GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 20:32:46 08-09-2017 (GMT+7) Lượt xem:4154

Các vấn nạn của Hệ phái ngày nay và giải pháp

Thế giới ngày nay không giống gì với xã hội của năm bảy mươi năm về trước, con người ngày nay đang bước từng bước khổng lồ về tương lai chứ không phải trôi đi một cách lững lờ chậm chạp như trước kia. Do đó công việc hoằng Pháp cũng phải được cải tiến cho thích nghi và theo kịp đà phát triển của nhân loại. Tuy nhiên chúng ta cần nhận thấy điều nào cần cải tiến và điều nào cần phải duy trì. Không chạy theo thời đại để bỏ mất cốt lõi của Đạo, không cố chấp bảo thủ để tụt hậu không thích nghi và chậm phát triển.

A. DẪN NHẬP

Từ sự phát triển nhanh chóng của xã hội và nhu cầu tín ngưỡng càng ngày càng đa dạng, phong phú của quần chúng đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tu học hành đạo của Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ. Những tác động của môi trường sống bên ngoài đã tạo nên những hệ lụy cho cá nhân của một số Tăng Ni chưa đủ nội lực, không có nhận thức đúng đã làm giảm thiểu uy tín của Tăng đoàn, cản trở sự phát triển Hệ phái. Do chưa đủ nội lực để đối diện với những cám dỗ của vật chất hoặc chưa nhận thức đúng những hệ lụy nên thực trạng hiện nay trong đời sống Tăng Ni đã nảy sinh nhiều vấn đề mà những vấn đề này không khéo sẽ trở thành thảm họa cho Phật Pháp nói chung, cho Hệ phái nói riêng, chúng tôi tạm gọi là những vấn nạn của Hệ phái ngày nay. Trong khuôn khổ bài thuyết trình này chúng tôi xin nêu ra một số vấn nạn tiêu biểu để chư tôn đức Tăng Ni, quý vị trụ trì cùng tìm ra những giải pháp khắc phục hầu làm trong sáng và thanh tịnh Tăng đoàn, phát huy ánh sáng chánh pháp đến tất cả mọi người, làm lợi lạc chúng sanh.

HTHueThong 4

B. NHỮNG VẤN NẠN TIÊU BIỂU

1) Phát triển khuynh hướng tư hữu cá nhân

- Khuynh hướng hướng ngoại hoặc ly khai Giáo đoàn: Quan tâm đến chức vụ của Giáo hội và xã hội hơn là tham gia các hoạt động của Giáo đoàn và mục tiêu hướng đến của người Khất sĩ.

- Tự do cất thất khi chưa đủ tiêu chuẩn ra riêng và không xin phép, tạo sự đã rồi cho Giáo đoàn.

- Tình trạng Tăng Ni lạm dụng sự cho phép giữ tiền đã sử dụng tài chánh cho mục đích cá nhân tư hữu, không góp phần cho sự phát triển ngôi tịnh xá mình đang sống hoặc cho Giáo đoàn.

- Có một số ít vị trụ trì chỉ lo cho tịnh xá của mình mà không quan tâm tới sự phát triển chung của Giáo đoàn hoặc Hệ phái.

- Người trụ trì có khuynh hướng “gia đình hóa” ngôi tự viện của mình, độc tài, chuyên quyền, coi ngôi đạo tràng là nhà riêng của mình.

2) Không có khả năng quản trị ngôi đạo tràng của mình. Sống tà mạng, nặng về cơ sở vật chất

- Không quản lý Tăng (Ni) trụ xứ khi đi hải ngoại (Đi du học, đi tham quan, đi vận động tài chánh v.v... Một số quá bê bối nên trốn chạy ra hải ngoại, tiếp tục bê tha, như vậy đi hại đạo hơn là hành đạo).

- Một số vị trụ trì không biết cách đối nội, đối ngoại và chức năng của mình là gì, hậu quả Phật tử cũ càng ngày càng giảm, Phật tử mới không thêm được, kể cả người xuất gia cũng vậy. Tịnh xá vì vậy không thể phát triển được.

- Nặng về kinh tế: kinh doanh, buôn bán, rẫy nương v.v... thậm chí còn làm các nghề như phong thủy, xem tướng, bói, lập đàn cúng tụng v.v...

- Lấy việc xây dựng làm thành tích đối với Giáo đoàn, Hệ phái, tự mãn khi xây dựng thành công một ngôi đạo tràng.

3) Tình trạng Tăng Ni lệ thuộc vào mạng internet quá nặng

- Đua nhau phát triển các trang mạng cá nhân: Facebook, Viber, Zalo, v.v...

- Sử dụng đường truyền internet để lên mạng xem phim, nghe nhạc, chơi game…

C. NHỮNG GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

Trên đây là một số vấn nạn tiêu biểu, còn nhiều và nhiều nữa những vấn nạn khác chưa được nêu ra. Chúng tôi mong rằng chư Tôn đức Tăng Ni nhất là những vị trụ trì có tâm huyết, chúng ta cùng nhau tìm ra những giải pháp khả thi nhằm hạn chế phần nào những vấn nạn hiện nay của Hệ phái. Sau đây chúng tôi xin nêu ra một vài giải pháp để chúng ta cùng thảo luận.

a – Giải pháp chung

- Tăng cường nội lực cho Tăng Ni bằng cách gia tăng thời khóa công phu tu tập nơi mỗi đạo tràng tịnh xá.

- Chư Tôn đức giáo phẩm, những vị có trách nhiệm trong Hệ phái, Giáo đoàn phải làm gương tiêu biểu cho Tăng Ni, sau đó mới giải thích, thuyết phục Tăng Ni nhận thức đúng những nguy hại của các vấn nạn này đối với bản thân và tập thể để từng bước khắc phục.

b – Giải pháp cụ thể

- Đối với vấn đề thứ nhứt: “Cá nhân tư hữu”. Ban Trị sự mỗi Giáo đoàn nên quan tâm nhiều hơn đến những sinh hoạt và đời sống của Tăng Ni các tịnh xá trong Giáo đoàn để kịp thời giúp đỡ khi khó khăn và uốn nắn khi cần thiết, tạo sự gắn bó giữa các tịnh xá với Giáo đoàn.

Cần làm cho các vị trụ trì ý thức được trách nhiệm và sứ mạng thiêng liêng của mình khi làm trụ trì, can đảm nhận thức những thực trạng không tốt đẹp, can đảm phát đại nguyện ly khai danh vọng, quyền lợi, dứt bỏ thành kiến và từ chối tâm niệm cầu an để có thể tự nhận sứ mạng hoằng dương Phật Pháp một cách hăng hái và chân thành.

- Đối với vấn đề thứ hai: “Quản trị đạo tràng” Mỗi vị trụ trì cần ý thức được trách nhiệm của mình đối với Tăng Ni trụ xứ, cân nhắc kỹ lưỡng khi cho Tăng Ni xuất ngoại, nếu chưa đủ tiêu chuẩn thì cương quyết từ chối không nên cho xuất ngoại một cách bừa bãi.

Do hoàn cảnh trước đây các Giáo đoàn thiếu nhân sự nên đã cử những vị chưa được đào tạo, không có trình độ am hiểu Phật Pháp ra làm trụ trì nên không thể thực hiện tốt chức năng trụ trì của mình. Ngày nay chúng ta cần chọn lựa những vị có năng lực thật sự đảm đang trọng trách này. Hệ phái quan tâm đào tạo thế hệ kế thừa có đủ tài đức để sau này thay thế cho những vị trụ trì thiếu năng lực.

- Đối với vấn đề thứ ba: “Ảnh hưởng của mạng internet”. Mạng internet đối với con người và xã hội ngày nay cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến các tổ chức, cá nhân khắp các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên nó như con dao 2 lưỡi, bên cạnh công dụng tốt của nó lúc nào cũng kèm theo cái tai hại, nguy hiểm. Do đó Hệ phái cần quan tâm hướng dẫn cho Tăng Ni sử dụng một cách hữu hiệu công nghệ này để truyền bá chánh pháp. Chúng ta không thể thả nổi cho Tăng Ni tự do sử dụng mạng internet vào những mục đích cá nhân gây ảnh hưởng không tốt cho hệ phái. Các vị bổn sư, trụ trì cần theo dõi quan sát và nhắc nhở đệ tử cẩn trọng trong việc sử dụng mạng internet.

D. KẾT LUẬN

Kính bạch chư Tôn đức,

Thế giới ngày nay không giống gì với xã hội của năm bảy mươi năm về trước, con người ngày nay đang bước từng bước khổng lồ về tương lai chứ không phải trôi đi một cách lững lờ chậm chạp như trước kia. Do đó công việc hoằng Pháp cũng phải được cải tiến cho thích nghi và theo kịp đà phát triển của nhân loại. Tuy nhiên chúng ta cần nhận thấy điều nào cần cải tiến và điều nào cần phải duy trì. Không chạy theo thời đại để bỏ mất cốt lõi của Đạo, không cố chấp bảo thủ để tụt hậu không thích nghi và chậm phát triển.

Trong kinh Trung Bộ, Đại Kinh Khổ Uẩn (số 13), đức Phật có dạy về cách nhận thức về Dục, các sắc pháp và những cảm thọ. Đức Phật khuyên các vị tỳ kheo nên biết rõ vị ngọt của dục, nguy hiểm của dục và sự xuất ly của dục, đối với các sắc pháp và cảm thọ cũng vậy.

Một hôm các du sĩ ngoại đạo nói với các vị tỳ kheo rằng: "Chư Hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các dục. Chư Hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các sắc pháp. Chư Hiền, Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết hoàn toàn về các cảm thọ. Chư Hiền ở đây có sự đặc thù nào, sự dị biệt nào, sự sai khác nào giữa Sa-môn Gotama và chúng tôi về vấn đề thuyết pháp hay vấn đề giảng huấn?"

Sau khi nghe thuật lại câu chuyện này, đức Phật dạy các Tỳ kheo rằng: “Này các Tỷ-kheo, các Du sĩ ngoại đạo nói như vậy cần được trả lời như sau: "Chư Hiền, thế nào là vị ngọt các dục? Thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly? Thế nào là vị ngọt các sắc pháp, thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly? Thế nào là vị ngọt các cảm thọ, thế nào là sự nguy hiểm, thế nào là sự xuất ly?" Này các Tỷ-kheo, khi được hỏi vậy, các Du sĩ ngoại đạo không thể trả lời được và sẽ bị mắc vào các khó khăn khác. Vì sao vậy? Này các Tỷ-kheo, vì vấn đề này không thuộc khả năng hiểu biết của họ. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một ai trong thế giới này với chư Thiên, Mara, Phạm thiên, với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, mà câu trả lời các câu hỏi được chấp nhận, trừ Như Lai, đệ tử Như Lai và những ai được nghe hai vị này.”

Là đệ tử của Phật, được thấm nhuần giáo pháp, chúng ta cần thấy rõ vị ngọt của sắc pháp, sự nguy hiểm của sắc pháp để xuất ly sắc pháp. Chúng tôi cho rằng các vấn nạn này là các sắc pháp, chúng ta cần phân biệt đâu là vị ngọt, đâu là sự nguy hiểm để không vì vị ngọt mà vướng vào nguy hiểm.

Trong phần thảo luận chúng tôi mong mỏi chư Tôn đức Tăng Ni hoan hỷ góp ý cho đề tài này được phong phú, đầy đủ. Xin chân thành cám ơn chư Tôn đức đã hoan hỷ lắng nghe.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

HT. Giác Pháp
daophatkhatsi.vn

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu