GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 08:57:14 08-11-2016 (GMT+7) Lượt xem:2042

35 năm GHPGVN: Ký ức, niềm tin & kỳ vọng

- Trước thời điểm đánh dấu cột mốc quan trọng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tròn 35 năm thành lập, nhóm PV Báo Giác Ngộ đã ghi nhận ý kiến của chư tôn đức giáo phẩm, cư sĩ các thế hệ về thành tựu của Giáo hội, những kỳ vọng vào sự phát triển Phật giáo xứng tầm với truyền thống và tổ chức thống nhất toàn quốc…

------------------------

- HT.Thích Đức Nghiệp,Phó Pháp chủ HĐCM GHPGVN:

ykien07.JPG
Ảnh: Bảo Toàn

Sau 35 năm thành lập, GHPGVN đã có nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực như: hoằng pháp, văn hóa, giáo dục Tăng Ni, phát triển hệ thống cơ sở giáo dục từ sơ cấp cho đến Học viện Phật giáo khắp cả ba miền, đào tạo được đội ngũ Tăng Ni kế thừa. GHPGVN, Tăng Ni, Phật tử ngày nay cũng đóng góp rất lớn vào việc giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

GHPGVN đã hoàn thành công cuộc thống nhất Phật giáo cả nước bằng việc hoàn thiện hệ thống hành chánh - thành lập được 63 đơn vị Ban Trị sự GHPGVN tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Qua đó, khẳng định GHPGVN không những phát huy được sự đoàn kết trong nội bộ Phật giáo từ Bắc, Trung, Nam, thể hiện là tôn giáo "hộ quốc an dân”, đồng hành cùng dân tộc mà còn hội nhập, hòa mình với Phật giáo thế giới.

Chúng ta luôn ghi nhớ, GHPGVN được hình thành, phát triển như hôm nay là được kế thừa từ những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, tinh thần đoàn kết, hòa hợp mang tính chất lịch sử Phật giáo. Đó là các cột mốc lịch sử quan trọng từ phong trào chấn hưng Phật giáo những năm 1930 ở miền Trung, miền Nam, miền Bắc; Hội nghị Thống nhất Phật giáo tại chùa Từ Đàm (Huế) thành lập Tổng hội Phật giáo VN (1951); sự ra đời của Hội Thống nhất Phật giáo VN (3-1958) ở miền Bắc; sự ra đời của GHPGVN Thống nhất (1-1964); sau đó là hình thành Ban Liên lạc Phật giáo Yêu nước ở TP.HCM (2-1980)… Từ các cơ sở này, chư tôn đức lãnh đạo các đoàn thể, tông phái, hệ phái Phật giáo tiến đến thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo, đáp ứng nguyện vọng của Phật giáo đồ cả nước, thành một mái nhà chung của các đoàn thể, các tông phái, hệ phái Phật giáo khắp cả nước.

Điều kiện khách quan thuận lợi là sau năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Đối với dân tộc là như vậy, chư tôn đức lãnh đạo các giáo phái, tông phái, hệ phái Phật giáo suy nghĩ đến vận mệnh của Phật giáo nhất thiết cần phải thống nhất Phật giáo Bắc, Trung, Nam thành một khối và là một ngôi nhà chung trong tổ chức GHPGVN (11-1981).

GHPGVN hoạt động với phương châm "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” đã mở ra trang sử mới của Phật giáo nước nhà.

Từ dấu ấn lịch sử thống nhất Phật giáo cách đây 35 năm, GHPGVN tiếp nối truyền thống vẻ vang hơn 2.000 năm của Phật giáo VN truyền bá giáo lý của Đức Phật, kế thừa sức mạnh tổng thể về tinh thần, tài năng, trí tuệ và bổ trợ lẫn nhau phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, GHPGVN chúng ta kế thừa, phát huy ngày càng lớn mạnh truyền thống gắn bó, hài hòa giữa đạo Phật với dân tộc, đảm bảo truyền thống tín ngưỡng và tôn trọng phương pháp tu hành của Tăng Ni, đồng bào Phật tử đúng theo lời Phật dạy.

HT. Thích Thanh NhiễuPhó Chủ tịch Thường trực HĐTS

ykien11.jpg
Ảnh: P.Vân

Nhìn một cách tổng thể, Giáo hội đã có sự hoàn thiện về mặt tổ chức so với những ngày đầu thành lập. Đến nay, chúng ta đã hình thành Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh ở 63 tỉnh, thành và cấp Trung ương có đủ 12 ban, 1 viện chuyên ngành hoạt động nhịp nhàng. Các Phật sự về Tăng sự, giáo dục, hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử, từ thiện xã hội đạt những thành tựu to lớn, góp phần vào sự lớn mạnh của Giáo hội.

Tuy nhiên có một vấn đề cần lưu tâm là tiếp tục thúc đẩy các cấp Giáo hội địa phương siết chặt công tác quản lý Tăng Ni, nhận nuôi đệ tử, cho thọ giới, tham gia học tập và bổ nhiệm trụ trì để giữ gìn hình ảnh và uy tín của Giáo hội. Nếu không làm tốt chuyện này, có thể chỉ một vài cá nhân sai phạm cũng làm ảnh hưởng lớn những nỗ lực và cống hiến không mệt mỏi của cộng đồng Tăng Ni, Phật tử cả nước.

HT.Thích Giác ToànPhó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư:

ykien02.JPG
Ảnh: H.Đ

Năm 1980, nhân duyên hội đủ, Hệ phái Phật giáo Khất sĩ (trước đây là Đạo Phật Khất sĩ VN) được cùng chư tôn đức, cư sĩ đại diện 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái tại khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, tham dự Hội nghị lịch sử thảo luận thành lập Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN.

Ban Vận động Thống nhất Phật giáo VN được thành lập vào ngày 12, 13-2-1980 tại TP.Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Ban Vận động tổ chức ra mắt tại 3 thành phố lớn là thủ đô Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Thừa Thiên Huế. Đồng thời, Ban Vận động sắp xếp chương trình đi thăm viếng chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo của 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái thành viên để thực hiện công cuộc vận động.

Rất tình cờ và hữu duyên, tịnh xá Trung Tâm nguyên là trụ sở của Giáo hội Tăng-già Khất sĩ VN được Ban Vận động lên kế hoạch đến thăm đầu tiên vào trung tuần tháng 4-1980. Buổi tiếp xúc diễn ra vô cùng thân thiết, ấm áp đạo tình. Bởi lẽ, Phật giáo VN đã có dòng lịch sử xuyên suốt trên dưới 2.000 năm, còn Hệ phái Phật giáo Khất sĩ là hệ phái Phật giáo biệt truyền, ở thời điểm đó mới có mặt tròn 36 năm (1944 -1980); một hệ phái đàn em, đàn út nay được các bậc tôn trưởng đại từ mẫn cố... quả thật không còn niềm an vui, hạnh phúc nào hơn!

Từ đó, chúng tôi và NS.Huỳnh Liên được tham gia phái đoàn Ban Vận động đi thăm viếng trụ sở và chư tôn đức giáo phẩm của 8 tổ chức Giáo hội, hệ phái còn lại; rồi thăm các tỉnh, thành phố trọng điểm trên cả nước để đến ngày Hội nghị đại biểu Thống nhất thành lập GHPGVN được tổ chức từ ngày 4 đến ngày 7-11-1981 tại chùa Quán Sứ, thủ đô Hà Nội thành công tốt đẹp, làm nền tảng vững chắc về mặt pháp nhân, pháp lý xây dựng và phát triển ngôi nhà GHPGVN lớn mạnh như ngày nay.

Là người tham gia Giáo hội ngay từ ngày vận động thành lập, nhìn lại 35 năm qua, chúng tôi thấy Giáo hội đã có những chuyển biến nhảy vọt về hành chánh, kiện toàn và tăng cường nhân sự Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, các ban ngành, viện Trung ương và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh thành…

Có thể nói, tỉnh nào cũng đã có tổ chức được Đại giới đàn. Riêng Hệ phái Phật giáo Khất sĩ trong những năm gần đây tại TP.HCM cũng đã được tạo thuận duyên mở các phân đàn truyền giới biệt truyền như Hiến chương đã định từ đầu. Giáo hội ngày nay, nhìn chung thực sự vững vàng về mọi mặt.

Yêu cầu lớn của Giáo hội song song với những thành tựu đã đạt được về hành chánh và nhân sự, cần quan tâm nâng cao chất lượng hoạt động, làm sao Tăng Ni thực sự vững vàng trong giáo pháp, có Giới, Định và Tuệ, hay nói cách khác là có chiều sâu tâm linh, đạo đức, trí tuệ giải thoát. Bởi đó chính là những phẩm chất mà Phật giáo có thể cung ứng cho đời, chất liệu để phụng sự nhân sinh một cách hiệu quả. Và đó cũng là niềm hoan hỷ, của số đông quần chúng đối với đạo Phật.

Từ không có một ngôi trường Phật học nào ngoài các trung tâm đào tạo theo truyền thống ở Hà Nội, Huế, Bình Định, Nha Trang, TP.HCM…, đến nay Giáo hội có hệ thống giáo dục Tăng Ni từ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đến học viện ở cả ba miền. Là người may mắn được cộng sự, gần gũi quý bậc tôn túc như HT.Thích Thiện Siêu, HT.Thích Minh Châu, chúng tôi được lắng nghe những hoài bão của quý ngài về công tác đào tạo Tăng Ni.

Hiện nay chúng ta đã có nhiều cơ sở, nên quan tâm hướng tới việc thành lập các trung tâm đào tạo Tăng Ni tu học nội trú theo từng cụm, có thể 2-3 tỉnh thành lập một trung tâm như thế. Điều đó giúp nâng cấp chất lượng đào tạo, nề nếp, phát huy việc dạy và học một cách tốt hơn.

Kinh nghiệm cho thấy rằng chỉ khi nào Tăng Ni được đào tạo nội trú trong các trường Phật học thì kết quả giáo dục mới tốt hơn; Tăng Ni sẽ có chiều sâu về hành trì bên cạnh việc học tập, nghiên cứu. Thân chứng tâm linh là cốt tủy của người tu, do vậy, mỗi Tăng Ni sau khi tốt nghiệp các trường mới có thể trở thành những sứ giả Như Lai thực sự, tạo được niềm tin cho số đông một cách vững vàng, các hoạt động theo đó mới có thể làm lợi lạc cho quần chúng được.

Đó chính là yêu cầu thiết nghĩ không phải bây giờ, mà bất cứ giai đoạn nào, nếu muốn Phật giáo phát triển và có những bước đi vững vàng trong cuộc đời.

HT.Thích Thiện Tâm, Phó Chủ tịch HĐTS, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư:

ykien04.JPG
Ảnh: B.Thiên

Kết quả của công cuộc thống nhất Giáo hội năm 1981 là niềm vui chung của Tăng Ni, Phật tử VN sau 2.000 năm lịch sử đồng hành cùng dân tộc. Chỉ khi nào có sự thống nhất mới tạo nên sức mạnh to lớn để đạt những thành tựu trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp. Và cũng trong suốt ngần ấy thời gian, Phật giáo Nam tông luôn sống trong lòng Giáo hội, hòa mình và thực hiện những nhiệm vụ mà Giáo hội phân công. Qua đó, Giáo hội không chỉ có những đóng góp đối với sự phát triển của đất nước mà còn đối với khu vực, thiết lập ngoại giao với nhiều tổ chức Phật giáo trên thế giới, thực hiện đối ngoại nhân dân, giúp cho bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về đất nước, con người và Phật giáo tại VN.

Được đi dự nhiều hội nghị quốc tế, tiếp xúc với nhiều vị lãnh đạo Phật giáo các nước cũng như lãnh đạo các tôn giáo khác, tôi thấy đa số rất có thiện cảm về Phật giáo VN.

Nhiều đại biểu Phật giáo các nước rất hoan hỷ và đánh giá rất cao sự hòa hợp của các hệ phái Phật giáo từ Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ... trong ngôi nhà chung là GHPGVN. Mỗi lần tham dự hội nghị tôn giáo quốc tế, đoàn VN đều có đại diện đầy đủ các hệ phái. Ở trong nước các hệ phái có sự thống nhất - cùng hoạt động dưới sự quản lý của GHPGVN và lãnh đạo Phật giáo các nước đều nghĩ Phật giáo phải có sự đoàn kết thống nhất như vậy.

HT.Thạch Sok XanePhó Chủ tịch HĐTS GHPGVN:

ykien10.JPG
Ảnh: B.Thiên

Nhờ tinh thần đoàn kết, hòa hợp chúng, Giáo hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên con đường phục vụ Đạo pháp và Dân tộc. Không những thế, các hoạt động Phật sự ngày càng chuyên sâu, đa dạng và thể hiện sự thích ứng với môi trường xã hội, đời sống và nhu cầu tu học của Tăng Ni, Phật tử không chỉ trong mà còn ở ngoài nước.

Đối với Phật giáo Nam tông Khmer, điểm nổi bật nhất cần được chú ý là Giáo hội đã hình thành và đều đăng cai tổ chức hội nghị chuyên đề mỗi 2 năm 1 lần để cùng trao đổi, đánh giá những thành tựu, khó khăn và đề xuất giải pháp giúp hệ phái phát triển đồng bộ trong ngôi nhà chung của Giáo hội. Qua đó, có nhiều tồn tại được giải quyết tạo nên niềm tin yêu và tinh thần hoan hỷ của chư Tăng Ni, Phật tử hệ phái.

HT.Thích Thiện TánhPhó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Kiểm soát T.Ư, Phó Trưởng ban Thường trực BTS GHPGVN TP.HCM:

BTN_0100.JPG
Ảnh: Bảo Toàn

GHPGVN trưởng thành, ổn định và phát triển 35 năm đó là nhờ sự cống hiến công đức sâu dày của chư tôn giáo phẩm tiền bối, sự đoàn kết cao của Tăng Ni 9 tổ chức, hệ phái thành viên. Phật giáo TP.HCM là cái nôi, nơi có nhiều chư tôn đức giáo phẩm lãnh đạo của các tổ chức, hệ phái Phật giáo đã góp công lớn hình thành Ban Vận động Thống nhất Phật giáo, để đi đến thống nhất Phật giáo cả nước, thành lập GHPGVN ngày 7-11-1981.

Với 34 năm phát triển, Phật giáo TP.HCM là một thành phố trung tâm lớn, Tăng Ni tập trung đến tu học đông nhưng nhờ sự dẫn dắt của chư tôn giáo phẩm tiền bối, lãnh đạo Giáo hội đã hướng dẫn Tăng Ni tu học ổn định và phát triển. So với giai đoạn đầu mới thành lập, TP.HCM chỉ có 17 quận, huyện, đời sống tu học của Tăng Ni, Phật tử rất khó khăn, ngày nay các cơ sở tự viện, ban, ngành của BTS GHPGVN Thành phố  và 24 quận, huyện được xây dựng trang nghiêm, hoạt động ổn định. Tăng Ni, Phật tử ở các tự viện sinh hoạt tu học đi vào nề nếp, đoàn kết trong công tác Phật sự, đóng góp tích cực trên các hoạt động xã hội như xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, cứu trợ, giúp đỡ người nghèo…

Tuy nhiên, như đã nói, tại TP.HCM, Tăng Ni trẻ từ các tỉnh, thành đến tu học đông, sự quản lý đôi khi cũng còn chưa chặt chẽ, am thất phát sinh nhiều. Với vai trò của mình, trong thời gian tới Giáo hội thành phố chắc chắn cần cố gắng, nỗ lực hơn trong công tác quản lý Tăng Ni, tự viện để hoạt động Phật sự được tốt đẹp, phát triển bền vững.

HT.Thích Bảo NghiêmPhó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Hoằng pháp T.Ư:

ykien05.JPG
Ảnh: G.Trúc

Trong suốt 35 năm hình thành và phát triển, Giáo hội đã thể hiện sự quan tâm hết mực với các công tác Phật sự chung, tạo nên những bước đi vững chãi. Để có những thành quả như thế, ngành Tăng sự và giáo dục đã luôn được chú trọng để tạo dựng nên hàng ngũ Tăng Ni vừa đủ đức, vừa đủ tài, nghiêm trì giới luật và thể hiện tinh thần nhiếp chúng. Không những thế, Giáo hội cũng đã gởi Tăng Ni được du học tại nhiều nước trên thế giới để nhằm tiếp cận các kiến thức mới, học tập điều hay, điều tốt ở bạn phù hợp với bối cảnh của Phật giáo trong nước.

Có Tăng Ni không chưa đủ, Giáo hội cũng cần lực lượng tín đồ thuần thành nên đã xây dựng các chương trình Phật sự phục vụ sự nghiệp hoằng pháp, văn hóa, từ thiện xã hội, hướng dẫn Phật tử. Nhờ vậy mà 35 năm qua Giáo hội đã đóng góp rất lớn đối với sự phát triển chung của đất nước.

TT.Thích Nhật TừPhó Viện trưởng Học viện PGVN tại TP.HCM, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM:

TT._Thich_Nhat_Tu.jpg
Ảnh: GN

Giáo hội chưa có chủ trương bằng văn bản về việc thu hút Tăng Ni du học về tham gia các công tác Phật sự của Giáo hội, thông qua cơ chế bố trí họ vào những vị trí tương xứng với năng lực được đào tạo. Chính vì vậy, có thể nói, đang có hiện tượng chảy máu chất xám khi có rất nhiều Tăng Ni sau khi du học đã ở lại nước sở tại để tu học, hành đạo hoặc trở về nhưng không có cống hiến cụ thể vào các công việc giúp phát triển Giáo hội.

Ở việc thu hút người trẻ, có năng lực và đạo hạnh phục vụ cho Giáo hội có thể học hỏi cách làm cởi mở của Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế: kể từ năm 2012, trong cơ cấu suy cử vào những vị trí chủ chốt của BTS PG các huyện/thị trong tỉnh đã mạnh dạn lựa chọn những vị Đại đức có tuổi đời từ 25-35.

Về phía Tăng Ni cũng cần phải có kiên nhẫn nhất định, vì khi du học về, có thể chưa có những vị trí để tham gia công tác ngay, nhất là khi nhiệm kỳ mới bắt đầu, các chức vụ đã được suy cử ổn định. Bên cạnh đó, đừng chờ cơ hội dọn sẵn mà phải tự tạo cơ hội cho mình phụng sự, đó có thể là tham gia công tác báo chí, mở lớp giáo lý tại tự viện của mình hoặc nghiên cứu các mảng đề tài mà mình quan tâm... Từ đó, mở rộng phạm vi cống hiến của mình ra, khi đã khẳng định được năng lực bản thân thì chắc chắn sẽ được sử dụng.

Cũng phải nói thêm rằng, hiện nay, trong Giáo hội các vị lãnh đạo mang tính tiêu biểu còn nhiều, đa số kiêm nhiệm các vị trí lẽ ra nên dành cho tu sĩ trẻ có thực học, năng nổ cống hiến làm việc. Điều này nằm trong tình trạng chung - nhân sự tuy thừa nhưng lại thiếu người được làm việc, làm được việc. Nhiều vị dù đã được đào tạo ở các lứa tuổi U40, U50 nhưng vẫn không được bố trí các vị trí công việc do Giáo hội đặt nặng bình ổn, không hướng tới phát triển dựa trên nguồn nhân lực mà Giáo hội không phải tốn chi phí đào tạo (là những Tăng Ni du học). Đại hội sắp tới, tôi nghĩ Giáo hội cần dang rộng vòng tay để đón nhận thế hệ Tăng Ni trẻ đã trưởng thành tham gia phụng sự Đạo pháp và Dân tộc; không để lợi ích nhóm liên quan tới hệ phái, vùng miền, sơn môn pháp phái... chi phối tổ chức, khiến Giáo hội giống như một gia đình hơn là tổ chức chuyên nghiệp, mang tính khách quan, trọng dụng người tài, không để tài năng mai một.

TT.Thích Tịnh Quangtrụ trì chùa Khuông Việt (Paris, Pháp):

(1)TTQ.jpg
Ảnh: K.V

Như chúng ta đã biết, ngay trong Nghị quyết Hội đồng Trị sự GHPGVN tại phiên họp thứ nhất, ngày 8-11-1981, ngay sau khi thành lập tại chùa Quán Sứ - Hà Nội, đã dành Mục 4 trong 8 mục cho nội dung "công nhận Hội Phật tử VN tại Pháp là thành viên của GHPGVN”. Nghị quyết cũng chính thức cử cố HT.Thích Thiện Châu, một vị giáo phẩm uy tín mọi mặt làm đại diện cho Giáo hội trong các mối quan hệ ở nước ngoài.

Với uy tín như thế, HT.Thích Thiện Châu đã quy tụ nhiều giới, sinh hoạt trong Hội Phật tử VN tại Pháp mà Hòa thượng là người sáng lập, cũng như tại chùa Trúc Lâm - Paris và một số cơ sở khác tại Pháp, Đức… hoạt động hiệu quả, góp phần mở rộng ảnh hưởng của GHPGVN trong cộng đồng kiều bào ở hải ngoại. Nương theo đó, tình hình Phật giáo VN tại Pháp cũng có nhiều khởi sắc hơn, xây dựng thêm một số cơ sở mới, trong đó có Phật đường Khuông Việt.

Sau khi HT.Thích Thiện Châu viên tịch (1998), tình hình cũng có những biến đổi. Tuy nhiên, các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng theo truyền thống Phật giáo và dân tộc vẫn được duy trì và phát huy, tạo được sự đồng thuận của cộng đồng người Việt xa xứ tại Pháp hướng về quê hương.

Mong rằng Giáo hội tiếp tục có những quan tâm đối với cộng đồng Phật giáo VN tại Pháp nói riêng và hải ngoại nói chung, để theo đó, tạo nên sự đoàn kết hơn nữa, phát huy tiềm năng, tiềm lực của những người Việt xa xứ luôn hướng về Phật giáo nước nhà và mong muốn được góp phần vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước ngày mỗi trang nghiêm, tốt đẹp hơn.

ĐĐ.Thích Thiện QuýChánh Thư ký BTS GHPGVN TP.HCM:

ykien12.JPG
Ảnh: Bảo Toàn

GHPGVN, 35 năm trưởng thành và đã có được tên tuổi trên bản đồ Phật giáo quốc tế. Sự hình thành, ổn định và phát triển này là do các bậc tôn túc Trưởng lão Hòa thượng đã có mặt trong các thời kỳ Giáo hội trước, đồng thời đi đến việc hình thành, thống nhất toàn vẹn Phật giáo cả nước. Các ngài đã hy sinh, cống hiến công lao to lớn để Phật giáo thống nhất, ổn định và phát triển cho đến ngày hôm nay.

Vai trò của thế hệ Tăng Ni trẻ hôm nay, những người đang trực tiếp được thừa hưởng, được sự tin yêu giao phó của các ngài trong một số mảng công tác Phật sự hiện tại thì sẽ luôn cố gắng, nỗ lực, phấn đấu với khả năng của trí tuệ, đạo đức và kiến thức của mình nhằm mục đích phục vụ cho Giáo hội. Thế hệ Tăng Ni trẻ luôn ghi nhớ công đức sâu dày của các ngài để hoàn thiện, ổn định trên tất cả công tác Phật sự và hành chánh, các lĩnh vực đặc thù có liên kết với Giáo hội.

Trong tương lai với nền tảng được kế thừa của các bậc tiền nhân, thế hệ Tăng Ni trẻ phải phấn đấu nhiều hơn nữa và làm theo ý chỉ của chư tôn đức giáo phẩm đang cố vấn và chỉ đạo. Chắc chắn ý chỉ, sự trải nghiệm rất sâu dày của các bậc tôn túc trong quá trình phục vụ cho Giáo hội sẽ được truyền lại, cố vấn, chỉ dạy cho thế hệ trẻ. Nhờ đó, thế hệ Tăng Ni trẻ sẽ vươn lên đúng đường hướng, ổn định và phù hợp với tinh thần Đạo pháp đồng hành cùng Dân tộc, đó là tinh thần chung của Giáo hội từ trước đến nay.

Đối với tôi và thế hệ trẻ hôm nay, là những người đang đóng góp công sức mình để tiếp bước các bậc tiền bối trưởng thượng. Chúng tôi kỳ vọng trong khả năng của chính mình, luôn cố gắng, phấn đấu để ổn định và phát triển những lĩnh vực Phật sự mà chư tôn túc giao phó. Sự phát triển này làm sao phải phù hợp với bối cảnh xã hội, với lịch sử trong từng giai đoạn thì như vậy nó mới mang tính "tùy duyên bất biến” mà giáo pháp của Đức Phật đã chỉ dạy.

NT.Thích nữ Tịnh NguyệnUVTT HĐTS, Q.Trưởng Phân ban Ni giới T.Ư

ykien14.JPG
Ảnh: Bảo Toàn

GHPGVN được thành lập đã thống nhất các hệ phái Phật giáo thành một mối, ngôi nhà chung. Nhờ đó, đời sống tinh thần, sinh hoạt tu học của Tăng Ni, các ban, ngành của Giáo hội được ổn định và phát triển từ Trung ương cho tới địa phương. Suốt quá trình trưởng thành, GHPGVN đã nêu cao tinh thần đoàn kết, luôn đồng hành cùng dân tộc với truyền thống hộ quốc an dân.

Trong các mối tương quan với xã hội ngày nay, Phật giáo VN đã tiến bộ và phát triển vượt bậc so với trước đây. Riêng chư Ni được xã hội nhìn nhận khác, có được sự tôn trọng, cởi mở hơn trong các mối quan hệ xã hội, tham gia với các đoàn thể xã hội với vai trò là người hướng dẫn tâm linh, tinh thần đối với phụ nữ, trẻ em và trực tiếp đóng góp cho xã hội trên các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, từ thiện xã hội, công tác cộng đồng…

Chư Ni ngày nay, ngoài tu tập ở thiền môn, họ cũng được học hành, đào tạo đầy đủ, đi du học ở nước ngoài và có học hàm, học vị, được Giáo hội các cấp trọng dụng, có vị trí quan trọng trong các ban, ngành cùng với chư Tăng đóng góp công đức cho sự ổn định và phát triển của Phật giáo VN trong xã hội hội nhập.

Lớp chư tôn túc Ni cùng thời với chúng tôi bây giờ, một số vị đã viên tịch, các vị còn lại cũng đã lớn tuổi, với kinh nghiệm của mình, tôi chỉ mong rằng chư Ni ngày nay cần ý thức rõ trách nhiệm hoằng hóa, tự tu, giữ gìn giới đức, gánh vác trách nhiệm với Giáo hội, xã hội để giáo dục con em Phật tử hướng thiện, hướng đến những điều tốt lành mà Đức Phật đã dạy.

NT.Thích nữ Huệ TừUVTT HĐTS, Phó Trưởng ban TTXH T.Ư, Chánh Thư ký Phân ban Ni giới T.Ư:

ykien08.JPG
Ảnh: Bảo Toàn

Tôi được chư tôn đức giáo phẩm Ban Thường trực HĐTS GHPGVN tin tưởng giao đảm nhiệm Trưởng ban Kinh tế nhà chùa và Từ thiện xã hội T.Ư từ nhiệm kỳ II (1987). Trở về từ Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ II, từ TP.Biên Hòa (Đồng Nai), tôi đến hoạt động Phật sự tại TP.HCM, được chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội lúc bấy giờ hỗ trợ, thành lập Xí nghiệp sản xuất Mây Tre Lá xuất khẩu lấy tên là 711 (lấy ngày thành lập GHPGVN 7-11-1981), sản phẩm xuất đi các nước Đông Âu, đồng thời nhận hàng đối lưu trở về. 

Nhờ nền tảng xí nghiệp ở Biên Hòa với 2.000 xã viên, Xí nghiệp 711 hoạt động rất hiệu quả, giải quyết đời sống cho anh em xã viên, Phật tử, đồng thời hỗ trợ công đức phí sinh hoạt của Giáo hội, Trường Cao cấp Phật học VN (tiền thân của Học viện Phật giáo VN) do cố HT.Thích Minh Châu làm Viện trưởng và các hỗ trợ khác khi Tăng Ni, Phật tử, các tự viện còn khó khăn tại TP.HCM cần.

Thời kỳ này, Phật giáo TP.HCM còn nhiều khó khăn, các chùa phải làm kinh tế, tự sản xuất để phục vụ cho sinh hoạt tu học, nhang đèn ở chùa. Dù khó khăn nhưng các chùa, Tăng Ni, Phật tử được sự lãnh đạo chư tôn đức  Thành hội Phật giáo TP sinh hoạt ổn định, đoàn kết, gắn bó trong các hoạt động Phật sự. Sau khi Liên Xô tan rã, sản phẩm mây tre lá không xuất khẩu được nên năm 1992, Xí nghiệp 711 giải tán.

 Hơn 30 năm tham gia hoạt động với Giáo hội, tôi nhận thấy GHPGVN phát triển nhanh trên các lĩnh vực hoạt động Phật sự, đóng góp tích cực trong các hoạt động nhân sinh của đất nước trên tinh thần hộ quốc an dân. Chúng tôi đã trưởng thành trong giai đoạn Giáo hội còn khó khăn, ngày nay Giáo hội đã ổn định và phát triển. Tôi chỉ mong chư Ni trẻ sẽ được Giáo hội tiếp tục đào tạo, hướng dẫn trong môi trường tu tập tốt và nỗ lực tự thân để họ có thể là những người kế thừa, tiếp nối sự nghiệp hoằng hóa, độ sinh, phụng sự xã hội. Bản thân tôi sẵn sàng nhường đường cho lớp Ni trẻ đầy đủ năng lực, giới đức đảm trách các vị trí quan trọng dành cho chư Ni.

- Cư sĩ Trần Khánh Dư, nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa Tôn giáo:

ykien06.jpg
Ảnh: B.Thiên

Cột mốc 35 năm không chỉ đánh dấu sự phát triển của Giáo hội, còn là dịp để Tăng Ni, Phật tử cả nước nhớ về các bậc Trưởng lão đã dày công cho công cuộc thống nhất mà tiêu biểu là chư HT.Thích Trí Thủ, HT.Thích Minh Nguyệt, HT.Thích Thế Long… Chính nhờ sự xông xáo, không nề hà điều gì miễn điều đó là lợi đạo, ích đời của các bậc đi trước, Phật giáo mới có thể thống nhất một cách trọn vẹn, tạo nên mốc son trong lịch sử.

Vấn đề lớn hiện nay vẫn là việc Giáo hội cần thể hiện sự thích ứng để có thể phát huy được hết tiềm lực, huy động sức mạnh tập thể đông đảo Tăng Ni, Phật tử cả nước trong các Phật sự, tiếp nối ước nguyện và sứ mạng hộ quốc, an dân đã được hình thành ngay từ khi hiện diện tại nước ta. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là Giáo hội cần có những động thái truyền tải triết lý nhân sinh để tham gia phục hồi đạo đức xã hội đang trên đà xuống cấp thông qua việc đào tạo những vị sư thực sự tài - đức.

N.Quân, B.Thiên, H.Diệu, A.Lạc, N.Danh thực hiện
(GHPGVN)

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu