GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 09:21:26 12-12-2017 (GMT+7) Lượt xem:1900

Tham luận đại hội đề cập nhiều vấn đề nổi cộm

Tổng cộng có 15 bài tham luận được trình bày trước toàn thể đại biểu trong chiều nay, 21-11, tại phiên làm việc thứ 2 của Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022.

 

>> Phát triển Phật giáo - "Phật hóa trong gia đình"

Trong đó, vấn đề nổi bật và nhận được ưu tư của nhiều đại biểu là việc quy hoạch nhân sự, giữ vững kỷ cương đối với mọi hoạt động của Giáo hội các cấp.

Bao Toan Giac Ngo 10.jpg
Chủ toạ buổi làm việc chiều nay

Nhìn thẳng và nói thật

Theo đó, HT.Thích Huệ Thông, Ủy viên Thư ký HĐTS, Phó Văn phòng 2 TƯGH, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Bình Dương cho rằng trong thời gian qua, mặc dù Giáo hội đã gặt hái những kết quả khả quan trên nhiều phương diện và lĩnh vực hoạt động Phật sự, có những đóng góp thiết thực vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh và an sinh xã hội nhưng cũng cần có cái nhìn công tâm về nhân sự.

“Hạn chế hiện nay là vẫn còn một bộ phận Tăng Ni trẻ thể hiện sự yếu kém về mặt giới luật kỷ cương trong đời sống sinh hoạt, mặt khác nguồn nhân sự của Giáo hội hiện nay vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại”, HT.Thích Huệ Thông nhận định.

Do vậy, theo Hòa thượng, cần phải có định hướng quy hoạch nguồn nhân sự một cách hợp lý và khoa học nhằm bắt nhịp thời đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong hoàn cảnh hiện nay và thời gian tới.

“Cần phải tăng cường công tác quản lý, giám sát giới luật, kỷ cương bởi đây là yếu tố then chốt để tạo nên nguồn nhân lực và sự ổn định, phát triển của Giáo hội” - HT.Thích Huệ Thông nhấn mạnh.

HT.Thích Huệ Thông cho rằng, sự giới hạn về mặt giới luật và kỷ cương thường thể hiện qua sự yếu kém nhận thức dẫn đến lối sống tùy tiện trong hàng ngũ xuất gia. Nhất là đối với một bộ phận Tăng Ni trẻ thời gian qua đã bị cuốn hút theo đời sống thế tục, dẫn đến sự hạn chế trong học tập và tu hành, ảnh hưởng đến phẩm chất đạo đức.

Hòa thượng nói, đó chính là nguyên nhân gây bất ổn và cũng là rào cản cho sự nghiệp phát triển bền vững.

 “Trong điều kiện thuận lợi của nền văn minh thời hiện đại, có không ít vị đã tham gia các trang mạng xã hội vốn không cần thiết đối với người xuất gia”.

Đồng thời, còn bày tỏ thực trạng những vị Tăng Ni trẻ tách chúng sống độc lập trong khi bản thân chưa đủ khả năng chế ngự cám dỗ dục vọng.

“Đáng nói hơn thời gian gần đây còn có một vài trường hợp phát biểu quan điểm mang tính chủ quan, không mang tính xây dựng và không vì lợi ích số đông, đã gây ngộ nhận, tạo dư luận không hay trong Tăng Ni, Phật tử”, HT.Thích Huệ Thông nêu thực trạng.

Bổ sung cho ý kiến này, dưới góc nhìn của ngành Hoằng pháp, trong phần trình bày tham luận của mình, HT.Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư cho rằng việc yếu kém của công tác nhân sự trong lĩnh vực này thể hiện ở khía cạnh thiếu nhân sự tinh chuyên.

Từ nguyên nhân này dẫn đến tình trạng vị giảng sư thuyết giảng chưa tập trung vào mục tiêu giác ngộ giải thoát; hoặc vì quan điểm cá nhân hoặc do chủ quan và tầm nhìn giới hạn đã phân tích, biện giải quá xa những vấn đề về kinh điển; nội dung các thời thuyết giảng chưa thật sự đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng hoằng pháp của Giáo hội.

“Điều này cũng chứng tỏ công tác hoằng pháp thiếu đi sự tinh chuyên, đây được xem là yếu tố cần thiết trước yêu cầu phát triển của thời đại và phát triển chung của Giáo hội” - HT.Thích Bảo Nghiêm chia sẻ.

Trong khi đó, theo HT.Thích Minh Thiện, Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Long An thì hiện nay, có nhiều vị trụ trì tiếp nhận người xuất gia một cách dễ dãi, vào chùa vài hôm là cho phép xuất gia. Xuất gia rồi không tu tập, vi phạm giới luật. Đây là một trong những nguyên nhân khiến hình ảnh Tăng bảo mất uy tín và đánh mất lòng tin nơi hàng cư sĩ Phật tử.

Cần có chiến lược

Để giải quyết bài toán nhân sự, trang nghiêm Giáo hội, HT.Thích Huệ Thông đề nghị mỗi thành viên Giáo hội trước hết phải nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, đồng thời phát tâm phụng sự đạo pháp và dân tộc một cách vô điều kiện.

“Dù ở vị trí nào trong Giáo hội, điều đầu tiên là phải tuân thủ theo Hiến chương của Giáo hội, vì đây là khuôn phép, là mực thước nói lên thái độ và tư cách của một tu sĩ, bên cạnh đó phải là những công dân tốt gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật mà Nhà nước đã quy định”, HT.Thích Huệ Thông đề nghị.

Theo Hòa thượng, việc nghiêm trì giới luật và chấp hành kỷ cương Giáo hội chính là việc làm thiết thực góp phần xương minh Phật pháp, làm nền tảng cho sự nghiệp phát triển Giáo hội”.

Đặc biệt, do yêu cầu phát triển trong hoàn cảnh thời đại, HT.Thích Huệ Thông hiến kế về việc trẻ hóa nguồn nhân sự. Theo đó, Giáo hội cần có chủ trương, chiến lược giao cho các thành viên trẻ có trình độ, năng lực, tâm huyết và phạm hạnh trên cơ sở cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trong hệ thống giáo dục của Phật giáo, bồi dưỡng đội ngũ nhân sự trẻ một cách bài bản, hợp lý.

Nhấn mạnh về vai trò đạo hạnh của người xuất gia và cũng là yếu tố quan trọng trong công tác nhân sự Giáo hội, HT.Thích Bảo Nghiêm khẳng định mỗi thành viên của Giáo hội có sự chân tu thật học, tri hành hợp nhất thì mới thuyết phục mọi người hướng thượng, quy ngưỡng Phật giáo.

“Trong vô số phương tiện hoằng hóa độ sanh thì, trang nghiêm Giáo hội ý nghĩa sâu sắc nhất để cảm hóa người vẫn là đạo hạnh trang nghiêm, tư cách đạo đức thuần thục và sự  thực tu thực chứng của người xuất gia” - HT.Thích Bảo Nghiêm lý giải.

Cần bớt kiêm nhiệm

Trong khi đó, đề cập công tác nhân sự ở cấp vĩ mô hơn, ĐĐ.Thích Thông Đạo, Ủy viên HĐTS, Phó ban kiêm Chánh Thư ký GHPGVN TP.Đà Nẵng cho rằng Giáo hội cần tính đến việc cải cách hành chính theo hướng giảm đi thực trạng kiêm nhiệm trong tổ chức Giáo hội.

“Trên thực tế, một người mà kiêm nhiệm nhiều ban ngành khác nhau trong Giáo hội chắc chắn sẽ không đủ sức khỏe và thời gian tham dự các buổi họp, nói gì đến việc điều hành hay trực tiếp tham gia các Phật sự”, ĐĐ.Thích Thông Đạo khẳng định.

Vấn đề trụ trì và am cốc tự phát

Ở phương diện khác, HT.Thích Minh Thiện quan tâm đến vai trò của người làm công tác trụ trì vì chính vị trụ trì là biểu hiện về nhân cách của một cá thể đại diện cho hình ảnh Giáo hội.

“Để giúp cho vị trụ trì quản lý và điều hành tốt Phật sự tại cơ sở tự viện, hằng năm Giáo hội cần tổ chức thêm các khóa bồi dưỡng hành chánh và nghiệp vụ cho vị trụ trì; các khóa tập huấn kỹ năng hoằng pháp, tổ chức các khóa tu...”, HT.Thích Minh Thiện đề nghị.

Riêng đối với am thất tự phát, Hòa thượng khuyến nghị Giáo hội các cấp không nên mạnh tay dẹp bỏ, phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Nên dựa trên hai tiêu chí gồm Tăng Ni phải được đào tạo “trường lớp”, có tinh thần phụng sự Phật pháp và nhu cầu tín ngưỡng tại địa phương ấy. Nếu thỏa hai yêu cầu đó, các cấp Giáo hội nên kết hợp với chính quyền tạo điều kiện cho Tăng Ni, để vừa có cơ sở mới để hoằng dương Phật pháp vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào địa phương.

Bao Toan Giac Ngo 17.JPG
Toàn cảnh buổi trình bày tham luận 

Đúc kết các bài tham luận chiều nay, trong vai trò của người thay mặt cho Chủ tọa đoàn, HT.Thích Bảo Nghiêm đánh giá cao các hiến kế của chư tôn đức thông qua các bài tham luận bám sát chủ đề của đại hội: “Trí tuệ, kỷ cương, hội nhập, phát triển”. Hòa thượng khẳng định nội dung các tham luận sẽ được chọn lọc, bổ sung vào chương trình hoạt động nhiệm kỳ mới của Giáo hội.

Bảo Thiên
Ảnh: Anh Minh

giacngo.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu