GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 17:13:09 29-11-2016 (GMT+7) Lượt xem:3441

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ HÒA THƯỢNG THÍCH MINH HIỂN (1938 – 2016)

Do tuổi cao sức yếu, sau thời gian bệnh duyên Hoà thượng Thích Minh Hiển đã thu thần viên tịch vào lúc 17h00 ngày 24/11/2016 (nhằm ngày 25/10 năm Bính Thân) tại Tu viện Bát Nhã khu phố Vạn Hạnh - thị trấn Phú Mỹ - tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Xin chuyển tải sơ lược tiểu sử của Ngài.

 

 


img 7590
CỐ HOÀ THƯỢNG THÍCH MINH HIỂN
 

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ
HÒA THƯỢNG THÍCH MINH HIỂN
(1938 – 2016)
 

- Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;
- Nguyên Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
- Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN huyện Tân Thành;
- Nguyên Chánh Đại Diện Phật Giáo huyện Tân Thành;
- Khai Sơn Tu viện Bát Nhã, khu phố Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT.

 
1. Thân thế
Hòa Thượng Thích Minh Hiển, thế danh Võ Văn Hiển, húy Nhuận Hiển, thuộc dòng Từ Tế Thượng Chánh Tông, đời thứ 46.

Hòa Thượng xuất thế vào năm 1938 (Mậu Dần) trong một gia đình có bốn anh chị em tại xã Phước Thiền, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Thân Phụ là ông Võ Văn Liễu, Thân mẫu là Bà Đinh Thị Mai.

Vốn sanh trưởng trong một gia đình có truyền thống kính tin Tam Bảo, năm lên 14 tuổi, Thân mẫu lâm trọng bệnh và qua đời để lại sự đau thương và mất mát lớn lao trong cuộc đời của Hòa Thượng. Từ nhân duyên đó, tuy tuổi còn nhỏ nhưng Ngài đã nhận chân được sự thật vô thường giả tạm của kiếp người. Chính điều đó đã làm Hòa thượng ưu tư và khơi mở Bồ đề tâm, thôi thúc chí nguyện xuất gia học đạo đã vốn sẵn có nơi Ngài.

2. Giai đoạn xuất gia học đạo
Năm 14 tuổi (năm 1951) khi nhân duyên hội đủ, được sự đồng thuận của thân phụ. Hòa Thượng cùng với Thượng Tọa Minh Sanh (là anh em chú bác của Hòa Thượng) đến đảnh lễ cố Đại lão Hòa Thượng thượng Thiện hạ Huê để xin Ngài được xuất gia tu hành tại Tổ đình Chùa Niệm Phật, Thuận An, Sông Bé (nay là Tỉnh Bình Dương).

Năm 1954, theo sự chỉ dạy của cố Hòa Thượng Bổn Sư, Hòa thượng đã về vùng rừng núi Thị Vãi trông coi việc xây cất Tịnh Xá Liên Trì tại xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai (nay là thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu).

Năm 1955, sau bao năm chuyên cần công phu công quả, tinh tấn tu học, Hòa thượng đã được Hòa Thượng Bổn sư cho phép thọ giới Sa di Bồ Tát giới tại chùa Đại Giác, Sài Gòn.

Sau một thời gian dài, Ngài chuyên tâm học kinh luật, vào năm 1960, Hoà thượng Bổn Sư xét thấy tâm Bồ đề của Ngài đã đủ lớn, tướng trượng phu đã tròn nên cho phép Hoà thượng đăng đàn thọ cụ túc giới tại tổ đình Chùa Bửu Liên, tỉnh Cần Thơ, do Đại lão Hòa Thượng thượng Minh hạ Tâm làm đàn đầu Hòa Thượng.

Theo dòng biến thiên lịch sử của nước nhà, năm 1966, Tịnh Xá Liên Trì bị bom Mỹ tàn phá, sụp đỗ, Hòa Thượng theo chân Hòa Thượng Bổn Sư về tu học tại Chùa Đại Giác, Sài Gòn.

Năm 1967, theo sự chỉ dạy của Hòa thượng bổn sư, Hòa Thượng cùng với sư huynh là cố Hòa Thượng Thích Thiện Phụng về trông coi xây dựng Tịnh Xá Niết Bàn, tại TP. Vũng Tàu.

Năm 1968, Hòa Thượng được Hòa Thượng Bổn Sư cử về trông coi việc xây dựng Lạc Cảnh Tăng Xá, nay là Chùa Tánh Hải, thuộc xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.  

3. Đạo nghiệp hoằng pháp - độ sanh
Sau khi đất nước thống nhất, cuối năm 1975, được cố Hòa Thượng Bổn Sư chỉ dạy, Hòa Thượng đã về Làng Vạn Hạnh, núi Thị Vải khai hoang vùng đất kinh tế mới để xây dựng nơi tu học.

Ban đầu, Hoà Thượng về đây chỉ làm một am tranh nhỏ để tu niệm hằng ngày. Song, với chí nguyện hoằng dương Phật Pháp tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức, Hoà thượng phát nguyện kiến lập đại Già Lam để làm nơi tiếp tăng độ chúng. Từ chí nguyện đó, được sự cho phép của các cấp chính quyền địa phương và sự hổ trợ cúng dường tịnh tài của quý Phật tử xa gần, Hoà thượng đã mua thêm đất, mở rộng diện tích khuôn viên và xây dựng tăng đường để tạo điều kiện cho tăng chúng có trú xứ tu học (Hiện nay là Tu Viện Bát Nhã, khu phố Vạn Hạnh,thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Năm 1994, Hòa Thượng là đại biểu Hội Đồng Nhân Dân khóa I, Thị Trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành.
Hòa Thượng được suy cử Đại Biểu Hội Đồng Nhân Dân khóa III huyện Tân Thành nhiệm kỳ 2000 - 2005.

Hòa Thượng đã tham gia các công tác Phật sự của Giáo hội và đảm nhiệm vai trò Chánh Đại Diện Phật Giáo huyện Tân Thành, khóa III, năm 2002; làm Ủy viên BTS GHPGVN tỉnh BTVT nhiệm kỳ 2007-2012; chứng minh BTS Phật giáo huyện Tân Thành  nhiệm kỳ (2012-2016).

Với công hạnh tu tập nghiêm trì giới luật, năm 2009, Ban tổ chức Đại Giới Đàn Thiện Hòa VI đã cung thỉnh Hòa thựợng vào hàng tôn chứng đàn giới Tỳ kheo.
Hòa thượng cũng đã tham gia vào Ban tổ chức cũng như được đề cử vào hàng tôn chứng tại các Đại Giới Đàn Thiện Hòa tại tỉnh BR-VT.
Hòa Thượng đã được Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh cung thỉnh vào Ban chứng minh Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh BR-VT nhiệm kỳ (2012 - 2017)
Hoà thượng đã được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tấn phong giáo phẩm Thượng toạ vào năm 2002 và giáo phẩm Hoà thượng vào ngày 24 tháng 11 năm 2012.

Trong thời gian hành đạo tại Tu Viện Bát Nhã, với hạnh nguyện tiếp tăng độ chúng, từ đó đến nay, số lượng Tăng ni mà Hoà thượng đã thế độ xuất gia hơn một trăm đệ tử. Hòa Thượng còn quy y cho hàng ngàn Phật tử ngũ giới trên khắp mọi miền đất nước.

4. Hoạt động Từ thiện xã hội
Suốt cả cuộc đời, ngoài việc tinh tấn tu hành, nghiêm trì giới luật, Hoà thượng  còn lập hạnh bố thí cúng dường với phương châm: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”. Từ tâm nguyện đó, Hòa Thượng cùng đồ chúng làm công tác Từ thiện Xã hội trên khắp mọi miền đất nước, nhất là đồng bào bị thiên tai lũ lụt tại các tỉnh thành từ miền Nam đến miền Trung, miền Bắc.
Năm 2014, mặc dầu tuổi cao sức yếu, nhưng Hòa Thượng vẫn thực hành hạnh nguyện lợi tha, Ngài đã đích thân đến các tỉnh như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình để trao những phần quà cho người dân bị thiên tai lũ lụt với những lời động viên, chia sẻ.

Cả một đời tu hành, với chí nguyện hoằng pháp độ sanh và ý chí cách mạng dân tộc, Hòa Thượng đã được Chủ tịch nước tặng Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhì; Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam chứng nhận Linh thiêng cổ tự cho Tu Viện Bát Nhã.

Năm 2015, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Viện Khoa học Nghiên cứu Nhân tài, Nhân lực đã trao tặng cho Hòa thượng “Bảng Vàng Vinh Danh Trái Tim Vàng Việt Nam Nhân Ái”.

Qua 79 năm hiện hữu trên cuộc đời, với 57 hạ lạp, Hòa thượng đã tận tụy một đời phục vụ cho đạo pháp và dân tộc. Với trí tuệ trong sáng, đức hạnh khiêm cung, tâm từ bi rộng mở, hòa thượng đã để lại nhiều tiếng thơm và làm đẹp cho cuộc đời. Với lòng vị tha, hoan hỷ, từ hòa, lối sống bình dị, giản đơn, gần gũi với mọi người, Hòa thượng luôn được Tăng ni, Phật tử và mọi người quý kính, thương mến khi có nhân duyên được tiếp xúc, trò chuyện với Ngài. Thân giáo của Ngài luôn là tấm gương mẫu mực cho tứ chúng đệ tử noi theo tu học.

Thuận theo quy luật vô thường sanh trụ dị diệt, xác thân tứ đại đã mòn mỏi và đến hồi tan rã, tùy thuận sanh tử, Hoà Thượng đã thuận thế vô thường, xả báo an tường, tịnh nhiên viên tịch trong sự hộ niệm của chư Tăng Ni và tứ chúng đệ tử vào lúc 17giờ 00, ngày 24 tháng 11 năm 2016 (Nhằm ngày 25 tháng 10 năm Bính Thân), tại Tu Viện Bát Nhã, khu phố Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trụ thế 79 năm, 57 Hạ Lạp.

Nam Mô Từ Tế Thượng Chánh Tông, Tứ Thập Lục Thế, khai sơn Bát Nhã đường thượng, huý thượng Nhuận hạ Hiển, hiệu Minh Hiển, Võ công Hoà thượng Giác Linh thùy từ chứng giám.

 

   Tu Viện Bát Nhã, ngày 26 tháng 11 năm 2016
Môn đồ pháp quyến đồng kính soạn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu