Thêm vào đó, cứ lâu lâu lại tổ chức ca nhạc văn nghệ, bán vé số, tổ chức hội chợ như lô tô, phát thư đến tận nhà mời mua vé số gọi là hùn phước cúng dường để đúc nhiều tượng để ngoài vườn chùa trong khi chùa xây dựng vẫn chưa trả xong tiền. Nhiều khi con cũng không hiểu đúc tượng để làm gì trong khi chùa quá nhỏ, phật tử ít, những khóa tu hành lại không thấy đâu, đến chùa chỉ toàn suốt ngày nghe quyên góp cúng dường được phước.
Vé số đến ngày bốc thăm xổ số đều có thưởng, dù một số thường hay cúng lại cho chùa. Theo con được biết là giới luật nhà Phật không nên cờ bạc, vậy những việc phát vé sổ số, tổ chức lô tô như vậy ở chùa là có đúng không? Con xin cảm ơn Sư rất nhiều!
ĐÁP:
I. Chùa là trung tâm hướng dẫn phật tử tu hành
Chùa là nơi tôn thờ Tam bảo, thờ Phật-Pháp-Tăng biểu tượng của giáo lý Phật Đà. Theo sách “Phật giáo hiện đại hóa” của HT.Thích Nhất Hạnh thì chùa là nơi nuôi tăng hoặc ni lưu trú tu học, một nơi mà Chư tôn đức trụ trì phát tâm nuôi dưỡng đại chúng mầm non, tương lai Phật pháp, nơi Chư tôn giáo phẩm tăng ni dừng chân lưu trú trong những ngày hóa đạo vùng xa.
|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Ngày xưa thời kỳ đức Phật sinh tiền, nơi Phật và chư Tăng lưu trú gọi là tăng xá, tịnh xá. Tăng xá là nơi chư Tăng tạm dừng chân trú ngụ trong những ngày mưa bão, lúc bấy giờ Phật chế giới An cư kiết hạ, trở thành truyền thống tu học của chư tăng ni cho đến ngày nay trở thành nếp sống văn hóa tu học, vẫn còn giá trị với thời gian. Ở thời kỳ đức Phật hóa đạo do Ông Cấp Cô Độc và Thái tử Kỳ Đà là những người đầu tiên cúng dường đất cho Phật và giáo đoàn để xây dựng tịnh xá. Tuy xây dựng nơi tôn nghiêm dành cho đức Phật và giáo đoàn chư Tăng lưu trú, nhưng các Ngài ít dừng chân lâu dài, thỉnh thoảng các Ngài mới ghé qua vậy thôi.
Riêng Phật khi nào có nhu cầu thỉnh giảng thì Ngài mới dừng chân với thời gian lâu hơn. Hoặc trong thời kỳ mưa gió, theo truyền thống thì hàng tăng lữ không rời khỏi chỗ mình lưu trú nên từ tịnh xá đổi thành tăng xá theo “Tự điển Phật học” - Đoàn Trung Còn. “Từ điển Việt Nam” của Thanh Nghị thì giải nghĩa tịnh xá là nơi lưu trữ kinh sách Phật. Thành, tịnh xá là danh từ chung dành cho trường phái Khất sĩ Việt Nam, nơi thờ Phật vào bảo tháp 13 tầng, thờ Tổ sư Minh Đăng Quang, chư tăng hoặc chư ni lưu trú tu học.
Tịnh xá là nơi Phật dừng chân thuyết pháp cho mọi người cùng nghe, là nơi lưu trữ những lời dạy của Phật, là nơi chứa cất kinh sách Phật, Tam tạng thánh điển. Chùa không phải là trung tâm du lịch, không phài là những nơi triết lý phong thủy hữu tình của các nhà đạo học, của những người làm kinh tế du lịch văn hóa.
Chùa là nơi tôn nghiêm ghi đậm dấu ấn truyền trì mạng mạch Phật pháp. Mà Phật pháp đó giúp cho chúng sinh và loài người giải thoát sinh tử luân hổi, xua tan những quyền thế, quyền tước địa vị, tham sân si mạn nghi, những cố chấp lỗi thời, vòng vàng tiền bạc ngự trị trong chốn thiền lâm thời mạt pháp. Trong chốn thiền lâm hiện nay có câu: “
Bồ đề kiên cố bất thối chuyển, lâm vồ (cây da, gần giống bồ đề, chứ không phải bồ đề) tranh đấu không ngừng”.
Thời kỳ Phật pháp suy đồi có nhiều khi do chủ quan cũng có lúc do khách quan, chứ chúng ta không nhận định hết do Tăng già. Ở Việt Nam ít có chùa, thiền viện, tu viện, tịnh xá nuôi dưỡng chư tăng ni tu học, thường là nhứt tăng, nhứt tự, chùa chỉ có một ông tăng, lo dâng hương cúng nước, tảo bàn Phật, quét sân chùa, tự công phu bái sám. Có chùa thầy rất siêng năng, cũng có chùa mọi người không nghe được tiếng kinh kệ nảo cả, từ ngày này sang ngày khác, chỉ trừ ngày vọng, ngày sóc, mới có bóng dáng ông thầy trụ trì và năm ba phật tử vào chùa lễ Phật, cúng kính Tam bảo.
Chùa, thiền viện, tu viện, tịnh xá không phải là nơi bói xăm xủ quẻ. Việc đoán xăm tính quẻ làm cho giáo pháp Phật bại hoại não nề, làm mất phong cách của các nhà sư. Xăm quẻ không phải của đạo Phật mà là của Khổng Lão, của những người thời xưa, những người rảnh tay rỗi chân mới có thời gian ngồi đoán xăm giải mộng. Tại các chùa, chư tăng mỗi người đều lo tu hành, mỗi người làm mỗi công việc phật sự, làm gì có thời gian ngồi đoán xăm quẻ cho phật tử.
Vả lại, việc đoán xăm giải mộng là việc của ngoại đạo, nếu nhà sư thực hiện thì miệng nào đoán xăm giải mộng, miệng nào thuyết pháp thao thao bất tuyệt cho phật tử thính pháp? Nhà sư đoán xăm giải mộng thì không còn phong cách nhà sư, không còn phong cách nhà sư thì không phải nhà sư, nói gì đến giáo phẩm cao cấp như thượng tọa, hòa thượng hay đẳng cấp giới sư trong chốn thiền lâm. Các vị không còn là bậc thiền gia chân chánh nữa.
II. Hiện nay một số chùa ở thành thị, chẳng những không nuôi tăng ăn học mà nuôi tăng sinh bằng cách, mỗi tháng phải cúng dường cho chùa, được coi như là đóng tiền cư trú
Còn lại cũng chỉ một ít chùa nuôi tăng; như vậy số tăng lưu trú các nhà trọ thật sự ở Tp.Hồ Chí Minh hiện nay rất nhiều, ngoài vòng kiểm soát của Giáo hội. Đồng thời dường như, chư tăng cũng chỉ thích ở nhà trọ tự do hơn ở chùa. Từ đó, do không ai quản lý nên những việc không tốt như phạm giới cấm trong tăng ni, những việc mà người đời thường lợi dụng lớp áo nhà tăng để làm những việc quốc cấm như mua bán heroin, hút xách, phạm luật Phật, trai gái... nên gọi là thường xảy ra trong tăng ni ít ai để ý. Dù không để ý nhưng vụ việc xảy ra cũng không làm sao che được mắt của người đời chê bai Tăng già!
Một số chùa rất kỷ cương, nghiêm túc như việc bắt buộc chư tăng lưu trú đi học đúng giờ, chấp hành quy chế nhà chùa, thiền viện, tu viện. Các chùa chư tăng đi học về trễ sẽ bị phạt không cho vào chùa, phải chờ đến 5 giờ sáng hôm sau mới được vào chùa, để làm các phật sự chuẩn bị cho ngày làm việc và đi học hôm sau. Như ở Quan Âm Tu viện, tăng sinh chơi game, tu viện sẽ đuổi ngay, không để bệnh lây sang các tăng sinh khác.
Đại đa số các chùa hiện nay thường xuyên tổ chức tu Phật thất, tu Bát quan trai, đạo tràng niệm Phật, thuyết pháp giảng kinh dành cho tín đồ phật tử tu học một cách chu đáo, không để trống thời gian. Thỉnh thoảng có tổ chức văn nghệ, hát Phật, rước ca sĩ hát những bài hát Phật, lời kinh Phật, tập trung nhiều nghệ sĩ sáng tác nhạc đạo, tạo phương tiện cho người nghe có thể tu học mà không phải qua việc tụng đọc, nghiên cứu kinh sách, những người dốt chữ cũng nghe được lời kinh tiếng kệ qua những bài hát, theo âm điệu nhạc mới, thích hợp.
Việc nhà chùa đứng ra tổ chức làm các việc bán vé số, xổ số, tổ chức văn nghệ, rước ca sĩ đến hát làm cò mồi thu tiền phật tử kiếm lời, tổ chức hội chợ, triển lãm, đánh lô tô... là việc làm quá đáng trong chốn thiền lâm. Những người đứng ra tổ chức chắc chắn là nhà sư, nếu không phải nhà sư, thì cũng các vị gián tiếp cho phép chỉ đạo phật tử thực hiện trong chùa, xem như chùa không còn là nơi giáo hóa phật tử tu học nữa.
Lại có người còn xúi giục phật tử đi vào nẻo tà kiến, tà nghiệp, tà mạng. Làm gì còn có chánh pháp tuyên lưu trong nhân gian? Trong Luật Tạng, Phật không cho chư Tỳ kheo ngâm nga giáo pháp Phật kéo dài theo âm điệu theo thế gian (tức là làm sa môn Tỳ kheo không được đàn ca xướng hát ở chỗ yến tiệc vui đông). Nếu Tỳ kheo không chấp hành sẽ phạm giới “ác tác,” huống gì đứng ra tổ chức văn nghệ thế gian, hát bài có nội dung thế gian, bán vé hát làm các việc mà Tăng đoàn Phật xưa nay chưa từng làm.
Đàn ca là chuyện thế gian
Đừng đem xướng hát âm vang chốn thiền
Tất cả đàn địch tiêu thiều
Đều không phù hợp giới điều Thanh Văn.
III. Việc đúc tượng Phật thì có phước, thờ Phật tụng niệm thì sinh huệ, tụng kinh niệm Phật thì trí sáng thân minh
Trong quá trình hành đạo mỗi người có ý tưởng khác nhau, có nhà sư chỉ đúc tượng phụng thờ mà không xây chùa, có vị xây chùa mà chỉ thờ phụng một Phật Thích Ca, như Phật giáo Nam tông, Khất sĩ. Ở Đồng Nai có chùa Phước Lập, huyện Tân Phú, chỉ thờ độc nhất một tượng Phật Thích Ca. Tổ đình Linh Sơn, Bà Rịa thờ đức Di Lặc làm biểu tượng Tam bảo mười phương. Có chùa thờ đức Bồ tát Quan Âm làm biểu tượng Tam bảo. Quan Âm Tu viện thờ Quan Âm Bồ tát là biểu tượng hoằng pháp lợi sinh.
Trở lại nếp sống thiền môn, câu hỏi của các bạn cũng là câu trả lời. Chùa là nơi truyền trì giúp cho mọi người giữ giới luật học Phật, hướng dẫn phật tử tu hành từ đời này sang đời khác. Xin nói, sinh họat nhà chùa không phải là sinh hoạt đình đền miếu mạo, không phải là nơi thờ tự thánh thần, sắc thần, mà người giữ đình gọi là ông “từ”, hằng ngày lo đốt nhang, châm dầu đốt đèn buổi chiều, buổi sáng quét dọn, lương tháng 300.000 đồng. Ông “từ” trông coi như thế chờ đến ngày cúng lệ tổ chức làm lễ cúng “kỳ yên”, tổ chức “trong chay ngoài bội” hát hò rườm rà, cúng xong rồi đãi tiệc linh đình ăn uống xả láng, cho đến say sưa mới thôi.
Chùa là nơi thờ Tam bảo, Phật-Pháp-Tăng, là tài sản chung của thập phương bá tánh, cũng có thể là nơi công cộng, nhưng rất tôn nghiêm. Chùa là nơi lưu giữ kinh Phật, sáng tác, biên dịch sách Phật, nơi chư tăng hay chư ni cư trú tu hành, tu cho đến ngày đắc đạo, giáo hóa chúng sinh. Các trò tiêu khiển như cờ bạc, xổ số, đánh lô tô, đấu thầu, bán vé hát đều không được tổ chức trong chùa. Chùa không phải là trung tâm ăn chơi, nơi phung phí tiền bạc. Chùa không phải là chợ mà tổ chức những trò chơi như trên. Nếu làm vậy thì xem như Phật pháp suy đồi đến tận gốc.
Đành rằng, ở Việt Nam một số chùa phát hành kinh sách, băng đĩa, băng video những bài thuyết pháp của chư giảng sư, pháp khí Phật pháp, pháp khí thờ phụng, làm trống phách, đúc đại hồng chung, tạo chuông mõ, điêu khắc Phật... Đây là việc làm cũng có thể chấp nhận được. Vì nơi đây sẽ cung cấp phương tiện thờ phụng tu hành cho tăng, ni, phật tử. Trong Tăng Chi Bộ kinh, ngày xưa đức Phật không cho các cư sĩ mua bán đồ quốc cấm những mặt hàng làm tổn hại chúng sinh như: buôn bán đao kiếm, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu, buôn bán thuốc độc (Chương 5, phẩm Nam cư sĩ).
Bởi vậy, một số chùa ở Việt Nam tuy có kinh doanh nhưng kinh doanh ngoài các mặt hàng đức Phật không cho phép. Nói thế thôi, chứ ở các chùa lớn, tu viện, các chùa cổ, các thiền viện, tịnh xá trên toàn cõi Việt Nam thì chư tăng, ni quyết tâm không làm việc mua bán, dù là mua bán các mặt hàng thiện nghiệp. Cũng như đại đa số các chùa Việt Nam cũng không tổ chức trao đổi hàng hóa.
Vì mua bán sẽ có những cuộc tranh giành, tính lỗ tính lời, mỗi ngày lo tính lỗ tính lời còn tâm trí nào mà niệm Phật, tụng kinh, làm tiêu biểu cho mọi người. Không có giá trị tiêu biểu thì không có cơ sở thuyết pháp giảng kinh, trí huệ cạn kiệt, khô cạn, là tín hiệu của thời kỳ mạt pháp đó!
Thiền môn là chốn duyên từ
Không làm chuyện ác, cũng như chuyện đời
Lô tô, vé số hại người
Chạy theo đấu giá hết thời tụng kinh
Không nên mua bán sách kinh
Làm mất lời Phật oai linh nhiệm mầu
Mua bán là chuyện thế gian
Tăng không trao đổi chào hàng như dân.
Hòa thượng Thích Giác Quang
phatgiao.org.vn