GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 15:35:15 16-01-2017 (GMT+7) Lượt xem:6889

Kiến trúc chùa Khmer - Biểu tượng nghệ thuật và tâm linh

Bên cạnh các công trình kiến trúc Phật giáo Bắc tông mang đậm chất cổ kính và trầm mặc, thì những ngôi chùa Nam tông Khmer lại khoác lên mình một vẻ nguy nga, diễm lệ rất riêng, với những “cái đẹp” tô điểm thêm vào nét trang nghiêm, thanh tịnh, như chính tinh thần Phật giáo chứa đựng ở mỗi mỗi bên trong…

 


 
Trải dài theo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Sóc Trăng, Trà Vinh, cho đến Tiền Giang, Bến Tre, nơi tập trung cộng đồng người Khmer sinh sống đông nhất, sẽ không khó để bắt gặp được sự lộng lẫy của những ngôi chùa Phật giáo Nam tông, nổi bật giữa các hàng cây cổ thụ và nhiều ngôi nhà nhỏ bao bọc chung quanh. 

Trò chuyện cùng HT.Danh Lung - Ủy viên Thường trực HĐTS, Phó ban Văn hóa T.Ư, một người con của nền văn hóa Khmer, Hòa thượng chia sẻ: “Người Khmer bao đời nay, nơi nào có phum sóc, nơi đó sẽ có chùa được xây cất, như sự tự hào duy nhất của dân tộc Khmer với cái tâm hướng về chư Phật. Vì thế mà chùa mới uy nghi và rực rỡ hơn bất cứ công trình kiến trúc nào trong khu vực”.

Điểm sáng từ kiến trúc tổng thể

Kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ chịu sự tác động, chi phối từ ba luồng tôn giáo: Tôn giáo dân gian, Bà-la-môn giáo và Phật giáo. Đây cũng là một trong những lý do, khi nhìn vào tổng thể kiến trúc chùa với cổng, tường rào, chính điện, tháp đựng cốt, Tăng xá, nhà hội, an xá… kết hợp cùng những đường nét trang trí và gam màu nổi bật (phần lớn là màu vàng hay cam), ngôi chùa như trở thành tâm điểm của một vùng sông nước.

Tiêu biểu cho sự kết hợp hài hòa giữa ba luồng văn hóa khác nhau này, đồng thời là điểm đầu tiên thu hút sự quan tâm của mọi người là cổng chùa. Như hầu hết kết cấu chung của cổng một ngôi chùa Phật giáo, cổng chùa Khmer Nam Bộ cũng được dựng theo lối tam quan. Tuy nhiên, điểm đặc trưng nằm ở chỗ, trên mỗi cổng sẽ có 1, 3 hay 5 ngọn tháp được xây dựng ở phía trên, tùy vào điều kiện và nhận thức thẩm mỹ của từng chùa và từng địa phương.

Mỗi ngọn tháp đều mang cho mình những ý nghĩa riêng, theo quan niệm của người Khmer: Đối với cổng chỉ có một ngôi tháp đặt phía trên, thường có hình búp sen hay hình chuông, được cách điệu từ hình ảnh bát úp, trên bát úp là cột trụ cao thẳng lên trời có gắn ba hoặc năm đĩa tròn tượng trưng cho Tam bảo hoặc năm vị Phật sẽ thành đạo trong kiếp trái đất này và trên cùng là cõi Niết-bàn.

Đối với cổng có ba ngôi tháp, tượng trưng cho ba ngôi Tam bảo, trọng tâm là tháp giữa (Phật). Đối với cổng năm ngôi tháp, đó lại là biểu tượng cho núi Meru (tức núi Tu-di), nơi năm vị Phật ở vị lai sẽ thành đạo theo quan niệm Phật giáo và cũng là nơi năm vị thần thường an ngự theo học thuyết Bà-la-môn giáo.

Bước vào cổng chùa, sự ngỡ ngàng trước một tổng thể kiến trúc sân chùa là điều dễ bắt gặp tiếp theo. Như một khuôn viên triển lãm, nơi đây tái hiện những khung cảnh kỷ niệm về cuộc đời Đức Phật: thành Ca-tỳ-la-vệ, rừng Lâm-tỳ-ni, cội bồ-đề Đức Phật thành đạo, cảnh Ngài nhập diệt.

Đối với người Khmer, chùa mang ý nghĩa đồng nhất với công viên. Theo HT.Danh Lung, trong tiếng Pali, chùa được dịch ra từ chữ Arama, tức công viên. Hòa thượng giải thích: “Công viên ở đây không nên hiểu nhầm như công viên bây giờ, với những dịch vụ chiếm phần lớn tầm quan trọng trong đó, mà công viên cần được nhìn nhận là nơi có nhiều cây xanh, hồ ao, với phần trăm cây cối, hoa quả, chim muông… đủ để khi người ta bước vào, có thể thả hồn, thoải mái chiêm ngưỡng vẻ đẹp ở đó và hít thở không khí trong lành, thanh tịnh, thấy nhẹ nhàng từ ngay trong tâm”.

Đây là một trong những điểm đặc trưng nữa để ngôi chùa Nam tông Khmer không bị hòa lẫn với bất kỳ ngôi chùa Nam tông nào khác, một sự kết hợp giữa đời và đạo, hay nói cách khác là tinh thần tôn giáo dân gian không nằm ngoài tinh thần Phật giáo.
 

Chùa Kh’Leang (Sóc Trăng) được Bộ Văn hóa công nhận là
Di tích Lịch sử – Văn hóa ngày 27-4-1990 - Ảnh: TL

Nổi bật mỗi kết cấu bên trong

Không chỉ mang những điểm sáng từ kiến trúc tổng thể, mà cách tạo hình chặt chẽ cũng khiến cho mỗi kết cấu bên trong trở nên vô cùng nổi bật.

Người Khmer cho rằng, cái gì lớn nhất, trân trọng nhất phải được đặt ở trung tâm, chọn đó là công trình chính, chủ đạo, chi phối những công trình còn lại. Bởi vậy, trong quần thể kiến trúc của họ, mọi thứ thường được bố trí theo phương pháp ngũ điểm, lấy trọng tâm là chánh điện. Chánh điện được thiết trí quay về hướng Đông, là hướng sinh sôi nảy nở, nên hầu hết các vật quý báu hay tro cốt thờ tự đều được dành đặt ở phần đất này. Đó là theo quan niệm dân gian, nói theo đạo Phật, chư Phật ngự trị ở phía Tây, thường hướng về phía Đông ban phước lành, họ mong sao ông bà của mình sẽ tái sinh nơi cõi quốc Cực lạc ấy. Bởi vậy, dù trong điều kiện thế nào, khi xây dựng chánh điện, người Khmer tiên quyết phải đặt ở hướng Đông.

Vào chánh điện, một không gian khác hẳn được mở ra, với cách bài trí xung quanh đặc biệt ấn tượng. Nếu ở phần sân chùa là sự tái hiện cuộc đời Đức Phật bằng những tượng đá hay cây cỏ, thì trên các vách tường của chánh điện và cả trần nhà, người ta sẽ thấy bức tranh sống động về các sự tích của Phật Thích Ca, từ đôi tay của người nghệ nhân Khmer họa lên, tất cả như thêm phần điểm xuyết cho điện thờ Đức Phật được rực rỡ.

Khác với người Việt, Phật giáo Nam tông Khmer chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni, nên điện thờ được đặc biệt tôn trí tráng lệ và uy nghi hơn cả. Điện thờ với ba bậc tam cấp, cấp cao nhất dành thờ xá-lợi Phật; cấp giữa để tôn trí tượng Phật Thích Ca cao lớn và cấp cuối là các hình tượng Phật đứng, ngồi và nằm. Từng tư thế như vậy đều mang một tầng ý nghĩa riêng: tượng Phật đứng tượng trưng việc Ngài ban phước, ngồi tượng trưng cho sự thiền định và nằm tượng trưng cho nhập Niết-bàn.

Các công trình chánh điện trước đây, do còn nhiều hạn chế về vật liệu cũng như chi phí, nên thường có kết cấu khép kín. Tuy nhiên hiện nay, với điều kiện tự nhiên về khí hậu, khoa học - kỹ thuật, điều kiện kinh tế tương đối khá hơn trước, chánh điện chùa được cách tân qua lối kiến trúc mở.

Theo đó, số lượng cột kèo được giảm bớt, diện tích được nới rộng, xây thêm cửa ra vào chánh điện, tạo nhiều độ thoáng và sáng cho không gian tu tập. Chánh điện chùa Khmer cũng thường được xây trên mặt bằng cao hơn nhiều so với các công trình bao quanh đó, bởi không chỉ để làm bật lên trọng tâm, mà còn để hạn chế tình trạng ngập lụt hay xảy ra tại các tỉnh miền Tây.

Đến nay, những ngôi chùa Khmer tiêu biểu, vẫn còn mang đậm nét cổ kính, tính giáo dục cao về mặt tạo hình và tính dân tộc, có thể nói là chùa Âng (Trà Vinh), với niên đại lâu đời. Về mặt bố cục không gian, với sự kết hợp hài hòa với các công trình xung quanh thì có chùa Dơi, chùa Kh’leang, là hai trong những ngôi chùa ở Sóc Trăng đạt đỉnh cao nghệ thuật.

Tinh thần Phật giáo của người con Khmer

Nếu với người Kinh, có nhiều cách để thể hiện những mẫu kiến trúc bắt mắt, như các tòa nhà dân cư, cao ốc chọc trời… thì với người Khmer, ngôi chùa là công trình kiến trúc duy nhất mà các nghệ nhân dân gian Khmer trưng bày, cũng như lưu giữ các tác phẩm điêu khắc và sự sáng tạo mỹ thuật của mình.

Thật vậy, ở những phum sóc, người Khmer bằng lòng với cuộc sống bình dị trong những nếp nhà tranh đơn sơ, để lấy những gì giá trị nhất của mình hướng về ngôi chùa. Chùa vì vậy cũng là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động chính của người Khmer, như một trung tâm sinh hoạt tôn giáo và cộng đồng, nơi dạy học, lưu giữ các thư tịch cổ, các tác phẩm lịch sử - văn hóa - mỹ thuật của người Khmer xa xưa.

Điều đặc biệt hơn cả là mỗi người con trai Khmer từ nhỏ đã được vào chùa, cho đi tu để có nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt, tích thiện và cao hơn là đạt giải thoát, Niết-bàn. Theo họ quan niệm, thanh niên tu học đến bậc Sa-di là để đền ơn cha, đến bậc Tỳ-khưu là để đền ơn mẹ. Hơn thế nữa, việc xuất gia còn là cơ hội để được học hành nhiều hơn khi tiếp nhận cả chữ Khmer và chữ Việt, từ đó nâng cao thêm trình độ, có chùa còn tạo điều kiện cho các nhà sư trẻ học bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học, hội họa…

Qua đó có thể thấy, ngôi chùa Nam tông Khmer với cái đẹp từ kiến trúc đến tư tưởng như vậy, xứng đáng là một trong những nét văn hóa tiêu biểu, góp phần tô điểm cho văn hóa Phật giáo Việt Nam thêm nhiều gam màu tích cực và đầy ý nghĩa. Bởi lẽ đó, chúng ta càng cần phải nâng cao ý thức gìn giữ, để không chỉ bảo tồn mà còn phát huy được các giá trị văn hóa - lịch sử của nó.

HT.Danh Lung giãi bày: “Tại thời điểm này, nói đến ý thức văn hóa, ý thức bảo lưu của mỗi đời trụ trì chùa gần đây, đối với chùa Khmer còn hạn chế. Khi lên đảm nhận trụ trì một ngôi chùa, được vài năm, các vị lại ra và vị khác lên thay thế. Mỗi đời như vậy, các vị lại muốn có một công trình mang dấu ấn của mình trên ngôi chùa đó.

Có khi công trình mới không đẹp, không mang tính giáo dục bằng công trình cũ, kể cả về mặt chất lượng, nhưng họ cứ làm, để như có bàn tay của ta vô đó. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chùa Khmer bị phá hỏng, không dám nói là toàn bộ, nhưng không phải là ít. Đến bây giờ, để đi tìm nét cổ kính là rất khó. Về mặt văn hóa Việt Nam nói chung, khi đi tìm nét cổ kính, người ta không tìm ở những xóm làng, nhà cửa… mà người ta tìm ở những ngôi chùa. Do đó, mình cần ý thức về bảo tồn là như vậy, nhưng điều này còn kém”.
Giao Hảo
vuonhoaphatgiao

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu