GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 01:44:37 08-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:3645

Lịch sử Gia Đình Phật Tử tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu

Nếu nói Lịch sử GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu thì phải bắt đầu từ năm 1956 khi đơn vị Chánh Kiến được thành lập tại Linh Sơn Cổ Tự (Tọa lạc tại đường Hoàng Hoa Thám - TP Vũng Tàu). Trải qua 60 năm thời cuộc biến động, năm 2016 GĐPT Tỉnh chuẩn bị tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập GĐPT Tỉnh. Xin gởi đến đại chúng Sử liệu GĐPT Tỉnh. Bài viết được Ban biên tập kỷ yếu soạn thảo dựa trên rất nhiều nguồn tư liệu, một số tư liệu chỉ được "nhớ lại" nên chắc chắn rằng không thể tránh khỏi sai sót. Chúng tôi thành tâm mong quý anh chị áo Lam, các thiện hữu tri thức nếu phát hiện sai sót hoặc cần bổ sung xin chuyển tải về chúng tôi theo địa chỉ mail: phanban.gdptbariavungtau@gmail.com. Chân thành cám ơn

 
QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU

Vài hàng về tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu:
 
Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, vốn dĩ ngày xưa nó là một tỉnh, nhưng vì qua nhiều biến cố, đổi thay của lịch sử nên nó phải chịu cảnh nay tách, mai nhập. Từ Pháp thuộc, Vủng Tàu có tên là Cap Saint Jacque nằm trong Tỉnh Bà Rịa. Đến thời Ngô Đình Diệm, tỉnh được đặt tên là Phước Tuy, Cape Saint Jacque ( tức gọi là Ô Cấp ) đổi thành quận Vũng Tàu. Thời Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ, Vũng Tàu tách ra là Thị Xã thuộc Trung Ương. Lúc mới giải phóng, cả Bà Rịa lẫn Vũng Tàu đều nằm trong tỉnh Bà Rịa – Long Khánh sau đó Bà Rịa nhập với Biên Hoà thành Đồng Nai, tách Vũng Tàu ra nhập cùng Côn Đảo thành Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo trực thuộc Trung ương; đến năm 1991 hai vùng đất này mới châu về hợp phố mang tên Bà Rịa – Vũng Tàu. Do vậy mà Gia Đình Phật Tử của Tỉnh cũng thế và có hai nguồn rõ rệt: Vũng Tàu và Bà Rịa. Chúng tôi xin lược qua quá trình hình thành và phát triển của Gia Đình Phật Tử tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
 
Phần thứ I
Buổi ban đầu
 
I . GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VŨNG TÀU  (Thị xã Vũng Tàu 1956-1975)
1/ Gia Đình Phật Tử Chánh Kiến: (Khánh Sơn)
Năm 1956, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Hội Phật Học Nam Việt do anh Tống Hồ Cầm đã đến chùa Linh Sơn Cổ Tự Thắng Tam, Vũng Tàu thành lập GĐPT Chánh Kiến. Gia Trưởng đầu tiên của Gia Đình là Bác Lê Văn Cang nguyên là hiệu trưởng Trường Tiểu Học Thắng Tam. Ban Huynh trưởng đa số là các anh chị giáo viên. Bác Lê Văn Cang sau này là Trưởng Ty Tiểu Học Tỉnh Phước Tuy, và Hiệu Trưởng Trường Trung Học Châu Văn Tiếp Bà Rịa. Gia Đình sinh hoạt đều đặn và là con chim đầu đàn của GĐPT Vũng Tàu và Phước Tuy lúc bấy giờ.
Đến năm 1975, Gia Đình phải tan hàng vì các điều kiện khách quan. Một số các Huynh trưởng cũ của Chánh Kiến còn lại là : Đại Đức Thích Minh Phước tức sư huynh Tăng Long, ngày xưa là Liên Đoàn trưởng. Sau này Thầy vận động tái lập GĐPT đặt tên Liên Trì tại tịnh thất của Thấy cạnh chùa Linh Sơn. Thấy đã viên tịch năm 2009. Các anh chị khác như chị Công Tằng Tôn Nữ Cẩm Vân, anh Chánh Thiện Trí - Nguyễn Phước Lộc hiện nay cả hai đều là Huynh trưởng Cấp Tấn, Anh Lộc hiện  là Gia Trưởng GĐPT Liên trì, Trưởng Ban Điều hành GĐPT TP Vũng Tàu, riêng chị Cẩm Vân đã định cư nước ngoài từ năm 2010.

2/ Gia Đình Phật Tử Chánh Pháp: (Khánh Trí)
Gia Đình thành lập năm 1962 tại chùa Phước Lâm, Bến Đình, năm 1964 dời về  Tịnh xá  Pháp Hải do đạo hữu Trần Văn Khuê pháp danh Thiện Tường là gia trưởng. Gia Đình này cũng chịu chung số phận cùng Chánh Kiến là tan hàng sau ngày Miền nam hoàn toàn giải phóng.
Các anh chị Cựu trưởng của Chánh Pháp hiện nay còn sinh hoạt là Chị Đồng Thủy - Lại Thị Lạng, nguyên Liên Đoàn trưởng Nữ hiện là Huynh trưởng Cấp Tấn, Phó Phân ban GĐPT tỉnh;  Anh Lệ Ấn - Huỳnh Hy, nguyên Liên Đoàn trưởng Nam nay là Huynh trưởng Cấp Tấn, từng là Trưởng Phân ban, và Phó Phân ban GĐPT tỉnh anh đã từ trần và được Trung Ương GHPGVN truy tặng cấp Dũng vào năm 2013.

3/ Gia Đình Phật Tử Chánh An:
Tại Rạch Dừa do anh Lê Văn Giảng thành lập năm 1973 và cũng tan hàng từ 30-4-1975.

4/ Điều hành GĐPT Vũng Tàu có hai giai đoạn :
Giai đoạn đầu, năm 1965 -1969 chỉ có  Đại diện Thị xã do Đạo Hữu Trần Văn Khuê Gia trưởng GĐPT Chánh Pháp là Đại diện.
Năm 1970 được sự chấp thuận của Đại diện BHDTW/Miền Khánh Hòa, thành lập Ban Đại diện, do anh  Huynh trưởng Phạm Văn Hy là Trưởng ban Đại diện .
Năm 1973, Thị xã Vũng Tàu đăng cai tổ chức thành công Trại Họp Bạn Thái Hư, họp bạn ngành Thiếu GĐPT toàn Miền Khánh Hoà (Miền Đông Nam Phần) quy tụ hơn 500 trại sinh các tỉnh tại Bãi Sau.

II. GIA ĐÌNH PHẬT TỬ BÀ RỊA (PHƯỚC TUY cũ)
Sau biến cố 01-11-1963, chế độ độc tài Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Phật Giáo được giải thoát khỏi Dụ số 10 về tôn giáo của chế độ Diệm và đó đây từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng hừng hừng không khí phấn khởi của hàng Phật Tử. Từ đó các Ban Đại diện  Giáo Hội, và các tổ chức hội đoàn Phật giáo được thành hình và Gia Đình Phật Từ là một trong các hoạt động đó. Tại Bà Rịa, lúc bấy giờ là xã Phước Lễ tỉnh Phước Tuy cũng nhen nhóm sinh hoạt Gia Đình Phật Tử. Nhưng phải nói rằng với Bà Rịa thì GĐPT quả thật là mới mẻ, xa lạ. Đến những năm sau này, phong trào Gia Đình Phật Tử mới được đa số Phật Tử biết đến và quan tâm. Đầu 1964 hai Gia Đình Phật Tử đầu tiên của Phước Tuy thành hình, nhưng sinh hoạt yếu ớt vì không có Huynh trưởng vững vàng, chỉ nhờ vào sự hướng dẫn hổ trợ của Huynh trưởng các Gia Đình Chánh Kiến, Chánh Pháp ở Vũng Tàu thỉnh thoảng sang giúp. Các Gia Đình đầu tiên đó là :

1/ Gia Đình Tịnh Quang:
Sinh hoạt tại chùa Tịnh Quang khu Nguyễn Bỉnh Khiêm (Xóm Bàu) Phước Lễ, nay là phường Phước Nguyên TX Bà Rịa. Ban Huynh trưởng lúc ấy có:
- Gia trưởng: Bác Lê Thái
- Cố vấn: Lúc đầu là Thượng Tọa Thích Độ Lượng trụ trì chùa Tinh Quang sau thay là Đại đức Thích Minh Tâm làm trụ trì, và cư sĩ Hồ Đắc Thăng ( tức ông “Cử Thăng”, hiệu trưởng trường Trung học tư thục Sĩ Tãi Bà Rịa, ngày xưa gọi nôm na là trường Ông Cử).
- Liên Đoàn trưởng: Anh Nguyễn Văn Huệ, nay đang ở Xuân Sơn; chị Nghiêm Thị Huệ nay là Sư cô Hạnh Minh ở Long Hải (Sư cô đã tịch trung tuần tháng 2 năm 2016).
Ngoài ra còn có các anh chị: Huỳnh Văn Hiệp (nay đã xuất gia tức ĐĐ Thích Thông Toàn), Võ Phúc Ky (Cố HT Thích Định Ngộ, nguyên Trưởng ban Hướng dẫn Phật Tử tỉnh, trụ trì chùa Long Quang, xã Hòa Long, TP Bà Rịa. Thầy đã viên tịch năm 2015), Nguyễn Văn Hằng, Võ Thanh Hùng (hiện cũng đã xuất gia và tu học tại Hoa Kỳ), Nguyễn Văn Trình, ……
Gia Đình Tịnh Quang lúc ấy đoàn sinh rất đông, vì có sự bảo trợ của cụ Hồ Đắc Thăng, một nhân sĩ rất uy tín của Bà Rịa lúc bấy giờ. Đến cuối năm 1964, vì chùa ở xa trung tâm xã nên dời địa điểm sinh hoạt về trường trung học Sĩ Tải (do cụ Hồ Đắc Thăng là hiệu trưởng) cùng với Gia Đình Giác Quang. Đến đầu cuối năm 1965 thì tan hàng vì không còn Huynh trưởng (do HT phải đi quân dịch và vì biến cố Phật Giáo tại miền Trung ).

2/ Gia Đình Bảo Hải: 
Do bác Mạc Văn Vỹ cùng quý bác trong khuôn hội chùa Bảo Hải thành lập. Chùa Bảo Hải là một ngôi chùa nhỏ nằm giữa đồng ruộng xóm Long Kiên 2, cạnh Trung tâm Vạn Kiếp, ngày nay chùa được đại tu thuộc phường Long Tâm, Thành phố Bà Rịa. Nguyên chùa trước đây thuộc nhánh của miền Vĩnh Nghiêm (do bà con Phật tử miền Bắc di cư vào thành lập). Cuối năm 1964 Bác Vỹ nghỉ, bàn giao cho bác Bùi Văn Trang và Gia Đình đổi tên là Giác Quang, lúc đầu thuộc miền Vĩnh Nghiêm, sau này chuyển qua trực thuộc miền Khánh Hoà. Ban Huynh trưởng lúc bấy giờ chỉ là những anh học sinh lớn tuổi ( tuổi đời chưa đến 18) trong thôn được đề cử, không có kinh nghiệm sinh hoạt. Ban Huynh trưởng lúc bấy giờ gồm :
- Liên đoàn trưởng :anh  Mạc Văn Chước
- Cố vấn sinh hoạt: Anh Nguyễn Văn Hồng một quân nhân Phật Tử thường xuyên đến hướng dẫn sinh hoạt được một thời gian ngắn ban đầu. Ngoài ra còn có các anh chị Mạc Văn Giác, Lê Văn Tô, Lê Văn Bê, Bùi Văn Huyên, Bùi Văn Thuyên,Trần Văn Thành, Bùi Thị Tình, Trần Thị Tiến, Trần Văn Đôn …..
Cuối năm 1964, cũng vì quá xa xôi, lại khó phát triển (rất ít đoàn sinh) nên các anh chị quyết định rời chùa, đưa gia đình sinh hoạt lưu động đến chùa Long Cốc, chùa Thích Ca ở Long Hương, rồi Tịnh xá Ngọc Phước ở Phước Lễ (khi xưa nằm cạnh chợ Bà Rịa bây giờ ) rồi về trường trung học Sĩ Tãi chung với Gia Đình Tịnh Quang.
Đến cuối năm 1965, khi Gia Đình Tịnh Quang tan hàng, Gia Đình Giác Quang chuyển về sinh hoạt tại chùa Tịnh Quang đến ngày 30-4-1975. Gia Đình Giác Quang được Miền đổi tên là Khánh Chơn vào năm 1969. Gia trưởng cũng thay đổi bằng anh Lê Văn Dương rồi Lê Văn Tô. Những Huynh trưởng của Giác Quang lúc ấy là các anh chị Lê Văn Dương, Lê Thanh Tâm, Đặng Thương, Trần Văn Lâu, Nguyễn Văn Thành, Đặng Tấn Thọ, Nguyễn Hồng Trân, Nguyễn Ngọc Tường, Trần Thị Tiến, Nguyễn Thị Ngọc Minh, Nguyễn Loan, Lê Minh Cư …Các anh Lê Văn Dương ( nguyên Trưởng ban đã quá cố năm 2000), anh Lê Thanh Tâm (từ trần năm 2011) và anh Nguyễn Hồng Trân hiện là Phó Ban thường trực Ban Hướng Dẫn Phân ban là những Huynh trưởng của Khánh Chơn ngày ấy .
Phần thứ II
Giai đoạn phát triển

         Từ những nhen nhúm ban đầu đó, Gia Đình Phật Tử được chư tôn giáo phẩm trong Ban Đại diện tỉnh Giáo Hội và đông đảo Phật tử biết đến, khuyến khích xây dựng phong trào. Đầu năm 1965, đó đây trong tỉnh lần lượt xuất hiện thêm các Gia Đình :

1/. Gia Đình Hải Quang: (Khánh Hải)
Thành lập cuối năm 1964 tại chùa Linh Bửu, xã Long Hải, quận Long Điền, do các Huynh trưởng gốc miền Trung đến công tác, cư trú dựng nên: Đó là các anh chị Nguyễn Thái Ngọc (tức anh Nguyễn Ngọc nay là Trưởng Phân Ban GĐPT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), Nguyễn Liêu (nay đã định cư ở Mỹ ), Trần Văn Phụng, Huỳnh Văn Sơn và chị Mã Thị Hạnh. Những năm sau các anh Lê Thanh Tâm rồi Nguyễn Hồng Trân, Nguyễn Ngọc Tường  được Ban Chấp Hành tỉnh cử đến tiếp nối. Gia Đình Hải Quang sau đổi tên là Khánh Hải tồn tại đến ngày 30-4-1975. Nó là tiền thân của Gia Đình Ngọc Lâm bây giờ.

2/ Gia Đình Thiện Quang: (Khánh Điền)
Thành lập năm 1965 tại chùa Thiện Quang, xã Long Điền, quận Long Điền, là trụ sở Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Phước Tuy, sau đổi tên thành Khánh Điền  được Đại đức Thích Minh Khuê, Chánh Đại diện GHPGVN.TN Tỉnh và các đạo hữu của chùa chăm sóc. Gia Trưởng đầu tiên là bà Nguyễn Thị Bích (nguyên hiệu trưởng trường Nữ tiểu học Long Điền, mẹ chị Bích Hoàng) sau thay  anh Nguyễn Nam (nguyên Hiệu trưởng Trường Nam Tiểu Học Long Điền), Huynh Trưởng là các anh chị Nghiêm Bá Lợi, Nguyễn Văn Năm, Trần Văn Thận, Nguyễn Thị Dung (Dung lớn), Trần Thị Bích Hoàng (sau này là trưởng phòng Giáo Dục huyện Long Đất), Nguyễn Thị Lý (hiện ở Mỹ), Trần Thị Sáu, Ngô Văn Hai, Phan Văn Minh. Gia Đình sinh hoạt tới ngày 30-4-75.

3/  Gia Đình Bửu Quang:
Thành lập năm 1966 sinh hoạt tại chùa Bửu Quang, xã Phước Thạnh, Đất Đỏ với chị Trần Mỹ Tiên và sự hổ trợ của các anh trong Ban chấp hành GĐPT tỉnh lúc bấy giờ tăng cường sinh hoạt hướng  dẫn hàng tuần . Tuy nhiên Gia Đình này phải tan hàng sớm vì thiếu Huynh Trưởng  hướng dẫn.

4/ Gia Đình Khánh Xuyên: 
Thành lập năm 1970 tại chùa Minh Quang, xã Xuyên Mộc quận Xuyên Mộc với gia trưởng là bác Nguyễn Văn Hoán, Liên đoàn trưởng là anh Đặng Phước Bình (là thân sinh của chị Đặng Thị Minh Lệ, HTr Cấp Tín BHD PB Đồng Nai và Thượng Tọa Minh Thành chùa Thiện Quang Long Điền), anh  Lâm Văn Hờn.
 
Cuối năm 1972, sau mùa hè đỏ lửa, bà con miền Trung chuyển về lập nghiệp tại Phước Tuy rất đông, và các Gia Đình Phật Tử sau đây đã góp mặt:
 
5/ Gia Đình Khánh Linh:
Sinh hoạt tại chùa Quảng Phước ở gần chợ Suối Nghệ do Đại đức Thích Tâm Niệm là Trụ trì (sau đổi tên là Phước Quang) do Đạo Hũu Nguyễn Sừng là gia trưởng với vợ chồng anh chị Hoàng Dự, Trần Thị Sự là những cánh chim  từ Quảng Trị đến thành lập và hướng dẫn.

6/ Gia Đình Khánh Lương :
Sinh hoạt tại chùa Viên Quang cũng ở Suối Nghệ. Tại đây, trại họp bạn ngành Nữ toàn tỉnh đầu tiên được tổ chức vào cuối năm 1974, chị Hoàng Thị Kim Cúc, Phó Ban Hướng Dẫn Trung ương, và các chị Phạm Thị Xuân Phương, Phạm Thị Xuân Viên về thăm.

7/ Gia Đình Khánh Quảng :
Sinh hoạt Tại khu định cư Phật Giáo Quảng Phú - Đại Tòng Lâm xã Phú Mỹ, cũng được hình thành với các anh Đặng Phước Bình là Gia Trưởng, sau là anh Thái Ngạn, anh Trần Hiền là Liên Đoàn trưởng … cũng là những anh em đến từ đất Quảng Trị – Gia Đình này vừa tái sinh hoạt vào năm 2013.

8/ Gia Đình Khánh Định  Sinh hoạt tại chùa Bửu Long vào năm 1974 tại khu Khẩn Hoang lập ấp xã Tam Phước, Long Điền, do anh chị Huynh trưởng gốc Bình Định cũng thành lập.

9/ Gia Đình Khánh Bình, Sinh hoạt chùa Phổ Quang xã Bình Ba cũng ra đời năm 1970, nhưng sớm tan hàng vì chiến tranh.
 
Cơ  cấu điều hành :
Để điều hành sinh hoạt chung trong toàn tỉnh lúc bấy giờ theo tinh thần Nội quy với sự chỉ đạo của Đại diện BHD.TƯ tại miền Khánh Hoà, lần lượt hình thành các cơ cấu như sau :
- Giai đoạn 1964 – 1965 : Ban Huynh trưởng Các Gia Đình Tịnh Quang, Giác Quang họp nhau bầu Đại diện Tỉnh là Đạo hữu Lê Thái, gia trưởng GĐPT Tịnh Quang phụ trách.
- Từ năm 1965 với sự có mặt của 3 đơn vị nữa là các Gia Đình Hải Quang, Thiện Quang, Bửu Quang … nên được Ban Hướng Dẫn Trung Ương cho nâng cấp thành Ban Chấp Hành, lúc này anh Nguyễn Văn Huệ - Liên đoàn trưởng GĐPT Tịnh Quang được công cử là Trưởng Ban đầu tiên.
Năm 1967  anh Nguyễn Ngọc là trưởng ban;
Năm 1974 anh Nguyễn Hồng Trân kế nhiệm trưởng ban  và các ủy viên Ban Chấp Hành lúc ấy gồm các anh chị Lê Văn Dương, Nguyễn Loan, Đặng Thương, Lê Thanh Tâm. Ngô Thị Lộc Nhung, Ngô Văn Hai, Hoàng Dự, Trần Thị Sự …...đến ngày 30-4-1975 thì tạm ngưng sinh hoạt.
 
Các sự kiện được tổ chức trong giai đoạn này :
1) Năm 1969: Ban Đại diện GĐPT Thị xã Vũng Tàu đăng cai tổ chức Liên trại huấn luyện Huynh trưởng Lộc Uyển và A Dục do Đại diện BHD/TƯ tai Miền Khánh Hòa mở quy tụ hơn 150 trại sinh hai trại cho 13 tỉnh thuộc Miền Khánh Hòa (Miền Đông Nam bộ) tại chùa Linh Sơn Cổ tự Vũng Tàu.

2) Năm 1971: Ban Chấp Hành GĐPT Tỉnh Phước Tuy đăng cai tổ chức Liên trại huấn luyện Lộc Uyển và A Dục tại chùa Tịnh Quang, xã Phước Lễ.  Trại cũng do Đại diện BHD.TƯ tại Miền Khánh Hòa mở. Trại này có gần 200 trại sinh tham dự.

3) Năm 1973: Ban Chấp hành tỉnh tổ chức trại họp bạn tại chùa Phước Quang, trung tâm định cư Quảng Phú để hổ trợ lễ ra mắt và động thổ xây dựng đoàn quán GĐPT Khánh Quảng. Tại buổi lễ có anh Võ Đình Cường  Trưởng ban Hướng dẫn Trung Ương và phái đoàn về tham dự.

Cũng trong năm này (1973) Ban Dại diện GĐPT Thị Xã Vũng Tàu cùng Ban Chấp Hành tỉnh Phước Tuy hợp tác đăng cai thành công Trai Thái Hư họp bạn ngành Thiếu toàn miền Khánh Hòa (Miền Đông Nam bộ) với hơn 500 trại sinh tại Đồi Dương (đồi Đồng Tiến) bãi sau Vũng Tàu.

4) Năm 1974: Ban Chấp hành tổ chức Trại họp bạn ngành Nữ toàn tỉnh tại chùa Viên Quang, xã Quảng Phước (nay là Suối Nghệ) với hơn 300 trại sinh tham dự. Trại đón tiếp phái đoàn Huynh trưởng ngành Nữ do chi Hoàng Thị Kim Cúc, Phó trưởng ngành Nữ Ban HDTƯ đến thăm và làm việc. Trại do chị Lệ Kiên - Ngô Thị Lộc Nhung Ủy viên ngành Nữ của Ban Chấp hành lúc bấy giờ là trại trưởng.
Phần thứ III
Giai Đoạn hồi sinh :

            Sau ngày Miền Nam giải phóng, do chính sách lúc bấy giờ,  các đoàn thể chánh trị, xã hội trong chế độ cũ kể cả các đoàn thể giáo dục thanh thiếu niên đều  phải giải tán, trong đó GĐPT cũng ảnh hưởng, thêm vào đó các anh em Huynh trưởng gốc là quân nhân, công chức trước đây đã lần lượt đi học tập cải tạo hay về quê sinh sống, nên các Gia Đình Phật Tử của Phước Tuy lúc bấy giờ lâm vào cảnh “tan đàn xẻ nghé”. Chỉ còn duy nhất Gia Đình Phật Tử Khánh Lương tại chùa Viên Quang xã Suối Nghệ là tồn tại đến ngày hôm nay (Hiện Gia Đình này vẫn chưa đăng ký sinh hoạt với BTS.GHPGVN).
Từ năm 1978, cùng với phong trào di dân đi kinh tế  mới, các anh chị Huynh Trưởng miền Trung đưa gia đình vào lập nghiệp và như ở quê nhà, nơi nào có xóm làng thì nơi đó lập ngay chùa và Gia Đình Phật Tử. Lúc mới vào các anh em liên lạc với các anh chị Huynh trưởng địa phương cũ để tìm cách tái lập phong trào và đã liên hệ với anh Lê Văn Dương, anh Nguyễn Hồng Trân, Lê Thanh Tâm. Các anh Mã Thành Cưng, Nguyễn Đễ (Đại diện Miền Khánh Hoà), Nguyễn Khắc Từ (Trưởng ban Hướng Dẫn miền Quảng Đức), Nguyễn Quang Tú (Trưởng Ban Hướng dẫn Tỉnh Gia Định) là những huynh trưởng cao niên ở Miền Khánh Hoà, và Trung ương cũng đã liên lạc động viên hổ trợ anh chị em Huynh Trưởng lập kế hoạch phục hồi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử tại địa phương.

A/ Tại  vùng lộ 2 Huyện Châu Thành (Nay là Châu Đức)
Lúc này Bà Rịa đã có mặt các anh Hồ Thanh Danh, Hoàng Khê, chị Đặng Thị Kim Liên là những Huynh trưởng từ Bình Thuận đến. Các anh Lê Minh Bộ, Đỗ Văn Tú, Võ Hữu Khiên, Trần Quốc … đã cùng anh Lê Văn Dương lập Đội Huynh Trưởng tại ấp La Vân, xã Ngãi Giao . và tại các chùa vùng Kinh tế mới đã lập được một số GĐPT.
Năm 1982, anh Lê Văn Dương nguyên Phụ tá BHD.TW tại miền Khánh Hòa  cùng với anh Nguyễn Hồng Trân, nguyên Trưởng Ban Chấp hành GĐPT tỉnh Phước Tuy cũ đã vận động tổ chức Đại Hội Huynh trưởng tại chùa Viên Quang xã Suối Nghệ, dưới sự chúng minh của Thượng Toạ Thích Như Mậu, Phó Ban Đại diện GHPGVNTN tỉnh Phước Tuy cũ nhằm tìm phương án tái sinh hoạt. Hội nghị nhất trí lập Ban Hướng Dẫn mang danh hiệu“Ban Hướng Dẫn Phước Tuy. Sở dĩ có tên này là vì lúc ấy tỉnh Đồng Nai quá rộng, mà Phước Tuy là tên tỉnh cũ (Bà Rịa bây giờ) chỉ là một vùng lãnh thổ của Đồng Nai mà thôi. Đại Hội này bầu anh Lê Văn Dương là Trưởng Ban. Anh Nguyễn Hồng Trân là Phó Ban kiêm Ủy viên Nghiên Huấn và một vài anh chị khác như chị Đặng Thị Kim Liên, Trần Thị Như Ý, Hồ Thanh Danh, Trương Trắc, Võ Hữu Khiên, Trần Quốc ….
Sau vì lý do sức khoẻ, anh Lê Văn Dương tạm nghỉ nên Ban Hướng Dẫn Phước Tuy lần luợt thay  đổi Trưởng ban là các anh Hoàng Khê….. sau cùng là anh Thái Tăng Phôi.
Thế là từ đó khắp các vùng có bà con miền Trung đi Kinh tế mới trong tỉnh đều có đoàn thể áo Lam và các trại huấn luyện Huynh trưởng từ Lộc Uyển, đến Huyền Trang  mở ra liên tục để đáp ứng nhu cầu Huynh trưởng sau một thời gian ngưng trệ.
Điều đặc biệt là trong giai đoạn đầu của thời kỳ phục hồi là các trại huấn luyện dù do Ban Hướng Dẫn Phước Tuy tổ chức, nhưng đều phải lấy danh nghĩa Ban Hướng Dẫn Gia Định, vì lúc ấy Phước Tuy chưa đủ Huynh trưởng có cấp tương ứng, chỉ có hai anh Lê văn Dương và Nguyễn Hồng Trân đã có cấp Tín, còn những anh chị  ban viên khác chưa được xếp cấp vì chưa đủ điều kiện.
Đây cũng là thời kỳ mà các anh chị Trần Thị Như Ý, Võ Hữu Khiên, Trần  Quốc, Trần Bình … mới bắt đầu được đào tạo từ Trại Lộc Uyển đến Huyền Trang mở tại địa phương.
Ban Hướng Dẫn này hoạt động và quản lý các GĐPT được thành lập tại các chùa thuộc các xã ở “Vùng lộ 2 ” huyện Châu Thành (nay là huyện Châu Đức).
Ghi chú : Huyện Châu Thành lúc ấy địa giới rất rộng , gồm các Huyện Châu Đức, Tân Thành, và Thành phố Bà Rịa hiện nay .

Các Gia Đình Phật Tử thuộc vùng lộ 2 ( nay là huyện Châu Đức ) gồm có :
- Gia Đình Phật Tử Khánh Duyên tại Nông trường Cù Bị do anh Tiềm, O Hướng, anh Sum gầy dựng.
- Gia Đình Phật Tử Khánh Vân tại Niệm Phật Đường La Vân Ngãi Giao do anh Lê Văn Dương làm đội trưởng đầu tiên.
- Gia Đình Phật Tử Khánh Sơn tại chùa Sơn Linh – Xuân Sơn do anh Chiến, anh Hai, anh Lộc và bác Mai gầy dựng.
- Gia Đình Phật Tử Phổ Quang tại Bình Ba tái sinh hoạt do anh Nhuận, anh Thu, anh chị Quế gầy dựng.
- Gia Đình Phật Tử Khánh Linh tại chùa Phước Quang Suối Nghệ tái sinh hoạt.
- Gia Đình Phật Tử Khánh Lạc tại Xà Bang do anh Hoàng, anh Toán, anh Thanh gầy dựng.
- Năm1981 thành lập Gia Đình Phật Tử Khánh Tân tại chùa Khánh Tân Xuân Sơn 3 do anh Giáp, anh Tư, anh Dưỡng, anh Lệnh, anh Sĩ gầy dưng.
- Thành lập Gia Đình Phật Tử Khánh An tại Tầm Bó, Quãng Thành do bác Lê Quý Triết làm gia trưởng đầu tiên.
-  Năm 1990 thành lập Gia Đình Phật Tử Khánh Kim tại chùa Kim Long do anh Hoàng Khê, anh Phong, chị Liên gầy dựng. 
-  Năm 1990 thành lập Gia Đình Phật Tử Khánh Quang được tách ra từ đơn vị Khánh An do các anh Viễn, Luật, Diễn và chị Cúc gầy dựng. 
-  Thành lập Gia Đình Phật Tử Khánh.Đạo tại chùa Quan Âm Nghĩa Thành do anh Kế, anh Hồng và chị Thuận gầy dựng.
-  (trích theo Lược sử GĐPT Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu – BHD/GĐPT Tỉnh bà Rịa Vũng Tàu – 2015)
 
B/ Tại Xuyên Mộc :
Khi vùng Kinh tế mới Huyện Xuyên Mộc thành hình, đại đa số cư dân cũng đến từ các tỉnh Miền Trung, nên một bộ phận các anh chị Huynh  trưởng theo đó cũng hình thành các GĐPT theo các địa bàn dân cư. Thế là lại thêm một số các GĐPT tại huyện Xuyên Mộc. Các anh Phan Văn Lê, Nguyễn Đức Nga , Lê Viết Vĩnh, anh Nguyễn Hoài … đã có mặt. Tuy nhiên phải nói rằng  người có công đầu, dám đứng mũi chịu sào tranh thủ với chánh quyền cho sinh hoạt Phật Giáo nói chung, GĐPT nói riêng tại Xuyên Mộc là bác Trần Văn Khuê, nguyên Gia trưởng GĐPT Chánh Pháp - Vũng Tàu, sau ngày giải phóng bác đi Kinh tế mới tại xã Phước Tân, Huyện  Xuyên Mộc.

Các GĐPT tại Xuyên Mộc gồm có :
- Năm 1981:Gia Đình Phật Tử đội 1 Hoà Bình (Khánh Minh) do bác Thái, anh Văn và bác Minh gầy dựng. Gia Đình Phật Tử đội 3 Hoà Bình (Khánh Hỷ) do bác Xuân, anh Vĩnh bác Minh, chị Kiều gầy dựng. Gia Đình Phật Tử Bảo Quang (Bưng Kè) do bác Thí, anh Lê Văn Chương gầy dựng
- Năm 1983 sau khi gầy dựng được một số đơn vị các anh chị trưởng đã có sáng kiến thành lập Liên Đoàn ADục – Lộc Uyển do anh Tâm Linh - Phan Văn Lê làm Đoàn trưởng với sự phụ tá của các anh Tâm Dự - Lê Viết Vĩnh, Quảng Mẫn - Nguyễn Quang Mai, Tâm Hoài - Võ Văn Thọ…
- Nắm 1984 thành lập Gia Đình Phật Tử Đội 2 Hoà Bình II do anh Minh chị Cầm bác Thắng gầy dựng.
- Năm 1984 thành lập Gia Đình Phật Tử Đội 2 Hoà Bình I do anh Minh, chị Loan chị Đoàn gầy dựng.
Tổ chức tái sinh hoạt Gia Đình Phật Tử Khánh Xuyên do bác Thao, chị Minh, chị Bình,  anh Lê, anh Nga.
Tổ chức Trại Đội chúng trưởng Xuyên Mộc I, Xuyên Mộc II do anh Võ Văn Thọ và anh Lê Viết Vĩnh làm Trại trưởng.
- Năm 1985 thành lập Gia Đình Phật Tử Đội 1 Hoà Bình II do anh Luyện, anh Vân, anh Tâm, anh Vĩnh gầy dựng.
- Gia Đình Phật Tử Phước Bữu do anh Nga, anh Mai, anh Hoài, anh Dực anh Cơ gầy dựng.
- Thành lập Gia Đình Phật Tử Đội 4 (Khánh Viên) do bác Đức, bác Đãm, anh Ngọ, anh Thọ gầy dựng.
- Thành lập Gia Đình Phật Tử Đội 5 (Khánh Phổ) do bác Toán, cùng với sự hổ trợ của ban huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Đội II.
- Thành lập Gia Đình Phật Tử Đội VI (Khánh Quang) do anh Vĩnh, chị Tuyết, anh Tấn, anh Minh gầy dựng.
- Năm 1987: Thành lập Gia Đình Phật Tử Bưng Riềng do bác Minh, anh Sang, anh Vân gầy dựng
- Thành lập Gia Đình Phật Tử Hoà Hiệp (Chùa Phổ Quang Khánh Hiệp) do anh Đường, cùng với sự hổ trợ của ban huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Khánh Hỷ gầy dựng.
- Đón tiếp anh Từ, anh Để và công nhận chính thức Gia Đình Phật Tử Khánh Minh, Khánh Hỷ.
- 1988 Để xây dựng Phật Giáo Huyện nhà có đủ điều kiện sinh hoạt tu học phát triển cùng các Huyện bạn anh chị trưởng liên đoàn ADục –Lộc Uyển Xuyên Mộc đã đứng ra vận động thành lập BĐD Phật Giáo Huyện Xuyên Mộc quí anh chị đã mời Thầy Thích Nhật Huệ làm chánh đại diện và anh Nguyễn Đức Nga làm thư ký BĐD Phật Giáo Huyện Xuyên Mộc.
- Thành lập Gia Đình Phật Tử Bình Châu do Chị Thanh, anh Vinh, anh Dực gầy dựng
- Thành lập Gia Đình Phật Tử Bông Trang do bác Trợ, anh Sơn gầy dựng.
- Cũng vào năm 1988 sau khi xây dựng các đơn vị Gia Đình Phật Tử trên khắp các chùa trong huyện anh Nguyễn Khắc Từ và anh Nguyễn Quang Tú về thăm; để tiện việc điều hành sinh hoạt theo đề nghị của Gia Đình Phật Tử Huyện Xuyên Mộc anh đã cho phép chuyển thành phần nhân sự của liên đoàn ADục Lộc Uyển thành BCH Gia Đình Phật Tử Huyện Xuyên Mộc tạm thời do anh Tâm Linh - Phan Văn Lê làm trưởng ban và các ban viên là các anh Nga, anhVĩnh, anh Thọ, anh Mai, chị Hoa, chị Kiệu….” 
(trích Sử liệu của Xuyên Mộc )

          Từ lúc này đến 1993 trên toàn vùng Bà Rịa do những trắc trở về liên lạc địa dư và những yếu tố khách quan khác, các anh Trung Ương lúc bấy giờ sắp xếp xây dựng 03 Ban Hướng Dẫn tại 3 vùng khác nhau :
1/. Ban Hướng Dẫn Phước Tuy: gồm các Gia Đình trong huyện Châu Đức ngày nay do anh Thái Tăng Phôi là Trưởng ban.
2/. Ban Hướng Dẫn Xuyên Mộc: Do anh Phan Văn Lê là Trưởng ban.
3/. Ban Hướng dẫn vùng Thiện Hoà gồm các Gia đình tại khu vực Đại Tòng Lâm nay là Huyện Tân Thành do anh Thiện Chánh Nguyễn Ngọc là Trưởng ban.
Năm 1993, theo đề xuất của hai anh Nguyễn Quang Tú và Nguyễn Đễ là những Huynh trưởng cao niên đại diện Trung Ương, đã tổ chức Hội nghị Huynh trưởng toàn tỉnh tại  Chùa Bát Nhã, huyện Tân Thành. Tại hội nghị này đã giải thể 03 Ban Hướng Dẫn các vùng và thống nhất thành lập Ban Hướng dẫn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho hợp với tinh thần Nội Quy và địa giới hành chánh mới. Anh Thiện Chánh Nguyễn Ngọc được công cử là Trưởng ban.

              Tuy nhiên, biên bản Đại Hội chưa ráo mực, thì ngay phiên họp BHD đầu tiên tại chùa Hội Phước, Anh Trần Quốc, thay mặt một số anh chị ủy viên BHD cư trú tại huyện Châu Đức và Xuyên Mộc tuyên bố không hợp tác và sau đó làm văn bản truất phế anh Nguyễn  Ngọc và anh Lê Văn Dương, cử người khác điều hành BHD (Hiện nay các GĐPT thuộc BHD này quản lý này vẫn chưa đăng ký sinh hoạt với BTS / GHPGVN tỉnh)

Ghi chú : 
1/ Sở dĩ các ủy viên thuộc BHD này bất hợp tác với anh Nguyễn Ngọc, vì họ không muốn trực thuộc vào Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh, trong khi  anh Nguyễn Ngọc và Lê Văn Dương là những Phật tử thân cận với chư vị Hòa Thượng lảnh đạo trong Ban trị sự GHPGVN.
2/ Do anh Trần Quốc đại diện các anh ủy viên tuyên bố không hợp tác với anh Nguyễn Ngọc, nhưng sau này khi làm kiến nghị truất phế anh Ngọc lại cho  rằng “anh Nguyễn Ngọc không đủ năng lực điều hành”?? !!! ( đây là sự vu khống mà thôi . Anh đã bất hợp tác, lại cho rằng người ta không đủ năng lực ?)
Lúc này toàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu có trên 30 đơn vị đang sinh hoạt khắp mọi thôn xã như đã kê bên  trên. Hiện nay hầu hết  các đơn vị ấy vẫn chưa  đăng ký sinh hoạt với Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh.
 
Phần IV
Giai Đoạn Cũng cố và Phát triển (1996 – đến nay)
 (GIA ĐÌNH PHẬT TỬ THUỘC BAN TRỊ SỰ GHPGVN)
 
Năm 1995, Ban Trị Sự GHPGVN Tỉnh Bà Rịa Vũng tàu thành  lập Ban Hướng Dẫn Nam Nữ Phật Tử theo quyết định 082, đáng lẽ theo cơ cấu thì Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử phải là thành viên (lúc này anh Phạm Như Cẩn là Trưởng Ban, nhưng BHD này cũng không đồng tình nên chỉ cử anh Hồ Thanh Danh, thành viên BHD với vai trò đại diện GĐPT và thành phần BHD.NNPT mà họ cho là để làm gạch nối giữa BHD.NNPT với GĐPT mà thôi, chính vì thế phiên họp không đạt kết quả. Phía BHD.GĐPT của anh Cẩn rêu rao là không được tham gia vào công việc GH (Thực chất, họ không chấp nhận GHPGVN, mà trung thành với GHPGVNTN đã giải thể).

Năm 1996, vâng theo sự chỉ đạo của Ban Trị Sự Phật Giáo Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Các anh chị Nguyễn Ngọc, Lê Văn Dương, Huỳnh Hy, Hoàng Dự, Nguyễn Hồng Trân, Trần Thị Sự…. được bổ nhiệm vào Ban Trợ lý GĐPT lâm thời để điều hành các Gia Đình Phật Tử đăng ký với Giáo Hội theo tinh thần Thông Bạch 455 của Hội Đồng Trị Sự.GHPGVN và Thông tư 001 của ban Tôn Giáo Chánh Phủ. Bấy giờ chỉ có các Gia Đình: Bát Nhã, Bửu Thiên, Khánh Đức, Phổ Quang (Tân Thành), Ngọc Lâm (Long Hải), Từ Quang, Hưng Hiệp (Vũng Tàu), Bảo Quang, Linh Sơn (Xuyên Mộc) chấp hành đăng ký sinh hoạt với Giáo Hội.

Năm 1998, với quyết định số 172/QĐ.BTS ngày 14/09/1998 Ban Trợ lý lâm thời được Ban Trị sự Tỉnh hội nâng cấp thành Ban Hướng Dẫn đứng đầu là anh Tâm Tuyên - Lê Văn Dương, đồng thời với việc thành lập Ban Hướng Dẫn, Ban Trị sự với Quyết định số 170/QĐ.BTS ngày 14/09/1998 đã phong cấp Tấn cho 4 Huynh trưởng cấp Tín thâm niên nồng cốt là các anh Tâm Tuyên - Lê Văn Dương, Lệ Ấn - Huỳnh Hy, Thiện Chánh - Nguyễn Ngọc và Thiện Bình - Nguyễn Hồng Trân để có đủ điều kiện điều hành các Gia Đình trong tỉnh theo Nội quy và quy chế Huynh trưởng.

Từ năm 1998. GĐPT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu luôn tìm cách phát triển  không ngừng cả về chất và lượng. Thường xuyên mở các trại Huấn luyện Huynh Trưởng từ Lộc Uyển đến Huyền Trang.  Các kỳ Trại họp bạn các ngành liên tục mở ra tại các Huyện, Thành Phố do Phân Ban và Các Ban Điều Hành Huyện Thành Phố tổ chức.

Năm 2000, Huynh Trưởng Cấp Tấn Tâm Tuyên - Lê Văn Dương, nguyên Trưởng ban Hướng Dẫn từ trần, các Anh Thiện Chánh - Nguyễn Ngọc và  anh Lệ Ấn - Huỳnh Hy luân chuyển làm  Trưởng Ban và hiện nay là Anh Thiện Chánh Nguyễn Ngọc là Trưởng ban, anh đã  được Trung Ương GHPGVN phong tặng là Huynh trưởng Cấp Dũng đầu tiên của tỉnh năm 2013.
Các thành tựu mà Ban Hướng Dẫn Phân ban đã thực hiện được:

1/ Công tác Huấn luyện Huynh trưởng :
Đã mở được :
Trại Lộc Uyển : 10 trại với hơn 460 trại sinh.
Trại A Dục : 7 Trại với 180 trại sinh.
Trại Huyền Trang  : 02 Trại với 42 trại sinh ,
Phân Ban cũng đã gửi 20 trại sinh tham gia Trại Vạn Hạnh 2, 3 và 4 do BHD.PBTW mở.

2/. Tu Học : Phân ban cũng thường xuyên hàng năm khai khoá tu học trường kỳ các bậc học  Kiên, Trì, Định, .cho các Huynh trưởng các GĐPT trong tỉnh .

3/. Tu Thư : Ban Hướng Dẫn cũng lập tổ Nghiên Huấn Tu Thư nghiên cứu, sưu tập và ấn hành các tập tài liệu tu học các bậc cho đoàn sinh các ngành Oanh, Thiếu và Huynh trưởng.
Hiện nay nay đã hoàn thành :
- Tài liệu tu học môn Phật Pháp các bậc Hướng Thiện, Sơ Thiện, Trung Thiện (do Ban Hướng Dẫn biên soạn theo chương trình Trung Ương):  03 quyển.
- Tài liệu tu học các bậc ngành Oanh Vũ Từ Mở Mắt đến Tung bay  (In lại tài liệu của Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế ) :  04 quyển.
- Tài liệu tu học Bậc Kiên – Trì : 02 quyển
- Tài liệu về kỹ năng, nhạc sinh hoạt GĐPT : 2 quyển
- Tập “Sứ Mệnh GĐPT” Tác giả Người Áo Lam (Tức anh Nguyễn Minh Hiền, bút danh Lữ Hồ     nguyên ủy viên Tu Thư BHDTW nhiệm kỳ 1964-1967)
- Tập “Hình thành và phát triển GĐPT Việt Nam” Tác giả là Đại Đức Thích Quảng Trí
- Quyển “Gia Trưởng” do anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ biên soạn đang cho in và chuẩn bị phổ biến.
-  Ấn hành tài liệu huấn luyện các Trại Lộc Uyển, A Dục cho trại sinh các Trại Huấn Luyện trên.

4/. Hoạt động thanh niên : Nhằm để tạo điều kiện cho Đoàn sinh các Gia Đình trong tỉnh giao lưu sinh hoạt, thi đua, học tập, Ban Hướng Dẫn Phân Ban đã tổ chức liên tục hàng năm các Trại Họp Bạn toàn tỉnh từ Thiện Hoà I đến Thiện Hoà IX. Song song đó tỉnh cũng tổ chức các trại chuyên ngành như Trại Hạnh 1, 2, 3, 4 cho ngành Nữ, Trại Hiếu cho Oanh Vũ. Các Huyện, Thị cũng thường xuyên tổ chức các trại họp bạn cho Huyện. Thường xuyên nhất là Huyện Xuyên Mộc, Tân Thành  và TP Vũng Tàu

5/. Tổ chức và tham gia các sự kiện toàn quốc:
Năm 2007: Tham gia Trại Lục Hoà, họp bạn ngành Thiếu toàn quốc tại Đà Nẵng với hơn 200 trại sinh và Huynh trưởng.
Năm 2008: Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã đăng cai tổ chức Trại Họp Bạn ngành Nữ toàn quốc, thi kết thúc năm thứ 2 Khoá Tu Học bậc Lực 3. Trại đã quy tụ gần 2.000 trại sinh khắp các tỉnh từ Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngải, Bình Định ……….đến Kiên Giang .
Năm 2010: Tham gia trại Chánh Trí Trại họp bạn các GĐPT Miền Đông và Tây Nam Bộ tại Cần Thơ với 150 Huynh trưởng và đoàn sinh.
Năm 2011: Trại họp bạn Nguyên Hùng miền Đông Nam bộ tại Bình Dương.
Tháng 7 năm 2015 Tỉnh đã đăng cai tổ chức thành công Trại Hội Thảo Huynh trưởng toàn quốc tại chùa Đại Tòng Lâm, huyện Tân Thành với hơn 2.500 huynh trưởng về tham dự.

6/. Tổ chức : Hiện có  30 đơn vị Gia Đình :

a/. Xuyên Mộc : 09 đơn vị và Đoàn Nữ Phật Tử huyện Xuyên Mộc.
1/. GĐPT Phước Duyên (Khánh Bửu cũ), chùa Phước Duyên thị trấn Phước Bửu.
2/. GĐPT Linh Sơn, chùa Linh Sơn, xã Bàu Lâm.
3/. GĐPT Kim Sơn, chùa Kim Sơn, xã Phước Tân.
4/. GĐPT Tân Bửu, chùa Tân Bửu, xã Xuyên Mộc.
5/. GĐPT Bửu Lâm, chùa Bửu Lâm, xã Bình Châu.
6/. GĐPT Thiện Tâm, chùa Dược Sư, xã Bình Châu.
7/. GĐPT Hạnh Trí, chùa Bửu Hạnh, xã Bình Châu.
8/.GĐPT Hải Thuận, chùa Hải Thuận, ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận.
9/. GĐPT Khánh An, chùa Khánh An, xã Bình Châu (2013)
10/. Đoàn Nữ Phật Tử huyện Xuyên Mộc.

b/. Vũng Tàu : 04 đơn vị và Đoàn cựu Huynh trưởng – Đoàn viên GĐPT Thành phố Vũng Tàu.
1/. GĐPT Liên Trì, chùa Liên Trì.
2/. GĐPT Từ Quang, chùa Từ Quang.
3/. GĐPT Phước Lâm, Chùa Phước Lâm.
4/.GĐPT Hải Trí, chùa Hải Trí.
5/. Đoàn Cựu Huynh Trưởng và đoàn viên GĐPT TP Vũng Tàu.

c/. Thành phố Bà Rịa: 02 đơn vị
1/. GĐPT Khánh Phước, Chùa Tân Chánh Thiên, xã Tân Hưng.
2/. GĐPT Kiên Linh, chùa Kiên Linh xã Hòa Long.

d/. Huyện Châu Đức : 04 đơn vị.
1/. GĐPT Tân Sơn, chùa Khánh Tân, xã Sơn Bình.
2/. GĐPT Sơn Linh, Chùa Sơn Linh, xã Xuân Sơn.
3/. GĐPT Như Ý, Chùa  Như Ý, xã Bàu Chinh ( Đây là  hậu thân của GĐPT Bửu Quang , thị trấn Ngãi Giao trước đây )
4/. GĐPT Tịnh Quang, chùa Tịnh Quang xã Nghĩa Thành.

e/. Huyện  Long Điền: 02 đơn vị .
1/. GĐPT Ngọc Lâm, tịnh xá Ngọc Lâm, thị trấn Long Hải.
2/. GĐPT An Hòa, chùa An Hòa, xã An Ngãi ( 9/2015).

f/.Huyện Đất Đỏ :02 đơn vị
1/. GĐPT Phước Sơn, chùa Phước Sơn, thị trấn Đất Đỏ (2013).
2/. GĐPT Hưng Hòa, chùa Hưng Hòa, thị trấn Đất Đỏ (03/2016)

g / Huyện Tân Thành : 06 đơn vị – Đặc biệt BHD GĐPT tỉnh nhận theo dõi, giúp đở cho 3 đơn vị huyện Long Thành Đồng Nai do gần địa giới)
1/. GĐPT Bát Nhã, chùa Bát Nhã, thị trấn Phú Mỹ.
2/. GĐPT Khánh Quảng, chùa Phước Quang, thị trấn Phú Mỹ.
3/. GĐPT Bửu Thiên, chùa Bửu Thiên, xã Mỹ Xuân.
4/. GĐPT Khánh Đức, chùa Đức Sơn xã Hắc Dịch.
5/. GĐPT Vạn Tuệ, chùa Vạn Tuệ, xã Sông Xoài.
6/. GĐPT Hộ Pháp, Trung Tâm TTXH Hộ Pháp xã Tóc Tiên (6/2015).

h/. Tại huyện Côn Đảo : 01 đơn vị
GĐPT Vân Sơn được thành lập tại chùa Vân Sơn nhưng với hình thức Ban hộ niệm  vì chưa có Đại diện GHPGVN tại đó .

5/. Số lượng Huynh trưởng và đoàn sinh :
a/. Huynh trưởng : 238
Cấp Dũng : 01   ; Cấp Tấn : 16    ;  Cấp Tín :30         Cấp Tập : 60           Tập Sự : 131
b/. Đoàn sinh các ngành  : 1.504
 
KẾT LUẬN :
Dù bao phong ba bão táp, bao biến cố của thời cuộc, Gia Đình Phật Tử  tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu luôn nằm trong lòng Giáo Hội,  vẫn luôn kiên gan duy trì và phát triển không ngừng. Đặc biệt các anh chị em Huynh trưởng trong tỉnh luôn làm việc trong tinh thần lục hoà: Cùng chung sức chung lòng chung lo xây dựng ngôi nhà Lam ngày càng thêm khởi sắc.   
      
                                                                                Chỉnh sửa bổ sung ngày 25/03/2016

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu