GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 17:01:11 28-11-2017 (GMT+7) Lượt xem:2288

Phát triển Phật giáo - "Phật hóa trong gia đình"

Đề cập đến kế thừa, là đề cập đến sự tiếp nối liên tục từ thế hệ này qua thế hệ khác, kế thừa không dừng lại ở hình thức tổ chức Giáo hội mà nó bao gồm các mặt hoạt động phật sự của Giáo hội. Trong phạm vi bài tham luận này, chúng ta sẽ tìm hiểu tính “Kế thừa Phật giáo trong gia đình”. Một phật sự mới của thời hội nhập và phát triển.

>>Vai trò của Ni giới Việt Nam trong thời kỳ hội nhập

1. Dẫn nhập:

1.1 Thành quả Giáo hội:

 

Thống nhất Phật giáo Việt Nam thành một tổ chức duy nhất là nguyện vọng của bao thế hệ tăng ni, cư sĩ phật tử, vì có thống nhất thì mới tạo thành sức mạnh của “một bó đũa”, thực hiện sứ mệnh “Hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc quần sanh” và “ Hộ quốc an dân”. Được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước, Chư tôn Giáo phẩm Ban Vận động Thống nhất Phật giáo, sau gần 2 năm nỗ lực thực hiện nguyện vọng thống nhất Phật giáo ngày 07/11/1981, “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” được thành lập tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội, với phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội”. Hơn 35 năm qua, Giáo hội đã phát triển thành công trong nhiều lĩnh vực hoạt động phật sự quan trọng, xây dựng nền móng vững chắc hướng về tương lai rực rỡ.

 

“Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời là sự kết tinh trí tuệ, là nguyện vọng chân chính của tăng ni, cư sĩ phật tử các tổ chức Giáo hội, hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước, là chủ thể kế thừa lịch sử hàng ngàn năm của Phật giáo Việt Nam”.(1)

 

Đề cập đến kế thừa, là đề cập đến sự tiếp nối liên tục từ thế hệ này qua thế hệ khác, kế thừa không dừng lại ở hình thức tổ chức Giáo hội mà nó bao gồm các mặt hoạt động phật sự của Giáo hội. Trong phạm vi bài tham luận này, chúng ta sẽ tìm hiểu tính “Kế thừa Phật giáo trong gia đình”. Một phật sự mới của thời hội nhập và phát triển.

 

1.2 Vấn đề kế thừa:

 

“Kế thừa Phật giáo trong gia đình” hay “Kế thừa tôn giáo” là một cụm từ, nghe có vẻ như mới lạ! Tuy nhiên, đây là vấn đề đã có từ ngàn xưa, đã và đang diễn ra hằng ngày trong sinh hoạt của các tôn giáo. Kế thừa tôn giáo nghĩa là: Thế hệ ông bà theo tôn giáo nào, thì thế hệ cha mẹ theo tôn giáo đó, rồi nhiều thế hệ con cháu cũng theo tôn giáo mà ông bà cha mẹ đã theo.

 

Kế thừa tôn giáo là một trong những phương thức bảo vệ đạo gốc rất hiệu quả. Có nhiều tôn giáo được lưu truyền, phát triển mạnh, chủ yếu do tính kế thừa tôn giáo mà ra. Kế thừa tôn giáo không chỉ làm cho có tộc họ gần như 100% chỉ theo một tôn giáo duy nhất từ đời này sang đời khác, rồi đến cả làng, cả nước cũng theo một tôn giáo. Chúng ta phải khách quan công nhận rằng, như ở: Pháp,Poland, Brazil, Panama,.… người dân theo Thiên Chúa giáo hơn 90% dân số, ở Campuchia, Thái Lan, Lào, Nhật, …. người dân theo Phật giáo cũng hơn 90% dân số, tất cả các quốc gia này đều thực hiện hiệu quả tính kế thừa tôn giáo.

 Hòa thượng Thích Chơn Không

2. Hiện trạng Phật giáo Việt Nam:
 

Kế thừa tôn giáo là hoạt động chung của các tôn giáo, cho nên tính kế thừa tôn giáo cũng có ở trong đạo Phật. Tuy nhiên, có lẽ Phật giáo Việt Nam (Bắc tông) là tôn giáo có tính kế thừa tôn giáo thấp hơn cả. Vì thế, phật tử ở khắp nơi trên đất nước lần lượt bỏ đạo Phật mà theo tín ngưỡng khác, như ở: miền Tây rất đông phật tử theo đạo Cao Đài, Hòa Hảo; ở Tây Nguyên, Tây Bắc và Đông Bắc rất nhiều phật tử và đồng bào dân tộc theo đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành. Đặc biệt, theo kết quả thống kê của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số năm 2009, công bố đã cho thấy: “Số lượng tín đồ Phật giáo Việt Nam giảm đến mức chưa từng thấy: 6.802.318 người, chiếm 7,92% dân số!”(2). Hệ quả đó xảy ra bởi 10 nguyên nhân tiêu biểu như sau:

 

2.1 Thời Pháp thuộc và thời Đệ nhất Cộng hòa (1858 -1963), Phật giáo luôn bị ngược đãi, bị hạn chế nhiều mặt hoạt động phật sự, phần đông tăng ni, cư sĩ phật tử không được thường xuyên giảng dạy, hướng dẫn sinh hoạt tu học đúng Chính pháp, nên sinh ra nhiều tệ nạn và mê tín dị đoan. Đây cũng là duyên cớ quan trọng, để nhiều tổ chức tôn giáo khác công kích, lôi kéo phật tử vào cuối thế kỷ 19 và hơn 60 năm của đầu thế kỷ 20.

 

2.2 “Đặc biệt dưới thời Pháp thuộc, Việt Nam bị chia làm ba miền, và chính quyền bảo hộ tìm mọi cách phát triển Công giáo, thì Phật giáo Việt Nam càng bị chèn ép. Một số ngôi chùa lớn cũng bị phá hủy, Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập các tài liệu, di vật, nhưng không với mục đích truyền bá Phật giáo, cũng góp phần làm suy giảm các kinh sách tại các chùa”(3).

 

2.3 Một số nhà truyền giáo phương Tây đã tuyên truyền, viết sách, viết báo xuyên tạc Phật giáo kể cả cuộc đời đức Phật và giáo lý của Ngài.
 

2.4 Có nhiều phật tử quan niệm rằng: “Đạo nào cũng tốt”(4),“Đạo nào cũng dạy con người ăn hiền ở lành!” Do đó, để mặc cho các con các cháu tự lựa chọn tín ngưỡng, theo đạo nào cũng được!

 

2.5 Có nhiều phật tử bị tôn giáo bạn bắt buộc học giáo lý và chấp nhận cải đạo mới được thành hôn.

 

2.6 Có một số phật tử bị tôn giáo bạn mua chuộc hứa hẹn và bị bắt ép ký tên vào đạo trước khi nhận sự giúp đỡ.

 

2.7 Nhiều vị trụ trì không mở lớp giáo lý giảng dạy, cũng ít khi tổ chức thuyết pháp, hướng dẫn phật tử tu hành, nâng cao kiến thức Phật pháp cho tăng ni. “Vì không hiểu một cách thấu đáo, nên lòng tin không được chắc chắn. Mỗi khi gặp một lý thuyết nào lạ, một tôn giáo nào mới thì họ ùa hòa tin theo, như cây thiếu rễ cái, gió thổi phía nào thì ngã rạp theo phía ấy, thật đáng buồn thương!”(5).

 

2.8 Có một số tăng ni đạo đức phẩm hạnh kém, cư xử vụng về, làm phật tử bất mãn, buồn chán xa lánh Phật giáo.

 

2.9 Hiện nay trong nước có rất nhiều chùa, nhưng hoạt động riêng rẽ, không đồng bộ dưới sự tổ chức quản lý điều hành của Giáo hội. Hệ thống thông tin liên lạc kém, việc ứng dụng công nghiệp tin học vào lĩnh vực truyền bá giáo lý còn yếu, sự giao lưu phát triển công tác phật sự giữa các chùa và một số ban ngành cũng rất hạn chế.

 

2.10 Có một số tăng ni sợ đụng chạm, sợ vi phạm chủ trương tự do tín ngưỡng, chủ trương đoàn kết các tôn giáo của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nên không mạnh dạn nhìn nhận thực trạng, cũng không có sách lược đối phó tình trạng cải đạo trong thời gian dài vừa qua.

 

Do những khó khăn của đất nước trong thời kỳ bị xâm chiếm và quan niệm sai lầm nêu trên, tính “Kế thừa Phật giáo trong gia đình” không được cổ vũ động viên khuyến khích sâu đậm, triệt để. Từ đó, sinh ra hiện tượng cải đạo trong gia đình vốn có truyền thống nhiều thế hệ theo đạo Phật. Trong khi đó, các tôn giáo bạn xem việc kế thừa tôn giáo trong gia đình là cách bảo vệ an toàn. Vô hiệu hóa các phương án, các kế hoạch cải đạo bởi những tôn giáo khác.

 

3. Hệ quả đối với Phật giáo Việt Nam:

 

Nhận xét khách quan trung thực là điều cần thiết, để có hướng giải quyết vấn đề, chấn chỉnh tổ chức, bảo tồn, phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của đạo pháp và dân tộc. Chúng ta không chống đối, không chỉ trích việc các tôn giáo bạn tổ chức cải đạo hợp pháp, hợp tình, nhưng chúng ta cần phải khách quan nhận xét tình hình, để biết cái ưu cái khuyết của chúng ta và của các tôn giáo bạn, để sửa đổi lề lối làm việc sao cho phù hợp với tình hình mới, với những phát triển mới của xã hội, điều này không thể gọi là vi phạm chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước được! 

 

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, xã hội và tư tưởng con người luôn có nhiều thay đổi biến động, hiện tượng cải đạo sẽ tác động đến Phật giáo nhiều hơn nữa, không khéo Phật giáo sẽ trở thành tôn giáo thiểu số! Thời gian qua, vì không quan tâm đến tính “Kế thừa Phật giáo trong gia đình”, nên chính Phật giáo Việt Nam đã tự đưa mình vào tình trạng suy thoái, tín đồ giảm sút mạnh ở: Tây Nguyên, Tây Bắc, Đông Bắc, các vùng cao, vùng sâu, vùng xa và vùng nông thôn ở miền Tây. Đặc biệt là đồng bào Khmer Nam bộ, vốn có truyền thống Phật giáo thuần nhất, bất khả xâm phạm trong thời thực dân đế quốc cai trị, nhưng giờ đây cũng bị kế hoạch cải đạo châu Á xâm lấn!

 

Đánh mất yếu tố kế thừa đạo Phật trong gia đình, là làm tan vỡ gia đình theo Phật giáo. Hiện nay, Phật giáo dòng họ, Phật giáo thân tộc đã gãy đổ dường như không còn mấy tộc họ thuần nhất Phật giáo? Trong khi những tôn giáo khác vẫn có nhiều tộc họ thuần nhất, trung thành với đạo, nếu chúng ta không ý thức sâu sắc vấn đề này và nhanh chóng nỗ lực thực hiện “Chương trình Phật hóa gia đình”, gấp rút tổ chức các mô hình sinh hoạt tu học phù hợp mong muốn, sở thích của đồng bào các giới, tương lai không xa sẽ dẫn đến tình trạng gia đình Phật giáo thuần nhất ngày càng hiếm dần! Tất nhiên, Phật giáo Việt Nam sẽ trở thành tôn giáo thiểu số!

 

Hiện nay, tình trạng phật tử đi lễ chùa khá đơn lẻ (trong gia đình chỉ có một vài người đi chùa, còn lại không được tăng ni quan tâm khuyến khích), thường là người phụ nữ lớn tuổi, còn việc nhiều thế hệ trong một gia đình cùng đi lễ như ở các tôn giáo khác thì rất ít! Theo chúng tôi, đó chính là hệ quả của việc Phật giáo chúng ta ngày càng để cho phai nhạt tính “Kế thừa Phật giáo trong gia đình”.

 

4. Tồn tại một số quan niệm khác biệt:

 

Hiện nay, vẫn còn một bộ phận khá lớn theo đạo Phật, quan niệm đạo Phật là đạo “tự do”, nên trong gia đình con cái không cần động viên, khuyến khích phải theo đạo của ông bà, cha mẹ vốn có từ trước, mà để con cái lớn lên “tự lựa chọn tôn giáo!”. Thật ra, thì những người này đã hiểu sai ý nghĩa tự do và cũng chưa thấy được giá trị cao quý của đạo Phật, xếp đạo Phật ngang với các tôn giáo khác: “Đạo nào cũng tốt”, “Đạo nào cũng dạy con người ăn hiền ở lành”. Đây là kẽ hở lớn nhất, khiến phật tử bị cải đạo theo đạo tôn giáo khác. Đây cũng chính là cái lỗi lớn nhất của một số tăng ni trong nhận thức về công tác hoằng pháp, nên không thể giải thích hoặc đề ra những biện pháp thích hợp, hóa giải nguy cơ cải đạo.
 

Trong một gia đình Phật giáo mà kém ý thức kế thừa Phật giáo, kém ý thức Phật hóa gia đình, thì sớm muộn gì gia đình Phật giáo ấy cũng phải tan vỡ, huống nữa là “gia đình Phật giáo thuần nhất!”. Trong một gia đình có nhiều tín ngưỡng tôn giáo, gia đình đó bị sẽ chia rẽ, thậm chí có thể đối kháng nhau, nhất là vào các dịp lễ lạc, như: Tết Nguyên đán, sinh nhật, hôn nhân, tang tế, kỵ giỗ, v.v..

 

Đã sinh ra trong một gia đình theo đạo Phật, thì mọi thành viên trong gia đình đều có nhân duyên với đức Phật. Người được sinh trong gia đình có truyền thống Phật giáo, nhưng bảo không theo Phật giáo là “tùy duyên”, là người thiếu chánh kiến và chánh tư duy. Có thể, có vài trường hợp cắt ngang truyền thống đạo Phật trong gia đình, như vì hoàn cảnh hôn nhân phải theo một tôn giáo khác; đánh mất tính kế thừa Phật giáo trong một bộ phận gia đình. 

 

Nhưng phải xem đó là một sự kiện bất thường, đáng tiếc, không phải là tùy duyên như trong hoàn cảnh bình thường. Không quan tâm đến tính “Kế thừa Phật giáo trong gia đình”, là chính ông bà cha mẹ đã tạo ra những nghịch duyên, chướng duyên cho con cháu, khiến con cháu không thể quy y Tam bảo! Đừng nghĩ không quan tâm gì hết, đó là tùy duyên, quan niệm như thế là sai lầm, vì chính quan niệm sai làm đó đã tạo ra chướng duyên, để con cháu và người trong gia đình không thể đến với đạo! Trong đạo Phật, việc tự giác luôn gắn với giác tha, giác tha tức là giúp người khác giác ngộ.

 

Việc tu hành của chúng ta sẽ như thế nào, nếu ngay cả con cháu của chúng ta mà chúng ta không hóa độ được? Đó là câu hỏi mà chúng tôi xin phép đặt ra cho những ai có quan niệm: “Tùy duyên, tự do không đúng chỗ” trong việc kế thừa Phật giáo trong gia đình. Phật giáo không buộc trẻ em theo đạo một cách mù quáng, cũng không ép buộc trẻ chưa biết gì phải theo đạo. Nhưng Phật giáo coi trọng việc giáo hóa, luôn khẳng định tính “Kế thừa Phật giáo trong gia đình”. Một vị Hòa thượng lãnh đạo Phật giáo Nam tông Khmer đã phát biểu: “Cha theo đạo Phật, mẹ cũng theo đạo Phật, con cái đương nhiên là phật tử, nên cha mẹ và sư sãi phải có bổn phận dẫn dắt đứa trẻ đến với các sinh hoạt của đạo, như phải đưa trẻ đến trường vậy. Việc này không bị xem là bắt ép mà gọi đó bổn phận của cha mẹ phải định hướng tương lai cho con cái”(6).

 

Chúng ta coi đạo Phật là suối nguồn đạo đức trong gia đình, thì ông bà cha mẹ cần giáo dục Phật giáo cho con cháu khi còn bé, như cổ nhân đã bảo: “Dạy con, dạy thuở còn thơ” tạo thành nề nếp tốt đẹp trong gia đình. Cần nhận rõ tính kế thừa Phật giáo không phải là hành vi ép buộc, nhưng cũng không phải là chuyện buông xuôi thả nổi, vì giáo hóa là dạy cái hay, cái đẹp, cái cao quý của đạo Phật, giúp trẻ hướng đến đạo Phật một cách tự nguyện, tự nhiên, không ép buộc mà vẫn giữ được truyền thống của tổ tiên ông bà.

 

Nếu cả nhà đã quy y Tam bảo, nhưng không duy trì được tính kế thừa, là một sự thiệt thòi cho gia đình, cho dòng họ. Đánh mất niềm tự hào về đức Phật - bậc vĩ nhân của nhân loại. Ngày 15/12/1999 Liên Hợp Quốc đã công nhận: “Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế…”(7). 10 năm sau, vào ngày 15/07/2009 một lần nữa, Phật giáo lại được thế giới bầu chọn, tôn vinh và khẳng định các giá trị cao quý của đạo Phật, do Hội Liên minh Quốc tế Tiến bộ Tôn giáo và Tâm linh (ICARUS) tại Geneve, Thụy Sĩ tổ chức bình chọn và trao tặng giải thưởng đặc biệt: “Phật giáo là tôn giáo tốt nhất thế giới” (Best Religion in the World)(8). Đây là niềm vinh dự, lòng tự hào lớn lao của những người theo đạo Phật.

 

5. Đề xuất giải pháp:

 

Để xây dựng tính “Kế thừa Phật giáo trong gia đình”, các hoạt động phật sự trong thời hội nhập và hóa giải nguy cơ cải đạo của các tôn giáo, chúng ta nên tập trung triển khai thực hiện các nội dung sau đây:

 

5.1 Quyết tâm thực hiện thành công chương trình Phật hóa gia đình.
 

5.2 Mở rộng và tiếp tục thành lập Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi phật tử, sinh hoạt hàng tuần dành cho giới trẻ ở các tự viện. Hoặc tối thiểu phải có khóa lễ hàng tuần dành cho giới trẻ. Bài kinh mà chúng tôi thấy phù hợp nhất, có giá trị giáo dục tốt nhất về đạo làm người phù hợp với giới trẻ, chính là kinh Phước đức.

 

5.3 Khuyến khích thanh niên nam nữ phật tử đăng ký tổ chức Lễ hằng thuận khi hết hôn.

 

5.4 Tổ chức: khóa tu, hội trại, trại hè, tết Trung thu, v.v…, để tạo sân chơi lành mạnh cho sinh viên học sinh và giới trẻ tham gia sinh hoạt tu học trong các mùa nghỉ hè và các dịp lễ thích hợp.

 

5.5 Chú trọng công tác phát triển và quản lý đạo tràng, hướng dẫn phật tử tu học theo đúng Chính pháp, tích cực bài trừ các hủ tục mê tín dị đoan.

 

5.6 Hàng năm Giáo hội các tỉnh thành nên tổ chức khóa bồi dưỡng trụ trì, với nội dung tập huấn kỷ năng tổ chức các mô hình sinh hoạt tu học dành cho phật tử, như: đạo tràng Bát quan trai, đạo tràng tu thiền, đạo tràng niệm Phật, Khóa tu “Một ngày an lạc” cho người phật tử trọng tuổi. Câu lạc bộ Thanh thiếu nhi phật tử, hội trại, trại hè, khóa tu mùa hè dành cho giới trẻ. Đồng thời cũng để cập nhật các chủ trương, chỉ đạo của Giáo hội trung ương và địa phương đến các vị trụ trì.

 

5.7 Trung ương Giáo hội cần chỉ đạo Ban Trị sự Giáo hội các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung mở lớp dạy tiếng dân tộc, như tiếng: Gia Lai, Ê Đê, Ba Na, Raglai,… và mở khóa hoằng pháp đặc biệt cho tăng ni sinh và hoằng pháp viên, để giáo hóa đồng bào các dân tộc. Mặt khác, tích cực vận động tăng ni dấn thân hành đạo các vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn và hải đảo.

 

6. Kết luận:

 

Đối tượng khuyến hóa của tăng ni chính là quần chúng phật tử! Thế nên, công tác hoằng dương Chánh pháp, hướng dẫn phật tử sinh hoạt tu học hiện nay, theo chúng tôi: “Kế thừa Phật giáo trong gia đình” là một chiến lược song hành với “Chương trình Phật hóa gia đình”, hết sức hệ trọng đối với mục tiêu: “ Kế thừa, ổn định và phát triển” Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

 

Nghiên cứu vấn đề “Kế thừa Phật giáo trong gia đình” là bổ sung nền tảng lý luận cho “Chương trình Phật hóa gia đình”. Câu trả lời cho vấn đề “Kế thừa Phật giáo trong gia đình”, chính là nỗ lực thực hiện thành công “Chương trình Phật hóa gia đình”!

 

Cốt lõi của “Chương trình Phật hóa gia đình” là cả nhà quy y Tam bảo, sinh hoạt, ứng xử theo lời Phật dạy. Thực hiện được mục tiêu này, đương nhiên, vấn đề kế thừa Phật giáo trong gia đình sẽ được giải quyết, Phật giáo sẽ mạnh lên, đất nước sẽ cường thịnh. Như cố Hòa thượng Thích Trí Thủ đã phát biểu: “Những gì chúng tôi làm cho Đạo pháp cũng có nghĩa là làm cho dân tộc, những gì chúng tôi làm cho dân tộc cũng có nghĩa là làm cho Đạo pháp”.(9)

 

Thực hiện tính “Kế thừa Phật giáo trong gia đình” sẽ là đóng góp quan trọng cho sự thành tựu ổn định và phát triển Giáo hội trong hiện tại cũng như tương lai. Giá trị của Phật hóa gia đình không chỉ là hiện tại của gia đình theo Phật giáo mà là trong tương lai cả tộc họ đều theo Phật giáo, Phật giáo được nối tiếp trong gia đình qua các thế hệ.

 

HT.Thích Chơn Không - Phó Trưởng ban kiêm Chánh thư ký BHDPT TƯ 

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
--------------

Chú thích:

1. Trích Hiến chương GHPGVN. NXB Tôn Giáo Hà Nội PL.2557 - DL.2013. Trang 6.

2. Trích nguồn: giacngo.vn.

Con số 6.802.318 người, chiếm 7,92% dân số theo đạo Phật, có thể chưa chính xác, vì thực tế cũng còn một bộ phận tín đồ phật tử vì lý do thời cuộc, nên chưa khai đúng tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên, hiện tượng suy giảm số lượng tín đồ Phật giáo là có thật, như đã trình bày ở mục 2 - Hiện trạng Phật giáo Việt Nam của tham luận này.

3. Trích nguồn: vi.wikipedia.org

4. Trích “Phật học Phổ thông” - HT.Thích Thiện Hoa, NXB Tôn giáo, PL.2548-DL 2004. Tr.11

5. Trích “Phật học Phổ thông” - HT.Thích Thiện Hoa, NXB Tôn Giáo, PL.2548 -DL 2004. Tr.7

6. Phát biểu của HT.Đào Như - Ủy viên Thư ký HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN Tp. Cần Thơ.

7. Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 quốc gia, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của đức Phật, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc tại phiên họp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hiệp Quốc, những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi, được tổ chức vào ngày trăng tròn đầu tiên của tháng 5 Dương lịch. Trích nguồn: wikipedia.org

8. Giải thưởng đặc biệt này đã được bầu chọn bởi hơn 200 vị lãnh đạo của các tôn giáo khác nhau. Điều thú vị là các vị lãnh đạo tôn giáo đã chọn Phật giáo thay vì tôn giáo của họ mặc dầu các thành viên phật tử chỉ là một thiểu số rất nhỏ của ICARUS.

Jonna Hult, Giám đốc Nghiên Cứu của ICARUS nói: “Tôi không ngạc nhiên khi Phật giáo được bầu chọn “Giải Thưởng Tôn Giáo Tốt Nhất Thế Giới”, bởi vì không hề có cuộc chiến tranh được phát động nhân danh Phật Giáo…”. Trích nguồn: vnn.vietnamnet.vn

9. Phát biểu của HT.Thích Trí Thủ. Trích nguồn: phatgiao.org.vn

 

Tài liệu tham khảo:

A. Các sách:

1. Hiến chương GHPGVN. NXB Tôn giáo 2014

2. Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập GHPGVN - VP TƯGH 2007

3. Kỷ yếu Hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN - VP TƯGH 2011

4. 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam - HT.Thích Thiện Hoa, chùa Ấn Quang, SG 1970.

5. Phật Học Phổ Thông - HT.Thích Thiện Hoa, NXB Tôn Giáo, PL.2548 (2004).

6. Kitô giáo, Kế hoạch cải đạo Á châu - Nhật Từ, Ngô Triệu Lịch, Trần Chung Ngọc. NXB châu Á, Hè 2005.

7. Phật giáo tranh đấu - Quốc Oai, NXB Tân Sanh, SG 1963.

8. Việt Nam Phật giáo tranh đấu sử - Tuệ Giác, NXB Hoa Nghiêm, SG PL.2508 (1964).

9. Việt Nam Phật giáo Sử luận - Nguyễn Lang, NXB Văn Học 1994.

10. Lược khảo Phật giáo sử Việt Nam qua các thời đại và phát nguồn của các giáo phái Phật giáo - Vân Thanh, Giấy phép số: 929/72/PTUVK SALP/TP, SG 1974.

11. Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Thích Thanh Kiểm, NXB Vạn Hạnh, SG 1965.

12. Lịch sử Phật giáo thế giới tập 1 - Pháp sư Thánh Nghiêm, NXB Hà Nội, 1995.

13. Lịch sử Phật giáo thế giới tập 2 - Pháp sư Tịnh Hải, NXB Đại học và giáo dục chuyên nghiệp Hà Nội, 1992.

14. Phật giáo trong thời đại tân tiến - Thích Quảng Bảo, NXB Tôn Giáo, 2012.

15. Lịch sử Phật giáo xứ Huế - Thích Hải Ấn & Hà Xuân Liêm, NXB Văn hóa Sài Gòn 2006.

16. Việt Nam lược sử quyển I,II - Trần Trọng Kim, NXB Bộ Giáo dục Trung tâm học liệu, SG 1971.

17. Việt sử lớp đệ nhất - Ông, bà Tăng Xuân An, NXB Ban Mai, SG 1960.

18. Lịch sử lớp 12 tập một - Nguyễn Anh Tái, NXB Giáo dục, 2004.

19. Lịch sử lớp 12 tập hai - Đinh Xuân Lâm, NXB Giáo dục, 2005.

 

B. Các trang web:

20. phatgiao.org.vn

21. huongdanphatu.vn

22. giacngo.vn

23. daophatngaynay.com

24. phatuvietnam.net

25. thuvienhoasen.org

26. langmai.org

27. wikipedia.org

28. btgcp.gov.vn

29. tongiaovadantoc.com

30. vnn.vietnamnet.vn

31. conggiaovietnam.net

32. baoconggiao.com

phatgiao.org.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu