GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LONG ĐIỀN - BÀ RỊA VŨNG TÀU

Cập nhật lúc 05:58:27 15-11-2018 (GMT+7) Lượt xem:7325

Đại Giới đàn Bảo Tạng: Kế thừa và Truyền thừa

Thời gian qua, Phật sự lớn diễn ra liên tục với những sự kiện quan trọng mang tính khoa học, giáo dục, hoằng pháp kể từ sau Đại hội Phật giáo tỉnh lần thứ 6 vào đầu năm 2017. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Giới đàn trong Nhiệm kỳ VI này với tầm vóc lớn hơn, chất lượng hơn về mọi mặt đã khẳng định bước đột phá ngoạn mục về tổ chức Giáo hội, hành chánh văn phòng.

1. Duyên khởi

Sau khi thành đạo, vào mùa mưa năm thứ 12, Đức Phật cùng với chúng Tỳ-kheo an cư tại xứ Verañjā theo lời thỉnh cầu của Bà-la-môn Verañja. Lúc bấy giờ, hạn hán liên tục nên dân chúng chịu cảnh khổ sở do nạn đói xảy ra tại xứ này, Đức Phật và chư Tăng phải dùng thức ăn của ngựa do một người buôn ngựa dâng cúng.
Một sự kiện tối trọng yếu trong mùa an cư này mở ra một hướng đi mang tính quy củ của Giáo hội Tăng-già thời sơ khai qua lời bạch hỏi của tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) với Đức Phật về thọ mạng của Chánh pháp. Thế Tôn đã giảng cho Tôn giả nghe về thọ mạng của Giáo pháp trong thời các vị Phật quá khứ. Tôn giả khẩn cầu Phật ban hành giới luật, nhưng Thế Tôn đã từ chối lời thỉnh cầu ấy. Sự kiện này được ghi lại trong Luật Ngũ phần, quyển 1: Bạch đức Thế Tôn! Làm sao để Chánh pháp của đức Như Lai, sau khi Như Lai diệt độ rồi Chánh Pháp ấy được tồn tại lâu dài? Đức Phật nào mà có nói giới nói pháp thì chúng đệ tử nhờ đó để tu hành, làm cho Chánh Pháp được cửu trụ lâu dài.

Bạch Thế Tôn! Tại sao con không thấy Thế Tôn chế giới mà chỉ nói pháp?
Này Xá-lợi-phất, ta biết thời phải làm gì, nay chưa đến thời ta chưa chế giới. Khi nào trong Tăng chúng có việc vì danh lợi, vì hữu lậu xảy ra thì Như Lai mới chế giới. Nếu Ta chế Giới trước khi vi phạm, thì người đời sẽ phỉ báng ta. Họ sẽ bảo rằng tôi không có gây tội, sao lại cưỡng chế ra Giới luật. Đây không phải là Nhất Thiết Trí. Như thế là Như Lai không có tâm từ bi, không lợi lạc, không bảo bọc chúng sanh. Như người không có con lại nói rằng sẽ sanh con vào giờ ấy. Chuyện ấy không thể tin, vì không chân thật. Nếu thật sự thấy đứa con người ta mới tin được, cũng thế hữu lậu chưa sanh, tội chưa làm, trời người chưa thấy làm sao chế Giới được. Cho nên cần phải thấy rõ phạm tội, rồi sau đức Thế Tôn mới chế Giới, đây là đúng thời. Này Xá-lợi-phất, như y sĩ biết là nguyên nhân tật bịnh và biết thuốc nào để trị bịnh ấy. Sau đó, nhiều trường hợp các tỳ-kheo thiếu kỷ cương sống phóng túng khiến cho Giáo đoàn của Phật
chịu không ít tai tiếng, lại có nhiều ý kiến mâu thuẫn. Để giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh gây ảnh hưởng đến phạm hạnh và uy tín của Tăng đoàn,Thế Tôn bắt đầu chế giới để đối trị những lỗi lầm đã xảy ra, ngăn ngừa hành vi bất thiện pháp sắp vi phạm hay đã phạm thì phải sám hối, đồng thời duy trì uy tín của Tăng đoàn.
Như vậy, khoảng năm thứ 13 sau khi thành đạo, đức Phật chính thức chế giới trên tinh thần tùy phạm tùy chế.

2. Thánh địa Tòng Lâm -Lịch sử và sự kiện
2.1. 25 năm - chặng đường kế thừa

Giáo pháp của đức Phật đã được truyền thừa cụ thể, liên tục suốt dặm dài hơn 25 thế kỷ qua, với tâm nguyện bao la và lý tưởng hoằng dương chánh pháp nhiệt thành của các thế hệ Thánh đệ tử của Ngài. Chặng đường dài đó được tô thắm bằng sự hộ trì các căn qua con đường pháp trì giới luật, chính giới luật là thước đo của mọi ý kiến, quan điểm và hành động để hành giả có khả năng thẩm thấu chân giả, hư ngụy trước sự biến chuyển của vạn pháp. Tinh thần tôn trọng giới pháp được xây dựng trên nền tảng của tuệ giác và ý thức “tự mình xây dựng hòn đảo cho chính mình, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình” (Tương V, 170). Khi đặt chân đến vùng núi rừng Thị Vải khoảng năm 1953, khai khẩn 100 héc-ta đất rừng địa phận Phú Mỹ giữa lúc đất nước ngập chìm trong khói lửa chiến tranh, Hòa thượng Luật sư Thích Thiện Hòa (1907-1978) đã có tầm nhìn bao quát với một trung tâm tu học tầm cỡ dành cho Tăng Ni của khu vực với nhiều cơ sở riêng phù hợp với tâm nguyện và pháp hành của từng đối tượng Tăng Ni, Phật tử trong khu vực phức hợp dành cho cộng đồng Phật giáo tại Đại Tòng Lâm này, như: Chuyên tu viện, Phật học viện, Giới luật viện, Phiên dịch viện, Dưỡng lão viện … Từ ý tưởng này, với danh nghĩa Trị sự trưởng Giáo hội Tăng-già Nam Việt và tư cách trụ trì chùa Ứng Quang (nay gọi là Ấn Quang), ngày 27 tháng 06 năm 1953 Hòa thượng Tổ sư đã dốc toàn tâm toàn lực cho việc vận động tài chánh của bà con bổn đạo tại Sài Gòn, Chợ Lớn lo việc khai hoang, xây dựng các cơ sở Phật giáo; đồng thời, đào tạo Tăng tài để

dự nguồn nhân sự quản lý và điều hành Phật sự nơi này. Chỉ tiếc nhân duyên bất túc, tâm nguyện chưa thành thì Hòa thượng Tổ sư viên tịch trong bối cảnh khó khăn chung của đất nước vào năm 1979, để lại cơ đồ lớn với trọng trách oằn vai cho các vị đệ tử lớn kế nghiệp. Tiếp theo, thế hệ kế thừa qua các đời Giám đốc là cố HT. Thích Minh Hạnh (Huệ Thới), HT. Thích Minh Thành, TT. Thích Minh Phát, HT. Thích Nhật Quang cũng đem hết tâm lực ra thừa hành Phật sự nhưng vẫn còn đó nỗi đợi chờ “nhân duyên - thời tiết” cho đất nhuần mưa ngọt, người thấu thiền cơ. Ngược dòng lịch sử, phải để lòng suy ngẫm cho thế sự và thời cuộc diễn ra trên mãnh đất nhiều thăng trầm này mới thấy và hiểu được công đức của tiền nhân.
Năm 1658, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đưa 2.000 quân vào thành Mô Xoài của Chân Lạp với lý do bảo vệ những cư dân người Việt đã vào đây làm ăn sinh sống. Sau trận này, Chân Lạp xin được làm chư hầu và triều cống hàng năm. Năm Giáp Tuất, Thái Tông thứ 27 (1674), Chúa Hiền lại sai Nguyễn Dương Lâm và Nguyễn Diên đem quân trấn lũy Bô Tâm của Chân Lạp mà về sau người Việt gọi là Lũy cũ Phước Tứ (vùng thị trấn Long Điền ngày nay). Thời Pháp thuộc, tỉnh Bà Rịa được thành lập vào tháng 12/1899 trên địa bàn phủ Phước Tuy của tỉnh Biên Hòa. Tháng 10/1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lập tỉnh Phước Tuy gồm địa bàn tỉnh Bà Rịa và quần đảo Hoàng Sa. Từ tháng 3/1963 đến tháng12/1963 và từ tháng 11/1966 đến tháng 10/1967, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam sáp nhập tỉnh Bà Rịa với tỉnh Biên Hòa và tỉnh Long Khánh thành tỉnh Bà Biên. Rồi đến tháng 02/1976, vùng đất này lại sáp nhập vào tỉnh Đồng Nai. Từ ngày 30/5/1979, lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo. Từ ngày 12/8/1991, chính thức thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gồm các phần đất Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và 3 huyện Châu Thành, Long Đất và Xuyên Mộc thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai. Riêng vùng đất Đại Tòng Lâm tọa lạc này thuộc thôn Quảng Phú, xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành lại một lần nữa chịu sự biến thiên của lịch sử, ngày 02/6/1994, huyện Châu Thành lại chia thành ba đơn vị hành chánh là thị xã Bà Rịa và 2 huyện: Châu Đức, Tân Thành. Vùng đất bé nhỏ này được hình thành và tồn tại từ máu xương, tâm huyết của bao thế hệ người đi trước. Năm 1995, Ban Quản trị Đại Tòng Lâm được thành lập do cố HT. Thích Đồng Huy làm Trưởng Ban thì thật sự mới có kế hoạch lâu dài cho dự án kiến thiết và giáo dục tại khu Thánh địa nổi tiếng này. Nhưng thật sự khởi động cho mọi hoạt động xây dựng cơ sở Đại Tòng Lâm trở thành quy mô như ngày nay là do HT. Thích Quảng Hiển một tay quán xuyến, tạo dựng và đảm đương từ năm 1993, và tổng khởi công các dự án lớn vào năm 2002. Đã 25 năm đi qua trong dòng biến dịch của thời cuộc, HT. Thích Quảng Hiển chính là người kế thừa rạng rỡ di nguyện thiêng liêng của Tổ sư khai sơn, phát dương quang đại vùng này thành Trung tâm tu học và sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của Phật giáo mang nhiều ưu việt về giáo dục, hoằng pháp thời hội nhập trong khu vực và cả nước. Bên cạnh đó, thế mạnh giáo dục Phật giáo đã làm thành một Đại Tòng Lâm của lịch sử. Trường Trung cấp Phật học Đại Tòng Lâm được thành lập vào năm 1991, có tiền thân là Lớp Bổ túc Giáo lý tại chùa Huê Lâm 2 của cố Sư trưởng Như Thanh và chùa Niết Bàn cạnh chân núi Thị vải của cố HT. Thích Thiện Phụng, rồi hình thành Trường Cơ bản Phật học tỉnh Đồng Nai, đây là ngôi trường Trung cấp Phật học thứ hai trên toàn quốc được thành lập sau biến cố lịch sử 1975. Sau 25 năm hình thành và phát triển, Trường đã đạo tạo được 7 khóa Trung cấp và 5 khóa Cao đẳng với hơn 3.000 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, số lượng này hiện đã và đang phục vụ cho Giáo hội trên nhiều lĩnh vực nhằm mục đích phụng sự nhân sinh và xã hội khắp trong nước và hải ngoại. Nếu nói thành công, thì một tỉnh lẻ như Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh thành công về mặt giáo dục và tổ chức Giáo hội, hiện nay với hơn 400 cơ sở tự viện và gần 5.000 Tăng Ni tu học trong tỉnh đã khẳng định được vị thế của mình về sức mạnh đoàn kết khi thừa hành các hoạt động Phật sự.
2.2. Đàn giới của an bình

Kinh Tăng-chi I có ghi câu chuyện một Bà-la-môn nọ khi bái kiến đức Phật, nêu lên dư luận của giới quý tộc về thực trạng số lượng và chất lượng của Tăng chúng tỷ lệ nghịch với nhau rằng: Trước kia các Tỳ-kheo ít nhưng có nhiều bậc thượng nhân, có nhiều thần thông biến hóa; giờ thì các Tỳ-kheo nhiều nhưng lại ít có bậc thượng nhân, ít có thần thông. Đức Phật giải thích: thần thông có ba loại là thần thông biến hóa, thần thông biết tâm ý kẻ khác, và thần thông giáo hóa; trong đó, thần thông giáo hóa là quan trọng nhất, vì thể hiện khả năng giáo hóa của các Tỳ-kheo. Đương nhiên sẽ có sự bất đồng về khả năng chứng ngộ trong tu tập, nhưng việc hoằng truyền chánh pháp tạo nên một đoàn thể lớn mạnh về số lượng là một thành quả đáng trân quý của những con người đang không ngừng hoàn thiện mình trên tinh thần thanh tịnh, tự giác, và hòa hợp. Chứng ngộ là quá trình thăng tiến của tuệ giác, truyền thống tâm linh này của người xuất gia hoàn toàn khác hẳn với cư sĩ tại gia. Do không thể đơn duyên mà thành tựu viên mãn các công đức tu tập, nên vấn đề trao và giữ các phép tắc, luật lệ, phương thức của các Tỳ-kheo đã trở thành cương lĩnh sinh hoạt trong Tăng đoàn. Nhưng trong một tập thể tổ hợp của đa thành phần thì không thể không có phần tử xấu và những chướng ngại, cho dù tổ chức có chặt chẽ với đa số thành viên tốt.

Sự hiện diện của đức Phật thì mọi việc nhanh chóng được giải quyết, nhưng dần về sau thì vấn đề bất hòa, vi phạm của các Tỳ-kheo không dễ dàng như thế, chính vì sự chểnh mảng, buông lung, tham đắm sắc dục thâm nhập sinh hoạt Tăng đoàn, và các truyền thống yết-ma, trì giới, thiền định không được áp dụng triệt để. Tính đến thời điểm này, vấn đề nghi quĩ hay giới luật trong thiền gia thực vẫn còn nhiều điều bất nhất và chưa chặt chẽ, thậm chí còn tùy tiện “chế định” theo quan điểm cá nhân, môn phong, hệ phái. Giao tranh khốc liệt thời Nam Bắc triều, Hương Hải thiền sư cũng đã chẳng ngại trùng dương sóng dữ, dong thuyền ra xứ Đàng Ngoài liên tục mở đàn thí giới, khôi phục thiền phái Trúc Lâm dưới sự hộ trì của ChúaTrịnh. Xứ Đàng Trong, các Chúa Nguyễn noi gương các bậc thánh quân, lấy tinh thần “Quốc vương đại thần duy trì Phật pháp” mà ủng hộ việc thỉnh tăng hoằng dương Phật pháp, kiến tạo già-lam, trùng hưng phạm vũ; năm Giáp Tuất (1694) chúa Nguyễn Phúc Chu cử người qua Quảng Đông, Trung Quốc thỉnh Hòa thượng Thạch Liêm ở chùa Thọ Tông sang hoằng truyền giới pháp, và đích thân Chúa phát tâm tổ chức Giới đàn ở chùa Thiền Lâm từ ngày mồng 01 đến 12 tháng 4 năm Ất Hợi (1695) thỉnh Hòa thượng truyền giới Sa-di, tỳ-kheo, đàn truyền giới Bồ-tát cho công hầu khanh tướng, tông tộc Chúa Nguyễn và đích thân Chúa cũng thọ Bồ-tát giới, tổng cộng Đàn giới có hơn 1.400 giới tử. Đại Tòng Lâm, suốt 25 năm qua với 8 lần tổ chức Đại Giới đàn đã truyền giới cho gần 10.000 giới tử Tăng Ni đã nghiễm nhiên trở thành Thánh địa Phật giáo với niềm tự hào của Tăng Ni cả nước. Không phải có phương tiện tài chánh dồi dào, địa lý thuận lợi, nhân sự đông đủ mà tổ chức thành công viên mãn Đàn giới trong niềm kính tin vô biên của hàng Tăng Ni giới tử xa gần, mà chính nhờ vào yếu tố hòa hợp, trách nhiệm và nhiệt thành của các thế hệ Tăng Ni có duyên đã và đang hành đạo, giáo hóa tại Thánh địa linh thiêng này. “Đồng Huy”, tên gọi của Giới đàn mang thâm nghĩa khơi ngồn ánh sáng chơn tâm đồng nhất từ bản thể uyên nguyên vốn có của mỗi người: trạm tịch và lãng chiếu, vô tướng và vô trụ. Không phải mười phương giới tử câu hội về đây để thực hiện lễ nghi thụ phong chức vị như một số người thường nghĩ, dù có ảnh hưởng bởi phong tục tập quán lễ chế phong kiến Trung Hoa tấn phong giáo chức cho các bậc cao tăng thạc đức tham gia quản lý, hướng dẫn đồ chúng cùng chính quyền đương thời, nhưng tự thân Giới đàn mang ý nghĩa thuần túy và trọng đại là khai Đàn tràng “chọn người làm Phật trong tương lai”. Chính vì thế, Tuyển Phật trường là nơi truyền giới cho người bỏ hết thế duyên, sống đời xuất gia phạm hạnh để trao dồi phẩm đức thanh cao của người cầu đạo giải thoát. Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 14, chương Đan Hà Thiên Nhiên có chép câu chuyện: Ngài Đan Hà vốn theo Nho học, khi sắp đi thi thì có một thiền khách vấn kế chọn con đường làm quan không bằng chọn con đường làm Phật. Đan Hà hỏi: “Muốn chọn con đường làm Phật (tuyển Phật) nên đến chỗ nào? Thiền khách đáp: “Hiện nay ở Giang Tây có Mã đại sư xuất thế, đó là Tuyển Phật trường”. Nghe xong, Ngài Đan Hà đến yết kiến Mã đại sư để mong tỏ ngộ tâm tông. Người xưa dõng mãnh cầu đạo, chẳng màng danh vị thế gian buộc ràng, quyết lòng gác ngoài tai muôn duyên giả ảo, lo nuôi lớn hạt giống bồ-đề. Hội đủ các điều kiện này, hành giả mới có thể lãnh hội và hành trì giới pháp, thực hiện thệ nguyện ban đầu của người đã từng “thấu rõ”.
Ngày 14 tháng 11 năm 2018.
Đàn giới lần này, Ban Tổ chức rất chu đáo cung thỉnh chư Tôn tịnh đức Tăng Ni về yết-ma kiết giới, đăng đàn tác pháp truyền giới, cụ bị tất cả những hành nghi nội ngoại đàn mang sắc thái thâm nghiêm, linh thiêng và cổ kính trong truyền thống văn hóa Phật giáo, nhằm đáp lại tâm thành tha thiết cần cầu giới pháp của giới tử khắp nơi:
Ngoại đàn:
. Khai đàn Hòa thượng, Ban Kiến đàn;
. Sám chủ sư, Kinh sư, Công văn sư.
Nội đàn:
. Đường đầu đắc giới Hòa thượng, Chư Giới sư;
. Tuyên Luật sư, Tứ vị Dẫn thỉnh giám đàn.
Thời gian qua, Phật sự lớn diễn ra liên tục với những sự kiện quan trọng mang tính khoa học, giáo dục, hoằng pháp kể từ sau Đại hội Phật giáo tỉnh lần thứ 6 vào đầu năm 2017. Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Giới đàn trong Nhiệm kỳ VI này với tầm vóc lớn hơn, chất lượng hơn về mọi mặt đã khẳng định bước đột phá ngoạn mục về tổ chức Giáo hội, hành chánh văn phòng. Thành quả này đạt được chính nhờ tài lãnh đạo của Hòa thượng Trưởng ban và sự đóng góp trí tuệ, năng lực của tập thể Chư Tôn đức Tăng Ni trong Ban Trị sự tỉnh, hứa hẹn một tương lai xán lạng cho sự nghiệp kế thừa và phát triển toàn diện mọi Phật sự.
2.3. Mây trắng ngàn phương.
Nhớ chuyện xưa, mùa mưa thứ 14 sau khi thành đạo, Đức Phật cùng với chư Tăng nhập hạ tại ngôi đại Tinh xá Kỳ Viên (Jetavana) do trưởng giả Cấp Cô Độc (Anāthapiṇḍika) kiến tạo gần kinh thành Sāvatthi. Trong mùa an cư này, Sa-di La-hầu-la (Rāhula) tròn 20 tuổi nên được thọ giới Tỳ khưu với Tôn giả Xá-lợi-phất làm thầy tế độ. Để rồi, sau đó Tăng đoàn có một La-hầu-la mật hạnh đệ nhất. Người mang hoài bão xuất gia thì phải tìm nương với một vị thầy có phẩm hạnh, kiến thức và thệ nguyện. Bất luận ai, không ý thức được chuyện phát tâm thực hành các pháp môn tự giải thoát mình thì chẳng bao giờ có cơ hội để giáo hóa, tế độ người khác. Được bổn sư cho phép thọ giới, giới tử nhất định phải dụng tâm tha thiết khi đến Giới trường mới mong đắc giới để an định tâm niệm trên đường hàng phục thân tâm, kiến tạo đời sống tịnh lạc trên nền tảng giới định tuệ. Chẳng phải suy luận nhiều, mỗi nữa tháng đến ngày trưởng tịnh, thầy tế độ nhắc nhở sau khi trùng tuyên lại các giới đã thọ: “Các sa-di lắng nghe! Thân người khó được, giới pháp khó gặp, thời khắc dễ qua, đạo nghiệp khó thành. Các vị cố gắng giữ thân khẩu ý cho thanh tịnh, siêng học kinh luật luận. Cẩn thận, đừng có buông lung!” Điều tối trọng đối với giới tử là xác định lập trường cho vững chắc về vấn đề thọ giới sau khi đã thấu hiểu lợi ích của giới pháp. Các giới tử phát tâm dõng mãnh thọ giới để làm gì? Chắc chắn một điều, giới tử từ ngàn dặm xa về Tuyển Phật trường không phải đăng đàn thọ giới cốt để xưng tỳ-kheo cho thiên hạ nể mặt, hay vì hu cầu lợi dưỡng; phải dốc lòng hành trì giới sau khi được truyền trao mới là mục đích của người xuất gia chơn chánh. Nói khác hơn, dòng sinh mạng của Tăng già chính là sự giữ gìn giới luật nghiêm tịnh, và đời đời các thế hệ Tăng lữ trao tay nhau ngoại vật y bát qua các nghi thức của Đàn truyền giới, nhưng nội tại ẩn tàng yếu tính truyền thừa mạng mạch Phật pháp qua sự cẩn tu phạm hạnh của Tăng-già. Thế nên, luật Tứ phần, Ngũ phần đều quy định giới tử trước khi thọ giới phải không vướng mắc 13 chướng ngại (già nạn). Chính những chướng nạn này làm trở ngại việc tu tập và phát triển của cá nhân và ảnh hưởng đến sự tồn vinh của tổ chức Tăng đoàn sau này. Do vậy, khi tuyển chọn người xuất gia học Phật, các vị Thầy cần phải tuân thủ một số điều kiện tương đối nghiêm ngặt, tuyển chọn những người có thân tướng đoan nghiêm và phẩm chất ưu việt để gia nhập cộng đồng những người mang trọng trách sứ giả của Như Lai. Điều này hoàn toàn không vì mục đích tự cao tự mãn, mà vì sự nghiệp trường tồn của Phật pháp thể hiện qua nếp sống nghiêm túc, thanh tịnh của người xuất gia đúng nghĩa nhằm trách sự chê hiềm của thế nhân và giúp cho người đời phát khởi tín tâm. Từ nhận thức này, chúng ta có thể nhận thức về Giới tử đến Giới trường cầu thọPhật giới chính là xác định trách nhiệm của mình đối với bản thân, đạo pháp và dân tộc. Trong Khóa Hư Lục - Thụ giới luận, Trần Thái Tông viết: “Kinh vân: Giới như bình địa, vạn thiện tòng sinh. Giới như lương y, năng liệu chúng bệnh. Giới như minh châu, năng phá hôn ám. Giới như thuyền phiệt, năng độ khổ hải”. (Giới như đất bằng phẳng, muôn vật đều phát sanh; giới như thầy thuốc giỏi, hay chữa lành các bệnh; giới như viên ngọc sáng, chiếu phá chỗ tối tăm; Giới như chiếc bè báu, đưa người qua bể khổ). Công năng của giới là tiêu trừ ác nghiệp đã và đang có nguy cơ nảy mầm, phát khởi và tăng trưởng thiện nghiệp chưa phát sinh, chính nhờ giữ giới mà giới tử có thể tiếp cận được cảnh giới giác ngộ và giải thoát.Trong Luật Thiện Kiến, Đức Phật từng dạy tôn giả A-nan có 5 điều khiến cho giáo pháp Như Lai tồn tại lâu dài:
1. Hàng đệ tử Phật biết tuân giữ Tỳ-ni;
2. Tịnh Tăng thành chủng: Dù chỉ có 5 người xuất gia mà giữ giới thanh tịnh, thì đó cũng là một yếu tố quan trọng để giáo pháp tồn tại lâu dài;
3. Truyền thọ bất diệt: Nếu ở Trung Quốc có 10 người lập giới đàn truyền thọ giới xuất gia, ở biên quốc có 5 người, sự truyền thọ như thế dưới hình thức 10 người hay 5 người, từ chỗ này đến chỗ khác, quốc độ này đến quốc độ khác, cũng là yếu tố khiến Phật pháp trụ thế lâu đời;
4. Hạnh nghiệp thanh tịnh: Khi đã lãnh thọ giới pháp thì giới pháp chính là những mối ưu tư những mục tiêu tuân hành. Nếu chúng Tăng phạm giới mà liền biết sám hối, tập chúng 20 người theo Luật định, để xuất tội nặng những vị Tỳ-kheo phạm giới, khiến cho những vị ấy cũng được thanh tịnh như bao nhiêu vị Tỳ-kheo khác, thì đó là yếu tố làm cho giới pháp tồn tại lâu dài;
5. Trụ trì vĩnh cửu: Với tất cả tấm lòng phát tâm thọ giới và hội đủ các điều kiện nói trên, các giới tử được Hội đồng Thập sư trao truyền giới của mười phương chư Phật ba đời. Hôm nay các Giới tử vượt đường xa đến đây cầu thọ giới pháp, tinh thần bất diệt chính ngay chỗ phát tâm thọ giới và dụng tâm trì giới trên tinh thần phụng sự Tam bảo khiến cho Chánh pháp tóa sáng ở thế gian.

3. Lời kết.
Nhiều tu sĩ Phật giáo ngày nay cảm thấy không thoải mái, thậm chí khó chịu khi buộc phải học tập và hành trì giới luật, dù là đã thọ giới rồi. Giới luật chỉ có công dụng bảo hộ và ngăn ngừa những điều đưa đến khổ đau mà thôi, hoàn toàn tự nguyện chư không có tính cách ràng buộc. Người thấy khó chịu chỉ vì không hiểu giá trị của giới luật, quen sống buông lung tâm ý, chạy theo dục lạc tầm thường mà cho giới luật ràng buộc, từ đó cảm thấy khó chịu. Đó là nguyên nhân dẫn đến thoái hoá trong Tăng đoàn Phật giáo. Chính từ nguyên nhân này dẫn đến một vài phong trào đòi cách tân giới luật, đòi bỏ những qui tắc truyền thống, thay vào đó là chỉnh sửa một số điều khoản. Thiết nghĩ, không ai thời đại này có đủ tư cách để thay đổi những điều mà Đức Phật đã chế mang tính “kinh điển” đã tồn tại suốt 25 hế kỷ qua. Vả chăng, nên bổ sung thêm một số điều để giúp hành giả giữ phạm hạnh trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, khoa học kỹ thuật phát triển vượt bực, vì chính mặt trái của nó phát sinh nhiều bất thiện, nhiễm ô cho người sử dụng.
Bích Nham Lục, quyển hạ ghi: “Tuyển Phật trường là tuyển những người tu hành, sau này có khả năng thành Phật, thành Tổ. Nếu tuyển người làm Phật, Tổ mà không có con mắt như thế thì dù một nghìn năm cũng không làm được việc gì”. Xem ra tuyển người học Phật và làm Phật trở thành một Phật sự vô cùng kỳ quan trọng, không chỉ Ban Tổ chức Giới đàn mà cả một Giáo hội ăng-già bất cứ thời đại nào, không gian nào trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp, nhất là những người chính thức đứng vào hàng ngũ Tăng-già thực thi sứ mệnh tự độ và độ người.

Tỳ kheo: Thích Thiện Thuận

TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tâm Hạnh dịch, Tăng-già-bạt-đà-la, Chú giải Luật Thiện kiến;
- Thái Đạm Lư, Tuệ Đăng dịch, Phật Giáo Thánh Điển;
- Thích Đỗng Minh dịch, Thích Nguyên Chứng, Thích ĐứcThắng hiệu chính và chú thích, Tứ Phần Luật;
- Thích Đạt Dương dịch, Thiền môn Trường hàng luật;
- Thích Hành Trụ dịch, Sa-di Luật Giải;
- Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ Điển Phật Học Huệ Quang;
- Thích Minh Phước dịch, Tứ Phần Luật Hàm Chú Giới Bổn;
- Thích Minh Thông, Đề Cương Luật Học Phật Giáo Đại Cương;
- Thích Phước Sơn dịch, Thích Đỗng Minh chứng nghĩa, Ma-ha Tăng-kỳ Luật;
- Thích Thiện Hòa, Giới Đàn Tăng;
- Thích Thiện Siêu, Cương Yếu Giới Luật;
- Thiền sư Viên Ngộ, Thích Mãn Giác dịch, Bích Nham Lục;
- Trần Thái Tông, Thích Thanh Từ dịch, Khóa Hư Lục

Ý kiến phản hồi

Xin vui lòng gõ Tiếng Việt có dấu