hạnh phúc hoặc được giải thoát. Sự liên kết mang tính nhân văn giữa con người với tha nhân như vậy cũng là đặc trưng của nhiều hệ tư tưởng lớn. Từ bi, hỉ xả chính là một nền tảng và công cụ hữu hiệu để xóa bỏ sự vô cảm trong xã hội, xóa bỏ cái ác, sự hận thù. Đây cũng là tiền đề và động lực để các cá nhân thực hiện trách nhiệm xã hội, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp. Chính vì vậy, nếu chúng ta thấu hiểu và hành động đúng nghĩa vụ và trách nhiệm theo tinh thần của Thích Ca thì xã hội sẽ không còn bất bình đẳng, không còn bất công, không còn sự xâm phạm quyền lợi con người cũng như hạn chế sự phát triển người. Thay vào đó, con người sẽ được sống hài hòa hơn, công bằng hơn. Ở đây có hai khái niệm là quyền lợi và trách nhiệm. Trong tư tưởng phương Tây, quyền lợi và trách nhiệm tạo thành một mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, bao phủ hầu hết các khía cạnh của luân lý và đời sống xã hội. Quyền lợi và trách nhiệm tồn tại phụ thuộc lẫn nhau, mức độ được hưởng quyền lợi cũng tương ứng với mức độ phải gánh vác trách nhiệm. Có học giả cho rằng Phật giáo cũng có quan niệm tương tự như vậy, vì theo giáo lý nhà Phật, con người được sinh ra với đầy đủ tự do và trách nhiệm. Do đó, nghĩa vụ và quyền lợi cũng không phải hai khái niệm hay một khái niệm nhị nguyên, vì nếu không có cái này thì cũng không có cái kia, không có quyền lợi thì trách nhiệm cũng không tồn tại(16).
Xuất phát từ quan niệm Phật tính bình đẳng, mà con người ai cũng có Phật tính (“Chúng sinh giai hữu Phật tính”), chúng ta có thể suy luận rằng Phật giáo quan niệm tất cả mọi người đều bình đẳng với nhau. Đạo Sinh trong “Pháp Hoa kinh sớ” có nói: “Nhất thiết chúng sinh, giai đương tác Phật” (Tất cả mọi người đều có thể thành Phật). Điều này cũng phù hợp với lý thuyết nhân duyên, có nguyên nhân và điều kiện, không thể chỉ có một nguyên nhân duy nhất cho tất cả. Vì vậy, con người phải chú trọng mọi ý nghĩ, lời nói, hành vi với mọi người.
Con người tự do ngay từ lúc sinh ra, vì vậy con người bình đẳng với nhau cả về nhân phẩm, quyền lợi và trách nhiệm. Chính vì vậy mà Thích Ca đã nói: “Tự vi tự y hỗ, tha nhân hà khả y? Tự kỷ thiện điều ngự, chứng nan đắc sở y” (“Tự mình là vị cứu tinh. Tự mình nương tựa vào mình tốt thay. Nào ai cứu được mình đây? Tự mình điều phục hàng ngày cho chuyên” - Kinh Pháp Cú, phẩm 160)(17), “Tịnh bất tịnh y kỷ, tha hà năng tịnh tha” (“Tịnh hay không tịnh do ta, Chính ta tự tạo, ai mà khác đâu!” - Kinh Pháp Cú, phẩm 165)(18).
3. Đôi nét về trách nhiệm xã hội của Phật giáo Việt Nam
Trong nhiều giai đoạn lịch sử then chốt của dân tộc, Phật giáo Việt Nam chưa từng rũ bỏ trách nhiệm của mình đối với đất nước, đối với người dân. Trong xã hội ngày nay, mầm mống của chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa kim tiền, chủ nghĩa cá nhân có nguy cơ ngày càng lan rộng và cùng với nó là sự xuất hiện của sự rạn nứt các mối dây liên kết trong xã hội, tình trạng vô cảm với người khác, sự hoang mang về định hướng giá trị cũng như xuống cấp của nhân phẩm con người. Tình trạng này càng đặt ra sứ mệnh về mặt văn hoá và đạo đức đối với Phật giáo. Vai trò của Phật giáo trong lịch sử có giữ được trong hiện tại hay không nằm ở việc Phật giáo nhìn nhận và góp phần giải quyết các hình thái mới của những vấn nạn này như thế nào. Tôn giáo được con người tạo ra và cũng tồn tại để vì con người. Phật giáo cũng như vậy. Thực hiện trách nhiệm xã hội, nâng cao đời sống tinh thần con người, hoá giải các mâu thuẫn xã hội, xây dựng một xã hội hoà bình, ổn định cũng chính là sứ mệnh của Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo lấy con người làm gốc, nhấn mạnh đến việc tu dưỡng tâm tính con người, nhấn mạnh đến việc đời sống tinh thần là điều không thể thiếu của nhân sinh. Quan niệm về tự lực và tha lực có khả năng giúp con người có thêm dũng khí, vượt qua những nỗi sợ hãi, tạo ra chỗ dựa về mặt tư tưởng, an ủi cho cả tinh thần và tâm linh. Theo quan điểm của nhà Phật, từ bi chính là nền tảng cho điều thiện, là nơi dung chứa mọi đức hạnh.
Một trong những tiền đề giúp Phật giáo có thể thực hiện được trách nhiệm xã hội chính là do Phật giáo có sức mạnh quy tụ, nhấn mạnh đến các mối dây liên hệ trong xã hội. Một trong những lý luận nền tảng của triết lý nhân sinh Phật giáo là thuyết duyên khởi. Đức Phật sau khi chứng ngộ đã nêu lên một luận điểm then chốt: “Cái này có thì cái kia có. Cái này không thì cái kia không. Cái này sinh thì cái kia sinh. Cái này diệt thì cái kia diệt”(19). Quan điểm này đã chỉ ra mối tương quan mật thiết và mối quan hệ nhân quả giữa mọi vật, mọi việc và (có thể suy ra là) giữa mọi người với nhau. Quan điểm từ bi bình đẳng, viên dung vô ngại của Phật giáo là nền tảng chắc chắn để tạo nên các mối dây liên kết bền chặt trong xã hội, giúp con người hướng thiện, tạo nên các giá trị trong phong tục tập quán cũng như lối sống.
Đứng từ góc độ lịch sử, chúng ta thấy Phật giáo Việt Nam có nhiều đóng góp trong việc hình thành nhân cách, xây dựng các quy phạm đạo đức và duy trì sự ổn định xã hội. Đây cũng là trách nhiệm của Phật giáo đối với xã hội. Các quy phạm đạo đức là giá trị cốt lõi của xã hội, trong đó các quy phạm đạo đức Phật giáo đóng vai trò không nhỏ. Quy phạm đạo đức Phật giáo được thể hiện trong giáo lý căn bản cũng như trong hệ thống giới luật. Ví dụ như Phật giáo nói đến ngũ giới: Không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu là những chuẩn mực giới luật căn bản nhất của Phật giáo, đồng thời cũng thể hiện tinh thần nhân văn cao cả. Đó là tôn trọng mọi sự sống, đối xử với người khác như đối xử với mình, có thái độ nhân sinh hợp lý đối với của cải vật chất, bảo vệ gia đình và sự hòa hợp, xây dựng con người có chữ tín và chính trực, đề cao tố chất đạo đức, v.v..
Thực hiện trách nhiệm xã hội, ngoài con đường tuyên truyền nâng cao đạo đức thì Phật giáo còn nhiều phương thức khác, đó là hoạt động từ thiện, là công tác xã hội, là tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp trong sự nghiệp giáo dục, chăm sóc y tế cho tất cả mọi người, nhất là những nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, tích cực bảo vệ môi trường và bảo vệ sinh thái, v.v..
Song, nếu nhìn nhận từ bi tế thế là căn cốt của Phật giáo, thì trách nhiệm xã hội của nhà Phật không chỉ là tuân thủ pháp luật, xây dựng các tổ chức từ thiện, giúp đỡ người nghèo đói, cứu tế khi có thiên tai, v.v. mà còn phải chú trọng đến toàn thể việc nâng cao đời sống tâm linh và đời sống tinh thần.
Với văn hóa dân tộc, Phật giáo còn có trách nhiệm và sứ mệnh trong việc kế thừa truyền thống văn hóa, phát huy một nền văn hóa đa dạng, thúc đẩy xây dựng một xã hội văn minh. Phật giáo đã có những đóng góp to lớn đối với văn hóa truyền thống Việt Nam, từ các loại hình nghệ thuật như kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc,... đến một kho tàng văn học Phật giáo đồ sộ. Phật giáo không chỉ tồn tại trên bình diện lý luận, mà nó còn đi sâu vào lối sống, nếp nghĩ của nhiều người Việt Nam từ đời này qua đời khác, từ những chuyện ăn, mặc, ở bình thường hàng ngày đến những việc đối nhân xử thế, lễ nghi đạo đức, v.v.. Những giá trị văn hóa truyền thống này cần được kế thừa, phát huy, tăng cường và mở rộng ra nhiều hình thức biểu hiện, vừa để đem lại những giá trị tích cực cho xã hội, vừa là khẳng định thêm sự tồn tại đúng đắn và sức sống của Phật giáo. Văn hóa cần phải được truyền thừa, và truyền thừa văn hóa Phật giáo không có phương cách gì tốt hơn là thông qua giáo dục. Giáo dục ở đây không hoàn toàn là sự trao truyền tri thức, mà là giáo dục nhân sinh, nghĩa là bồi dưỡng về mặt tâm hồn và hun đúc các giá trị đạo đức, tạo thành hệ thống quy phạm luân lý phù hợp với xã hội hiện đại. Đây cũng chính là trách nhiệm của Phật giáo đối với văn hóa.
Phật giáo Việt Nam trong thời Cận hiện đại không trải qua bước thế tục hoá như tôn giáo ở phương Tây, mà xét theo chiều cạnh mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị, giữa tổ chức Phật giáo và chính quyền thế tục thì dường như Phật giáo lại có chiều hướng ngược lại so với đòi hỏi chia tách thần quyền và thế quyền như ở phương Tây. Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam đầu thế kỷ XX đã góp phần đánh động ý thức dân tộc, tinh thần yêu nước, một niềm tin và lý tưởng sống của các phật tử và nhiều người Việt đương thời. Phật giáo Việt Nam lần đầu tiên có nhiều tổ chức chú trọng đến các công tác từ thiện, công tác xã hội, y tế, giáo dục, in ấn, hoạt động văn hoá, v.v.. Hiện nay, cùng với sự đổi mới của đất nước, Phật giáo cũng có những bước tiến mạnh mẽ. Chùa chiền được sửa chữa hoặc xây dựng mới ngày càng nhiều, số tín đồ phật tử ngày cũng tăng thêm, so với trước, các tu sĩ Phật giáo ngày càng có nhiều hoạt động ngoài khuôn viên của chùa hơn, có ảnh hưởng xã hội hơn; ngược lại, việc “xã hội hoá” các hoạt động Phật giáo cũng không còn là sự kiện đơn lẻ.
Cũng giống như ở các nước khác, Phật giáo Việt Nam phải thích ứng với xã hội hiện đại. Thích ứng với sự biến chuyển của xã hội là đặc trưng, là bản chất tự thân của nhiều tôn giáo, trong đó có Phật giáo. Nhìn từ lịch sử, trong quá trình du nhập và thích ứng xã hội của mình, Phật giáo luôn giữ được sự hòa hợp, Sở dĩ có sự hòa hợp là vì về cơ bản, Phật giáo lựa chọn phương thức “thiện thế lợi nhân” (giúp cho đời và làm lợi cho mọi người), và trong quá trình đó, để thích ứng được, Phật giáo Việt Nam đã luôn phải dũng cảm nghiêm khắc với bản thân mình, tự thay đổi mình, tự làm trong sạch mình.
Một trong những nguyên tắc nền tảng của Phật giáo là lấy con người làm gốc, lấy phương thức tư duy và định hướng giá trị coi trọng con người quán triệt đến các giáo lý, giáo nghĩa khác của Phật giáo. Lấy con người làm gốc phải gắn chặt với việc chống lại sự xuất hiện của khuynh hướng tệ đoan xuất hiện trong Phật giáo, như hoạt động mê tín, bói toán, quỷ thần, v.v.. Chính vì vậy, khi thích ứng với những yêu cầu của thời đại mới, Phật giáo không được hùa theo những yêu cầu thấp kém của thế tục, mà phải có trách nhiệm “phổ độ chúng sinh”, tức là dùng nhãn quan nhân sinh Phật giáo cao đẹp để nhìn nhận và phê bình xã hội, từ đó lý giải và đưa ra các phương cách để hóa giải các vấn nạn xã hội, làm cho con người trở nên “người” hơn, nâng cao nhân phẩm và đời sống tinh thần của con người. Phật giáo phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và sáng tạo, phải có tinh thần phê phán, trên cơ sở dám bỏ đi những điều không phù hợp với trào lưu tiến bộ của thời đại mới thì mới có thể kế thừa và phát huy di sản quý báu đích thực của Phật giáo. Phật giáo cũng phải giải quyết được mối quan hệ giữa tôn giáo và xã hội, nhận thức một cách đúng đắn nhu cầu thực sự của xã hội. Nhu cầu này không chỉ là nhu cầu về mặt tâm linh đơn thuần của một số cá nhân, mà quan trọng là nhu cầu của cả xã hội, dân tộc và đất nước trong thời đại mới. Phần lớn Phật giáo Việt Nam theo truyền thống đại thừa, song việc biến lý tưởng đại thừa thành hành động đại thừa trong thực tiễn là cả một sự khó khăn và hy sinh to lớn. Có như vậy Phật giáo mới giúp được xã hội tiến bước, mới thực hiện được trách nhiệm đồng hành với bước tiến của dân tộc.
Tác giả: PGS, TS. NGUYỄN TÀI ĐÔNG
(*) Tham luận tại Hội thảo quốc tế “Phật giáo châu Á và Việt Nam trong tiến trình phát huy văn hóa dân tộc”. Nghiên cứu này được tài trợ bởi Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) trong đề tài mã số I1.4-2011.24.
(**) Phó giáo sư, tiến sĩ, Phó viện trưởng Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
([1]) Tham khảo Trần Văn Đoàn. Human Person and Social Responsibility. Kỷ yếu Hội nghị quốc tế về Trách nhiệm xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường (International Conference on Social Responsibility in the Context of Market Economy), Hà Nội, 2009.
(2) Tham khảo William S. Sahakan, Mabel. Sahakan. Tư tưởng của các triết gia vĩ đại. Lâm Thiện Thanh - Lâm Duy Chân dịch. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 2001, Phần 8. “Thuyết học trực giác của Immanuel Kant”.
(3) Jacques Derrida chỉ ra năm 1967 rằng, “Levinas does not want to propose laws or moral rules... it is a matter of [writing] an ethics of ethics.” An ethics of ethics means, here, the exploration of conditions of possibility of any interest in good actions or lives. In light of that, it can be said that Levinas is not writing an ethics at all. Instead, he is exploring the meaning of intersubjectivity and lived immediacy in light of three themes: transcendence, existence, and the human other.”Emmanuel Levinas, Bách khoa thư triết học Standford.
(4) Emmanuel Levinas. Totality and Infinity, Alphonso Lingis dịch (ấn bản đại học Duquesce, 1969), P.46.
(5) Emmanuel Levinas. Otherwise than Being or Beyond Essence, Alphonso Lingis dịch (ấn bản đại học Duquesne, Pittsburgh, Pennsylvania, bản in thứ 8, 2009), Lời đề tặng.
(6) Richard Cohen viết: “Defending this inspiration toward transcendence, uncovered at the heart of subjectivity, he writes, “Every civilization that accepts being – with the tragic despair it contains and the crimes it justifies – merits the name ‘barbarian’”. Being, a fatalism without moral resources.” Richard Cohen, On the way to a Levinas inspired Psychology for the Other, On Escape, in European Journal of Psychotherapy, Counselling and Health, Vol. 7, Numbers 1-2, March-June, 2005.
(7) Emmanuel Levinas. Otherwise than Being or Beyond Essence, P.91.
(8) Emmanuel Levinas. Sđd.
(9) Emmanuel Levinas. Otherwise than Being or Beyond Essence, P.89.
(10) Emmanuel Levinas. Alterity & Transcendence, Michael B. Smith dịch (New York: ấn phẩm đại học Columbia, 1999), P.24.
(11) Emmanuel Levinas. Otherwise than Being or Beyond Essence, Ibid., P.46.
(12) Richard Cohen. On the way to a Levinas inspired Psychology for the Other, Ibid.
(13) Thánh Nghiêm pháp sư. Chính tín đích Phật giáo. Pháp Cổ văn hoá, Đài Bắc, 1996, tr.129.
(1[4]) http://www.dharmasite.net/BoTatDiaTang.htm
(15) Tham khảo “Meditation and social responsibility”:
http://meditationmatters.blogspot.com/2007/11/meditation-and-social-responsibility.html
(16) Tham khảo Dr. Rewata Dhamma. Buddhism: Rights, Justice and Responsibility,
http://www.bbvt.org.uk/human%20right.html.
(17) Dựa theo bản dịch trong bài “Tìm hiểu Kinh Pháp Cú” của Tâm Minh Ngô Tằng Giao
http://www.tangthuphathoc.net/tacgia/tamminh-ntg/timhieukphapcu-19.htm.
(18) Dựa theo bản dịch trong bài “Tìm hiểu Kinh Pháp Cú” của Tâm Minh Ngô Tằng Giao.
(19) Trích theo An Linh. “Duyên khởi trong Kinh Kim Cang và Kinh Nikaya”,http://www.tuvienquangduc. com.au/phatdan/93phapluanso3-10.html
|
|
Tài khoản BTS GHPGVN huyện Long Điền
Thủ quỹ quản lý thẻ tên:
CAI THỊ NGỌC KIỀU
Số TK: 76110000593792
NH BIDV - chi nhánh Bà Rịa
Mọi thông tin đóng góp, ủng hộ xin liên hệ:
Số đt, zalo: 0818287858
Theo dõi thẻ này có:
TT. Thích Tâm Pháp: Trưởng Ban Trị Sự
SC. Thích nữ Hạnh Thiện: Chánh thư ký
NS. Phương Minh: Trưởng ban kinh tế-tài chánh