GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 17:05:13 03-11-2017 (GMT+7) Lượt xem:2224

Phương hướng hoạt động các Chuyên ban

PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
CỦA BAN TĂNG SỰ GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Phật giáo khi mới hình thành chỉ đơn thuần là một giáo đoàn Tăng già, tập hợp những người xuất gia học Phật, thực hành theo giáo pháp Phật đà. Theo dòng thời gian dịch chuyển và sự phát triển không ngừng của xã hội, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo lớn của nhân loại với nền tảng triết lý siêu việt và hệ thống cơ sở Tăng Ni tự viện đông đảo, số lượng tín đồ có mặt khắp mọi nơi trên thế giới. Cho nên vấn đề đặt ra ban đầu không chỉ là tu tập và phổ biến giáo lý đức Phật cho quần chúng mà còn phải quán xuyến thêm việc quản lý Tăng Ni tự viện, điều phối các công tác Phật sự chung trong từng phạm vi hoạt động của Giáo hội Tăng già để làm cho Giáo hội luôn ổn định và phát triển đồng hành cùng sự phát triển không ngừng của xã hội trong từng giai đoạn.
Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh, thành có số lượng Tăng Ni tự viện nhiều nhất trong phạm vi cả nước. Do đó, việc quản lý Tăng Ni tự viện sinh hoạt tu tập đúng theo Hiến chương, Nội quy Ban Tăng sự TW và pháp luật nhà nước cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và không hề đơn giản.
Trong nhiệm kỳ 2012-2017, Ban Tăng sự đã tổ chức thành công Hội thảo ngành Tăng sự, từng bước củng cố nhân sự, tham mưu cho Ban Trị sự tháo gỡ được nhiều vướng mắc liên quan đến Tăng Ni tự viện, làm tiền đề cho các hoạt động Tăng sự nhiệm kỳ 2017-2022. Song vẫn còn đó những khó khăn, bất cập về công tác quản lý, một số Tăng Ni tự viện trong tỉnh vẫn chưa nghiêm túc chấp hành các quy định về pháp luật nhà nước và Giáo hội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động Phật sự của tỉnh nhà. Cho nên, trong nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Tăng sự tỉnh sẽ nỗ lực thực hiện các tiêu chí sau:
- Thống kê lại số lượng Tăng Ni (theo hệ phái), Tự viện (phân loại Di tích và không di tích) trong toàn tỉnh và thường xuyên cập nhật mới mỗi năm;
- Phối hợp với Ban Kiểm soát, Pháp chế có biện pháp hướng dẫn, nhắc nhở các tự viện tuân thủ các quy định nhà nước về công tác trùng tu, xây dựng. Đồng thời kiến nghị Ban Trị sự tỉnh có biện pháp xử lý đối với các tự viện cố tình xây dựng trái phép;
- Phổ biến Thông tư 005/TT-HĐTS (2016) của Ban Tăng sự TW về việc hướng dẫn mở rộng Nội quy Ban Tăng sự TW;
- Tổ chức Hội nghị sinh hoạt ngành Tăng sự vào năm 2018 để phổ biến các quy định về ngành Tăng sự cho Tăng Ni trong tỉnh nhà;
- Phối hợp với Ban Trị sự tiếp tục có biện pháp giải quyết một số cơ sở tự viện còn vướng mắc về vấn đề nhân sự;
- Nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động trong công tác phối hợp điều hành giữa Ban Tăng sự tỉnh với các Ban Kiểm soát, Ban Pháp chế về Ban Trị sự các huyện, thành phố;
- Xây dựng đề án tổ chức Giới đàn trên cơ sở Giới luật, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương phù hợp với truyền thống hệ phái với thời gian hai năm một lần;
- Xây dựng kế hoạch triển khai xuống địa phương các vấn đề căn bản của Giáo hội: bổ nhiệm trụ trì, quản lý Tự viện, an cư, xuất gia, thọ giới, cầu y chỉ sư, chuyển hoạt động tôn giáo, đăng ký hoạt động tôn giáo... theo từng yếu tố đặc thù của từng khu vực, hệ phái;
- Hỗ trợ Phân ban Ni giới trong các hoạt động Phật sự quản lý, giáo dục Ni giới trong tỉnh.
Trên đây là phương hướng hoạt động của Ban Tăng sự tỉnh nhiệm kỳ 2017-2022, rất mong nhận được sự hỗ trợ của Ban Trị sự tỉnh, cùng sự phối hợp nhịp nhàng của các Chuyên ban, sự cộng tác đắc lực của các thành viên trong Ban Tăng sự để Ban Tăng sự hoàn thành tốt các mục tiêu trọng tâm đã đề ra.

 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN GIÁO DỤC TĂNG NI GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Giáo dục Phật giáo là một loại giáo dục đặc thù, không chỉ hun đúc con người hoàn thiện nhân cách đạo đức và tri thức mà còn giúp con người vươn lên một tầm cao là thành tựu Thánh quả, hoàn thành mục đích giải thoát vô thượng.
Từ khi tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành lập vào năm 1992 được tách ra từ tỉnh Đồng Nai, thì Phật giáo tỉnh nhà chuyển sang bước ngoặc mới. Các Ban ngành Phật giáo phải cơ cấu lại toàn bộ để tạo tính độc lập tự chủ, phát huy thế mạnh của mình, đồng bộ và thích nghi với cơ chế thay đổi của xã hội. Nhất là ngành giáo dục được thừa hưởng một ngôi trường Trung cấp Phật học thành lập đầu tiên trong các tỉnh thành cả nước. Trên nền tảng đó, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Thường trực Ban Trị sự (BTS) tỉnh và sự lèo lái của Hòa thượng Trưởng ban kiêm Hiệu trưởng Thích Quảng Hiển, Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm ngày càng phát triển trên mọi phương diện. Tăng Ni sinh các khóa Trung cấp và Cao đẳng đã tốt nghiệp ra trường khoảng hơn 2.000 vị, đã tham gia các hoạt động Phật sự và hoằng hóa khắp nơi trong nước và ngoài nước. Đây là một thành quả rất khả quan của Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những tỉnh có số lượng Tăng Ni khá đông và được xếp thứ ba trong cả nước, chỉ sau thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai. So với thực tế hiện nay, ngành Giáo dục Tăng Ni (GDTN) tỉnh nhà đã có những bước phát triển không ngừng, kể từ khi tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu được thành lập. Việc giáo dục Tăng Ni luôn là vấn đề cấp bách và quan trọng hàng đầu bởi “ngành giáo dục Tăng Ni có nhiệm vụ đào tạo Tăng Ni thành những tu sĩ Phật giáo chân chính. Học để tu, để hoằng pháp và giúp đời; trong đó tu là chính, tu từ khi bước chân vào chùa cho đến khi chấm dứt cuộc đời. Học để trau giồi đạo đức và trí tuệ, để thuận lợi hơn trên con đường tiến đến giải thoát tối hậu”. Bên cạnh những hoạt động tích cực vì sự nghiệp đào tạo Tăng tài, truyền đăng tục diệm, vẫn còn tồn đọng những khó khăn như sự phát triển của ngành Giáo dục Tăng Ni tỉnh nhà chưa đáp ứng với xu thế hiện nay, đặc biệt là sự phát triển vượt bậc của khoa học. Tuy không chủ trương chạy theo thời đại, nhưng nếu chúng ta không cập nhật để cải tiến kịp thời thì việc điều hành của chúng ta chắc chắn sẽ bị tụt hậu.
Trong nhiệm kỳ mới 2017-2022, Ban Giáo dục Tăng Ni tỉnh BR-VT hoạch định một số phương hướng chủ đạo sau:
- Áp dụng sách giáo khoa Trung cấp Phật học được Ban Giáo dục Tăng Ni biên soạn mới vào chương trình giảng dạy cho Trường Trung cấp Phật học.
- Xây dựng kế hoạch tổ chức giao lưu, trao đổi kính nghiệm với các Trường Trung cấp Phật học của các tỉnh, thành bạn về việc nâng cao chất lượng đào tạo;
- Liên kết, giao lưu với các Trường Quốc tế để gởi Tăng Ni du học;
- Tiến hành thủ tục chuyển đổi Trường Trung cấp Phật học thành Trường Cao Trung Phật học theo quy định;
- Thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận về vấn đề “tu và học” cho Tăng Ni, đặc biệt là các Tăng Ni sinh;
- Quan tâm, giúp đỡ Ban Trị sự các huyện, thành phố củng cố và thành lập các lớp Sơ cấp Phật học theo nhu cầu thực tế được phát triển tốt;
- Hỗ trợ và theo dõi các Tăng Ni sinh đang theo chương trình đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ để kịp thời giới thiệu bổ sung tham gia các hoạt động Phật sự của tỉnh theo nhu cầu và trình độ chuyên môn.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN HƯỚNG DẪN PHẬT TỬ GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Tiếp tục thực hiện những mục tiêu của Ban Hướng dẫn Phật tử nhiệm kỳ 2012-2017, cũng như thực hiện Phương hướng hoạt động và Nghị quyết của Đại hội GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nhiệm kỳ V (2017-2022), đặc biệt căn cứ vào tình hình sinh hoạt thực tế của Phật tử trong tỉnh hiện nay; chúng con xin được trình bày phương hướng hoạt động (PHHĐ) của Ban Hướng dẫn Phật tử (BHDPT) GHPGVN tỉnh nhiệm kỳ VI (2017- 2022) như sau:
Hàng năm tổ chức viếng thăm Ban Trị sự, Ban HDPT các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh;
Thống kê số lượng cũng như chương trình tu học của các Đạo tràng Phật tử, GĐPT trên địa bàn tỉnh, nhằm xây dựng chương trình giảng dạy giáo lý và chuyên môn phù hợp;
Hướng dẫn và khuyến khích các Phật tử hưởng ứng chương trình Phật hóa gia đình dưới hình thức tổ chức Lễ Hằng thuận tại các Tự viện;
Tổ chức các chương trình Hội thảo, Hội nghị chuyên ngành, diễn đàn Phật pháp nhằm hướng dẫn, giải đáp những thắc mắc của Phật tử về việc tham gia tu tập tại các cơ sở, tự viện;
Củng cố, tạo điều kiện giúp đỡ các Phân ban đã thành lập, thành lập Phân ban Thanh thiếu nhi Phật tử và Phân ban Phật tử Dân tộc để có sự phối hợp hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác Phật sự;
Mở Khoá tu mùa hè hằng năm cho thanh thiếu nhi phật tử, tạo ra môi trường giáo dục Phật giáo thiết thực trong cộng đồng xã hội;
Phối hợp với Ban Trị sự các huyện, thành phố củng cố, hướng dẫn và tạo điều kiện thành lập các Gia đình Phật tử sinh hoạt hợp pháp tại các Tự viện;
Phối hợp với Ban Trị sự GHPGVN Tp. Vũng Tàu và Tp. Bà Rịa xây dựng Kế hoạch tổ chức chương trình Tiếp sức mùa thigiúp các sinh viên, học sinh trong mùa tuyển sinh Đại học, Cao đẳng;
Phối hợp với Ban Hoằng pháp, Ban Văn hóa xây dựng đề án Tổ chức chương trình Đạo hiếu và Dân tộc hàng năm;
Phối hợp với Ban Hoằng pháp, tổ chức các hoạt động như: Quy y Tam bảo cho đồng bào dân tộc, Tôn vinh các tấm gương hiếu thảo, vượt khó…vv;
Phối hợp với các BTS và BHDPT huyện mở các lớp giáo lý căn bản cho cư sĩ Phật tử.
Trên đây là Phương hướng hoạt động của Ban HDPT trong nhiệm kỳ 2017-2022, kính trình Ban Thường trực Ban Trị sự xét duyệt và giúp đỡ. Để phát huy một cách tích cực và hiệu quả công tác Phật sự của Ban trong suốt nhiệm kỳ, chúng tôi rất mong nhận được sự phối hợp, chia sẻ và cảm thông của chư Tôn đức, Phật tử các giới cùng các Cơ quan ban nghành, đặc biệt là sự đóng góp tài lực, sức lực, và trí lực của tất cả thành viên trong Ban.
Kính chúc quý liệt vị vô lượng an lạc, vô lượng cát tường.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN HOẰNG PHÁP GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Ban Hoằng pháp (BHP) là một trong các Chuyên ban trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Vì vậy, ngoài nhiệm vụ chuyên môn của mình được Ban Trị sự phân công, BHP còn có trách nhiệm phối kết hợp với các Ban ngành liên quan của BTS để hoàn thành nhiệm vụ chung của tổ chức.
Thực tế, hoạt động ngành hoằng pháp thật đa dạng và phức tạp trong hoạt động chuyên ngành của mình, Giảng sư không chỉ đến để thực hiện công tác chuyên môn là giảng cho thính chúng là xong, bởi nó tùy thuộc vào văn hóa vùng miền, tập quán, nghề nghiệp, lứa tuổi và nghề nghiệp của người nghe. Chính vì thế, BHP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hoạch định chương trình hoạt động nhiệm kỳ VI (2017-2022) như sau:
1. Đào tạo:
a. Tổ chức Khóa tập huấn Nghệ thuật diễn giảng: Phối hợp với Ban Giáo dục Tăng Ni, Trường Trung cấp Phật học và Ban Trị sự các huyện, thành phố tổ chức Khóa Tập huấn Nghệ thuật diễn giảng cho Tăng Ni trong tỉnh.
b. Tổ chức Đào tạo Hoằng pháp viên: Phối hợp Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Trị sự các huyện, thành phố tổ chức đào tạo và tập huấn Hoằng pháp viên cho Cư sĩ Phật tử để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tu học cho bà con trong tỉnh ở vùng sâu vùng xa.
c. Đầu tư chuyên môn hóa kiến thức, nghiệp vụ: biên tập, kỹ thuật vi tính, thiết kế, nhiếp ảnh... cho nhân sự của Ban để phục vụ tốt công tác chuyên trách của ngành.
2. Hoạt động chuyên ngành:
a. Hoằng pháp:
Tổ chức các Đoàn thuyết giảng trong và ngoài nước theo nhu cầu;
Phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Văn hóa, Ban Thông tin - Truyền thông tổ chức các sự kiện: Hội thi Giáo lý, Hội thi diễn giảng, Trại hè cho thanh thiếu niên, Tiếp sức mùa thi, Đạo hiếu và dân tộc, Chung một mái nhà...
b. Thông tin:
Thành lập cổng thông tin Hoằng pháp để truyền tải thông tin chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật pháp của cộng đồng bằng cách ứng dụng những công nghệ tiên tiến;
Thành lập Đội Kỹ thuật để livestream các sự kiện Phật giáo của tỉnh;
Xây dựng Thư viện điện tử chuyên ngành Hoằng pháp.
c. Biên tập:
- Biên soạn các tập truyện ngắn Phật giáo dành cho trẻ em, thiếu nhi;
- Biên soạn Bộ sách Giáo lý thường thức;
- Thành lập Tạp chí Hoằng pháp.
Trong thế giới phẳng ngày nay, đời sống vật chất càng tiện ích thì con người càng dễ đóng khung mình trong vỏ bọc tự kỷ, cá nhân, cố chấp... điều đó cảnh báo cho trách vụ hoàng truyền chánh pháp của các Như Lai sứ giả phải năng động, hội nhập và khéo léo mới đảm bảo tính hiệu quả. Hình ảnh oai nghiêm của vị pháp sư trên pháp tòa từ ngàn xưa có khi hóa thân thành người quản trò khơi mở lòng hỷ xả cho mọi người trên một chuyến xe: hoằng pháp thời hiện đại.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN NGHI LỄ GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Nghi lễ là một khoa nghi của pháp tướng tông và mật tông. Là pháp môn hoằng pháp, giáo dục văn hóa tâm lý và tâm linh rất nhiệm mầu của chư Phật, chư Tổ đã thiết lập.
Nghi lễ được thực hiện qua nhiều hình thức khác nhau để tái hiện nhửng cảnh giới của các pháp, áp dụng phù hợp cho mọi căn cơ của chúng sanh từ phàm phu đến thánh nhân.
Bằng hình thức âm thanh, sắc tướng, khí cụ, âm nhạc, ca ngâm, chú thuật linh phù, mật chú kết hợp dung nhiếp để đưa thánh ý của chư Phật, chư Tổ vào trong các khoa nghi, khóa lễ, giới đàn…
Nhằm mục đích chuyên mê khai ngộ, ly khổ đắc lạc, cứu vớt chúng sanh đang trầm luân trong luân hồi lục đạo. Cho nên, nghi lễ được áp dụng trong chốn thiền môn nói chung và xã hội loài người nói riêng.
Trong nhiệm kỳ này, Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh xin đề ra phương hướng hoạt động như sau:
- Kết tập các khoa nghi xưa và nay để bảo tồn cho nghi lễ của tỉnh nhà;
- Phân công nhân sự giảng dạy nghi lễ trong các trường Phật học, các trường hạ trong tỉnh theo yêu cầu;
- Xây dựng kế hoạch mở các Khóa giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức về nghi lễ cho Tăng Ni, Phật tử tại các huyện, thành phố;
- Phổ biến chương trình hoạt động của Ban Nghi lễ Trung ương;
- Hỗ trợ Ban Trị sự tỉnh, Ban Tăng sự thực hiện nghi lễ cho các Đại giới đàn và các hoạt động về Nghi lễ cho Ban Nghi lễ;
- Thành lập ban Kinh sư liên huyện (2 ban);
- Thành lập ban Kinh sư tỉnh (2 ban);
- Thành lập ban Dẫn thỉnh trong các lễ hội của tỉnh;
- Thành lập ban kiến thiết (chiếu liệu);
- Xây dựng kinh phí hoạt động, tự nguyện không bắt buộc.
Ban Nghi lễ Phật giáo tỉnh đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm trang nghiêm Giáo hội, xin nguyện đêm hết sức để phục vụ cho đạo pháp và những gì mà Giáo hội đã giao phó đúng theo tinh thần Hiến chương và quy định của GHPGVN đề ra.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN VĂN HÓA GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Ban Văn hóa (BVH) là một trong các Chuyên ban trực thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Vì vậy ngoài nhiệm vụ chính yếu của mình được Ban Trị sự phân công, BVH còn có trách nhiệm phối kết hợp với các Ban ngành của BTS để hoàn thành các nhiệm vụ chung.
Nhiệm vụ chính của BVH là tổ chức các chương trình hoạt động Phật sự khẳng định những giá trị tư tưởng, văn hóa Phật giáo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Tôn vinh trí tuệ, sự nghiệp của các danh nhân văn hóa, lịch sử trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước; Định hướng các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng, giúp phát triển đời sống tôn giáo lành mạnh, tránh xa cực đoan, phù hợp với thời đại; Sống tốt đời, đẹp đạo, gắn bó và đồng hành cùng dân tộc.
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Văn hóa GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hoạch định phương hướng hoạt động như sau:
A. TỔ CHỨC NHÂN SỰ:
1. Suy cử theo Quy chế đủ các thành viên thuộc Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
2. Thành viên tham gia hầu hết là trẻ tuổi, năng động, có phẩm hạnh, lý lịch rõ ràng, trình độ phù hợp, mời các Chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài tỉnh vào Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh ở các lĩnh vực liên quan văn hóa, lịch sử Phật giáo.
3. Tuyển chọn nhân sự trong các hệ phái Phật giáo có trình độ chuyên môn, có phẩm hạnh và có tâm phụng sự Đạo pháp.
B. HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ 2017 - 2022:
B.1- Hoạt động chuyên ngành:
1. Nghiên cứu hoàn thiện Lịch sử Phật Giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
2. Tiếp tục sưu tập, biên khảo các ngôi chùa cổ, danh lam thắng cảnh thuộc lĩnh vực văn hóa Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
3. Tiếp tục biên tập bộ sách Tự viện tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu của nhiệm kỳ trước đã thực hiện.
B.2- Hoạt động phối hợp:
1. Phối kết hợp với các Ngành thuộc Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức các Hội thảo Phật giáo, chiếu phim, triển lãm ảnh nghệ thuật, các lễ hội hoa đăng cầu nguyện Quốc thái dân an, lễ hội ẩm thực chay, lễ hội rằm tháng Giêng, lễ Phật đản, lễ Vu-lan, lễ Dâng y… các lễ hội Văn hóa Phật giáo trong tự viện, ngoài các đường phố, các chương trình văn nghệ gây quĩ Văn hóa Phật giáo và từ thiện xã hội...;
2. Phối hợp với Ban Văn hóa Trung ương, đăng cai tổ chức Tuần lễ Văn hóa Phật giáo;
3. In ấn Nội san Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
4. Tổ chức biên soạn các bài viết thuộc lĩnh vực chuyên ngành Văn hóa Phật giáo cho Website Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
5. Tái bản các Kinh, sách phục vụ nhu cầu tu học cho Tăng Ni, Phật tử;
6. Phát triển Cộng tác viên thuộc huyện thị trong tỉnh, viết bài đưa tin các sinh hoạt tín ngưỡng của các cơ sở tự viện và những hoạt động Phật sự của Ban Trị sự tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo các huyện, thành phố lên các phương tiện truyền thông đại chúng;
7. Tạo quỹ Văn hóa Phật giáo tài trợ các chương trình của Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu;
8. Xây dựng kế hoạch tổ chức thư viện Phật giáo tại các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.
9. Phối hợp với Ban Hướng dẫn Phật tử và Ban Hoằng pháp tổ chức các sự kiện Văn hóa Phật giáo như: Hội thi Giáo lý Phật tử…v..v, phong trào hướng nghiệp cho thanh niên nghèo vùng sâu vùng xa, xã hội hóa Giáo dục Văn hóa Phật giáo qua các lớp chồi, mầm, lá, tiểu học;
10. Tổ chức du lịch, du khảo văn hóa tâm linh đến các thánh địa Phật giáo trong và ngoài tỉnh. Phối kết hợp các Công ty du lịch Quốc tế, tổ chức hành hương đến các quốc gia Phật giáo;
11. Xây dựng các mối quan hệ với Thành, huyện đoàn, Hội liên hiệp Thanh niên, Hội Phụ nữ tỉnh, các Ban văn hóa Phật giáo tỉnh bạn, mở ra các hướng quan hệ hợp tác, phát triển Văn hóa Phật giáo trong xu thế hội nhập;
C. KẾT LUẬN:
Văn hóa là sản phẩm của loài người. Văn hóa phát triển giữa con người và xã hội. Chính văn hóa tham gia tạo nên nét đẹp tâm hồn và tư tưởng con người qua cách sống được định hình từng chặng đường lịch sử loài người, và duy trì tạo sự bền vững, trật tự xã hội. Phổ biến văn hóa Phật giáo là phổ biến các giá trị văn hóa tâm linh mang yếu tố thuần thiện làm đẹp cuộc đời, thăng hoa xã hội.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN KINH TẾ-TÀI CHÁNH GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Ban Kinh tế Tài chánh là một trong 12 Ban ngành hoạt động của Giáo hội Phật giáo tỉnh, được thành lập ra với trách nhiệm là thực hiện các công tác về kinh tế tài chánh của Giáo hội. Bên cạnh đó, mục đích thành lập Ban KT-TC nhằm để nghiên cứu, dự trình các công tác có tính khả thi thuộc ngành KT-TC, không trái với tinh thần, đường hướng hoạt động của Giáo hội, tạo thêm nguồn kinh phí hỗ trợ cho các mặt hoạt động của Giáo hội. Phương châm của Phật giáo là hoằng pháp lợi sanh, thiếu Ban KTTC Giáo hội thì khó có thể thực hiện được các chương trình đã hoạch định. Vì vậy, vai trò của Ban KTTC hết sức quan trọng.
Để chính thức đi vào hoạt động trong nhiệm kỳ VI (2017-2022), trong cuộc họp kiện toàn nhân sự, Ban KT-TC đã thống nhất thành phần nhân sự xin chuẩn y gồm có 49 vị và dự kiến phương hướng hoạt động sắp tới như sau:
1. Ấn định 2 kỳ họp trong năm:
- Ngày 06/3/Al họp để báo cáo 6 tháng đầu năm
- Ngày 06/9/Al họp để báo cáo 6 tháng cuối năm
2. Vận động chư Tôn đức thành viên tiếp tục tự nguyện đóng góp cho Quỹ của Ban Kinh tế như nhiệm kỳ trước;
3. Vận động các thành viên trong Ban ủng hộ cho mức tiêu thụ muối tiêu muối ớt, dưa muối, nước tương Tamari, hay các mặt hàng do thành viên của Ban Kinh tế sản xuất để có thêm nhiều lợi nhuận cho Ban;
4. Thiết kế đề án, mô hình làm kinh tế nhà chùa để có tài chánh ủng hộ các Phật sự của Giáo hội;
5. Thành viên Ban Kinh tế có thể tổ chức những chuyến du lịch hành hương tâm linh ở trong nước và ngoài nước để tạo thêm nguồn tài chánh cho Quỹ của Ban.
Trên đây là dự kiến phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới của Ban, chúng con rất mong được sự hỗ trợ của chư Tôn đức Tăng Ni trong tỉnh, bên cạnh cũng rất cần được sự quan tâm hợp tác ủng hộ của số đông Phật tử Mạnh thường quân, để Ban Kinh tế-Tài chánh có đầy đủ phương tiện đóng góp cho nhiều công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà được thuận lợi và thành tựu tốt đẹp.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN TỪ THIỆN-XÃ HỘI GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Đất nước Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu nhiều đau thương cơ cực của hậu quả chiến tranh; hiện nay, chiến tranh đã lùi xa 42 năm qua, bằng tất cả sự nỗ lực vì cuộc sống con người (vì con người là một thực thể sống của xã hội), Đất nước đã từng bước khắc phục những tồn tại hậu quả và đang trên chiều hướng hội nhập xây dựng và phát triển về mọi mặt Kinh tế - Chính trị - Văn hóa - Xã hội; đời sống nhân dân, nhất là những người yếu thế bất hạnh trong xã hội ngày càng được Nhà nước chú trọng cải thiện về đời sống vật chất lẫn tinh thần qua nhiều chính sách chế độ. Tuy nhiên, xu thế hội nhập tạo nên nhiều chuyển biến và phân hóa trong xã hội (đó là một quy luật tất yếu), sự chuyển hóa xã hội, môi trường sống, sự biến đổi khí hậu thời tiết của thiên nhiên gây nên thiên tai dịch họa… lại tiếp tục dẫn con người đến cuộc sống khổ đau, bất hạnh (người già neo đơn; trẻ em mồ côi, bất hạnh mất nguồn nuôi dưỡng; người khuyết tật, bệnh tật lại thường có hoàn cảnh khó khăn vì không có khả năng lao động kiếm sống…) cho nên dù nhà nước luôn có sự tập trung quan tâm cố gắng giải quyết bằng mọi chính sách chế độ nhưng người khổ đau bất hạnh vẫn còn quá nhiều trong cuộc sống hiện tại và đang cần nhiều sự hỗ trợ cưu mang giúp đỡ của toàn xã hội bằng nhiều hình thức để được ổn định phần nào cuộc sống, nhất là về mặt tinh thần.
Những năm gần đây, chính vì cuộc sống con người có nhiều chuyến biến theo sự chuyển hóa của xã hội nên Phật giáo cũng có nhiều thay đổi để phù hợp thực tiễn với xu hướng “Thế tục hóa hướng vào phục vụ đời”, xu hướng này diễn ra ngày càng rõ nhất là hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo mục đích vận động Tăng, Ni, Phật tử chia sẻ những khó khăn đến với người đau khổ, nhường cơm xẻ áo với những người thiếu thốn, hàn gắn vết thương vật chất và tinh thần đối với người bất hạnh theo tinh thần từ bi, trí tuệ của người con Phật; khơi dậy lòng nhân ái của các giới các ngành, các hoạt động xã hội không phân biệt Tôn giáo, giai cấp, dân tộc … tạo sự cảm thông xây dựng và phát triển cộng đồng theo tinh thần “Đạo pháp - Dân tộc”.
Hoạt động Từ thiện xã hội của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương GHPGVN cũng như Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo các tỉnh thành cả nước, trong đó có hoạt động từ thiện xã hội của Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua là một trong những công tác nổi bật của GHPGVN được triển khai và hoạt động liên tục, đều đặn, kịp thời hiệu quả từ Trung ương đến các địa phương cho dù ở hoàn cảnh nào, thời gian, điều kiện nào vì mục đích cao cả nói trên và vì từ bi là tinh thần vốn không thể thiếu của người con Phật.
I. Mục tiêu chung
Hoạt động của Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ triển khai thực hiện công tác từ thiện xã hội theo tinh thần “Cứu khổ ban vui, vô ngã vị tha” của Đạo Phật và phương châm “Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật
Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện tốt công tác từ thiện xã hội dưới sự điều hành của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh theo Hiến chương GHPGVN và Nội quy Ban Từ thiện Xã hội Trung ương sẽ góp được một phần nhiệm vụ vào ý nghĩa lớn lao chung là khẳng định vị thế của Phật giáo trong đời sống xã hội hiện tại và sự đồng hành của Phật giáo với Dân tộc Việt Nam theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc” đồng thời góp phần phát huy truyền thống “Tương thân tương ái, Đoàn kết chia sẻ” của Dân tộc Việt Nam.
Phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những tồn tại hạn chế của Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ V (2012-2017), Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh BR-VT nhiệm kỳ VI ( 2017-2022) sẽ cố gắng, tích cực xây dựng và triển khai kế hoạch công tác Từ thiện xã hội với các hoạt động Phật sự thiết thực trình Ban Trị sự GHPGVN tỉnh phê chuẩn góp phần cùng với Đảng và Nhà nước tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu làm tốt công tác An sinh xã hội:
- Thực hiện giảm nghèo theo phương châm “Giúp cần câu nhiều hơn giúp con cá”;
- Giúp đỡ hiệu quả đời sống vật chất tinh thần gia đình và người khó khăn yếu thế bất hạnh không còn khả năng lao động trên địa bàn tỉnh; (Trợ cấp; tặng quà đợt Lễ, Tết; khuyến học; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở …)
- Chăm sóc, thăm hỏi gia đình diện chính sách có công già yếu, bệnh tật (vào dịp tết Nguyên Đán và các dịp Lễ Kỷ niệm của Phật giáo và Dân tộc )
- Tổ chức vận động và cứu trợ kịp thời đồng bào trong và ngoài tỉnh trong việc khắc phục khó khăn khi có thiên tai, dịch họa…;
Từ các mục tiêu chung nêu trên, Ban Từ thiện Xã hội tỉnh đề ra biện pháp và mục tiêu nhiệm vụ hoạt động cụ thể trong 5 năm từ 2017 đến 2022 như sau:
II. Mục tiêu và biện pháp cụ thể
1. Công tác Tổ chức :
- Kiện toàn nhân sự và phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên Ban Từ Thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiệm kỳ VI (2017-2022) ngay sau khi có Quyết định chuẩn y của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh; (Thực hiện trong quý IV/2017)
- Hoàn thiện cơ sở vật chất Ban Từ thiện Xã hội Phật Giáo tỉnh và các huyện, thành phố (Văn phòng làm việc; Thiết bị máy mócvà dụng cụ phục vụ hoạt động…) Thông báo địa chỉ trụ sở Văn phòng Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh (Thực hiện từ quý IV/2017 đến quý II/2018)
Xây dựng cơ bản nề nếp về hệ thống Văn bản Quy phạm của Ban Từ thiện Xã hội tỉnh căn cứ cơ sở Hệ thống Văn bản Quy phạm của GHPGVN Trung ương và Pháp luật Nhà nước quy định trình Ban Trị sự GHPGVN tỉnh chuẩn y (Nội quy hoạt động; Quy chế vận động - quản lý - sử dụng Quỹ Từ thiện; Báo cáo và Kế hoạch hoạt động từng nhiệm kỳ, Quý, Năm; các công văn, thông báo.. và các mẫu biểu thống kê báo cáo, khảo sát …) (Thực hiện từ quý I/2018 đến quý IV/2018)
- Tổ chức, duy trì nề nếp họp định kỳ Ban Từ thiện Xã hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và bảo đảm nội dung các cuộc họp có chất lượng chiều sâu nhằm kịp thời nắm bắt, điều chỉnh thống nhất các mục tiêu; chỉ tiêu và nội dung hoạt động phù hợp với từng tình hình địa phương trên địa bàn tỉnh;
+ Thời gian họp định kỳ của Ban Thường trực Ban Từ thiện là mỗi Quý/lần (từ ngày 05 đến ngày10 của tháng đầu quý);
+ Thời gian họp định kỳ của toàn Ban Từ thiện Xã hội là 6 tháng/ lần (Tháng 12 và tháng 6 hàng năm) (Thực hiện từ quý IV/2017 đến quý IV/2022)
- Ban TTXH tỉnh liên hệ Chính quyền để có số liệu về đơn vị hành chánh cấp xã, phường, thị trấn thuộc tỉnh BR-VT ( Thực hiện trong quý IV/2017)
- Tổ chức rà soát, thống kê lập danh sách địa chỉ các cơ sở từ thiện, các cá nhân thường xuyên làm công tác từ thiện trên địa bàn từng huyện,thành phố (Địa chỉ từ thiện); Ban Từ thiện Xã hội tỉnh soạn thảo hướng dẫn và thiết kế mẫu biểu. ( Thực hiện từ quý I/2018 đến quý III/2018)
2. Công tác Điều hành
Hướng dẫn Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo các huyện, thành phố thực hiện cơ bản công tác kiện toàn nhân sự; thực hiện nề nếp công tác xây dựng Kế hoạch, Báo cáo và Tổ chức chương trình hoạt động công tác từ thiện xã hội trên địa bàn; ( Thực hiện từ quý I/2018 đến Quý I/2019)
- Hướng dẫn Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo các huyện,thảnh phố thực hiện công tác vận động-quản lý-sử dụng Quỹ từ thiện của địa phương theo đúng quy định của Ban Từ thiện Xã hội GHPGVN tỉnh;
- Hướng dẫn Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo các huyện, thành phố phối hợp, liên hệ chặc chẽ thực hiện đúng Chính sách pháp luật nhà nước với các Cơ quan, đơn vị, các Tổ chức xã hội của nhà nước, tư nhân, cá nhân… trong các hoạt động từ thiện xã hội trên địa bàn;
- Ban Từ Thiện Xã hội Phật giáo tỉnh sẽ thường xuyên phối hợp Lãnh đạo Chính quyền và các cơ quan Ban ngành Đoàn thể các cấp (Nội vụ; Lao động-TBXH; UBMTTQVN...); nhằm nắm bắt các chủ trương, chính sách, chế độ, quy định pháp luật của Đảng và Nhà nước để có biện pháp phối hợp đồng thời hướng dẫn các Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo; Tăng, Ni, Phật tử các huyện, thành phố khi triển khai công tác Từ thiện Xã hội trên địa bàn không bị sai phạm quy định; (Công tác tổ chức các chương trình sự kiện và các hình thức để vận động gây quỹ Từ thiện; Công tác Tổ chức cứu trợ, tặng quà; các hoạt động khác… nhằm mục đích “Cứu khổ ban vui” theo tinh thần GHPGVN)
3. Nội dung công tác Từ thiện Xã hội Phật giáo
a) Tập trung công tác xây dựng hình thành Quỹ Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và triển khai thực hiện công tác cứu trợ theo chỉ đạo của Ban Từ thiện Xã hội Trung ương và Ban Trị sự GHPGVN tỉnh BR-VT (Thực hiện từ quý IV/2017 đến quý IV/2022)
+ Phát động phong trào mỗi thành viên trong Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh vận động được ít nhất một tổ chức hoặc một cá nhân góp phần đóng góp xây dựng Quỹ Từ thiện hoặc một nội dung từ thiện nhân đạo;
+ Tổ chức công tác cứu trợ và thành lập Ban tổ chức cứu trợ, trợ cấp với tên gọi “Đoàn Cứu trợ Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh BR-VT;
Mở Tài khoản hoạt động “Quỹ Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh BR-VT” và củng cố nhân sự làm công tác Tài chính Quỹ Từ thiện Xã hội PG tỉnh; (Thực hiện trong quý IV/2017)
+ Soạn thảo “Bản Quy định Vận động - Quản lý - Sử dụng Quỹ Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh BR-VT”
b) Đổi mới phương thức và nội dung hoạt động Từ thiện Xã hội theo hướng thiết thực; kịp thời; đúng đối tượng; minh bạch, công khai; không giới hạn địa phương, khu vực (Tuy nhiên phải tùy theo tình hình nguồn kinh phí vận động hàng năm; Mức độ, hoàn cảnh, điều kiện thiệt hại … để xây dựng định mức và đối tượng cứu trợ cho phù hợp; Chú trọng ưu tiên đối tượng có hoàn cảnh ĐBKK của các huyện, thành phố thuộc tỉnh BR-VT)
c) Phối hợp với Chính quyền; MTTQ và các Tổ chức cơ quan, đơn vị… xây dựng các chương trình, sự kiện chuyên đề hàng năm nhằm gây Quỹ; hưởng ứng và thực hiện công tác thăm hỏi, tặng quà, trợ cấp khó khăn các diện đối tượng là Người và gia đình có công với cách mạng; người già; trẻ em; người khuyết tật; bệnh tật hiểm nghèo… đang có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào dịp tết Nguyên Đán; Lễ Phật đản; Lễ Vu lan; Lễ Kỷ niệm Dân tộc (ngày GPMN 30/4; ngày Quốc Khánh 2/9…) và các đợt Lễ kỷ niệm… (ngày TBLS 27/7, ngày NKT Việt Nam: 18/4, ngày NCT Việt Nam 06/6, ngày Vì người nghèo 17/6, tết Trung thu…)
- Thực hiện các chương trình Khuyến học “Trao học bổng cho Học sinh nghèo vượt khó”, chương trình “Tặng Quà tết cho Học sinh và người nghèo”, chương trình tặng xe lăn, xe lắc cho NKT thuộc hộ nghèo;
- Thực hiện trợ cấp thường xuyên hàng tháng với tên gọi chương trình “Cặp lá yêu thương” cho 20 học sinh nghèo hiếu học với mức trợ cấp 200.000đ/học sinh/tháng, duy trì tiền trợ cấp cho đến khi các cháu 18 tuổi (Theo xác nhận của Trường học sinh đang theo học) (Thực hiện từ quý IV/2017 đến quý IV/2022)
d) Quan tâm, hỗ trợ vật tài, vật lực cho các cơ sở Bảo trợ xã hội Công lập và ngoài công lập và bảo đảm công tác duy trì nâng cao chất lượng phục vụ và hiệu quả hoạt động (về chất lượng dinh dưỡng; An toàn vệ sinh thực phẩm) của các Bếp ăn Tình thương trên địa bàn tỉnh; (Thực hiện từ quý I/2018 đến quý IV/2022)
đ) Phấn đấu xây dựng hình thành Trung tâm Bảo trợ Xã hội của GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và dự kiến kế hoạch thực hiện các phần hành nhiệm vụ mục tiêu này trong từng thời gian như sau:
+ Hoàn thiện thủ tục hồ sơ mặt bằng (GCNQSDĐ); vận động nguồn kinh phí xây dựng; (Từ quý II/2018 đến quý IV/2020)
+ Thiết kế bản vẽ Trung tâm; xin Giấy phép xây dựng; xây dựng Đề án Trung tâm và xin Giấp phép hoạt động; (Từ quý III/2019 đến quý II/2020)
Tiến hành xây dựng và tổ chức khánh thành. Từ quý III/2020 đến quý III/2022)
g) Về công tác chỉ đạo vận động và phối hợp vận động: Ban Từ thiện Xã hội Phật giáo tỉnh sẽ tham mưu trình Ban Tri sự tỉnh các văn bản có những chỉ đạo cụ thể về công tác vận động; sử dụng vật tài, vật lực vận động cứu trơ; trợ cấp tới chư Tôn đức Tăng, Ni, Phật tử nhằm hỗ trợ Ban Từ thiện Xã hội tỉnh trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ vận động, cứu trợ; (Thực hiện từ quý I/2018 đến quý IV/2022)
h) Thực hiện hỗ trợ kinh phí xây dựng và sữa chữa nhà ở tình thương cho gia đình có đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (Trẻ em, người già bị khuyết tật nặng; bệnh tật hiểm nghèo thuộc hộ nghèo mà người thân không có khả năng lao động tạo thu nhập ổn định) với mức hỗ trợ xây dựng là 50.000.000 đ/căn (Năm mươi triệu đồng/căn ) và mức sửa chữa là 30.000.000 đ/căn (Ba mươi triệu đồng/căn) (Thực hiện từ quý IV/2018 đến quý IV/2022 )
Trên đây là Phương hương hoạt động nhiệm kỳ VI (2017-2022) của Ban Từ Thiện Xã hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN PHẬT GIÁO QUỐC TẾ GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
 
Nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy những công tác Phật sự đã thành tựu, chào mừng thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VI (nhiệm kỳ 2017- 2022), chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 của Ban Phật giáo Quốc tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu được hoạch định dựa trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VI, chương trình hoạt động của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Mở rộng giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và kiến thức về các truyền thống văn hóa, hoằng pháp, giáo dục, tu tập tâm linh… giữa Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và các tổ chức Phật giáo các nước trong khu vực và trên thế giới.
- Tạo mối quan hệ thân hữu giữa Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Phật giáo các nước trên thế giới, giữa các Phật tử trong và ngoài nước.
2. Yêu cầu
Việc tổ chức các hoạt động của Ban Phật giáo Quốc tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phải đảm bảo trang nghiêm, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tôn chỉ của Phật giáo và các quy định của Nhà nước.
II. CHƯƠNG TRÌNH HOẠT ĐỘNG
- Hỗ trợ và tham mưu cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong các công tác đối ngoại;
- Tiếp tục phát huy vai trò, khả năng đoàn kết của Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu với các tổ chức, hội đoàn và các nước Phật giáo thân hữu trên thế giới;
- Tiếp tục quan tâm và hỗ trợ cho Hội Phật tử Việt Nam tại các nước: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma,...ổn định, đoàn kết và phát triển vững mạnh;
- Tiếp tục nỗ lực hỗ trợ và liên hệ thân hữu với các Tăng Ni, đồng bào Phật tử Việt kiều ở nước ngoài để có thêm những cơ sở Phật giáo tại các nước; Tăng cường mối liên hệ với Tăng Ni và Phật tử người Việt Nam tại nước ngoài nhằm thể hiện chính sách đoàn kết, tình đạo, tình quê hương và tình dân tộc của Giáo hội đối với cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài;
- Quan tâm đến việc đón tiếp các phái đoàn Phật giáo bạn, các tổ chức Phật giáo quốc tế và các đoàn khách nước ngoài đến thăm hữu nghị tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Tiếp tục tham mưu cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cử các đoàn đại diện cho Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tham dự các lễ hội Phật giáo truyền thống ở các nước bạn;
- Tiếp tục tạo mối quan hệ hữu nghị chặt chẽ và giao lưu trao đổi văn hóa giữa Phật giáo Nam tông trong khu vực.
Trên đây là phương hướng hoạt động của Ban Phật giáo Quốc tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiệm kỳ 2017-2022.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN THÔNG TIN-TRUYỀN THÔNG GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Với mục đích thực hiện theo chủ trương, thu nhập, tổng hợp các thông tin liên quan đến Giáo hội từ cấp tỉnh đến cơ sở và các thành viên của Giáo hội; hộ trì Chánh Pháp, bảo vệ Giáo hội; kiểm soát và loại bỏ các thông tin truyền thông không chính thống, thông tin bôi nhọ, làm xấu hình ảnh của Giáo hội, của chư Tăng Ni, Phật tử và làm sai lệch giáo lý, tôn chỉ của đạo Phật; đảm bảo mọi thông tin của Giáo hội ra bên ngoài trên phương tiện truyền thông là thống nhất và phản ánh đúng, đầy đủ, trung thực ý chí của Giáo hội;
Thực hiện chương trình hoạt động Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Ban Thông tin Truyền thông xây dựng phương hướng hoạt động nhiệm kỳ (2017-2022) như sau:
- Xây dựng và hoàn thiện đề án về nhân sự của Ban TT-TT tỉnh;
- Xây dựng nội quy làm việc của Ban TT-TT tỉnh;
- Thực hiện đúng theo chương trình hoạt động của Ban TT-TT TƯ và theo sự chỉ đạo của Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh;
- Thúc đẩy kiện toàn nhân sự Ban TT-TT cấp huyện, thành phố;
- Tổ chức viếng thăm Ban Trị sự, Ban TT-TT các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh;
- Cũng cố và kiện toàn Ban biên tập cổng thông tin điện tử chính thức của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tại địa chỉ:phatgiaobariavungtau.org.vn;
- Giúp đỡ Ban Trị sự các huyện Đất Đỏ, Bà Rịa, Tân Thành xây dựng cổng thông tin điện tử chính thức của huyện, thành phố;
- Mời cộng tác viên tham gia đưa tin về Phật giáo tỉnh nhà và các Phật sự tại địa phương, tham vấn các Ban ngành trực thuộc Ban Trị sự tỉnh hàng tháng có bài viết nghiên cứu chuyên ngành;
- Kết hợp với Văn phòng Ban Trị sự tỉnh, Ban Văn hóa Phật giáo tỉnh biên soạn bộ sách Lịch sử Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Kỷ yếu Đại giới đàn: 30 năm, một chặng đường. Hằng năm và với các sự kiện lớn của Phật giáo tỉnh cho xuất bản các bản tin;
- Kết hợp với Văn phòng Ban Trị sự tỉnh tổ chức họp báo trước các sự kiện Phật sự quan trọng do Ban Trị sự tỉnh tổ chức;
- Tích cực tuyên truyền Nghị quyết, Thông bạch, Nội quy các Ban ngành Trung ương và tỉnh đến Tăng Ni, tín đồ Phật tử và quần chúng nhân dân qua cổng thông tin;
- Hỗ trợ Ban Trị sự cung cấp thông tin cho báo chí, gửi thông báo tới các cơ quan quản lý Nhà nước về báo chí, các cơ quan truyền thông để cung cấp đầu mối phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí của Phật giáo tỉnh nhà;
- Tiếp tục bám sát các hoạt động Phật sự của Ban Trị sự, với Ban TT-TT tại các huyện, thành phố, Văn phòng BTS để cập nhật tin tức, đăng tải kịp thời các hoạt động Phật sự trong toàn tỉnh trên Website: phatgiaobariavungtau.org.vn và trên các phương tiện truyền thông xã hội, đài phát thanh truyền hình, báo in và báo điện tử;
- Thường xuyên tham vấn chư Tôn giáo phẩm cố vấn về công tác TT-TT nhằm qua đó xác định tư tưởng chủ đạo để phổ biến các thông tin về hoạt động Giáo hội;
- Mở rộng quan hệ với các cơ quan thông tấn báo chí tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và các tỉnh thành để chuyển tải thông tin Phật sự trong tỉnh ra các địa phương trên toàn quốc;
- Phối hợp với Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử xây dựng đề án Tổ chức chương trình Đạo hiếu và Dân tộc hàng năm;
- Phối hợp với Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử, Ban Từ thiện xã hội tổ chức các hoạt động chính như: Quy y Tam bảo cho đồng bào dân tộc, Tôn vinh các tấm gương hiếu thảo, vượt khó;
- Tiếp tục quản lý, điều hành, biên tập hiệu quả cổng thông tin của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh; tăng cường phối hợp cùng các website, Tạp chí Phật giáo để trao đổi chương trình, mở rộng phạm vi truyền thông Phật giáo phục vụ công tác hoằng dương Phật pháp và phối hợp xử lý khủng hoảng truyền thông;
Đoàn kết, thống nhất, tăng cường kỷ luật, đồng tâm hiệp lực của các thành viên trong Ban TT-TT;
Phát huy năng lực cũng như kinh nghiệm của các thành viên trong lĩnh vực thông tin truyền thông;
Chỉ đạo, giải quyết kịp thời những sự cố trong quá trình làm việc.
Thường xuyên xuống cơ sở để thực tế, qua đó đưa thông tin chính xác và nhanh chóng đến với công chúng;
Là nhịp cầu nối giữa Tăng Ni, Phật tử với các tổ chức ngoài xã hội;
Tôn trọng tập thể, làm việc khoa học theo tinh thần tập thể lãnh đạo, cá nhân thực hiện;
Trên đây là phương hướng hoạt động của Ban TT-TT nhiệm kỳ 2012-2017.
 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
BAN KIỂM SOÁT GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Ban Kiểm soát (BKS) Giáo hội Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong các Ban chuyên môn của Ban Trị sự tỉnh, hoạt động dựa trên Nội quy của Ban Kiểm soát Trung ương, chịu trách nhiệm trước Giáo hội tỉnh về những tham mưu, đề xuất, phối kết hợp với các Ban chuyên ngành thực hiện các qui định, Hiến chương GHPGVN; Xây dựng, phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của GHPGVN huyện thị, các Hệ phái, Tăng Ni, Phật tử trong tỉnh.
Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Kiểm soát Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trình phương hướng hoạt động như sau:
A. TỔ CHỨC NHÂN SỰ:
Suy cử, phân công phân nhiệm các chức danh thành viên Ban Kiểm soát Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Thành viên tham gia có đạo hạnh, lý lịch rõ ràng, có chuyên môn và trình độ phù hợp, chú ý Người trẻ; Mời các chuyên gia am hiểu về chuyên ngành Kiểm soát có ý kiến cố vấn ở các lĩnh vực liên quan Ban Kiểm soát Phật giáo. Tuyển chọn nhân sự trong các hệ phái Phật giáo có trình độ chuyên ngành, chuyên môn tham gia.
B. HOẠT ĐỘNG CỦA BAN KIỂM SOÁT :
1. Giám sát việc chấp hành Hiến chương Giáo hội, Quy chế và Nội quy hoạt động của Giáo hội PG tỉnh BR-VT;
2. Góp ý trực tiếp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh BR-VT trong vấn đề bảo vệ sự nghiêm minh của Hiến chương Giáo hội, Quy chế, Nội quy hoạt động của GHPGVN và Ban chuyên môn của Giáo hội cùng cấp; bảo vệ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của các thành viên Giáo hội, các huyện, thành thuộc tỉnh BR-VT;
3. Giám sát và phản biện đối với chương trình hoạt động Phật sự, cơ chế làm việc của bộ máy Giáo hội Phật giáo các cấp từ tỉnh BR-VT đến huyện, thành trong tỉnh và các Ban chuyên môn.
4. Ban Kiểm soát tỉnh BRVT có quyền và nghĩa vụ làm tham mưu cho Ban Thường trực; Lãnh đạo Giáo hội cùng cấp trong việc giám sát, đôn đốc, kiểm tra hoạt động Phật sự, cơ chế làm việc đảm bảo những quy định của Hiến chương được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất quản lý và điều hành;
5. Phối kết hợp Ban Pháp chế, Chánh Phó Thư ký GHPGVN tỉnh; tham mưu cho Ban Thường trực tỉnh BR-VT về hành chánh văn bản, chủ trương đường lối phù hợp với hiến chương GHPGVN và luật pháp Nhà nước;
6. Phối kết hợp với Ban Văn hóa, Ban Nghi lễ GHPGVN tỉnh BR-VT hoàn thành sách “Lịch sử Phật giáo tỉnh BR-VT”, Tọa đàm Văn hóa - Nghi lễ Phật giáo tỉnh BR-VT thuộc các truyền thống Phật giáo Bắc Tông, Nam Tông, Khất Sĩ trong tỉnh BR-VT;
7. Phối Kết hợp Ban Tăng sự, Ban Pháp chế Phật giáo tỉnh BR-VT tham mưu cho Ban Thường trực BTS tỉnh xử lý các vụ việc liên quan Tăng sự Phật giáo tỉnh.
8. Trong quá trình nghị sự và giải quyết công việc có liên quan, Ban Kiểm soát cùng cấp đề cao trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong tổ chức thực hiện, bàn luận và quyết định các Phật sự trọng yếu của Ban;
9. Thay mặt Ban Thường trực GHPGVN tỉnh BR-VT triển khai các công việc được phân công mang tính chuyên ngành đến Ban Kiểm soát cấp huyện thành phố trong tỉnh.
C. KẾT LUẬN:
Ban Kiểm soát Phật giáo tỉnh BR-VT là Ban Chuyên môn của GHPGVN tỉnh hoạt động phục vụ GHPGVN tỉnh BR-VT ổn định phát triển bền vững trong tổ chức của GHPGVN đúng theo phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội ”.

 
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG
PHÂN BAN NI GIỚI GHPGVN TỈNH BR-VT
NHIỆM KỲ 2017-2022
Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhiệm kỳ VI (2017-2022) đã thành tựu viên mãn, mở ra những hướng đi tích cực đầy tính năng động và sáng tạo. Những nhân tố mới đầy đủ năng lực và phẩm đức chắc chắc sẽ đem lại những thành tựu tốt đẹp cho công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà.
Là một thành viên trong lòng Giáo hội, Phân ban Ni giới luôn ý thức trách nhiệm chia sẻ sự lao nhọc cùng chư Tôn đức lãnh đạo Giáo Hội Tỉnh nhà trong mọi Phật sự, nỗ lực hoàn thành những công tác mà Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tin tưởng giao phó.
Tiếp nối và phát triển những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, Phân Ban Ni giới tỉnh BR-VT đề ra phương hướng hoạt động cho nhiệm VI (2017-2022) như sau:
I. TỔ CHỨC NHÂN SỰ
Trải qua hai nhiệm kỳ hoạt động, đến nay, Phân ban Ni giới đã ổn định về cơ cấu tổ chức và nội dung hoạt động. Đặc biệt trong nhiệm kỳ VI (2017-2022), thành viên của Phân ban Ni giới được phân bố đều ở các Huyện, Thành phố và các khu vực đông Ni chúng của Huyện Tân Thành. Mỗi địa phương đều có vị đại diện của Phân ban Ni giới tỉnh (cũng là thành viên của Ban Trị sự Phật giáo Huyện, Thành Phố) để chịu trách nhiệm tổng quát về chư Ni và là gạch nối giữa Phân ban Ni giới tỉnh với chư Ni địa phương.
Trong nhiệm kỳ VI, Phân ban Ni giới cũng cơ cấu những nhân tố trẻ có năng lực và tâm huyết cùng làm việc bên cạnh chư Tôn đức Ni, tạo nên sự hài hoà, vững mạnh, đầy tính kế thừa trong hàng ngũ lãnh đạo Ni giới tỉnh nhà. Tin rằng với hướng đi chuẩn mực và đầy thận trọng, Phân ban Ni giới trong nhiệm kỳ VI sẽ có những thành tựu khởi sắc về tổ chức và hoạt động.
II. HOẠT ĐỘNG PHẬT SỰ
Phân ban Ni giới chú trọng quan tâm và nhắc nhở chư Ni trong từng địa phương thực hiện đúng với tinh thần của Tỳ Ni Luật tạng, Hiến chương của Giáo Hội, Nội Quy Ban Tăng sự, Quy chế của Phân ban Ni giới Trung ương, pháp luật của nhà nước, đặc biệt tuân thủ sự chỉ đạo trực tiếp từ Ban Trị sự PG tỉnh và Ban Tăng sự tỉnh.
Bằng tất cả niềm tin và sự tôn kính, Phân ban Ni giới sẽ động viên, khuyến khích chư Ni tham gia thực hiện tốt các chương trình hoạt động Phật sự do Ban Trị sự PG tỉnh nhà và Phân ban Ni giới Trung ương đề ra.
1. Công tác Giám luật
Để bồi dưỡng kiến thức cần thiết về Giới Luật cho chư Ni trong đời sống tu tập cũng như công tác quản lý Ni chúng tại Tự viện, Phân ban Ni giới sẽ tiếp tục cử đại diện tham dự các lớp Bồi dưỡng Luật “Các pháp Yết Ma và Truyền Giới” ngắn hoặc dài ngày do Phân ban Ni giới Trung ương tổ chức cho chư Ni toàn quốc theo từng đợt trong năm.
Trong năm 2016, Phân ban Ni giới cũng đã tổ chức thành công lớp Bồi dưỡng Luật học (do Hòa Thượng Thích Minh Thông phụ trách) cho chư Ni toàn tỉnh tại chùa Kiều Đàm. Trong nhiệm kỳ này, Phân ban Ni giới tỉnh sẽ tiếp tục xin phép Ban Trị sự PG tỉnh tổ chức những lớp học ngắn ngày tương tự để chư Ni trong tỉnh có điều kiện củng cố những kiến thức căn bản về Luật học, tạo nền móng vững chắc cho quá trình tu tập và hành đạo.
Phân ban Ni giới sẽ tích cực tham gia, làm tròn trách nhiệm và chức năng của mình trong các công tác trực thuộc Ban Tăng sự tỉnh.
2. Công tác Hoằng pháp
Để giúp cho công tác tổ chức các buổi lễ hay điều hành các cuộc họp trong khuôn khổ Phân ban Ni giới hoặc các Tự viện Ni, Phân ban Ni giới sẽ cử đại diện tham gia các lớp đào tạo người dẫn chương trình do Phân ban Ni giới Trung ương tổ chức.
Phân ban Ni giới luôn mong mỏi chư Ni trong tỉnh được tham dự khóa Bồi dưỡng Trụ Trì do Ban Trị sự PG tỉnh tổ chức để chư Ni có cơ hội tham gia học hỏi những kiến thức và kinh nghiệm trong việc Hoằng pháp, đặc biệt trong vai trò là người đứng đầu một cơ sở tôn giáo.
Tiểu Ban Hoằng Pháp của Phân ban Ni giới tiếp tục duy trì việc thuyết giảng tại các Trường hạ Ni trong mùa An cư kiết hạ và tại các Đạo tràng Bát Quan Trai, đồng thời cơ cấu thêm những nhân tố mới có chuyên môn và đạo hạnh để đáp ứng nhu cầu thỉnh giảng từ nhiều Tự viện Ni trong và ngoài tỉnh.
3. Công tác Giáo dục
Trong nhiệm kỳ VI, Phân ban Ni giới tiếp tục phát triển công tác giáo dục thông qua việc giới thiệu các vị giáo thọ Ni trẻ có học vị giảng dạy tại Trường Phật học.
Trong khuôn khổ nội trú tại Ni viện Thiện Hòa, các Ni sinh hai khóa Cao Đẳng và Trung Cấp của Trường Phật học ngoài giờ học chính trên lớp sẽ được trau dồi thêm Luật học, và bồi dưỡng những kiến thức căn bản như Nghi lễ, thuyết trình và nhiều kỹ năng cần thiết khác để hành đạo.
4. Công tác Từ thiện–Xã hội
Tiếp tục phát huy thế mạnh Từ thiện Xã hội trong nhiệm kỳ qua, Phân ban Ni giới nhiệm kỳ VI sẽ tận tâm và nỗ lực hết sức để duy trì và phát triển mạnh mẽ các công tác từ thiện xã hội tại địa phương như phục vụ bếp ăn tình thương tại các bệnh viện, ủy lạo đến các trại mồ côi, viện dưỡng lão, Hội người Khiếm thị, Chữ Thập đỏ v.v...
Trong tinh thần “cứu khổ ban vui”, Phân ban Ni giới đã và sẽ luôn vận động chư Ni trong tỉnh tích cực tham gia các phong trào thiện nguyện tại địa phương cũng như tổ chức nhiều chuyến đi uỷ lạo, cứu trợ tại các tỉnh Miền Tây, Miền Trung, Miền Bắc ....
III. KẾT LUẬN
Trên đây là những phương hướng hoạt động của Phân ban Ni giới thuộc Ban Tăng sự tỉnh nhiệm kỳ VI (2017-2022). Bằng niềm tin và ý chí của người con Phật, Phân ban Ni giới cùng tất cả chư Ni trong tỉnh sẽ đoàn kết một lòng động viên nhau thực hiện tốt những công tác Phật sự trong nhiệm kỳ mới, góp phần làm vững mạnh và trang nghiêm ngôi nhà Phật pháp, làm lợi đạo ích đời, cùng hướng đến cuộc sống hòa bình, an lạc và hạnh phúc cho nhân loại.
Kính mong Ban Trị Sự Phật giáo tỉnh và quý cấp chính quyền quan tâm ủng hộ để Phân ban Ni giới có thể đóng góp sức lực của mình trong sứ mạng “lợi lạc quần sanh”.
Kính chúc chư Tôn đức, quý Quan khách và chư Phật tử vô lượng an lạc, vô lượng cát tường.
Ban biên tập
PGBRVT

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu