GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 08:18:51 07-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:1756

THÔNG TƯ Hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
-------------------- 

Số:  015/2016/TT. HĐTS
 
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 ----------------------
 
Hà Nội, ngày 11 tháng 02 năm 2016
 
THÔNG TƯ
Hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN
Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương
Nhiệm kỳ 2017 - 2022
 
                        Kính gởi: Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành
 
Để việc tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Đại hội Phật giáo cấp tỉnh) nhiệm kỳ 2017 - 2022 được tiến hành đúng trình tự và thành công viên mãn, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hướng dẫn như sau:
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ:
- Căn cứ điều 29, 30, 31, 32 chương VI Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V;
- Căn cứ điều 18 chương III Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo;
- Căn cứ điều 27 Nghị định 92/2012/NĐ-CP của Chính phủ;
- Căn cứ điều 1, 2, 3 chương I Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Căn cứ Nghị quyết số: 004/NQ. HĐTS ngày 14/01/2016 Hội nghị lần thứ 4 khóa VII Trung ương GHPGVN.
II. QUY ĐỊNH CHUNG:
            1. Thời gian tổ chức Đại hội Phật giáo cấp tỉnh:
            Thời gian Đại hội được tiến hành từ Quý I/2017 đến hết Quý III/2017.
            2. Số lượng Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh:
            -Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh: Không quá 57 Ủy viên;
            - Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh: 1/3 trong tổng số Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành do Đại hội Phật giáo tỉnh suy cử.
            3. Nhiệm kỳ của Ban Trị sự: 05 năm.
            a. Các tỉnh, thành có thời gian tổ chức Đại hội trước năm 2017, được kéo dài thời gian nhiệm kỳ đến năm 2017 để tương ứng với nhiệm kỳ của Trung ương Giáo hội.
            b. Các tỉnh, thành có thời gian tổ chức Đại hội sau năm 2017, được kết thúc thời gian nhiệm kỳ vào năm 2017 để tương ứng với nhiệm kỳ của Trung ương Giáo hội.
            4. Độ tuổi tham gia Ban Trị sự:
            Theo quy định của điều 2 chương I Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh được ấn định:
            - Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh có tuổi đời không quá 70 tuổi, không kiêm nhiệm quá 02 chức danh trong Ban Thường trực Ban Trị sự.
            - Đối với trường hợp các địa phương theo yêu cầu thực tế cần thiết phải có vị Tôn túc Tăng đủ uy tín tham gia lãnh đạo để nhiếp chúng thì tuổi đời của Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nhiệm kỳ 2017 – 2022 được vận dụng linh hoạt, nhưng không quá 75 tuổi.
            - Theo quy định của điều 31 chương VI Hiến chương GHPGVN sửa đổi lần thứ V, trong trường hợp cần thiết Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ công cử Thành viên Ban Thường trực HĐTS đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành.
            5. Thành phần nhân sự:
            - Tiêu chuẩn cơ cấu nhân sự Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành là những Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử của các Hệ phái thành viên GHPGVN tại địa phương, có uy tín, đạo hạnh tốt, có năng lực làm việc, có công đức với Đạo pháp và Dân tộc.
            - Khi dự kiến nhân sự Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành cần tạo sự đoàn kết, hài hòa giữa các Hệ phái tại địa phương, trong đó có sự lưu tâm đến Ni giới (Nếu tỉnh, thành có số lượng Ni giới tương đối nhiều, số lượng Ni giới tham gia Ban Trị sự, cơ cấu một vị Ni đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng ban phụ trách Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh, thành; nếu tỉnh, thành có số lượng Ni giới không nhiều, số lượng Ni giới tham gia Ban Trị sự, cơ cấu một vị Ni đảm nhiệm Trưởng Phân ban Ni giới tỉnh).
- Các chức danh trong Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành thực hiện theo quy định tại điều 1 chương I Quy chế hoạt động Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành:
+ Trưởng ban Trị sự
+ 01 Phó Trưởng ban Thường trực
+ Các Phó Trưởng ban
+ Các Trưởng ban đặc trách chuyên ngành tương ứng với các Ban Trung ương GHPGVN.
+ 01 Chánh Thư ký
+ 02 Phó Thư ký
+ 01 Ủy viên Thủ quỹ
+ Các Ủy viên Thường trực
+ Các Ủy viên.
Các Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự được thành lập 01 Ban, số lượng tùy theo yêu cầu nhưng không quá 27 Ủy viên; Thường trực của Ban chuyên môn không quá 1/3 trong tổng số Ủy viên và được Ban Thường trực Ban Trị sự chấp thuận bằng một quyết định.
6. Trình tự thủ tục cơ cấu nhân sự:
a. Việc giới thiệu nhân sự tham gia Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành do Tiểu ban nhân sự Đại hội Phật giáo cấp tỉnh thực hiện, được tiến hành dân chủ, công khai tại phiên họp do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành đương nhiệm triệu tập. Thành phần nhân sự dự kiến phải có đầy đủ các Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử đại diện cho các Hệ phái thành viên GHPGVN tại địa phương;
b. Danh sách nhân sự dự kiến tham gia Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phải được đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thẩm tường và chỉ đạo;
Số TT Pháp danh
(Ghi rõ Giáo phẩm)
Họ và tên Năm sinh Chức vụ
Nhiệm kỳ hiện tại
Chức vụ dự kiến nhiệm kỳ 2017 - 2022
c. Tiến hành hiệp thương với Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tỉnh, thành.
III. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ ĐẠI HỘI:
            1. Trách nhiệm, quyền hạn của Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành:
            - Thành lập Ban Chỉ đạo công tác tổ chức Đại hội Phật giáo cấp tỉnh.
            - Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành hướng dẫn Ban Trị sự GHPGVN cấp huyện, Tự viện tổ chức những sự kiện chào mừng Đại hội Phật giáo cấp tỉnh.
            - Ấn định thời gian cụ thể tổ chức Đại hội Phật giáo cấp tỉnh.
            - Ấn định số lượng Đại biểu tham dự Đại hội Phật giáo cấp tỉnh;
            - Theo từng đặc thù của địa phương, quy hoạch dự nguồn nhân sự kế thừa sẽ ấn định tỷ lệ phần trăm Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử tham gia Ban Trị sự.
            2. Các công tác trọng tâm của Đại hội Phật giáo cấp tỉnh:
            - Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành tổ chức phiên họp mở rộng để thảo luận và chuẩn bị kế hoạch tổ chức Đại hội Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2022.
- Thành lập Ban Tổ chức Đại hội.
-     Ban Tổ chức Đại hội gồm có: Tiểu ban nhân sự, Tiểu ban nội dung, Tiểu ban hậu cần và các Tiểu ban khác có liên quan để phục vụ Đại hội.
- Tiểu Ban Nhân sự làm nhiệm vụ: Nghiên cứu và đề xuất nhân sự dự kiến được cơ cấu vào Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành để Đại hội suy cử theo hướng dẫn tại mục 2, 3, 4, 5 phần II của Thông tư này.
            - Tiểu Ban Nội dung làm nhiệm vụ: Dự thảo Nội quy, chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức, dự thảo diễn văn khai mạc và bế mạc Đại hội; dự thảo báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ cũ và chương trình hoạt động nhiệm kỳ mới; dự thảo tuyên bố mãn nhiệm kỳ và phát biểu nhận nhiệm vụ của nhiệm kỳ mới; dự thảo Nghị quyết Đại hội; nội dung tuyên truyền Đại hội.
          - Tiểu ban hậu cần: Dự toán kinh phí tổ chức Đại hội, trang trí hội trường, địa điểm tổ chức, bố trí sinh hoạt và ăn nghỉ cho đại biểu…
            - Ban Chỉ đạo công tác tổ chức Đại hội và Ban Tổ chức Đại hội thường xuyên nhóm họp để rà soát, đôn đốc, kiểm tra công tác chuẩn bị Đại hội và xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh, thành đối với những vấn đề phát sinh, vướng mắc.
            3. Trình tự thủ tục tổ chức Đại hội Phật giáo cấp tỉnh:
-  Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành có văn bản chính thức đăng ký tổ chức Đại hội với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự (theo mẫu do Trung ương GHPGVN ban hành);
- Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành có văn bản chính thức đăng ký tổ chức Đại hội với Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành theo điều 27 Mục 3 chương IV Nghị định 92/2012/NĐ-CP (theo mẫu Thông tư 01/2013/TT.BNV ngày 25/3/2013 của Bộ Nội vụ ban hành).
            - Hồ sơ gồm có:
+    Văn bản đăng ký tổ chức Đại hội với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, UBND tỉnh, thành;
+    Trong văn bản đăng ký, nêu rõ chương trình, thời gian, địa điểm tổ chức Đại hội; dự kiến thành phần nhân sự và số lượng đại biểu tham dự;
+    Gởi kèm theo báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ cũ, chương trình hoạt động nhiệm kỳ mới.
IV. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC:
1.   Chủ đề Đại hội: "Đoàn kết – Ổn định – Phát triển”
2.   Chương trình Đại hội:
-        Niệm Phật cầu gia bị.
-        Chào Quốc kỳ, Đạo kỳ.
-        Tuyên bố lý do, giới thiệu chương trình và thành phần tham dự.
-        Diễn văn khai mạc Đại hội.
-        Tặng hoa chúc mừng.
-        Báo cáo tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ cũ.
-        Chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2017 – 2022.
-        Tham luận (nếu có).
-        Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành nhiệm kỳ cũ tuyên bố mãn nhiệm.
-        Giới thiệu nhân sự dự kiến suy cử vào Ban Trị sự và Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành nhiệm kỳ 2017 – 2022.
-        Ban Thường trực Hội đồng Trị sự lấy ý kiến Đại biểu suy cử thành phần nhân sự Ban Trị sự và Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành nhiệm kỳ 2017 - 2022 (Đại hội nhất trí suy cử bằng cách vỗ tay hoặc niệm Phật).
-        Tân Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành nhiệm kỳ 2017 - 2022 ra mắt và phát biểu nhận nhiệm vụ.
-        Tặng quà lưu niệm.
-        Phát biểu của Cơ quan Nhà nước tỉnh, thành.
-        Đạo từ của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự.
-        Nghị quyết Đại hội.
-        Diễn văn bế mạc, cảm tạ của Ban tổ chức và hồi hướng.
3.      Hình thức tổ chức Đại hội:
a. Trang trí trong Hội trường:
                - Biểu ngữ treo phía mặt tiền và phía trên lễ đài:
ĐẠO PHÁP – DÂN TỘC – CHỦ NGHĨA XÃ HỘI.
                - Lễ đài:
                        + Tượng Phật ở chính giữa;
+ Hai bên:
Ø  Phía bên tay phải (từ trên nhìn xuống): tượng Bác Hồ và cờ Tổ quốc;
Ø  Phía bên tay trái (từ trên nhìn xuống): Pano Đại hội và cờ Phật giáo
+ Pano Đại hội:
           GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH/THÀNH ……
   ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO LẦN THỨ……
NHIỆM KỲ 2017 – 2022
……………, ngày …….tháng ……năm 2017
                                    + Pano hai bên phía trước mặt tiền lễ đài:
Ø Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí huệ, là nguyện vọng chân chính của Tăng Ni, Cư sĩ Phật tử các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam. (Trích Lời nói đầu Hiến chương GHPGVN)
Ø Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoạt động theo phương châm "Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa Xã hội”, trên cơ sở kính ngưỡng, phụng hành Giáo pháp, Giới luật Phật chế và tuân thủ pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. (Trích Lời nói đầu Hiến chương GHPGVN)
b. Trang trí bên ngoài Hội trường:    
- Trước cửa Hội trường: CHÀO MỪNG QUÝ ĐẠI BIỂU….
- Trước cổng Hội trường:
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TỈNH/THÀNH...……
LẦN THỨ …... NHIỆM KỲ 2017 - 2022
+ Trước cổng Hội trường treo cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo:  Cờ Tổ quốc bên tay trái, cờ Phật giáo bên tay phải (tính từ ngoài nhìn vào).
+ Dọc theo hàng rào tại địa điểm tổ chức Đại hội có thể treo cờ Phật giáo nhỏ, hoặc trang trí khác tùy theo điều kiện thực tế của địa điểm tổ chức.
c. Trang trí tại Tự viện: biểu ngữ, cờ Tổ quốc và cờ Phật giáo:
- Biểu ngữ treo tại cổng Tự viện:
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU PHẬT GIÁO TỈNH/THÀNH ……………
LẦN THỨ …… NHIỆM KỲ 2017 - 2022
- Cờ Tổ quốc bên tay trái (từ ngoài nhìn vào).
- Cờ Phật giáo bên tay phải (từ ngoài nhìn vào).
            Vì sự trang nghiêm Giáo hội, thành công viên mãn Đại hội Đại biểu GHPGVN tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhiệm kỳ 2017 – 2022, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự rất mong Quý Ban thực hiện theo tinh thần Thông tư này.
            Kính chúc Quý Ban thành tựu các Phật sự, vô lượng an lạc, vô lượng cát tường./.
 
Nơi nhận:
- Như trên
- Ban TGCP, Vụ PG "để b/c”
- UBND, UBMTTQVN, BTG
  tỉnh, thành phố "để hỗ trợ”
Lưu VP1, VP2.
TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
CHỦ TỊCH
 
 
 
 
 
 (đã ký)
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn
GHPGVN

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu