Với truyền thống tốt đạo đẹp đời, đất nước ta có chiều dài lịch sử hơn bốn nghìn năm văn hiến và đặc biệt, dân tộc Việt Nam có tín ngưỡng lâu đời là thờ cúng ông bà tổ tiên. Thế cho nên đạo thờ ông bà tổ tiên nói lên tinh thần hiếu thảo là văn hóa đạo đức bất di bất dịch đối với đời sống đạo đức con người.
Tôi được sinh ra tại Bình Dương với truyền thống gia đình thờ ông bà tổ tiên khi có cha Nam, mẹ Bắc, cha mẹ tôi lấy nhau có tám mặt con, tôi là anh cả sinh năm 1960, đứa em út sinh năm 1972. Là đứa con lì nhất nhà do tiêm nhiễm thói hư tật xấu khi còn nhỏ. Trong cuộc đời này, tôi không thể nào tìm được người nào như người mẹ sinh ra tôi bây giờ. Bà phải rời quê hương Thái Bình vào Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt, xa cha mẹ họ hàng từ khi mới tám tuổi.
Không có điều kiện đến trường nên bà phải chịu thất học, dốt nát, chỉ biết từ làm mướn cho đến mua gánh bán bưng. Lớn lên gặp cha tôi rồi sinh ra tám mặt con. Từ vai trò người nội trợ, mẹ tôi phải kiêm luôn trụ cột gia đình kể từ khi cha tôi bị bắt buộc đi lính. Lúc này tôi đã sa đà quá mức, bệnh hoạn nghiện ngập, mất phương hướng, nợ nần chồng chất không có khả năng chi trả, bế tắc đau khổ tột cùng, không còn lối thoát, đến mức chỉ muốn tự tử vì cho rằng chết là hết. Về thăm mẹ lần cuối, nghe bà khuyên đi tu, tôi vẫn quen thói biện bác hằn học. Tuy nhiên, vật cùng tắt biến, trong phút giây ấy lời của mẹ như một dòng suối ngọt ngào êm dịu, nhiệm mầu len lỏi vào tâm thức làm cho tôi xiêu lòng mà không hay.
Năm 1993, do cuộc sống bế tắc không có lối thoát, với ý định muốn tự tử nên về thăm mẹ lần cuối rồi ra đi cũng chưa muộn. Nghe tôi có ý định muốn kết liễu đời mình, mẹ tôi mới khuyên rằng tội gì phải chết, đi tu đi con, đi tu sướng lắm con ơi! Tôi mới cãi lại tu làm sao sướng, tu khổ thấy bà. Tuy nói như thế… nhưng tôi vẫn nghe theo lời khuyên của mẹ.
Để đánh đổi với cái chết, tôi nghe lời khuyên của mẹ để chấp nhận đi tu. Những tưởng như vậy cho xong chuyện. Nhưng không ngờ từ đó, nhờ tấm lòng hộ trì của mẹ, sự kiên trì dần dần được bồi đắp trong tôi. Tôi đã thực hiện thời gian tự cai nghiện, tuy khó khăn vất vả nhưng thành công ngoài sức tưởng tượng. Sau cơn mưa trời lại sáng. Tôi đã chiến thắng chính mình vượt qua những thói quen đam mê nghiện ngập và quyết định đầu Phật xuất gia.
Người con hiếu thảo là hết lòng cung kính và dưỡng nuôi cha mẹ dù bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không nề hà hay phiền trách. Ai luôn biết hiếu dưỡng với cha mẹ là người sống có nhân cách đạo đức, nên dễ thành công trên đường đời.
Hiếu dưỡng cha mẹ: Nghĩa là cung kính dưỡng nuôi cha mẹ đầy đủ về phương diện vật chất từ thức ăn uống, chỗ ở cho đến thuốc thang mỗi khi bệnh hoạn hay những lúc già yếu. Người phật tử chân chính nếu biết cúng dường Tam bảo, làm từ thiện để giúp đỡ người khác thì trước tiên phải biết cung kính hiếu thảo với cha mẹ mình.
Hiếu tâm đối với cha mẹ: Cung cấp và dưỡng nuôi cho cha mẹ là trách nhiệm và bổn phận của con cái. Tuy nhiên, không ít trường hợp người con báo hiếu cha mẹ không thật lòng, chẳng qua là vì hoàn cảnh bắt buộc. Cho nên, con cái cung kính hiếu thảo với cha mẹ, một lòng mong muốn cha mẹ được an vui, hạnh phúc gọi là hiếu tâm.
Hiếu hạnh đối với cha mẹ: Báo hiếu nghĩa là một trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của con cái, báo hiếu là truyền thống tốt đẹp, là một nếp sống đạo đức được truyền thừa lại cho con cháu. Nếu nói cho đúng nghĩa, báo hiếu là việc làm của người giác ngộ, của các vị Bồ tát. Chính vì vậy, ai đã làm người phải xem việc báo hiếu là một nghĩa vụ thiêng liêng của đời mình.
Hiếu đạo đối với cha mẹ: Con người ở đời nhờ ơn cha mẹ mà lớn lên, cho nên đạo lý làm người là phải biết nhớ ơn và đền trả công đức sinh thành của bậc song thân. Đây là đạo lý nền tảng giúp cho mọi người sống phải có ý thức trách nhiệm, về mọi hành vi đạo đức ở đời nhằm thăng hoa cuộc sống mà hoàn thiện chính mình, bằng trái tim yêu thương và hiểu biết. Nếu chúng ta chỉ nuôi dưỡng cho cha mẹ bằng vật chất thì gọi là hiếu thế gian, còn những ai biết hướng dẫn cha mẹ quy hướng về Phật pháp, tin sâu nhân quả, tránh dữ làm lành là hiếu dưỡng cao thượng.
Tổ đình Thiền viện Thường Chiếu là nơi đào tạo con người tâm linh, ai vào đây cũng phải năm ba phen khóc thầm thì họa may mới có cơ hội làm mới lại chính mình. Tôi là một trong những người có đủ duyên lành được sống để học hỏi, làm việc và tu sửa tuy có phần chậm lụt hơn chư huynh đệ pháp lữ thiền môn. Nhưng quả thật tôi cảm thấy hạnh phúc tràn đầy vì không ngờ tất cả mọi thứ đều được chuyển hóa và thay đổi theo thời gian. Phật pháp đã giúp thay đổi con người, vì con người mà đạo Phật có mặt trên thế gian này. Và chỉ có đạo Phật mới là đạo của con người vì đem lại quyền làm chủ bản thân bình đẳng trên nhân quả, mình làm lành hưởng phước tốt đẹp, mình làm ác chịu quả khổ đau.
Như có một phép mầu bắt đầu từ sáng hôm đó, tôi quyết chí ăn chay trường vì lúc đó trong nhà có một đứa em ăn chay và mỗi ngày mẹ vẫn nấu chay đều đặn. Tôi ăn chay bình thường không một chút khó khăn, nhưng để chuyển hóa những thói quen nghiện ngập quả là một điều khó khăn vô cùng.
Lúc này mọi nhu cầu sống hằng ngày được mấy đứa em cùng chung nhau giúp đỡ nên mọi thứ cần thiết tôi đỡ phải lo. Chỉ một việc làm sao bỏ được các thói quen như hút xách, cờ bạc, rượu chè và đàn điếm. Mới đầu tôi vẫn còn nhậu với thịt cá, sau tôi quyết tâm nhậu mồi chay và lần hồi giảm bớt tửu lượng bằng cách nhậu thưa dần.
Một tháng trôi qua, tôi quyết chí bỏ tất cả và chỉ giữ lại mỗi ngày hút chừng năm bảy điếu thuốc. Thời gian cai nghiện ban ngày tôi ra bàn bi-a ngồi xem để lãng quên cơn thèm khát, tối về lại mở ti vi coi đến khi mệt lả mà ngủ thiếp đi. Cứ như thế ngày qua ngày chiến đấu với cơn nghiện trong khó khăn và khổ sở vô cùng, tôi tự an ủi mình bụng làm dạ chịu chứ trách ai bây giờ. Ba tháng ròng cũng trôi qua, sau cơn mưa trời lại sáng, lúc này mọi sự vật vã không còn hành hạ tôi nữa và mỗi ngày tôi chỉ còn hút 3 điếu thuốc mà thôi.
Bấy giờ tôi mới quyết định đi tu và có một điều kỳ lạ hơn nữa là tôi chỉ thích tu thiền mà thôi, nhưng tôi lại chẳng biết tu thiền là gì? Nơi tôi chọn tu phải xa thành phố và có đời sống tự túc, tự lực cánh sinh và Tổ đình Thiền viện Thường Chiếu là nơi đúng như tôi mong muốn với phương châm “tu học và lao động như cái đỉnh ba chân không thể thiếu một chân”.
Ngày cuối cùng trước khi đến Thường Chiếu, tôi còn hút một điếu thuốc và kể từ đây không còn hút nữa. Chính mẹ là người đã đưa tôi đến thiền viện và tôi đã được lao động và tu học cho đến ngày hôm nay. Mới đầu tôi đi tu chỉ vì đánh đổi với cái chết nhưng không ngờ mọi việc lại khác thường.
Sống trong sự uốn nắn, răn dạy và được học hỏi từ thầy lành bạn tốt, tôi như lột xác hoàn toàn và tôi còn nhớ một câu châm ngôn bất hủ của sư phụ: Học tập, làm việc như uống ăn làm nên sự sống. Tu là hơi thở quyết định sự sống. Thân thể này thiếu tu cũng như thiếu hơi thở trong chừng phút giây là chết ngay. Sư ông của chúng tôi đã dạy: Lao động như ăn cơm. Học hỏi như uống nước. Tu sửa như hơi thở.
Bấy giờ, từng giọt sữa pháp đã thấm vào lòng tôi nhờ sự chỉ dạy của thầy, một lần nữa tôi như người chết đi sống lại, được nếm chút vị ngọt của Phật pháp mà từ từ hồi sinh. Phật pháp đã cứu đời tôi. Tu học và lao động không thể thiếu trong cuộc sống, nó như cái đỉnh ba chân giúp cho chúng ta vững vàng trên bước đường đi đến giác ngộ và giải thoát, để cùng chia vui sớt khổ với mọi người bằng tình người trong cuộc sống.
Cha mẹ khi còn sống mà không lo nuôi dưỡng, chăm sóc, chờ đến khi chết nói lo là lo cái gì? Khi xưa chúng tôi thiếu hiểu biết nên sống trong si mê và thấy biết sai lầm, do đó bất hiếu với cha mẹ mà làm khổ mọi người. Chúng tôi sống được đến ngày hôm nay quả thật là một điều hy hữu, mà lại còn có cơ hội tu hành đến bây giờ nên có dịp chia sẻ với chư huynh đệ pháp lữ gần xa một chút tâm tình về mẹ.
Nhờ mẹ giúp mà tôi có thể vượt qua vũng bùn tội lỗi. Trong khoảng thời gian đam mê nghiện ngập đủ thứ và nợ nần chồng chất không có khả năng chi trả, đau khổ tột cùng. Một phần thì bị các cơn nghiện hành hạ, một phần thì bị khủng hoảng tinh thần vì sự hăm he của chủ nợ.
Cuối cùng chúng tôi không biết làm sao, suy đi nghĩ lại không còn con đường nào khác, chỉ có chết là xong khỏi phải sợ ai quấy rầy. Nghĩ vậy tôi liền về thăm mẹ lần cuối, lúc ấy đã gần 2 giờ sáng, mẹ tôi đang bán cháo bên lề đường gần chợ Gò Vấp để mưu sinh. Tôi than với mẹ: “Mẹ ơi, con khổ quá! Chắc đây là lần gặp cuối cùng giữa con và mẹ”. Mẹ tôi hoảng hốt lên: “Có chuyện gì mà con bi quan đến thế?”.
Tôi mới thật tình trình bày cho mẹ biết, sau khi nghe xong mẹ tôi liền khuyên: “Tội gì phải chết, đi tu đi con, đi tu sướng lắm con ơi! Đi tu như thầy Nhật Từ không sướng hay sao”. Tôi mới trả treo: “Đi tu làm sao sướng, đi tu khổ thấy bà!”. Bởi ngày xưa tôi rất ghét thầy chùa, tôi không bao giờ có thiện cảm với thầy tu nên tôi cứ nghĩ đi tu là khổ vì không hưởng thụ được gì. Tuy nói vậy nhưng trong lòng tôi vẫn xốn xang, cứ suy nghĩ mãi “đi tu hay phải chịu chết”.
Như có gì linh ứng nhiệm mầu, lời của mẹ đã thấm vào lòng khiến tôi phải chọn con đường đi tu mà không biết mình đi tu để làm gì, chỉ biết rằng đi tu để đánh đổi với cái chết rồi tính sau. Thế là tôi dọn đồ về nhà ở mà thầm cám ơn mẹ.
Con tu là nhờ mẹ,
Cả cuộc đời thương con,
Mẹ cho con tất cả,
Bình yên tận cõi lòng.
Nếu không có được mẹ hiền,
Đời tôi giờ đã tan thành bụi tro.
Chỉ vì chấp trước sai lầm,
Nên tôi phải chịu khổ đau nửa đời.
Nhờ mẹ thương xót chỉ bày,
Nên tôi giờ đã khác xưa rất nhiều.
Từ bỏ cờ bạc, rượu chè,
Hút chích, đàn điếm bây giờ cũng không.
Lại được Tam bảo sáng soi,
Gặp duyên bạn tốt, thầy lành, ân sư.
Tôi giờ thay đổi cuộc đời,
Làm lành, lánh dữ, cùng người sẻ chia.
Báo hiếu phương diện vật chất: Những điều cần thiết mà người con cần phải phụng dưỡng cha mẹ là thức ăn, đồ mặc, chỗ ở, thuốc men, giải trí. Đặc biệt khi cha mẹ già yếu mất sức lao động thì con cái phải có trách nhiệm dưỡng nuôi cha mẹ. Tuy nhiên, việc làm ra của cải vật chất để phụng dưỡng cha mẹ bằng đôi bàn tay và khối óc của mình một cách lương thiện. Trong kinh Phật dạy: “Người con vì cha mẹ mà làm các điều xấu ác để báo hiếu cho cha mẹ, người ấy sẽ bị đọa lạc vào chỗ thấp kém.
Báo hiếu phương diện tinh thần: Theo đạo Phật, báo hiếu về phương diện tinh thần không chỉ đơn thuần là làm cho cha mẹ luôn được vui vẻ, hạnh phúc, mà còn phải hướng cha mẹ tin sâu nhân quả, dứt ác làm lành, biết buông xả và sống đời bình yên, hạnh phúc. Thế cho nên những người con sống hiếu thuận với cha mẹ chính là tấm gương sáng về đạo đức tâm linh cho thế hệ hôm nay và mai sau, công đức của người con cao quí nhất không gì bằng hiếu hạnh và ngược lại tội báo lớn nhất không gì bằng bất hiếu.
Ơn cha mẹ đã khó đền đáp, lại thêm ơn Thầy, Tổ, bạn lành giúp cho ta biết được điều hay, lẽ phải, đạo đức làm người. Vì thế: “Cha mẹ làm nên thân, dưỡng nuôi lo vật chất, thầy tổ giúp tinh thần, an vui trong tỉnh thức”. Cha mẹ và Thầy Tổ đã giúp cho ta làm mới lại chính mình, để làm người có nhân cách và phẩm chất tốt đẹp.
Cha mẹ và Thầy Tổ
Ơn sâu khó đáp đền
Biết ơn và đền ơn
Lời Phật dạy xưa nay.
Chúng con vô cùng biết ơn sâu sắc đối với Hòa thượng tôn sư, trụ trì Tổ đình Thiền viện Thường Chiếu HT.Thượng Nhật Hạ Quang, hiện là Trưởng ban quản trị Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử Việt Nam, Trưởng BTS Phật giáo tỉnh Đồng Nai, người đã trực tiếp chỉ dạy và giáo dưỡng cho con thoát khỏi bóng đêm tối tăm với không biết bao mê lầm của tội lỗi.
Bản thân chúng tôi khi chưa biết tu thì bất hiếu với cha mẹ và không biết tôn trọng một ai, kể cả người ơn. Nhưng sau khi được xuất gia tu học tại Thiền viện Thường Chiếu tôi mới nhận ra sai lầm của mình, từ đó quyết chí tu học cho đến nơi đến chốn. Từ đó tôi cố gắng an ủi động viên mẹ xuất gia buông bỏ hết gánh nặng của gia đình và mẹ đã đồng ý xuất gia tu học tại Tổ đình Thiền viện Thường Chiếu.
Hiện nay gia đình chúng tôi đã xuất gia được 5 người, Trần Ngọc Thảo em trai hiện là Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, tôi Thích Đạt Ma Phổ Giác tu học ở Thanh Hóa, em trai út Trần Ngọc Tính, pháp danh Thích Minh Nguyên, hiện tu học ở Vĩnh Long, mẹ Phạm Thị Lý xuất gia tu học tại Hoa Viên Thường Chiếu, pháp danh Thích Nữ Chơn Huyền nay đã mất, cháu ruột kêu bằng cậu Trần Ngọc Đức, pháp danh Thích Lệ Đạo tu học chùa Giác Ngộ.
Ân thầy tổ: giúp ta mở rộng kiến thức, thầy dạy cho ta biết đọc, biết viết, biết ăn ở hiền lành phải đạo làm người, biết những điều hay lẽ phải, cốt để làm cho mình trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Chẳng những thầy dạy cho ta hiểu biết mà còn dạy cho ta biết nghiệm xét, suy tư quán chiếu làm cho trí tuệ phát sinh, để chúng ta có thể thấy biết đúng như thật, mọi vấn đề của sự sống. Nhờ có thầy luôn khuyến khích, nhắc nhở, chỉ dạy, chính vì vậy mà chúng ta được động viên an ủi khi buồn vui, giúp ta vượt qua mọi chướng duyên nghịch cảnh để làm mới lại chính mình bằng trái tim thương yêu và hiểu biết.
Khổ đau của chúng sinh do già bệnh chết chi phối, làm cho người ta phải tái sinh luân hồi sống chết không có ngày thôi dứt, khi thì hưởng phước báu cõi trời người, khi thì bị đọa ba đường ác địa ngục, quỷ đói, súc sinh. Bồ tát Sĩ Đạt Ta đã tìm ra con đường giải thoát mọi ràng buộc khổ đau đó, bằng sự tu chứng của chính mình, là người phật tử chân chính chúng ta phải nhớ đến ân đức của ngài.
Vui thay hiếu kính mẹ
Vui thay hiếu kính cha
Vui thay kính Sa môn
Vui thay kính hiền Thánh.
Chúng ta thấy chưa, Phật lúc nào cũng nêu cao tinh thần hiếu đạo, luôn khuyên nhủ mọi người biết hiếu kính cha mẹ. Do đó Ngài nói “vui thay hiếu kính mẹ cha”, ai biết sống như vậy mới xứng đáng là một phật tử chân chính. Chúng ta phải biết hiếu kính cha mẹ trước rồi mới hiếu kính các bậc hiền Thánh, đạo lý làm người lúc nào cũng có thứ tự, từ trong gia đình rồi lan rộng ra ngoài xã hội. Cha mẹ là hai bậc sinh thành dưỡng dục mà ta không biết hiếu kính, tôn trọng thì thử hỏi làm sao ta biết quý trọng, tôn kính người khác.
Ân quốc gia xã hội: Ngoài những ân như cha mẹ, ân thầy tổ, ân Tam bảo, còn có một ân nữa là ân quốc gia xã hội, trong đó có ân của các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống để đất Việt Nam được tồn tại và thống nhất đến ngày hôm nay. Chúng ta sống trong một đất nước, sống yên ổn, ấm no và hạnh phúc, không bị chiến tranh là nhờ quốc gia và xã hội góp phần duy trì và gìn giữ, cho nên chúng ta đã thọ những ân nghĩa như sau:
Làm tròn bổn phận công dân: Trước tiên là một công dân là phải đóng góp vào việc giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập của quốc gia, dân tộc, góp phần bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người dân. Phát huy sáng tạo kỹ nghệ, kinh doanh thương mại làm cho đất nước ngày càng phát triển hưng thịnh, bền vững và lâu dài.
Phát huy văn hóa và bảo vệ những truyền thống tốt đẹp dân tộc: Người phật tử cũng là một công dân, có bổn phận gìn giữ phát huy nền văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, một đất nước có trên bốn ngàn năm lịch sử văn hiến và lấy đạo thờ ông bà tổ tiên làm nền tảng, kết hợp với tâm linh Phật giáo để duy trì di sản văn hóa ông cha ta để lại, chúng ta cần phải gìn giữ và phát huy thêm những truyền thống tốt đẹp đó.
Giữ vẹn biên cương bờ cõi, bảo toàn độc lập: Nhờ có quốc gia giữ gìn, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và bảo toàn sự trọn vẹn về độc lập. Một đất nước nếu bị mất chủ quyền, mất độc lập thì dân chúng sẽ bị sưu cao, thuế nặng, làm lụng vất vả mà không có quyền bình đẳng về con người. Người phật tử tại gia, có trách nhiệm hộ trì Tam bảo được phát triển hưng thịnh ở thế gian này, để giúp cho chư tăng, ni có thời gian tu học đến nơi đến chốn nhằm dấn thân đóng góp từ thiện và giáo dục nhân quả, đạo đức, với tinh thần “tốt đạo đẹp đời”.
Ân chúng sinh vạn loại: Cuộc sống này không phải chỉ có một mình ta đơn điệu, tất cả như là một chuỗi móc xích với nhau, kẻ cho qua người cho lại mà tạo nên sự thăng bằng cuộc sống. Ta không làm ruộng nhưng vẫn có cơm ăn, ta không làm thợ hồ hay thợ mộc nhưng vẫn có nhà ở. Thế cho nên từ loài người cho đến thiên nhiên, cỏ cây hoa lá đất trời muôn vật nương tựa vào nhau mới bảo tồn mạng sống. Từ góc độ này mà chúng ta phải biết dù chỉ là một hơi thở, chúng ta phải bảo vệ làm ân đức cho niềm vui, sự sống của hôm nay và sự sinh tồn cho thế hệ mai sau.
Điểm đặc biệt của đất nước chúng ta là Phật giáo luôn kề vai sát cánh với dân tộc trong mọi thời đại. Từ khi Phật giáo du nhập vào nước ta trong những năm đầu Công nguyên, dân tộc ta đã tiếp thu nền Phật giáo chân chính, biết kết hợp hài hòa với đạo thờ ông bà tổ tiên để xây dựng giềng mối đạo đức, bằng tình người trong cuộc sống. “Uống nước nhớ nguồn” là văn hóa gốc của người Việt Nam về đạo thờ ông bà tổ tiên, sống hiếu thảo biết kính trên nhường dưới, tôn trọng và quý kính những người đã có công dựng nước, giữ nước trong 4000 năm văn hiến với tinh thần biết ơn và đền ơn. Thế cho nên người xưa đã ca tụng:
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Đặc biệt vào thời Lý - Trần, những vị vua khai quốc đều là những phật tử thuần thành, có vị cởi bỏ long bào, xuất gia trở thành tu sĩ như vua Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong chế độ phong kiến quân chủ, vai trò của nhà vua rất to lớn, nắm giữ cả vận mạng quốc gia. Khi vị vua là phật tử thì quan quân thần dân thiên hạ phải bắt chước làm theo, vì họ là những bầy tôi trung thành. Sự ảnh hưởng sâu sắc đó, trải qua nhiều thời đại, Phật giáo đã đi sâu vào lòng dân tộc với tinh thần “tốt đạo đẹp đời”, mà ngày hôm nay đất nước ta lấy Phật giáo đời Trần làm quốc giáo.
Chúng tôi thiết nghĩ rằng từ tiền đồ ban đầu do các vị Thiền sư đời Lý khởi xướng với tinh thần mang đạo vào đời, nhờ vậy mà trên thì vua quan ủng hộ, dưới thì dân chúng noi theo lấy tinh thần đoàn kết dân tộc và áp dụng giáo lý nhà Phật vào trong đời sống gia đình xã hội, nhờ vậy mà đất nước ta tồn tại cho đến bây giờ. Chúng tôi hiện giờ là những tu sĩ trong thời hiện đại, có duyên biết được lịch sử ông cha ta hơn ngàn năm về trước, không thể ngồi yên ở đây với tinh thần phục hưng Phật giáo Lý - Trần “mang đạo vào đời”.
Ngày hôm nay đất ta được thống nhất và hòa bình trở lại hơn 40 năm, tinh thần hộ quốc an dân đã thấm nhuần trong lòng dân tộc, chúng tôi mong mỏi thiết tha kêu gọi quý ban chính quyền các cấp, quan tâm hơn và tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt, để phục hưng tinh thần Phật giáo Lý - Trần. Dân tộc Việt Nam trên bốn ngàn năm văn hiến từ thời kỳ dựng nước và giữ nước, nhờ biết áp dụng Phật giáo vào trong toàn dân mà mọi người được cơm no áo ấm, sống nhân từ và đạo đức hơn.
Tinh thần yêu nước đối với dân tộc Việt Nam, người phật tử cần phải tôn thờ các vị công thần đã có công trong việc dựng nước và giữ nước. Đất nước ta trải qua bao cuộc chiến tranh do giặc ngoại bang xâm lược, toàn là những siêu cường quốc trên thế giới, nhưng cuối cùng bị bại trận bởi sự lãnh đạo tài tình của các anh hùng kiệt xuất như Thánh Gióng, bà Trưng Trắc, bà Trưng Nhị, thánh Trần Hưng Đạo, thánh Lý Thường Kiệt, bác Hồ và gần đây nhất là đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với sự đoàn kết đại dân tộc của toàn dân.
Dân tộc Việt Nam chúng ta có thể thờ những vị đó, với tinh thần tưởng nhớ công ơn bảo vệ và giành chủ quyền độc lập đất nước, để nhắc nhở hàng hậu học về lịch sử chói sáng của cha ông ta ngày xưa. Uống nước nhớ nguồn và đạo thờ ông bà tổ tiên là văn hóa ứng xử mang tính nhân văn đạo đức, những ngày giỗ kỵ hằng năm chúng ta cũng ôn lại tiểu sử của ông bà, nhờ đó con cháu mình biết được những đóng góp to lớn của cha ông ta cho đất nước, cho cộng đồng và gia tộc để phát huy truyền thống tốt đẹp của đất nước Việt Nam.
Đến triều đại nhà Trần, vua Phật hoàng Trần Nhân Tông đã xem ngai vàng như dép rách và nhường ngôi cho con mà xuất gia tu học. Sau khi được đạo, ngài khuyên mọi người phá bỏ các hủ tục mê tín, có tính cách hại người và vật, giữ 5 điều đạo đức, tu 10 điều lành với tinh thần “tốt đời đẹp đạo”.
Trên đà tiến bộ của đất nước về mọi mặt đều được phát triển đến tột bực, vật chất đầy đủ, con người dễ bị tha hóa nếu không có sự kết hợp của luật pháp nghiêm minh, đưa giáo lý Phật đà vào trong giáo dục thì e rằng tệ nạn xã hội tràn lan.
Chúng tôi thiết tha kêu gọi vì sự nghiệp 10 năm trồng cây, 100 trồng người, đất nước ta cùng toàn dân đồng lòng mang đạo vào đời như ông cha ta ngày xưa, thì xã hội sẽ từng bước tiến đến dân giàu, nước mạnh, văn minh, đạo đức và hòa hợp. Với tinh thần biết ơn và đền ơn, với tinh thần mang đạo vào đời, với tinh thần hộ quốc an dân chúng tôi muốn tiếp nối con đường mà Phật giáo của hai triều đại Lý - Trần đã xây dựng và phát triển 1000 năm về trước.
Trong tương lai có thể thành lập Trung tâm nhân đạo Duyên lành để giúp những mảnh đời bất hạnh. Hàng tuần tổ chức khóa tu hướng dẫn cho mọi người trước tiên là biết tin sâu nhân quả, tránh ác làm lành sống làm tròn trách nhiệm đối với gia đình người thân, dấn thân đóng góp cho xã hội vì lợi ích chung của đất nước.
Thích Đạt Ma Phổ Giác
phatgiao.org.vn