GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 19:54:28 29-04-2017 (GMT+7) Lượt xem:4019

Ý nghĩa Phật Đản năm 2017 (PL.2561)

Trong kinh Phạm Võng, đức Phật đã dạy: "Giới như đèn sáng lớn, soi sáng đêm tối tăm, giới như gương báu sáng, chiếu rõ tất cả pháp”. Do vậy một người xuất gia đang hướng đến chân trời giác ngộ giải thoát, đều cần phải nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, đồng thời phát tâm phụng sự đạo pháp và dân tộc một cách vô điều kiện, vì đây là sứ là mệnh cao cả của một sứ giả Như Lai.

>>CHƯƠNG TRÌNH LỄ PHẬT ĐẢN

>>Chữ "Vạn" trong Phật giáo

TRÍ TUỆ VÀ KỶ CƯƠNG LÀ NỀN MÓNG CĂN BẢN
ĐỂ GHPGVN HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
 

Một sự kiện hy hữu trong đời sống nhân loại cách đây 2641 năm, tại Thánh địa Lâm Tỳ Ni, nước Ca Tỳ La Vệ của Ấn Độ cổ đại, Thái tử Sĩ Đạt Đa (Siddhartha) xuất hiện với ánh hào quang chiếu soi rực rỡ, đã mở ra một trang sử mới trong lịch sử loài người. Ngài đã đến cuộc đời từ tỉnh thức và thiền định, từ thể nhập chân lý và đại nguyện cứu khổ chúng sinh, Ngài đã trở thành bậc thầy của Trời, Người và soi sáng con đường giác ngộ cho nhân loại ngay trong đời sống hiện tiền.


Ngài thị hiện ở cõi đời này là vì một đại sự nhân duyên, đó là "Khai thị chúng sinh ngộ nhập Tri kiến Phật” nhằm mang lại hòa bình, an lạc cho con người, tạo lợi ích thiết thực đối với từng hành giả đã và đang nương theo giáo pháp của Ngài trên bước đường giải thoát và hoằng pháp lợi sinh. Từ đại sự nhân duyên này mà 2641 năm qua, bằng tỉnh thức và chính niệm, bằng chính kiến và chính tư duy, các thế hệ những người con Phật đều liên tục tiếp nối thừa hành giáo pháp của Ngài, biết xả ly tham ái, đoạn trừ vô minh phiền não nên đã đạt được sự bình an và luôn tận hưởng nguồn chân hạnh phúc.


Điều căn bản của trí tuệ theo tinh thần Phật dạy là chính niệm và tỉnh thức. Có chính niệm và tỉnh thức, người con Phật có thể sống theo thời duyên mà không bị nhấn chìm trong dòng chảy của sự thụ hưởng tầm thường, sự cám dỗ của tiền tài danh vọng, không hoảng sợ trước sự mất mát, không xu nịnh để mưu cầu lợi lộc ích kỷ… Chính niệm là cốt lõi của nền tảng đạo đức Phật giáo. Bởi thế nên dù đã ra đời hơn 26 thế kỷ, nhưng tinh thần nhân văn và nhân bản của Phật giáo vẫn luôn phù hợp với mọi thời đại cũng như các nền văn hóa trên thế giới.


Trong kinh Trường bộ, bài kinh Subha - thuộc kinh điển Nikaya ghi lại những lời tán thán về Ngài của các đối tượng đến nghe pháp, từ giai cấp nô lệ cho đến giai cấp Bà la môn và vua chúa như sau: "Thưa Ngài Cồ Ðàm, thật vi diệu, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để cho ai có mắt có thể thấy”.


Phật đản năm nay, Phật giáo đồ cả nước một lần nữa hân hoan đón mừng đại lễ kỷ niệm Đản sinh của đấng Từ phụ. Những người con Phật trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam lại được diễm phúc tắm mình trong ánh hào quang trí tuệ và suối nguồn từ bi vô lượng vô biên của đức Phật. Điều này cho thấy, nguồn sáng tuệ giác của đức Phật vẫn mãi mãi hiện hữu, trường tồn trong đời sống thế gian, bức thông điệp về tình thương và hòa bình, về trí tuệ và tỉnh thức, cách đây hơn 26 thế kỷ vẫn còn vẹn nguyên chân giá trị.


Tưởng niệm ngày đức Phật Đản sinh, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại những lời dạy của Ngài trong Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, thuộc Trung bộ kinh:"Này A Nan! Khi Bồ tát nhập vào mẫu thai, này A Nan, khi ấy có hào quang vô lượng, thần diệu, thắng xa oai lực của chư thiên hiện ra cùng khắp thế giới, gồm có thế giới chư Thiên, thế giới Ma vương và Phạm thiên, thế giới của các vị Sa môn, Bà la môn, thế giới loài người cho đến những cõi tối tăm không mặt trăng, không mặt trời hay ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh… Này A Nan! Khi Bồ tát từ bụng mẹ sinh ra, này A Nan, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che lên. Ngài nhìn khắp cả mọi phương rồi lên tiếng như ngưu vương, thốt lên rằng: "Như Lai là bậc tối thượng ở trên đời! Thiện Thệ là bậc tối tôn ở trên đời! Đấng Thế Tôn là bậc cao nhất ở trên đời, nay là đời sống cuối cùng không còn phải tái sinh ở đời này nữa”…


Trong Kinh Phạm võng, đức Phật đã dạy: "Giới như đèn sáng lớn, soi sáng đêm tối tăm, giới như gương báu sáng, chiếu rõ tất cả pháp”. Do vậy một người xuất gia đang hướng đến chân trời giác ngộ giải thoát, đều cần phải nghiêm trì giới luật, tinh tấn tu hành, đồng thời phát tâm phụng sự đạo pháp và dân tộc một cách vô điều kiện, vì đây là sứ là mệnh cao cả của một sứ giả Như Lai. Có như vậy, kỷ cương giới luật của nhà Phật mới được duy trì. Giáo pháp và giới luật của Đức Phật luôn là thành trì để phòng hộ đạo tâm, là phương tiện thù thắng để mọi hành giả tiến đến cảnh giới Niết bàn tịch tịnh.


Đại lễ kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Từ phụ năm naydiễn ra trong bối cảnh kinh tế xã hội ngày càng phát triển, an ninh trật tự ổn định,đất nước ngày càng vững bước trên tiến trình hội nhập, khẳng định vai trò, vị thế của dân tộc trong khu vực và trên trường quốc tế. Trước những điều kiện thuận lợi từ hoàn cảnh xã hội và sắc thái lạc quan của Phật giáo thời đại, với quyết tâm đổi mới vì sự nghiệp phát triển bền vững của Giáo hội và xương minh Phật pháp, trên tinh thần lấy trí tuệ làm phương châm cho sự nghiệp giải thoát, lấy kỷ cương, giới luật làm nền tảng đạo đức để ổn định tổ chức, lấy tinh thần tùy duyên bất biến của đạo Phật đi vào đời để hoằng dương Chính pháp nương theo sự hội nhập của xã hội, chắc chắn, ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ phát triển vững mạnh và ngày một tiến xa hơn.


Chúng ta được đón mừng Phật đản lần thứ 2561 trên quê hương Việt Nam thanh bình, thịnh vượng, nhưng trên thế giới vẫn còn nhiều biến động, mâu thuẫn, xung đột, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu mà Việt Nam là một trong những nước đang phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, trên bước đường đồng hành cùng dân tộc, với truyền thống yêu nước, hộ quốc an dân và là một thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết dân tộc, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam cần phải sống có trách nhiệm với cộng đồng, luôn đặt quyền lợi Tổ quốc lên hàng đầu, lấy tư tưởng đoàn kết hòa hợp làm nòng cốt cho mọi hoạt động Phật sự, đồng lòng chung sức góp phần cho sự nghiệp phát triển phồn vinh của đất nước và sự ổn định của thế giới.


Trước thực tế này, hơn bao giờ hết, 4 yếu tố cực kỳ quan trọng cho sự nghiệp phát triển bền vững của Giáo hội là: Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển cần phải được thực thi một cách tích cực từ Trung ương đến địa phương, từ toàn xã hội đến mỗi người đệ tử Phật. Muốn Phật giáo Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh thời kỳ hội nhập, những tiêu cực chỉ có thể khắc phục bởi sự thay đổi tư duy, nhận thức đúng với tinh thần của người xuất gia học Phật, cụ thể  là tinh thần tự giác nỗ lực công phu hành trì của mỗi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội. Thiết nghĩ, để thực hiện được điều này, chỉ có giải pháp duy nhất là sống, làm việc, hành đạo và hoằng pháp lợi sinh trên nền tảng thực hiện một đời sống trí tuệ và gìn giữ giới luật. Đó cũng là yếu tố cần thiết để trang nghiêm Giáo hội trên con đường đồng hành cùng dân tộc, góp phần làm đẹp cuộc đời. Vì thế, chúng ta hãy phát huy một cách triệt để tinh thần này trong Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII. Đó cũng chính là việc làm thiết thực và ý nghĩa để những người con Phật kết thành những nén tâm hương dâng lên cúng dường đấng Từ phụ Bản sư Thích Ca Mâu Ni nhân ngày Khánh đản.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự,
Trưởng Ban Hoằng pháp T.Ư GHPGVN
PGVN

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu