GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 20:21:27 15-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:4819

AN NGÃI: CHÙA LONG HÒA

Chùa thường được gọi là chùa Phật, tọa lạc ở số 12/6B, ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. ĐT: 064.869376. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.

LONG HÒA CỔ TỰ &

HÒA THƯỢNG HẢI HỘI - CHÁNH NIỆM 

HỮU CHÍ

 

Cổng Tam quan: Trấn Tịnh, LONG HÒA CỔ TỰ, Sơn Môn (từ trái qua)

LONG HÒA CỔ TỰ

Chùa Long Hòa không rõ do Hòa thượng nào khai sơn và xây dựng từ năm nào, nhưng theo lời kể của các kỳ lão ở ấp An Thạnh và sư trụ trì hiện nay cho biết Đại Hồng Chung đúc bằng đồng còn tại chùa có khắc niên đại đúc năm Đinh Tỵ (1737), tháng 2 ÂL, trọng lượng 105 kg do ông bà Trần Điều phụng cúng năm Tân Dậu (1741). Qua đó có thể khẳng định Long Hòa cổ tự được tạo dựng trong khoảng thời gian những năm 30 của thế kỷ XVIII. Chùa Long Hòa thoạt đầu là ngôi chùa làng do nông dân và ngư dân ở ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đóng góp tiền, của và công sức tạo nên.

Ngoài chùa Sắc Tứ Vạn A ở ấp Hiệp Hòa, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ do Quốc chủ Thiên Túng Đạo nhân ngự đề vào năm Vĩnh Thạnh thứ 6 (1710) và chùa Long Cốc ở ấp Hương Sơn xã Long Hương, thành phố Bà Rịa có khoảng hơn 260 năm về trước, chùa Long Hòa ở ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền là một trong những  ngôi chùa cổ nhất nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đặc biệt, chùa Long Hòa hiện nay còn giữ được nguyên vẹn công trình kiến trúc từ lúc Hòa thượng Thanh Kế - Huệ Đăng đứng ra trùng tu (thời gian 1924 -1929), cùng các di vật trưng bày so với hiện trạng ban đầu, do chùa không bị bom đạn tàn phá  trong hai cuộc chiến tranh vừa qua mà một số chùa khác nằm trong khu vực gặp phải.

Hòa thượng Liễu Huệ - Tâm Thông thuộc dòng Lâm Tế đời thứ 37, trụ trì chùa Sắc Tứ Vạn An được một thời gian rồi mời sang trụ trì chùa Long Hòa, sau đó không rõ những vị nào kế thừa Hòa thượng, chỉ biết là đến hậu bán thế kỷ XIX (khoảng 1885 – 1890) Hòa thượng Đồng Đế (Hải Hội – Chánh Niệm) thuộc đời 40 dòng Lâm Tế (chi phái Liễu Quán) từ Khánh Hòa vào hoằng hóa ở Bà Rịa và được mời làm trụ trì chùa Long Hòa.

Năm 1905, Hòa thượng Đồng Đế viên tịch, đệ tử là sư Thanh Thạnh – Huệ Chiếu kế thế trụ trì. Năm 1924, Hòa thượng Thanh Kế - Huệ Đăng trùng tu chùa, xây dựng bằng đá xanh, lợp ngói, kiến trúc vững chắc, trông thật trang nghiêm. Chùa hoàn thành năm 1929 và tồn tại đến ngày nay. Sau khi Hòa thượng Thanh Kế - Huệ Đăng về Bình Định (1941), đệ tử Trừng Điền – Pháp Bửu trụ trì chùa cho đến khi viên tịch, năm 1986. Kế đến  là Thượng tọa Tâm Hải – Tịnh Viên trụ trì cho đến nay, liên tục 28 năm (1986 -2014). Thượng tọa Tịnh Viên, thế danh Nguyễn Hải Long, sinh năm 1947, người làng Bình Khê (Tây Sơn), tỉnh Bình Định, tu ở chùa Long Hòa từ lúc 13 tuổi.

Theo tỉnh lộ 44 Bà Rịa – Long Hải  du khách đến ngã ba Chợ Bến rẽ trái vào hương lộ 14 (đường vào chùa Thiên Thai, núi Chân Tiên) khoảng 400m rồi rẽ trái vào con đường đá cấp phối khoảng 20m là đến cổng tam quan Long Hòa cổ tự.

Chùa cất theo kiểu dáng chữ “Tam”, đặc trưng kiến trúc của chùa cổ Nam Bộ, gồm 3 dãy nhà 5 gian, ngang rộng khoảng 15m, từ trước ra sau dài 55m, tường xây đá xanh kiểu “da qui”, dày 40cm, mái lợp ngói vảy cá. Chùa trông thoáng đạt, đồ sộ, mang nét trang nghiêm cổ kính nhờ xây trên nền cao.

 

LONG HÒA CỔ TỰ nhìn từ chính diện

Công trình kiến trúc chùa Long Hòa được phân bổ:

1. Cổng tam quan  2. Sân vườn  3. Ngôi thờ Hộ pháp (Tiền đường)  4. Ngôi thượng điện (Chánh điện)  5. Ngôi giảng đường  6. Nhà khách (Hậu giảng)  7. Sân giếng trời  8. Nhà trù  9. Nhà bếp  10. Đài chuông  11. Bảo tháp  12. Miếu thờ Bà Chúa Xứ (Ngũ Hành).

Bước qua cổng tam quan là vào đến sân chùa lát toàn đá chẻ, hai bên có hai hàng cây bông sứ và rừng cây xà cừ cùng một số loại cây ăn trái như nhãn, me... Giữa sân có  dựng cột cờ và tượng Di Lặc, Quan Âm.

Mặt tiền chùa có hai cửa lớn, chính giữa có bức tranh “Long Mã” chở Hà đồ Lạc thư. Hai bên có câu đối chữ Hán:

Thủ chấp càn khôn đại

Huyền khai nhựt nguyệt trường.

Dịch nghĩa:

Nắm tay trời đất rộng

Mở sách ngày tháng dài.

Tiền đường kiểu dáng hình Tứ trụ, thờ Hộ pháp ở giữa. Gian Hộ pháp có 2 dãy cột gỗ tròn, mỗi dãy có 4 cột chính gỗ căm xe cao 5m, nền lát gạch tàu. Bên tả đặt giá treo Đại Hồng Chung, Tiểu Hồng Chung, bàn thờ tượng Già Lam Quan Thánh. Bên hữu đặt giá treo Trống  và bàn thờ tượng Ngọc Hoàng. Các tượng đều bằng gỗ quý.

Chánh điện hình Tứ trụ, có 5 dãy cột gỗ tròn to, cao vút, mỗi dãy có 4 cột, ở 2 cột chính cao 7m gắn bức tranh Cá hóa Long sơn son thếp vàng, nền lát gạch tàu. Ở giữa ngôi chánh điện là bàn thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, tổ Đạt Ma. Hai bên là bàn thờ tượng La Hán. Trên các cột có trang trí các câu đối Hán Nôm:

Long nhân tâm dĩ phát thiện tâm, thiện tâm phát phong điều vũ thuận

Hòa địa mạch nhi khai đạo mạch, đạo mạch khai quốc thái dân an.

Thiên vận Kỷ Tỵ niên trọng đông cát nhật kính tạo

Long Thạnh thôn, đệ tử Ôn Thị Đặng phụng cúng.

Dịch nghĩa:

Tấm lòng người tốt phát tâm lành, tâm lành phát khởi gió hòa mưa thuận

Mạch đất hòa hợp khai nguồn đạo, nguồn đạo mang đến quốc gia thái bình, nhân  dân an lạc.

Thiên vận ngày tốt tháng 11 năm Kỷ Tỵ tạo

Đệ tử Ôn Thị Đặng thôn Long Thạnh phụng cúng.

Tiếp đến có 2 câu đối:

Vạn pháp đài trung, tuyên tứ đế, báo Phật tổ hồng ân, kỳ phong điều vũ thuận

Đại hùng điện thượng diễn tam thừa, chúc hoàng vương thánh thọ, nguyện quốc thái dân an.

Ất Sửu niên thập nhất nguyệt thập thất nhật tạo

Thiên Phúc tự húy Thanh Nguyên, thượng Huệ  hạ  Cẩn Yết Ma phụng tạo

Thiên Thai tự, húy Thanh Kế, thượng Huệ hạ Đăng Ma thượng  chứng minh

Dịch nghĩa:

Giữa đài Phật pháp rao tứ đế, báo đáp Phật tổ ơn sâu, cầu gió hòa mưa thuận

Trên điện Phật, diễn tam thừa, chúc vua trường thọ, mong nước nhà thái bình, nhân dân an lạc.

Ngày 17 tháng 11 năm Ất Sửu tạo Huệ Cẩn Yết Ma húy Thanh Nguyên chùa Thiên Phúc kính tạo

Hòa thượng Huệ Đăng húy Thanh Kế, chùa Thiên Thai chứng minh.

Phía sau bàn thờ Phật tổ, có Long vị của chư Tổ phái thiền Lâm Tế:

Hòa thượng Liễu Huệ - Tâm Thông (đời 37).

Hòa thượng Tánh Như – Phổ Tế      (đời 39).

Hòa thượng Hải Hội – Chánh Niệm (đời 40).

Đại sư Thanh Thạnh – Đại Chiếu     (đời 41).

Hình Hòa thượng Thanh Kế - Huệ Đăng.

Hai bên bàn tổ có câu đối ngắn:

Đông độ kế nhị tam tri ấn

Tây thiên khai tứ thất tuệ đăng.

Dịch nghĩa:

Đông độ kế thừa 6 vị truyền tâm ấn (2 x 3)

Tây thiên khai mở 28 ngọn đèn trí tuệ (4 x 7).

Giải thích:

- Đông dộ nhị tam: Phật giáo Thiền Tông Trung Quốc từ Bồ Đề Đạt Ma truyền xuống Huệ Năng được 6 đời (2 x 3).

- Tây thiên tứ thất: ở Ấn Độ Thiền Tông từ đức Phật Thích Ca truyền đến Bồ Đề Đạt Ma là 28 đời (4 x 7).

Ngôi Giảng đường kiểu dáng hình Tứ trụ, có 6 dãy cột gỗ. mỗi dãy có 4 cột cao 6m, nền lát gạch tàu.Trên các cột chính có các câu đối:                     

Vạn chủng đàm hoa trình bát nhã

Lưỡng hàng báu thụ dẫn bồ đề.

Dịch nghĩa:

Muôn giống hoa đàm khoe trí tuệ

Hai hàng cây quý tiếp dẫn đến bồ đề.

Câu đối:

Liên hoa phổ chiếu liên gia khánh

Từ đức diêu khai vạn hộ xuân.

Dịch nghĩa:

Ánh sáng hoa sen phổ chiếu làm ngàn nhà vui

Đức từ bi mang đến mùa xuân cho muôn nhà.

Câu đối:

Bảo thụ thất hàng minh thiên nhạc

Liên tri cửu phẩm phóng thần quang.

Dịch nghĩa:

Bảy hàng cây báu reo lời nhạc

Chín phẩm hoa Sen phóng ánh vàng.

Giải thích:

- Bảy hàng cây báu: thế giới Tây phương cực lạc có bảy hàng cây báu bằng các chất: vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, ngọc đỏ, mã nảo.

- Cửu phẩm liên hoa: thế giới Tây phương cực lạc có chín phẩm.

Câu đối:

Pháp luân thường chuyển, tạo hóa vô tư, nãi Tây phương hữu danh viết Phật

Nhật Nguyệt trường minh, âm dương mạc cải, thị phạm đường bất diệt chi đăng.

Thiên vận Tân Mão niên quý hạ thượng hoán nhật

Mộc ân đệ tử Nguyễn Văn Lễ phụng cúng.

Dịch nghĩa:  

Xe pháp thường chuyển, tạo hóa không riêng, nên phương Tây có tên gọi Phật

Nhật Nguyệt luôn soi, âm dương chẳng đổi, ấy ngọn đèn không tắt trên chùa.

Thiên vận thượng tuần tháng 3 năm Tân Mão

Mộc ân đệ tử Nguyễn Văn Lễ phụng cúng.

Câu đối:

Bát công đức thủy tiêu trần tự

Tứ sắc liên hoa trưởng pháp thân.

Dịch nghĩa:

Nước pháp tám đức tiêu trần ý

Hoa sen bốn màu lớn pháp thân.

Giải thích:

- Bát công đức thủy: tám loại nước thanh tịnh: trừng tịnh - lắng sạch, thanh lãnh - trong mát, cam mỹ - ngon ngọt, khinh nhuyễn - êm dịu, thuận trạch - nhuyễn trơn, an hòa, lúc uống trừ được đói khát và sự lo âu lầm lỗi, uống rồi bổ khỏe vật chất và tinh thần.

Tiếp theo Giảng đường là Nhà khách kiểu dáng hình Tứ trụ gồm 6 dãy cột gỗ tròn, mỗi dãy có 4 cột cao 5,5m, nền lát gạch tàu, ở giữa có bàn thờ tượng Chuẩn Đề, trên các cột gỗ gắn các câu đối:

Uy trấn sơn trung giai tán đởm

Thanh vân dã ngoại tận hàm tâm.

Dịch nghĩa:

Oai trấn trong non đều mất mật

Tiếng vang ngoài nội thảy rung lòng.

Câu đối:

Quá khứ Bồ Đề danh viễn chấn

Hiện kim pháp tọa ảnh trường tồn.

Dịch nghĩa:

Trước cội bồ đề danh vang mãi

Pháp tọa chân dung mãi vẫn còn.

Câu đối:

Gia lạc minh quân, thiệu thuật tự thừa quang ức tải

Long hưng mệnh chủ, trị bình đức hóa khánh thiên thu.

Dịch nghĩa:

Mừng có minh quân, khéo nối cơ cầu soi vạn thuở

Lớn lao hưng vượng, trị bình giáo hóa đẹp ngàn thu.

Kế tiếp hai bên tả và hữu đặt hai bộ bàn ghế và hai bộ ván lớn để tiếp khách. Hai bên tả và hữu là phòng nghỉ của chư tăng và hai lối dẫn xuống nhà Trù nơi thờ tượng ông Giám. Giữa ngôi nhà Khách và ngôi nhà Trù là khoảng trống.

Giếng trời có hồ nước nhỏ, hòn non bộ, nơi thư giãn của sư trụ trì và chư tăng, phật tử của chùa  sau những lần hành lễ tụng kinh niệm Phật.

Tiếp đến là nhà Trù, kiểu dáng hình Tứ trụ, gồm 5 dãy cột gỗ tròn, mỗi dãy có 6 cột cao 5m, ở giữa có bàn thờ tượng ông Giám bằng gỗ. Trên cột chính gắn câu đối:

Đại tri càn, chí tri khôn, vạn vật tự sinh, tự thủy

Văn quyết mô, vũ quyết liệt, bách niên phi hiển phi thừa.

Dịch nghĩa:

Trời lớn thay, đất dày thay, muôn vật thác sinh từ đó

Mưu của văn, sức của võ, trăm năm hiển hách lưu truyền.

Thượng tọa Tịnh Viên cho biết thêm: nhà Trù là ngôi chùa xây dựng lúc ban đầu được tháo dỡ khi chùa Long Hòa được trùng tu (1924 -1929) và dựng lại tại vị trí hiện nay. Mái ngói từ màu gạch cua đã chuyển sang màu nâu sậm Vật tư xây dựng vẫn còn nhưng đã xuống cấp trầm trọng.  Hiện nay khu nhà Trù được nằm trong  danh mục trùng tu của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

- Các bức HOÀNH PHI:

1. Sơn môn trấn tĩnh             

Canh Dẩn niên quý hạ tạo                       

Canh Dần niên mạnh thu tạo.                   

2. Phật nhật tăng huy                                  

Thiên vận Quý Mùi niên, trọng thu vọng nhật    

Ôn Tín trọng thôn, Ôn Hoàng Kim phụng cúng.        

3. Long Hòa cổ tự                                             

Long phi Ất Sửu niên trọng đông vọng nhật tạo   

Lương y Phạm Công Bình, Đốc học                     

Phạm Hữu Đức phụng cúng.

4. Đại hùng bảo điện                                            

Thiên Phúc tự, húy Thanh Nguyên tự Huệ hạ Cẩn Yết Ma phụng cúng.   

5. Ngũ diệp lưu phương                                        

Canh Dần niên quý hạ tạo                                     

Canh Dần niên mạnh thu lập.

6. Tổ ấn trùng quang                                             

Long phi Tân Sửu niên, cát nguyệt nhật tạo          

Long An Huệ Hương pháp sư phụng cúng.            

7. Phật quang phổ chiếu

Long phi Ất Sửu niên, thập nhất nguyệt thập thất nhật tạo

Thiên Phúc tự, húy Thanh Nguyên thượng Huệ hạ Cẩn Yết Ma phụng tạo.                                                                                                                    

8. Tu chân dưỡng tính.                                         

9. Đàm kình nhập diệu.                                            

10. Pháp vũ triêm ân                                            

Ất Sửu niên thất nguyệt cát nhật. Võ Đăng Cao phụng cúng.                                                                    

11. Đắc đạo tồn thần.

Dịch nghĩa:  

1. Sơn môn trấn tĩnh

Tháng 6 năm Canh Dần tạo

Tháng 7 năm anh Dần lập.

2. Ánh sáng Phật huy hoàng

Thiên vận ngày 15 tháng 11 năm Quý Mùi,

Hoàng Kim thôn Tín Trọng phụng cúng.

3. Chùa cổ Long Hòa

Long phi ngày 15 tháng 11 năm Ất Sửu tạo

Lương y Phạm Công Bình, Đốc học

Phạm Hữu Đức phụng cúng.

4.  Bảo điện Đại hùng

Yết Ma Huệ Cẩn húy Thanh Nguyên, chùa Thiên Phúc phụng cúng.

5. Ngũ diệp lưu phương

Tháng 6 năm Canh Dần tạo

Tháng 7 năm Canh dần lập.

6. Dấu vết tổ sư lại bừng sáng

Long phi ngày tháng tồt năm Tân Sửu tạo

Pháp sư Huệ Hương ở Long An phụng cúng.

7. Ánh sáng Phật chiếu sáng khắp nơi

Long phi ngày 17 tháng 11 năm Ất Sửu tạo

Yết Ma Huệ Cẩn húy Thanh guyên chùa Thiên Phúc kính tạo.

8. Tu tâm chân chính, di dưỡng tính tình.

9. Bàn bạc luận đàm đến chỗ thần diệu.

10.  Mưa pháp thấm nhuần ơn

Ngày tốt tháng 7 năm Ất Sửu, Võ Đăng Caophụng cúng.

11. Đắc đạo  nhờ thần vẫn còn.

Mặt bằng Nhà bếp hình chữ nhật gồm 3 dãy cột hình vuông cạnh 40cm xây bằng đá cao 5m, nơi các tăng ni, phật tử làm đồ chay cúng trai đàng vào các ngày lễ Phật, lễ húy kỵ tổ khai sơn, lễ Sóc vọng, Rằm, Mồng Một, Tam nguyên, Tứ quý và sinh hoạt cơm nước hàng ngày phục vụ sư trụ trì, chư tăng và phật tử đến lễ chùa.

Đài chuông do Thượng tọa Tịnh Viên xây dựng năm Mậu Tý (2008) kiểu dáng chùa Một Cột, diện tích sàn xây dựng 25m2, cao 9m, bên dưới có hồ sen mái ngói âm dương, trên nóc đằp hình tượng “Lưỡng Long Chầu Nguyệt”. Đại Hồng Chung nặng 1,5 tấn được đặt đúc từ Huế.

Trong khuôn viên Long Hòa cổ tự có Tháp của Hòa thượng Hải Hội – Chánh Niệm hình lục lăng cao trên 12m, gồm 5 tầng, kết thúc đỉnh tháp là hình trái Bầu hồ lô. Ngoài ra còn có 3 Tháp ba tầng của các vị Hòa thượng cùng môn phong, 7 Bảo Đồng là những người gần gũi của chùa.

Miếu Bà Chúa Xứ nằm trên Đại Thạch Bàn trong khuôn viên đất chùa. Diện tích ngôi miếu được 12m2 (3 x 4m). Tường xây bằng đá, nền lát gạch men, mái lợp ngói móc vẩy cá, trên nóc gắn hình tượng Nhật Nguyệt.

Tổng thể chùa là sự phối hợp giữa kiến trúc công trình với cảnh sắc thiên nhiên an lành khiến khách hành hương cảm thấy tâm hồn được thanh thản giữa cảnh chùa cổ bình dị và mang nét trang nghiêm.

Long Hòa cổ tự còn lưu giữ nhiều pho tượng bằng gỗ, bằng đất nung với những đường nét chạm trổ sắc sảo đạt tính thẩm mỹ cao và nhiều hiện vật bằng đồng có niên đại cách nay hơn 200 năm như: tượng  Phật A Di Đà bằng đồng cao 0.75m, tượng Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí bằng gỗ cao 0.80m, tượng Tổ sư Đạt Ma bằng đất nung cao 0.60m, bộ tượng Thập bát La Hán bằng đất nung cao 0.67m. Các tượng cổ có giá trị cao này được sư trụ trì bảo quản một cách an toàn.

Câu đối, hoành phi, tranh trang trí là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có giá trị lịch sử trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa tâm linh, văn hóa tín ngưỡng tôn giáo Phật giáo và mỹ thuật. Các câu đối mang nội dung giáo dục triết lý và mang tính nhân văn, nhắc nhỡ khuyên răn đệ tử chúng sanh sống làm người phải có tính khoan dung đức độ, từ bi.

Điêu khắc và trang trí bên trong chùa là nơi tập trung những tinh hoa nghệ thuật đương thời. Những di vật còn lại cho chúng ta thưởng thức  những đường nét tạo hình khéo léo, mang tính sáng tạo. Nhiều đường nét đặc sắc, độc đáo, mỹ quan biến hóa hài hòa vừa có hiệu quả vừa biểu hiện sức sống phi thường của nghệ thuật.

Từ hình ảnh đáng yêu được gắn trên nóc chùa (Rùa), tổ sư khai sơn muốn gửi lại cho các thế hệ chư tăng, phật tử chúng sanh một thông điệp phải thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức để làm người từ bi thân thiện.

Ánh sáng trong Long Hòa cổ tự chủ yếu là ánh sáng khúc xạ và phản xạ, yếu tố ánh sáng và màu sắc trong một không gian không cao lắm, tối dần theo độ dốc của kiến trúc mái, tạo nên một không gian linh thiêng bí ẩn vừa trang nghiêm vừa gần gũi nhằm dìu dắt con người đi vào thế giới tâm linh an lạc và hướng thiện.

Tóm lại đây là ngôi chùa còn bảo lưu nhiều công trình kiến trúc cổ và các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể.

Chùa Long Hòa được cấp BẰNG DI TÍCH LỊCH SỬ cấp Tỉnh, Thành phố ngày 13 tháng 7 năm 2009.

HÒA THƯỢNG ĐỒNG ĐẾ (HẢI HỘI - CHÁNH NIỆM) (1834-1905)

Di ảnh Tổ sư Hải Hội – Chánh Niệm     

Hòa thượng Hải Hội – Chánh Niệm thế danh Đỗ Chánh Tâm, sanh năm Giáp Ngọ (1834) tại Sông Cầu tỉnh Phú Yên, thuộc đời thứ 40 phái thiền Lâm Tế, chi phái tổ Thiệt Diệu - Liễu Quán, là đệ tử của Hòa thượng Tánh Như – Phổ Tế. Sau thời gian hoằng hóa ở vùng Khánh Hòa miền Trung, Hòa thượng được nổi danh nên được tôn gọi là Hòa thượng Đồng Đế.

Hòa thượng có tham gia phong trào chống Pháp cùng thời nhà cách mạng Mai Xuân Thưởng nổi lên chống Pháp ở tỉnh Bình Định (1860 – 1887). Sau khi Mai Xuân Thưởng bị quân Pháp bắt xử tử, Hòa thượng rời miền Trung vào miền Nam và hoằng hóa ở vùng Long Điền Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa. Hòa thượng được mời trụ trì chùa Long Hòa thuộc địa phận xã An Ngãi huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa.

Hòa thượng là vị tu hành chân chánh, có tiếng đạo hạnh cao thâm, đặc biệt có tài trị bịnh trẻ em, trừ tà.  Tiếng đồn rằng: Trẻ em nào khó nuôi, Hòa thượng chú nguyện, lấy tay vuốt đầu là về nuôi được mạnh khỏe luôn. Đình thần làng Long Thạnh có hiện tượng ma quái do dân địa phương thấy có bóng người thường đi lại trên nóc đình, Hòa thượng đến đình lập đàn, trì chú Đại bi một thời gian thì hiện tượng đó không còn nữa.

Lúc Hòa thượng mới vào đến chùa Long Hòa, các viên chức làng Long Thạnh lập kế thử thách đạo hạnh của Hòa thượng:

Một đêm, nhân dịp lễ sám hối hàng tháng ở chùa, làng gài hai cô gái có nhan sắc, ăn mặc đẹp, tay đeo vòng vàng để thử Hòa thượng. Trong khi Hòa thượng cùng Phật tử hành lễ ở Chánh điện, hai cô gái lẻn vào thất của Hòa thượng, một cô ngồi trong phòng, một cô ẩn núp rình xem để làm nhân chứng. Sau khi lễ xong, mọi người ra về, Hòa thượng vào thất, thình lình cô gái ở trong phòng nhảy lại ôm hôn Hòa thượng. Hòa thượng vẫn thản nhiên nói to: “Sao mầy hun tao! Sao mầy hun tao!”. Cô gái lấy tay bịt miệng Hòa thượng và nói nhỏ: Thầy đừng la, con thương thầy mà! Nhưng Hòa thượng vẫn nói to: Mầy hun tao chi thế! Chừng đó viên chức làng mới đến nhận lỗi là đã thử Hòa thượng và xin cho cô gái làm lễ sám hối, Hòa thượng nói tự nhiên: Nó thương thầy thì nó hun, có lỗi gì đâu!...

Hòa thượng Đổng Đế là bậc chân tu đắc đạo , đạt tâm vô tướng, vô chấp nên Hòa thượng biết trước ngày giờ hóa xác và ra đi một cách thản nhiên tự tại. Ngày 18 tháng 5 năm Ất Tỵ (1905), Hòa thượng bảo bà nấu bếp nấu cho nồi cháo trắng và hái lá xả nấu nước cho Ngài tắm. Sau khi tắm xong và dùng cháo trắng, đúng giờ Ngọ, Hòa thượng mặc y phục đại lễ chỉnh tề, bảo đệ tử đánh ba hồi chuông trống Bát Nhã,và nằm xuống an nhiên viên tịch, thọ 72 tuổi.

Đồ chúng đến lo tang  lễ và làm lễ nhập tháp Hòa thượng Hải Hội – Chánh Niệm ở bên trái phía sau trong khuôn viên chùa Long Hòa.

Hòa thượng Hải Hội – Chánh Niệm có đệ tử nổi danh như:

- Hòa thượng Thanh Kế - Huệ Đăng khai sơn chùa Thiên Thai (Bà Rịa) và lập Hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội,

Theo Thượng tọa Tịnh Viên, cuộc đời hóa duyên của Hòa thượng  Hải Hội – Chánh Niệm trên con đường vân du còn để lại khá nhiều dấu tích ở một số địa phương, như khai sơn: - chùa Long Kiên ở Hòa Long (Bà Rịa),-  chùa Long Thiền ở Gò Công (Tiền Giang), - chùa Thái Nguyên ở Giồng Ông Tố, quận 2 (TP.HCM). Cũng do công hạnh của Hòa thượng trong công cuộc hoằng dương hóa độ, nên việc trùng tu chùa Long Hòa do Hòa thượng Huệ Đăng khởi xướng được rất nhiều thuận lợi.

nguồn: http://chuaxaloi.vn/tin-tuc/tq10-long-hoa-co-tu-hoa-thuong-hai-hoi-chanh-niem/775.html

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu