GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 05:24:49 29-09-2017 (GMT+7) Lượt xem:3170

Nguồn gốc và ý nghĩa của tết Trung thu

Trải qua hàng ngàn năm, con người luôn cho rằng có mối liên hện giữa cuộc đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.

3 sự tích về Tết trung thu

Tết Trung thu có nguồn gốc từ rất lâu đời. Tuy nhiên, đến bây giờ, người đời vẫn chưa xác minh rõ ràng được Tết Trung thu bắt nguồn từ văn minh lúa nước của Việt Nam hay tiếp nhận từ văn hóa Trung Hoa.

Có ba truyền thuyết chính được người ta biết đến nhiều nhất để nói về Trung thu là vua Đường Minh Hoàng với khúc Nghê Thường Vũ Y, Hằng Nga và Hậu Nghệ và Sự tích về chú Cuội của Việt Nam.

Chuyện xưa kể rằng vua Đường Minh Hoàng (Trung Quốc) dạo chơi trong vườn ngự uyển vào đêm tháng 8 âm lịch. Đang thưởng thức cảnh đẹp thì gặp đạo sĩ La Công Viễn còn được gọi là Diệp Pháp Thiện. Đạo sĩ có phép tiên đưa nhà vua lên cung trăng. Ở đấy, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên và du dương với âm thanh ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu xinh tươi múa hát.

Về tới hoàng cung, nhà vua còn vấn vương cảnh tiên nên đã cho chế ra khúc Nghê Thường Vũ Y và cứ đến đêm Rằm tháng 8 lại ra lệnh cho dân gian tổ chức rước đèn và bày tiệc ăn mừng múa hát khúc Nghê Thường Vũ Y. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày Rằm tháng 8 đã trở thành phong tục của dân gian.
 


Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Sự tích Tết Trung thu ở Trung Quốc liên quan đến truyền thuyết vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng
 
Về chuyện Hằng Nga – Hậu Nghệ thì được kể lại như sau: Ngày xưa trên trời xuất hiện 10 ông mặt trời cùng chiếu sáng làm đất nóng đến bốc khói, biển hồ khô cạn, người dân cũng không thể sống nổi. Lúc đó, có một người anh hùng tên là Hậu Nghệ đã trèo lên một đỉnh núi cao, giương nỏ thần bắn rụng chín ông mặt trời, cứu sống muôn loài.

Hậu Nghệ có một người vợ xinh đẹp, tốt bụng, tên là Hằng Nga. Viên thuốc bất tử, thành tiên được Vương mẫu ban cho chàng nhưng vì thương vợ hiền nên Hậu Nghệ giao cho Hằng Nga cất giữ. Không ngờ học trò của Hậu Nghệ là Bồng Mông rắp tâm chiếm lấy. Trong lúc nguy cấp, Hằng Nga đành uống viên thuốc bất tử. Nhưng do nàng còn nhớ chồng, nên chỉ bay đến mặt trăng là nơi gần với nhân gian nhất rồi trở thành tiên.
 


Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Hằng Nga và Hậu Nghệ
 
Tuy nhiên, ở Việt Nam lại có truyền thuyết về chị Hằng – chú Cuội kể rằng, ngày xưa, trên trời có một nàng tiên nữ tên là Hằng Nga, nàng rất xinh đẹp và chăm chỉ cai quản cả một vầng trăng sáng lung linh.
 
Một hôm, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm” vào ngày Rằm tháng 8 – là ngày mà trăng tròn và sáng nhất trong năm, người nào làm được loại bánh ngon nhất, đẹp nhất và lạ mắt nhất sẽ được trọng thưởng bất kỳ điều gì mình muốn. Khi xuống trần gian để tham khảo cách làm bánh, nàng gặp được "Cuội" – một chàng trai chuyên gia nói dóc.

Ngoài tài "nói dóc", Cuội rất giỏi nấu nướng, cậu thường tự tay làm bánh cho bọn trẻ trong làng ăn nên các bé rất yêu quý Cuội. Hằng Nga biết vậy rất vui mừng và ngỏ ý nhờ Cuội cùng nàng làm ra loại bánh mới. Những chiếc bánh ra lò thơm phưng phức, các em nhỏ ăn vào đều khen rất ngon. Đã đến thời hạn trở về thiên đình, Hằng Nga đem những chiếc bánh chưa đặt tên thật ngon lên thiên đình dự thi.
 


Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Tết Trung thu ở Việt Nam thường gắn liền với sự tích chú Cuội

Nhưng chàng Cuội vì lưu luyến không muốn rời xa nàng, nên đã nắm chặt lấy tay nàng và thật kì lạ, có một sức mạnh siêu nhiên nào đó đã kéo chàng cùng cây đa đầu làng lên cung trăng. Leo lên cây đa chàng có thể nhìn thấy bọn trẻ đang vui đùa dưới trần gian. Có đôi lúc nhớ nhà, nhớ các em, Cuội chỉ biết ngồi khóc và buồn bã. Về phần Hằng Nga, món bánh độc đáo của nàng đã giành giải nhất và được Ngọc Hoàng đặt tên là "bánh Trung Thu" và ban cho nàng một điều ước.

Nàng ước rằng mỗi năm đến dịp ngày Rằm tháng 8 sẽ được cùng Cuội xuống trần gian để ban phát niềm vui và vui chơi cùng các em nhỏ. Điều ước được chấp nhận và Ngọc Hoàng đặt tên cho ngày Rằm tháng 8 là "Tết Trung Thu" – dịp tết vui chơi của các em nhỏ.

Ý nghĩa của Tết trung thu

Tết trung thu diễn ra vào ngày 15 của tháng 8 theo Âm lịch và đã có từ ngàn năm nay. Đây là thời gian mặt trăng tròn nhất và sáng nhất, đây cũng là thời gian người châu Á thu hoạch xong mùa vụ và bắt đầu tổ chức những lễ hội mà tiêu biểu trong đó là Lễ hội trăng rằm. Món ăn được người Á Đông lưu tâm nhất trong mùa lễ hội này đó là bánh Trung thu, với rất nhiều hương vị khác nhau và thường được thưởng thức với trà, thường là trà đặc. 

 Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Bánh Trung thu thường được thưởng thức với trà 
 
Xưa đến nay, người Việt vẫn luôn cho rằng có mối liên hệ giữa cuội đời và vầng trăng. Trăng tròn và trăng khuyết, niềm vui nỗi buồn, sự đoàn tụ, sum họp hay chia tay. Cũng từ đó trăng tròn là biểu tượng của sum họp và Tết trung thu cũng được gọi là Tết đoàn viên.
 
Theo phong tục người Việt chúng ta, trong dịp Tết Trung thu này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng. 
 Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Mâm cỗ Trung thu
 
Nhân dịp Tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung thu này được gọi là “phá cỗ”.
 Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Múa lân trong dịp Tết Trung thu
 
Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm. Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. 

Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau. Người Hoa hay tổ chức múa lân trong dịp Tết Nguyên đán. Người Việt lại đặc biệt tổ chức múa sư tử hay múa lân trong dịp Tết Trung thu. Con Lân tượng trưng cho điềm lành. 
 


Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Trẻ em phá cỗ trong đêm Trung thu
 
Theo lệ đó, từ đó đến nay, khi đón trăng, đón Tết Trung thu, khắp nơi, mọi nhà, mọi người, nhất là các em nhỏ, được người lớn chuẩn bị cho Tết, hướng dẫn trẻ em ngắm trăng vui chơi, múa hát, đánh trống, rước đèn ông sao và các hình con vật, cùng nhiều đồ chơi thích thú. 
 Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Rước đèn ông sao là điều không thể thiếu trong Tết Trung thu Việt Nam
Người lớn không chỉ mua sắm, tổ chức, hướng dẫn cho con trẻ, mà cũng cùng các em vui chơi thoả chí và thích thú đón trăng, phá cỗ dưới trăng làm nên sự thăng hoa tình cảm, trí tuệ, trước thiên nhiên, cuộc sống, khi mùa thu êm ả, mát mẻ, dễ chịu, thoải mái, hứng khởi đi tới tương lai của cộng đồng và mỗi người.
 
Sau Cách mạng Tháng 8 nhất là từ năm 1947, khi Bác Hồ gửi thư Trung thu cho thiếu nhi cả nước, Tết Trung thu mới thực sự trở thành Tết của tất cả trẻ em và được tổ chức vui chơi tưng bừng, rộn ràng, phấn khởi, vừa mang nhiều nguồn vui, vừa có ý nghĩa xã hội, đời sống… khi toàn xã hội, gia đình tận tình chăm sóc trẻ em. 
 Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết trung thu
Trẻ em vui chơi, rước đèn trong Tết Trung thu
Sinh thời, hàng năm, Tết Trung thu về, Bác Hồ đều gửi thư cho thiếu nhi. Bác còn đến một số nơi vui chơi, tặng quà, đón trăng cùng các cháu. Đó là tấm lòng yêu dấu thấu tình của Bác, của tất cả người lớn với lớp măng non của dân tộc-người kế nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu