GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 16:05:57 23-12-2016 (GMT+7) Lượt xem:2773

Phát biểu của Chủ tịch HĐTS tại Hội nghị với Thủ tướng Chính Phủ

Sáng ngày 19/12, tại Tp.HCM, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo các tổ chức tôn giáo. Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN đã có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị, với tiêu đề “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 35 năm phát triển và hội nhập”. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu toàn văn Bài phát biểu của Ngài Hòa thượng Chủ tịch.

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật


Kính thưa Ngài Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam.
Kính thưa các vị chức sắc lãnh đạo các tôn giáo anh em.
Kính thưa toàn thể quý vị!


Hôm nay trong khí nồng ấm, thắm tình đạo vị, trong những ngày mà chúng ta đã bắt đầu chuẩn bị chào đón Năm mới 2017, Tết cổ truyền Xuân Đinh Dậu, Ngài Thủ tướng mặc dù bộn bề công việc chăm lo đời sống cho nhân dân đồng bào dịp cuối năm, công tác đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước, song đã dành thời gian quý báu chủ trì Hội nghị gặp gỡ, thăm hỏi các chức sắc lãnh đạo các tôn giáo trong cả nước, quả là một tình cảm vô cùng đặc biệt. Qua đó thực sự thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào tín đồ các tôn giáo tại Viêt Nam.

Trước hết, xin thay mặt cho toàn thể Tăng Ni, đồng bào Phật tử trong và ngoài nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cũng như tín đồ các tôn giáo anh em xin được cầu nguyện cho quý vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cầu nguyện cho Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các thành viên Chính phủ, các quý vị lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương luôn luôn dồi dào sức khỏe, trí tuệ mẫn tiệp để lãnh đạo đất nước vững tiến trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, đàng hoàng hơn, to đẹp hơn để sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới như di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
 Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - ảnh: tuoitre.vn

Kính thưa Thủ tướng,


Kể từ sau thành công rực rỡ của Đại hôi XII của Đảng đã bầu ra các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và cử tri cả nước tín nhiệm bầu giữ trọng trách quan trọng Thủ tướng nước CHXCN Việt Nam. Với thông điệp xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân…, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đem lại niềm tin, đem lại một luồng sinh khí mới cho cộng đồng xã hội.

Trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật có dạy: “Tin là gốc của Đạo, là mẹ đẻ sinh ra các công đức”. Với một niềm tin trong sáng, tích cực, chánh tín là động lực thiết yếu khích lệ, phát huy điều tốt nơi con người, đưa đến sáng tạo, phát huy trí tuệ và dẫn đến hạnh phúc cho mình, cho người và cho cả nhân loại. Bằng những hành động thiết thực  đi đôi với lời nói, những quyết sách kịp thời, sáng suốt của Thủ tướng trước các vấn đề của xã hội đã tạo động lực niềm tin cho toàn xã hội.

Kính thưa Thủ tướng,

Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa kỷ niệm 35 năm thành lập (7/11/1981 – 7/11/2016) với nhiều thành tựu to lớn đã đạt được trong công tác phụng sự Đạo Pháp và Dân tộc. Giáo hội đã thành lập Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước; Sau 35 năm đến nay Giáo hội có 4 Học viện Phật giáo Việt Nam: tại Hà Nội, tại Huế, tại Tp Hồ Chí Minh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Tp Cần Thơ.  Đến nay các Học viện đã đào tạo gần 7000 Tăng Ni tốt nghiệp cử nhân Phật học, đang đào tạo trên 2000 Tăng Ni sinh; đã đào tạo gần 10.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp Trung cấp Phật học, đang đào tạo gần 5000 Tăng Ni sinh, và hàng ngàn Tăng Ni sinh tại các cơ sở đào tạo Sơ cấp Phật học. Giáo hội đã cử hơn 500 Tăng Ni đi du học ở nước ngoài: Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Myanma, Thái Lan, Đài Loan… Đến nay đã có hơn 100 Tăng Ni sinh đã tốt nghiệp trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ về nước phục vụ công tác Giáo hội.

Với truyền thống 2000 năm Phật giáo Việt Nam hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc, Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam  đã luôn luôn phát huy tinh thần phụng đạo yêu nước, thiết thân cùng xã hội, hiện hữu và quyết tâm giữ vững tinh thần độc lập dân tộc với tinh thần phụng sự chúng sinh là cúng dường Chư Phật. Đồng thời, để phát huy vai trò là thành viên tích cực trong khối đại đoàn kết dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thực hiện hữu hiệu phương châm hoạt động của Giáo hội: Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội, các thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp, Tăng Ni và Phật tử cả nước đã tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào ích nước lợi dân, thi đua yêu nước, tích cực tham gia công tác phúc lợi xã hội, bảo vệ môi sinh, môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn khu dân cư, tham gia tích cực vào phong trào giữ gìn trật tự an ninh, quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
 Thủ tướng cùng thành viên Chính phủ chào mừng Chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN

Tăng, ni, phật tử đã tích cực tham gia xây dựng nhà nước pháp quyền, góp ý dự thảo xây dựng các dự án luật, trong đó có Hiến pháp sửa đổi 2013; Bộ luật hình sự; luật đất đai…v.v, đặc biệt là dự án Luật tín ngưỡng tôn giáo; tham dự Hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc; Tham gia phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; Ký kết phối hợp công tác với Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài trong việc chăm lo cho bà con Việt kiều ở Hải ngoại; phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia trong việc vận động Tăng ni, Phật tử, bà con nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa an toàn khi tham gia giao thông; Ký kết phối hợp công tác với Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam trong công tác tập hợp và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa dân tộc cho thanh thiếu niên, giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ; Phối hợp công tác với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch trong việc giữ gìn bản sắc và phát huy truyền thống văn hoá dân tộc, văn hoá Phật giáo tại các cơ sở thờ tự chùa Phật giáo, trong các lễ hội tôn giáo tại địa phương, chống mê tín dị đoan.


Với trách nhiệm và bổn phận của công dân đất nước, Trung ương Giáo hội và Giáo hội Phật giáo các cấp đã vận động Tăng Ni, Phật tử tham gia tích cực công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, đồng thời Trung ương Giáo hội và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo các cấp đã giới thiệu Tăng Ni, Phật tử ứng cử tham gia đại biểu Quốc hội và Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp qua các kỳ. Hiện nay có 05 vị là Đại biểu Quốc hội khoá XIV và rất nhiều vị là Đại biểu HĐND tỉnh, thành phố; và các cấp địa phương trong cả nước. Trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều có các chức sắc tham gia từ Đoàn Chủ tịch với cương vị Phó Chủ tịch không chuyên trách đến uỷ viên MTTQVN các cấp từ trung ương đến địa phương.

Nhìn chung, Tăng Ni và Phật tử luôn giữ vững lập trường, phát huy truyền thống đoàn kết, hoà hợp, độc lập dân tộc, theo hướng đi lên của thời đại, góp phần xây dựng xã hội Việt Nam văn minh, tiến bộ, giàu mạnh. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước 02 lần trao tặng Huân Chương Hồ Chí Minh; được đón nhận các Huân chương Độc lập Hạng Nhất; Huân chương Lao động Hạng Nhất, đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành cho Giáo hội và Tăng Ni, Phật tử Việt Nam.

Trong tổng số gần 17 ngàn ngôi chùa, tịnh xá, niệm Phật đường là cơ sở thờ tự của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, có đến hàng ngàn ngôi chùa cổ tự đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt và Di tích Quốc gia, Di tích cấp tỉnh, thành phố. Đó là kho tàng văn hoá truyền thống Việt Nam ở đó gìn giữ không chỉ văn hoá vật thể mà chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá phi vật thể, và lịch sử dân tộc. Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã rất chú trọng trong công tác bảo tồn và phát huy di tích văn hoá đó. Các di tích đồng thời phục vụ đời sống văn hoá tâm linh cho đồng bào, vừa là điểm đến du lịch cho du khách trong nước và quốc tế góp phần phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước phát triển du lịch tâm linh, sinh thái bền vững dựa trên các cơ sở thờ tự Phật giáo. Trong đó nổi bật ở tỉnh Quảng Ninh và Ninh Bình, nơi có các trung tâm Tổ đình Phật giáo lớn thu hút khách hành hương và nguồn thu từ du lịch tâm linh đã tạo ra nhiều việc làm ổn định và đóng góp đáng kể trong cơ cấu tổng thu nhập GDP của tỉnh. Đặc biệt trong thời gian vừa qua, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã xây dựng các ngôi chùa tại biên giới, hải đảo như chùa thác Bản Giốc, chùa Tà Lùng tỉnh Cao Bằng, chùa Tân Thanh tỉnh Lạng Sơn, chùa Móng Cai, chùa Đảo Cô Tô tỉnh Quảng Ninh, chùa Đảo Bạch Long Vĩ tại vùng biển Hải Phòng, chùa Hộ Quốc tại Phú Quốc, chùa Vân Sơn Núi Một tại Côn Đảo và 06 ngôi chùa tại các đảo: Trường Sa Lớn, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Phan Vinh thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà và đã cử các vị sư trụ trì tại các chùa này cùng với các chiến sỹ ngày đêm nơi tiền tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hàng năm, Giáo hội đều cử đoàn ra thăm tặng quà các chiến sỹ và cư dân đảo Trường Sa, làm lễ cầu siêu các anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh bảo vệ bờ cõi của đất nước.

Về công tác từ thiện xã hội là một trong những công tác Phật sự trọng yếu của Giáo hội, công tác từ thiện và sự nghiệp chăm lo an sinh xã hội đã được Giáo hội chỉ đạo Tăng Ni, Phật tử và các chùa, tự viện, các thành viên thực hiện thường xuyên, liên tục, kịp thời. Công tác từ thiện tập trung vào các hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với 50 cơ sở. Giáo hội hiện có trên 150 Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 01 phòng khám Đa khoa đang hoạt động có hiệu quả, khám và phát thuốc miễn phí cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân. Giáo hội luôn có mặt đúng lúc và kịp thời cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt và tham gia tích cực ủng hộ phong trào xoá đói giảm nghèo, chăm sóc các đối tượng người có công với đất nước. Phát quà từ thiện, xây cầu, làm đường, xây trường học, phát xe lăn, hiến máu nhân đạo, quỹ khuyến học, ủng hộ các chiến sỹ biển đảo bám biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc… kết quả công tác từ thiện xã hội trong những năm qua ước tính khoảng 7.000 tỷ đồng.

Về hoạt động đối ngoại Quốc tế, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã chủ động trong hội nhập Quốc tế, có quan hệ hữu nghị với các tổ chức liên hữu Phật giáo Quốc tế, với Phật giáo các nước trên thế giới. Hàng năm, Giáo hội đã đón tiếp nhiều đoàn Phật giáo Quốc tế, các tổ chức Quốc tế Liên Hợp Quốc, các tổ chức nhân quyền, phi chính phủ Quốc tế đến thăm và làm việc với Giáo hội; đồng thời Giáo hội cũng tổ chức nhiều đoàn đi thăm Phật giáo các nước, tham gia các hội thảo Quốc tế. Qua đó giới thiệu với bạn bè Quốc tế về Phật sự của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, đem đến hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam và thể hiện đời sống tự do tôn giáo tại Việt Nam. Với quyết tâm và nỗ lực của mình, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2008 (tại trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội) và năm 2014 (tại Bái Đính, tỉnh Ninh Bình) với sự hiện diện của gần 100 quốc gia và các vùng lãnh thổ trên thế giới, đạt nhiều thành quả tốt đẹp qua đó nâng cao hình ảnh, vị thế của đất nước, con người Việt Nam trong cộng đồng quốc tế. Thành tựu Phật giáo Quốc tế còn đánh dấu qua việc nhiều vị nguyên thủ quốc gia các nước đến thăm Giáo hội và các ngôi chùa Việt Nam: Tổng thống Ấn Độ, Quốc vương Campuchia, Tổng thống và Thủ tướng Nga, Thủ tướng Anh, Tổng thống Mỹ Barack Obama. Đặc biệt, nhận lời mời chính thức của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Thủ tướng Srilanka đã thăm Giáo hội và tham dự Vesak tại Bái Đính Ninh Bình, năm 2014; Thủ tướng Cộng hoà Ấn Độ Narenda Modi thăm trụ sở Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tháng 09/2016 và trong tuyên bố chung của Thủ tướng 2 nước đã có điều khoản Ấn Độ cấp học bổng cho Tăng Ni Giáo hội Phật Giáo Việt Nam học tập và nghiên cứu tại Ấn Độ, qua đó khẳng định vai trò của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam trong hoạt động đối ngoại nhân dân. Chư tôn đức Lãnh đạo Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đã tham gia đoàn của Chủ tịch nước thăm hữu nghị chính thức Campuchia năm 2014, tham gia đoàn của Tổng Bí Thư thăm chính thức Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ năm 2015 và tham gia đối thoại tôn giáo với các tôn giáo Hoa Kỳ. Được sự giúp đỡ của Chính phủ hai nước Việt Nam – Lào, GHPGVN đã hai lần thăm hữu Nghị tổ chức liên minh Phật giáo Lào thành công tốt đẹp.

Công tác Hoằng Pháp và hướng dẫn Phật tử điều phát triển cả chiều rộng và chiều sâu đáp ứng nhu cầu của đông đảo Nhân dân Phật tử từ thành thị đến nông thôn, các vùng miền núi đồng bào dân tộc, vùng biên giới, hai đảo tiền tiêu của Tổ quốc và chăm lo cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng lòng yêu quê hương đất nước Tổ quốc Việt Nam thân yêu. GHPGVN đã thành lập 09 Hội Phật tử Việt Nam tại các nước: Lào, Séc, Pháp, Đức, Ba Lan, Hungary, Nga, Ucraina, Nhật bản.

Kính thưa Thủ tướng!

Trong không khí đổi mới và hội nhập quốc tế của đất nước, Tăng Ni, tín đồ Phật tử GHPGVN, cũng như các tín đồ tôn giáo tại Việt Nam phấn khởi dưới sự lãnh đạo của Ngài Thủ tướng, Chính phủ đã đệ trình Quốc Hội và đã được Quốc hội phê chuẩn thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung đổi mới, nếu như trong các Pháp lệnh, Nghị định trước đây vẫn đặt nặng vấn đề cơ chế xin - cho trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thì nay đã được thay thế, mở rộng quyền của các tôn giáo trong các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo của mình. Và Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đã có điều khoản để các tổ chức tôn giáo được tham gia vào các hoạt động xuất bản kinh sách, ấn phẩm về tôn giáo mình; được thành lập các cơ sở giáo dục, mở trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; thành lập bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh; các cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện - nhân đạo. Qua đó không ngừng tăng cường đoàn kết cộng đồng các tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc; thể hiện đường lối của Đảng và Nhà nước trong việc bảo hộ quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, mọi thành phần trong xã hội, đảm bảo cho các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, bày tỏ niềm tin của mình và hành đạo phục vụ đáp ứng nhu cầu của các tín đồ tôn giáo của mình, đóng góp cho xã hội góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng sẽ lắng nghe nguyện vọng của các tôn giáo được thể hiện trọn vẹn trong phương thức hành đạo theo Giới luật của tôn giáo mình và phù hợp với Pháp luật nhà nước tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với bộ luật tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký công bố, mong rằng Thủ tướng sẽ chỉ đạo Chính phủ và các Ban, Bộ ngành Trung ương sớm ban hành các văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành luật để đưa vào đời sống. Đặc biệt là nội dung của các văn bản, nghị định hướng dẫn thi hành luật, phải thực sự đúng với nội dung Luật tránh tình trạng nghị định hướng dẫn  lại rơi vào sự lệ thuộc hành chính, cơ chế xin  -  cho làm cản trở sự tiến bộ.

Cần triển khai nội dung Luật sâu sắc tới các công chức địa phương nhất là các vùng miền núi để được tham gia của các tôn giáo phục vụ đời sống tâm linh cho đồng bào ở khu vực này, kể cả các công tác từ thiện xã hội, y tế, giáo dục giúp đỡ các đồng bào các dân tộc nơi đây được thuận lợi.

Trong sự nghiệp chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, GHPGVN mong muốn Bộ Ngoại giao, các cơ quan ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài quan tâm giúp đỡ Giáo hội trong các hoạt động của các Hội Phật tử Việt Nam tại các nước Châu âu, Lào, Campuchia và Châu Phi. Cụ thể là trong lịch sử những năm thế kỷ 20, Phật giáo Việt Nam có những ngôi chùa ở Thái lan, Lào, Campuchia hiện nay Giáo hội rất mong muốn được giúp đỡ quản lý trở lại. GHPGVN đang tiến hành xây dựng các ngôi chùa kiến trúc truyền thống Việt Nam tại Châu âu, và đang tiến hành thành lập Hội Phật tử Việt Nam tại Angola và Mô – Dăm – Bích thuộc Châu phi cần sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao.

Một vấn đề mà hiện nay cần Thủ tướng giải quyết đó là cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo là Ban Tôn giáo Chính phủ vẫn chưa có vị Trưởng ban. Kính đề nghị Thủ tướng sớm bổ nhiệm Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ. Đồng thời cũng đề nghị Thủ tướng xem xét nghiên cứu mô hình trước đây khi Ban Tôn giáo Chính phủ làm một Ban trực thuộc Chính phủ hoạt động có hiệu quả hơn và các công tác tôn giáo tốt hơn như hiện nay.

Đó là một kiến nghị xin được kính trình Thủ tướng.

Kính thưa Ngài Thủ tướng,

Một lần nữa, trước thềm năm mới 2017 và Xuân Đinh Dậu, kính chúc Ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và gia đình sức khỏe an khang, an lạc hạnh phúc vạn sự cát tường như ý.

Chúc tình đoàn kết hữu nghị anh em trong cộng đồng các tôn giáo Việt Nam đời đời bền vững! Kính chúc quý vị đón một năm mới, và một mùa Xuân đại hoan hỷ!

Xin trân trọng cảm ơn!
phatgiao.org.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu