GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 08:59:56 23-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:2870

MC Phan Anh – bài học của lòng tin và sự tử tế

Tôi sinh ra và lớn lên ở Huế, mảnh đất cứ đến kỳ là lụt, cứ đến mùa là lội. Lụt nhiều cũng thành quen, bọn trẻ con thì bé xíu nên chẳng biết sợ là gì. Cứ đến mùa lũ, nhác thấy nước lên xẩp xỉ bờ sông lại gặp nhau khoe vội: “Mai được nghỉ học rồi”.

Và năm nay, tôi cũng mừng vì hành động quả quyết của MC Phan Anh ngay sau cơn lũ. 500 triệu, số tiền rất lớn nhưng tấm lòng của anh đối với những mảnh đất bị nhấn chìm trong nước lũ còn hơn gấp hàng vạn lần thế. Anh kêu gọi mọi người đừng im lặng, đừng chỉ ngồi xem ảnh lụt bão rồi xuýt xoa phận khổ, hãy chung tay để mang lại những điều tốt đẹp.

Lụt của tôi ngày xưa là vậy, chẳng có gì đáng sợ hãi, chỉ toàn là tiếng cười và niềm vui. Mọi thứ diễn ra khá “suôn sẻ” với một đứa trẻ cho đến năm 1999, khi trận lụt lịch sử kéo đến. Đó là một ngày tôi thức giấc vào lúc 2h sáng vì tiếng chó sủa. Nước vào nhà, mẹ đi vắng nên khác mọi bận, tôi phải giúp ba lấy quần áo, bê gạch kê đồ đạc. Điều mà trước đây tôi chẳng được làm nên càng ra chiều thích thú.

Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, mấy viên gạch nhỏ không đủ chống chọi với lũ, nước lên nhanh quá, quần áo chuyển từ ngăn dưới lên ngăn trên vẫn không kịp nước, chiếc xe máy đã được kê trên ghế vẫn ngập ngụa.

Những lúc như thế này, chúng tôi cần những bàn tay chìa ra chứ không phải là những lời chỉ trích. Không còn cách nào khác, ba chỉ biết ném vội đống gạch vào để tủ không nổi lên. Đó là lần đầu tiên tôi phải di tản khỏi nhà vì lũ, cũng là lần đầu tiên bước qua cửa nhà mà phải nằm rạp trên chiếc phao chông chênh, đáng sợ.

Khoảng cách không xa lắm nhưng tôi thấy gà, vịt và hàng loạt đồ đạc cứ trôi lềnh bềnh như chợ nổi. Khi tôi đến, bọn trẻ con đứng đó, ướt nhẹp, run rẩy, chẳng đứa nào vui nữa. Gạo có hạn còn người thì đông, đó là lần đầu tiên một đứa lười ăn như tôi bật khóc khi nhìn thấy nồi cơm trắng nghi ngút khói.Chỉ là, tôi không được ăn!

Đói bụng và tủi thân nên buổi chiều, thấy ba mẹ sang đón, tôi mừng rơi nước mắt. Tôi về nhưng không còn nhận ra nhà mình nữa, nước ngập còn hai gang tay thì chẳng có cửa mà đi. Một buổi tối đáng sợ, nhà ở gần sông nên con vật nào trôi qua tôi cũng biết. Tiếng rống của bò, tiếng la của vịt, tiếng kêu man dại của mấy con mèo hoang rồi tiếng hét của người, tất cả tạo thành một đống tạp âm khiến tôi run rẩy.

Đó là một thành phố Huế không đẹp, không thơ mộng, chỉ có lũ, lạnh và đói. Đó là một phần của dải đất miền Trung có hẹn với con nước, cứ đến mùa là dân chẳng biết chạy đi đâu.

Năm nay thành phố của tôi không lụt nữa nhưng xem truyền hình, thấy từng cánh tay đưa ra từ những mái nhà xâm xấp nước ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, có những thứ rất cũ bỗng ùa về. Thứ cảm giác đó bây giờ tôi mới biết là khổ, khổ lắm.

Lụt vài ba ngày thì rút nhưng hậu quả để lại rất nặng nề. Nước sạch không có dùng kéo theo bao bệnh tật. Một bàn tay chìa ra lúc ấy chính xác như những gì bạn được dạy ở trường: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Còn nhớ ngày được cầm mấy gói mì tôm và vài ba cân gạo cứu trợ, tôi háo hức lắm. Mà riêng gì tôi, bọn trẻ con rồi người lớn cũng vui.

Đừng nghĩ đó chỉ là vật chất, những người tốt bụng năm ấy khiến chúng tôi nhận ra mình không hề bị bỏ rơi, ngược lại còn được san sẻ, được xã hội quan tâm. Chúng tôi mừng, mừng lắm!

Và năm nay, tôi cũng mừng vì hành động quả quyết của MC Phan Anh ngay sau cơn lũ. 500 triệu, số tiền rất lớn nhưng tấm lòng của anh đối với những mảnh đất bị nhấn chìm trong nước lũ còn hơn gấp hàng vạn lần thế.

Anh kêu gọi mọi người đừng im lặng, đừng chỉ ngồi xem ảnh lụt bão rồi xuýt xoa phận khổ, hãy chung tay để mang lại những điều tốt đẹp. Rất nhiều người đã chia sẻ và cùng anh kêu gọi, từ 500 triệu, số tiền ủng hộ đã lên tới 8 tỉ – chỉ trong vòng một ngày. Con số đáng kinh ngạc ấy đã chứng minh suốt bao năm, tình yêu và sự quan tâm của xã hội vẫn tồn tại.

MC Phan Anh đã lên sẵn lịch trình cho những chuyến đi, để không một đồng nào của những người tốt bụng bị phung phí, để những tấm lòng đến được với người cần. “Việt Nam, nói là làm!”, câu nói đó xứng đáng với hành động của Phan Anh ngày hôm qua.

Vậy mà trong khi, có những người vẫn đang khắc khoải mong chờ một bàn tay chìa ra thì số khác lại thích phán xét. Họ ngồi sau bàn phím, chưa bao giờ biết lũ là gì, chưa bao giờ biết cảm giác đói, cảm giác lạnh, chưa bao giờ biết khổ sở và dường như cũng chẳng có trái tim để thấu được nỗi đau của người khác. Họ nhìn cuộc đời bằng ánh mắt hồ nghi, suy diễn để phủ nhận tấm lòng tốt đẹp. Họ chà đạp danh dự của con người bằng những lời lẽ vô tâm và quá đáng.

Thật buồn là MC Phan Anh đã đọc được những lời này. Những dòng anh viết ra sau đó vẫn rất kiên định, chỉ tiếc là chẳng thể tránh được sự chạnh lòng: “Đêm đen thế, nhưng đêm chẳng thể nào dập tắt đi ánh sáng, dù chỉ là ánh sáng của một que diêm! Lòng tốt, niềm tin là sức mạnh vô bờ, neo thuyền ta giữa muôn trùng sóng gió thị phi! Thương thay, những ai kiếp làm người nhưng cứ để phần con dẫn lối! Kệ thôi, tôi lo việc của tôi. Tâm an, miệng mỉm cười!”.

Chẳng biết từ bao giờ, làm việc tốt lại khó đến thế? Chẳng biết từ bao giờ, san sẻ với những mảnh đời bất hạnh lại trở thành lý do khiến bạn bị chà đạp lên danh dự? Thôi thì, khi những khổ sở vẫn còn, khi giọt nước mắt chưa biết chảy về đâu sau cơn bão, anh hãy chịu khó làm“kẻ tử tế giả tạo” trong mắt một vài người chưa bao giờ biết chia sẻ.

Bởi nói như MC Thảo Vân thì: “Nếu ở đâu đó có người nói rằng đây là một sự quan tâm giả tạo thì ít nhất đây cũng là một sự giả tạo tử tế, nó còn hơn chán vạn lần những thứ xấu xa đang hiển hiện ngoài kia”.

Nguồn: Soha

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu