Nam Mô Bản Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm chứng minh
Kính bạch Chư tôn Giáo phẩm chủ tọa đoàn
Kính bạch Chư Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, tăng ni
Kính thưa Quý quan khách và toàn thể đại biểu
Kính thưa Đại hội,
Hôm nay trong không khí trang nghiêm, hương trầm quyện tỏa, niềm vui hân hoan của hàng triệu trái tim người con Phật trong cả nước đang hướng về thủ đô Hà Nội nơi đang diễn ra Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ 2017- 2022, con xin được bày tỏ niềm hoan hỷ vô biên vinh hạnh được tham dự và được tham luận trước Đại hội, lời đầu tiên con xin chân thành gửi đến Chư tôn đức Giáo phẩm chứng minh, Chủ tọa đoàn chư Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, Đại đức, tăng ni, quý quan khách cùng quý vị đại biểu tham dự Đại hội lời cầu chúc vô lượng an lạc, vô lượng cát tường.
Nguyện cầu hồng ân Tam bảo gia hộ Đại hội thành công viên mãn.
Kính bạch Chư tôn đức Giáo phẩm
Kính thưa Đại hội,
Đức Thế Tôn sau khi thành đạo vô thượng bồ đề, vào mùa an cư thứ 5 đức Phật đã chấp nhận cho người nữ xuất gia, ra nhập tăng đoàn. Sự kiện này được chứng minh qua hình ảnh của đức Kiều Đàm Di Mẫu và 500 người nữ dòng họ Xá Di xuất gia. Từ đó Phật giáo được truyền bá đến nơi nào thì Ni đoàn cũng được thành lập. Do ảnh hưởng văn hóa phong tục tập quán của mỗi địa phương mỗi quốc gia, không đồng nhất mà sự thành lập phát triển của Ni giới có sự khác biệt, nhưng mục đích duy nhất là đức Phật tạo điều kiện cho Ni giới thoát khỏi những định kiến xã hội phong kiến.
I. Vai trò của Ni giới Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
Phật giáo Việt Nam hiện nay có ba truyền thống Tông phái lớn, bao gồm: Bắc tông, Nam tông và Khất sĩ. Ba truyền thống Tông phái này không những phát triển mạnh mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến quần chúng phật tử Việt Nam. Trong đó truyền thống phật giáo Bắc tông có số lượng Ni giới chiếm ưu thế, thứ đến là Khất sĩ, riêng truyền thống Nam tông thì số lượng chư ni còn rất hạn chế do một số quy định của nội bộ Tông phái.
Tuy nhiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập năm 1981 là Phật giáo duy nhất thống nhất quản lý cả ba truyền thống Phật giáo ấy từ Trung ương đến các cơ sở tự viện tịnh xá… trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, cơ cấu nhân sự lãnh đạo trong tổ chức Giáo hội có cả chư tăng và chư ni. Vai trò của Ni giới Việt Nam đã thực sự thể hiện đầy đủ trên nền tảng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Bởi vậy năm 2009 được sự quan tâm giúp đỡ của T.Ư Giáo hội cho phép ni chúng thành lập phân ban Ni giới trực thuộc Ban tăng sự TƯ. Ngày 1/1/2009, Phân ban Ni giới chính thức ra mắt tại thành phố mang tên Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Cũng trong ngày đại hoan hỷ đó chúng con được vinh dự đón nhận quyết định của Hòa thượng Chủ tịch GHPGVN. Phân ban Ni giới ra đời trực thuộc BTS T.Ư sẽ là chỗ dựa vững chắc về tinh thần khuyến khích chư ni phát huy tiềm năng và tạo điều kiện để Chư ni trẻ cống hiến năng lực cho Giáo hội cũng như xã hội.
II. Những tấm gương sáng danh tiêu biểu Ni giới Việt Nam
Lịch sử Phật giáo xưa nay luôn đồng hành cùng dân tộc, những trang sử Ni giới cũng không tách rời lịch sử đất nước, từ thời bà Trưng, bà Triệu đã đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, hình ảnh những vị nữ tướng đã hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mà chiêu mộ nữ binh cùng dẹp giặc, thắng trận xong đã bỏ tất cả vinh hoa phú quý nương vào thiền môn, sống đời phạm hạnh như: công chúa Bát Nàn, Tiều Hoa, Vĩnh Huy, Phương Dung v.v… Không những thế trải qua các triều đại như: Lý, Trần, Lê, Nguyễn đã xuất hiện rất nhiều những vị trưởng lão Ni nghiên cứu Phật pháp uyên thâm, nghiêm trì giới luật, hành thiền đắc định được môn đồ học chúng rất kính mộ.
Đặc biệt vào thời Lý Thánh Tông có Ni sư Diệu Nhân là một vị thiền sư, tinh nghiêm giới luật, hành thiền được chính định. Thời Trần, khoảng giữa thế kỷ 14, có Ni sư Tuệ Thông, ngài tu trên núi Thanh Lương, hành khổ hạnh, trì giới chuyên cần, tuệ giải thông suốt. Thời vua Lê chúa Trịnh, thế kỷ 17, có Ni sư Diệu Đăng, Ni sư Diệu Tín xuất thân danh gia quý tộc, các ngài giác ngộ lẽ vô thường nên từ bỏ phú quý, tìm về Yên Tử xuất gia tu tập. Khi viên tịch được xây tháp thờ kính trong vườn tháp của sơn môn Yên Tử.
Ngoài ra còn rất nhiều các bậc ni lưu ẩn mình tu hành trong những chốn am tranh cùng cốc, tài liệu lưu lại của các ngài tản mác sâu rộng trong nhân gian, vẫn có sự truyền thừa, xuất gia hành đạo qua từng thế kỷ. Nối tiếp truyền thống xuất gia tu học hành đạo của chư Trưởng lão Ni tiền bối, chư ni thời cận đại đã không ngừng thúc liễm thân tâm trau dồi tam vô lậu học hoằng pháp độ nhân. Thời chống Pháp, chống Mỹ, các ngài đã tham gia hoạt động chống lại ách thống trị của giặc ngoại xâm giành lại độc lập cho tổ quốc, như: Ni trưởng Đàm Thu, Ni Trưởng Đàm Soạn, Ni trưởng Đàm Hữu, Ni trưởng Đàm Tín, Ni trưởng Đàm Xương v.v… Trong chiến tranh, các ngài đã làm tròn bổn phận với Tổ quốc, đối với Phật giáo các ngài không ngừng mở các đạo tràng truyền giới, dạy luật khai mở đạo tràng giảng dạy Phật pháp, kiến tạo già lam, tổ chức các khóa An cư Kết hạ.
Khi đất nước thống nhất, trở về chùa tiếp tục cuộc sống tu hành, nghiêm trì giới luật, hoằng dương chính pháp độ chúng đệ tử xuất gia và tại gia, tu sửa trang nghiêm tự viện, ngoài ra còn tích cực tham gia các tổ chức đoàn thể như HĐND, UBMTTQ, BCH Hội liên hiệp Phụ nữ và hội Chữ Thập Đỏ các cấp… Với sự tích cực tham gia gánh vác trọng trách làm tốt đạo đẹp đời, các ngài đã được nhà nước, các tổ chức khen thưởng như: Huân chương, Huy chương, bằng khen, giấy khen bằng tuyên dương công đức v.v…
Ở Miền Nam, như Ni sư Diệu Ngọc (1885-1952), Ni Sư Diệu Tịnh (1910-1942), Ni trưởng Như Thanh (1911-1999), hay Ni trưởng Giác Nhẫn (1919-2003), trong công tác giáo dục nổi bật là Ni trưởng Trí Hải (1938-2003). Trong hệ phái Khất sĩ cũng có những vị Ni xuất chúng trong công tác hoằng pháp độ sinh cũng như trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc như Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Bạch Liên v.v…
III. Vai trò của Ni giới Việt Nam trong thời kỳ hội nhập ngày nay
Từ khi Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ I đến nay Ni giới cả nước đã đóng góp một phần không nhỏ vào các công tác phật sự của Giáo hội như giáo dục, hoằng pháp, từ thiện, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường, nhất là trùng tu tôn tạo các chùa trong trang nghiêm, ngoài tố hảo.
Vào đầu thế kỷ 21, số lượng chư ni ở Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển lên đến hàng vạn người, trong số đó có nhiều vị tốt nghiệp học vị Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Nhưng vấn đề không phải là số lượng chư ni phát triển nhiều hay ít, học vị cao hay thấp, mà vấn đề then chốt ở đây chính là, tùy theo năng lực và sự nỗ lực cá nhân. Ni giới Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp tu hành và hoằng pháp độ sinh, trước những thay đổi và thách thức của thời đại mới. Phân ban Ni giới phía Bắc xin đơn cử một số vai trò căn bản mà Ni giới Việt Nam đã và đang đảm nhiệm.
- Chư ni Việt Nam vốn có đầy đủ thẩm quyền xuất gia thụ giới Sa di ni, thức Xoa Ma Na, Tỷ khiêu ni và Bồ tát giới. Những đặc quyền này gắn liền với lịch sử phát triển Ni giới Việt Nam hơn hàng ngàn năm nay.
- Hiến chương GHPGVN hoàn toàn công nhận giáo phẩm của chư ni tương đương với giáo phẩm của chư tăng.
- Dựa vào năng lực và giới đức cá nhân của chư ni, GHPGVN có thể mời hay công cử vị ni ấy đảm nhiệm các chức vụ trong các ban ngành khác nhau của Giáo hội, hoặc bổ nhiệm vị ni ấy làm viện chủ, trụ trì trong các chùa tự viện, tịnh xá vốn là đơn vị cơ sở quan trọng của Giáo hội và phần lớn những ngôi chùa tự viện, tịnh xá của chư ni Việt Nam hiện nay đều do các ni trưởng, ni sư phạm hạnh quản lý và hướng dẫn chư ni, phật tử tu học.
- Ni giới Việt Nam hiện nay luôn dấn thân trong mọi lĩnh vực của cuộc sống từ việc xây dựng, trùng tu tôn tạo chùa chiền, tịnh xá của chư ni, chư ni cũng là hạt nhân quan trọng trong các hoạt động từ thiện xã hội, hay công tác xóa đói giảm nghèo do nhà nước chủ chương. Hội chữ thập đỏ Việt Nam hầu như xem các chùa chiền, tịnh xá của chư ni là hạt nhân quan trọng trong các hoạt động từ thiện xã hội. Kết quả, Ni giới Việt Nam thật sự đã xoa dịu phần nào nỗi khổ đau và đem lại lợi ích thiết thực cho mọi người.
- Một phần lớn số lượng chư ni du học Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan và Miến Điện v.v…, sau khi tốt nghiệp trở về Việt Nam, bằng thực lực, họ đang cố gắng phát huy năng lực của chính mình trong lĩnh vực thông tin, báo chí, giáo dục, hoằng pháp, phúc lợi xã hội v.v… để đáp ứng phần nào nhu cầu tâm linh của các thế hệ phật tử thời hội nhập.
- Ở Miền Bắc còn hiếm nhưng tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, Ni giới có một vị trí xứng đáng trong công tác giáo dục. Ni giới có thể giảng dạy tất cả các môn học cho cả tăng ni và được khuyến khích đăng đàn thuyết pháp trong các hội chúng phật tử, hay thuyết trình trong các hội thảo ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Từ dẫn chứng cụ thể trên đây, rõ ràng là Ni giới Việt Nam đã chứng tỏ năng lực của mình trong đời sống tu hành và trong lĩnh vực của cuộc sống hiện nay. Tuy nhiên bên cạnh các mặt tích cực ấy không phải chư ni Việt Nam không còn những hạn chế như:
+ Hiện nay Ni giới Việt Nam mạnh về số lượng nhưng chất lượng tu học vẫn còn hạn chế, nhất là trong số các ni trẻ, do bản lĩnh tu tập chưa vững, ý thức học tập chưa cao nên họ dễ bị ngoại cảnh tác động, chi phối. Đây là một vấn đề đáng quan tâm trong đời sống hội nhập hiện nay.
+ Là nữ thích tử chúng ta vững tin rằng, nam nữ đều có phật tính. Nhưng vì xã hội châu Á chịu ảnh hưởng truyền thống của Nho giáo nên một số chư ni Việt Nam vẫn còn thiếu tự tin và tự ti về khả năng tu tập của chính mình.
+ Đây đó vẫn tồn tại ít nhiều tư tưởng cục bộ hệ phái và địa phương tính trong một số nhỏ chư ni Việt Nam đã phần nào hạn chế khả năng tập trung nhân lực và trí tuệ tập thể trong các phật sự có tính quy mô lớn.
Kính bạch Chư tôn đức Giáo phẩm
Kính thưa Đại hội,
Trải qua sự thăng trầm của đất nước, qua nhiều thế kỷ vẫn có những bậc ni lưu âm thầm hy sinh thân mình phụng sự đạo pháp và dân tộc theo tinh thần nhập thế. Lập nhiều thành tích xứng đáng góp phần cùng mọi giới đồng bào trong thành quả chung của Giáo hội. Với những thành quả ấy chúng con xin bày tỏ lòng thành kính tri ân và cúi đầu tưởng niệm đến công đức cao dày của Chư thánh tử đạo cùng các bậc cao tăng thạc đức ni trưởng, ni sư đã hiến trọn đời mình hy sinh cho đạo pháp được phát triển và tồn tại để ngày nay chúng con chung hưởng.
Là đệ tử xuất gia, trưởng tử của Như Lai làm thế nào để báo đền ơn Phật, Tổ, là người công dân tốt của đất nước là một thành viên tin cậy của Giáo hội. Giáo hội có phát triển tồn tại hay không phần lớn là do tăng ni góp phần căn bản, hạnh nguyện lợi tha, cứu khổ ban vui vô ngã của đức Phật dạy. Vì phục vụ chúng sinh là thiết thực cúng dàng chư Phật, trang nghiêm tự thân chính là trang nghiêm Giáo hội.
Để góp phần cho việc phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21, Phân ban Ni giới phía Bắc chúng con xin mạo muội đệ trình lên Đại hội một số nguyện vọng sau:
1. Phật giáo là một tôn giáo của từ bi và trí tuệ, cho nên phẩm hạnh của tăng ni phải là yếu tố hàng đầu. Phẩm hạnh chính là: “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội”, do đó nhân sự cần lựa chọn những tăng ni có phẩm hạnh tốt, đủ đức, đủ tài, đủ năng lực để đảm lãnh trách nhiệm đối với công việc chung của Giáo hội.
2. Giáo hội cần có chủ trương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các chư ni tham gia giảng dạy các trường Cao trung cấp Phật học. Từ đó chư ni sẽ ngày càng thể hiện ý thức trách nhiệm đối với công việc chung của Giáo hội.
3. Giáo hội nên phát huy nhiều hơn nữa tác dụng tích cực của hoạt động từ thiện xã hội vì hiệu quả của hoạt động này đang là một điểm son sáng chói. Cụ thể là vận động mở lớp học tình thương, xây dựng nhà tình nghĩa, thành lập các cơ sở nuôi dạy trẻ em mồ côi, nuôi dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và những người mắc chất độc mầu da cam, người già neo đơn, khuyết tật, mở phòng mạch chữa bệnh cứu người,vận động quyên góp và tổ chức nhiều đợt cứu trợ đồng bào bị thiên tai lũ lụt v.v…
4. Cư sĩ phật tử, là một thành viên rất quan trọng trong Giáo hội. Họ lãnh trách nhiệm hộ trì Phật pháp, một hậu thuẫn lớn lao và kiên cố cho giới tu sĩ truyền bá chính pháp của đạo Phật. Cho nên Giáo hội phải có một chương trình làm việc tổ chức thật nghiêm túc. Trước nhất, là tạo cho họ một niềm tin, bồi dưỡng niềm tin trong lòng người phật tử, riêng trong giới phật tử trẻ, học sinh, sinh viên một thế hệ tương lai của đất nước, của Giáo hội.
Chúng ta phải quan tâm hàng đầu cho họ một niềm tin, một trí tuệ, một chất xám nào đó, xây dựng cái nhân tốt để rồi sẽ có kết quả tốt cho đất nước, cho Giáo hội mai sau. Nên quan tâm sâu sát nghiêm cấm rượu bia dùng những chất gây nghiện, gây mê, làm mất đoàn kết trong tôn giáo, luôn luôn xây dựng tôn giáo, có lối sống lành mạnh, không có hình thức phá hoại và tuyên truyền những lời lẽ gây ảnh hưởng uy tín của Đảng và nhà nước.
5. Giáo hội nên lưu tâm hơn nữa đến công việc hoằng pháp và xây dựng chùa ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và luôn nhắc nhở cho tăng ni và phật tử biết rằng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là khúc ruột liền của Tổ quốc không thể tách rời, nhằm góp phần làm cho giáo lý của đức Phật được tuyên truyền sâu rộng tới những người mộ đạo.
Kính bạch Chư tôn đức Giáo phẩm
Kính thưa Đại hội,
Trên đây là một số tâm tư, nguyện vọng, với một mục đích là góp phần trang nghiêm Giáo hội. Với những ưu tư, thao thức cho tương lai của Phật giáo, khiến chúng con mạo muội đưa ra những nhận định và kiến nghị như trên. Đứng ở một góc độ nào khác để nhận xét có thể chưa đủ tính khả thi trong hoàn cảnh hôm nay, nhưng nếu nhìn về tương lai lâu dài của Giáo hội, thì đó là những điều mà chúng ta cần phải nỗ lực, biến nó thành hiện thực với bất cứ giá nào, để tạo một chỗ đứng vững chắc cho Giáo hội hiện tại và tương lai.
Ni chúng chúng con nguyện phát huy truyền thống “Tổ tổ tương truyền, sư sư tương kế”, làm cho đạo pháp không ngừng phát triển, dù gặp phải nghịch cảnh chướng duyên như Quốc nạn, Pháp nạn như trước đây chúng con quyết vì đạo pháp hy sinh, giữ gìn lục hòa cộng trụ và lòng vô ngã vị tha, giới đức thanh tịnh, đạo lực kiên cố, trí tuệ khai mở rộng độ chúng sinh, để đền đáp công ơn trong muôn một của các bậc tiền bối, suốt đời vì đạo pháp và dân tộc, làm sáng chói đạo pháp rạng ngời non sông.
Chúng con xin cảm tạ Chư tôn Giáo phẩm Chứng minh, Chủ tọa đoàn cùng toàn thể quý đại biểu đã cho phép chúng con phát biểu lên những cảm nghĩ và ý kiến của Phân ban Ni giới phía Bắc trước Đại hội, chắc chắn chúng con không sao tránh khỏi cái nhìn chủ quan góc độ và thiển cận, nhất là có thể vượt quá phạm vi cho phép. Nhưng với tấm lòng nhiệt tình vì tiền đồ “Đạo pháp - Dân tộc” hôm nay và mai sau, chúng con tin tưởng rằng quý đại biểu sẽ sẵn lòng thông cảm và hỷ xả cho chúng con.
Tới đây chúng con xin chân thành cảm ơn Chủ tọa đoàn và quý vị đại biểu đã lắng nghe ý kiến phát biểu của chúng con. Trước khi dứt lời chúng con xin thành tâm kính chúc Chư tôn thiền đức Chứng minh, Chủ tọa đoàn pháp thể khinh an đạo tâm tinh tiến và phật sự viên thành. Kính chúc toàn thể quý liệt vị vô lượng an lạc vô lượng cát tường, thành tựu thắng duyên, chúc Đại hội thành công viên mãn.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát.
Tham luận của Phân ban Ni giới phía Bắc
Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, Nhiệm kỳ (2017-2022)
|
|
Tài khoản BTS GHPGVN huyện Long Điền
Thủ quỹ quản lý thẻ tên:
CAI THỊ NGỌC KIỀU
Số TK: 76110000593792
NH BIDV - chi nhánh Bà Rịa
Mọi thông tin đóng góp, ủng hộ xin liên hệ:
Số đt, zalo: 0818287858
Theo dõi thẻ này có:
TT. Thích Tâm Pháp: Trưởng Ban Trị Sự
SC. Thích nữ Hạnh Thiện: Chánh thư ký
NS. Phương Minh: Trưởng ban kinh tế-tài chánh