GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 07:29:12 14-12-2017 (GMT+7) Lượt xem:4501

Tham luận: Truyền thông Phật giáo - hoằng pháp, tiếp nhận và phản biện

Vì thế giới ảo của truyền thông đã đi vào cuộc sống thường ngày và ảnh hưởng toàn diện đến nhân loại. Phật giáo cũng nằm trong dòng xoáy của truyền thông ấy. Trong “Ngũ minh pháp” của nhà Phật có nói đến công xảo minh, tức là việc sử dụng đúng những thành tựu công nghệ tiên tiến của nhân loại. Chúng ta sử dụng công cụ truyền thông thế nào và đối xử với thông tin ra sao để có được những hiệu quả tốt nhất trong đời sống, trong đạo pháp? Tham luận này sẽ nói về vấn đề truyền thông Phật giáo - ở các góc độ công năng là: hoằng pháp, tiếp nhận và phản biện.

>>Phát triển Phật giáo - "Phật hóa trong gia đình"

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Ngưỡng bái bạch trên Chư tôn Hòa thượng HĐCM, HĐTS GHPGVN, Chư tôn thiền đức tăng – ni hiện tiền.

Kính thưa quý vị đại biểu quan khách,

Kính thưa Đại hội,

Thế kỷ XXI - kỷ nguyên công nghệ số đã cho phép con người có thể giao tiếp, tương tác với nhau thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng hoặc truyền thông xã hội. Trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển như hiện nay, sự giao tiếp của công chúng dường như không còn khoảng cách. Điều này nói lên sự giao thoa, tiếp nhận thông tin về văn hóa vô cùng phong phú. Nhưng mặt trái của nó là những thông tin cũ, mới nối tiếp chồng chéo, phức tạp cũng phần nào làm cho việc nhận thức trong văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam có khi lệch lạc do độ nhiễm của thông tin đem lại. 

Vì thế giới ảo của truyền thông đã đi vào cuộc sống thường ngày và ảnh hưởng toàn diện đến nhân loại. Phật giáo cũng nằm trong dòng xoáy của truyền thông ấy. Trong “Ngũ minh pháp” của nhà Phật có nói đến công xảo minh, tức là việc sử dụng đúng những thành tựu công nghệ tiên tiến của nhân loại. Chúng ta sử dụng công cụ truyền thông thế nào và đối xử với thông tin ra sao để có được những hiệu quả tốt nhất trong đời sống, trong đạo pháp? Tham luận này sẽ nói về vấn đề truyền thông Phật giáo - ở các góc độ công năng là: hoằng pháp, tiếp nhận và phản biện.

 

Thứ nhất, là việc sử dụng truyền thông để hoằng dương chánh pháp. Chúng ta biết rằng những lời dạy của đức Phật và chư vị Bồ tát và lịch đại Tổ sư có được đến hôm nay là nhờ quá trình trao đổi, bàn thảo và phổ biến truyền đạt. Từ cách thức truyền đạt đơn giản nhất là trực tiếp bằng lời nói cho đến gián tiếp qua các bản kinh. Mãi đến thế kỷ thứ 7 sau công nguyên, ngài Huyền Trang còn phải vượt sa mạc bão tố đi từ Đông Độ sang Tây Thiên thỉnh kinh, để sau này có cơ sở phiên dịch và truyền bản, giao lưu văn hóa Phật giáo rộng rãi.

Ngày nay, công nghệ thông tin đã giúp việc phổ biến các lời dạy của đức Phật thuận lợi hơn nhiều. Một bài pháp thoại có thể được truyền đạt trực tiếp cho đại chúng ở khắp mọi nơi cùng nghe. Một nghiên cứu Phật học công bố là cả thế giới có thể nắm bắt. Các phương thức để truyền bá những lời dạy của đức Phật cũng như các hoạt động Phật giáo hiện nay đã quá dễ dàng truyền thông thông qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như mạng xã hội.

 

Ở Quảng Trị, cách đây 5 năm, chúng tôi đã xây dựng trang web “Phật giáo Quảng Trị” để thông tin những hoạt động phật sự tỉnh nhà, giới thiệu lịch sử - văn hóa một số chùa, tự viện và một số danh tăng Quảng Trị. Đây cũng là một cách truyền đạt Phật giáo đến với đại chúng, một cách hoằng pháp mà theo chúng tôi thời gian tới, cần phát triển lên nữa. Đặc biệt cần thông tin các hoạt động từ thiện xã hội, các hoạt động phúc lợi mà Phật giáo tỉnh nhà mang đến cho bà con; nêu lên những tấm gương sáng tốt đời, đẹp đạo.

Kính thưa quý vị,
Bất cứ ai hiện hữu ở đời đều mong muốn có cuộc sống bình an, hạnh phúc, do đó sự thể hiện tâm từ bi hỷ xả là cần thiết. Chúng ta, những người đệ tử của Phật và tất cả quý vị đều có thể làm được điều này. Vì giáo lý từ bi trí tuệ của đạo Phật có thể giải quyết được những vấn đề này mà lịch sử hơn hai ngàn năm trăm năm đã chứng minh chứng điều này.

Có lẽ trong chúng ta, không ai lạ gì mạng xã hội Facebook - một phương tiện kết nối đã chiếm lĩnh thị trường thông tin với tốc độ nhanh chóng. Ở đây, không phân tích lợi ích hay tác dụng phụ của Facebook mà chỉ nói đến việc quý thầy, quý cô, quý đạo hữu phật tử tham gia mạng xã hội cần lưu tâm đến mấy vấn đề. 

Thứ nhất, Facebook có lượng người tham gia rất đông và tốc độ lan truyền, chia sẻ rất nhanh. Vậy nên khi chúng ta tham gia đăng bài viết hình ảnh có liên quan đến các hoạt động phật sự cần có sự cân nhắc, lựa chọn, chỉnh lý cẩn thận rồi mới phổ biến. 

Thứ hai, các vấn đề mang tính cá nhân, không có lợi ích cho đạo pháp mà chỉ mang tính phô trương thì không nên đăng. Bởi nó làm cho hình ảnh người phật tử chân chính bị tầm thường hóa, (thậm chí một số trường hợp dung tục hóa). 

Thêm một thực tế nữa là giới trẻ đang lạm dụng thiết bị điện thoại thông minh. Có thể bắt gặp các em trong độ tuổi học sinh cầm điện thoại nhiều hơn cầm sách, chơi game nhiều hơn chơi thể thao và các trò chơi dân gian. Quý vị đệ tử của đức Phật ngồi đây cũng cần có trách nhiệm hướng dẫn cho giới trẻ, nhất là các vị tăng - ni, phật tử, các anh chị huynh trưởng tại trú xứ của mình làm thế nào để có truyền thông với cha mẹ, thầy cô ở trường để theo dõi các con em chúng ta về với việc học tập với các trò chơi lành mạnh không nên sa đà vào chiếc điện thoại mất thời gian, thay vào đó nên rèn luyện tu dưỡng bản thân.

Như quý vị cũng đã biết cách đây mới mấy hôm Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn đã yêu cầu google gỡ bỏ trên 2.000 clip xấu có tác hại đến xã hội.

Ngưỡng bái bạch chư tôn đức, kính thưa Đại hội!
Trong thời đại truyền thông tin hầu như chiếm ngự hết mọi sinh hoạt của từng cá nhân, mỗi phật tử, tăng, ni chúng ta cần ý thức rõ và sử dụng các phương tiện truyền thông để hỗ trợ cho công cuộc hoằng pháp, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (như tinh thần hội nghị Trung ương 9, khóa XI của Đảng). Truyền thông phải đạt tới mục đích hiểu biết lẫn nhau, từ đó đem lại sự thay đổi trong nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng. Những người làm truyền thông Phật giáo và mỗi chúng ta nên ý thức rõ chuyện này để hiểu nhau, thương nhau, đoàn kết tạo nên sự thay đổi của toàn xã hội.

Vấn đề thứ hai, là việc tiếp nhận và phản biện các thông tin Phật giáo. Tưởng như công nghệ đang phát triển như vũ bão là một điều tối ưu, nhưng mặt trái của nó cũng đáng báo động, thế giới gọi đó là cuộc “khủng hoảng truyền thông” (xin nhấn mạnh cụm từ “khủng hoảng truyền thông”). Những tổ chức càng lớn, có sự tham gia của nhiều thành phần thì khủng hoảng truyền thông càng diễn ra trên nhiều phương diện liên quan đến con người trực thuộc, trong đó có Phật giáo.

Thưa quý vị, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, mỗi người trong xã hội hiện nay đều có thể trở thành một “nhà báo”. Lẫn lộn trên các phương tiện thông tin đại chúng ngày nay là những nhà báo chuyên - không chuyên, khiến vòng xoáy của thông tin trở nên khốc liệt và có sự cạnh tranh gay gắt. Để rồi đến cuối cùng, một khi đối diện với khủng hoảng thì người trong cuộc vẫn là đối tượng chịu nhiều điều tiếng nhất và tổn thất nhất.

Trên thực tế, sinh hoạt của Phật giáo tại nước ta đã nhiều phen đảo lộn làm và ảnh hưởng đến niềm tin của phật tử, của nhân dân trước những thông tin liên quan xuất hiện trên các mặt báo, không ít lần truyền thông đã làm cho vấn đề trở nên phức tạp căng thẳng kể cả truyền thông báo chí chính thống. Trong đó, bên cạnh một số vụ việc được giới truyền thông tiếp cận một cách nghiêm túc và đưa tin chuẩn xác đến người đọc, giúp vấn đề được sáng tỏ thì không hiếm các trường hợp là nạn nhân của những con chữ vô cảm, phiến diện, có yếu tố giật gân câu khách và ác ý của người cầm bút vì một lý do nào đó. 

Đó là chưa kể đến tính tự phát, không thể kiểm soát của các thông tin trên các trang mạng xã hội mà bất kỳ ai cũng có thể là “tội đồ” một khi được đề cập đến. Đáng nói hơn, một số bài báo đã đi vào miêu tả khá chi tiết diễn biến vụ việc, trích dẫn những phát ngôn lời lẽ châm biếm và khẳng định để tạo niềm tin cho độc giả. Sau khi bản tin được đăng tải, nhiều tờ báo và trang mạng khác đã copy, thêm thắt, kể lại câu chuyện ở những hướng khác nhau.

Trong những trường hợp đó, những vị tu sĩ và phật tử chân chính sẽ bị xúc phạm niềm tin khi những thông tin không chính xác trên được đăng tải, lan truyền. Và cho dù có được cải chính hay không vẫn tạo nên những cách hiểu, cách nhìn phiến diện và vơi đi ít nhiều thiện cảm đối với sinh hoạt của Phật giáo. Vấn đề này, thời gian gần đây Phật giáo chúng ta cũng đã từng có. Cách tiếp nhận và xử lý của chúng ta ra sao trước những sự việc trên để kịp thời có những phản hồi tích cực. Đây chính là nhiệm vụ của lực lượng làm truyền thông Phật giáo và cả hệ thống Giáo hội.

Theo chúng tôi, trước hết, Giáo hội phải có những phát ngôn kịp thời, phải tổ chức một đội ngũ phát ngôn chuẩn mực, có tầm hiểu biết, có trình độ và được đào tạo bài bản để có thể ứng biến trong những trường hợp nhất định nhằm cung cấp cho báo chí. Song song đó, cũng cần có những buổi họp báo, gặp gỡ báo chí để chia sẻ thông tin cụ thể các vấn đề xảy ra một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác, đồng thời khẳng định những việc làm điều chỉnh nếu có những biểu hiện thiếu chuẩn mực từ tăng ni, phật tử.

Thưa quý vị, trong 37 Phẩm Trợ Đạo có Bát chánh đạo, đức Phật nói đến: chánh kiến - chánh tư duy - chánh ngữ, tức là nhìn đúng - suy nghĩ đúng - nói đúng vấn đề. Và phải hiểu chữ “chánh” ở đây không chỉ đúng mà còn có ý nghĩa tốt đẹp, tích cực. Như vậy, khi gặp một chuyện có nguy cơ ảnh hưởng uy tín Giáo hội, chính mỗi cá nhân những người đệ tử của Phật cũng phải có được một lập trường vững vàng, bình tĩnh suy xét vấn đề và có cách tiếp nhận tinh tấn nhất, hướng dẫn cho những người khác cùng hiểu rõ và phản biện những thông tin gây phương hại đến uy tín Giáo hội.

Về phía các cơ quan Nhà nước quản lý báo chí - truyền thông, chúng tôi cũng mong quý vị có những hướng dẫn cho đội ngũ nhà báo, vì thực tế hiện nay nhiều nhà báo chưa quen với việc phản ánh các vấn đề tôn giáo. Chúng tôi muốn nhắc lại rằng, Luật Báo chí năm 2016 đã nêu rõ tại Điều 9 rằng: “Nghiêm cấm các hành vi đăng, phát thông tin có nội dung gây chia rẽ người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người theo các tôn giáo khác nhau, chia rẽ các tín đồ tôn giáo với chính quyền nhân dân, với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; xúc phạm niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”. 

Như vậy, các cơ quan Nhà nước hướng dẫn nghiệp vụ cho nhà báo và định hướng truyền thông chính là đang xúc tiến việc thi hành luật pháp nghiêm minh. Và một thực tế nữa, hiện nay không thiếu các bài báo vu khống, bôi nhọ uy tín Phật giáo thực chất là để kích động chống phá Nhà nước. Động cơ của những người viết bài báo kiểu này luôn tìm kẽ hở để “thọc gậy” hay xuyên tạc về quyền tự do tín ngưỡng… 

Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay rất coi trọng vấn đề đấu tranh chống các âm mưu, hoạt động diễn biến hòa bình trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Trên tinh thần không để các thông tin xấu lan truyền tác động vào các tầng lớp nhân dân, phải làm thất bại âm mưu lợi dụng các vấn đề tôn giáo nhằm kích động lôi kéo quần chúng chống đối làm mất an ninh trật tự. Có như thế tôn giáo mới thực sự hòa hợp với dân tộc, như truyền thống và đạo lý ngàn đời của con dân nước Việt.

Rõ ràng xử lý khủng hoảng truyền thông là một việc làm cần sự đồng bộ của các cấp Giáo hội, tăng ni, phật tử và cả phía Nhà nước, nhằm tạo nên giá trị tác động một cách tổng thể theo hệ thống chứ không phải là nhiệm vụ của bất cứ một cá nhân, tổ chức nào. Có thể thấy, việc quản lý, phát triển báo chí truyền thông Phật giáo một cách tốt nhất nhằm đem lại lợi ích phục vụ nhận thức, thay đổi suy nghĩ của người dân sống tự giác và có ý thức với đồng loại cũng như gìn giữ môi trường sống quanh ta một cách tốt và văn minh nhất. Làm được điều này tức là các giá trị nhân văn của Phật giáo sẽ kéo theo sự hưng phát của dân tộc.

Kính thưa quý vị,
 

Một đất nước có đạo là một đất nước có truyền thống và ý chí mang tính thống nhất, có cùng một niềm tin kiên định trong tinh thần. Sự hòa hợp đó được thể hiện bằng ý thức con người qua những việc làm cụ thể tốt đẹp như nhường nhịn lẫn nhau, coi trọng chữ hiếu, tôn sư trọng đạo, tránh sát sinh và tạo nghiệp chướng... Chính vì thế hoằng dương chánh pháp hay phản biện các thông tin xấu không còn là vấn đề của truyền thông nữa, mà đó là chuyện của tất cả đại chúng, để Phật giáo mãi trường tồn và mang đến những lợi lạc cho mọi loài đang cư lưu trên mặt đất này.

Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Trị
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu