GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 06:39:01 20-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:2512

Khoa Học Hiện Đại Hướng Tới Phật Giáo

Vũ trụ quan của khoa học và vũ trụ quan của Phật giáo ngày nay đã tiếp cận. Các khoa học gia hàng đầu thế giới ngày nay không còn coi thế giới là duy vật khách quan nữa mà đã bắt đầu hiểu tâm ý con người có ảnh hưởng quyết định đến vật chất.

Vũ trụ quan khoa học hiện đại lâm vào khủng hoảng
 
Từ thế kỷ 20, vũ trụ quan của khoa học đã rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Từ Vật lý học đến Toán học và Sinh vật học, tất cả đều rơi vào khủng hoảng. Sự khủng hoảng trầm trọng tới mức một số nhà khoa học đã viết những tác phẩm nói về sự kết thúc của các môn khoa học đó. Ví dụ: 
 
Nhà báo John Horgan đã viết cuốn sách The End of Science (Sự kết thúc của khoa học) gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật.
John Horgan speaking at HSS
The End Of Science
Lời đề tựa trên cuốn sách: “Đối diện với sự giới hạn của tri thức trong buổi hoàng hôn của thời đại khoa học”.
 
Cuốn sách nêu lên một ý nghĩa triết học hơn là ý nghĩa thực tiễn. Ý nghĩa triết học của vấn đề này là, khoa học với với đặc tính trọng yếu là khách quan, duy vật đã đi tới cuối đường và không còn nhiều chỗ để đi nữa. Chứ còn ý nghĩa thực tiễn của khoa học thì vẫn còn nhiều, bởi vì vô số phát minh về khoa học kỹ thuật vẫn có thể tiếp tục khám phá ra những đặc tính mới của vật chất, của sinh học, để chế tạo ra sản phẩm mới, tiện nghi mới cho đời sống thì không bị ảnh hưởng. 

Nhưng tri thức tổng quát về tính triết học của khoa học thì đã tới giới hạn. Vượt qua giới hạn đó thì sẽ tiến vào khoa học tâm linh mà trọng tâm là Phật giáo. Phần in nghiêng là trích dẫn.
 
Một “cú đòn” trời giáng khác mà Horgan làm choáng váng độc giả là chương dành cho vật lý, “The End of Physics” (Sự kết thúc của vật lý), trong đó thể hiện mối nghi ngờ về khả năng thành công của lý thuyết lớn nhất của vật lý ngày nay là “Lý thuyết về mọi thứ” (Theory Of Everything = TOE). 

Trong số những người thẳng thắn bày tỏ mối nghi ngờ đối với lý thuyết này có những người đã có công rất lớn đối với vật lý hiện đại. Một trong số đó là Sheldon Glashow, một trong ba người đoạt giải Nobel vật lý năm 1979 vì một đề tài tiền thân của Lý thuyết về mọi thứ (Lý thuyết điện từ yếu). 

Glashow gọi Lý thuyết về mọi thứ là “Chiếc Chén Thánh” (The Holy Grail) (chiếc chén Chúa Jesus dùng trong bữa tiệc ly trước khi bị hành hình), ngụ ý đó là một cái gì đó rất thiêng liêng về ý tưởng nhưng không bao giờ có thể biến thành hiện thực! Một người khác là Roger Penrose, tác giả của những công trình tuyệt tác về topo chứng minh sự tồn tại của điểm kỳ dị của các hốc đen và của toàn bộ không-thời-gian, làm cơ sở cho Lý thuyết Big Bang. 

Penrose nói rõ rằng ông không tin vào bất cứ một lý thuyết nào hiện nay, kể cả Lý thuyết siêu dây, có thể coi là có hy vọng tiến đến Lý thuyết về mọi thứ. (Gs. Phạm Việt Hưng)
 
Nhưng Vật lý học sụp đổ cũng không phải chỉ vì không thể thành lập được Lý thuyết về mọi thứ. Mà nó sụp đổ chính vì nguyên lý bất định (principle of uncertainty) do Werner Heisenberg công bố năm 1927. Ban đầu người ta chưa hiểu hết ý nghĩa khoa học và triết học sâu xa của nguyên lý này. 

Và trong thực tế đã xảy ra cuộc tranh luận rất lớn, rất cơ bản giữa hai nhà khoa học hàng đầu thế giới: Niels Bohr và Albert Einstein. Mãi tới năm 1982, sau thí nghiệm về liên kết lượng tử (quantum entanglement) do Alain Aspect tiến hành tại Paris, người ta mới thực sự thấy trời đất sụp đổ. 

Vật lý học sụp đổ vì niềm tin có một thế giới khách quan ở ngoài ý thức của Einstein bị sụp đổ cùng với sai lầm của ông, được xác nhận trong cuộc thí nghiệm đó. Người ta đã xác nhận được rằng vật (cụ thể là hạt photon hoặc hạt electron) không có sẵn các đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin. 

Các đặc trưng này chỉ xuất hiện khi người ta quan sát, đo đạc vật, đặc trưng thực chất chỉ là tưởng tượng của con người gán ghép cho vật. Người ta rút ra được hai kết luận rất quan trọng: 
 
Một là vật không có thật (non realism) thực chất chỉ là tưởng tượng theo thói quen nào đó của con người.
 
Hai là vật không có vị trí nhất định (non locality) không gian cũng như các vị trí trong không gian chỉ là tượng tượng.
 
Hai kết luận trên được rút ra từ cuộc thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 tại Paris. Chúng ta có thể trích bài viết gần đây của giáo sư tiến sĩ Vật lý Cao Chi (sinh năm 1931 đến nay 85 tuổi), ông viết trong bài “ Tính không hiện hữu và không định xứ trong vật lý” đăng trên báo Tia Sáng:
 
Quan điểm “hiện hữu” khẳng định rằng khi chúng ta không quan sát thực tại thì thực tại vẫn hiện hữu. Quan điểm này trái ngược với quan điểm “không hiện hữu”: tại mức lượng tử “hạt” không có những tính chất nhất định cho đến khi chúng ta tiến hành các phép đo, điều này có nghĩa là các tính chất nhất định của hạt không hiện hữu trước khi chúng ta tiến hành các phép đo.
 
Quan điểm “định xứ” khẳng định rằng hai sự kiện cách xa nhau không thể ảnh hưởng lẫn nhau. Quan điểm này trái ngược với quan điểm “không định xứ” trong QM (Quantum Mechanics-Cơ học lượng tử) khẳng định rằng hai sự kiện cách xa nhau có thể ảnh hưởng lẫn nhau vì liên đới lượng tử – một mối liên thông toàn cục (global interconnectedness) và trong GR (General Relativity – Thuyết tương đối rộng của Einstein) khẳng định rằng việc xác định tọa độ là không đơn trị.
 
Kết quả đa trị (ambiguity) trong các phép đo vị trí là biểu hiện của tính không định xứ. Tình huống tương tự như ta đánh dấu một vị trí bằng cách cắm một cái cờ trên dòng sông đang chảy.
 
Chú ý rằng không định xứ không có nghĩa là các tín hiệu có thể lan truyền nhanh hơn ánh sáng. Phải hiểu là ở một mức sâu của thực tại, tốc độ giới hạn của ánh sáng không còn thích hợp chỉ vì ta đối diện với hiện tượng tương quan tức thì (liên đới lượng tử) bất kể khoảng cách. Đây có thể xem là một nguyên lý mới về không định xứ trong vật lý.
 
Kể từ khi Big Bang, sự tồn tại của tính không định xứ của các điểm dẫn đến một toàn cục (holism) vũ trụ sâu sắc. Nếu các vật vốn đã tương tác với các vật khác từ thời Big Bang vẫn bảo lưu mối liên thông giữa chúng với nhau thì mọi hạt trong mọi sao và thiên hà mà chúng ta biết đều liên thông với những hạt khác ở mọi nơi khác (Gribbin, 1984). (Gs. Cao Chi)
 
Phát biểu trên có thể tóm tắt như sau: Tất cả chỉ là Một. Một là Tất cả. Bởi vì Tất cả đều có liên hệ chặt chẽ với nhau mà thí nghiệm liên kết lượng tử (quantum entanglement) đã chứng tỏ.
 
Đến năm 2012, sau thí nghiệm liên kết lượng tử của Maria Chekhova, cho một photon xuất hiện đồng thời ở 100.000 vị trí khác nhau, người ta rút ra được kết luận quan trọng thứ ba:
 
Ba là vật không có số lượng (non quantity) số lượng chỉ là tưởng tượng của con người.
 
Chính 3 kết luận rất quan trọng, rất nền tảng này làm sụp đổ hết tất cả mọi khoa học của con người từ vật lý học đến toán học và sinh vật học, bởi vì không gian, thời gian và số lượng là không có thực chất, chỉ là khái niệm do bộ não của con người tưởng tượng ra. Điều này Phật giáo đã nói từ lâu, chúng ta hãy nghe Thiền sư Thích Duy Lực nói: Việc trần sa kiếp cũng như việc hiện nay (mp3)
 
Joseph Frederick Traub (1932 – 2015) một nhà khoa học máy tính Mỹ, giáo sư Khoa Máy tính Đại học Columbia, nêu lên câu hỏi có lẽ là quan trọng nhất: “Liệu chúng ta có thể biết cái gì là cái không thể biết hay không?”.
 
Con người cần phải tìm hiểu xem cái gì là cái không thể biết
 
Kurt Godel với Định lý Bất toàn (Theorem of incompleteness) đã làm điều đó với Toán học.
 
Alan Turing với Sự cố Dừng (The Halting Problem) đã làm điều đó với Khoa học máy tính.
 
Hậu thế sẽ phải tiếp tục con đường của Godel và Turing để làm điều tương tự đối với vật lý, sinh học, và khoa học nói chung.
 
Nhà toán học David Hilbert đã bỏ công xây dựng lại Hình Học Euclid. Xuất phát từ một hệ 20 tiên đề, ông đã xây dựng nên một thứ hình học thuần tuý hình thức, không cần hình vẽ, được gọi là Hình Học Hilbert, ra mắt năm 1899 dưới tên gọi Cơ Sở Hình Học (Grundlagen der Geometrie). Nhưng không thoả mãn với những gì đã làm được, Hilbert kêu gọi toàn thế giới toán học cùng bắt tay vào việc tái thiết toà lâu đài toán học theo “thiết kế” của Chủ Nghĩa Hình Thức.
 
Tuy bất đồng với Hilbert trong ý tưởng biến hình học thành một mớ logic hình thức thuần tuý, nhưng nhà toán học Grottlob Frege lại đồng quan điểm với Hilbert khi cho rằng số học dựa trên logic, do đó đã trở thành cứu tinh của Hilbert về mặt số học: Frege đã lao vào làm một cuộc cách mạng về số học, nhằm biến số học thành một hệ logic hình thức thuần tuý, đúng như Hilbert mong muốn! Frege đã xây dựng nên hàng trăm định lý của số học dưới dạng hình thức tuyệt đối. 

Toàn bộ lý thuyết của ông đã được công bố trong bộ sách đồ sộ mang tên Cơ sở Số học (Grundlagen der Arithmetik), một bộ sách đã làm rung chuyển thế giới toán học. Thật vậy, các nhà toán học theo Chủ Nghĩa Hình Thức đã thật sự bị choáng ngợp trước “vẻ đẹp siêu thoát tinh tuyển hình thức” trong lý thuyết của Frege. Họ phấn chấn đến mức tưởng rằng sắp tìm thấy “Chiếc Chén Thánh”, và tưởng rằng “thiên đường của chủ nghĩa hình thức” đã lấp ló đâu đó ở phía chân trời!
 
Trớ trêu thay, ngay lúc đó một cú sốc khủng khiếp xảy ra, người vạch ra sai lầm của Frege lại là người vốn ngưỡng mộ Frege hết lòng: Đó là Bertrand Russell (1872-1970), một người luôn luôn khao khát tìm kiếm chân lý tuyệt đối của toán học như một con chiên ngoan đạo khao khát đức tin tôn giáo. Russell từng tuyên bố: “Toán học là một khoa học mà trong đó người ta không bao giờ biết người ta đang nói về cái gì, miễn là cái điều người ta nói là đúng”. 

Chẳng hạn, khi xét mệnh đề 2 + 3 = 5, toán học “chân chính” không cần biết ý nghĩa vật chất cụ thể của các số 2, 3, 5 là cái gì, miễn là có được những định nghĩa và tiên đề nào đó về số cho phép kiểm tra mệnh đề đã cho là đúng hay sai. Chính vì khao khát nhận biết được cái “thế giới siêu việt” ấy nên Russell đã bàng hoàng xúc động khi đọc Cơ sở Số học của Frege, coi Frege như một ngôi sao dẫn đường của toán học hình thức.
 
Nhưng rồi chính Russell đã tìm ra một nghịch lý sau này mang tên ông là Nghịch lý Russell, lần đầu tiên xuất hiện năm 1902 trong một bức thư gởi cho Gottlob Frege. Để cho dễ hình dung, Russell đã sáng tác câu chuyện ông thợ cạo như sau: Ngày xưa, có 1 ông thợ cạo, được nhiều người cho rằng sống ở làng Seville. Tại làng đó, tất cả đàn ông đều tự cạo râu hoặc nhờ thợ cạo. Và ông thợ này đã tuyên bố: “Tôi chỉ cạo râu cho những người đàn ông nào của làng Seville mà không tự cạo râu”.
 
Như vậy nam nhi của làng Seville chia làm hai nhóm: nhóm 1 tự cạo râu, nhóm 2 không tự cạo râu. Rắc rối là không biết xếp ông thợ cạo vào nhóm nào, vì: nếu xếp ông vào nhóm 1 thì ông không được tự cạo râu cho ông, mà không tự cạo râu thì phải xếp ông vào nhóm 2, mà nếu vậy thì sẽ được cạo râu, mà đã được cạo râu thì phải xếp vào nhóm 1. Xếp cách nào cũng mâu thuẫn với tiên đề, nên mới gọi là nghịch lý.
 
Nghịch lý Russell đã làm sụp đổ Cơ sở Số học của Frege cũng như Cơ sở Hình học của Hilbert. Nghịch lý Russell nói lên rằng trong bất cứ hệ thống duy lý nào cũng có mâu thuẫn, nó khiến cho có những điều không thể khẳng định cũng không thể phủ định.
 
Hilbert mặc dù đã biết nghịch lý Russell nhưng ông vẫn cố tìm cách sửa chữa để xây dựng lâu đài toán học của mình. Đó là lý do ra đời Chương trình Hilbert, với tham vọng “vá trời lấp biển”: Xây dựng một hệ thống siêu-toán-học (meta-mathematics) – một hệ thống toán học tuyệt đối siêu hình, tuyệt đối thoát ly khỏi thế giới hiện thực, cho phép XÁC ĐỊNH tính trắng/đen, đúng/sai của bất kỳ một mệnh đề toán học nào và chứng minh tính phi mâu thuẫn của toàn bộ toán học.
 
Thế nhưng Chương trình Hilbert bị chấm dứt đột ngột khi Kurt Gödel công bố Định Lý Bất Toàn (Theorem of Incompleteness): “Năm 1931, một nhà toán học mới có 25 tuổi đã công bố một công trình vĩnh viễn phá huỷ niềm hy vọng của Hilbert. Kurt Gödel đã buộc các nhà toán học phải chấp nhận rằng toán học sẽ không bao giờ hoàn thiện về mặt logic, …Đây là một đòn chí mạng giáng vào chương trình Hilbert”.

Hoá ra “giấc mộng vàng” của Chương trình Hilbert chỉ là một giấc mơ không tưởng. Cả Hilbert lẫn Frege đều đã bị chứng minh là nhầm lẫn. Định Lý Bất Toàn của Kurt Gödel đã nêu ra tính bất toàn mâu thuẫn của chương trình Hilbert, và phủ nhận công trình hình thức hoá số học của Frege cho thấy lý tưởng của Chủ Nghĩa Hình Thức chỉ là một ảo tưởng hão huyền – một cái vòng luẩn quẩn của kẻ đi tìm điểm cuối trên một đường tròn! (Gs.Phạm Việt Hưng)
 
Thuyết sinh vật tiến hóa của Darwin cũng phá sản, đó chỉ là phỏng đoán không phải là thực tế vì không thể xác định được sinh vật đầu tiên và quá trình tiến hóa từ sinh vật đầu tiên thành con người hiện nay, chưa kể là chứng cớ hóa thạch trong suốt quá trình dài hàng tỉ năm đó không thể tìm thấy, mặt khác nhiều chứng cớ hóa thạch còn phản bác thuyết tiến hóa. 

Chẳng hạn hóa thạch con dế cách nay 125 triệu năm thuộc kỷ Phấn trắng (Cretaceous Period) không khác chút nào so với con dế hiện tại, chứng tỏ không có tiến hóa. Các chứng cứ khảo cổ cũng cho thấy sự phát triển của sinh vật không tiến hóa theo sơ đồ của Darwin.
 
Theo thuyết Darwin, một ngành xuất hiện trước tiên, và sau đó các ngành khác phải từ từ xuất hiện từ đó, cùng với những thay đổi nhỏ liên tục trong thời gian rất lâu dài. Giả thuyết này dẫn tới việc: số lượng các ngành động vật phải tăng dần theo thời gian.
Sơ đồ cây sự sống theo thuyết tiến hóa của Darwin
Nhưng trong thực tế hoàn toàn khác hẳn
Cây sự sống thực tế
Sơ đồ tiến hóa theo thực tế. Khoảng 100 ngành đột nhiên xuất hiện trong kỷ Cambri. Sau đó, số lượng các ngành giảm nhiều hơn là tăng (bởi vì một số ngành đã bị tuyệt chủng)
 
Như vậy chúng ta thấy rằng vũ trụ quan khoa học đã đi từ nhận thức cho rằng vũ trụ là tồn tại khách quan, độc lập đối với ý thức của con người. Quan niệm này đã tồn tại từ thời xa xưa. Các bộ môn khoa học đều dựa trên quan niệm này.
 
Số học đã xuất hiện trên mai rùa từ đời Thương (1600 – 1046 TCN- trước công nguyên) ở Trung Quốc, sử dụng hệ cơ số 10, và người ta sáng chế ra bàn toán để tính toán cho nhanh.
Bàn toán của người Trung Hoa để tính nhanh số lượng
Hình học nổi tiếng với định lý Pythagore và hình học phẳng của Euclide. Cơ học nổi tiếng với Cơ học cổ điển của Newton. Sinh vật một thời vang danh với thuyết Sinh vật tiến hóa của Darwin. Khoa học thế kỷ 19 phát triển mạnh, được Karl Mars tổng kết trong Chủ nghĩa duy vật biện chứng. Sang thế kỷ 20, Einstein nổi bật với Thuyết Tương đối nhưng vẫn còn đứng trong phạm trù quan niệm vũ trụ là tồn tại khách quan.
 
Khoa học đã đi tới bước ngoặt quan trọng kể từ khi Max Planck đưa ra khái niệm về lượng tử. Ngày 14/11/1900 Planck trình bày kết quả của ông tại buổi họp của Hội Vật lý Berlin, dưới cái tên “Định luật phân bố nhiệt trong quang phổ chuẩn” (Gesetz der Energieverteilung im Normalsprektrum), dài 9 trang in. Nó đánh dấu chính thức ngày sinh nhật lịch sử của thuyết lượng tử.
 
Planck không biết rằng công thức e =h.ν là một định luật “tuyệt đối” mà trong vô thức Planck đã ngưỡng mộ và tìm kiếm, là chiếc chìa khóa để bước vào thế giới vi mô. Trong công thức, e là một đơn vị nhỏ nhất của năng lượng: 
 
Mỗi lượng tử có năng lượng được mô tả bằng công thức của Max Planck:
 
E = hv (E = năng lượng, h = hằng số Planck, v = tần số dao động của lượng tử)
 
Khi dùng electronvolt (eV) là đơn vị đo năng lượng thì:
 
h = 4.135 667 334 x 10-15 eV.s
 
Hằng số này có đơn vị đo là năng lượng tính bằng electronvolt, nhân với thời gian tính bằng giây (s = second).
 
Lượng tử là ranh giới giữa vật chất và trừu tượng, nó vừa là một vật cụ thể vừa là khái niệm trừu tượng. Sở dĩ như vậy vì như phần trên đã nói, với ba kết luận quan trọng, một lượng tử, ví dụ một photon hay một electron, mặc dù rất cụ thể, rất rõ ràng, nhưng nó không có thật (non realism), không có vị trí nhất định trong không gian (non locality) mà tùy thuộc vào thói quen nhận thức của con người, và không có số lượng (non quantity), nghĩa là nó không phải một, cũng không phải nhiều.
 
Bước ngoặt thực sự xảy ra vào năm 1927 khi Werner Heisenberg đưa ra nguyên lý bất định, nguyên lý này nói rằng không thể đồng thời xác định vị trí và động lượng của hạt electron. Nhưng ý nghĩa triết học của nguyên lý này là vấn đề hạt electron, hạt photon hay các hạt cơ bản khác có sẵn những đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin hay không. Đây cũng chính là trọng tâm cuộc tranh luận thế kỷ giữa Niels Bohr và Albert Einstein. 

Bohr đồng tình với Heisenberg cho rằng các đặc trưng là bất định, tức không có sẵn, chỉ khi nào có người quan sát và tiến hành đo đạc thì các đặc trưng mới xuất hiện. Trái lại Einstein cho rằng các đặc trưng luôn luôn có sẵn, là xác định. Kết quả khảo sát thí nghiệm của Alain Aspect tại Paris năm 1982 đã chứng minh rằng Bohr đúng, Einstein sai. Video sau đây mô tả lại cuộc tranh luận:
 
 
Bước ngoặt của khoa học hiện đại là giới khoa học đã nhận thức được rằng vũ trụ không phải là khách quan. Các hiện tượng xảy ra trong vũ trụ, trong không gian 3 chiều thật ra chỉ là ảo, là ảo ảnh phóng hiện từ thông tin có thể chứa trong mặt phẳng hai chiều không có bề dày. Khoa học đã giải thích tính chất ảo hóa của ngoại cảnh bằng hai lý thuyết: Trường thống nhất và Nguyên lý toàn ảnh.
 
 
Nhận thức mới của khoa học đi tới chỗ thừa nhận rằng những thuyết giảng của Phật giáo trong kinh điển hoàn toàn có cơ sở khoa học, thậm chí đó là một khoa học cao cấp mà ngay cả những nhà khoa học tiếng tăm lừng lẫy nhưng vẫn bảo thủ lập trường duy vật khách quan cũng không thể hiểu nổi.
 
Vũ trụ quan của Phật giáo
 
Phật giáo từ xa xưa đã nói rằng tất cả các pháp không có tự tính. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm như họa công sư, họa chủng chủng ngũ ấm. Nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo…Nhất thiết pháp vô tự tính 心 如工畫師,畫種種五陰.一切世界中,無法而不造.…一切法無自性” (Tâm như họa sư khéo tay, vẽ đủ thứ ngũ ấm. Trong tất cả thế giới, không pháp gì mà không tạo ra được…Tất cả các pháp đều không có tự tính).
 
Chúng ta có thể diễn giải lại ý nghĩa của câu kinh này là: Các pháp, cụ thể là các hạt cơ bản của vật chất (elementary particles of matter) như quark, electron, photon…đều không có tự tính, tức không có sẵn các đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin. Điều này đích thực là ý nghĩa cốt lõi của nguyên lý bất định (principle of uncertainty) do Werner Heisenberg nêu ra năm 1927 và được Niels Bohr ủng hộ trong khi Einstein kịch liệt phản đối.
 
Các hạt cơ bản đã không có sẵn đặc trưng thì những cố thể vật chất như thân tứ đại của chúng ta, nhà cửa, xe cộ, núi non, sông biển, hành tinh, mặt trời, mặt trăng…cũng đều như vậy, đều là tưởng tượng.
 
Nhưng tại sao chúng ta đều thấy mọi vật đều có đặc trưng ? Bởi vì chính mạt-na thức (tiền ngũ thức + ý thức) của con người gán ghép đặc trưng cho mọi vật. Hình dáng, màu sắc, trơn láng hay xù xì, nặng hay nhẹ, cứng hay mềm, số lượng nhiều hay ít, tuổi thọ dài hay ngắn v.v…đều do mạt-na thức gán ghép. 

Điều đó có nghĩa là chúng ta tưởng tượng dựa trên một cấu trúc ảo do nguyên tử, phân tử kết hợp lại thành cố thể vật chất. Cấu trúc thì khác nhau nhưng bản chất thì chỉ là một thứ lượng tử y chang như nhau. Chính vì vậy Kinh mới nói: “Tâm như họa sư khéo tay, vẽ đủ thứ ngũ ấm. Trong tất cả thế giới, không pháp gì mà không tạo ra được…Tất cả các pháp đều không có tự tính”
 
Chúng ta có thể thấy rõ sự gán ghép này trong ngôn ngữ. Tiếng nói hay chữ viết hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả. Tất cả mọi ý nghĩa của từ ngữ là do thói quen của người sử dụng gán ghép cho chúng. Vì sự gán ghép này diễn ra nhiều đời nhiều kiếp và trở nên phổ biến (Phật pháp gọi là thế lưu bố tưởng) nên chúng ta tin rằng chúng thực sự có ý nghĩa.
 
Kinh điển Phật giáo nói Ngũ uẩn giai không五蘊皆空 nghĩa là năm uẩn đều không có thật, cũng với ý nghĩa đó. Chữ uẩn 蘊 (skandha) còn gọi là ấm 陰 Uẩn là nhóm hay tập hợp hoặc tích hợp. Ngũ uẩn bao gồm: Sắc (vật chất, matter, material); Thọ (cảm giác, perception); Tưởng (tưởng tượng, imagination); Hành (chuyển động, motion); Thức (nhận thức, phân biệt, conciousness, alaya, discrimination).
 
Ngũ uẩn giai không nghĩa là 5 uẩn đều là tưởng tượng chứ không phải thật
 
Chính vì các pháp không có tự tính, mọi tính chất, mọi đặc trưng của các pháp đều do tâm của con người gán ghép cho các sự vật theo đúng cơ chế giống như việc gán ghép ý nghĩa vào tiếng nói và chữ viết, nên kinh điển nói rằng nhất thiết duy tâm tạo. Kinh Hoa Nghiêm nói: 
 
(華嚴經) 說,“若人欲了知,三世一切佛,應觀法界性,一切唯心造”
 
Nhược nhân dục liễu tri    Nếu mọi người muốn biết rõ
Tam giới nhất thiết Phật    Tất cả Phật trong Tam giới
Ưng quán pháp giới tính    Hãy xem xét bản chất của pháp giới
Nhất thiết duy tâm tạo     Tất cả đều là do Tâm tạo
 
Tất cả đều là do tâm tạo bởi vì vật chỉ là một loại cấu trúc ảo không có thật, tâm gán ghép các tính chất đặc trưng cho vật (thực chất là tưởng tượng). Hạt cơ bản như quark, photon, electron không có tính chất đặc trưng gì cả. Tâm gán cho chúng các đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin. Sau khi gán ghép chúng mới hiển thị thành hạt quark, photon hoặc hạt electron và có đặc trưng. 

Rồi quark mới kết hợp với nhau thành proton, neutron, hạt nhân nguyên tử. Rồi hạt nhân kết hợp với electron thành nguyên tử. Rồi nguyên tử kết hợp thành phân tử vô cơ như H2, O2, N2 hoặc thành phân tử hữu cơ như acid amin
Cấu trúc tổng quát của một phân tử Acid amin
Acid amin là một dạng chất sống, là nền tảng để cấu trúc thành cơ thể sinh vật.
 
Qua trùng trùng duyên khởi với đủ mọi cách kết hợp mới tạo thành thế giới như chúng ta thấy ngày nay. Quan điểm của khoa học trước thế kỷ 20 cho rằng thế giới đó là duy vật khách quan, độc lập đối với ý thức. Họ không ngờ rằng thế giới đó chỉ là tưởng tượng của tâm thức. Phật giáo từ xa xưa đã nói trong bộ Thành Duy Thức Luận rằng: 
 
Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức 三界唯心 萬法唯識 (3 cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới chỉ là tâm tưởng tượng, tất cả các pháp chỉ là thức.(Là thông tin, cả vũ trụ có thể biểu diễn dưới dạng số, the Universe is digital, hoặc là Vũ trụ toàn ảnh, the holographic universe)
 
Khoa học vật lý lượng tử ngày nay đã phần nào hiểu được thế giới không phải là duy vật, cũng không phải là khách quan.
 
Nếu tâm thức hay bộ não không can dự, không tưởng tượng thì cố thể vật chất chỉ là lượng tử, nó là một cấu trúc ảo, là một dạng sóng phi vật chất, các nhà khoa học coi đó là một miền tần số (frequency domain) hoặc là một trường thống nhất (unified field) không có vật chất, không thể chứng minh là nó tồn tại cũng không thể phủ định nó, đơn giản nó chỉ là tâm, là thức, là một dạng thông tin không phải vật chất.
 
Chính vì bản chất của vật chất là như vậy nên các nhà đặc dị công năng có thể dùng ý niệm để điều khiển vật chất. Ví dụ nhà khí công Lý Liên Duyên có thể dùng ý niệm bẻ gãy cái muỗng bằng inox hoặc chặt gãy cục gạch.
 
 
 
 
Kết luận
 
Vũ trụ quan của khoa học và vũ trụ quan của Phật giáo ngày nay đã tiếp cận. Các khoa học gia hàng đầu thế giới ngày nay không còn coi thế giới là duy vật khách quan nữa mà đã bắt đầu hiểu tâm ý con người có ảnh hưởng quyết định đến vật chất. Một trong các thí nghiệm nổi tiếng nhất chứng tỏ sự quan sát của con người ảnh hưởng tới vật chất, cụ thể là tới hạt electron, đó là thí nghiệm hai khe hở. 

Nếu không có ai nhìn thì electron là sóng, khi bắn từng hạt qua hai khe hở thì electron biểu hiện thành nhiều vạch. Còn nếu bị quan sát, bị rình đo đạc thì electron là hạt, giống như hạt vật chất, khi bắn từng hạt qua hai khe hở thì electron biểu hiện thành 2 vạch.
 
Video Double Slit Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ , Thí nghiệm Hai khe hở cho thấy ý thức của người quan sát có ảnh hưởng tới vật.
 
Khoa học thế kỷ 21 sẽ phải hướng đến tâm linh nếu muốn thoát khỏi bế tắc khi khoa học đã bước vào buổi hoàng hôn.
 
Truyền Bình

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu