GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 06:10:30 03-09-2017 (GMT+7) Lượt xem:4803

Gương hiếu hạnh đức Mục Kiền Liên

Hôm nay là ngày lễ Vu lan; đối với Phật giáo Việt Nam, ngày lễ này có ý nghĩa rất lớn vì đây là ngày Tôn giả Mục Kiền Liên cứu mẹ thoát khỏi khổ hình trong địa ngục.

 

Tại sao ngài Mục Kiền Liên là vị đệ tử của Phật, cũng như bao nhiêu vị A La Hán khác nhưng khi nhắc đến chữ Hiếu, ngài luôn được nhắc đến đầu tiên? 

Bởi vì người Việt Nam lâu nay nặng về chữ Hiếu, tổ tiên ông bà cha mẹ đều lấy chữ Hiếu làm đầu. Gương của ngài Mục Kiền Liên là một gương sáng nói lên lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ, nên rất thích hợp với Phật giáo Việt Nam.


Cho nên Phật giáo nước ta xem ngày Lễ Vu Lan rất quan trọng, để nhắc nhở tất cả phật tử đều ý thức ngày lễ này là một hình ảnh đẹp, là một tấm gương sáng ngời, chúng ta phải hằng nhớ hằng biết, chứ không thể lơ là được. Người Việt Nam mình luôn đặt chữ Hiếu làm đầu, điều này có sai lệch không? Chắc là không. Bởi vì ai cũng thấy rõ, chúng ta nhờ thừa hưởng sự trao truyền từ cha mẹ mà mình có hình hài, có thân thể này. Sự trao truyền đó là huyết thống, chứ không phải chuyện ở bên ngoài. Cho nên mọi điều hay dở, tốt xấu của chúng ta đều là niềm vui buồn hay đau khổ của cha mẹ. Bổn phận làm con không bao giờ quên ơn cha mẹ, bởi vì thâm ân đó không thể nào chối cãi, không thể nào từ bỏ được.

Người nào thấy cha mẹ già có vẻ lẩm cẩm một chút mà xem thường cha mẹ là có lỗi lớn. Dù cha mẹ lẩm cẩm bao nhiêu đi nữa, nhưng chúng ta cũng nhớ rằng bản thân mình là một phần của thân thể cha mẹ, không thể tách rời, không thể đứng riêng, dù muốn chối bỏ cũng không chối bỏ được. Thân này đã là của cha mẹ mà mình phụ rẫy, vong ân thì điều đó thật vô nghĩa, không xứng đáng là một con người. Do đó lòng hiếu thảo đối với chúng ta là một chân lý. Trên thế gian này không có ân nào quý trọng và cao cả bằng ân cha mẹ. Nếu ân cao cả như vậy mà chúng ta quên đi thì những ân thường trong xã hội, ân của bạn bè giúp đỡ, chúng ta làm gì biết ơn và đền ơn.

Như vậy muốn thành người tốt, có đạo đức, trước tiên phải là người con hiếu thảo. Người phật tử không phải tu theo Phật để chỉ cầu giải thoát sinh tử thôi, mà còn tu trong bổn phận làm người, trong đó cha mẹ là trên hết. Đối với cha mẹ mà quên thì cầu thành Phật, cầu giải thoát, e rằng chưa được. Vì sao? Vì ngài Mục Kiền Liên đã chứng A la hán rồi mà còn chưa quên công ơn của mẹ, huống nữa chúng ta là phàm tăng phàm ni, lại không nhớ, không kể gì đến ân cha mẹ, đó là một điều thiếu sót không thể chấp nhận được.
 

Vì vậy ngày lễ Vu lan vừa là lễ Phật, lễ Bồ tát, lễ A la hán tức ngài Mục Kiền Liên, mà cũng là một ngày gợi nhắc lại cho chúng ta tinh thần cao đẹp của tổ tiên mình. Chúng ta phải nhớ ngày lễ Vu Lan có ý nghĩa trọng đại như thế, chứ không phải tới ngày này chỉ cầu nguyện cho ông bà siêu sinh Tịnh độ thôi, mà chúng ta luôn nghĩ tới bổn phận làm con đối với cha mẹ. Nghĩ đến tình thương cha mẹ đối với chúng ta như thế nào để cố gắng tu hành, cố gắng đền trả công ơn lớn lao của cha mẹ. Như vậy mới xứng đáng là người con Phật, cũng xứng đáng là người phật tử Việt Nam.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ngài Mục Kiền Liên đã tu chứng lục thông, có thể đến được chỗ của mẹ ở trong cõi ngạ quỷ đói khát, mà không dùng thần thông cõng mẹ chạy lên cõi Trời cho sung sướng? Tại sao thấy cảnh mẹ khổ rồi khóc trở về, không làm gì được? Đó là một vấn đề cần phải hiểu rõ. Trong nhà Phật có câu: “Thần thông bất năng địch nghiệp”, nghĩa là thần thông không thể diệt được định nghiệp. Nghiệp đã nhất định rồi, dù có thần thông cũng không đổi dời được.

Như trường hợp đức Phật khi đã đắc quả rồi, dòng họ Thích bị vua Lưu Ly cử binh sang đánh. Đức Phật nhiều lần khuyên ngăn nhưng không được, cuối cùng Phật cũng đành chịu để vua Lưu Ly chém giết dòng họ Thích Ca. Như vậy để thấy khi định nghiệp có rồi thì khó cải đổi được. Đức Phật không cứu được dòng họ cũng như ngài Mục Kiền Liên không cứu được mẹ, dù là có thần thông. Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy rõ thần thông không chuyển được định nghiệp của người khác.

Trong nhà thiền thì xem thường thần thông lắm. Như tổ Hoàng Bá ở Trung Hoa, ngài lên núi Thiên Thai vào mùa mưa, khi xuống núi gặp một vị tăng, cả hai kết bạn cùng đi. Đi một đỗi gặp dòng suối lớn, nước chảy mạnh, đằng xa có một con thuyền. Vị tăng cùng đi bảo: “huynh đi qua đi”. Ngài Hoàng Bá nói: “huynh qua được thì cứ qua trước”. Vị tăng nọ liền vén áo, đi thật nhanh trên mặt nước qua bờ bên kia. Ngài Hoàng Bá dùng thuyền qua sau. Đến bờ bên kia, người bạn đồng hành cười ra vẻ xem thường ngài không có thần thông.

Ngài hỏi: Huynh tập bao lâu mới được thần thông?


Đáp: Ba mươi năm.


Ngài Hoàng Bá nói: Công của huynh tập ba mươi năm, giá đáng hai xu thôi.

Vì bỏ ra ba mươi năm để có thần thông đi qua dòng suối, trong khi thiền sư chỉ cần tốn hai xu qua đò là xong. Nên ngài nói công tập ba mươi năm chỉ đáng giá hai xu! Như vậy để chúng ta hiểu đạo Phật trọng tu hành chuyển nghiệp hơn là thần thông. Bởi vì nghiệp mình tạo sẽ chuốc quả khổ, người khác có thần thông không cứu được. Muốn hết nghiệp phải chuyển từ lúc ban đầu, chớ không phải luyện tập thần thông mà được.

Nghiệp của bà Thanh Đề, mẹ ngài Mục Kiền Liên là nghiệp gì? Bỏn xẻn là một phần nhỏ, lớn hơn là lòng hiểm ác. Từ nghiệp hiểm ác bỏn sẻn mà đọa vào kiếp ngạ quỷ, làm quỷ đói. Đã đọa rồi thì phải chịu quả, dù con mình có thần thông cũng không cứu được. Cho nên biết thần thông không chuyển được nghiệp, chỉ tu mới chuyển được thôi. Đó là giải đáp thắc mắc về vấn đề thần thông.

Còn một vấn đề nữa, sau khi ngài Mục Kiền Liên về, trình lên Phật nỗi đau khổ vì thấy mẹ đói, ngài đem cơm cho mẹ ăn mà bà ăn không được. Ngài muốn cứu mẹ, không làm sao cứu được. Phật mới dạy Tôn giả thỉnh chư tăng cầu nguyện cho mẹ ngài chuyển kiếp ngạ quỷ. Sau khi tổ chức Lễ Vu Lan rồi, chư tăng thọ trai xong, đồng thời nguyện cầu cho bà chuyển được tâm niệm ác độc trở thành tâm niệm lương thiện. Nương nơi sức cầu nguyện của chư Thánh tăng, bà chuyển được tâm xấu ác thành tâm thiện lành, liền sinh lên cõi Trời. Nhân đó, người ta đặt câu hỏi đạo Phật nói nhân quả, tạo nhân nào thì chịu quả nấy, tại sao cầu nguyện liền mất hết quả cũ. Như vậy lý nhân quả nằm ở chỗ nào? Đó là một vấn đề.

Quý phật tử nên biết không phải chư tăng tụng kinh cầu nguyện, liền đó bà Thanh Đề được sinh về cõi Trời. Hương linh của người chết đọa vào kiếp ngạ quỷ, họ sống, họ ăn bằng cái tưởng. Chúng ta cúng cô hồn gồm muối, gạo, cơm cháo…, cúng rồi còn hay hết, cúng rồi còn nguyên. Như vậy rõ ràng do tâm tưởng, họ ăn được no. Họ ăn bằng cái tưởng nên họ sống bằng tâm tưởng nhiều hơn sống bằng cái thực. Vì thể xác của họ không nặng nề như mình, mà nhẹ nhàng như bóng như gió vậy. 

Do sống bằng tâm tưởng nên khi chuyển tâm tưởng lại thì liền đó thoát khổ. Khi chư tăng nguyện lành cho bà, bà thức tỉnh chuyển tâm hiểm ác keo kiệt trở thành tâm lương thiện, liền sinh cõi Trời. Như vậy không phải chư tăng có khả năng đưa bà lên cõi Trời, mà do bà chuyển được tâm niệm nên sinh về cõi Trời.

Lúc trước bà chết, tâm hiểm ác keo kiệt dẫn bà đi vào cõi Ngạ quỷ. Thế thì quý phật tử nhất là những vị lớn tuổi cần phải đề phòng. Chúng ta khi ra đi sẽ theo tâm tưởng mà thác sinh. Tưởng lành tưởng ác sẽ dẫn mình đi vào đường lành đường ác. Do đó nhà chùa hay tổ chức lễ cầu nguyện cho người sắp lâm chung, chư tăng chư ni hoặc huynh đệ phật tử tới hộ niệm để làm gì? 

Bởi vì khi chúng ta sắp xả thân, thể xác này đau đớn khổ sở vô kể, vì lo đau đớn nên quên niệm lành. Bây giờ muốn được niệm lành phải có sự trợ lực của chư tăng chư ni hoặc huynh đệ, cùng đọc lên những lời dạy của Phật tức là đọc kinh, để mình nhớ lại Phật mà quên những niệm xấu. Nhờ nhớ Phật, quên niệm xấu nên nhắm mắt mình đi đường lành. Đó là ý nghĩa quan trọng của người trợ niệm.

Chúng ta khi còn khỏe mạnh tỉnh táo nghĩ tới điều lành, nghĩ tới lời Phật dạy không khó. Nhưng lúc đau đớn khổ sở, thân thể bức ngặt quá, thật là khó nhớ. Cho nên bây giờ chúng ta ráng tu, ráng gìn giữ tâm tư trong sáng. Những tâm tư trong sáng đó giúp mình khi bức bách không bị quên, không bị xao lãng, nếu không tu như vậy tới chừng đó chúng ta không thể chuyển kịp. 

Nhiều người khi sống cũng làm đôi ba việc thiện, nhưng khi chết đau khổ quá, ai làm trái ý liền nổi giận lên. Chính cái giận đó sẽ dẫn họ đi vào đường ác, gọi là cận tử nghiệp, cái đó hết sức hệ trọng. Quý phật tử nghĩ đến sự tu thì ráng tập tâm tư của mình luôn luôn trong sáng. Khi gần nhắm mắt được chư tăng chư ni hoặc các phật tử giúp cho, mình cố gắng thêm quên cái đau đớn, chỉ nhớ Phật, đó là duyên tốt để đi đường lành. Người thân cũng nên nhớ đừng gây phiền hà buồn bực làm cho thần thức kẻ sắp lâm chung đi vào đường khổ.

Bởi vậy tinh thần hiếu thảo của phật tử là phải quý trọng giờ lâm chung của cha mẹ, đem hết lòng thành kính thỉnh mời chư tăng chư ni tới để trợ lực giúp cho cha mẹ tỉnh táo, nhớ được điều lành. Đây là việc hết sức thiết yếu. Phật tử nhớ chúng ta tu là làm sao cho hiện đời được an lạc, khi nhắm mắt đi trên đường lành. Đó là người biết lo xa, chuẩn bị trước, không phải tu chỉ để được phước. Được phước mà tâm còn tối tăm, xấu xa thì phước chưa đủ để đưa mình tới chỗ lành.

Như chúng ta thấy có nhiều con chó sướng hơn con người, phải không? Nó được cưng được quý, trong khi nhiều con người sống lang thang rất khổ sở. Bây giờ đặt câu hỏi ngược lại, có phước mới được làm người, vô phước mới làm súc sinh, tại sao đã làm súc sinh mà sướng hơn người? Đó là một vấn đề chúng ta cần phải hiểu rõ. Bởi vì người vừa làm phước vừa tạo tội nên sinh có quả không cố định được. 

Ví như người đi ăn trộm được tiền nhiều, họ đem cúng chùa một phần, hưởng một phần. Như vậy một bên làm tội một bên làm phước. Có tội thì phải đọa, nhưng làm phước thì hưởng phước. Cho nên tuy tội đọa làm súc sinh mà vẫn hưởng được phước sung sướng. Phật tử tu làm sao để vừa được làm người, vừa có phước nữa, chớ đừng có phước mà không được làm người, uổng lắm. Hiểu rõ như vậy chúng ta sẽ không thắc mắc về thân phận và quả phước khác nhau của chúng sinh.

Quý vị tu hành không phải chỉ làm phước thôi mà ráng chuyển tâm của mình làm sao cho tốt, cho thanh tịnh sáng suốt. Đó mới là gốc của sự tu. Phước để bổ túc thêm khiến cho chúng ta có mặt ở đâu đều được an vui, sung sướng, dễ tu. Trong nhà Phật thường gọi là phước tuệ song tu. Tuệ là trí tuệ để chiếu soi làm cho xấu xa suy giảm, rồi sau đó tu phước nữa thì mới được hưởng đầy đủ. Đó là nói sơ lược qua về ý nghĩa của tinh thần kinh Vu Lan trong nhà Phật.
HT.Thích Thanh Từ
phatgiao.org

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu