Đào Khản tự là Sĩ Hành, người Giang Tây, là danh thần thời Đông Tấn. Ông từng lập chiến công lớn và được phong làm quan thứ sử địa phận Kinh Châu.
Thời ấy, có người đố kỵ với ông nên đã bày mưu hãm hại khiến ông bị giáng chức và bị điều đến vùng đất Nghiễm Châu xa xôi hẻo lánh.
Lúc Đào Khản ở Nghiễm Châu, không có bất kỳ việc gì cho ông làm hết. Cuộc sống của ông khi ấy, mỗi ngày đều vô cùng nhàn nhã. Nhưng Đào Khản vốn là một người có học vấn uyên thâm và đạo đức cao quý nên ông hiểu rõ sự nguy hại của việc nhàn nhã.
Có nhiều người cho rằng, cuộc sống thanh nhàn như vậy thật là điều may mắn, nhưng Đào Khản không cam chịu, càng không phóng túng bản thân, ham muốn hưởng thụ an nhàn. Mỗi ngày, từ sáng sớm, ông đều chuyển hàng trăm viên gạch từ trong thư phòng ra bên ngoài, đến buổi tối, ông lại chuyển hết số gạch ấy vào trong phòng.
Mọi người thấy rất kỳ quái, liền hỏi nguyên nhân vì sao khiến ông lại làm việc ấy.
Đào Khản trả lời: “Ta tận sức thu phục Trung Nguyên. Nếu an nhàn quá sẽ khiến ý chí và tinh thần sa sút, chỉ e tương lai không thể làm thành được việc lớn.”
Sau khi Đào Khản trở lại Kinh Châu, đất Kinh Châu liên hoan ăn mừng chào đón ông. Ở Kinh Châu, mặc dù công việc của ông vô cùng bận rộn nhưng ông vẫn kiên trì di chuyển những viên gạch từ trong ra đến ngoài phòng và từ ngoài vào trong phòng. Ông lấy việc này để tôi luyện ý chí của mình, vì thế mà người đời sau gọi ông là “Vận Bích Ông” (Ông lão chuyển gạch).
|
Ảnh minh họa. |
Đào Khản thường xuyên khuyên răn người khác rằng: “Đại Vũ là bậc thánh nhân. Ông ấy còn quý trọng mỗi giây phút thời gian. Chúng ta là người thường, càng nên phải quý trong mỗi giây phút thời gian, sao có thể phóng túng bản thân, sa vào chơi bời, sống mơ mơ màng màng được?”
Vì chịu khó chịu khổ, không màng an nhàn, ý chí vững bền nên về sau Đào Khản lại được tăng chức lên làm Chinh tây đại tướng quân, kiêm cả chức quan Thứ sử Kinh Châu, Đô đốc quân sự của tám châu, thanh danh của ông vô cùng hiển hách.
Trên đời này, không có ai tự dưng làm nên việc lớn mà không phải trải qua khó khăn, thử thách.
Thật ra, nhàn hạ không cần làm việc chưa hẳn đã là phúc. Đôi khi, không có việc để làm lại là một loại đau khổ, dày vò như bị đày xuống địa ngục.
Cổ nhân coi việc ham muốn hưởng lạc an nhàn còn độc hại hơn cả rượu độc, bởi vì nó từng giờ từng phút gặm nhấm mất ý chí của con người. Người xưa cũng dạy rằng: “Sống bởi gian khổ, chết bởi an nhàn”, cũng chính là muốn nói đến đạo lý này.
ST