GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 06:13:39 19-01-2017 (GMT+7) Lượt xem:2427

Tổ Huệ Đăng gương sáng tiêu biểu Phật giáo yêu nước phụng đạo

Hòa thượng Huệ Đăng với Tổ đình Thiên Thai là tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo gắn với truyền thống yêu nước phụng đạo: “Đất nước có độc lập tự chủ thì Phật pháp mới hóa độ tròn duyên”. 

>>Tiểu sử Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911 – 1997 )
>>HT.Thích Hành Trụ (1904-1984)


Tổ Huệ Đăng, húy thương Thanh hạ Kế,  hiệu Thiện Thức, họ Lê  thế danh  Quang Hòa, sinh năm Quý Dậu (1873) nhằm triều Tự Đức năm thứ 26, tại xã An Đông, huyện Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, trong một gia đình Nho học.

Tổ Huệ Đăng (1873-1953)


Năm Đinh Hợi (1887), sau khi lực lượng nghĩa quân Cần Vương bị Pháp đàn áp, các thủ lĩnh lần lượt hy sinh, Ngài phải lánh nạn vào vùng Bà Rịa, tạm khoác áo thầy đồ che mắt quân địch, để chờ cơ hội và tìm đồng chí.


Ngài đã đi khắp các tỉnh miền Đông xuống tới Gò Công. Đi đến đâu Ngài cũng đều thất vọng vì bấy giờ người Pháp đã đặt xong nền cai trị với bộ máy đàn áp và tay sai khắp nơi. Phong trào Cần Vương không có ảnh hưởng gì ở miền Nam. Chán nản, Ngài lại quay về Bà Rịa, tạm ẩn mình nơi nhà người bạn cũ năm xưa.


Năm 1900, một hôm, đang dạo bước lên đồi Chân Tiên, lòng bâng khuâng vì thời cuộc, bỗng xa vọng lại tiếng chuông chùa trầm buồn giữa núi rừng thâm u thanh vắng, Ngài chợt thức tỉnh giấc mộng trần. Sáng hôm sau Ngài tìm đến chùa Long Hòa Cổ Tự gặp Sư Tổ Hải Hội - Chánh Niệm.


Qua phong thái và tâm tình của Ngài, Tổ trú trì đoán đây là người lương đống cho Phật pháp trong tương lai, nên lấy lời cảnh tỉnh khuyên Ngài xuất gia hành đạo.


Nghe Tổ giáo huấn, Ngài tự nghĩ rằng “Cứu quốc không xong, thôi đành cứu đời vậy”. Từ đó Ngài xin xuất gia học đạo, Tổ Hải Hội - Chánh Niệm truyền quy giới và ban cho Ngài pháp hiệu là Thiện Thức. Ngài tinh tấn tu học, mau chóng am hiểu được các việc trong thiền lâm, được Thầy Tổ mến yêu, huynh đệ kính vì.


Năm 1901, Ngài được Bổn sư gởi đi tham học với Tổ Trí Hải ở chùa Thiên Thai Sơn Thạch Tự ở Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ngài ở đây ba năm tinh tấn tu học, tỏ ra là người trí tuệ uyên bác, thông suốt các kinh, luật, luận. Rồi Ngài quay về chùa Long Hòa. Thấy đạo phong và trí huệ Ngài xứng đáng là người gìn giữ mối đạo tương lai, Tổ Hải Hội truyền trao Cụ Túc giới và ban đạo hiệu là Huệ Đăng.


Năm 1910, Ngài vẫn ở tại Thạch động mà Ngài đặt tên là Động Thiên Thai. Thạch động nhỏ hẹp, không phải là chốn già lam, nên Ngài nghĩ đến việc xây dựng chùa Thiên Thai ở chân núi Dinh để tiếp Tăng độ chúng truyền bá chánh pháp.


Năm 1913 chư sơn trong tỉnh thỉnh Ngài tổ chức giới đàn tại chùa Phước Linh xã Tam Phước, Bà Rịa. Tại Đại giới đàn này, ngài được suy tôn làm Đường đầu Hòa thượng.


Năm 1931, Hòa thượng Khánh Hòa, cây đại thọ của phong trào chấn hưng Phật giáo, vận động chư sơn thành lập hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn ở gần chợ Cầu Muối. Chẳng may trên bước đường hoằng dương chánh pháp, hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học đã gặp trở ngại, nên Phật sự không tiến hành được.


Trước tình trạng đó, các Hòa thượng có tâm huyết ở Nam kỳ tha thiết với mục đích chấn hưng Phật giáo, đã phải quay về chùa nhà, tỉnh nhà thành lập các tổ chức Phật giáo với danh xưng khác nhau để tùy duyên hoằng pháp độ sinh.


Hòa thượng Khánh Hòa thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học năm 1934, Hòa thượng Trí Thiền thành lập Hội Phật Học Kiêm Tế năm 1937. Cùng chiều hướng này năm 1935, Ngài thành lập hội Thiên Thai Thiền Giáo Tông, đặt trụ sở tại chùa Long Hòa ở Bà Rịa - Vũng Tàu, đồng thời Ngài cho xuất bản tờ Bát Nhã Âm để vận động phong trào chấn hưng Phật giáo và hoằng dương chính pháp. Trường gia giáo cũng được khai giảng tại chùa Long Hòa, quy tụ hàng Phật tử xuất gia và tại gia về tu học ngày càng đông. 

Tổ đình Thiên Thai 


Năm 1943, sơn môn trong Nam cử người ra rước Ngài trở lại Tổ đình  Thiên Thai. Bấy giờ sức khỏe của Ngài đã giảm sút nhiều. Ngài luôn khuyên bảo đồ chúng lo tinh tấn tu hành, cố gắng giữ gìn chánh pháp, một lòng một dạ với sự nghiệp lợi sanh . Ngài sắp xếp ngôi thứ trong Tổ đình Thiên Thai và nhiệm vụ truyền pháp độ sanh trong môn đệ. Đây là thời gian Ngài sáng tác bài sám Thảo lư…


Qua năm sau (1944) Ngài lại trở về chùa Thiên Tôn - Bình Định và đến ngày 11 tháng 7 năm Quý Tỵ (1953) Ngài ngồi kiết già, hướng mặt về Tây, niệm Phật và viên tịch. Ngài trụ thế 81 năm, 50 năm hạ lạp. Bảo tháp Ngài được xây dựng trên sườn núi Ông Đốc cạnh chùa.
Công hạnh và đạo nghiệp rực rỡ của Ngài còn thể hiện qua việc trước tác nhiều thơ văn Nôm. Các kinh điển được Ngài diễn Nôm thường tụng còn lưu truyền rộng rãi cho đến ngày nay:


- Kinh Vu Lan nghĩa. - Kinh Di Đà nghĩa. - Bát Nhã Tâm Kinh nghĩa. - Tịnh Độ Chánh Tông. - Bài sám Thảo lư. 

Tháp Tổ Huệ Đăng 


Hòa thượng Huệ Đăng với Tổ đình Thiên Thai là tiêu biểu cho tinh thần Phật giáo gắn với truyền thống yêu nước phụng đạo: Đất nước có độc lập tự chủ thì Phật pháp mới hóa độ tròn duyên… 
 

SÁM THẢO LƯ (TỔ HUỆ ĐĂNG)


Chốn thảo lư an cư dưỡng tánh,
Dốc một lòng nhập thánh siêu phàm,
Sắc tài danh lợi chẳng ham,
Thị phi phủi sạch, luận đàm mặc ai.
Tuyết ban mai lâu dài chi đó,
Thân người đời nào có bao lâu,
Nhộn nhàn trong cuộc bể dâu,
Xuân xanh mới đó bạc đầu rồi đây.
Ba vạn sáu ngàn ngày công khó,
Chia phần đem cho đó một hòm,
Của tiền để lại chi tôn,
Bao nhiêu tội lỗi phần hồn lãnh riêng.
Chốn cửu tuyền khác miền dương thế,
Qủi ngưu đầu chẳng nể chẳng kiêng,
Tội hành nghiệp cảm liền liền,
Muôn phần thảm độc ghê phen đoạn trường.
Rất thảm thương là đường sanh tử,
Dám khuyên người ngó thử lại coi,
Thân như pháo đã châm ngòi,
Nổ vang một tiếng rồi coi thế nào,
Tiết công lao biết bao xiết kể,
Sự đáo đầu cũng thế mà thôi,
Minh minh biển khổ luân hồi cực thân.
Lửa hồng trần rần rần cháy dậy,
Người say mê thấy vậy phải kêu,
Tỉnh tâm xét lại mấy điều,
Kiếp tu đạo đức sau siêu linh hồn.
Sự dại khôn chẳng cần không dại,
Trước lỗi lầm sau phải an năn,
Biển sâu nước khỏa cũng bằng
Mây tan gió tịnh, bóng trăng sáng lòa.
Cõi ta bà có tòa cực lạc,
Giòng sông mê, biển giác chẳng xa,
Y theo giáo pháp Thích Ca,
Tự nhiên bổn tánh Di Đà phóng quang.
Đã gặp đàng chưa toan dời bước,
Còn tiết chi chơn bước lờ đờ,
Khuyên người đem dạ tưởng mơ,
Trăm năm cuộc thế như cờ bị vây.
Rút gươm huệ dứt dây tham ái,
Kiếp tìm thầy cầu phái qui y.
Kiên trì ngũ giới tam qui,
Mở lòng từ nhẫn sân si phải chừa.

 

(Tổ Huệ Đăng – Tổ đình Thiên Thai- Bà Rịa Vũng Tàu)

Trí Bửu
(phatgiao.org.vn)

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu