GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 05:21:53 24-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:2005

Tiểu Sử Bồ Tát Thích Quảng Đức & Lời Tưởng niệm của TƯGH

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
 
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
 
-------------------------
 
TIỂU SỬ
BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC
(1897 - 1963)
 
                  Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh là Lâm Văn Tuất, sinh năm 1897 (Đinh Dậu) tại thôn Hội Khánh, xã Vạn Khánh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Ngài sinh trong một gia đình có 07 anh chị em, thân sinh là cụ Lâm Hữu Ứng và cụ bà Nguyễn Thị Nương.
               Lên 7 tuổi, Ngài được song thân cho xuất gia thụ giáo với Hòa thượng Như Đạt Giải Nghĩa Hoằng Thâm, trụ trì chùa Long Sơn, thuộc dòng thiền Chúc Thánh, là cậu ruột và được Hòa thượng nhận làm con, chính thức đổi tên họ Ngài là Nguyễn Văn Khiết.
               Năm 15 tuổi, Ngài thọ giới Sa Di, năm 20 tuổi thọ giới Tỳ Kheo và Bồ Tát, được Hòa thượng Bổn sư ban pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hành Pháp, pháp hiệu Quảng Đức. Khi thọ giới xong, Ngài phụ trách nhiệm vụ tri sự chùa Long Sơn, để giúp cho Hòa thượng Bổn sư lúc ấy đã già. Khi Bổn sư viên tịch vào năm 1921 và thọ tang xong, Ngài phát nguyện nhập thất tu ba năm trên một ngọn Núi Đất ở Ninh Hòa. Về sau, vào năm 1935 Ngài lập trên núi này một ngôi chùa lấy hiệu là Thiên Lộc.  
Rời Núi Đất, Ngài vân du hóa đạo một mình với chiếc bình bát theo hạnh đầu đà. Hai năm mãn nguyện, Ngài quay về nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên Ân ở Ninh Hòa.
Năm 1932, Hội An Nam Phật học ra đời, Đại lão Hòa thượng chùa Hải Đức đến nơi Ngài đang nhập thất thăm hỏi, mời Ngài nhận chức Chứng minh Đạo sư cho Chi hội Phật học Ninh Hòa. Ba năm sau, Ngài được thỉnh cử giữ chức Kiểm Tăng cho Tỉnh hội Phật giáo Khánh Hòa. Trong thời gian hành đạo tại miền Trung, Ngài đã kiến tạo và trùng tu tất cả 14 ngôi chùa.
Năm 1948, rời Khánh Hòa vào Nam, Ngài hành đạo khắp các tỉnh Sài gòn, Gia Định, Định Tường, Tây Ninh, Bà Rịa xuống đến Hà Tiên. Ngài cũng đã từng sang Nam Vang lưu trú ba năm, vừa giáo hóa các Phật tử kiều bào, vừa nghiên cứu kinh điển PàLi và Phật giáo Nam tông.
                Lúc mới vào Nam, Ngài đã lưu trú tại chùa Long Vĩnh (Quận 3 - Sài gòn) một thời gian dài, nên dân chúng quen gọi Ngài là Hòa thượng Long Vĩnh, Ngài còn có hiệu là Thích Giác Tánh. Suốt thời gian hóa độ chúng sinh, bất cứ nơi nào Ngài cũng dốc lòng làm tròn nhiệm vụ của một sứ giả Như Lai, kế tục các thế hệ Tổ sư truyền giáo, chăm lo tô bồi công đức, hoằng dương chánh pháp.
                  Năm 1953, Ngài được thỉnh cử vào chức vụ Phó Trị Sự và Trưởng ban Nghi lễ Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, đồng thời lãnh nhiệm vụ trú trì chùa Phước Hòa ở Bàn Cờ, là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Hội Phật học Nam Việt.
            Năm 1958, khi trụ sở của Hội dời về chùa Xá Lợi, Ngài nhận thấy tuổi già sức yếu, và với bản nguyện "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, Ngài xin thôi mọi chức vụ để có đủ thì giờ an tâm tu niệm. Tuy nhiên, vốn có tâm từ bi, Ngài vẫn để cho gót chân vân du hành đạo ghi dấu nhiều nơi, khi thì chùa Quan Thế Âm ở Gia Định, lúc lại tới chùa Long Phước, xã Ninh Quang, tỉnh Khánh Hòa, dùng mọi phương tiện thích ứng hướng dẫn hậu sinh mê mờ quay về chánh đạo.
          Trong phong trào đấu tranh của Phật giáo miền Nam vào năm 1963 đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo, tuy tuổi đã già, Ngài vẫn tích cực tham gia. Chính sách kỳ thị tôn giáo và đàn áp Phật tử của Ngô Đình Diệm ngày một nặng nề và khốc liệt. Máu Phật tử đã đổ ở Đài Phát thanh Huế. Chùa chiền bị phong tỏa, Phật tử bị bắt bớ khắp nơi. Để thức tỉnh ông Ngô Đình Diệm và tập đoàn của ông đang đắm chìm trong vô minh, sớm thỏa mãn 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ, đồng thời để cho thế giới nhận thấy cuộc đấu tranh đòi tự do tín ngưỡng của Phật tử Việt Nam là chính đáng. Ngài đã quyết định thực hiện tâm nguyên của mình là được thiêu đốt nhục thân để cúng dường chư Phật và bảo vệ Đạo pháp. Bởi Ngài nhận ra rằng, thân ngũ uẩn này chỉ là giả tạm, chỉ có làm sao cho Chánh pháp được trường tồn mới là hạnh nguyện cao cả để Ngài phục vụ Chân lý bất diệt.
 Ngày 20 tháng 4 năm Quý Mão, tức ngày 11 tháng 6 năm 1963, cuộc diễn hành rước di ảnh các Thánh tử đạo của trên  800 vị Thượng tọa, Đại đức, Tăng Ni và Phật tử từ chùa Phật Bửu đến chùa Xá Lợi, khi đoàn diễn hành tiến đến ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách mạng tháng 8), Ngài từ trên xe hơi bước xuống, tự tẩm xăng thấm ướt mấy lớp cà sa, ngồi kiết già xuống mặt đường, tự châm lửa giữa hằng mấy trăm Tăng Ni đang vây quanh chấp tay cầu nguyện. Ngọn lửa bốc cao, phủ kín thân mình, Ngài vẫn an nhiên chấp tay tĩnh tọa.
 Gần 15 phút sau, lửa tàn và Ngài ngã xuống, tay vẫn còn quyết ấn tam muội.
         Nhục thân của Ngài rước về quàn tại chùa Xá Lợi hơn một tuần lễ. Đến ngày 20 tháng 6 năm 1963, Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo cùng tất cả chư Tăng Ni và Phật tử tổ chức Lễ rước đưa về An dưỡng địa, cử hành trọng thể lễ trà tỳ.
Sau khi hỏa thiêu suốt ngày trong lò thiêu đến 4000C, xương thịt cháy tiêu hết. Duy chỉ có trái tim của Ngài vẫn còn nguyên, được thiêu lần thứ hai vẫn không cháy.
         Cái chết phi phàm của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã làm chấn động dư luận khắp hoàn cầu. Báo chí thế giới đăng tin lên trang đầu cùng hình ảnh tự thiêu của Ngài. Việc Ngài tự thiêu được đồng bào cả nước biết ngay chiều hôm đó, và đã gây xúc động sâu xa trong mọi tầng lớp, không phân biệt tôn giáo. Sự hy sinh vì đạo của Ngài đã làm cho Ngô Đình Diệm vô cùng hoảng hốt và lo sợ, tìm mọi cách đối phó với Phật giáo bằng những thủ đoạn thâm độc hơn, đồng thời nó cũng đẩy mạnh phong trào đấu tranh của Phật giáo cuồn cuộn như sóng thần để đi đến kết thúc là ngày 01 tháng 11 năm 1963, chế độ độc tài gia đình trị của họ Ngô sụp đổ, Phật giáo Việt Nam thoát qua một pháp nạn.
             Trước khi tự thiêu, Ngài có để lại một bức thư gọi là "Lời nguyện tâm huyết”, nói rõ chủ định và nguyện vọng của Ngài. Điều đáng ghi nhớ là toàn văn bức thư này đã không chứa đựng một mảy may hận thù và tuyệt vọng nào, mà trái lại còn toát lên tình thương và hy vọng:
                "Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quan Thế Âm, Phú Nhuận, Gia Định.
               Nhận thấy Phật giáo nước nhà đang lúc nghiêng ngửa, tôi là một tu sĩ mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo.
               Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại đức, Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện sau đây:
1/. Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt nam ghi trong bản tuyên ngôn.
2/. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường tồn bất diệt.
3/. Mong nhờ hồng ân đức Phật gia hộ cho chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi nạn khủng bố, bắt bớ, giam cầm của kẻ ác gian.
4/. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc...
                       Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gửi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với Quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thuở.
Tôi thiết tha kêu gọi chư Đại đức, Tăng Ni, Phật tử nên đoàn kết nhất trí để bảo toàn Phật pháp”.
NAM MÔ ĐẤU CHIẾN THẮNG PHẬT.
Tỳ Kheo Thích Quảng Đức Kính bạch.
                   Ngoài ra, Ngài còn để lại năm bài kệ, dặn dò bổn đạo và đệ tử sống theo Bát chánh đạo và Lục hòa, đoàn kết và giữ vững niềm tin trong đạo pháp.
                  Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, Ngài đã khai sơn và đại trùng tu được 17 ngôi chùa. Cảnh chùa cuối cùng Ngài trú trì là chùa Quan Thế Âm, tại Gia Định, Sài Gòn. Như vậy, Ngài đã có công xây dựng và trùng tu cả thảy 31 ngôi chùa ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.
                 Để ghi nhớ công hạnh của Ngài, sau khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Hội đồng Lưỡng viện Tăng Thống và Hóa Đạo trong một phiên họp trước ngày Phật Đản năm 1964, đã đồng thanh quyết nghị suy tôn Ngài pháp vị BỒ TÁT. Sau ngày đất nước thống nhất, Nhà nước dùng pháp hiệu của Ngài đặt tên cho đường Nguyễn Huệ cũ chạy qua trước chùa Quan Thế Âm là đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận và xây dựng tượng đài Bồ tát Quảng Đức tại công viên Quận 3, giữa lòng Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.
                    Quả tim Bồ Tát Quảng Đức là một chứng minh cụ thể cho tấm lòng của muôn người con Phật luôn yêu chuộng hòa bình tự do và bình đẳng, nhưng cũng bất khuất trước nạn cường quyền và áp bức. Trái tim ấy trở thành biểu tượng tinh thần của Phật giáo Việt Nam và là trái tim của nhân loại đã và đang đấu tranh mãi cho tự do hòa bình, hạnh phúc nhân sinh.
Ngài thị tịch, nhưng hình ảnh Bồ tát đã khắc sâu, in đậm vào lòng người con Phật. Bồ tát đã dùng nhục thân làm ngọn đuốc phá tan màn vô minh, hắc ám của Ngô triều, làm chấn động năm châu, khiến cho tất cả các nước trên thế giới đều bênh vực phong trào đấu tranh chơn chánh của Phật giáo. Sự viên tịch vô cùng cao quý của Ngài, đã gây xúc động mạnh trong mọi giới và là một gương sáng cho toàn thể Phật giáo đồ.
                       Bồ tát tuy viên tịch, nhưng ngọn lửa Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi của Ngài vẫn còn sáng và sáng chói mãi muôn đời trong lòng người Phật tử Việt Namcùng nhân loại khắp năm châu.
Nam Mô Quán Thế Âm đường thượng, Từ Lâm Tế Chánh Tông, Tứ thập nhị thế, Pháp húy Thị Thủy, tự Hành Pháp, vị pháp thiêu thân Quảng Đức Bồ tát Ma ha tát.
 
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
-------------------------
 
LỜI TƯỞNG NIỆM BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC
 
              Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
                Hôm nay, trong bầu không khí trang nghiêm, đạo vị với tinh thần tri ân, báo ân của người con Phật giữa lòng thành phố mang tên Hồ Chủ tịch kính yêu, lịch sử tên vàng, trong ngày Lễ Kỷ Niệm lần thứ 53 Bồ Tát THÍCH QUẢNG ĐỨC vị pháp thiêu thân, hiệp kỵ chư Thánh tử Đạo đã hy sinh cho Đạo pháp trường tồn và Dân tộc độc lập, thống nhất đất nước, được tổ chức tại Văn phòng Trung ương Giáo hội – Thiền viện Quảng Đức mang tôn hiệu của Ngài, cho phép chúng tôi thay mặt Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị, Thành hội Phật giáo Tp. Hồ Chí Minh và Tăng Ni, Phật tử Phật giáo Việt Nam có đôi dòng tưởng niệm.
Kính bạch Giác linh Bồ Tát,
                           Lửa ngất tòa sen mãi đượm hồngPháp thân lồng lộng tựa hư không
                           Danh thơm còn mãi trang thanh sử
                            Quả tim bất diệt, đóa sen hồng.
                 Thật vậy, cách đây 53 năm, cũng vào thời điểm này, giữa Thành phố Sài Gòn, thủ đô của chế độ Ngô Đình Diệm, nhân dân và Phật giáo Miền Nam đã dấy lên những phong trào đấu tranh đòi độc lập tự do dân chủ, thống nhất Tổ quốc của các tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội. Nhất là phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các Tôn giáo của Phật giáo đồ Việt Nam vì chính sách kỳ thị tôn giáo, gia đình trị của Ngô Đình Diệm. Trong khí thế bừng bừng quyết tử để Đạo pháp được trường tồn, thì xuất hiện một nhục thân Bồ Tát, đó là Bồ Tát Thích Quảng Đức, với tinh thần vô ngã vị tha, trọn một đời lập chí siêu phàm, suốt một kiếp hiện thân Đại Sĩ. Như Bồ Tát đã từng huấn thị:
"Đạo pháp mất còn mới là điều hệ trọng

Xác thân này như cát bụi phù du”

               Bằng tinh thần đại hùng, đại lực, đại từ bi, vô úy của Đạo Phật, Bồ Tát Thích Quảng Đức đã nêu cao gương hy sinh cao cả và tinh thần yêu nước trong sáng vì đồng bào, đồng đạo, vì sự độc lập, thống nhất đất nước, nhất là sự tồn vong của Đạo pháp và tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các Tôn giáo, được ghi trong bản tuyên ngôn 5 nguyện vọng của Tổng hội Phật giáo Việt Nam phải được thực thi. Bồ Tát đã mượn ngọn lửa thiêng để tự thiêu thân bảo tồn Phật Pháp vào sáng ngày 20 tháng 4 nhuần năm Quý Mão (11/6/1963) giữa đại lộ Phan Đình Phùng - Lê Văn Duyệt, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu - Cách Mạng Tháng 8, quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Chính ngọn lửa thiêng hùng tráng, từ bi cao ngất tòa sen, đã nâng hình hài Bồ Tát vào thế giới bất diệt, hình ảnh ấy đã in đậm trong ký ức của Tăng Ni, Phật tử  Việt Nam và đã đánh động lương tri nhân loại trên thế giới biết đến thực trạng khổ đau của nhân dân Việt Nam và Phật giáo Việt Nam, kể từ đó:
Chỗ Ngài ngồi một thiên thu tuyệt tác

Trong vô hình tỏa sáng nét Từ bi.

                Bằng tinh thần bất bạo động, vô úy, không một tấc sắt trong tay, với tình thương và trí tuệ sáng ngời dũng cảm, bằng đức Đại hùng, đại lực, đại từ bi của Bồ Tát, Ngài đã lấy tình thương xóa bỏ hận thù, lấy tình thương phủ lên sắt thép, lấy tình thương hóa giải bất công, tàn bạo, góp phần thành công cho cuộc đấu tranh đòi bình đẳng, tự do tín ngưỡng tôn giáo và cách mạng ngày 01/11 do quân đội chủ xướng. Do vậy, trước khi sắp vĩnh viễn cõi đời, viên mãn Bồ Tát đạo, Ngài vẫn còn nhắn nhủ:
 "Tôi nằm xuống Tăng Ni hãy tiến tới
Quyết hy sinh giữ lấy đạo vàng”
                        Chính ngọn lửa thiêng hùng tráng, mầu nhiệm, quả tim bất diệt và sự hy sinh to lớn của Bồ tát Quảng Đức là nhân tố tích cực, hun đúc tinh thần đoàn kết, quyết tâm của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đã tạo thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất năm 1964; thống nhất Phật giáo Việt Nam cả nước, hình thành Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981 là đỉnh cao của thời đại và lịch sử Phật giáo Việt Nam trong một Quốc gia độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do. Để từ đó, Hoa đời hoa đạo đua nhau nở, mãi mãi ngàn sau tỏa ngát hương. 
                   Thắm thoát, 53 năm đã trôi qua, dù không gian có biến dịch, thời gian có đi qua, quá khứ đã lui về dĩ vãng, lịch sử có sang trang, nhưng công đức mà Bồ Tát và chư Thánh tử Đạo đã hy sinh cho Đạo Pháp trường tồn, chúng sinh an lạc, tự do tín ngưỡng được tôn trọng sẽ còn sống mãi trong lòng người con Phật Việt Nam và lịch sử Phật giáo Việt Nam cùng thế giới. Đặc biệt, con đường được mang tên Thích Quảng Đức, chạy ngang qua chùa Quán Thế Âm, quận Phú Nhuận và tượng đài công viên Bồ tát Thích Quảng Đức tại Quận 3, giữa lòng Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Nơi đây cách nay 53 năm Bồ tát đã tự thiêu thân bảo tồn Đạo pháp, là một minh chứng hùng hồn cho lịch sử, mà thế hệ trước cũng như những thế hệ sau của nhân dân thành phố, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh mãi mãi ghi nhớ và trân trọng công đức Bồ tát đã hy sinh cho Đạo pháp và Dân tộc, như dòng người trôi chảy liên tục, dòng sử Việt luân lưu bất tận. Quả thực: "Muôn kiếp uy nghi nhìn bảo tượng. Khói vẽ nên hình bóng vĩ nhân. Giáo hội kính ghi công đạo hạnh. Thế gian còn nhớ mãi bậc Chân nhân”.
               Với trái tim bất diệt, nhiệm mầu, trái tim biểu thị của sự kết tinh bao nghị lực kiên cường, lòng quả cảm bất khuất trung kiên, bằng tinh thần, ý chí, hồn thiêng sông núi của đất nước Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, đã hun đúc nên con người Thích Quảng Đức, là một kỷ vật vô cùng quý báu mà Ngài đã để lại cho Tăng Ni, Phật tử chúng ta, đã trở thành bảo vật chung của Quốc gia Dân tộc Việt Nam và Phật giáo Việt Nam. Quả tim bất diệt ấy là đóa hoa sen tươi thắm bất nhiễm, là viên ngọc vô giá, long lanh như ngọc lưu ly thanh tịnh đã được nung đến độ cao của lửa thế gian hữu hạn, nhưng vẫn sáng ngời sắc thái tự nhiên bất diệt giữa lòng các pháp hữu vi giả tạm, giúp cho con người có thiện tâm, thiện chí, vững bền niềm tin nhân quả của đạo lực, tu hành trong hiện tại và tương lai. Như Ngộ Ấn Thiền sư đã nói:
 "Trên núi ngọc thiêu màu vẫn đượm
Trong lò sen nở sắc thường tươi”
          Và còn biết bao vị Tăng Ni, Phật tử, chư Thánh tử vì Đạo, đã noi gương đại hùng lực, đại từ bi của Bồ Tát thiêu thân cúng dường Tam bảo, quyết chí hy sinh cho Đạo pháp trường tồn, cho nước nhà độc lập, thống nhất Tổ quốc, hạnh phúc và phồn vinh, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, hoàn thành công cuộc bảo vệ hòa bình, kết thúc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Việt Nam. Quả thật:
"Xác ai ngã xuống đất này
Cho hoa Đạo pháp ngày ngày thêm tươi”  
             Hôm nay, chúng ta kỷ niệm lần thứ 53, ngày Bồ Tát vị pháp thiêu thân, chư Thánh tử vì Đạo đã hy sinh cho Đạo pháp trường tồn, cho chúng ta được sống và hưởng thụ những thành công tốt đẹp và không ngừng phát triển của Phật giáo Việt Nam hơn 50 năm qua, với sự hình thành và phát triển liên tục, trang nghiêm, huy hoàng vững mạnh của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và phát triển ở thế kỷ 21 và những thế kỷ tiếp theo.
            Để kỷ niệm và tri ân Bồ Tát Thích Quảng Đức, chư Thánh tử Đạo, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta phải nỗ lực phát huy Chánh pháp, phát triển Giáo hội và làm cho truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam ngày càng vững mạnh trên đường phát triển, gắn kết một cách nhuần nhuyễn trong tinh thần dân tộc Việt Nam và giữ vững nền hòa bình thế giới, độc lập tự do cho dân tộc và đất nước Việt Nam thân yêu.
               Mong rằng ngọn lửa thiêng hùng tráng, vô úy, từ bi của Bồ Tát Thích Quảng Đức và pháp thân lồng lộng của Ngài, gương hy sinh cao cả của chư Thánh tử Đạo sẽ soi đường dẫn lối cho GHPGVN và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam hoàn thành sứ mạng lịch sử thiêng liêng trọng đại, phát triển vững mạnh, trang nghiêm, ổn định trong lòng dân tộc, góp phần làm dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh, xứng đáng với thành phố mang tên Hồ Chủ tịch kính yêu ngày càng phát triển ổn định, thắm đượm nghĩa tình, hội nhập thế giới theo phương châm của Giáo hội "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”.
Kính mong Pháp thân Bồ tát và Giác linh chư Thánh tử Đạo thùy từ chứng giám!
NAM MÔ VỊ PHÁP THIÊU THÂN QUẢNG ĐỨC BỒ TÁT
MA HA TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH
GHPGVN

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu