GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 07:56:40 26-06-2017 (GMT+7) Lượt xem:2382

Người tu & mạng xã hội - kỳ I: Hệ lụy...

Như bài viết “Những cảnh báo đáng quan tâm” mà Giác Ngộ đã đăng trên số 898, việc tu sĩ lạm dụng tiện ích công nghệ thông tin như Facebook, Zalo... (các mạng xã hội) vào việc giải trí hơn là để tu học, hoằng pháp - chính là một trong những cảnh báo trong khuôn khổ Khóa bồi dưỡng trụ trì lần thứ 14 do Hệ phái Khất sĩ tổ chức trong tháng 5 vừa rồi, nhưng thực tế hiện tượng này không chỉ tồn tại và là cảnh báo trong tu sĩ của hệ phái mà dành cho tất cả tu sĩ trong thời hiện đại này...

 

mangxh 2.jpg
Sự ra đời và phát triển của mạng xã hội vừa là cơ hội cũng là thách thức của tu sĩ - Ảnh minh họa

Những sự cố khó quên

Chắc chắn nhiều người vẫn chưa quên được câu chuyện một vị tu sĩ ở Hải Dương đã “đập hộp iPhone 6” gây bất bình trong dư luận cách đây kha khá lâu? Đây là một trong những vụ điển hình khó phai trong các diễn đàn về việc tu sĩ tham gia mạng xã hội và để lại hệ lụy cho người trong cuộc, cũng như gây tiếng không tốt cho tu sĩ, ít nhiều làm cho Phật tử cảm thấy quan ngại về việc đặt niềm tin vào người tu.

Trước đó, “sự kiện” chấn động: sư thầy bị một ca sĩ khóa môi trong một cuộc đấu giá từ thiện cũng được truyền đi với tốc độ chóng mặt bởi hình ảnh tu sĩ chưa đúng oai nghi luôn là “đề tài nóng” được những trang thông tin mạng câu view (lượt xem), cũng như cho các trang Facebook câu like (quan tâm) săn đón, từ đó tạo cơ hội cho những đối tượng muốn mượn chuyện cá nhân để chỉ trích, tấn công Phật giáo.

Câu chuyện về vị thầy “đập hộp iPhone 6” do chính vị tu sĩ đó quay và đưa lên Facebook với lời giải thích “chỉ để quảng cáo cho cửa hàng điện thoại của đệ tử”, nhưng dư luận ồn ào “phân tích” về việc xa hoa, phô trương, không đúng với tinh thần ly dục của người chọn con đường xuất gia. Còn chuyện của “sư thầy bị khóa môi” thì do chính dư luận đăng tải, từ đó thành đề tài nóng để các trang mạng khai thác, điều đó cho thấy, mỗi hành vi, lời nói, việc làm của những vị tu sĩ đều được “giám sát” bằng chính các phương tiện ghi hình, âm thanh và phát tán thông qua công nghệ hiện đại.

Do vậy, sống giữa thời buổi công nghệ nhanh nhạy với sức lan tỏa có thể nói là khó kiềm chế và không thể quản lý được như hiện nay, người tu cần phải hết sức cẩn trọng trong oai nghi, làm đạo, trong từng sinh hoạt thường ngày để không trở thành “miếng mồi” cho truyền thông, mạng xã hội có cơ hội xuyên tạc, làm xấu.

Cẩn trọng khi chụp và đăng hình

Trước khi viết bài này, phóng viên đã nghe nhiều câu hỏi của những người bạn mới chập chững tìm hiểu về chùa chiền, tu sĩ, giáo lý đạo Phật và cảm thấy... bối rối vì không biết giải thích sao cho các bạn hiểu, đó là những câu hỏi như: có thầy A, sư cô B... sao cứ chụp hình selfie (tự chụp) đưa lên hoài vậy. Rồi có bạn khẳng khái nhận xét thầy C hình như có người chuyên chụp hình để thầy ấy đưa lên mạng hay sao đó; sư cô D lúc nào cũng tổ chức chương trình và vận động tài chính...

Bên cạnh đó, một số bạn đọc thi thoảng còn gửi hình ảnh tu sĩ tổ chức sinh nhật linh đình ở nhà hàng hoặc đi ăn ở nơi sang trọng và tự đưa hình. Có người còn thắc mắc quý thầy, sư cô sao cứ suốt ngày online Facebook, đi like, comment (bình luận) ngay cả trong mùa an cư thì còn thời gian đâu để hành thiền, tu tập?

Tất nhiên, những vấn đề bạn đọc chia sẻ là có thật, và dù ít nhưng những hiện tượng thuộc về người tu thường sẽ “đồn xa”, vô tình trở thành hình ảnh không đẹp bị phóng đại, quy chụp cho tất cả người xuất gia.

Và khi viết bài này, một bạn đọc của báo đã gửi hình ảnh từ Facebook tên là T.D với nội dung là hình ảnh của quý sư cô đang ăn quà vặt ở trong liêu và cũng được selfie, sau đó đăng công khai. Những hình ảnh ấy được bạn đọc nhận định là “không có trang nghiêm gì cả”. Phóng viên xem xong cũng cảm thấy đúng là những hình ảnh như vậy rất dễ gây phản cảm cho người xem và dễ thành cái cớ để những người có tâm không tốt suy diễn, chú thích, bình luận không hay.

Nhiều thầy cô trẻ, Phật tử từng nhiều lần gửi về tòa soạn một số trang Facebook được xem là “làm xấu hình ảnh tu sĩ” vì chuyên lấy hình ảnh không đẹp của Tăng Ni để viết những bài với những lời lẽ xúc xiểm, quy chụp nặng nề. Sau khi xem những trang ấy, đúng là người đứng ra lập, đăng tải nội dung có ác ý, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận là, nhiều tu sĩ, chủ yếu là tu sĩ trẻ đã chụp, đăng những hình dễ khiến người xem hiểu lầm nhất là khi nó được kẻ xấu dẫn dắt bằng một câu chuyện với ý đồ riêng.

Trong nhiều lần tác nghiệp, chư tôn đức lớn sau khi trả lời hoặc trong lúc trả lời, phóng viên bấm máy thì quý ngài đều yêu cầu “cẩn thận hình ảnh, chọn hình trang nghiêm để đăng”, hoặc yêu cầu chụp hình với y áo đã được đắp trang nghiêm. Sự thận trọng ấy của quý thầy lớn chính vì quý ngài ý thức rõ hình ảnh của mình cũng là “bài pháp” cho những ai có duyên nhìn thấy, oai nghi của người tu vô cùng quan trọng trước tiên đối với chính đường tu của mình và xa hơn là với thiện tín tin tưởng, yểm trợ mình trên lộ trình giải thoát.

Không đổ lỗi cho mạng!

Phật tử Nguyên Thanh (TP.HCM) thường xuyên nghe pháp, hiểu được giới luật Phật bày tỏ: “Chư tôn đức giảng sư ai cũng dạy, phá niềm tin Tam bảo của Phật tử là tội nặng nên chỉ mong mỗi người còn mang hình tướng xuất gia giữ gìn oai nghi, nghiêm trì giới luật để làm chỗ nương tựa cho người tại gia”.

Còn Phật tử H.Nam (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) mong muốn: “Quý thầy, quý sư cô đừng đưa hình ảnh cá nhân của mình lên mạng như... người đời, chỉ nên đưa các hoạt động Phật sự, đưa bài giảng sau khi đã chọn lọc hoặc chia sẻ góc nhìn chứa thông điệp từ bi - trí tuệ theo Phật dạy. Đó chính là cách sử dụng mạng xã hội để hoằng pháp, giới thiệu Phật giáo thông qua công nghệ hiện đại”.

Việc sử dụng công nghệ để hoằng pháp, làm cầu nối cho Phật tử trẻ đến với đạo nhiều hơn rất nên được khuyến khích, chứ không nên vội vàng đổ lỗi cho mạng xã hội khi có hiện tượng tu sĩ lạm dụng công cụ này. Đó cũng chính là ý kiến chung của nhiều Phật tử và cả chư tôn đức trong thăm dò nhanh mà nhóm phóng viên thực hiện trong vài ba ngày qua cũng như nhiều lần trước đó.

Tuy nhiên, quý thầy, Phật tử cũng lưu ý - mỗi tự viện, hệ phái và rộng hơn là Giáo hội cần lưu tâm trong việc định hướng người tu, hướng dẫn Phật tử sử dụng công nghệ trong đời sống, tu học để không xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Bên cạnh đó, khi có những sự cố liên quan tới tu sĩ, dù đúng hay sai thì bộ phận phát ngôn của Giáo hội cũng cần nhanh chóng có phát ngôn chính thức, nêu rõ quan điểm, hướng xử lý để tránh việc suy diễn và lan tỏa sự cố ấy một cách không chính thức, sai lệch, gây hoang mang dư luận, Phật tử.

Có thể nói, công nghệ vừa là công cụ tốt để lan tỏa sâu rộng giáo lý nhưng nếu không khéo thì chính nó lại trở thành mối nguy hại. Điều đó đòi hỏi bản lĩnh của mỗi người tu, tuy nhiên, trước khi tất cả Tăng Ni ý thức rõ sự nguy hiểm của phương tiện này và cẩn trọng thì Giáo hội, chư vị nghiệp sư, tự viện cần bổ sung vào quy chế Tăng sự những nội dung phù hợp, có thể ngăn ngừa những sự việc đáng tiếc như trên. Đôi khi, nhiều vị nỗ lực gầy dựng hình ảnh đẹp của người tu nhưng chỉ cần một vài sai lầm của cá nhân là có thể phá hủy những giá trị ấy trong chốc lát. Do vậy, đây là điều rất đáng để lo lắng, rất cần quan tâm đúng mực!

 

* Khi gặp một nhà sư có biểu hiện không hay trên mạng hoặc khi tới chùa bạn phản ứng ra sao?

Trả lời: Tôi sẽ nhớ lời dạy “y pháp bất y nhân”, lấy lời dạy của Đức Phật làm kim chỉ nam để tu tập (sửa mình), chứ không vì một vị sư có biểu hiện không tốt mà bất kính, không tôn trọng Tam bảo. Quy luật nhân quả công bằng, ai gieo gì thì người ấy sẽ nhận quả tương ứng, mình không thể nhờ nhà sư tu hành giúp, việc tu là việc của mình. Vì thế, mình cũng không vì vị sư tu chưa tốt mà bỏ tu, đúng không?

(Ghi lại sau khi phỏng vấn một Phật tử thuần thành)

Nhóm PV
giacngo.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu