GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 14:16:41 05-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:11110

Ý Nghĩa Hai Chữ "Công Quả"

Hai chữ công quả, thường có nhiều người hiểu lệch lạc phiến diện về ý nghĩa của nó. Họ cho rằng, chỉ có những ai tới chùa làm công kia việc nọ, giúp cho chùa, thì mới gọi là làm công quả.

Ngoài ra, làm những việc khác hay ở những nơi khác, thì không phải là làm công quả. Hiểu thế, tuy không phải là sai hẳn, nhưng thực ra thì chưa đúng ý nghĩa của hai chữ công quả. Vậy công quả nghĩa là gì? Công: nguyên là chữ Hán, nghĩa đen của nó là thợ. Là người bỏ công sức ra chuyên làm một ngành nghề nào đó, thì gọi đó là công. Như nói công nhân hay công phu. Công nhân là người dùng sức lao động của mình mà làm một công việc nặng nhọc nào đó, hoặc bằng chân tay hay trí óc. Còn công phu là người (phu) vận dụng năng lực làm một công việc, mang tính tinh thần siêu thoát nhiều hơn. Như nói công phu tham thiền, công phu lễ bái, niệm Phật v.v…

 

 

mai

 

Còn chữ “quả” cũng là chữ Hán, nghĩa đen là trái. Nghĩa bóng là thành quả hay kết quả của một việc làm hay lời nói. Như vậy, hai chữ công quả, có nghĩa là khi chúng ta dùng sức làm một công việc nào đó, tùy theo chỗ dụng công tốt hay xấu mà nó sẽ đưa đến cái kết quả cũng có tốt xấu khác nhau. Nói gọn cho dễ hiểu, công là nhân mà quả là kết quả. Hiểu như thế, thì đâu phải chỉ có tới chùa làm việc giúp cho chùa mới là công quả, còn làm những việc khác, như tụng kinh, lạy Phật, niệm Phật, dịch kinh ở nhà v.v… thì không phải là công quả hay sao? Hiểu thế, thì chúng ta mới thấy nghĩa của hai chữ công quả rất sâu rộng. Chúng ta có thể áp dụng hai chữ nầy vào bất cứ công việc nào và bất cứ ở đâu. Không nhứt thiết chỉ có tới chùa mới gọi là làm công quả. Đó chẳng qua chỉ là một tập quán thông thường mà lâu nay người ta quen gọi như thế. Hiểu như vậy là chỉ hiểu một cách hạn hẹp và phiến diện. 

 

Điều quan trọng mà người Phật tử cần phải nhớ là khi làm bất cứ việc gì và ở đâu, thì chúng ta cũng phải cẩn thận ở nơi ba nghiệp. Nếu chúng ta làm với tâm loạn tưởng, si mê, sân hận nóng nảy… thì kết quả chẳng những không có phước đức mà còn mang thêm trọng tội nữa. Cái nhân (công) không tốt, thì thử hỏi cái quả làm sao tốt đẹp cho được? Cho nên, khi bỏ công sức ra làm bất cứ điều gì, ta phải cẩn trọng khéo gìn giữ ở nơi ba nghiệp: thân, miệng, ý cho được nghiêm túc trong sạch. Nhất là ý nghiệp. Nếu chúng ta không khéo gìn giữ trong khi hành động hoặc nói năng, thì kết quả có khi sẽ trái ngược lại. Như một người ra sức trồng cây mà không quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng, thì kết quả, cái cây kia sẽ không thể nào đơm hoa kết trái tốt đẹp như ý muốn được. 

 

Thích Phước Thái

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu