GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 10:14:53 20-11-2016 (GMT+7) Lượt xem:3911

Người thầy tài giỏi, nghĩa khí bậc nhất lịch sử Việt Nam khiến quỷ thần cũng muốn bái sư học đạo

Tôn sư trọng đạo vẫn là truyền thống lâu đời của người Việt Nam. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, người xưa rất coi trọng người thầy giáo như thế. Những người thầy trong lịch sử vẫn còn lưu tiếng thơm truyền mãi muôn đời. Hôm nay, chúng tôi xin chia sẻ với quý độc giả về người thầy đức độ tài năng – Chu Văn An.

Chu Văn An (1292 – 1370), sinh ra và lớn lên tại vùng đất Hà Thành, có cha là Chu Văn Thiên, mẹ là Lê Thị Chuân. Ông là người chính trực, đã từng đỗ Thái học sinh (tiến sỹ) nhưng từ chối ra làm quan mà mở trường dạy học ở làng Huỳnh Cung, bên bờ sông Tô Lịch. Làm thầy, ông lấy hiệu là Tiều Ẩn, tự là Linh Triệt. Ông có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng đạo đức Khổng giáo ở Việt Nam, để lại nhiều giá trị sâu sắc.

Người thầy luôn được người Việt tôn kính

          Sinh thời, thầy Chu Văn An luôn quan niệm “muốn dạy bảo trò tốt, thầy phải nghiêm, là tấm gương sáng”. Những học trò cũ của ông, dù đã làm đại quan nức tiếng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, lúc về thăm thầy vẫn khép nép giữ gìn. Họ có điều gì chưa đúng phép, ông vẫn nghiêm khắc dạy bảo.

         Chuyện kể lại rằng, thậm chí quỷ thần cũng biết đến tiếng tăm thầy Chu Văn An rồi tìm đến xin học. Tương truyền, khi Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà, có rất nhiều học trò tìm đến theo học. Trong số này, có một người sáng nào cũng đến thật sớm nghe giảng. Thầy dạy khen là chăm chỉ nhưng không rõ tông tích ở đâu.

         Năm ấy gặp lúc đại hạn kéo dài, giảng bài xong, ông tụ tập các trò lại hỏi xem ai có tài thì làm mưa giúp dân, giúp thầy. Người học trò kỳ lạ trước có vẻ ngần ngại, sau đứng ra xin nhận và nói: “Con vâng lời thầy là trái lệnh thiên đình, nhưng con cứ làm để giúp dân, mai kia nếu có chuyện gì không hay, mong thầy chu toàn cho”. Ông bèn cho người dò xem thì cứ đến khu đầm Đại (khu đầm lớn hình vành khuyên, nằm giữa các làng Đại Từ, Tứ Kỳ, Huỳnh Cung) thì biến mất. Lúc bấy giờ ông biết là thần nước hiện thế giúp dân.

         Sau đó, người này ra giữa sân lấy nghiên mài mực, ngửa mặt lên trời khấn và lấy bút thấm mực vẩy ra khắp nơi. Vẩy gần hết mực, học trò tung cả nghiên lẫn bút lên trời. Lập tức, mây đen kéo đến, trời đổ mưa một trận rất lớn.

         Đêm hôm đó có tiếng sét và đến sáng thấy có xác thuồng luồng nổi lên ở đầm. Chu Văn An được tin khóc thương luyến tiếc cho người học trò vì giúp dân mà phạm Thiên sai, rồi ông sai học trò làm lễ an táng. Nhân dân các làng lân cận cũng đến giúp sức và sau nhớ công ơn bèn lập đền thờ (nay vẫn còn dấu vết mộ thần).

       Theo truyền thuyết, chỗ nghiên mực bị ném rơi xuống đã biến thành đầm nước lúc nào cũng đen, nên được gọi là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai – quê hương của Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm.


Hình tượng Chu Văn An trên sân khấu với chiếc roi “Tiên đả hôn quân, hậu đả loạn thần”.

         Đó là truyền thuyết người thầy Chu Văn An  được học trò cầu mưa chống hạn giúp dân được ca tụng và lưu truyền cho đến ngày nay. Câu chuyện mang tính chất huyền bí được truyền qua nhiều thế hệ người Việt Nam đã cho người dân thấy tài năng đức độ của một người thầy mà khiến ngay cả quỷ thần cũng phải bái Sư theo học Đạo.

         Không chỉ là người thầy giáo chuẩn mực, Chu Văn An còn nối tiếng với tính cương trực của bậc chí sỹ yêu nước.

         Nhận thấy tài năng và đức độ của thầy An, vua Trần Minh Tông(1314 – 1329) mời thầy ra làm Tư nghiệp trường Quốc Tử Giám, dạy học cho Thái tử. Đến đời Dụ Tông, thời kỳ suy sụp nhà Trần, tình hình thế sự thay đổi, bọn gian thần tham nhũng, đục khoét dân nghèo ngày một nhiều.

         Thời vua Trần Dụ Tông là thời kỳ bắt đầu suy sụp của nhà Trần. Chu Văn An dâng Sớ xin vua Trần Dụ Tông chém 7 tên gian thần, để mong cứu vãn nhà Trần. Lũ gian thần này mượn danh Hoàng thượng để làm các việc, mà nhìn bề ngoài thiên hạ cứ ngỡ là chúng làm vì Hoàng thượng. Nhưng kỳ thực, các khoản chi tiêu cho Hoàng thượng chỉ một phần, còn vào túi chúng tới chín phần.

        Chu Văn An sau khi vạch tội đã viết: “Để giữ nghiêm phép nước, nối dòng đại thống từ Thái tông cao hoàng đế tới nay, xin bệ hạ cho chém đầu bảy tên gian thần trên, và tịch thu sản nghiệp của chúng, sung quốc khố, để làm gương răn đe kẻ khác”. Đáng tiếc là thời bấy giờ vua Dụ Tông hoảng sợ, không đủ quyền uy ra tay hành sự, chỉ xem qua mà không nghe theo. Thế nên Thất trảm sớ cũng chỉ là bản cáo trạng mang đầy tâm tư của bậc nghĩa sỹ.

download (3)

Chu Văn An dâng “Thất trảm sớ” xin chém 7 tên gian nịnh

         Thất vọng, Chu Văn An treo mũ ở cửa Huyền Vũ rồi từ quan về ở ẩn tại núi Phượng Hoàng, thuộc làng Kiệt Đắc, huyện Chí Linh, lấy hiệu là Tiều Ẩn (người đi ẩn hái củi), dạy học và viết sách. Sau khi khi lên ngôi, Vua Trần Dụ Tông có chỉ triệu Chu Văn An hồi triều nhưng ông từ chối.

         Khi Trần Nghệ Tông lên ngôi, Chu Văn An ra kinh đô bệ kiến vua mới, nhưng không nhận chức tước gì, trở về núi cũ. Đông đảo học trò theo tiễn có hỏi: “Từ nhà vua đến đông đảo các sĩ phu và quan chức đều là học trò của thầy, sao thầy không ở lại để đảm đương một trọng trách? Thầy coi thường những chức tước của triều đình lắm sao?”.

Chu Văn An nói: “Cái quan trọng của con người không ở chỗ chức tước mà ở phẩm giá. Giữ một chức phận nhỏ mà có ích cho đời thì đáng quý biết bao nhiêu. Còn giữ chức tước lớn mà không làm gì có lợi cho dân, cho nước thì chức tước ấy có nghĩa gì”.

Lời daỵ triết lý của thầy Chu Văn An

         “Thất trảm sớ” là một tờ sớ mang dấu ấn lịch sử rất quan trọng, người xưa chỉ nghe tiếng “Thất trảm sớ” thôi là đã ca ngợi rồi. Nhà sử học Lê Tung (thế kỷ 15) viết, “Thất trảm chi sớ nghĩa động quỷ thần”. Danh sĩ Nguyễn Văn Lý (thế kỷ 20) có thơ “Thất trảm vô vi tồn quốc luận – Cô vân tuy viễn tự thân tâm”, nghĩa là: Sớ Thất trảm không được thi hành, cả nước bàn luận – Đám mây lẻ loi tuy xa vẫn tự có tinh thần trong lòng.

         Dù chỉ là huyền sử nhưng với những tên gian thần cụ thể cùng những hành vi vô ngược được nêu rõ ràng khúc triết, bản cáo trạng là một “giải mả thú vị”, thoả mãn lòng dân. Vì thế, tuy chính sử không nêu nhưng trong dân gian vẫn truyền tụng nhiều. Dân ta đã một lòng ca ngợi và xem thầy Chu như sao Đẩu, sao Khuê, Cao Bá Quát cũng từng viết:

Thất trảm yêu ma phải rợn lòng

Trời đất soi chung vầng hào khí

Nước non còn mãi nếp cao phong

        Thầy Chu Văn An mãi mãi là tấm gương sáng về bậc làm thầy không coi trọng lợi danh, là người thầy mẫu mực cho các thế hệ nhà giáo Việt Nam. Thầy mang trong mình chữ Đức lớn như biển rộng trời cao, một lòng vì nước, vì dân, không tư tâm tư lợi. Ông là bậc hiền nho tài tử hiếm có trong văn hóa phong kiến Việt Nam được thờ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

images (6)

         Hiện nay còn lăng mộ và đền thờ của ông nằm trên núi Phượng Hoàng, thuộc xã Văn An; cách khu di tích Côn Sơn khoảng 4 km. Đây là một điểm di tích văn hoá và danh thắng, với cảnh rừng thông nước biếc núi trùng điệp, là chốn an thân tự tại bậc nghĩa hiền.

Nguyệt Hà (TH)

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu