Kính bạch Chư tôn thiền đức!
Kính thưa quý Đại biểu!
Thưa Đại hội!
Hòa chung không khí hoan hỷ của những người con Phật khắp cả nước, chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2017-2022. Con xin đại diện cho tăng ni trẻ Phật giáo tỉnh Nam Định đóng góp một số ý kiến tham luận trước Đại hội với chủ đề: Làm thế nào để giúp giới trẻ đến với Phật giáo? Lời đầu tiên cho phép con kính dâng lên quý ngài lời tri ân sâu sắc. Cung chúc quý ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu. Chúc quý vị Đại biểu khách quý, các đạo hữu phật tử sức khỏe. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp! Kính bạch Chư tôn thiền đức!
Kính thưa Quý liệt vị!
Giáo hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập, đã trải qua 36 năm trên tinh thần đoàn kết hòa hợp, phụng đạo yêu nước, giương cao ngọn cờ Đạo pháp - Dân tộc - CNXH, dưới sự lãnh đạo của GHPGVN, Phật giáo tỉnh Nam Định trong những năm qua đã có nhiều chương trình hoạt động thiết thực, làm tốt các công tác phật sự, phát huy mạnh mẽ công tác xây dựng chùa tinh tiến, phát huy mạnh mẽ vai trò hướng dẫn phật tử về mọi mặt.
Đặc biệt, Ban Hướng dẫn Phật tử trong 10 năm gần đây, đã mở rộng các khóa tu mùa hè dành cho các em thanh thiếu niên, giúp cho các em sống có nhận thức, có niềm tin, có kỹ năng, có định hướng, ổn định về tâm lý, thấy được giá trị của cuộc sống, đem lại niềm tin vững chắc cho các bậc phụ huynh, tin tưởng vào giá trị cao quý của giáo lý đạo Phật. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn đọng một số vấn đề trong việc hướng dẫn phật tử trẻ. Con xin được trình bày một số nguyên nhân và các giải pháp cụ thể như sau:
I. Nguyên nhân:
1) Do xu hướng toàn cầu hóa:
Sự lũng đoạn của nền kinh tế thị trường, gây biến động về đời sống của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi quốc gia. Tuy kinh tế được tăng trưởng, đời sống được cải thiện, nhưng những vấn nạn xã hội ngày một gia tăng như: cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, mại dâm, đâm chém, đánh lộn… không ngày nào báo chí không đề cập tới. Thêm vào đó là sự ô nhiễm về môi trường, từ không khí, nguồn nước, đất đai cho đến thực phẩm đều bị ô nhiễm trầm trọng; thiên tai, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất xảy ra khắp nơi.
Tất cả như đang thách thức đối với các nhà quản lý, các nhà kinh tế, các nhà khoa học, các nhà lãnh đạo và sự nghiêm minh của pháp luật. Từ những thực trạng đó đã khiến cho giới trẻ có cái nhìn lệch hướng đối với cuộc sống. Tuổi trẻ rất dễ rơi vào tình trạng mất phương hướng, thiếu niềm tin, sống buông thả.
2) Cuộc sống tâm linh không được các em xem trọng:
Ngày nay giới trẻ tự hình thành cho mình một lối sống chạy theo thời “thượng”, tâm lý đua đòi, sống ảo, tự đánh bóng mình trên các trang mạng; giới trẻ đang đặt nặng mình vào cuộc sống vật chất và có quá nhiều quyến rũ từ bên ngoài; từ thành thị đến thôn quê, các quán nhậu, các nhà hàng khách sạn, các vũ trường, tiệm internet, cà phê bụi, quán karaoke… đâu đâu cũng mọc lên như nấm.
Tình trạng này đang có khuynh hướng ăn sâu vào tiềm thức của giới trẻ, dần dần dẫn đến việc xuống cấp về đạo đức, suy đồi về văn hóa. Đặc biệt là các vấn nạn trong học đường ngày một gia tăng, các em rất buông thả trong việc trau dồi đạo đức và tiếp nhận kiến thức.
3) Các cơ sở tự viện còn thiếu cơ sở vật chất và tiện nghi:
Nhìn chung, các cơ sở tự viện đều được sự quan tâm, ủng hộ của chính quyền các cấp, các ban ngành, đoàn thể và Giáo hội, hầu hết đã được trùng tu hoặc được xây dựng mới hoàn toàn, nhưng để có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và tiện nghi cho việc sinh hoạt các khóa tu học đạo đức cho giới trẻ thì còn thiếu thốn rất nhiều như: các phòng học, giảng đường, thiền đường, thư viện, phòng y tế,...
Thêm vào đó thực lực, nội dung và chương trình sinh hoạt chưa đủ “hấp dẫn” để thu hút giới trẻ. Sinh hoạt tại các chùa còn đơn điệu và già cỗi; kinh phí đầu tư lại không có. Trong khi đó, ở ngoài đời các trò chơi giải trí từ iPad, iphone, mạng Internet,... rất hiện đại và hấp dẫn có thể thoả mãn lòng ham muốn của giới trẻ.
4) Thiếu nhân sự có khả năng:
Nói đến nhân sự là nói đến hàng tăng sĩ trẻ và hàng cư sĩ trẻ. Một số quý thầy/cô sau khi đã hoàn tất chương trình đào tạo tại các trường Trung cấp, Cao đẳng và Học viện Phật giáo, sau khi trở về sinh hoạt tại Giáo hội, vẫn còn mang tính chất cục bộ, chưa cởi mở, gần gũi và quan tâm hơn với giới trẻ. Trong khi đó, không có đủ cư sĩ để trợ, hộ đạo. Thế nên, Giáo hội cần đào tạo, bồi dưỡng nhân sự cho lớp trẻ để kế thừa; tổ chức các khoá học bồi dưỡng Phật pháp, đề xuất việc hoằng pháp cho phật tử trẻ, quan tâm đến tuổi trẻ nhiều hơn nữa.
5) Tinh thần hoằng dương chính pháp chưa cao:
Việc này cũng có nghĩa là sự rời rạc trong việc hoằng dương Chính pháp, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh cũng đã thành lập Ban Hoằng pháp nhưng còn yếu trong việc cộng sự, chưa phát huy được thế mạnh của nội lực, cần phải thu hút đội ngũ tăng ni trẻ tham gia và phát huy tài năng của mình. Cần phải có những buổi hội thảo, tọa đàm mang tính chuyên đề, để trao đổi kinh nghiệm trong công tác hoằng pháp. Có như vậy mới thật sự phát huy được thế mạnh của nội lực và khả năng sáng tạo của tăng ni trẻ.
6) Tăng sĩ chưa hội nhập với cộng đồng dân cư:
Thực tế cho thấy, hiện nay một số tăng sĩ chưa thật sự để tâm vào việc tìm hiểu và nghiên cứu về lịch sử, sự phát triển văn hóa nơi mình tu học. Chính vì thế, đôi khi gây ra sự mâu thuẫn trong cách ứng xử với bà con, gây ra sự bất đồng về quan điểm, dẫn đến việc khó khăn trong công tác hoằng pháp, nhất là đối với sự nhạy cảm của giới trẻ ngày nay.
7) Các chùa chưa đơn giản việc nghi lễ:
Giới trẻ cho biết, một số nghi lễ của Phật giáo còn rườm rà và có xu hướng tiêu cực, chưa đi theo tinh thần Từ bi - Trí tuệ đúng nghĩa với đạo Phật. Còn quá nhiều chùa, đặt nặng nề về vấn đề tổ chức cúng kiến đốt vàng mã, mà chưa có một phương thức, một tinh thần Phật giáo để giáo dục cho tuổi trẻ về lòng hiếu kính, lòng biết ơn và nhớ ơn.
8) Chưa thay đổi quan niệm “Trẻ vui nhà, già vui chùa”:
Quan niệm này khiến cho các đạo tràng tu tập toàn người già; nhất là đối với các vị nam giới rất ít khi về chùa, vẫn còn mang nặng tâm lý ngại đi chùa lễ Phật, chính vì thế mà làm mất dần đi đạo truyền thống của gia đình phật tử. Thiết nghĩ, người làm trụ cột của gia đình mà còn như thế thì đối với các em nhỏ thì như thế nào? Đạo Phật là đạo của tuổi trẻ, còn trẻ thì học giáo lý nhà Phật mới thấu hiểu, mới nhận thức được rõ ràng, khi tuổi đã cao thì việc tiếp cận giáo lý siêu việt của nhà Phật hơi khó. Cho nên cần tạo cho giới trẻ có cơ hội “Trẻ vui chùa”.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
9) Thiếu sự quan tâm, động viên hợp tác của phụ huynh:
Nhiều bậc phụ huynh đôi khi quá bận bịu với công ăn việc làm, nên bản thân cũng ít về chùa và cũng ít khuyến khích con cái đến chùa tu học Phật pháp. Thực tế, thông qua các khóa tu học Phật pháp mùa hè cho thấy có rất nhiều em tự đi đăng ký tu học mà cha mẹ không hề hay biết, thậm chí có khi biết là ở chùa tổ chức khóa tu nhưng không cho con đi, mà bắt ở nhà phụ việc.
Hơn nữa với tâm lý “tiền xuất Phật biết”, đôi khi không đi chùa lễ Phật, tụng kinh, nghe quý tăng ni giảng giải, mà qua nhà hàng xóm gửi chút tiền dầu hương mang hộ đến cúng Phật. Hoặc giả có về chùa thì lại lâm râm khấn vái cầu xin chư Phật phù hộ đủ điều, mà quên rằng đức Phật không phải là đấng ban phúc hay giáng họa.
II. Giải pháp:
Từ những nguyên nhân trên, con xin được đưa một số giải pháp cụ thể ngắn gọn, nhằm bổ sung vào bản báo cáo của Đại hội:
1) Thể hiện sự quan tâm và tình yêu thương với giới trẻ:
“Phật pháp bất ly thế gian pháp”. Vì thế Phật pháp phải đồng hành cùng thế gian, trước hết phải tạo sự thân thiện, thuận duyên và cảm thông, giữa chùa với phật tử, giữa quý tăng sĩ với giới trẻ, để các em có cơ hội gần gũi, hội nhập và tìm hiểu giáo lý nhà Phật, các em cảm nhận được những giá trị cao quý qua lời Phật dạy, biết trân quý những gì mà các em có, tạo cơ hội cho các em tiếp cận kiến thức Phật giáo bằng cách khuyến tấn các em tham gia những sinh hoạt Phật giáo lành mạnh như: trại hè, khóa tu đạo đức, câu lạc bộ đoàn thanh niên phật tử, câu lạc bộ sinh viên Phật giáo…
Nhất là vấn đề về tiền hôn nhân, có rất nhiều em bối rối trước sự phát triển sinh lý, chuyện tình cảm, các em cần phải được học giáo lý của nhà Phật, biết được tội phúc, biết được nhân quả báo ứng,… để từ đó các em có định hướng, có cái nhìn thân thiện trong cuộc sống, không sa vào các cuộc ăn chơi trụy lạc. Hơn nữa, các phật tử phải biết hướng dẫn cho con em mình biết tạo phúc, biết học Phật, Phật hóa gia đình, tổ chức lễ hằng thuận nơi cửa Phật, giúp cho giới trẻ có cơ hội lắng nghe lời Phật dạy.
2) Nhân sự:
Cần phải có đội ngũ tăng ni trẻ hùng hậu, nhiệt huyết, hy sinh vì lợi ích chung, hết mình vì sự nghiệp hoằng dương Chính pháp. Đồng thời cũng phải ra sức đào tạo đội ngũ cư sĩ trẻ để giúp việc, thông hiểu ngoại ngữ, sử dụng thành thạo công nghệ điện tử, để hành đạo, hoà nhập vào xã hội cùng với giới trẻ.
3) Tuỳ duyên bất biến:
Các chùa nên uyển chuyển, đa dạng và phổ cập giáo lý Phật đà. Những giáo lý cơ bản của Phật giáo như: Tam quy, Ngũ giới, Thập thiện, Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi, Tứ diệu đế, Duyên khởi, Bát Chính đạo,... cần phải dạy cho các em thông hiểu để có cái nhìn chân chính về nhân sinh quan, thế giới quan và vũ trụ quan của Phật giáo. Đây cũng là những giá trị đạo đức cốt lõi trong mối quan hệ giữa cá nhân với cộng đồng xã hội. Ngoài ra, còn cần ứng dụng khoa học công nghệ truyền thông vào giảng dạy giáo lý. Cần sinh động và hấp dẫn trong thời đại kỹ thuật @ như hiện nay.
4) Triển khai và thực hành phương pháp “Hiện pháp lạc trú”:
Chương trình tu học cần liên tục cập nhật, cải tiến và thay đổi để đáp ứng những mong muốn của giới trẻ. Chỉ cho các em những pháp môn tu tập cụ thể và thực tiễn, có hiệu quả để giúp các em giải quyết những hụt hẫng, mâu thuẫn, tháo gỡ được những khúc mắc với cha mẹ, nội kết với anh chị em, bạn bè. Những phương pháp như: Niệm Phật, tìm về hơi thở, hành thiền, yoga, sống đời sống chính niệm, làm giảm căng thẳng trong thân và tâm, tập nhận diện, thực tiễn và yêu thương; đối phó với những cơn giận, sợ hãi, đau buồn, lo lắng, cô đơn, v.v... đều được dạy và thực hành cho giới trẻ; dù trong nghịch cảnh nào, nhờ sự tu tập, tuổi trẻ sẽ có đủ khả năng và phương pháp đối phó, từ đó sẽ phát khởi được lòng tin vững chắc nơi Tam bảo.
5) Cần có sự hợp tác và sự trợ giúp của các tổ chức xã hội:
Các tổ chức xã hội ngày nay rất quan tâm về vấn đề Đức dục, Thể dục và Trí dục, cho nên các chùa cần có hình thức sinh hoạt linh động trong việc thu hút và đưa giới trẻ đến gần với chùa. Chẳng hạn như, tổ chức GĐPT có đặc tính của một nền giáo dục mang tinh thần Phật giáo, lấy Từ bi - Trí tuệ làm mục tiêu, lấy Giới - Định - Tuệ làm nền tảng và định hướng trong cuộc sống.
6) Đơn giản trong nghi thức tụng niệm:
Các khóa lễ cần được đơn giản, gọn gàng và đa dạng, nên có phần niệm Phật, ngồi thiền, xen kẽ những bài nhạc, kinh hành, pháp đàm, thiền trà v.v… để tạo sự linh động, không khí trẻ trung vui vẻ mà không mất phần trang nghiêm và thanh tịnh. Cũng cần phải có sự thống nhất về mặt nghi lễ trong toàn quốc, nhằm ổn định về các nghi thức khi các em tham dự, giúp cho giới trẻ không bị cảm giác hụt hẫng giữa vùng miền, giữa tỉnh này với tỉnh khác, đồng thời đây cũng là hình thức nhằm hạn chế sự sai biệt về mặt nghi lễ tại các chùa ở các địa phương trong toàn quốc.
7) Hướng dẫn các em bằng (Thân giáo, Khẩu giáo, Ý giáo):
Giới trẻ cần nhiều vị thầy quý kính, oai nghi tế hạnh, đầy đủ tam giáo. Bởi các em vốn năng động, sáng tạo, sẵn sàng lăn xả vào đời, nhưng cần sự đồng hành và những tấm gương sáng để soi đường chỉ lối. Quý thầy/cô hay cư sĩ có thái độ thân thiện, gần gũi, vui vẻ biết chia sẻ và vỗ về với giới trẻ thì việc thu hút các em rất mau. Tuổi trẻ sẽ tin cậy vào Tăng bảo và đây cũng là cơ duyên để quý thầy/cô khuyến tấn các em phát nguyện quy y, thụ trì năm giới, nhằm giúp các em giữ gìn được giềng mối đạo đức nơi cửa Phật và đem lại lợi ích cho xã hội.
Kính bạch Chư tôn thiền đức!
Kính thưa Quý liệt vị!
Trong giới hạn của bài tham luận này, thời gian không cho phép con triển khai đầy đủ, chi tiết và mạch lạc. Tuy nhiên, với 9 nguyên nhân và 7 giải pháp tiêu biểu trên, con hy vọng là tiếng chuông nhẹ ngân cho hiện trạng tuổi trẻ Phật giáo Việt Nam ngày nay. Khi tìm đến chùa, tuổi trẻ phật tử được nương tựa trong môi trường thanh tịnh, giảm căng thẳng, học cách ứng xử trong đời sống hằng ngày, học hiểu và thương, học cách bớt sầu muộn và sân hận v.v… ngưỡng mong quý ngài hãy quan tâm, dìu dắt, hiểu và cảm thông cho giới trẻ, để tuổi trẻ Phật giáo ngày càng lớn mạnh.
Một lần nữa, con xin kính chúc quý ngài thân tâm an lạc, kính chúc sức khỏe tới quý vị Đại biểu, quý phật tử. Chúc Đại hội thành công viên mãn!
Nam mô Thường Tinh Tiến Bồ Tát Ma Ha Tát!
ĐĐ.Thích Thông Đạt - Chùa Diêm Điền, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
|
|
Tài khoản BTS GHPGVN huyện Long Điền
Thủ quỹ quản lý thẻ tên:
CAI THỊ NGỌC KIỀU
Số TK: 76110000593792
NH BIDV - chi nhánh Bà Rịa
Mọi thông tin đóng góp, ủng hộ xin liên hệ:
Số đt, zalo: 0818287858
Theo dõi thẻ này có:
TT. Thích Tâm Pháp: Trưởng Ban Trị Sự
SC. Thích nữ Hạnh Thiện: Chánh thư ký
NS. Phương Minh: Trưởng ban kinh tế-tài chánh