GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 14:58:27 07-01-2017 (GMT+7) Lượt xem:3560

Cúng chay, đãi mặn

GN - Người Phật tử nên vận dụng tinh thần “tùy duyên”, cúng chay và đãi chay là rất tốt...

Kết quả hình ảnh cho DAM GIO CHAY

 

HỎI: Sắp đến là ngày cúng giáp năm cho ngoại của tôi. Tất cả các cậu, các dì đều có ý muốn cúng chay cho ngoại và làm tiệc mặn để đãi khách. Duy chỉ có mẹ và tôi là có ý làm chay tất cả để không phải gây tạo nghiệp báo sát sanh. 

Từ ngày ngoại qua đời đến nay gia đình tôi đều cúng chay để hồi hướng cho ngoại được sanh về cõi an lành. Có thể hiện nay ngoại tôi đã được vãng sanh hay tái sanh ở một cảnh giới nào đó, nhưng tôi lo sợ rằng liệu việc sát sanh hại mạng này có gây ảnh hưởng xấu gì cho ngoại tôi không? Ngoại tôi có bị cộng nghiệp không? Kính mong quý Báo hoan hỷ cho tôi một lời khuyên.

(PHAN NGỌC THANH, phanngocthanh48@yahoo.com.vn)

ĐÁP:

Bạn Phan Ngọc Thanh thân mến!

Dĩ nhiên là cúng chay và làm tiệc chay đãi khách trong các ngày giỗ (lễ) sẽ tốt hơn nhưng khi đối diện với thực tiễn thì không phải gia đình Phật tử nào cũng làm được. Bởi lẽ, giỗ quảy thường là việc chung của các con cháu vốn dĩ “chín người mười ý”, cộng thêm khách mời cùng bà con lối xóm cũng không nhiều người quen và cảm nhận hết giá trị của các món chay. 

Do đó, người Phật tử nên vận dụng tinh thần “tùy duyên”, cúng chay và đãi chay là rất tốt, trong những trường hợp khác thiếu duyên hơn thì vẫn cúng chay còn đãi khách thì tùy thực tiễn, chay hoặc mặn đều được. Miễn sao vào những dịp giỗ quảy mọi người trong gia đình hòa hợp và hiếu thuận, khách bạn hoan hỷ. Các Phật tử hãy nêu cao tinh thần hòa hiếu, không nên vì vấn đề “chay-mặn” mà dẫn đến căng thẳng, xung đột, bất hòa trong ngày giỗ. Nếu đãi tiệc mặn thì việc cần lưu ý nhất là tránh trực tiếp giết hại chúng sanh.

Có một điều rất quan trọng khác mà chúng ta ít để ý đó là việc cúng và đãi tiệc mặn (có trực tiếp giết thịt chúng sanh) chẳng những ảnh hưởng không tốt đến người mất mà còn liên quan ảnh hưởng xấu đến con cháu hiện đang tạo nghiệp. 

Khi người thân mới mất, trong vòng dưới 49 ngày, việc tổ chức tang lễ của thân nhân có liên quan đến sát sanh, thì ngoài việc thân nhân tạo ác nghiệp, nghiệp xấu ấy còn tác động và ảnh hưởng khá lớn đến xu hướng tái sanh của hương linh. Nhưng sau 49 ngày khi thần thức hầu hết đã tái sanh, vào những dịp giỗ quảy họ nếu thân nhân tổ chức cúng và đãi mặn có trực tiếp giết thịt thì người bị tội nghiệp nặng nề không phải hương linh mà chính là con cháu hiện tiền. 

Vì thế, những bận tâm cho hương linh, sợ họ cộng nghiệp giết hại là điều tốt nhưng lo lắng về vấn đề tạo ác nghiệp của chính mình mới là điều cần thiết và quan trọng nhất. Nên không chỉ trong những dịp tang lễ hay giỗ quảy mà mọi lúc mọi nơi trong đời sống hàng ngày, người Phật tử luôn chú tâm tỉnh giác để không tạo nghiệp sát sanh. Đối với những người chưa ăn chay được nhiều ngày trong một tháng thì cứ ăn uống bình thường nhưng quyết không chính tay mình tạo nghiệp giết hại.
>>Có nên rút bớt chân hương cho sạch?

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu