GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 14:46:57 07-03-2017 (GMT+7) Lượt xem:4264

Ngày Đức Phật Xuất Gia (08/02/AL)

Nhân ngày kỷ niệm Đức Phật Thích-ca xuất gia, nhân loại nói chung, đại gia đình Phật tử thế giới nói riêng lại thành tâm tưỏng nhớ, kỷ niệm hơn hai ngàn năm ngày Thái tử Tất Đạt Đa xuất gia cầu Đạo để trở thành Đức Bổn sư Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật. Nhân ngày kỷ niệm trọng đại này, chúng ta cùng ôn lại một số sự kiện lịch sử – tôn giáo có liên quan đến sự kiện hy hữu đó.

>>Vua Tần Bà Sa La
Là một Thái tử đã trưởng thành và yên bề gia thất, dù sống một cuộc đời quá đầy đủ: nào chức tước danh vọng, nào lâu đài cung điện, nào đàn ca múa hát, nào vợ đẹp con ngoan, nhưng Thái tử Tất Đạt Đa vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài thấy cảnh đời Ngài đang sống đây không phải là hạnh phúc chân thật, mà là giả dối, mê muội, chỉ làm cho kiếp sống thêm nặng nề đau khổ. Ngài thấy cần phải tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn.

Nhân ngày lễ Tịch Điền, Thái tử theo vua cha Tịnh Phạn ra đồng xem dân chúng cày cấy. Cảnh xuân, mới nhìn qua, thật là đẹp mắt, nhưng tâm hồn Thái tử không phải là một tâm hồn hời hợt, xét đoán nông nổi. Trái lại, Ngài nhìn sâu vào trong cảnh vật và đau đớn nhận thấy rằng cõi đời không đẹp đẽ an vui như khi mới nhìn qua.

Ngài thấy người nông phu và trâu bò phải làm việc cực nhọc dưới ánh nắng thiêu đốt, để đổi lấy bát cơm, nắm cỏ. Chim chóc tranh nhau ăn tươi nuốt sống côn trùng đang giãy giụa trên những luống đất mới cày. Cũng trong lúc ấy, trong bụi rậm người thợ săn đang nhắm bắn những con chim, và trong khu rừng gần đấy, bọn hổ báo đang rình bắt người thợ săn. Thật là một cảnh tương tàn tương sát, không phút giây nào ngừng ! Chỉ vì miếng ăn để sống mà người và vật dùng đủ mọi phương kế để giết hại lẫn nhau không biết gớm. Ngài nhận thức rõ ràng rằng sự sống là khổ.

Một hôm khác, Ngài xin phép vua cha đi dạo ngoài bốn cửa thành để được tiếp xúc với thần dân. Ra đến cửa Ðông, Ngài gặp một ông già tóc bạc, răng rụng, mắt lờ, tai điếc, lưng còng, nương gậy lần từng bước ngập ngừng như sắp ngã. Ðến cửa Nam, Ngài thấy một người ốm nằm trên cỏ, đang khóc than rên siết, đau đớn vô cùng. Ðến cửa Tây, Ngài trông thấy một cái xác chết nằm giữa đường, ruồi nhặng bu bám, trương phình lên, trông rất ghê tởm.

Ba cảnh khổ già, bệnh, chết, cộng thêm cảnh tượng tương tàn trong cuộc sống mà Thái tử đã chứng kiến hôm lễ Tịch Điền, khiến Ngài đau buồn, thương xót chúng sinh vô cùng.

Một hôm khác, Ngài ra cửa Bắc, gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh thản nhiên như người vô sự đi ngang qua đường. Thái tử trong lòng nẩy sinh một niềm cảm mến đối với vị tu sĩ. Ngài vội vã đến chào và hỏi về ích lợi của sự tu hành. Vị Sa môn đáp: “Tôi tu hành là quyết dứt bỏ mọi sự ràng buộc của cuộc đời, cầu thoát khổ, viên thành chính giác để phả độ chúng sinh đều được giải thoát.”

Lời đáp trúng với hoài bão mà Thái tử đang ấp ủ bấy lâu, nên Ngài khôn siết vui mừng. Ngài liền trở về cung xin vua cha cho mình xuất gia. Vua Tịnh Phạn không đồng ý. Thái tử bèn yêu cầu vua cha 4 điều, nếu vua giải quyết được thì Ngài hoãn việc đi tu, để trở lại lo chăn dân, trị nước. 4 điều đó là:

1. Làm sao cho con trẻ mãi không già
2. Làm sao cho con khoẻ mãi không bệnh
3. Làm sao cho con sống mãi không chết
4. Làm sao cho mọi người hết khổ

4 điều này làm cho vua cha bối rối, không giải quyết được điều nào cả.

Khi biết được ý định xuất gia của Thái tử, Vua Tịnh Phạn lại càng lo sợ, lại tìm hết cách để ngăn cản, ràng buộc Ngài trong “cung vui”. Nhưng một khi Thái tử đã quyết thì không có sức mạnh gì ngăn trở được Ngài. Thái tử nuôi dưỡng quyết tâm từ bỏ gia đình, xuất gia cầu đạo. Nhưng rồi một tin đến, khiến Thái tử không vui: Thái phi, vợ Ngài mới hạ sinh một con trai. Thái tử nói: “Một trở ngại đã được sinh, một ràng buộc đã xảy ra”.

Với Thái tử, lâu đài, cung điện không còn là nơi ở thích hợp nữa. Lòng Ngài nặng trĩu tình thương chúng sinh đang chìm đắm trong bể khổ. Thái tử càng thêm quyết tâm xuất gia cầu đạo, đi tìm con đường cứu khổ cho muôn loài.

Thế rồi vào một đêm Thái tử ra lệnh cho người nô bộc trong thành là Xa – nặc dắt con ngựa Kiền – trắc ra khỏi tàu ngựa. Trước khi đi, Thái tử đến trước phòng Thái phi và người con trai đang ngủ thiếp. Thái tử hé cửa nhìn vào, Thái tử rất yêu thương vợ con, nhưng đối với nhân loại đang đau khổ bất hạnh, lòng thương xót của Thái tử lại còn da diết hơn. Ngài thầm nói: “Em ơi, môi đỏ của em rồi cũng sẽ úa tàn, tóc xanh của em rồi cũng sẽ nhuốm màu. Ta nghe trong em, trong ta và trong tất cả, mọi sự đang đổ vỡ. Dưới sức nặng của ngọn búa thời gian không cái gì có thể trụ vững cả. Chỉ có tình thương vô bờ mới là sợi dây gắn kết muôn loài lại với nhau”. Sau đó, Thái tử một mình lên ngựa ra đi, vượt khỏi hoàng thành, theo sau, chỉ có người nô bộc trung thành.

Ra đi, Thái tử từ bỏ tất cả, phụ vương, ngai vàng, vợ con, cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của một hoàng tử. Không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già đau ốm, một người nghèo, bệnh tật, ngán ngẫm cuộc đời, mà là sự hy sinh từ bỏ của một vị hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý giàu sang. Quả thật đó là một sự từ bỏ, sự hy sinh vĩ đại, có một không hai trong lịch sử loài người. Năm ấy, Thái tử tròn 29 (?) tuổi. Lúc bấy giờ nhằm đêm mồng 8 tháng 2 Âm lịch.
Kết quả hình ảnh cho duc phat xuat gia
Khi tới bờ sông Anoma, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Xa – nặc và lệnh cho Xa – nặc trở về. Thái tử một mình ra đi, với bộ áo màu vàng đơn giản của người tu sĩ, từ nay bắt đầu cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo. Ngài không nơi ở cố định. Khi thì ngồi dưới bóng cây, khi thì nằm nghỉ qua đêm trong một hang đá. Chân không, đầu trần, Ngài bình thản bước đi giữa nắng nóng cũng như trong sương đêm lạnh giá. Tất cả mọi năng lực và ý chí của Ngài đều hướng tới lý tưởng cao cả tìm ra chân lý tối hậu, lý lẽ của sống và chết, ý nghĩa của nhân sinh, của cuộc đời, con đường dẫn tới giải thoát và cõi Niết – bàn bất tử. Sau khi rời bỏ cuộc đời vương giả, Thái Tử đi vào vùng sâu tìm Ðạo.

Thời bấy giờ, tình hình chính trị tại các xứ ở Ấn Ðộ khá ổn định, có rất nhiều nhà tri thức lỗi lạc, xuất gia tu đạo, trở thành bậc đạo sư tâm linh với nhiều đệ tử theo học. Thái tử trên đường đi tầm đạo, đã tới thụ giáo với 2 đạo sư danh tiếng nhất thời ấy là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta. Cả 2 người đều tu theo phép Du – già và đều chứng được những cấp thiền định cao nhất thời ấy. Alara Kalama chứng được cấp thiền Vô sở hữu xứ, còn Uddaka Ramaputta thì chứng được cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðó là 2 cấp thiền thuộc Vô sắc giới, 2 cấp thiền cao nhất mà tu sĩ Du – già thời bấy giờ chứng đạt được.

Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tu học, Thái tử cũng dễ dàng đạt được 2 cấp thiền đó, và được 2 đạo sư mời ở lại, cùng với họ lãnh đạo chúng đệ tử. Nhưng Thái tử biết rõ, các cấp thiền mà Ngài chứng được chưa phải là chân lý tối hậu, Niết- bàn, sự chấm dứt sanh tử và mọi khổ đau, nên Ngài từ chối và lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình cầu đạo của mình.

Qua thực nghiệm, Ngài thấy chân lý tối hậu – Niết – bàn, chấm dứt mọi đau khổ của sinh tử luân hồi, không thể tìm cầu được ở bên ngoài, hay ở bất kỳ một bậc Ðạo sư nào. Chân lý tối hậu đó phải chính do Ngài tự tìm lấy, tự chứng ngộ lấy từ bên trong nội tâm của Ngài, không thể dựa vào một tha lực nào khác.

Thái tử đến một nơi gọi là Uruvela, thị trấn của Senàni. Ngài tìm được một khoảnh đất đẹp và mát, có con sông nhỏ chạy qua giữa bờ cát trắng. Gần đây, lại có làng nhỏ, có thể đi khất thực hàng ngày. Ðúng là một nơi yên tĩnh, đẹp đẽ, rất thích hợp cho trầm tư mặc tưởng và tu tập thiền định. Cùng đến đây tu tập với Thái tử còn có các tu sĩ Kondana (Kiều Trần Như), Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji. Kondanna vốn là vị đạo sĩ trẻ tuổi nhất, trong số các đạo sĩ được vua Suddhodana mời tới kinh đô để xem tướng Thái tử, lúc Ngài mới đản sanh.

Thời bấy giờ, ở Ấn Ðộ có tập tục và niềm tin rằng, người nào cầu đạo giải thoát, đều phải kiên trì tu khổ hạnh, ép xác. Cũng theo truyền thống đó, Thái tử cùng với 5 người bạn đồng tu trong 6 năm ròng rã, kiên trì khổ hạnh ép xác tới mức con người Thái tử gầy khô như bộ xương, đôi mắt sâu hoắm xuống, sức khỏe giảm sút đến nỗi Ngài không còn đi vững được nữa. Ngài nghiệm thấy, càng kiên trì khổ hạnh, càng xa rời chân lý tối hậu, tâm trí càng mê mờ, thân thể càng suy yếu. Ngài thấy rõ, khổ hạnh, ép xác không phải là con đường thoát khổ và cứu khổ. Vì thế, Thái tử quyết định ăn uống bình thường trở lại. 5 người bạn đồng tu, vốn đặt niềm tin và hy vọng tuyệt đối vào Thái tử, tưởng rằng Thái tử đã thoái chí, nên họ rời bỏ Thái tử, đến vườn Nai ở Isipatana gần thành phố Banares để tiếp tục tu hành. Họ nói rằng, Thái tử Tất Đạt Đa đã thoái chí, đã trở về với cuộc sống tiện nghi và dục lạc vật chất v.v…

Lịch sử Đức Phật Thích Ca là lịch sử một con người, nhờ chính công phu tu tập của bản thân, đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc Thánh giữa thế gian, “con người vĩ đại nhất sinh ra ở đời này” (Thi hào Ấn Độ Tagore).

Bằng cuộc đời của Ngài, và bằng những lời dạy của Ngài được kết tập lại trong 3 tạng kinh điển, Đức Phật đã khai thị cho loài người biết rằng, bất cứ một người nào, với sự nỗ lực của bản thân, đều có thể vươn lên tới đỉnh cao nhất của giác ngộ và giải thoát, như chính Đức Phật vậy.

Có thể nói, không có một tôn giáo nào, một hệ tư tưởng nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là Đạo Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của Đạo Phật chính là ở chỗ đó. Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gội sạch nội tâm để trở thành bậc Thánh, một con người hoàn thiện về đức hạnh và trí tuệ, mỗi người chúng ta đều có khả năng và bổn phận thực hiện lời dạy đó. Đó là bức thông điệp mà Đức Phật đã trao cho loài người chúng ta, cho mỗi chúng ta. Đó là ý nghĩa chân chính của nhân sinh, giá trị chân thực của cuộc sống. Không thể có ý nghĩa nhân sinh nào cao quý hơn, khích lệ hơn đối với cuộc sống của chúng ta hiện nay.

Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca, trong nét đại cương cũng như chi tiết, đều thể hiện và truyền đạt một cách vô cùng sinh động lời dạy đó. Tin tưởng ở Đức Phật, kính lễ Ngài và niệm danh hiệu Ngài, chủ yếu là để học tập Ngài về cả 2 mặt đức hạnh và trí tuệ, dù chỉ là trong muôn một. Người nào, dù ở xa Phật, nhưng sống có giới hạnh, theo lời Phật dạy, thì cũng như sống gần Phật. Người nào tuy sống bên cạnh Phật, nhưng sống không có giới hạnh, thì cũng không khác gì cách xa Phật muôn trùng.

Những người Phật tử Việt Nam chúng ta, tuy sống cách thời Đức Phật 2.500 năm, nhưng luôn giữ vững niềm tin rằng chúng ta vẫn sống bên cạnh Ngài nếu chúng ta sống có giới hạnh, theo đúng lời mà Phật đã di giáo. Sống trong vũ trụ này, được làm người là một chuyện khó như Đức Phật từng nói: “Được làm người khó như con rùa chột mắt, cứ mỗi trăm năm mới ngóc đầu lên khỏi mặt biển một lần, và tìm cách chui đầu vào lỗ nhỏ của một khúc gỗ trôi lềnh bềnh trên mặt nước, bị gió Đông, gió Tây, gió Nam, gió Bắc thổi trôi dạt hết phương này đến phương khác”. Được làm người cũng khó như con rùa chột mắt muốn chui qua được lỗ nhỏ của khúc gỗ như thế. Ví như, này các Tỳ-kheo, một người quăng một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đấy có con rùa mù, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần. Các ngươi nghĩ thế nào? Này các Tỳ-kheo, con rùa ấy, sau mỗi trăm năm, nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc cây có một lỗ hổng hay không?”- “Năm thì mười họa may ra có thể được, bạch Thế Tôn, sau một thời gian dài.”- “Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỳ-kheo, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên một lần, có thể chui cổ vào khúc gỗ có lỗ hổng ấy. Còn hơn kẻ ngu, khi một lần đã rơi vào đọa xứ, để được làm người trở lại. Vì cớ sao? Vì rằng ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỳ-kheo, chỉ có ăn thịt lẫn nhau, và chỉ có kẻ yếu bị ăn thịt.” (Tương Ưng V, 485). “Thật khó được vậy, này các Tỳ-kheo, là được làm người. Thật khó được vậy, này các Tỳ-kheo, là được Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A La Hán, Chánh đẳng giác, thật khó được vậy. Này các Tỳ-kheo, là pháp và luật này do Thế Tôn thuyết giảng, chiếu sáng trên đời.” (Tương Ưng V, 459 – 460).

Đức Phật xuất hiện ở đời cũng là chuyện khó như thế. Pháp và Luật được Đức Phật truyền bá ở đời cũng là chuyện khó như thế. Chúng ta có được 3 cái may mắn hiếm có là được sống làm người, được biết Đức Phật Thích Ca và Pháp, Luật do Đức Phật dạy, ấy thế mà chúng ta lại không biết tranh thủ tối đa 3 cái may mắn đó hay sao? Chúng ta lại có thể sống không giới hạnh, trái với lời Phật dạy, để rồi bị nghiệp ác lôi cuốn vào những cõi khác thấp hơn, khổ hơn cõi người, và cuối cùng phải phấn đấu trở lại làm người như con rùa chột mắt trong câu chuyện ví dụ của Đức Phật hay sao?

Chúng ta nên suy ngẫm về bài học về lịch sử Đức Phật, về ảnh dụ con rùa chột mắt chơi vơi trên đại dương, về ý nghĩa của nhân sinh, về giá trị chân thực của cuộc sống, về cuộc sống hiện thực hiện nay của mỗi chúng ta, làm sao để cho cuộc sống đó thật sự an lạc, hướng thượng, lợi cho mình, lợi cho người, lợi cho đời, lợi cho Đạo.

Niên lịch của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Theo kinh điển đại thừa)

- Đức Phật giáng sinh ngày mùng 8 tháng 4 âm lịch

- 19 tuổi xuất gia, nhằm ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch

- 5 năm tầm học các đạo

- 6 năm tu khổ hạnh

- 49 ngày nhập định

- 30 tuổi thành đạo, nhằm ngày mùng 8 tháng Chạp

- 49 năm thuyết pháp độ đời

- 80 tuổi nhập Niết bàn, nhằm ngày Rằm tháng 2 âm lịch

Nam mô Đại hùng, Đại lực, Đại từ, Đại bi, Đại hỉ, Đại xả, Bổn sư, Từ phụ Thích Ca Mâu Ni Phật!

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu