GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 21:17:02 15-10-2016 (GMT+7) Lượt xem:3382

TAM PHƯỚC: CHÙA THIÊN THAI & CHÙA THIÊN BẢO THÁP

Chùa Thiên Thai và chùa Thiên Bửu Tháp ở xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Là Tổ đình của chi phái "Thiên Thai Thiền Giáo Tông" ở Việt Nam do công khai sáng của Tổ Thiên Thai, tức Hoà thuợng Huệ Đăng.

Hoà thượng Huệ Đăng húy Thanh Kế thuộc phái thiền Lâm Tế, thế hệ 41, truyền thừa theo bài kệ của Tổ Sư Liễu Quán (Thiệt Tế Đại Đạo Tánh Hải Thanh Trừng...)

Hoà Thượng tên thật là Lê Quang Hòa, sinh năm Quí Dậu (1877) ở làng An Dõng, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định, thuộc gia đình Nho giáo thông minh, học giỏi từ lúc 5 tuổi, học trường huyện, rồi lên học trường tỉnh..

Năm 1885, vua Hàm Nghi truyền hịch cần Vương nhiều nhà ai quốc nổi lên chống Pháp như Phan Đình Phùng (1847-1895), Mai Xuân Thưởng (1860-1887) Lê Quang Hòa còn nhỏ, mới mười mấy tuổi đã tham gia phong trào chống Pháp của Mai Xuân thưởng ở quê nhà. Năm 1887, Mai Xuân thưởng bị giết, Quang Hòa tiếp tục tham gia nhóm nghĩa quân của Phan Đình Phùng .

Sau khi Phan Đình Phùng chết (năm 1895) tông tích phải bỏ quê hương chạy trốn. Quang Hòa phải chạy vào Nam, sống bằng nghề dạy chữ Nho ở tỉnh Bà Rịa một thời gian, sau xuống Gò Công, rồi trở về ở Bà Rịa.

Sau nhiều năm lưu lạc gian khổ, Lê Quang Hòa thầy rằng công cuộc tham gia cứu nước bằng lực đã thất bại, chỉ còn cách tu hành để cứu đời và xa lánh được cuộc sống vô thường và đầy phiền não của kiếp người. Năm 1893, đời Lê Quang Hòa xuất gia thọ giáo với Hòa thưọng Đồng Đế (tức Thiền sư Hải Hội - Chánh Niệm) ở chùa Long Hòa (tỉnh Bà Rịa.), được ban pháp danh là Thiện Thức.

Sa di Thiện Thức vốn là nhà Nho có bản chất thông minh, lại chí tâm tu học nên tiến bộ rất nhanh Thiện Thức được Hòa Thượng Trí Hải ở chùa Thên Thai- Sơ Thạch. Sau ba năm tu học, năm 1903 Sa di Thiện Thức trở về chùa Long Hòa, được Hòa thưọng Đồng Đế cho thọ giới cụ túc với pháp danh Thanh Kế hiệu Huệ Đăng. Tỳ Kheo Huệ Đăng. được cử trụ trì chùa Kiên Linh, sau đó chùa Phước Linh (tỉnh Bà Rịa.).

Sau đó Hòa thưọng Đồng Đế viên tịch (năm 1905), Tỳ Kheo Huệ Đăng. tìm hang nơi rừng núi để ẩn tu. Sư lên hang Mai trên núi Dinh (tỉnh Bà Rịa.) tu hành một thời gian, bị nhà cầm quyền Pháp nghi ngờ gian đạo sĩ (tu luyện bùa chú() và âm mưu chóng Pháp, nên sư phải xuống núi. Tiếp theo đó, Sư vào núi Cố ở xã Hắc Lăng (nay là xã Tam Phước, tỉnh Bà Rịa.) tìm được hang đá để tu hành. Nhưng hang đá này đang có con cọp đen đang ở, Sư khấn nguyện cọp dời đi để nhường chỗ cho có nơi tu hành. Sư chất củi đốt hang và dọn dẹp cho sạch sẽ, đặt tên là " Thạch Động" ở cửa hang, Sư viết hai câu đối chữ Hán : 

Tá Thạch vi tường, thục thức lão Tăng cùng đáo đề.

dĩ phong tác phiến, thuỳ tri đại đạo lạc vô cương.

(Mượn đá làm tường, ai hiều lão Tăng nghèo đáo để.

Lấy gió làm quạt, ai biết đại đạo vui vô cùng). 

Sau hai năm chuyên trì tụng kinh Pháp Hoa, lễ lạy sám hối, trì chú và tu thiền nghêm mật, đạo phong càng thâm sâu, nhiều Phật tử đến tham học đều phải kính phục và thọ giáo quy y. Số Phật tử đến ngày càng đông, Sư thấy đã đủ duyên để hóa độ nên bắt đầu xây dựng chùa Thiên Thai, cách hang hơn một trăm thước. Chùa Thiên Thai dựa lưng vào núi Cố, sân chùa cao hơn đất bằng khoảng 5m, kiến trúc khác lạ hơn các chùa cổ khác ở Nam bộ.

Chánh điện là tòa nhà vuông, cạnh khoảng 51m, có hai tầng mái, xây bằng đá xanh lấy ở núi, đục đẽo ngay ngắn. Giữa chánh điện là điện thờ một cột đá vuông ở giữa, xung quanh có bốn cột đá khác tạo thành chữ "NGŨ" toạ thành điện thờ, có bốn bàn thờ bằng đá xanh vẽ bốn hướng: Phía trước thờ Phật Thích Ca, phía sau thờ Tổ Sư Bồ Đề Đạt Ma và chư Tổ hai bên thờ Phật mẫu Chuẩn Đề và Bồ tát Quan Âm. Phía sau chánh điện là dãy nhà giảng, nhà khách, nhà trai và thất của chư Tăng.

 

Hòa Thượng Huệ Đăng là nhà Nho uyên thâm nên giỏi văn chương chữ Nho và chữ Nôm. Các bài thơ thường dùng lối "chơ chữ" hay nói lái "rất độc đáo", ngoài ra, Hòa Thương thuyết pháp lưu loát và linh động nên danh tiếng đồn khắp Nam bộ và các tỉnh miền Nam Trung bộ, thiện nam tín nữ đến thọ giáo và tham học rất đông. chùa Thiên Thai để đàm đạo với Hòa Thương , trong đó có cả Cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ Hiển- Chí Thiên, ông Đạo Trần...

 

Sau khi hoàn thành chùa Thiên Thai, năm 1929, Hòa Thương Huệ Đăng trùng tu chùa Long Hòa và xây lại tháp Tổ hội. 

Ngày 27 tháng 3 năm Quí Dậu (1933), nhân lễ giỗ ở chùa Thiên Thai, các đệ tử thấy Hòa Thượng đã hơn 60 tuổi, nên xin xây tháp trước, Hòa Thương không chịu, nhưng đệ tử cố nài nỉ, cuối cùng Hòa Thương phải chấp thuận, giao cho ông Đỗ Phước Tâm lo liệu hết mọi việc, từ việc thu xuất tiền bạc, thiết kế , trông coi xây cất tháp hoàn thành được đặt tên là "Thiên Bửu Tháp".

Tháp Thiên Bửu kiến trúc theo ý nghĩa "Cửu phẩm Liên Hoa" (9 phẩm liên hoa sen) trong kinh A Di Đà; tháp là một tổng thể kiến trúc hình vuông, có cách khoảng 28m, có chín tháp : Toà nhà ở giửa cao hai từng có năm tháp vuông hình chữ "Ngũ" Tháp ở giữa cao khoảng 15m, bốn tháp xung quanh cao khoảng 12m, Bao quanh năm tháp đó là bốn thất vuông và hàng rào gạch bao quanh, thất là ngôi nhà vuông cạnh 7m, cao 9m - 10m, Chín đỉnh tháp có chín hoa sen búp.

Năm 1935, hưởng ứng phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, Hoà thượng Huệ Đăng cho thành lập "Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội", thường được gọi tắt là "Thiên Thai Thiền Giáo Tông" trụ sở đặt tại chùa Thiên Thai . Hội này xuất bản tạp chí "Bát nhã Âm" để hoằng truyền Phật pháp, tòa soạn đặc tại Tháp Thiên Bửu. Hoà thượng cũng mở trường gia giáo chùa Long Hòa để đào tạo tăng tài. Hội pháp triển mạnh, Tăng Ni và thiện nam đến tham học cầu pháp và quy y thọ giới ngày càng đông. Hội cũng mở đại giới đàn ở chùa Long Hòa và các chùa khác trong hội để độ Tăng Ni. 

Năm 1935 - 1937 đệ tử của Hòa Thượng Huệ Đăng là Tỳ Kheo Minh Tịnh đi qua Ấn Độ và Tây Tạng viếng lễ các Thánh tích của đức Phật Thích Ca và tham học Phật Pháp. Sau khi trở về, ngày 02 - 7 - 1937, Tỳ Kheo Minh Tịnh dâng lên Hòa thượng ngọc Xá lợi của Phật Thích Ca, Hòa thượng cho thỉnh về thờ ở Tháp Thiên Bửu. và cho đổi tên lại là "Thiên Bửu Tự Tháp" (chùa Tháp Thiên Bửu). Năm 1941 Hòa Thượng về Bình Định và tịch ở chùa Thiên Tôn vào ngày 11 - 7 Quí Tị (1953). 

Trong thời gian chiến tranh chống Pháp ( 1945- 1954) chùa Thiên Thai và Thiên Bửu Tự Tháp bị huỷ hoại. Sau Hiệp Định Genève (1954), Hòa Thượng Minh Tâm Và Minh Nguyệt cùng môn đồ trong Tông môn trùng tu lại chùa Thiên Thai, hoàn thành váo năm 1959. Trong dịp lễ này, đại giới đàn cũng được mở ở Tổ đình Thiên Thai. 

Từ năm 1960, chiến tranh chống Mỹ ở miền Nam lan rộng; năm 1965, khu Dinh Cố và Tổ đình Thiên Thai bị bất an, Yết Ma Pháp Bửu và Hòa thượng Vĩnh Vô cùng Đại Đức Thiện Tài lo chuyên chở được tượng Phật và khi quan trọng về chùa Long Hòa. Sau đó, chùa Thiên Thai và Tháp Thiên Bửu bị bom đạn tàn phá. 

Sau khi Hiệp Định Paris được ký kết (năm 1972) an ninh vãn hồi, ban bảo tự Tổ đình Thiên Thai cử Hòa thượng Pháp Dõng và Pháp Bửu, cùng cư sĩ Thiện Quới lo việc trùng tu Tổ đình Thiên Thai.

Hòa Thượng Minh Nguyệt là Trưởng tử của Tổ Thiên Thai sau mười mấy năm bị giam ở Côn Đảo trở về Lộc Ninh, năm 1975 Hòa thượng về chùa Thiên Thai, Hòa thượng Pháp Bửu bàn giao tài sản, sổ sách, ruộng đất, cả y áo của tổ Thiên Thai và ngọc Xá lợi Phật. HT MInh NGuyệt tổ chức lễ rước Xá lợi Phật từ chùa Long Hòa về Tổ đình Thiên Thai (Năm 1976).

 Từ tháng 10 năm 1976, HT Minh Nguyệt và Hòa thượng Thiện Hào cử Thượng tọa Hiệp Khánh về giữ chức quản tự ở Tổ đình Thiện Thai, Thượng toạ Hiệp Khánh cùng Ban Bảo tự Tổ đình Thiên Thai tiếp tục xây dựng thêm chùa Thiên Thai: Hòan thành chánh điện, nhà giảng, cổng chùa tam quan và cổng phụ bằng đá xanh, tu sửa tháp vọng của Tổ Thiên Thai và các tháp ở chùa (Hòa thượng Pháp Trí. Pháp Võ, Minh Thành...)

 Năm 1985,Hòa thượng Thích Minh Nguyệt, Phó Pháp Chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, kim quan được đưa về nhập tháp ở Tổ đình Thiên Thai.

 Ngày 21 tháng 10 năm 1990, Hòa thượng Thiện Hào cùng Thượng toạ Hiệp Khánh và môn đồ trong sơn môn bắt đầu xây dựng lại chùa Thiên Bửu Tháp (Cách chùa Thiên Thai khoảng 100m). Chánh điện xây theo mẫu kiến trúc cũ. Giảng đường Huệ Đăng được hoàn thành ngày 18 - 3 -1992. Từ đó chùa Thiên Bửu Tháp được dùng làm trường An cư Kiết hạ của Tăng Ni huyện Long Điền hàng năm. Từ đó đến năm 1997 Hòa thượng Thiện Hào tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở khác ở chùa Thiên Bửu Tháp.

 Năm 1997 Hòa thượng Thích Thiện Hào Phó Pháp chủ Thưởng trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam viên tịch ở chùa Xá Lợi (TPHCM), kim quan được đưa về nhập tháp ở Tổ đình Thiên Thai.

 Tổ đình Thiên Thai và chùa Thiên Bửu Tháp, hiện nay do Ban Điều hành quản lý . Trưởng Ban Điều hành là Thượng toạ Thích Tịnh Trí, huý Tâm Lý tự Chơn Minh, tên thế Trần Thái Châu sanh năm 1951 tại xã Phước Hải tỉnh BRVT. Thượng tọa Tịnh Trí hiện là Trưởng Ban Đại Diện PG huyện Long Đất, Ủy viên Mặt Trận huyện Long Đất và Ủy viên Ban Trị sự Tỉnh Hội PG BRVT./.

Trích Lich Sử Phật Giáo tỉnh BRVT do GS Nguyễn Hiền Đức soạn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu