GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 16:38:07 04-12-2021 (GMT+7) Lượt xem:2589

Nội quy Ban Kinh tế Tài chánh

NỘI QUY

  BAN KINH TẾ TÀI CHÁNH TRUNG ƯƠNG

  GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(sửa đổi năm 2013)

 

CHƯƠNG I

DANH HIỆU – MỤC ĐÍCH

Điều 1 : Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong 13 Ban, Viện hoạt động của Trung ương Giáo hội, có trách nhiệm thực hiện các công tác về kinh tế tài chánh của Giáo hội, có danh xưng là Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viết tắt là Ban KTTCTW GHPGVN.

Điều 2 : Ban Kinh tế Tài chánh được thành lập với mục đích để nghiên cứu, dự trình các công tác có tính khả thi thuộc ngành Kinh tế Tài chánh, không trái với tinh thần, đường hướng hoạt động của Giáo hội, nhằm tạo thêm nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện có hiệu quả công tác chuyên ngành của Giáo hội từ Trung ương đến địa phương.

CHƯƠNG II

HỆ THỐNG TỔ CHỨC – CHỨC NĂNG HOẠT ĐỘNG

Điều 3: Trưởng ban Kinh tế Tài chánh Trung ương GHPGVN là thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, do Hội đồng Trị sự suy cử. Các Phó ban, Thư ký, Thủ quỹ, Kiểm soát và các Ủy viên do Trưởng ban đề nghị và được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chuẩn y bằng một quyết định.

Điều 4 : Thành phần nhân sự Ban Kinh tế Tài chánh, gồm :

- Trưởng ban

- 03 Phó Trưởng ban Thường trực

- Các Phó ban

- Chánh Thư ký

- Phó Thư ký

- Thủ quỹ

- Ủy viên Kiểm soát

- Ủy viên.

Điều 5: Nhiệm kỳ của Ban Kinh tế Tài chánh trung ương là 5 năm, tương ứng với nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự. Khi nhiệm kỳ cũ kết thúc, Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương tiếp tục hoạt động cho đến khi Ban Thường trực HĐTS GHPGVN chuẩn y nhân sự nhiệm kỳ mới.

Điều 6 :Ban kinh tế Tài chánh hoạt động nhằm mục đích:

1.Tạo nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động của Giáo hội.

2.Vận động Tăng Ni, Phật tử các Tự viện, Thiền viện, Tu viện, Tịnh viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật đường (gọi chung là tự viện) trong cả nước, tích cực tham gia vào các hoạt động kinh tế để của cải vật chất tự viện mang tính tự chủ, ổn định; góp phần công đức cho các hoạt động thường xuyên, hoặc sự kiện của Giáo hội; tạo thêm của cải vật chất cho xã hội đúng theo tinh thần giáo điển của Đức Thế Tôn.

3.Tiếp nhận tài vật hiến cúng hợp pháp của Phật tử hay đoàn thể trong và ngoài nước.

4.Thành lập Công ty Cổ phần, TNHH, cơ sở, xí nghiệp sản xuất kinh doanh theo quy định của Pháp luật Nhà nước để tạo nguồn kinh tế hợp pháp, tạo nguồn kinh phí hoạt động cho Trung ương Giáo hội.

Điều 7: Các kế hoạch, chương trình liên quan ngành Kinh tế Tài chánh đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua, Ban sẽ phối hợp với Văn phòng Trung ương Giáo hội thực hiện và phổ biến.

Điều 8Văn phòng làm việc của Ban Kinh tế Tài chánh đặt tại Văn phòng Trung ương Giáo hội, Chùa Quán Sứ, số 73 Quán Sứ, Hà Nội; Văn phòng thường trực Trung ương Giáo hội, Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3, Tp Hồ Chí Minh.

Điều 9 : Ban Kinh tế Tài chánh hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban. Kế hoạch và chương trình hoạt động phải phù hợp với Hiến chương GHPGVN, pháp luật Nhà nước, Nội quy hoạt động của Ban KTTCTW, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự thông qua.

CHƯƠNG III

NHIỆM VỤ – ĐIỀU HÀNH

Điều 10: Trưởng ban Kinh tế tài chánh được sự ủy nhiệm, thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ký các văn kiện liên quan đến Ngành Kinh tế Tài chánh.

Điều 11:

- Phó Trưởng ban Thường trực thay mặt Trưởng ban điều hành và ký các văn bản khi được sự ủy nhiệm của Trưởng ban hoặc khi Trưởng ban vắng mặt.

- Các Phó Trưởng ban giúp đỡ và tham gia ý kiến cho Trưởng ban đảm trách từng công việc cụ thể được Trưởng ban ủy thác.

- Ủy viên Kiểm soát có trách nhiệm theo dõi, xem xét các hoạt động kinh tế – tài chánh của Ban và các công ty trực thuộc.

- Thủ quỹ có trách nhiệm giữ quỹ hoạt động của Ban.

Điều 12: Chánh Thư ký có trách nhiệm dự thảo văn kiện, báo cáo tình hình hoạt động của Ban trong các buổi họp. Thừa ủy nhiệm của Trưởng ban ký các văn thư có tính cách nội bộ. Ghi biên bản các buổi họp của Ban, tham gia ý kiến và phụ tá Trưởng, Phó Trưởng ban Thường trực điều hành hoạt động của Ban.

Phó Thư ký, có trách nhiệm hỗ trợ Chánh Thư ký soạn các văn bản, theo dõi, thực hiện các kế hoạch, chương trình hoạt động của Ban; thay mặt Chánh Thư ký điều hành Văn phòng của Ban.

Điều 13Các Ủy viên có trách nhiệm đóng góp ý kiến để tham gia kế hoạch hoạt động của Ban và đảm trách các việc về chuyên ngành được Trưởng ban và Ban phân công.

1.Các vị Ủy viên trú xứ ở phía Bắc, phụ trách và triển khai kế hoạch về kinh tế tài chánh được Văn phòng 1 TWGH giao phó, với sự chỉ đạo và đồng ý của Ban.

2.Các vị Ủy viên trú xứ ở phía Nam, phụ trách và triển khai kế hoạch về kinh tế tài chánh được Văn phòng 2 TWGH giao phó với sự chỉ đạo và đồng ý của Ban.

Điều 14Tài chánh của Giáo hội gồm :

  1. Công đức phí do thành viên đóng góp
  2. Tài vật hiến cúng hợp pháp
  3. Tài vật do Giáo hội và Ban Kinh tế Tài chánh tự tạo hợp pháp.

CHƯƠNG IV

BAN KINH TẾ TÀI CHÁNH GHPGVN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ

Điều 15: Trưởng ban Kinh tế Tài chánh thuộc Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành (gọi chung là GHPGVN cấp tỉnh) tùy theo chương trình hoạt động, có thể thành lập một Ban nhưng không quá 27 thành viên để phụ trách các mặt chuyên môn. Thành phần nhân sự này phải được Ban Thường trực GHPGVN cấp tỉnh chấp thuận bằng một quyết định.

Điều 16: Mỗi ủy viên trong Ban có trách nhiệm tham gia ý kiến, nghiên cứu, giúp đỡ chương trình hoạt động và kế hoạch thực hiện của Ban.

Điều 17: Trưởng ban Kinh tế Tài chánh chịu trách nhiệm về tài chánh, có nhiệm vụ chỉ đạo về các hoạt động kinh tế của GHPGVN cấp tỉnh và ký vào các văn kiện, các báo cáo có liên hệ đến kinh tế tài chánh.

Điều 18: Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN cấp tỉnh có nhiệm vụ liên hệ với các Ban Trị sự GHPGVN Quận, Huyện, Thị xã, Thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là GHPGVN cấp huyện) về kinh tế tài chánh, chương trình, kế hoạch phát triển và thực hiện chu toàn về công đức phí, niên liễm do Tăng Ni, Tự Viện, cơ sở đóng góp.

Điều 19: Kinh tế Tài chánh của GHPGVN cấp tỉnh gồm :

  1. Công đức phí do thành viên đóng góp
  2. Tài vật hiến cúng hợp pháp
  3. Tài vật do Ban Trị sự và Ban KTTC tự tạo hợp pháp.

CHƯƠNG V

CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN KHÁC

Điều 20: Tùy theo chương trình hoạt động về kinh tế tài chánh, nhu cầu cấp thiết, Trưởng ban Kinh tế Tài chánh Trung ương có thể mời thêm Ủy viên, hoặc bổ sung các ủy viên và báo cáo với Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tại phiên họp gần nhất để được chuẩn y.

Điều 21 : Hỗ trợ các Ban, Viện Trung ương Giáo hội về các vấn đề có liên quan đến kinh tế tài chánh.

Điều 22: Trưởng ban Kinh tế Tài chánh GHPGVN cấp tỉnh phải báo cáo bằng văn bản về hoạt động kinh tế tài chánh 6 tháng đầu năm và cả năm với Ban Thường trực GHPGVN cấp tỉnh.

Điều 23: Trưởng ban Kinh tế Tài chánh Trung ương liên hệ với 02 Văn phòng Trung ương Giáo hội để kết toán phần thu – chi toàn diện của Giáo hội, báo cáo trước Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Hội nghị Thường niên của Hội đồng Trị sự và Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc.

Điều 24: Ban Kinh tế Tài chánh 6 tháng họp một lần và họp trước phiên họp của Ban Thường trực 2 tuần để tổng kết công tác về kinh tế tài chánh trong 6 tháng đầu năm; trước phiên họp Hội đồng Trị sự 03 tuần và trước Đại hội Phật giáo toàn quốc 01 tháng để tổng kết công tác về Kinh tế Tài chánh trong năm và nhiệm kỳ.

Điều 25 : Quỹ hoạt động của Ban Kinh tế Tài chánh tùy thuộc vào nguồn kinh phí của Ban tự tạo hợp pháp.

CHƯƠNG VI

SỬA ĐỔI – BỔ SUNG – HIỆU LỰC

Điều 26: Việc sửa đổi bổ sung Nội quy này sẽ do Ban Kinh tế Tài chánh Trung ương đề xuất và được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam xét duyệt, chấp thuận.

Điều 27 :Nội quy này gồm có 06 Chương 27 điều, được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN nhất trí thông qua ngày 02 tháng 7 năm 2013 và có hiệu lực kể từ ngày Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ký quyết định ban hành.

BAN KINH TẾ TÀI CHÁNH TRUNG ƯƠNG

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu