GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 10:55:57 01-12-2016 (GMT+7) Lượt xem:3138

Tổ đình Thiên Thai

Tổ đình Thiên Thai nằm ở phía Bắc chân núi Dinh Cố (ấp 3 xã Tam An, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; nay thành xã Tam Phước, huyện Long Điền), được khởi công xây dựng năm 1925 bởi Hòa Thượng Thích Huệ Đăng. Nhưng mảnh đất này trước đó đã là nơi trì niệm của sư tổ Huệ Đăng. Phía sau Tổ Đình có Thạch Động. Thạch Động được tạo dựng công phu trong hang đá, là nơi Hoà Thượng Huệ Đăng sông tu hành trong điều kiện lúc đầu chưa dựng được ngôi chùa như hiện nay.

Tổ đình Thiên Thai toạ lạc trên diện tích tương đối rộng (6ha), được chia làm 4 khu vực chủ yếu đó là : điện chính (Thiên Thai), Thạch Động, Thiên Khánh và Thiên Bửu Tháp (được xây dựng năm 1936). hai câu đối bằng chữ Hán trước cửa Thạch Động: "Tá thạch vi tường thục lão tăng cùng đáo đế, Vĩ phong tác chiến thuỳ chi đại đạo lạc vô cương" (tạm dịch: Đá mượn làm tường, ai có biết lão tăng nghèo đến thế; Gió dùng thay quạt, người đâu hay đạo lạc vô cương).

Cụ tổ Thiên Thai đạo hiệu Huệ Đăng (ngọn đèn Huệ soi sáng mãi tương lai), tên thật là Lê Quang Hoá, sanh năm 1873 tại xã An Đông, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định. Lê Quang Hoá tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp từ năm 17 tuổi. Năm 1895 phong trào chống Pháp của Phan Đình Phùng thất bại. Nhiều cơ sở, tổ chức ở Bình Định bị phá vỡ, anh em chiến sỹ bị bắt, bị tù đày. Ông tìm đường vào Nam và đi tu. Nhưng hoài niệm cứu nước vẫn canh cánh trong lòng bậc chân tu, thể hiện trong cuộc sống, trong giảng dạy đạo pháp Phật giáo cho đệ tử, đã đào tạo được nhiều tăng ni yêu nước. Những người trụ trì Thiên Thai đều thực hiện theo tinh thần đạo pháp gắn với dân tộc.

Tổ đình Thiên Thai.

Sư tổ Huệ Đăng vốn quen biết cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồi đầu mới dựng chùa, cụ phó bảng có ghé thăm và ở lại Thiên Thai một đêm để đàm đạo với Huệ Đăng.

Rời tổ đình Thiên Thai, du khách rẽ trái theo con đường tam cấp uốn lượn quanh núi Dinh Cố lên cao 82m để chiêm ngưỡng toàn cảnh đồng bằng trù phú Long Đất,Tân Thành vàn xa xa là Xuyên Mộc mờ ảo...

Trên đỉnh núi Dinh Cố có một ngôi miếu được xây dựng công phu trên những khối đá lớn, tương truyền đó là miếu thờ một hiền nữ, còn gọi là Dinh Cố. Không biết trước khi có danh sơn trên, núi Dinh Cố còn có tên gọi nào khác?

Một số người say mê tìm hiểu lịch sử địa phương cho rằng núi Dinh Cố xưa được gọi là núi Bà Rịa. Nếu quả thật như vậy thì giữa ngôi miếu thờ một hiền nữ không tên không tuổi được sử tịch ghi chép và lưu truyền kia với Bà Rịa, một nhân vật lịch sử có thật có mối quan hệ gì chăng?

Núi Dinh Cố không cao lớn, hình dáng như một chiếc nón khổng lồ úp trên cánh đồng Tam An. Lên Dinh Cố, du khách không quên vào miếu Hiền Nữ thắp hương. Theo nhân dân Tam An, từ khi Bà Cố qua đời ngọn núi này trở nên linh thiêng. Người ta truyền rằng đến đây dâng hương, cầu mong cuộc sống gặp nhiều may mắn, hạnh phúc sẽ được toại nguyện. Những huyền thoại thần bí về Bà Cố có thể đã được nhân dân thêu dệt thêm rất nhiều, âu đó cũng là mơ ước về con người tư đức, công hạnh để nhân dân tôn kính ngưỡng mộ.

ST

 

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu